lịch sử việt nam
Trận Hải Chiến Tại Quần Đảo Hoàng Sa
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
IV. Những Diễn Biến Trước Trận Hải Chiến
Vụ tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông đột ngột trở nên sôi động vào ngày 11-1-1974 khi Trung Cộng ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang nằm trong tay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là một phần lãnh thổ của họ. Ðể làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Cộng (TC) phái nhiều tầu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng VNCH chiếm đóng.
Ngay ngày hôm sau 12-1-74, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc của VNCH đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Cộng, đồng thời Bộ Tư Lệnh HQ/VNCH cũng chuẩn bị tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, chỉ có một trung đội Ðịa Phương Quân thuộc chi khu Hòa Vang thuộc tiểu khu Quảng Nam gồm 24 người đóng tại đảo Hoàng Sa cùng với 4 nhân viên thuộc đài khí tượng. Các đảo khác trong nhóm Nguyệt Thiềm không có quân VNCH trú đóng.
Trong các ngày kế tiếp, TC tiếp tục đổ người lên các đảo khác. Tính cho đến ngày 15-1-74, quân TC đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).
1. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) tới Hoàng Sa
Ðể bảo vệ chủ quyền chính đáng tại Biển Ðông, ngày 15-1-74, BTL/HQ/VNCH ra lệnh cho HQ-16 trực chỉ Hoàng Sa để tăng cường cho lực lượng trú phòng, đồng thời dùng biện pháp ôn hòa yêu cầu lực lượng Trung Cộng rời khỏi lãnh hải VNCH. Tuần Dương Hạm (TDH) Lý Thường Kiệt còn chở thêm một phái đoàn Công Binh 6 người thuộc BTL/Quân Ðoàn I gồm 1 Thiếu Tá trưởng đoàn, 1 cố vấn dân sự Hoa Kỳ, 2 Trung Úy và 2 Trung Sĩ Công Binh. Tháp tùng theo phái đoàn còn có một người Hoa Kỳ bận đồ dân sự và HQ Ðại Úy Trần Kim Diệp thuộc BTL/HQ/V1DH. Phái đoàn này có nhiệm vụ thám sát địa thế để thiết lập một phi trường nhỏ trên đảo Hoàng Sa.
HQ-16 do HQ Trung Tá Lê Văn Thự (khóa 10 SQHQ Nha Trang) làm Hạm Trưởng. Hạm Phó là HQ Thiếu Tá Trần Văn Hoa Em (khóa 11 SQHQ Nha Trang) lúc đó nghỉ phép không có mặt trên chiến hạm. Cơ khí trưởng là Ðại Úy CK Hiệp (khóa 14 SQHQ Nha Trang). Ðúng ra, HQ-16 đã mãn hạn tuần dương tại vùng I và đang chuẩn bị trở về Sài Gòn nghỉ bến, chuẩn bị ăn tết Giáp Dần. Công tác phụ trội tại Hoàng Sa của HQ-16 đuợc dự trù sẽ chấm dứt trong vòng 5 ngày. Tình trạng chiến hạm khiển dụng tương đối khả quan, nhưng quân số không được đầy đủ vì gần Tết nên nhiều người đi phép, chờ chiến hạm trở về Sài Gòn mới trình diện.
Sáng ngày 16 tháng 1, HQ-16 tới Hoàng Sa, sau đó thả một xuồng đổ bộ gồm 4 nhân viên cơ hữu để đưa 6 người trong phái đoàn thám sát lên đảo Hoàng Sa. Công tác hoàn tất tốt đẹp không có gì trở ngại. Sau đó, chiến hạm tiếp tục công tác tuần dương và phát hiện một số tầu lạ đang quanh quẩn trong vùng đảo Cam Tuyền (Robert) về phía Nam. HQ -16 liền đổi đường tới gần để điều tra. Ðây là những tầu tương đối nhỏ như loại tầu đánh cá sơn màu xanh đậm có bề ngang hơi lớn với đài chỉ khá lớn như loại tầu quân sự. Chiến hạm dùng đèn hiệu để liên lạc yêu cầu các tầu lạ cho biết xuất xứ theo đúng qui luật hàng hải quốc tế nhưng không được trả lời. Khi đến gần hơn mới nhìn rõ những chiếc tầu này treo cờ Trung Cộng. Tuần Dương Hạm (TDH) Lý Thường Kiệt một mặt lập tức báo cáo sự phát hiện về BTL/HQ/V1ZH tại Ðà Nẵng, đồng thời dùng cờ, đèn và cả máy phóng thanh bằng tiếng Trung Hoa yêu cầu các tầu Trung Cộng phải lập tức rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Nhưng các tầu Trung Cộng vẫn không trả lời, một số nhân viên mặc quân phục mầu xanh nhạt còn đứng trên boong buông những lời lẽ khiếm nhã và cử chỉ trêu chọc. HQ-16 vẫn kiên nhẫn dùng loa phóng thanh liên lạc, sau cùng phía tầu Trung Cộng cũng lên tiếng, đòi hỏi ngược lại, yêu cầu HQ-16 rời khỏi lãnh hải của họ! Cứ như vậy, đôi bên dằng co suốt ngày 16 tháng 1, không bên nào chịu nhượng bộ cho tới tối TDH Lý Thường Kiệt phải di chuyển xa hơn ra ngoài khơi để tránh vùng đá ngầm nước cạn nguy hiểm cho sự an toàn của chiến hạm.
Cùng ngày tại Sài Gòn, hãng thông tấn UPI loan tin chiến hạm và binh sĩ Việt Nam đã nổ súng vào một toán người đang cắm cờ Trung Cộng tại đảo Cam Tuyền. Không rõ phía Trung Cộng có bắn trả hay không. Trong lúc đó, các giới chức cao cấp trong chính phủ cũng đang họp khẩn để tìm cách đối phó với sự hiện diện đáng nghi ngờ của Trung Cộng tại Hoàng Sa. Trong một cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cho biết tầu Trung Cộng đã xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ bộ người lên các hải đảo và "hành động này đã mang đến sự đe dọa cho nền an ninh chung trong vùng".
Sáng sớm ngày 17-1, khi HQ-16 quay trở lại vùng đảo Cam Tuyền thấy có tầu Trung Cộng vẫn còn ở đó. Ngoài ra, gần đảo Vĩnh Lạc (Money) lân cận cũng có thêm tầu Trung Cộng xuất hiện với hàng trăm lá cờ mầu đỏ cằm rải rác ven bờ biển dọc theo bãi cát trắng. Có lẽ những chiếc tầu mới này đã đổ người lên đảo cắm cờ trong đêm để mạo nhận chủ quyền của Trung Cộng. Hai chiếc tầu dùng để chở quân của Trung Cộng mang số 402 (tên Nam Ngư) và 407.
Tại Sài Gòn, nguồn tin Reuters cho biết Trung Cộng đã gửi hai chiến hạm đến Hoàng Sa sau khi các binh sĩ VNCH bắn vào toán người Trung Cộng trên các hải đảo. Phát ngôn viên quân sự, Trung Tá Lê Trung Hiền cũng cho biết Hải Quân đã phái 6 chiến hạm lớn nhất ra Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung Cộng. Trung Tá Hiền tuyên bố tiếp "Trong lúc này, chúng tôi chưa thể nói sẽ hành động ra sao - gửi thêm lực lượng tăng viện hay chỉ đuổi toán Trung Cộng ra khở hòn đảo Cam Tuyền".
2. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) nhập vùng
Ngay khi nhận được báo cáo của HQ-16 phát hiện nhiều tầu Trung Cộng xâm nhập hải phận Hoàng Sa, BTL/HQ/V1DH lập tức phản ứng. Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh HQ/V1DH chỉ thị KTH Trần Khánh Dư HQ-4 ra Hoàng Sa tăng cường, đồng thời ra lệnh cho HQ-16 đổ bộ nhân viên cơ hữu lên đảo Cam Tuyền để triệt hạ cờ Trung Cộng. Khu Trục Hạm (KTH) Trần Khánh Dư do Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San làm Hạm Trưởng. Trung Tá San, xuất thân Khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Tác phong đứng đắn, luôn luôn tuân hành và hoàn tất chu đáo mọi chỉ thị của thượng cấp, Trung Tá San không những là một sĩ quan hải quân tài giỏi, mà còn là một hạm trưởng được xếp vào hàng xuất sắc nhất của Hải Quân Việt Nam. Hạm phó của KTH Trần Khánh Dư là Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Sắc, bạn cùng khóa 11 SQHQ Nha Trang với Hạm Trưởng Vũ Hữu San.
Tại cầu tầu của bán đảo Tiên Sa, Ðà Nẵng, lúc đó HQ-4 đang nhận dầu, nước ngọt cũng như thực phẩm, được lệnh hoàn tất việc tiếp tế và lên đường càng sớm càng tốt vì tình hình tại Hoàng Sa mỗi lúc một căng thẳng thêm. Mọi nhân viên trên chiến hạm đều ráo riết chuẩn bị và làm việc không ngưng nghỉ để kịp thời lên đường. Vào khoảng nữa đêm 16 rạng ngày 17 tháng 1, KTH Trần Khánh Dư vận chuyển tách bến Ðà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa, chở theo một trung đội Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải do Ðại Úy Nguyễn Văn Tiến chỉ huy. Tới xế trưa ngày 17-1, khoảng 2 giờ chiều, chiến hạm ra tới vùng hành quân, hợp cùng với HQ-16 tuần tiễu tại Hoàng Sa. Trong thời gian này, Trung Tá San được Phó Ðề Ðốc TL/HQ/V1DH chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng cuộc Hành Quân Bảo Vệ Quần Ðảo Hoàng Sa, chịu trách nhiệm điều động cả hai chiến hạm.
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
Thư-viện bồ-đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử