CHIẾN TRANH TIỀN TỆ - KHÔNG TUYÊN MÀ CHIẾN
Phần VIII
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Chúng tôi giống như một bầy sói đứng trên sườn núi cao trông xuống bầy nai tơ gần đó. Nếu so sánh nền kinh tế Thái Lan với dáng dấp của một con hổ nhỏ của châu Á thì chẳng bằng so với một con thú săn đã bị thương. Chúng tôi chọn con thú đã bị thương, là để bảo vệ cho cả bầy nai được an toàn và mạnh khỏe(1).
Tạp chí Times, năm 1997.
Như mọi người đều biết, kẻ nào lũng đoạn được nguồn cung ứng của một loại hàng hoá nào đó thì người đó có thể kiếm được lợi nhuận siêu cấp. Mà tiền tệ là một loại hàng hoá cần thiết cho mọi người, kẻ nào lũng đoạn được việc phát hành tiền tệ của một quốc gia, người đó có thể kiếm được khoản lợi nhuận không giới hạn. Đây chính là nguyên nhân tại sao trong suốt mấy trăm năm nay, các nhà ngân hàng quốc tế phải vắt cạn tâm lực, tìm trăm phương ngàn kế, không từ bất cứ thủ đoạn nào để lũng đoạn bằng được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia. Hơn thế nữa, họ còn muốn lũng đoạn quyền phát hành tiền tệ của toàn thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã phát động hàng loạt cuộc chiến tranh tiền tệ nhằm cũng cố lòng tin vào đồng đô-la Mỹ, chia cắt nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, đồng thời đánh bạt những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, hướng tới việc xây dựng nền tảng vững chắc cho một “chính phủ thế giới”, “tiền tệ thế giới” và “thu thuế thế giới” dưới sự kiểm soát của trục London - phố Wall.
Mục đích chiến lược của các cuộc chiến này chính là làm thế nào để nền kinh tế thế giới phải được “giải thể một cách có kiểm soát”.
Xin hãy lưu ý rằng, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế là một “tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp”. Họ không trung thành với bất cứ quốc gia và chính phủ nào mà trái lại còn là lực lượng khống chế quốc gia và chính phủ. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, họ đã lợi dụng sức mạnh của cả đồng đô-la lẫn nước Mỹ, nhưng một khi đã chuẩn bị chu đáo, họ có thể tấn công đồng đô-la Mỹ bất cứ khi nào họ muốn và trở thành một trong những tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế siêu cấp năm 1929 trên phạm vi thế giới. Họ muốn tận dụng tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này để sai khiến và uy hiếp chính phủ các nước từ bỏ chủ quyền thi hành chính sách tiền tệ khu vực.
Việc tấn công hệ thống tài chính Trung Quốc được xác định là nhiệm vụ nặng nề trong số các nhiệm vụ của họ. Đó chắc chắn không còn là vấn đề sẽ xảy ra hay không, mà là vấn đề khi nào và bằng cách nào.
Chiến thuật mà họ lựa chọn cho việc tấn công hệ thống tài chính Trung Quốc có thể giống với chiến thuật sử dụng trong cuộc tấn công Nhật Bản. Trước tiên, họ sẽ tạo nên hiện tượng bong bóng siêu cấp trong nền kinh tế Trung Quốc.
Với sự “hỗ trợ” của họ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thời kỳ phồn vinh cực thịnh trong mấy năm, giống như ở Nhật Bản thời kỳ từ năm 1985 đến năm 1990. Sau đó, họ sẽ ra tay triệt hạ, thực hiện đòn tấn công tài chính, phá huỷ niềm tin của thế giới đối với nền kinh tế Trung Quốc, khiến cho nguồn vốn quốc tế và quốc nội bị đe doạ phải di chuyển tứ tán.
Cuối cùng, họ thu mua tài sản chính yếu của Trung Quốc với giá siêu rẻ, đồng thời tiến hành “giải thể triệt để” nền kinh tế Trung Quốc, hoàn thành bước khó khăn nhất trong quá trình thông nhất thế giới.
1. Cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973: Cuộc phản công của đồng đô-la Mỹ
Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư nổ ra vào ngày 6 tháng 10 năm 1973.
Tại cuộc họp thường niên của câu lạc bộ Bilderberg vào tháng 5-1973, 84 đại gia ngân hàng quốc tế, trùm các công ty đa quốc gia và các chính khách đã tập trung lại để tìm cách ứng phó với xu hướng suy yếu của đồng đô-la Mỹ khi mất đi sự bảo trợ của vàng, một vấn đề đang khiến người ta phải đau đầu. D. Rockefeller đã dẫn theo Zbigniew Brzezinski một tham mưu tâm phúc của mình - đến dự họp. Cuộc thảo luận đi đến kết luận rằng, cần phải chấn hưng niềm tin vào đồng đô-la Mỹ, đoạt lại quyền chủ đạo trên chiến trường tài chính vốn đã và đang trở nên mất kiểm soát. Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã đề ra một kế hoạch đáng sợ - đẩy giá dầu thế giới tăng lên 400%(2)!
Kế hoạch táo bạo này nhằm đạt được mấy mục đích sau:
Một mặt, do việc thanh toán trong các giao dịch buôn bán dầu lửa trên thế giới thường được thể hiện bằng đồng đô la Mỹ nên khi giá dầu tăng lên gấp 4 lần, nhu cầu sử dụng đồng đô-la Mỹ của các nước trên thế giới sẽ tăng lên cấp kỳ, vì thế, thái độ coi rẻ đồng đô-la Mỹ của các nước sau khi đồng tiền này mất đi sự bảo trợ của vàng, cũng sẽ giảm xuống. Mặt khác, vài năm trước, do các “sát thủ kinh tế” đã thực thi một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình, nên rất nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latin và Đông Nam A đã trúng phải viên đạn bọc đường khi mắc nợ quá mức. Một khi giá dầu tăng mạnh thì chính phủ Mỹ sẽ thuận đà nâng lãi suất lên cao, và các quốc gia có nền kinh tế lạc hậu nhưng giàu tài nguyên này sẽ trở thành một bầy cừu non béo núc đợi chờ ngày giết thịt.
Điểm đặc sắc nhất của kế hoạch này chính là trò “ngậm máu phun người”. Xúi giục Ai Cập và Sirya tấn công vào Israel, nhưng nước Mỹ lại công khai ủng hộ Israel để chọc giận người Iraq. Cuối cùng, nước Mỹ đã khiến cho Iraq cũng như các quốc gia A-rập nổi giận. Với việc ban bố lệnh cấm vận dầu mỏ với phương Tây khiến cho giá dầu tăng đột biến, Iraq nói riêng và các quốc gia A-rập nói chung trở thành trung tâm hứng chịu mọi cơn cuồng nộ của thế giới. Các nhà ngân hàng quốc tế một mặt ngồi xem các con hổ cắn xé nhau, mặt khác kiểm soát dòng đô-la hồi lưu từ dầu mỏ. Đúng là nhất cử lưỡng tiện, họ vừa cứu được thế mất giá của đồng đô-la Mỹ, đoạt lại được quyền chủ động trên mặt trận tài chính, vừa thuận tay xén sạch lông bầy cừu của các quốc gia Mỹ Latinh và Indonesia. Kế sách này quả thực là thần diệu hết sức.
Nếu nghiên cứu kỹ những chiêu ra tay của các nhà ngân hàng quốc tế trong lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng, trước sau họ vẫn tuân thủ cách tính toán tối ưu, mỗi một hành động chiến lược chính yếu đều đồng thời đạt từ ba mục tiêu trở lên theo kiểu “một hòn sỏi ném chết ba con nhạn”. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, các nhà ngân hàng quốc tế chính là những cao thủ biết sử dụng đường quyền tổng hợp.
Với sự hợp tác toàn lực từ hai vị cố vấn Brzezinski và Kissinger, việc phát triển nước cờ thâu tóm nền tài chính quốc tế hoàn toàn trong trong tầm dự liệu của nhà ngân hàng quốc tế Brzezinski vạch kế hoạch, còn Kissinger đóng vai trò là “sa hoàng” tình báo của chính phủ Nixon, trực tiếp tham gia thi hành kế hoạch.
Trong tác phẩm có tên “Cuộc chiến tranh thế kỷ”, William Engdahl đã chỉ ra một cách sắc bén rằng: Kissinger cố gắng trì hoãn mọi nguồn tin tình báo từ khu vực Trung Đông về Mỹ, bao gồm cả sự xác nhận của tình báo Mỹ về việc các nước A-rập đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Thái độ của Washington trong thời kỳ chiến tranh và các chuyến “ngoại giao con thoi“ nổi tiếng của Kissinger thời hậu chiến đều chứng minh rằng, họ đã chấp hành một cách chính xác đường lối của câu lạc bộ Bilderberg tại hội nghị tháng Năm. Iraq - quốc gia sản xuất dầu mỏ - trở thành trung tâm hứng chịu búa rìu dư luận, trong khi liên minh Anh-Mỹ lại đường hoàng hưởng lợi từ việc này(3).
Dưới sự dụ dỗ và khống chế của Kissinger, A-rập Saudi là quốc gia thành viên của Tổ chức dầu lửa (OPEC) đầu tiên hợp tác với Mỹ trong việc dùng đồng đô-la thu được từ việc bán dầu mỏ để mua công trái Mỹ. Như vậy, đồng đô-la Mỹ cuối cùng cũng đã thực hiện xong sứ mệnh hồi hương. Nhưng sau đó, Kissinger ngay lập tức qua ải chém tướng. Đến năm 1975, Hội nghị Bộ trưởng các nước OPEC đồng ý chỉ dùng đồng đô-la Mỹ để kết toán trong các giao dịch dầu mỏ, mở ra một thời kỳ hưng thịnh cho hệ thống tiền tệ thế giới - thời kỳ đồng tiền thế giới bắt đầu áp dụng chế độ “bản vị dầu”.
Giá dầu mỏ tăng đột biến đã khiến cho nhu cầu sử dụng đồng đô-la Mỹ kết toán trong giao dịch dầu mỏ cũng tăng lên, nhờ đó đồng đô-la Mỹ nhanh chóng lấy lại được vị thế của nó trên thị trường quốc tế.
Từ năm 1949 đến 1970, giá dầu mỏ thế giới luôn ổn định ở mức giá 1,9 đô-la/thùng. Từ năm 1970 đến năm 1973, giá dầu tăng lên 3 đô-la/thùng. Sau khi cuộc chiến tranh Trung Đông bùng nổ vào ngày 16 tháng 10 năm 1973, OPEC đã đẩy giá dầu thêm 70%, đạt mức 5,11 đô-la/thùng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1974, giá dầu lại tăng lên gấp đôi, đạt mức 11,65 đô-la/thùng. Như vậy, giá dầu mỏ từ trước hội nghị Bilderberg năm 1973 cho đến tháng Giêng năm 1974 quả nhiên đã tăng gần 400%.
Năm 1974, do không nắm được tình hình, tổng thống Nixon đã lệnh cho Bộ tài chính Mỹ gia tăng áp lực lên OPEC, khiến cho giá dầu giảm xuống. Trong bản ghi nhớ, sau khi biết được nội tình của vụ việc, một quan chức chính phủ đã viết rằng: “các đại gia ngân hàng đã phớt lờ chỉ thị này của Nixon và nhấn mạnh việc áp dụng sách lược “hồi lưu đô-la dầu mỏ“ nhằm đối phó với giá dầu cao. Đây là một quyết định mang tính sống còn”.
Theo đà tăng giá của dầu mỏ, nạn lạm phát tiền tệ với hai con số đã bùng phát ở các nước, nguồn tích luỹ của người dân bị tước đoạt. Và điều đáng tiếc là các quốc gia đang phát triển không hề có chút đề phòng nào đối với thảm hoạ này.
Engdahl giải thích rằng: Việc giá dầu thế giới tăng đột ngột đến 400% đã gây nên chấn động rất lớn đối với những nền kinh tế lấy dầu mỏ làm nguồn năng lượng chủ yếu. Đại đa số các nền kinh tế thiếu nguồn dầu mỏ đều bất ngờ và khó có khả năng chi trả khi giá dầu cao ngất ngưởng như vậy, chưa kể đến một nguy cơ tiềm ẩn là giá thành của các sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nguồn năng lượng dầu mỏ cũng theo đó mà tăng cao.
Năm 1973, thương mại của Ấn Độ đạt mức xuất siêu, trở thành nền kinh tế phát triển vững mạnh. Đến năm 1974, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đạt mức 629 triệu đô-la Mỹ, nhưng nước này lại phải nhập khẩu dầu mỏ với mức chi phí gấp đôi mức dự trữ, tức là 1,241 tỉ đô-la Mỹ. Tương tự như vậy, năm 1974, một loạt các nước như Sudan, Pakistan, Philippines, Thái Lan, châu Phi và châu Mỹ Latin đều phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại. Căn cứ vào thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, mức thâm hụt mậu dịch của các nước đang phát triển năm 1974 là 35 tỉ đô-la Mỹ - một con số khổng lồ thời đó. Điều thú vị là, mức thâm hụt này gấp 4 lần so với năm 1973, hay nói cách khác, tỉ lệ thuận với mức tăng của giá dầu thế giới.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12