CHIẾN TRANH TIỀN TỆ - KHÔNG TUYÊN MÀ CHIẾN
Phần VIII
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Chúng tôi giống như một bầy sói đứng trên sườn núi cao trông xuống bầy nai tơ gần đó. Nếu so sánh nền kinh tế Thái Lan với dáng dấp của một con hổ nhỏ của châu Á thì chẳng bằng so với một con thú săn đã bị thương. Chúng tôi chọn con thú đã bị thương, là để bảo vệ cho cả bầy nai được an toàn và mạnh khỏe(1).
...
“Việc “giải thể có kiểm soát” nền kinh tế thế giới ở một mức độ nào đó là một mục tiêu hợp lý của thập niên 80”(5).
Vấn đề là giải thể ai và giải thể như thế nào?
Đối tượng của công cuộc giải thể này đương nhiên là các nước thuộc thế giới thứ ba đang nợ nần chồng chất, tiếp đến là Liên Xô và Đông Âu. Vừa mới lên nhậm chức, Warburg đã phất cao ngọn cờ công kích nạn “lạm phát tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới”, phối hợp chặt chẽ với đồng minh Anh khiến cho các khoản vay bằng đồng đô-la trở nên có giá đến mức không gì sánh nổi. Lãi suất bình quân tăng từ 112% năm 1979 lên 20% năm 1981, lãi suất cơ bản cao hơn đến 21,5%, lãi suất công trái tăng vọt lên 17,3%.
Tháng 5 năm 1979, khi trớ thành Thủ tướng Anh, Thatcher tuyên bố rằng “cần phải loại bỏ nạn lạm phát tiền tệ ra khỏi nền kinh tế”. Mới lên nắm quyền được một tháng, bà đã đưa mức lãi suất cơ bản từ 12% tăng lên 17% chỉ trong vòng 12 tuần, đẩy giá thành khoản vay nợ của các ngành nghề tăng cao đột biến lên 42% - một điều chưa từng xảy ra ở bất kỳ nước nào trong số các quốc gia công nghiệp hoá thời kỳ hoà bình. Vì thế mà Thatcher đã được mệnh danh là “bà đầm thép”.
Cái giá phải trả cho chính sách “chống lạm phát tiền tệ” là nền kinh tế đã rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, người dân và giới thương nghiệp phải gánh chịu nỗi thống khổ, trong khi các nhà tài phiệt ngân hàng Anh - Mỹ lại kiếm được bộn tiền.
Các khẩu hiệu như cắt giảm chi tiêu chính phủ, giảm thuế, xoá bỏ kiểm soát nghề nghiệp, đánh đổ lực lượng công đoàn… được xướng lên vang tận mây xanh. Các quốc gia đang phát triển ngày càng lâm vào cảnh nợ nần và đối mặt với nguy cơ khó có khả năng chi trả trầm trọng. Lúc này, nợ của các quốc gia đang phát triển tăng từ 130 tỉ đô-la Mỹ vào tháng 5 năm 1973 - thời điểm diễn ra hội nghị Bilderberg - lên mức 612 tỉ đô-la Mỹ vào năm 1982, nghĩa là gấp 5 lần.
Trong khi Anh và Mỹ phất cao khẩu hiệu “chống lạm phát tiền tệ”, đẩy lãi suất tăng cao đột ngột lên khoảng 20% thì mức lãi suất cắt cổ từ những khoản nợ kếch xù đã khiến các quốc gia đang phát triển lâm vào cảnh “cá nằm trên thớt”.
Các nước Á, Phi, Mỹ Latin vốn không hề có ý thức đề phòng cuộc chiến tranh tiền tệ đã phải trả giá đắt cho sự lơ là của mình.
Tại hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 30 tháng 9 năm 1982, Schultz - Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã chỉ ra rằng, Quỹ tiền tệ quốc tế cần phải tăng cường đốc thúc việc trả nợ của các quốc gia đang phát triển. Ông kêu gọi các quốc gia này phải làm thế nào để khiến cho hàng hoá xuất khẩu của họ trở nên “hấp dẫn phương Tây hơn”. Ông cũng cho rằng, chỉ có “mậu dịch tự do” mới có thể cứu vãn được họ, ngoài ra, việc tăng cường mức độ xuất khẩu tài nguyên có thể giúp các nước này đẩy nhanh quá trình hoàn trả hết các khoản nợ của họ.
Lopez Portillo - tổng thống Mehico - đã thẳng thắn vạch ra mưu đồ này khi cho rằng, sách lược của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế Anh - Mỹ chính là việc sử dụng con dao hai lưỡi - lãi suất cao và giá cả nguyên vật liệu tăng cao - nhằm bóp nghẹt những thành tựu mà các quốc gia đang phát triển có được đồng thời làm mất đi khả năng tiến bộ của các quốc gia còn lại. Sâu xa hơn, ông yêu cầu các quốc gia đang phát triển cần phải ngừng ngay việc chi trả các khoản nợ bằng cách chỉ ra rằng:
Mehico và các nước thuộc thế giới thứ ba khác không thể hoàn trả nợ đúng hạn nếu căn cứ vào những điều kiện sai lệch quá nhiều so với thực tế. Là những nước đang phát triển, chúng tôi không muốn trở thành những kẻ phụ thuộc vào các nước phương Tây. Chúng tôi không thể làm tê liệt nền kinh tế của nước mình hoặc khiến cho người dân rơi vào tình cảnh bi thảm hơn khi hoàn trả những khoản nợ này. Chi phí cho các khoản nợ này đã tăng lên ba lần rồi nhưng chúng tôi không hề được hỏi ý kiến, vì thế, chúng tôi không chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chúng tôi đang nỗ lực để giảm thiểu nạn đói nghèo, bệnh tật, thiếu hiểu biết, sự ỷ lại và những nỗ lực này không thể gây nên nguy cơ khủng hoảng mang tính quốc tế(6).
Điều đáng tiếc là Portillo đã buộc phải từ nhiệm sau hai tháng kể từ khi phát ngôn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Người kế nhiệm Portillo là một nhân vật được các đại gia ngân hàng quốc tế ủng hộ. Trong vai trò “cảnh sát duy trì trật tự cho vay”, IMF đã buộc Mehico hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình.
Engle đã miêu tả về khoảng thời gian lịch sử này như sau:
Hành động ăn cướp có tổ chức với quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại đã bắt đầu diễn ra. Quy mô của nó đã vượt qua những hoạt động tương tự trong thập niên 20. Nó tương phản hoàn toàn với tình hình mà giới truyền thông Tây Âu hoặc Mỹ cố tình che giấu. Các nước vay nợ đã hoàn trả xong nợ nần cho Sherlock của New York và London hiện đại. Sau tháng 8 năm 1982, các nước đang phát triển không những không trả nợ mà còn tỏ ra bất hợp tác. Nhưng trong tình cảnh bị IMF truy ép, họ đã buộc phải đặt bút ký vào một bản thoả thuận với các nhà tài phiệt ngân hàng với tên gọi rất mỹ miều “Phương án giải quyết nợ”(7).
Việc cho vay của IMF chỉ được thực hiện sau khi nước vay nợ đặt bút ký vào một loạt các “điều khoản đặc biệt”, bao gồm: cắt giảm chi tiêu chính phủ, nâng cao thuế suất, giảm giá tiền tệ. Sau đó, nếu nợ lại bị kéo dài lần nữa, các quốc gia đang phát triển còn phải chi tiếp một khoản “phí dịch vụ“ cho nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế, và được ghi vào trong tiền gốc của nợ vay.
Mehico buộc phải cắt giảm trợ cấp chính phủ đối với dược phẩm, thực phẩm, chất đốt và các nhu yếu phẩm khác trong đời sống, đồng thời đồng pê-sô bị giảm giá xuống đến mức thảm hại. Đầu năm 1982, với hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế của tổng thống Portillo, tỉ giá của đồng pêsô đối với đô-la Mỹ là 12 pê-sô ăn 1 đô-la, còn đến năm 1989, tỉ giá pê-sô đối với đồng đô-la đã lên đến 2300:1, nền kinh tế Mehicô trên thực tế đã bị các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế “giải thể có kiểm soát”.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, từ năm 1980 đến năm 1986, tổng số tiền mà hơn một trăm quốc gia mắc nợ trên thế giới phải chi trả cho các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế là 658 tỉ đô-la, trong đó khoản lãi mà họ phải trả là 326 tỉ đô-la, còn tiền vốn là 332 tỉ đô-la. Đến năm 1987, khoản nợ mà 109 quốc gia cần phải trả cho các nhà ngân hàng quốc tế là 1.300 tỉ đô-la. Với cách tính theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con kinh hoàng như vậy, rất có thể các quốc gia đang phát triển sẽ chẳng bao giờ hoàn trả hết khoản nợ này. Cho nên, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và IMF đã bắt đầu thực thi chính sách phá sản để thanh toán nợ đối với các quốc gia vay nợ. Các quốc gia chấp nhận “phương án giải quyết nợ vay” của các ông trùm ngân hàng bị ép phải bán đi các tài sản chủ chốt với giá rẻ như bèo, chẳng hạn hệ thống cung cấp nước, điện lực, khí thiên nhiên, đường sắt, điện thoại, dầu mỏ, ngân hàng.
Rốt cục thì mọi người cũng nhận ra được mức độ sát thương của kế hoạch “giải thể có kiểm soát” do các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế hoạch định!
3. Ngân hàng bảo tồn môi trường thế giới: Kiểm soát 30% lục địa trái đất
Trong khi các quốc gia đang phát triển khu vực Á - Phi và Mỹ Latin lâm vào cảnh nợ nần, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế lại bắt đầu lên một kế hoạch hiểm độc hơn, vượt quá sức tưởng tượng của mọi người. Không ai có thể ngờ rằng, khẩu hiệu “bảo vệ môi trường” lại trở thành đòn bẩy cho một âm mưu lớn hơn.
Nếu không nhìn nhận vấn đề từ góc độ lịch sử, chúng ta không thể hiểu được uy lực khủng khiếp của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế!
Đầu tháng 8 năm 1963, John Doe - một giáo sư xã hội học của trường Đại học nổi tiếng vùng Trung - Tây nước Mỹ - nhận được lời mời từ Washington với đề nghị ông nên tham dự cuộc hội thảo về một công trình nghiên cứu bí mật. Mười lăm chuyên gia tham gia vào kế hoạch này đều là các học giả hàng đầu của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ. John Doe đã đến Iron Mountain - nơi hội nghị diễn ra - với một sự hiếu kỳ.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12