lịch sử việt nam
Trận Hải Chiến Tại Quần Đảo Hoàng Sa
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
VIII. Tổng Kết Thiệt Hại Ðôi Bên
1. Phía Việt Nam Cộng Hòa
Thiệt hại về phía HQ/VNCH được ghi nhận ở mức trung bình, gồm 1 chiến hạm bị chìm và 3 chiếc khác bị hư hại. Về phần nhân mạng, số tử thương và bị thương tương đối nhẹ. Ngoài ra, còn một số binh sĩ và nhân viên dân chính bị bắt giữ vào ngày 20/1/74 khi phi cơ và chiến hạm Trung Cộng oanh kích và pháo kích rồi cho quân đổ bộ lên các đảo. Nhóm tù binh này gồm 14 nhân viên thuộc HQ-4 được đổ bộ lên đảo Cam Tuyền vào khoảng 10 giờ sáng ngày 18/1 và 34 binh sĩ Ðịa Phương Quân cùng nhân viên khí tượng, trong số này có một nhân viên dân chính Hoa Kỳ tên Gerald Emil Kosh. Những người bị bắt bị đưa về đảo Hải Nam vào ngày 21/1 và sau cùng bị giam tại nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Năm thương bệnh binh được trao trả vào ngày 31/1 tại cầu Shumchum là ranh giới giữa Hồng Kông và tỉnh Quảng Ðông. Sau 27 ngày bị giam giữ, trước sự đòi hỏi hợp lý cuả VNCH và dưới áp lực của giới ngoại giao cũng như hội Hồng Thập Tự quốc tế, Trung Cộng đã phải phóng thích toàn bộ số 43 tù binh còn lại.
Sau đây là chi tiết về những thiệt hại về phía HQ/VNCH:
a. Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ-10
Ðây là chiến hạm nhỏ nhất và có hỏa lực yếu nhất trong số các chiến hạm VNCH tham chiến. Ngoài ra, tình trạng kỹ thuật còn không được khả quan khiến HQ-10 lại càng thêm bất lợi. Sau khi bắn cháy mục tiêu được chỉ định là chiến hạm Trung Cộng mang số 396, HQ-10 cũng bị bắn trúng đài chỉ huy khiến Hạm Trưởng bị tử thương và hệ thống truyền tin bị tê liệt. Một số nhân chứng từ các chiến hạm bạn quan sát còn cho biết chiếc máy chánh duy nhất còn lại có lẽ cũng bị hư hại nên HQ-10 không thể vận chuyển được nữa, do đó chiến hạm đã bị tầu địch bắn chìm. Số nhân viên còn lại gồm 23 người, trong đó có Hạm Phó lúc đó bị trọng thương đã xuống 4 chiếc bè cấp cứu đào thoát. Trong lúc trôi dạt trên biển cả, vị Hạm Phó và một nhân viên khác từ trần nên đã được thủy táng. Sau bốn ngày ba đêm lênh đênh trên đại dương không đồ ăn và nước uống, nhóm thủy thủ gặp nạn được chiếc tầu dầu SKOPIONELLA của công ty Shell trên đường đi từ Hồng Kông đến Singapore vớt tại vị trí các Ðà Nẵng chừng 150 hải lý về hướng Ðông.
b. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16
HQ-16 thuộc phân đội Bắc cùng với HQ-10 nên cũng bị thiệt hại khá nặng. Trong lúc dùng các khẩu hải pháo 127 ly và 40 ly loại chiếc tầu Trung Cộng mang số 389 ra khỏi vòng chiến, HQ-16 cũng bị hư hại khá nặng. Hầm đạn 127 ly phía trước mũi bị trúng đạn khiến nước tràn vào mỗi khi mũi tầu chúc xuống nên sau đó đã phải cô lập. Một máy điện bị bắn hư và giây điện đứt làm hệ thống điện khiến hầm máy chỗ nào cũng bị điện giật, do đó nhân viên cơ khí và điện khí phải di tản. Nguy hiểm hơn cả là hông tầu ngang hầm máy chánh tả bị thủng một lỗ lớn ngay tầm nước khiến nước biển tràn vào như thác lũ. Chiến hạm mỗi lúc một nghiêng thêm về bên trái và có nguy cơ bị chìm nếu không nhém được lỗ thủng. Nhưng sau cùng, nhờ sĩ quan cơ khí trưởng là Ðại Úy Hiệp điều động nhân viên phòng tai và cơ khí cô lập được hầm máy tả, chiến hạm vẫn tự vận chuyển được dù chỉ còn máy chánh hữu. Vì hầm đạn đã bị cô lập khiến khẩu 127 ly không còn bắn được nữa, ngoài ra chỉ còn một máy và vì tầu bị mất điện hoàn toàn nên hệ truyền tin và tay lái điện cũng bị tê liệt, vả lại, các tầu địch cũng đã bị cháy hay bị chìm, nên HQ-16 rời vòng chiến, di chuyển về hướng Bắc để giữ an toàn.
Riêng toán nhân viên 15 người thuộc HQ-16 do Hải Quân Trung Úy Lâm Trí Liêm chỉ huy đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert) vào ngày 17-1 đã bị mất liên lạc với chiến hạm sau trận hải chiến nên phải tự rút khỏi đảo bằng xuồng cao su. Sau 10 ngày lênh đênh trên biển cả, những người này đã được ghe đánh cá cứu thoát đưa về Qui Nhơn nhưng có một người bị chết vì kiệt lực, đó là Hạ Sĩ Nhất Quản Kho Nguyễn Văn Duyên. Toán đổ bộ 15 người này sau đó đã được đặc cách thăng một cấp.
c. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4
Là chiến hạm có hỏa lực mạnh với hai đại bác 76 ly nên HQ-4 tiêu diệt mục tiêu không mấy khó khăn. Theo báo cáo, chiếc Kronstadt 271 đã bị HQ-4 bắn cháy, sau đó phát nổ và chìm ngay từ những phút đầu của cuộc hải chiến. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, HQ-4 cũng bị trúng nhiều phát đạn của địch quân. Thiệt hại về nhân mạng không đáng kể; thiệt hại vật chất trên chiến hạm được ghi nhận ở mức trung bình với hàng trăm vết đạn đủ loại. Trong số cách chiến hạm HQ/VNCH tham chiến, HQ-4 bị thiệt hại tương đối nhẹ nhất. Hai khẩu trọng pháo 76 ly bị trở ngại tác xạ nhưng sau đó đã được sửa chữa ngay trong lúc tác chiến, máy chánh, máy điện và hệ thống truyền tin khiển dụng tốt, vì vậy HQ-4 coi như vẫn còn đaày đủ khả năng tác chiến.
d. Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5
HQ-5 là nơi HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc, SQ/CHCT đặt bộ tham mưu nên được coi là soái hạm. Theo bản báo cáo hậu hành quân, tất cả hỏa lực của HQ-5 tập trung vào chiếc Kronstadt mang số 274. Không bao lâu, mục tiêu bị bốc cháy vì trúng nhiều đạn 40 ly và 20 ly nên bốc cháy. Tàu địch phải ủi vào bãi san hô sát đảo Quang Hòa để khỏi bị chìm, do đó coi như bị hư hại hoàn toàn. Về phần HQ-5 cũng bị trúng đạn nhiều nơi, các ổ trọng pháo chính 127 ly và 40 ly đôi trước mũi cũng bị trở ngại tác xạ, chỉ còn khẩu 40 ly bên tả hạm xử dụng được. Chính khẩu súng này đã bắn chặn không cho các tầu địch tới gần. Thiệt hại về nhân mạng trên HQ-5 gồm 1 sĩ quan chết, 3 bị thương; hạ sĩ quan 2 chết 4 bị thương; đoàn viên 9 bị thương. Tổng Cộng 3 chết 16 bị thương. Về vật chất, nhiều kho phòng, máy móc và hệ thống giây, ống bị trúng đạn. Lửa bốc cháy cũng như nước tràn vào tại nhiều nơi trên chiến hạm. Nhân viên phòng tai và toán hải kích tăng phái đã xử dụng tối đa phương tiện cơ hữu để cứu thủy và cứa hỏa. Hạm trưởng đã ra lệnh làm ngập nước hầm đạn 127 ly để tránh đạn phát nổ vì kho điện tử và kho cơ khí bị bốc cháy. Tuy bị hư hại khá trầm trọng nhưng HQ-5 không gặp nguy cơ bị chìm hay bị tiêu hủy vì cơ khí trưởng là Thiếu tá CK Trần Ðắc Nguyền là một sĩ quan nhiều kinh nghiệm đã đắc lực điều đông nhân viên dập tắt các đám cháy, bít các lỗ thủng và sửa chữa cá máy móc hư hỏng. Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn, HQ-5 đã trở về tình trạng hoạt động gần như bình thường.
2. Phía Trung Cộng
Cả 4 chiến hạm Trung Cộng tham chiến đều bị trúng đạn. Một tầu Kronstadt và một Trục Lôi Hạm bị chìm tại chỗ; hai chiếc còn lại bị hư hại nặng phải ủi lên bãi san hô nên coi như phế thải. Về nhân mạng thiệt hại không rõ nhưng chắc là khá nặng.
Vào ngày 19 tháng 1, ngay sau khi xảy ra trận hải chiến tại Hoàng Sa, một nhân viên giao tế thuộc bộ Ngoại Gia Hoa Kỳ là ông John F. King tuyên bố chính thức tại Hoa Thịnh Ðốn: "Hoa Kỳ không nghiêng về phe nào, tuy nhiên chúng tôi rất muốn có một sự giàn xếp ôn hòa". Khi trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông King nói tiếp: "Hoa Kỳ không dính dáng gì đến việc tranh chấp tại Hoàng Sa". Như vậy, ít nhất về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ đã chọn thái độ trung lập.
Sang ngày 21 tháng 1, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết đã chỉ thị cho Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ đang hoạt động tại vùng Thái Bình Dương không được can dự vào các trận đánh giữa VNCH và Trung Cộng để dành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Trong lúc đó, nguồn tin UPI từ Sài Gòn cho biết chính Ðại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin cũng đã từ chối lời yêu cầu của chính phủ VNCH, không chịu cung cấp chiến hạm và phi cơ trực thăng tiếp cứu những thủy thủ Việt Nam và một người Mỹ lâm nạn. Tại Hoa Thịnh Ðốn, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Jerry W. Friedman tuyên bố không hay biết gì về lời yêu cầu trợ giúp này. Nguồn tin AP rõ ràng hơn, cho biết chính phủ VNCH đã yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội cho chiến hạm và phi cơ trực thăng tìm kiếm thủy thủ đoàn của một chiến hạm Việt Nam với 82 thủy thủ đoàn đã bị chìm tại Hoàng Sa.
Khi được hỏi về việc có một người Mỹ cũng bị mất tích tại Hoàng Sa, ông King giải thích: "người Mỹ này là một nhân viên dân chính làm việc cho cơ quan DAO tại Sài Gòn và đã ra Hoàng Sa theo lời mời của vị Tư Lệnh Hải Quân tại Ðà Nẵng. Cuộc hành trình này là một chuyến viếng thăm thông thường dự trù trong 3 ngày và đã được xếp đặt trước khi xảy ra cuộc đụng độ". Ông cũng cho biết không có tin tức gì về số phận của người Mỹ này.
Ngày 22 tháng 1, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger chính thức lên tiếng từ chối không chịu bênh vực phe nào trong cuộc tranh chấp tại Hoàng Sa. Ông Kissinger cũng nói Hoa Kỳ "rất tiếc đã có cuộc đụng độ quân sự tại Hoàng Sa". Trong buổi họp báo. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ cho biết ưu tiên hiện tại chưa hẳn là vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nhưng là việc đôi bên cộng tác chặt chẽ và cải thiện mối dây liên lạc trên nhiều lãnh vực khác nhau.
Sang ngày 23 tháng 1, giới chức Hoa Kỳ cho biết người Mỹ bị mất tích tại Hoàng Sa thuộc nhóm nhân viên dân chính làm việc cho bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Ðây là nhóm "quan sát viên" có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo những hoạt động và hiệu năng của quân đội VNCH. Phát ngôn viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ giải thích: "Họ không phải là cố vấn mà chỉ là các quan sát viên có nhiệm vụ báo cáo về việc xử dụng cũng như hiệu năng của các chiến cụ". Nhóm này chỉ có vào khoảng trên dưới mười người và còn được gọi là những "liên lạc viên". Giới chức ngoại giao tin tưởng rằng Hoa Kỳ đã không vi phạm đạo luật của Quốc Hội ngăn cấm việc xử dụng quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam và cũng không vi phạm thỏa hiệp Paris.
Theo nguồn tin tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, người Mỹ mất tích tên là Gerald Emil Kosh, 27 tuổi, quê quán tại Lafayetteville, tiểu bang Pennsylvasnia, cựu Ðại Úy Lục Quân đã từng tham chiến tại Việt Nam và được tưởng thưởng một huy chương với ngôi sao bạc và chiến thương bội tinh. Phát ngôn viên Tòa Ðại Sứ còn cho biết thêm: "Ông Kosh hiện là một nhân viên dân chính đã có mặt trên một chiến hạm VNCH tham chiến tại Hoàng Sa. Sau một trận hải chiến dữ dội, HQVN đã đưa ông này lên đảo Hoàng Sa để được an toàn hơn. Nhưng ngày hôm sau, phi cơ Mig và chiến hạm Trung Cộng oanh kích đảo và số phận của ông Kosh không được biết từ đó". Riêng bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vẫn không tiết lộ gì nhiều về nhiệm vụ của ông Kosh, chỉ nói rằng ông là nhân viên dân sự làm việc cho phòng tùy viên quân sự của Tòa Ðại Sứ tại Sài Gòn. Nguồn tin này không được chính xác. Ông Kosh không có mặt trên chiến hạm VNCH vì ông đã yêu cầu HQ-5 đưa lên đảo Hoàng Sa vào tối 18/1, một ngày trước khi xảy ra trận hải chiến.
Cuối cùng, sau 10 ngày bị bắt giữ, ông Kosh được Trung Cộng thả vào ngày 31 tháng 1 tại cây cầu Lo Wu, ranh giới giữa Hương Cảng và tỉnh Quảng Ðông.
X. KẾT LUẬN
Trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa giữa HQ/VNCH và HQ/TC diễn ra trong vòng 30 phút, một thời gian tương đối ngắn ngủi, nhưng hậu quả còn kéo dài cho tới ngày nay. Sau khi chiếm được Hoàng Sa, lực lượng TC tiến sâu hơn về phía Nam, chiếm thêm một số đảo thuộc vùng Trường Sa. Hiện nay, các đảo tại Hoàng Sa đã được cải tiến thành những căn cứ quân sự quan trọng, có phi trường và cầu tàu khá tối tân. Ngoài ra, TC cũng đã có quân đồn trú thường trực và xây cất công sự phòng thủ rất kiên cố trên nhiều hải đảo khác tại Biển Ðông. Tham vọng của Trung Cộng còn biểu lộ trắng trợn hơn khi họ đơn phương vẽ lại bản đồ, đòi chủ quyền hầu như trọn Biển Ðông, có nơi chỉ cách bờ biển Việt Nam vài chục hải lý. Mới đây TC lại ép Việt Nam ký thỏa ước biên giới, chiếm thêm một số đất vùng thượng du, và quan trọng hơn, một phần lãnh hải trong vịnh Bắc Việt.
Trước sự lấn lướt của TC chính quyền Việt Nam hiện tại ở trong thế bị động vì vẫn còn nằm trong quĩ đạo của TC và nhất là trước đây đã lên tiếng công nhận chủ quyền của "người anh em xã nghĩa" tại Biển Ðông. Nếu TC đạt được tham vọng bành trướng của họ, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ bị hoàn toàn khống chế và nằm dưới quyền sinh sát của kẻ thù truyền kiếp. Dưới áp lực nặng nề của người láng giềng không lồ đầy dã tâm phương Bắc, Việt Nam bắt buộc phải cựa quậy bằng đủ mọi cách, kể cả việc mong được nương tựa vào "đế quốc Mỹ" để khỏi bị nghẹt thở. Chính vì vậy mà cách đây không lâu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Trần Văn Trà đã chính thức thăm viếng Hoa Kỳ, và chiến hạm Vandergrift của HQ Hoa Kỳ cũng ghé bến Sài Gòn. Ðây là những "đòn gió" của HK và VN ngầm nhắn TC hãy tự chế, nếu không có thể đụng độ với liên minh quân sự Việt - Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách "đi giây", ngả bên này nghiêng bên kia để sống còn cũng không phải là kế lâu dài. Vì dựa vào "đế quốc" hay "ông thầy vĩ đại" rút cục cũng vẫn phải chịu thân phận tôi đòi, sớm muộn gì cũng bị chủ nhân bắt nạt. Chỉ khi nào dân Việt được Tự Do làm chủ vận mệnh của mình, đất nước mới hy vọng tiến bộ phú cường khiến thế giới kính nể, lúc đó Việt Nam mới có cơ hội nói chuyện ngang hàng lân bang, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình trên Biển Ðông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ðịa Lý Biển Ðông Với Hoàng Sa và Trường Sa (Vũ Hữu San)
2. Hạm Ðội Hải Quân QLVNCH (Bảo Biển)
3. Lướt Sóng số đặc biệt "Chiến Thắng Hoàng Sa"
4. Ðặc San CQN/HQ/VNCH số đặc biệt Hoàng Sa
5. Trận Hải Chiến Lịch Sử Hoàng Sa (Hà Văn Ngạc)
6. Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt Và Trận Hải Chiến Hoàng Sa (Ðào Dân)
7. Lần Ðào Thoát Ở Hoàng Sa (Nguyễn Ðông Mai)
8. Tài Liệu từ các Websites Trung Cộng.
Trần-đỗ-Cẩm biên khảo
Thư-viện bồ-đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử