lịch sử việt nam
Trận Hải Chiến Tại Quần Đảo Hoàng Sa
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
Muốn ghi lại chính xác một sự kiện lịch sử đã xảy ra khá lâu trong quá khứ, cần tham khảo nhiều phúc trình chính thức, sách vở liên quan v.v... được phổ biến rồi kiểm chứng bằng lời tường thuật của những nhân chứng mắt thấy tai nghe. Tài liệu trên giấy trắng mực đen cho chúng ta biết chính xác những chi tiết về không gian và thời gian, nhưng thường khô khan vì thiếu phần nhân sự. Mặt khác, lời mô tả của nhân chứng tuy sống động nhưng lại thiếu trung thực vì yếu tố chủ quan và dựa vào ký ức dễ phôi pha theo thời gian. Tuy nhiên, nếu phân tích cặn kẽ rồi tổng hợp cả hai nguồn tài liệu, chúng ta có thể có một bức tranh vừa trung thực vừa sống động.
Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu sưu tầm bài vở, giấy tờ ghi chép về trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra cách đây trên một phần tư thế kỷ. Rất tiếc, những tài liệu này hiện không có nhiều. Các hình ảnh, lệnh hành quân, phúc trình chính thức v.v... của HQ/VNCH liên quan tới trận hải chiến, nếu tồn tại, đều nằm trong tay Việt Cộng. Về phía Hoa Kỳ, chúng tôi không tìm được một tài liệu chính thức nào, ngoại trừ vài ba bản tin nhỏ không mấy quan trọng đăng trong các tờ tuần báo hay nhật báo như Times, Newsweek, New York Times v.v... Khi viết thư hỏi phòng quân sử của Hải Quân Hoa Kỳ, họ đều từ chối với lý do "không tìm ra manh mối". Phần Trung Cộng cũng chỉ có một số sách báo tuyên truyền lố bịch theo kiểu Cộng Sản, đại khái như bài thơ tả cảnh ngư dân Tàu Đỏ trèo lên chiến hạm Việt Nam liệng lựu đạn vào "lỗ châu mai". Vì vậy, bài viết như một tài liệu tham khảo này phần lớn dựa vào những cuộc phỏng vấn và hồi ký rải rác chưa hẳn chính xác của một số nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới trận hải chiến.
Trong suốt khoảng thời gian sưu tầm tài liệu, chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp quí báu của một số người liên hệ. Tác giả chân thành cảm tạ những nhân chứng sau đây đã sốt sắng trả lời các cuộc phỏng vấn và cung cấp tài liệu để chúng tôi có thể hoàn thành bài viết này:
1. HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc, Hải Đội Trưởng Hải Đội HQ/VNCH tham chiến tại Hoàng Sa. Trên cương vị một cấp chỉ huy ngoài chiến trường, ông đã cung cấp những chi tiết chính xác về trận hải chiến cũng như những lý do đưa đến nhiều quyết định chiến thuật quan trọng. Đại Tá Ngạc cũng đã có những bài viết về Hoàng Sa nhân dịp kỷ niệm 25 năm rất giá trị.
2. HQ Trung Tá Vũ Hữu San, cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Trung Tá San là Sĩ Quan thâm niên hiện diện trên biển tại Hoàng Sa trước khi Đại Tá Ngạc nhận quyền Hải Đội Trưởng. Là người luôn ưu ái hải quân, "mến đồng đội, thương con tàu", những lời tường thuật, hồi ký v. v... của ông là nguồn tài liệu vô giá.
3. HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, cựu Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Là Hạm Trưởng của Soái Hạm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Hải Đội, Trung Tá Quỳnh đã cho biết nhiều diễn biến quan trọng hiếm có liên quan tới trận hải chiến cũng như những hoạt động của HQ-5 tại Hoàng Sa. Nhiều tài-liệu căn-bản do Ông cung-cập.
4. Hải Quân Trung Úy Nguyễn Đông Mai, Sĩ Quan Hải Pháo của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ-10. Trung Úy Mai là người sống sót lúc HQ-10 bị chìm trong trận hải chiến. Sau khi được vớt từ bè đào thoát đưa về bệnh viện, Trung Úy Mai đã ghi vào nhật ký nhiều chi tiết chưa từng được tiết lộ liên quan tới HQ-10. Có thể nói đây là những lời tường thuật trung thực và sống động duy nhất về những giây phút cuối cùng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo.
5. Hạm-Trưởng Nguyễn Văn Tánh, Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11. Là thành phần tăng viện cùng với Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ-6, HQ-11 không tới Hoàng Sa kịp thời để tham dự trận hải chiến. Tuy nhiên Hạm Trưởng Tánh đã cung cấp nhiều chi tiết chính xác về trường hợp tham dự của HQ-11 cũng như một số chi tiết sau khi trận hải chiến đã xảy ra.
Ngoài những nhân chứng kể trên, chúng tôi cũng tham khảo một số tài liệu và hồi ký về trận hải chiến tại Hoàng Sa. Tập sách "Hạm Đội HQ/VNCH" của tác giả Bảo Biển ghi chép tổng quát về trận hải chiến và một số chiến hạm, chiến đĩnh thuộc HQVNCH. Bài viết của tác giả Đào Dân là sĩ quan trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 kể lại nhiều chi tiết giá trị về hoạt động của chiến hạm này. Đây là những tài liệu nghiên cứu hữu ích. Ngoài ra, cuốn sách biên khảo giá trị "Ðịa Lý Biển Ðông Với Hoàng Sa Và Trường Sa" của tác giả Vũ Hữu San cũng là nguồn tài liệu tham khảo quí báu.
Lời cám ơn đặc biệt được chân thành gửi tới một số bạn trẻ chúng tôi chưa từng gặp mặt nhưng đã sốt sắng trợ giúp để loạt bài về trận hải chiến Hoàng Sa được trang trọng ra mắt độc giả. Những bạn trẻ này, ngoài tài năng và thiện chí, còn có nhiều điều đáng khâm phục hơn. Tuy trưởng thành và hấp thụ nền học vấn tại ngoại quốc, nhưng họ đã biểu lộ một tinh thần quốc gia vững chắc và nặng lòng với các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) cũng như đất mẹ Việt Nam.
Trước hết là JW Nguyen, người chủ trương website "Việt Nam Chiến Tranh và Lịch Sử" (http://vietnam.glypto.com/) hiện được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận và hoan nghênh nồng nhiệt trên Internet. Với tài năng sáng tạo tuyệt vời và trực giác thẩm mỹ bén nhậy, "webmaster" JW Nguyen đã tích cực cố vấn và trợ giúp phần kỹ thuật trình bày các "webpages" khiến những giòng chữ khô khan, hình ảnh rời rạc phối hợp chặt chẽ thành những bức tranh vô cùng linh hoạt.
Ngoài mặt trình bày, chúng tôi còn được sự trợ giúp quí báu về phần hình ảnh của một bạn trẻ có nhiều năng khiếu thiên bẩm khác. Đó là anh Trương Văn Quang hiện cư ngụ tại Australia đã cung cấp một số hình ảnh hiếm có dùng trong bài viết. Anh Quang có đặc tài sưu tầm hình ảnh, tài liệu, và xây dựng những mô hình bằng plastic liên quan tới các Quân Binh Chủng VNCH. Đặc biệt về Hải Quân, anh có một bộ sưu tập gồm đầy đủ các hình ảnh về chiến hạm, chiến đĩnh cũng như huy hiệu của các đơn vị Hải Quân VNCH. Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm mô hình và hình ảnh QLVNCH được giới thưởng ngoạn nhiệt liệt hoan nghênh.
Ngạn ngữ có câu: "Một tấm hình bằng ngàn chữ viết". Nếu độc giả nhận thấy những tấm hình do hai người bạn trẻ nói trên sưu tầm, tô điểm và sắp đặt còn giá trị hơn chính bài viết, điều này cũng không lấy gì làm lạ!
Sau cùng, chúng tôi cũng cám ơn nhiều thân hữu, bạn bè khác đã trợ giúp và khuyến khích để bài viết được thành hình. Tác giả cũng cám ơn quí độc giả đã bỏ thì giờ quí báu theo dõi trận hải chiến tại Hoàng Sa. Những ý kiến phê bình và chi tiết đóng góp sẽ được trang trọng đón nhận để bài viết thêm đầy đủ và chính xác.
Trân trọng.
(Viết năm 1998, tu chỉnh tháng 1 năm 2004)
Phần 1 : Mở Ðầu
Vào đầu năm 1974, trong lúc tình hình chiến sự tại Việt Nam trở nên vô cùng sôi động với các trận đánh lớn diễn ra trên khắp bốn vùng chiến thuật, ngoài khơi Biển Đông đã xảy ra một trận hải chiến có tầm vóc lịch sử giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng. Trận hải chiến này có hậu quả vô cùng quan trọng, không những liên quan tới cục diện an ninh Việt Nam, vùng Ðông Nam Á mà cả toàn cầu.
Về phương diện lịch sử, đây là lần đầu tiên kể từ thế kỷ thứ 13 khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dưới thời nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ, Nam quân lại đụng độ với Bắc quân trên mặt biển. Về mặt hậu quả, sau khi lấn chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng đã công khai gây hấn với các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á, thực hiện kế hoạch bành trướng tại Biển Đông nhằm khống chế và uy hiếp toàn vùng. Riêng đối với Việt Nam, việc Trung Cộng ngang nhiên xua quân xâm lấn quần đảo Hoàng Sa lại càng quan trọng, vì đây mới chỉ là bước đầu đưa tới hành động tiến xa hơn về phía Nam, thôn tính luôn quần đảo Trường Sa và làm bá chủ Biển Đông. Mất Hoàng Sa và Trường Sa, hai tiền đồn chiến lược che chở trước mặt, không những Việt Nam bị mất hết quyền lợi kinh tế tại Biển Đông mà còn bị hoàn toàn khống chế về mặt phòng thủ chiến lược.
Cũng như những lần đụng độ trước đây với kẻ thù truyền kiếp, tuy lực lượng xâm lăng phương Bắc mạnh hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã noi gương Thánh Tổ Trần Hưng Ðạo anh dũng chiến đấu, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Qua dòng lịch sử của hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi kẻ thù mạnh thì chúng ta kiên nhẫn lùi bước, lãnh thổ quốc gia tạm thời bị ngoại nhân xâm chiếm. Nhưng Việt Nam ta "hào kiệt thời nào cũng có", sớm muộn gì gia sản của tổ tiên cũng sẽ được khôi phục, và các quần đảo thân yêu Hoàng Sa cùng Trường Sa sẽ mãi mãi là phần lãnh thổ bất khả phân của tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời đại giao thông tiến bộ vượt bực như ngày nay, mọi tranh chấp giữa các quốc gia không chỉ đơn thuần liên quan tới những phe liên hệ, mà không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tới nền an ninh của toàn vùng hay toàn cầu. Việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng về quần đảo Hoàng Sa cũng không ngoại lệ. Do đó, để hiểu rõ tầm quan trọng của trận hải chiến Hoàng Sa, chúng ta cần biết rõ bối cảnh quân sự cũng như chính trị tại vùng Đông Nam Á cũng như trên thế giới lúc bấy giờ.
II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Vào thời điểm năm 1972, qua sự trung gian của Ngoại Trưởng Kissinger, Hoa Kỳ đã dùng chính sách ngoại giao "bóng bàn" để ve vãn Trung Cộng. Thế giới lúc đó gồm các cường quốc Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Cộng được chia ba theo thế "chân vạc" như thời Tam Quốc. Phe nào chiếm được đa số sẽ nắm phần lợi thế.
Đối với Hoa Kỳ, tuy cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều là các quốc gia Cộng Sản, nhưng Nga Sô vẫn luôn luôn là kẻ thù chính cần phải loại bỏ trước. Vì vậy, nếu thuyết phục được Trung Cộng trở thành đồng minh, phe Hoa Kỳ sẽ có hai trong ba chân vạc, Nga Sô bị cô lập ở thế "lưỡng đầu thọ địch" không sớm thì muộn cũng sẽ bị sụp đổ. Lúc đó, Hoa Kỳ sẽ tay đôi "một chọi một" với Trung Cộng và có lẽ sẽ không cần dùng tới sức mạnh quân sự mà chỉ cần mở mặt trận kinh tế cũng đã đủ chi phối được một nước Trung Hoa tuy rộng lớn, đông dân nhưng nghèo đói. Khi Trung Hoa đã nằm trong quĩ đạo kinh tế thị trường do Hoa Kỳ chủ động, ngoài việc Hoa Kỳ sẽ mặc tình thao túng mà còn mở cửa được một thị trường tiêu thụ khổng lồ trên một tỷ dân khiến nền kinh tế thêm thịnh vượng. Ðề cập tới tầm quan trọng của sự bành trướng thị trường này, một chuyên gia trong giới kinh tế, tài chánh Hoa Kỳ thường ao ước: "Chỉ cần mỗi người dân Trung Cộng uống một lon Coca Cola và ăn một cái Hamburger mỗi năm, nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ".
Về phía Trung Cộng, tuy biết rõ âm mưu thôn tính bằng kinh tế của Hoa Kỳ, nhưng cũng không thể làm gì hơn. Sau hơn một nửa thế kỷ cùng người anh em Nga Sô theo chế độ Xã Nghĩa Mác Lê, Trung Cộng đã không tìm được thiên đường Cộng Sản mà chỉ thấy địa ngục đói khổ, dân chúng ngày càng ta thán nên cuối cùng cũng phải theo tiếng gọi của bao tử. Thà theo kẻ thù "Tư Bản" mà được ăn no còn hơn đọc thánh kinh của họ Mao với chiếc bụng rỗng.
Vì vậy, cuộc viếng thăm thủ đô Bắc Kinh của Tổng Thống Nixon đã đánh dấu sự thành công của chính sách "ngoại giao bóng bàn". Ngoài những quyền lợi về kinh tế và chính trị, kể từ nay Hoa Kỳ cũng không còn phải bận tâm về "lò thuốc súng Đông Nam Á" vì đã có đồng minh mới Trung Cộng ghé vai gánh vác. Được Hoa Kỳ chính thức bàn giao, Trung Cộng cũng thấy đây là cơ hội bằng vàng để thực hiện giấc mộng bá chủ vùng Đông Nam Á của mình. Hành động đầu tiên trong tham vọng này là xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Về phía Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh chính sách bỏ rơi vùng Đông Dương bằng cách bán đứng miền Nam Việt Nam chỉ vài năm sau đó.
Do đó, khi trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào năm 1974, đồng minh Hoa Kỳ chẳng những đã không trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) về phương diện quân sự cũng như ngoại giao, mà trước đó, còn dọa dẫm và khuyến cáo Hải Quân VNCH đừng tham chiến. Chính các sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ cũng không giám nghĩ rằng Hải Quân Việt Nam sẽ ra khơi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch. Những "cố vấn" kiêm chuyên gia về Hải Quân này dự đoán rằng các chiến hạm Việt Nam sẽ lặng lẽ rút lui bỏ mặc quần đảo Hoàng Sa thân yêu êm thấm rơi vào tay giặc. Những ước đoán trên căn cứ vào thái độ của Hoa Kỳ lúc đó, cho biết Hải Quân của họ dù đang làm bá chủ Biển Đông, cũng đứng ngoài vòng tranh chấp.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không đồng ý để Việt-Nam xử dụng các khinh tốc đĩnh (PT boat) tại Đà Nẵng. Các chiến-đĩnh này do thủy thủ đoàn Việt Nam điều khiển, nhưng Hoa Kỳ kiểm soát. Ngay tới khi trận hải chiến đã kết thúc, lực lượng HQ Hoa Kỳ vẫn còn từ chối tiếp cứu những thủy thủ Việt Nam lâm nạn, một điều trái ngược hẳn với qui luật của người đi biển. Cho tới nay, chúng tôi đã nhiều lần viết thư yêu cầu phòng Quân Sử của Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp những dữ kiện đã được giải mật về trận Hải Chiến Hoàng Sa, nhưng lúc nào họ cũng trả lời "không có bất cứ một tài liệu nào liên quan trong hồ sơ lưu trữ". Đây là một điều rất khó tin vì lúc đó, Hải Đoàn 77 (Task Force 77) của HQ Hoa Kỳ gồm nhiều mẫu hạm và các chiến chạm yểm trợ tổng cộng gần 20 tàu chiến đang hoạt động tại vị trí "Yankee" (Yankee Station) trong Vịnh Bắc Việt, cách Hoàng Sa về phía Đông Bắc không xa. Thật sự Hoa Kỳ có hoàn toàn "không biết" hay đứng ngoài vụ tranh chấp hay không? Hoa Kỳ đã "mũ ni che tai" vì lý do gì? Mời độc giả tuần tự theo dõi các diễn biến của trận hải chiến tại Hoàng Sa, hy vọng sẽ tìm được câu trả lời.
Ngoài sự dự đoán của Hoa Kỳ cũng như của Trung Cộng, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa dù đơn độc và cô thế "lưỡng đầu thọ địch" cũng đã dùng hết sức tham chiến. Các chiến sĩ áo trắng đã can đảm nổ súng vào quân xâm lăng và chiến đấu đến tận cùng khả năng của mình. Sau trận hải chiến, dư luận báo chí quốc tế đã bày tỏ nhiều thiện cảm qua những bài bình luận rất thuận lợi cho Việt Nam trong khi lên án quân xâm lược Trung Cộng.
Trước khi đi sâu vào chi tiết trận hải chiến, tưởng cũng cần nêu lên một vài điểm liên quan đến việc sưu tầm tài liệu. Nói chung, đây là việc rất khó khăn vì đa số đã bị thất lạc hoặc vùi chôn trong quá khứ.
Thứ nhất, trận hải chiến xảy ra cách đây đã lâu nên những chi tiết ngay cả đối với những người đã trực tiếp tham dự không ít thì nhiều cũng bị mai một với thời gian. Vả lại, mỗi nhân chứng tùy theo vị trí và hoàn cảnh sẽ có tầm nhìn và nhận xét khác nhau, do đó việc tường thuật trung thực mọi chi tiết như một máy quay phim thiết tưởng không thể nào thực hiện được. Thứ hai, tuy đã có một số bài viết về Hoàng Sa nhưng những tài liệu này phần lớn dựa vào ký ức nên thiếu chính xác và chưa đủ để nói lên tầm vóc quan trọng của biến cố lịch sử này. Thứ ba, vì miền Nam đã bị Cộng Sản xâm chiến nên những tài liệu chính thức như các phúc trình hậu hành quân của các chiến hạm tham chiến cũng như của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) rất khó sao lục lại. Theo HQ Trung Tá Vũ Hữu San, báo Le Courier du Vietnam cho biết ngày nay còn có một bản Tổng Kết Hải Chiến Hoàng Sa của BTL/HQ trình BTTM/QLVNCH lưu giữ tại Hà Nội.
Vì những lý do trên, tuy khả năng và hoàn cảnh hạn hẹp, chúng tôi cũng cố gắng thuật lại trận hải chiến tại Hoàng Sa, càng gần với sự thật càng tốt, căn cứ vào những tài liệu thâu thập được phối kiểm với lời kể lại của các nhân chứng. Tác giả may mắn và hãnh diện được là bạn cùng khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân (SQHQ) Nha Trang với hai trong số bốn vị Hạm Trưởng tham chiến, đó là HQ Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Hai Hạm Trưởng còn lại là HQ Trung Tá Lê Văn Thự (Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16) thuộc khóa 10 SQHQ Nha Trang và cố HQ Trung Tá Ngụy Văn Thà thuộc khoá 12 SQHQ Nha Trang là các khóa sinh sát trên và dưới trong lúc cùng học tại Nha Trang nên cũng có dịp quen biết ít nhiều.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có dịp tiếp chuyện nhiều lần với HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc là Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật trong trận hải chiến tại Hoàng Sa. Chúng tôi cũng cám ơn anh bạn trẻ Trương Văn Quang hiện cư ngụ tại Úc Châu đã trợ giúp sưu tầm nhiều hình ảnh và chi tiết hiếm có. Nhưng dù sao, bài viết này chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu sót và kém chính xác, tác giả mong mỏi sẽ được những người biết chuyện thẳng thắn phê bình xây dựng và bổ túc để phần tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa được thêm đầy đủ. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng dù bao nhiêu báo chí sách vở cũng không sao tường thuật đầy đủ và nói hết được tầm quan trọng của biến cố lịch sử Hoàng Sa. Vì vậy bài viết này chỉ mang mục đích đóng góp nhỏ nhoi vào kho tài liệu hải sử, với kỳ vọng những người khác hoặc thế hệ mai sau sẽ thực hiện một pho Hải Sử đầy đủ xứng đáng với tinh thần hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hoàng Sa.
Để dễ dàng theo dõi, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược về vị trí và đặc điểm của quần đảo Hoàng Sa, sau đó trình bày chi tiết về trận hải chiến và cuối cùng sẽ nêu lên một số nhận xét và bình luận.
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
Thư-viện bồ-đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử