CHIẾN TRANH TIỀN TỆ - KHÔNG TUYÊN MÀ CHIẾN
Phần VIII
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Chúng tôi giống như một bầy sói đứng trên sườn núi cao trông xuống bầy nai tơ gần đó. Nếu so sánh nền kinh tế Thái Lan với dáng dấp của một con hổ nhỏ của châu Á thì chẳng bằng so với một con thú săn đã bị thương. Chúng tôi chọn con thú đã bị thương, là để bảo vệ cho cả bầy nai được an toàn và mạnh khỏe(1).
...
Nhật Bản vốn dĩ là nước khởi xướng tích cực “Quỹ châu Á” nhưng dưới áp lực của London - phố Wall thì không thể không phục tùng. Bộ trưởng tài chính Nhật Sanshuhaku bày tỏ, “Quỹ tiền tệ quốc tế nhất quán sẽ đóng vai trò hạt nhân, phát huy và bảo vệ ổn định tài chính toàn cầu trong cơ cấu tài chính quốc tế. Quỹ này do các quốc gia châu Á kiến nghị thành lập, sẽ được xem là một cơ cấu bổ trợ cho quỹ tiền tệ quốc tế”. Một khái niệm mới do Tokyo đề xuất chính là việc xây dựng một quỹ không có tiền vốn. Theo như khái niệm mới của Tokyo thì đây là một cơ cấu với tính chất hỗ trợ với một tốc độ rất nhanh, có kế hoạch điều động nguồn vốn từ trước để chi viện cho không đồng tiền nào bị nhà đầu cơ quốc tế tấn công. Khi được đề xuất tại hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế tổ chức tại Hồng Lông, kiến nghị thiết lập Quỹ châu Á này lập tức đã tạo nên một sự cảnh giác cao độ cho Mỹ và các quốc gia phương Tây. Họ lo rằng, kiến nghị trên sẽ phá vỡ nhiệm vụ của Quỹ tiền tệ quốc tế.
Cuối cùng, thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro chỉ có thể bày tỏ, “Chúng tôi không tự cao tự đại đến mức cho rằng mình là quốc gia đầu tàu có đủ sức khôi phục hoàn toàn nền kinh tế khu vực châu Á. Tuy nhiên, Nhật Bản đã chi viện cho một số quốc gia châu Á và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng không thể đảm nhận vai trò đầu tàu để kéo châu Á thoát ra khỏi vũng lầy kinh tế”.
Phó thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi nhắc đến Quỹ châu Á đã cho rằng, nếu vì thay thế vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế mà phải thành lập Quỹ châu Á thì sẽ có “rủi ro về đạo đức”.
Các quốc gia châu Á xây dựng quỹ của riêng mình để tiện giúp đỡ lẫn nhau trong cơn nguy nan - một việc vốn dĩ hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, họ lại gặp phải sự phản đối kịch liệt của trục tài chính London - phố Wall. Nhật Bản vốn được xem là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, nhưng lại bị các nhà ngân hàng khống chế nên thiếu sự quyết đoán và lòng can đảm tối thiểu để giúp các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á thoát khỏi khó khăn. Điều này không khỏi khiến cho các nước Đông Nam Á đang rơi vào cảnh tuyệt vọng cảm thấy càng thất vọng hơn. Nhưng điều khiến người ta khó nghĩ nhất chính là quan điểm của Singapore. Việc cho mình và các nước láng giềng của mình cái quyền quyết định giúp đỡ lẫn nhau trong tình huống khó khăn sao lại có thể gây ra “rủi ro đạo đức“ và đó là “đạo đức“ của ai?
Thủ tướng Malaysia Mahathir là nhà lãnh đạo ở châu Á có cái nhìn tương đối thấu suốt đối với bản chất thực của khủng hoảng. Ông cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn chẳng biết được nguồn gốc tiền bạc của họ, cũng chẳng biết rốt cuộc ai đang tiến hành giao dịch, càng không thể biết được sau lưng họ còn có ai? Chúng ta có biết được rằng sau khi kiếm được tiền thì họ có đóng thuế hay không? Và những khoản thuế này được nộp cho ai? Chúng ta có biết được ai là kẻ đang đứng sau lưng họ?” Ông cho rằng, với chế độ giao dịch tiền tệ trước mắt, chẳng ai biết được liệu nguồn tiền này có chính đáng hay không, hay là sản phẩm của nạn rửa tiền? “Bởi chẳng có ai dám hỏi, mà cũng chẳng thể kiểm tra được”. Chỉ cần những người này phát động tấn công vào bất cứ quốc gia nào, thì lượng tiền không thể đếm xuể của họ sẽ ào ạt chảy vào quốc gia đó. Bất luận là thị trường tiền tệ, hàng hoá kỳ hạn hay là giao dịch chứng khoán, đều phải được tiến hành dưới cơ chế hợp lý, “vì vậy chúng ta cần phải kiểm soát giao dịch tiền tệ, khiến cho nó trở nên minh bạch hơn”. Ngay tức khắc, Mahathir đã gặp phải búa rìu dư luận phương Tây. Câu hỏi gay gắt của Mahathir có lẽ không phù hợp lắm để phát biểu trong cuộc họp mang tính ngoại giao, tuy nhiên, ông đã đưa ra câu hỏi một cách đích xác về vấn đề mà mọi người dân châu Á đều nghi hoặc.
Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh - sau khi bị cơn bão tài chính quét qua, đã chìa tay về phía Mỹ xin viện trợ nhưng lại không ngờ tại sao nước Mỹ dứt khoát từ chối và nhanh chóng thay đổi đến vậy. Trong con mắt của các nhà ngân hàng quốc tế, mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ với Hàn Quốc đã trở thành mớ xương tàn còn sót lại của cuộc chiến tranh lạnh. Chính phủ Mỹ đã tranh cãi kịch liệt về vấn đề này, và theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Madeleine Albright cũng như cố vấn an ninh quốc gia thì Mỹ phải chìa tay ra để cứu vớt người anh em, trong khi Bộ tài chính đại diện cho phố Wall thì cực lực phản đối, thậm chí còn chỉ trích Madeleine Albright chẳng hiểu mô tê gì về kinh tế học. Cuối cùng, Clinton đã phải tuân theo quan điểm của Bộ tài chính.
Theo Bộ trưởng tài chính Rubin, cuộc khủng hoảng này chính là thời cơ tốt nhất để Mỹ đạp toang cánh cửa kinh tế của Hàn Quốc. Ông ta đã ra lệnh cho Quỹ tiền tệ quốc tế phải thực thi các biện pháp hà khắc hơn so với trước đây để đối đãi với đồng minh cũ đang xin viện trợ này. Dưới sức ép của Bộ tài chính Mỹ, IMF đã nâng các điều kiện đối với vấn đề “viện trợ”, bao gồm việc Hàn Quốc phải lập tức giải quyết các điều kiện có lợi đối với Mỹ và mọi tranh chấp thương mại với phía Mỹ. Người dân Hàn Quốc đã phẫn nộ chỉ trích các điều kiện khắt khe này, vì Mỹ và IMF luôn sẵn sàng đưa ra cho Hàn Quốc các điều kiện bất hợp lý, Joseph E. Stiglitz - nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng thế giới - cho rằng, việc Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ khi Bộ tài chính Mỹ thúc bách Hàn Quốc tiến hành mở cửa thị trường tư bản tài chính toàn diện và nhanh chóng. Với vai trò là cố vấn kinh tế hàng đầu của Clinton, Joseph E. Stiglitz đã kiên quyết phản đối kiểu hành vi thô lỗ này, ông cho rằng kiểu mở cửa này chẳng đem lại lợi ích an toàn nào cho nước Mỹ mà chỉ có lợi cho các nhà ngân hàng của phố Wall mà thôi.
Chính phủ Hàn Quốc trong tình thế bức bách đã phải chấp nhận rất nhiều điều kiện hà khắc của Mỹ, cho phép Mỹ xây dựng các chi nhánh ngân hàng, công ty nước ngoài có thể nắm giữ từ 26% đến 50% cổ phiếu của công ty Hàn Quốc lên sàn, người nước ngoài có thể nắm giữ từ 7% đến 50% cổ phần trong các công ty của nước này. Các công ty của Hàn Quốc cần phải sử dụng nguyên tắc kế toán quốc tế, cơ cấu tài chính cần phải chấp nhận sự thẩm tra nghiệp vụ kế toán quốc tế ngân hàng trung ương Hàn Quốc cần phải vận hành độc lập hối đoái tiền tệ theo công thức tư bản, minh bạch hoá tiến trình cho phép nhập khẩu, giám sát cơ cấu công ty, cải cách thị trường lao động. Các nhà ngân hàng Mỹ thèm nhỏ dãi trước các doanh nghiệp Hàn Quốc. Chỉ đợi Hàn Quốc đặt bút ký vào bản thoả thuận, họ sẵn sàng đạp lên nhau để xâu xé con mồi săn đã đuối sức.
Thế nhưng, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã quá xem nhẹ sự mạnh mẽ và ý thức dân tộc của người Hàn. Một quốc gia có được ý thức dân tộc hỗ trợ thì rất khó bị các thế lực bên ngoài thống trị. Người dân Hàn Quốc rơi vào tình cảnh cô lập vô phương bấu víu đã sôi nổi quyên hiến vàng bạc của mình cho quốc gia. Trong tình cảnh toàn bộ nguồn dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt thì vàng bạc đã nhanh chóng trở thành phương thức hoàn trả nợ được đông đảo chủ nợ nước ngoài vui vẻ chấp nhận. Điều càng khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế kinh ngạc hơn là, tại Hàn Quốc không xuất hiện làn sóng phá sản hàng loạt của các ngân hàng và công ty quy mô lớn theo hình dung của họ. Các công ty phương Tây hầu như không thể thâu tóm được bất cứ doanh nghiệp lớn nào của Hàn Quốc. Mùa xuân năm 1998, ngay khi Hàn Quốc đã vượt qua được gian khó, lợi nhuận xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng nhanh cấp kỳ, chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra hết mọi ngón đòn của phố Wall và dứt khoát vứt bỏ ngay những liều thuốc độc của IMF. Việc xin phá sản của các doanh nghiệp lớn đồng loạt được chính phủ đình chỉ.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thanh lý các khoản nợ xấu trị giá 70 đến 150 tỉ đô-la từ hệ thống ngân hàng. Ngay khi chính phủ nhận được những khoản nợ xấu này, quyền kiểm soát của ngân hàng lại lọt vào tay chính phủ. Và như vậy, IMF bị đẩy ra khỏi lĩnh vực xây dựng lại hệ thống ngân hàng.
Điều này không những khiến cho các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và Bộ tài chính Mỹ mừng hụt một phen mà còn khiến cho Hàn Quốc càng nhận thức tỉnh táo hơn về tầm quan trọng tất yếu của chính phủ trong việc lãnh đạo nền kinh tế. Mưu đồ thôn tính công ty phần mềm lớn nhất Hàn Quốc đã tan vỡ, tám công ty phần mềm bản địa của Hàn Quốc cuối cùng đã vận hành suông sẻ. Kế hoạch thâu tóm công ty ô tô KIA của Ford bị gãy gánh. Hành động tiếp quản hai nhà băng địa phương lớn của ngân hàng nước ngoài đã bị đình chỉ, chính phủ Hàn Quốc tạm thời quản lý hai ngân hàng này.
Dưới sự chủ trì của chính phủ, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Điều khôi hài là Quỹ tiền tệ quốc tế đã hết lời ca ngợi Hàn Quốc như một trường hợp điển hình được họ hỗ trợ.
Năm 2003, Thái Lan đã hoàn trả số nợ 12 tỉ đô-la trước thời hạn. Sau khi thoát khỏi nanh vuốt của Quỹ tiền tệ quốc tế thủ tướng Thái Lan Thaksin đã tự tin đứng trước quốc kỳ mà thề rằng, nước Thái sẽ “vĩnh viễn không trở lại làm con mồi cho tư bản quốc tế”, quyết sẽ không bao giờ cầu xin sự “viện trợ” của Quỹ tiền tệ quốc tế. Thậm chí chính phủ Thái Lan còn ngầm khuyến khích các công ty Thái từ chối hoàn trả các khoản nợ của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và rồi, tháng 9 năm 2006, cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Thái Lan, Thaksin bị lật đổ và chịu kiếp lưu vong ở nước ngoài.
8. Ngụ ngôn tương lai Trung Quốc
Công dân Mahathir tìm đến Alan Greenspan báo án, nói đồ trong nhà đã bị trộm và tên kẻ trộm này có thể là Soros.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12