lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (07-09-2009) - Chuyên-mục Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam được thành lập nhằm vinh-danh những anh-hùng, anh-thư đã dầy ân đức đối với đất nước và dân-tộc Việt-Nam qua nhiều thời đại.
Thần Việt Điện_Thập Bát Đại Thần Tướng Việt Nam
- thời cận đại -
Điện Thần Việt tôn thờ chư tướng thần
Sinh ra là Tướng chết đi thành thần
Thế, Đông, Ân, Thanh, Đạt, Vinh, Thà, Phúc, Tùng, Thông, Hiếu, Long, Phú, Vỹ, Hai, Hưng, Nam, Cẩn
Ngàn năm sau ghi nhớ gương anh hào.
Trúc Lâm Lê An Bình sưu khảo; Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc biên tập, hiệu đính năm 2011; 10-2013; 01-2014; 09, 10-2014. (trích Thần Việt Điện tức Tân U Linh Việt Điện)
5/ Anh-hùng, tướng thần Lê-đức-Đạt ( ? - 1972)
Nguyên quán cũng như năm sinh của anh-hùng Lê Đức Đạt chưa rõ. Về binh nghiệp, ông nguyên là một sĩ quan cao cấp thuộc binh chủng Thiết kỵ. Khi còn ở cấp đại úy, ông đã theo học tại trường Thiết giáp Saumur Pháp vào khoảng từ 1954-1955. Thăng cấp thiếu tá, đã có thời gian chỉ huy một trung đoàn Thiết giáp (danh xưng sau này là thiết đoàn). Từ năm 65 đến 67 là trung tá tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng tiểu khu Phước Tuy.
Năm 1971 được cử làm Tư lịnh phó Sư đoàn 22 Bộ binh; từ ngày 01-03-1972 được cử làm Tư lịnh Sư đoàn 22 bộ binh kiêm tư lịnh mặt trận Tân-Cảnh. Tuẫn-quốc ngày 24-04-1972 tại bộ tư lịnh sư đoàn (Tân Cảnh, Kontum).
Xuất thân là một sĩ quan xuất sắc, tận tụy với trách nhiệm; ngoài ra khi phối hợp hành quân, cộng tác với các cố vấn Mỹ, anh-hùng, tướng thần Lê-đức-Đạt đã giữ vững khí phách, sĩ khí của một sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông sống, chỉ huy sư đoàn, và chấp nhận chết với sư đoàn.
Liên quan đến chi tiết toán cố vấn Mỹ bỏ chạy, có hai nguồn tin khác nhau:
1/ Trung tá Bùi-đức-Lạc, chỉ huy trưởng pháo binh Sư đoàn Nhảy Dù viết như sau: "Ngày 22-4-72 ban Cố Vấn trốn khỏi Tân Cảnh bằng trực thăng không thông báo cho BTL/SÐ22BB biết, tuy nhiên mọi người đều biết trước vì đang đêm 2400G ban Cố Vấn đánh dấu bãi đáp, trong lúc địch đang pháo mạnh, ban ngày lúc địch pháo cũng như tấn công mạnh đã thấy họ dọn bãi đáp cho trực thăng ngay sát phòng Cố Vấn, một vài sĩ quan có đề nghị với ÐT/TL không cho Cố Vấn đi, nhưng ông cười và đáp ngắn gọn (cho họ đi) nhờ vậy toán Cố Vấn ra đi an toàn, từ lúc đó địch quân đánh mạnh" -ngưng trích- Trận Tân cảnh 23-4-1972: Kẽm Gai Bọc Thây Anh Hùng, Mũ đỏ Bùi-đức-Lạc.
2/ Vương Hồng Anh trong bài viết Mặt trận Tân Cảnh và tư lệnh chiến trường : từ Thiếu tướng Lê Ngọc Triển đến Đại tá Lê Đức Đạt, có đoạn "Nhận thấy tình hình vô vọng, đại tá Kaplan-cố vấn trưởng Sư đoàn-đã liên lạc khẩn cấp yêu cầu cố vấn trưởng Quân đoàn 2 bay lên cứu ông và toán cố vấn... đại tá Kaplan đã đến báo cho đại tá Lê Ðức Ðạt và yêu cầu ông cùng lên trực thăng ứng cứu của ông Paul Vann nhưng đại tá Ðạt đã từ chối. Vị tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh đã biết rõ tình hình rất bi đát, thế nhưng ông vẫn không yêu cầu trung tướng Ngô Du cho trực thăng bay lên cứu" -ngưng trích-
Mũ đỏ Bùi-đức-Lạc gọi sự kiện Sư đoàn 22 Bộ binh thất thủ là " bị bỏ rơi tàn bạo" - ngưng trích.
Cho dù có sự khác biệt về việc di tản ghi bên trên, nhưng căn bản cho thấy sự can trường, tinh thần trách nhiệm của anh-hùng Lê-đức-Đạt, nguyên đại tá Tư lịnh sư đoàn 22 Bộ binh kiêm tư lịnh mặt trận Tân-Cảnh.
Ông xứng đáng được tôn xưng là bậc tướng thần thứ 5 của Việt-Nam vào thời cận đại.
Trúc-Lâm Nguyễn-việt phúc-Lộc
***
Sự tích, thần tích liên quan:
Trận Tân cảnh 23-4-1972: Kẽm Gai Bọc Thây Anh Hùng
Huy hiệu Sư đoàn 22 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng-Hòa
Anh hùng Lê Đức Đạt
Mũ đỏ Bùi Đức Lạc
Anh hùng Lê Đức Đạt
Thực tình tôi không muốn viết bài này vì nó cho tôi một kỷ niệm nhiều đau thương nhất trong cuộc đời binh nghiệp vốn dĩ đã kém may mắn cuả tôi, hơn nữa tôi không muốn gợi lại những chuyện (sự thật đau lòng) nhưng một vị đàn anh dã yêu cầu nên tôi đành vâng lời, tôi cố gắng chỉ viết những gì thật cần thiết, còn những gì không cần thiết tôi xin được né tránh, một điều xin thưa rằng đây là sự thực những gì tôi thấy, những gì tôi nghe; nhớ tới hình dáng người dân địa phương, lưng mang gùi nặng tay vẫy chào như trao trách nhiệm bảo vệ thôn rẫy, mà lòng nào đành quên sao? Nhớ tới những vị đàn anh, những người bạn, những người em lạc lõng tại Sư Ðoàn 22 Bộ Binh mà lòng nao nao bất ổn, đây là một cuộc hành hạ không phải là một trận đánh, tôi không hiểu sao sau khi SÐ22BB bị bỏ rơi tàn bạo mà tôi còn đủ tinh thần tiếp tục chiến đấu, tôi vẫn ngạc nhiên tại sao chúng ta vẫn hiên ngang ôm lấy quê hương cho đến năm 1975.
Nguyễn Ðình Bảo mới ra đi hun hút, tôi lặng người trước cơn gió tây Hạ Lào, dáng dấp lao đao như muốn ngả theo gió, cách nay 5 năm tức năm 1967 tôi đã tiễn một người bạn đồng cư trong trại Học sinh di cư Phú Thọ ra đi tại đây Nguyễn Thu, toàn những mất mát rơi rụng không bao giờ cầm lại được, năm 1959 tôi cùng Ðại Úy Lai văn Chu Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 7 Bộ Binh SÐ3DC chơi Vũ Cầu rất thân thiết, hai năm sau ông đổi lên Tân Cảnh rồi hai năm sau nữa tôi thấy tên ông trên cổng trại Trung Ðoàn 42 Bộ Binh tức doanh trại Bộ Tư Lệnh Hành Quân của SÐ22BB bây giờ.
Tôi được đọc hai cuốn sách của hai tác giả rất nổi danh và bài viết của vị trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II tuy chỉ nói phớt qua về SÐ22BB nhưng điểm chính đều sai lạc. Cuốn thứ nhất tôi được đọc khoảng năm 1988 trong sách nói (khi bị tấn công thì Trung Ðoàn 42 thuộc SÐ22BB và Bộ Tư lệnh của Sư Ðoàn này đầu hàng). Cuốn thứ hai khoảng năm 1994 nói (sau khi bị địch quân vây hãm Ðại Tá Lê Ðức Ðạt Tư Lệnh SÐ22BB được trực thăng bốc ra ngoài), bài viết của vị Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn tôi được đọc năm 1996 (SÐ22BB thua là do rút Nhảy Dù đi nơi khác). Tôi thật sự không hiểu tài liệu tham khảo ở đâu vậy. Thứ nhất: SÐ22BB không hề đầu hàng mà bị thất thủ. Thứ hai: Ðại Tá Tư Lệnh SÐ22BB tử trận ngay tại chỗ. Thứ Ba: tôi chính là người cho lệnh bắn yểm trợ sau cùng, và có lẽ là người sau cùng tiếp chuyện trên máy với vị Tư Lệnh khả kính này trước không đầy 3 phút khi ông vĩnh viễn ra đi.
Rải rác khắp các vùng chiến thuật biết bao nhiêu chiến sĩ Vô Danh đã anh dũng chiến đấu và hiên ngang gục ngã họ chẳng bao giờ được nhắc nhở và nếu may mắn được nhắc tới thì cũng chứa chất hàm hồ sai lạc như các chiến sĩ SÐ22BB. Gặp lại những người bạn cũ trên chiến trường này than phiền về những bất công cuả dư luận, nhất là một người anh nên tôi xin kể lại trận đánh có một không hai này.
Ngày 14-4-1972 tôi tháp tùng Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 2 Nhảy Dù bay trên căn cứ Charlie, chúng tôi không sao ngăn được những giọt lệ tự nhiên lăn trên gò má. Căn cứ Charlie không còn nữa mà chỉ còn là một vùng đất đỏ, trông như một khu đất mới được cầy lên để chuẩn bị canh tác không một công sự nào còn tồn tại, tất cả mọi sinh vật trong vùng này đều bị hủy diệt và chắc chắn không còn nguyên vẹn hình hài, tôi sẽ nấc lên khi gọi tên Bảo, thân xác anh đích thực đã trở thành tro bụi, cùng với các chiến sĩ anh hùng Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù và một Trung Ðoàn của Sư Ðoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt, những tấm thảm B52 đã trải lên Charlie để Charlie không còn tồn tại trên thế gian này. Tuy vậy phòng không của địch trên sườn Yankee và khoảng giữa Delta và Charlie và dưới sườn phiá đông nam của Charlie cũng giăng lưới đầy trời, tôi trình bầy với Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng những vùng thông thủy không có phòng không chắc chắn các đơn vị chúng đang ẩn náu tại đó nếu không phòng không của chúng đã rút đi rồi, ta nên xử dụng Pháo Binh, ÐT/LÐT đồng ý ngay và những loạt đạn TOT phủ xuống như một tấm thảm B52, quả nhiên vì không hầm hố cho nên địch quân chạy tán loạn, và đương nhiên không khi nào các Pháo Thủ Mũ Ðỏ lại để chúng an lành như vậy, sau một giờ bay vừa tránh đạn phòng không vừa điều chỉnh Pháo Binh. Phi công xin đi đổ xăng chúng tôi đáp xuống Tân Cảnh. Trực thăng bay đi phi trường Phượng Hoàng đổ xăng; chúng tôi vừa đến cửa Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) cuả BTL/SÐ22BB thì hoả tiễn cuả địch dàn chào ngay, một vị sĩ quan nói đùa (chúng nó chào mừng Nhảy Dù đó). Tại TTHQ Ðại Tá Lê Ðức Ðạt TL/SÐ22BB đề nghị cùng ÐT/LÐT/LÐ2ND là cho TÐ9ND do Trung Tá Trần hữu Phú làm TÐT vào giữ căn cứ Tân Cảnh, nhưng ÐT/LÐT/LÐ2ND không đồng ý với những lý do sau đây: Thứ nhất: trong căn cứ quá đông người. Thứ hai: việc bảo vệ BTL/SÐ22BB phải do đơn vị cơ hữu chịu trách nhiệm. Thứ ba: các đơn vị Nhảy Dù lưu động có hiệu quả hơn là nằm một chỗ. Tôi nhìn thấy nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt hiện đang khắc khổ của vị TL/SÐ22BB. Sau đó ÐT/LÐT/LÐ2ND đề nghị nên cho TÐ9ND đang trong vùng của LÐ2ND vào chiếm những cao địa hướng đông đông bắc cuả Tân Cảnh còn BCH/TÐ nên cho đóng tại phi trường Phượng Hoàng vì dẫy núi này sẽ chế ngự mọi hoạt động không vận cho Tân Cảnh và phi trương Phượng Hoàng, ÐT/TL/SÐ22BB mừng rỡ và đồng ý ngay, ông đề nghị Nhảy Dù nên xin tăng cường quân, nhưng ông đâu có biết hiện nay Sư Ðoàn Nhảy Dù không còn một đơn vị nào tại hậu cứ.
Ngày 15-4-1972 toàn bộ TÐ9ND vào vùng hành quân mới, hai Ðại Ðội do Thiếu Tá Võ thanh Ðồng TÐP chỉ huy, dùng trực thăng chiếm các cao địa nhưng ngày khởi đầu hai trực thăng bị bắn rơi vì LZ (bãi đáp) được dọn quá sơ sài. Ngoài tầm của các Pháo Ðội TÐ1PB/ND, hơn nữa TÐ9ND được tăng phái cho SÐ22BB nên tôi không có trách nhiệm đổ quân cũng như dọn bãi đáp, ngược lại lúc này tôi phải yểm trợ trực tiếp cho một Liên Ðoàn BÐQ mới được tăng phái dưới quyền chỉ huy của LÐ2ND. Hai đại đội còn lại của TÐ9ND tung vào lục soát khu vực hướng bắc và tây bắc cuả căn cứ Tân Cảnh tức hướng tây của phi trường Phượng Hoàng còn lại BCH/TÐ9ND đồn trú ngay tại phi trường Phượng Hoàng. Như vậy ngoài vòng đai căn cứ Tân Cảnh từ hướng Tây bắc sang đến hướng đông đông bắc là do TÐ9ND trách nhiệm, còn các hướng khác là do các đơn vị cơ hữu cuả SÐ22BB trách nhiệm.
Ngày 18-4-1972 khoảng 2330g địch quân pháo và đánh thăm dò căn cứ, từ chùa Tân Cảnh địch quân dùng hoả tiễn điều khiển bắn các chiến xa phòng thủ trong căn cứ, nhưng không một chiến xa nào bị hạ. Ngày 19-4-72 chúng tôi lại đáp xuống Tân Cảnh thì các sợi dây mầu xanh, đỏ, vàng điều khiển hoả tiễn còn vương vãi trên hàng rào phòng thủ, vị trí đặt hoả tiễn ngay tại chùa Tân Cảnh tức phía tây nam căn cứ cách không tới 1Km, nên ngoài tầm chính xác của hỏa tiễn đó là lý do không trúng chiến xa của ta, nhưng nó đã làm cho quân ta xuống tinh thần không ít. Tôi vòng phiá nam căn cứ thấy đang huấn luyện chống chiến xa địch nhưng từ HLV trở xuống không ai thấy chiến xa địch bao giờ, và lúc này dàn phòng không của địch đã đến gần căn cứ chúng tôi là người phát hiện đầu tiên, khi địch quân khai hỏa nếu chúng tôi bay cao một chút, hay bay sát lộ thì đã bị hạ rồi, nhưng vì bay sát ngọn cây và xa đường lộ nên thoát nạn. Vị trí phòng không ngay sát căn cứ trong vùng trách nhiệm của SÐ22BB gần trên đường đi Võ Ðịnh nơi đóng quân của LÐ2ND. Lúc này bất cứ ai cũng cảm thấy địch quân sắp sửa dứt điểm Tân Cảnh, nhưng cấp trên cũng vẫn chưa cho không quân chiến lược can thiệp, còn không quân chiến thuật cũng rất hạn chế, khi đánh căn cứ số 6 hay căn cứ số 5, chúng tôi xin không quân chiến thuật còn dễ dàng và dồi dào hơn bây giờ. Lúc đó ta chỉ là cấp đại đội bị vây hãm, còn bây giờ sự an nguy cho cả một Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và một Trung Ðoàn cộng. Vậy mà cấp trên vẫn thờ ơ. Sức người có hạn hỏi làm sao chống đỡ được đây? Nhất là hiện nay trục lộ tiếp tế cũng đã bắt đầu bị chặn đứng, trong khi những đoàn xe tiếp tế cuả địch quân di chuyển cả ban ngày, còn ban đêm xe địch quân di chuyển, đèn sáng như trong thành phố vậy. Hỏi làm sao tinh thần của anh em SÐ22BB còn vững được. Các dấu hiệu rõ ràng sự xuất hiện của SÐ320, SÐ304, SÐ986, các trung đoàn phòng không, các trung đoàn chiến xa. Thời điểm này nếu chúng ta khôn ngoan một chút thì phải cho BTL/SÐ22BB rút về cố thủ tại Kontum. Tân Cảnh nếu cần chỉ nên để lại một trung đoàn là nhiều, chứ không nên để một BTL/SÐ làm tiền đồn cho Quân Ðoàn, lúc đó quân số mà BTL/SÐ22BB chỉ huy chỉ vỏn vẹn có Trung Ðoàn 42 Bộ Binh còn Lữ Ðoàn Nhảy Dù thì Bộ Tổng Tham Mưu có thể rút đi bất cứ lúc nào, ai cũng rõ là địch sẽ dùng một Sư Ðoàn cộng với chiến xa để dứt điểm Tân Cảnh, trong khi SÐ22BB chỉ có một Tiểu Ðoàn trừ trong căn cứ để bảo vệ BTL. Không có chiến lược hay chiến thuật nào lại xử dụng BTL/SÐ làm tiền đồn bao giờ, một sự bất nhẫn tàn bạo đã phí mạng hàng trăm quân nhân và làm thành làn sóng bất mãn. Quân số không quan trọng bằng tinh thần, tôi thấy anh em trong căn cứ tinh thần xuống từ khi không được yểm trợ không quân đúng mức nhất là những mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như đoàn xe địch di chuyển ban ngày không bị một lực lượng nào ngăn cản, hay những vị trí phòng không, vị trí pháo binh của địch. Việc Tân Cảnh còn hay mất chỉ còn chờ thời gian khi nào địch quân khởi sự tấn công mà thôi thật sự là như vậy. Tôi đang ghi chép những vùng địch tập trung, ÐT/TL/SÐ22BB gọi tôi ra chỗ vắng dặn dò (tôi quen Cố Chuẩn tướng Ðạt khi ông còn là Tỉnh Trưởng Bà Rịa không lần nào xuống Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp thao dượt mà ông lại quên đón chúng tôi vào tư dinh để hàn huyên, tôi thường gọi ông bằng anh, chỉ gọi bằng cấp bậc những khi có mặt người khác).
- Anh cảm thấy nguy đến nơi rồi, bọn Tây (Cố Vấn Mỹ) mấy hôm nay nó có thái độ rất lạ lùng, chú mày nhớ rằng có chuyện gì phải vào tần số chỉ huy để yểm trợ cho anh.
- Anh nên vào tần số của em dễ làm việc hơn tốt nhất anh nói bên Pháo Binh biệt phái một toán Sĩ Quan Liên Lạc bên cạnh anh, họ sẽ có đủ đặc lệnh Truyền tin để liên lạc với em.
- Ừ như vậy tiện đó, nhớ rằng anh rất cần em khi có biến động.
- Anh cẩn thận em thấy không được yểm trợ đúng mức anh em trong căn cứ có vẻ mất tinh thần. Ông gật đầu tỏ dấu không còn làm gì hơn được.
Ông bắt tay tôi thật chặt trước khi chia tay, mắt ông đờ đẫn vì nhiều đêm mất ngủ, chúng tôi trở về căn cứ Võ Ðịnh nhìn cách phòng thủ và tinh thần cuả anh em Mũ Ðỏ tôi an tâm, đặn dò Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực nếu SÐ22BB bị đánh phải gọi tôi dậy ngay, dầu gì tôi cũng chỉ còn Pháo Ðội trên Yankee là có thể bắn cho Tân Cảnh, được đạn dược trên đó còn. Hai Pháo Ðội 105 ở Võ Ðịnh và Non Nước thì mút tầm, có thể xử dụng 155 ở Non Nước. Tôi dặn dò các Pháo Ðội liên hệ, cũng là lúc mà tôi điều khiển tác xạ vào vùng tập trung quân chung quanh Tân Cảnh, hai Pháo Ðội mặc dù mút tầm tôi vẫn cho bắn vào những nơi không qua đầu hay thẳng trục đồng hồ chỉ 0300G vậy mà ÐT Ðạt vẫn còn trên máy, trận Hạ Lào cũng không làm tôi bối rối như trận này.
Ngày 20-4-72 các đơn vị hoạt động chung quanh căn cứ Tân Cảnh ghi nhận địch quân di chuyển đông và tiến dần về Tân Cảnh, hướng tây bắc (DAKTO) có tiếng đoàn chiến xa di chuyển. Khi bay lên vùng này chúng tôi cố gắng tìm dấu vết chiến xa nhưng địch quân không để lộ dấu vết. Như vậy chiến xa địch nếu có cũng ít mà thôi. Ðồng thời ÐÐ2TS/ND cũng làm thịt những toán TSV/PB cũng như những toán tiền thám của địch chung quanh căn cứ cuả LÐ2ND (Võ Ðịnh).
Ngày 21-4-72 các ÐÐ cuả TÐ9ND bắt đầu chạm địch cánh quân trên núi đụng rất nặng, một ÐÐ Trưởng tử thương, TÐP bị thương nặng không sao có thể tản thương được, hai ÐÐND hoạt động hướng tây bắc Tân Cảnh bắt sống được một tù binh trong toán Tiền Sát Viên Pháo Binh. Tù binh khai thuộc SÐ968 và mới từ Bắc vào bổ xung cho đơn vị này, theo kinh nghiệm khi nào TSV/PB tới gần tức là để điều chỉnh Pháo Binh và không bao giờ chúng đi một toán, mất toán này còn toán khác, khi Pháo địch đã hoạt động trúng ta, là thời điểm tấn công cũng bắt đầu, pháo bắt đầu mãnh liệt từ 1800G và lúc 2300G chúng tấn công thăm dò căn cứ, lần này chúng tấn công quy mô hơn, hoả lực vũ bão hơn, vậy mà không quân chiến thuật chỉ yểm trợ có một phi tuần mà thôi, một tiền đồn với cấp Ðại Ðội nếu bị đánh cũng không đến nỗi yểm trợ rời rạc như vậy, từ hôm đó một vị sĩ quan Pháo Binh bên cạnh TL/SÐ22BB bắt đầu liên lạc với TÐ1PB/ND tôi được biết là Ð/U Hưng, Hưng làm việc rất giỏi và rất cẩn trọng.
Ngày 22-4-72 ban Cố Vấn trốn khỏi Tân Cảnh bằng trực thăng không thông báo cho BTL/SÐ22BB biết, tuy nhiên mọi người đều biết trước vì đang đêm 2400G ban Cố Vấn đánh dấu bãi đáp, trong lúc địch đang pháo mạnh, ban ngày lúc địch pháo cũng như tấn công mạnh đã thấy họ dọn bãi đáp cho trực thăng ngay sát phòng Cố Vấn, một vài sĩ quan có đề nghị với ÐT/TL không cho Cố Vấn đi, nhưng ông cười và đáp ngắn gọn (cho họ đi) nhờ vậy toán Cố Vấn ra đi an toàn, từ lúc đó địch quân đánh mạnh, cường độ Pháo cũng gia tăng. Hướng tấn công chính là ngay cổng chính tức là hướng từ phố Tân Cảnh, có tiếng xe tăng từ hướng Dakto chạy về, và xe tăng địch khởi sự bắn đại bác không giật và đại liên vào căn cứ, anh em trong căn cứ cố gắng mở hàng rào từ phía nhà của Cố Vấn để băng sang Phi Trường Phượng Hoàng, hy vọng bắt tay với TÐ9ND, toán Công Binh do đích thân vị Tiểu Ðoàn Trưởng Công Binh chỉ huy phá hàng rào cũng đành bó tay vì hàng rào được làm bằng thùng xăng 200 lít nhồi đất và gài mìn dầy đặc cộng với kẽm gai, các cột kẽm gai được đúc bằng xi măng rất kiên cố, về sau phải xin Không Quân oanh tạc mở đường, nhưng phòng không của địch quá mạnh, máy bay không sao xuống thấp được.
Ngày 23-4-1972 tức là ngày chủ nhật, Pleiku hay Sài Gòn giờ này có thể trời đang đẹp 1000G Không Quân mới giúp mở được hàng rào có thể rút sang phi trường, tuy vậy muốn băng qua được cũng vẫn còn rất khó khăn, lúc này TÐ9ND cũng bị tấn công mạnh, bốn đại đội tác chiến đều ở ngoài nên BCH/TÐ không có khả năng tiếp cứu, 1300G thiết giáp hạng nhẹ của địch không một chiếc nào bị thương vào tới cột cờ, nhưng địch không có tùng thiết cho nên thiết giáp nằm tại đó, quân ta vẫn cứ chạy qua mặt thiết giáp ra phía hàng rào đã phá. Hưng liên lạc cho tôi cho biết anh và Ðại Tá TL/SÐ22BB ra tới hàng rào, lúc đó ÐT/TL giật lấy máy.
- 11 (chỉ danh cuả tôi) đây 01 (chỉ danh cuả ÐT/TL/SÐ22BB. Nguy rồi 11 anh bắn ngay vào sân cờ thiết giáp nó vào sân cờ rồi.
- 01 đây 11 tôi thi hành ngay.
-11 đây 01 anh tiếp tục cho bắn như vậy may ra tôi có thể gặp Cửu Long (TÐ9ND) được, khoảng 2 phút sau tôi nhận được Hưng gọi.
-11 đây Hồng Hà gọi …………… 01 theo ông Bắc Bình rồi.
Tôi hiểu Hưng muốn nói gì nhưng tôi cũng cứ hỏi lại.
- Hồng Hà đây 11 anh nói gì lập lại.
-11 đây Hồng Hà tôi nói ………. 01 theo ông Bảo rồi.
- Hồng Hà đây 11, anh cố gắng mang 01 sang Cửu Long được không.
- Không được vì xe tăng nó bắn nên kẽm gai quấn chặt lấy ông ấy rồi, tôi cố gỡ ra nhưng không ai có kềm cắt kẽm gai cả. Giọng Hưng yếu hẳn đi tôi nghe rõ tiêng nổ chát chúa và tôi hoàn toàn mất liên lạc từ lúc 1410G ngày 23-4-72. Cho tới giờ phút này cuối tháng 4-97 tức 25 năm sau tức 1/4 thế kỷ, thương nhớ ngày Tân Cảnh thất thủ, chỗ Cố Chuẩn Tướng Ðạt ( truy thăng 24-4-1972) và Hưng nằm xuống tại đâu, chỗ nào tôi vẫn còn nhớ, cỏ cây dù có che lấp hình hài các anh nhưng tôi không sao quên được chỗ nằm của các anh những anh hùng của SÐ22BB, tôi biết các anh nằm xuống mà không sao nhắm mắt được./.
Trung tá Bùi Ðức Lạc
***
Tướng Ngô Du và Quân Đoàn II
Cố đại tá Trịnh Tiếu
(LTS: Ông chết khoảng năm 1995 khi vừa tới Hoa Kỳ không được bao lâu, sau một cơn bịnh nặng. Ông đã bị giam trong tù cải tạo của CS khoảng 13 năm).
Tháng 4/1975, toàn thể Quân lực VNCH đã bị "bức tử" một cách nhục nhã. Nhưng trước đó 3 năm, vào Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, Sư đoàn 22 Bộ Binh cũng đã bị "bức tử" tại Tân Cảnh, Kontum trong trường hợp tương tợ. Tại sao lúc đó Sư đoàn 22BB đã bị bức tử và đã bị bức tử như thế nào? Trận Tân Cảnh 1972 là một trong những trận đánh lớn nhất của Quân Lực VNCH. Chúng tôi, qua các chức vụ được giao phó, có cơ hội biết được một số sự kiện liên hệ đến trận đánh này. Chúng tôi xin ghi lại dưới đây với hy vọng giúp các sử gia sau này tìm ra được câu trả lời chính xác cho những vấn nạn kể trên.
1. Tướng Ngô Du và Quân đoàn II
Tháng 8/1970, Thiếu tướng Ngô Du, quyền Tư lịnh Quân đoàn IV (sau khi Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tử trận), đã được Tổng thống Thiệu bổ nhiệm chức vụ Tư lịnh Quân đoàn II và Quân khu II. Tướng Ngô Du, theo nhận xét của các giới chức Hoa Kỳ, là một tướng lãnh thông minh, giỏi về tham mưu, hăng say phục vụ cho đất nước và quân đội. Tuy nhiên, theo nhận xét của họ, ông không can đảm bằng Ðại tướng Ðỗ Cao Trí hay Trung tướng Dư Quốc Ðống.
Ông đến Pleiku với vài sĩ quan thân tín của ông, lập một bộ tham mưu riêng để làm việc. Trong thời gian này, tôi (Ðại tá Trịnh Tiếu) là Trưởng Phòng Nhì Quân đoàn II và Quân khu II từ thời Trung tướng Vĩnh Lộc và Lữ Lan. Ðây là lần đầu tôi phục vụ dưới quyền Tướng Ngô Du mặc dù đến năm này (1970) tôi đã phục vụ trong quân đội được 17 năm. Những ngày đầu làm việc với Tướng Ngô Du, tôi phải trải qua một thời gian trắc nghiệm khả năng chuyên môn và thủ tục tham mưu theo sách vở Hoa Kỳ thật gay go. Có những buổi ông gọi tôi lên văn phòng của ông hàng giờ để nhận xét xem tôi có hiểu những danh từ chuyên môn về tình báo theo sách vở tham mưu của quân đội Hoa Kỳ mà ông đã biết. Rất may là tôi đã tốt nghiệp khóa tình báo cao cấp tại Hoa Kỳ vào năm 1968. Tôi trả lời ông rất rõ ràng và đầy đủ những gì ông muốn trắc nghiệm tôi, lúc đó tôi có cảm tưởng ông là vị Tướng chỉ huy trưởng tham mưu Hoa Kỳ, vì ông rất giỏi về thủ tục tham mưu.
Tướng Ngô Du giữ chức vụ Tư lịnh Quân đoàn II vào một thời gian rất thuận lợi cho ông, vì trước đó 3 tháng (5/1970), Tướng Lữ Lan đã tổ chức một cuộc hành quân vượt biên qua lãnh thổ Cam-bốt đánh thẳng vào Quân khu 702 của CS tại tỉnh Ratanakiri. Quân đội ta đã phá hủy toàn bộ khu hậu cần của CS tại mật khu này, ta tịch thu rất nhiều vũ khí nặng của địch, như súng phòng không, cối 120 ly, đại liên 12.7 và hỏa tiễn, v.v... Còn những mật khu nhỏ của CS trong lãnh thổ Quân khu II, Sư đoàn 22BB và Sư đoàn 23BB cùng với địa phương quân đã thanh toán. Trong thời gian này, CS rất yếu, các đơn vị chính quy của địch hầu như bị tê liệt, vì thế Tướng Ngô Du đặt hết trọng tâm vào công tác bình định và phát triển tại Quân khu II. Ông say mê làm việc suốt ngày đêm, vợ con ông đều để lại Saigon. Bà Ngô Du đặc biệt không bao giờ tham gia vào công việc của chồng. Có nhiều đêm, Tướng Ngô Du gọi tôi qua để thảo luận tình hình vào lúc 2, 3 giờ sáng. Ông cũng thường điện thoại các Tỉnh trưởng trong vùng cũng vào giờ này.
2. Tướng Ngô Du và cố vấn John Paul Vann
John Paul Vann, Trung tá Bộ Binh làm cố vấn Sư đoàn 7BB tại vùng IV từ năm 1962-1963. Sau đó, ông về Hoa Kỳ, xin giải ngũ để tiếp tục đại học. Ðến năm 1966, ông sang VN trở lại và làm cố vấn dân sự cho các chương trình bình định và phát triển. Tướng Ngô Du rất tâm đắc với Paul Vann về kế hoạch bình định phát triển tại vùng IV trước đây. John Paul Vann thông minh, can đảm, hiếu thắng, kiêu căng, tự phụ và thích làm anh hùng cá nhân. Sau khi Tướng Ngô Du được bổ nhiệm Tư lịnh Quân đoàn II thì Paul Vann cũng muốn chức vụ cố vấn Quân đoàn II, mặc dù ông là dân sự. Dịp may đến với Paul Vann: Tháng 4/1971, quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại VN phải giảm quân số, từ 543,500 xuống còn 270,000 quân. Vị tướng đang làm cố vấn cho Tướng Ngô Du cũng được lịnh về Mỹ trong đợt giảm quân này. Paul Vann liền nắm cơ hội hiếm có, vận động ngầm vơi Tướng Ngô Du xin Hoa Kỳ bổ nhiệm Paul Vann làm cố vấn Quân đoàn II.
Một điều rất khó xử cho Ðại tướng Hoa Kỳ Creighton Abrams lúc bấy giờ là làm thế nào để một vị dân sự chỉ huy Hoa Kỳ còn lại tại Quân đoàn II. Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa bao giờ có một dân sự giữ chức vụ cấp tướng và chỉ huy các đơn vị Hoa Kỳ tại mặt trận trong thời chiến, trường hợp của Vann là một biệt lệ.
Theo ước tính của các tướng lãnh Hoa Kỳ tại VN, vào năm 1972, CS sẽ mở nhiều mặt trận lớn tại Quân đoàn I và Quân đoàn II, vì thế kế hoạch bình định và phát triển phải đặt hàng đầu trong năm 1971, để các đơn vị chính quy của ta rãnh tay đối đầu với địch vào năm 1972. Quân đoàn II cần có một cố vấn nhiều kinh nghiệm về bình định phát triển, hợp tác chặt chẽ với Tướng Ngô Du, Tư lịnh Quân đoàn. Người cố vấn đó không khác ai ngoài Paul Vann, vì ông đã xuất sắc trong chức vụ này. Tháng 5/1971, Paul Vann đã được Tướng Abrams bổ nhiệm làm cố vấn Tư lịnh Quân đoàn II và Quân khu II.
3. Tin tình báo Hoa Kỳ
Tháng 12/1971, tôi đang làm việc tại văn phòng, Ðại tá Cahn, cố vấn tình báo của tôi, đến mời tôi qua văn phòng cố vấn Paul Vann (cũng ở tại Bộ tư lịnh Quân đoàn, gần văn phòng Tướng Ngô Du) để thảo luận tình hình. Mở đầu, ông Vann hỏi tôi:
- Ðại tá có biết Sư đoàn 320 của CS Bắc Việt hay không ?
Tôi trả lời:
- Sư đoàn 320 là sư đoàn nổi tiếng tại Ðiện Biên Phủ trong thời gian chiến tranh với Pháp vào năm 1954.
- Ðại tá có biết sư đoàn này đang ở đâu không ?
- Vị trí đóng quân của các sư đoàn CS miền Bắc, Phòng Nhì của Bộ Tổng tham mưu nắm rất vững, tôi sẽ hỏi và tin cho ông biết sau.
Paul Vann nói tiếp:
- Tôi có nguồn tin chính xác, sư đoàn này đang dưỡng quân tại Thanh Hóa, trong tháng 2/1972 này sẽ di chuyển vào vùng Tam Biên Việt - Miên - Lào, và sẽ tham chiến với ta vào tháng 2/1972.
Ông nói thêm:
- Kỳ này tôi nghỉ phép Giáng sinh 15 ngày tại Hoa Kỳ. Vậy Ðại tá cố gắng dùng các phương tiện về tình báo của Ðại tá để xác nhận chính xác vị trí của Sư đoàn 320, sư đoàn này chuyển vào vùng Tam Biên. Tướng Ngô Du và tôi sẽ có kế hoạch tiêu diệt sư đoàn này".
Tôi cám ơn về những tin tức vừa cho. Trước đây, tôi đã có dịp đi quan sát phi trường N.K.P. của Hoa Kỳ nằm trên lãnh thổ Thái Lan, đối diện với tỉnh Thakkhet của Lào. Tại phi trường này, khi phi cơ cất cánh lên cao độ thì có thể quan sát được đèo Mụ Gia trên đường đi qua biên giới Viêt - Lào, nằm giữa Vinh và Ðồng Hới. Với những phương tiện tình báo điện tử rất tối tân, Hoa Kỳ có thể biết được sự di chuyển của CS từ Bắc vào Nam, vì thế tôi tin những tin tức tình báo của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Bắc Việt là chính xác.
4. Tung màng lưới tình báo điện tử vào tháng 1/1972
Tôi cho thả rất nhiều chùm điện tử (được ngụy trang như những cây nhỏ trong rừng) trên đường mòn Hồ Chí Minh để báo động khi có người đi quạ Các máy điện tử đều hướng về Mật khu 609, nơi trú quân của Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lịnh Mặt trận B3 của CS tại vùng Attopeu (Nam Lào) để dò bắt các mật điện của Bộ tư lịnh này.
Hàng ngày đều có máy bay không thám của Quân đoàn và phi cơ chụp không ảnh của Bộ Tổng tham mưu CS, chụp ảnh một khu vực rộng lớn trên đường mòn Hồ Chí Minh để theo dõi các hoạt động của địch trên các đường mòn đưa vào lãnh thổ Quân khu II. Các toán viễn thám, biệt kích, trinh sát và tình báo đã được thả xuống khắp nơi tại vùng ba biên giới để rình bắt các cán binh CS đi lẻ tẻ trong rừng.
Quả nhiên, đến cuối tháng 1/1972, các toán thám báo đã bắt được một cán binh CS nhỏ tuổi (khoảng 17 tuổi). Người này khai thuộc Sư đoàn 320 vừa mới hành quân đến vùng ba biên giới. Tù binh khai Sư đoàn 320 di chuyển ngày đêm, đúng một tháng từ Thanh Hóa đến vùng đương sự vừa bị bắt. Tôi liền trình lên Tướng Ngô Du và cố vấn Paul Vann các tin tức mà tù binh này đã cung cấp.
5. Kế hoạch tiêu diệt Sư đoàn 320 bằng B-52 của Tướng Ngô Du và John Paul Vann
Tướng Ngô Du và Paul Vann không muốn các đơn vị bộ binh VNCH tiến sâu vào các mật khu kiên cố đầy rừng núi hiểm trở để tiêu diệt địch như Tướng Westmoreland đã làm trước đây trong chiếc dịch "Tìm và Diệt". Năm 1967, Lữ đoàn 173 Nhảy Dù và Sư đoàn 4 Hoa Kỳ đã thiệt mất 287 người và trên 1000 người bị thương tại Mật khu 609 của Tướng Hoàng Minh Thảo, nhưng Tướng Westmoreland tuyên bố chiến thắng tại Hoa Thịnh Ðốn. Paul Vann muốn bắt chước Tướng Walton Walker trong kế hoạch đánh bại quân Bắc Triều Tiên năm 1953. Vì thế, 2 ông đã đưa ra kế hoạch dụ Sư đoàn 320 tiến sâu vào trong lãnh thổ Quân đoàn II (vùng Tân Cảnh - Dakto thuộc Kontum) để tiêu diệt toàn bộ sư đoàn thiện chiến này bằng pháo đài bay B-52.
Paul Vann hứa với Tướng Ngô Du rằng ông có thể xin Ðại tướng Abrams tất cả 25 "Box" của pháo đài bay B-52 mà Hoa Kỳ đang dùng để yểm trợ cho VN trên 4 vùng chiến thuật mỗi ngày, để tiêu diệt tối đa quân địch tại Quân đoàn II. (Mỗi "Box" B-52, bề dài 3 km, bề ngang một km, được thả bằng 3 chiếc B-52 chứa trên 100 quả bom đủ loại, từ 100 lbs đến 500 lbs). Sư đoàn 22BB tại Bình Ðịnh được lịnh di chuyển 2 trung đoàn và Bộ Tham mưu một của sư đoàn lên Tân Cảnh để giao chiến với Sư đoàn 320 của CS Bắc Việt. Quân đoàn dự trù CS sẽ tăng cường Sư đoàn 2 Sao Vàng cho mặt trận này. Tướng Ngô Du thiết lập thêm 2 căn cứ hỏa lực là căn cứ 5 và 6 trên các sườn đồi phía Nam Tân Cảnh để yểm trợ hỏa lực pháo binh cho Sư đoàn 22BB. Toàn bộ pháo binh và chiến xa cơ hữu của sư đoàn cũng được điều động lên vùng này. Ngoài ra, Quân đoàn còn tăng cường thêm Biệt Ðộng Quân để củng cố vững chắc đồn biên phòng Ban Het, cửa ngõ đi vào lãnh thổ Quân Ðoàn II và Quân khu II. Nhiệm vụ của Sư đoàn 22BB là dụ cho địch xuất hiện và đi vào thật sâu để Không quân Hoa Kỳ tiêu diệt bằng B-52.
Sau khi dàn binh bố trận xong, Tướng Ngô Du mời Ðại tướng Cao Văn Viên lên quan sát mặt trận vào cuối tháng 2/1972. Qua một ngày đi thăm tất cả các đồn bót và công sự bố phòng của ta, trước khi ra về, Ðại tướng đã bắt tay thân mật Tướng Ngô Du và Paul Vann và nói:"Tôi chưa thấy một cuộc phối trí quân sự nào chu đáo và đầy đủ như sự phối trí này. Tôi tin tưởng 2 ông sẽ đập nát Sư đoàn 320 bằng hỏa lực không quân và pháo binh của VN và Hoa Kỳ. Chúc 2 ông thành công tốt đẹp".
6. Những trục trặc đáng tiếc:
Quân đoàn II có 2 sư đoàn chính quy là Sư đoàn 22BB và Sư đoàn 23BB. Sư đoàn 22BB chịu trách nhiệm lãnh thổ 5 tỉnh phía Bắc Quân đoàn II gồm Bình Ðịnh, Phú Yên, Phú Bổn, Pleiku và Kontum. Sư đoàn 23BB chịu trách nhiệm lãnh thổ 7 tỉnh còn lại của Quân đoàn II là Ban Mê Thuộc, Tuyên Ðức, Quảng Ðức, Khánh Hoà, Cam Ranh, Ninh Thuận và Bình Thuận. Sư đoàn 22BB do Thiếu tướng Triễn làm Tư lịnh; Sư đoàn 23BB do Thiếu tướng Cảnh làm Tư lịnh. 2 vị tư lịnh này lập được nhiều chiến công trên các mặt trận tiêu diệt địch tại Quân đoàn II nhiều năm trước đây.
Paul Vann đề nghị Tướng Ngô Du thay thế 2 vị tư lịnh này viện lý do sau đây: Mặt trận sắp tới sẽ sôi động và gây cấn, cần phải có các tư lịnh sư đoàn năng động, trẻ tuổi. Hai Tướng Triễn và Cảnh đã lớn tuổi. Như tôi (Ðại tá Trịnh Tiếu) đã nói trên, John Paul Vann rất năng động, hiếu thắng và kiêu căng, nên ông chỉ thích các đại tá trẻ, có can đảm làm tư lịnh sư đoàn. Tướng Ngô Du bị bất ngờ trước ý kiến này của Paul Vann, nên đã nói với Paul Vann biết rằng việc bổ nhiệm tư lịnh sư đoàn là do Tổng thống Thiệu quyết định, ông không có quyền. Hơn nữa, 2 vị tướng tư lịnh nói trên không phạm lỗi gì, nên không thể đề nghị thay đổi được. Nhưng Paul Vann nhất quyết đề nghị thay thế 2 vị tư lịnh sư đoàn. Tướng Triễn và Tướng Cảnh biết được những khó khăn của Tướng Ngô Du trong lúc mặt trận sắp bùng nổ nên 2 ông đã nói với Tướng Ngô Du rằng vì "đất nước và quân đội", 2 ông sẽ sẵn sàng làm đơn lên Tổng thống xin từ chức vì lý do sức khoẻ để Tướng Ngô Du tiện việc sắp xếp. Thái độ của 2 Tướng này đã làm cho quân nhân các cấp ở trong Quân doàn khâm phục. Paul Vann đề nghị:"Ðại tá Lý Tòng Bá và Ðại tá Lê Minh Ðảo, là các sĩ quan trẻ, năng động và có nhiều kinh nghiệm chiến trường mà tôi biết tại Quân đoàn II. Tướng Ngô Du hỏi:
- Quân đoàn II có nhiều Ðại tá trẻ và giỏi như Ðại tá Lê Ðức Ðạt. Ðại tá Tôn Thất Hùng, và nhiều Ðại tá khác, tại sao ông không đề nghị ?". Paul Vann trả lời:"Ðại ta Lê Ðức Ðạt mang tiếng tham nhũng tại Quân đoàn III, nên tôi không đề nghị, còn Ðại tá Tôn Thất Hùng tôi chưa có cơ hội được biết khả năng của ông ta.
Tình hình quân sự tại mặt trận càng ngày càng khẩn trương, Tướng Ngô Du cần phải thỏa mãn gấp điều kiện của Paul Vann, nhưng ông chỉ thỏa mãn 50%. Ông đề nghị Tổng thống Thiệu bổ nhiệm Ðại tá Lý Tòng Bá làm Tư lịnh Sư đoàn 23BB và Ðại tá Lê Ðức Ðạt làm Tư lịnh Sư đoàn 22BB. Sở dĩ Tướng Ngô Du đề nghị Ðại tá Lê Ðức Ðạt là vì Ðại tá Ðạt đang là Tư lịnh phó Sư đoàn 22BB, lên thay thế Tư lịnh sư đoàn là hợp lý. Hơn nữa, Ðại tá Ðạt rất thân với Ðại tướng Cao Văn Viên, nên ông nghĩ rằng khi Ðại tá Ðạt lên làm Tư lịnh tại mặt trận thì Ðại tướng Viên sẽ yểm trợ tối đa cho Ðại tá Ðạt. Paul Vann rất giận Tướng Ngô Du đã không đề nghị Ðại tá Lê Minh Ðảo trong chức vụ Tư lịnh Sư đoàn 22BB.
Ðại tá Ðạt làm Tư lịnh tại mặt trận Tân Cảnh được một tuần lễ thì địch bắt đầu chạm súng lẻ tẻ với ta tại nhiều nơi. Ðại tướng Cao Văn Viên liền tăng cường cho Ðại tá Ðạt một Lữ đoàn Dù. Tướng Ngô Du đã thổ lộ với tôi trên trực thăng chỉ huy của ông là Paul Vann là một người Mỹ rất hăng say muốn giúp VN, nhưng không thông cảm cho hoàn cảnh và tình cảm của người VN.
7. Mặt trận bùng nổ
Theo tin tức khai thác được của các tù binh CS thì mặt trận sẽ bùng nổ lớn vào trung tuần tháng 3/1972, nhưng Hà Nội đã ra lịnh cho Tướng Hoàng Minh Thảo tấn công vào đầu tháng 4/1972 để phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận khác tại Quân đoàn I (Quảng Trị) và Quân đoàn III (Bình Long).
Theo tin tức tình báo mà Phòng II chúng tôi thu thập được vào giờ chót thì Tướng Hoàng Minh Thảo sẽ xử dụng Sư đoàn 2 của CS Bắc Việt đương đầu với các đơn vị của Sư đoàn 22BB để cầm chân sư đoàn này tại Tân Cảnh, còn Sư đoàn 320 của CS sẽ tiến quân vào Kontum.
Ðể đối phó với tình thế mới, Tướng Ngô Du đã xử dụng Lữ đoàn Dù vừa được Ðại tướng Viên tăng cường, tiến chiếm dãy đồi phía Tây sông Polco và thiết lập 2 căn cứ hỏa lực mới là "Charlie" và "Delta" để ngăn chặn Sư đoàn 320 của CS. Kế hoạc phối trí này rất tốt đẹp lúc đầu.
Vào 4g sáng ngày 3/4/1972, Sư đoàn 320 tấn công biển người vào căn cứ "Delta", nhưng đã gặp sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của các chiến sĩ Dù (Mũ đỏ). Sau nhiều đợt tấn công và pháo kích tới tấp bằng hỏa tiển 122 ly và cối 120 ly, địch chỉ chiếm được hàng rào đầu tiên vào căn cứ. Tướng Ngô Du và tham mưu lên căn cứ Võ Ðịnh trên Quốc lộ 14 để chỉ huy mặt trận. Cố vấn Paul Vann được tin này rất phấn khởi, cũng bay lên quan sát 2 căn cư "Delta" và "Charlie". Paul Vann thấy rõ một số Cộng quân đông đảo đang bao vây quanh căn cứ "Delta" giữa hàng rào thứ một và thứ 2, ông liền gọi các phi tuần của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ Thái Lan qua oanh kích liên tục chung quanh căn cứ "Delta", ông còn gọi thêm các phi cơ Stinger và Spectre, được trang bị đặc biệt đại bác Bofors và đại liên Vulcan để yểm trợ căn cứ này.
Chiều ngày 3/4/1972, Cộng quân chưa chiếm dược đồn nhưng các chiến sĩ Dù đã cạn hết đạn dược, thuốc men và nước uống. Trực thăng Chinook của ta được lịnh Tướng Ngô Du tiếp tế khẩn cấp đạn dược và thuốc men vào căn cứ "Delta" để các chiến sĩ có thể bảo vệ căn cứ trong đêm nay. Nhưng trực thăng đã bị hỏa lực phòng không của địch bắn rới ngoài đồn. Thấy thế, Paul Vann đã liều lĩnh xử dụng trực thăng nhỏ, loại mới nhất của quân đội Hoa Kỳ, là OH58 Kiowa, chỉ có 2 chỗ ngồi để tiếp tế. Ðích thân ông lái máy bay còn Trung úy Huỳnh Văn Cai, người được Tướng Ngô Du chỉ định làm sĩ quan tùy viên cho Paul Vann, đạp từng thùng đạn, thùng thuốc xuống giữa căn cứ, mặc dù súng phòng không địch đủ loại 14.5 ly, 12.7 ly bắn lên tới tấp. Bất chấp mọi nguy hiểm, Paul Vann đã tiếp tế cho đơn vị Dù các chuyến đầy đủ dạn dược, mìn chiếu sáng, thuốc men và nước uống, để đơn vị này có thể cầm cự với địch quân đêm sắp tới. Chuẩn tướng Gerge Wear, Tư lịnh phó, và Ðại tá Joseph Pizzi, Tham mưu trưởng của Paul Vann phải kêu lên:"Thật điên rồ !". Tướng Ngô Du phải khâm phục hành động táo bạo của Paul Vann.
Kết quả, Sư đoàn 320 của CS bị thảm bị thảm bại nặng nề tại căn cứ "Delta". Tướng Hoàng Minh Thảo phải bổ sung quân số cấp tốc cho sư đoàn này và sau đó 10 ngày (14/4/1972) lại cho mở cuộc tấn công vào căn cứ "Charlie". Lần này Lữ đoàn Dù do Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo chỉ huy bị một hỏa tiễn 122 ly trúng vào hầm chỉ huy làm Trung tá Bảo tử trận ngay giây phút đầu tiên. Những sĩ quan còn lại của Trung tá Bảo thấy địch quá đông nên đã rút khỏi căn cứ và bỏ xác Trung tá Bảo lại trong hầm.
Ngày 20/4/1972, tình hình tại Quảng Trị (Quân đoàn I) quá nặng, nên Ðại tướng Viên phải rút Lữ đoàn Dù tại Kontum để tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Tình hình quân sự tại mặt trận Tân Cảnh bắt đầu đen tối. Tướng Ngô Du vô cùng lo lắng.
8. Không tin nhưng phải làm :
"Câu chuyện sau đây do chính Trung tá Trần Hữu Công, Chánh văn phòng của Tướng Ngô Du, kể lại cho tôi. Thân sinh Tướng Ngô Du là cụ Ngô Khôi, một viên chức của chính quyền thuộc địa Pháp. Ðang sống tại Qui Nhơn, thấy con mình quá lo âu cho chiến trường sắp đến, nên đã vội lên Pleiku và nói với Tướng Ngô Du như sau:"Con à, cha biết trách nhiệm của con rất nặng đối với đất nước và quân đội, nhất là sinh mạng của các chiến sĩ. Vậy con phải xin ơn trên phù hộ. Cha đề nghị con xuống Qui Nhơn, ở đó có đền Ðức Thánh Trần. Dân địa phương rất tin vào sự thiêng liêng của ngài. Con mang lễ vật đến xin ngài phù hộ, cứu độ sinh mạng đồng bào và các chiến sĩ trong vùng trách nhiệm của con". Lắng nghe lời dặn của cha, Tướng Ngô Du đã vâng dạ rất lễ phép, nhưng ông không thi hành vì ông theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, Tướng Ngô Du giao nhiệm vụ này cho Trung tá Công. Khi Trung Tá Công đem lễ vật vào đền thì vị sư trụ trì nhìn thẳng vào Trung tá và nói rõ:"Ông không có niềm tin thì đến đây làm gì? Hãy mang lễ vật trở về ". Trung tá Công giật mình hoảng sợ, đã cố trình bày lý do tại sao ông cần phải đến cầu xin Ðức Thánh Trần và xin vị sư đó giúp cho.Vị sư này chấp nhận và cùng với Trung tá Công khấn vái. Lễ lạc xong, nhà sư đưa cho Trung tá Công một lá bùa, bảo đốt ra tro và rải xuống những vị trí nào thấy nguy hiểm nhất. Trung tá Công đã làm đúng theo lời vị sư, ông dùng trực thăng rải xuống đồn Ben Het (giáp biên giới Lào) theo lịnh của Tướng Ngô Du.
Ngày 28/4/1972, CS tấn công đồn này bằng 10 chiến xa T54, nhưng đã bị Paul Vann điều động 2 trực thăng võ trang Cobra trang bị hỏa tiễn chống chiến xa, được điều khiển bằng tia Laser bắn rất chính xác, tiêu diệt 5 chiến xa T54 tại chỗ. 5 chiếc còn lại phải chạy trốn qua biên giới Lào. Sau đó ta rút quân khỏi đồn này, vì vị trí quá xa và hẻo lánh.
9. Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lịnh Sư đoàn 22 BB và Jonh Paul Van :
Các toán biệt kích và viễn thám của ta phục kích sâu trong rừng, hằng đêm đều nghe tiếng chiến xa của CS di chuyển. Tôi báo động về sự xuất hiện của chiến xa T54 để Tướng Ngô Du và Paul Vann tìm cách đối phó. Tướng Ngô Du tin những báo cáo của tôi, nhưng Paul Vann thì hoài nghi. Ông cho rằng đó chỉ là loại xe thường, hoặc là T76S, chiến xa lội nước hạng nhẹ không đáng kể của CS. Ðối với Paul Vann phải trông thấy tận mắt mới tin.
Tướng Hoàng Minh Thảo thấy Lữ đoàn Dù đã rút, nên ông có kế hoạch tấn công cấp tốc để dứt điểm Sư đoàn 22BB tại Tân Cảnh bằng Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2 Sao Vàng bằng chiến xa T54 và hỏa tiễn Sagger do Liên Xô chế tạo. Chiến xa T54 và hoả tiễn Sagger là 2 loại vũ khí tối tân được sử dụng lần đầu tiên tại chiến trường Miền Nam trong Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. T54 là loại chiến xa bọc sắt cứng, dày, tương đương với chiến xa M48 của Hoa Kỳ. Hỏa tiễn Sagger mà ta gọi là AT3, là loại hoả tiễn chống chiến xa bằng giây. Giống như hỏa tiễn Tow của Mỹ, nhưng tầm xa kém (hỏa tiễn Tow tầm xa 3000; hoả tiễn Sagger 200 m).
Trong những ngày 20, 21 và 22/4/1972, các sư đoàn địch áp sát bao vây Tân Cảnh. Khi đã khám phá đầy đủ các vị trí của địch xuất hiện, tôi trình Tướng Ngô Du phải diệt địch ngay bằng B52 theo như kế hoạch trước đây mà ông và Paul Vann đã tính toán. Nhưng Paul Vann đã từ chối xử dụng B-52, vì trong thâm ý, ông không muốn yểm trợ cho Ðại tá Lê Ðức Ðạt. Tướng Ngô Du nổi giận la to:"Ông Paul Vann, ông là bạn hay là kẻ thù của tôi ?". Paul Vann làm thinh bỏ đi. Ông dùng trực thăng bay xuống mặt Bắc Bình Ðịnh.
Thời gian này, mặt trận mặt Bắc Bình Ðịnh cũng rất sôi động. Tướng Ngô Du chỉ dịnh Ðại tá Trần Hiếu Ðức, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22BB làm Tư lịnh chiến trường, chịu trách nhiệm bảo vệ 3 quận Hoài Ân, Bồng Sơn và Tam Quan. Sư đoàn 2 Sao Vàng CS được lịnh phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận khác nên đã tung quân bao vây quận Hoài Ân. Tại đây, Paul Vann cũng gây khó khăn cho Ðại tá Ðức về yểm trợ hỏa lực trong khi bị áp lực nặng nề của địch. Ðại tá Ðức liền ra lịnh rút bỏ quận Hoài Ân để cố thủ quận Bồng Sơn. Ngày 21/4/1972, Paul Vann bay lên Tân Cảnh thăm Ðại tá Philip Kaplan, cố vấn cho Ðại tá Lê Ðức Ðạt. Tại hầm chỉ huy, mặc dù biết Paul Vann không ưa thích, Ðại tá Ðạt vẫn trình bày đầy đủ chi tiết cho Paul Vann rõ. Paul Vann đã có hành động thiếu lịch sự, ông chỉ mạnh vào bản đồ và nói cộc lốc bằng giọng mũi:"Ðại tá Ðạt, ông sẽ là vị Tư lịnh Sư đoàn VN đầu tiên làm mất Sư đoàn và bại trận". Ðại tá Ðạt rất tức giận, ông đã vứt điếu thuốc đang hút xuống đất, cười gằn và bảo Paul Vann:"-, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra".
Ngày 23/4/1972, một Tiểu đoàn Bộ Binh của Sư đoàn 22 chạm súng với địch rất sớm, không quá xa Bộ tư lịnh sư đoàn, đồng thời địch pháo kích tới tấp vào căn cứ Tân Cảnh bằng hỏa tiễn 122 ly. Chiến xa bảo vệ Bộ tư lịnh của sư đoàn của Ðại tá Ðạt gồm 10 chiếc được điều động ra để chống lại địch, đã bị hỏa tiễn Sagger bắn cháy mất 8 chiếc, còn lại 2 chiếc thì bị đứt xích. Người bạn rất thân với tôi trước đây tại Qui Nhơn là Thiếu tá Như cùng Ðại úy Kenneth Yonan, 23 tuổi, xuất thân từ trường Wespoint, đã leo lên tháp nước cao tại căn cứ, xử dụng đại liên 12.7 ly để tấn công địch, cũng bị hỏa tiễn Sagger bắn, bồn nước nổ tung và cả hai người chết tại chỗ. Các đơn vị của ta chạm súng suốt ngày với địch tại Tân Cảnh. Tướng Ngô Du sử dụng tối đa hỏa lực không quân để yểm trợ cho Ðại tá Ðạt.
Khoảng 10g tối ngày 23/4/1972, quận Dakto cách Tân Cảnh 2 km về phía Bắc, do Ðịa Pương Quân và Nghĩa Quân người Thượng bảo vệ, đã quan sát thấy đèn của 11 chiến xa T54 đang tiến về hướng quận. Quân đoàn liền điều động C-130 Spectre lên thả trái sáng. Chiến sĩ ta trong các hầm chiến đấu cá nhân đã thấy tất cả 15 chiếc chiến xa T54 của địch xếp hàng dọc chạy tiến về Tân Cảnh. Phi cơ C-130 tác xạ để ngăn không cho chiến xa địch tiến, nhưng vô hiệu quả, vì loại phi cơ này không có loại đạn chống chiến xa.
Khoảng 2g sáng ngày 24/4/1972, 15 chiến xa địch đã bao vây căn cứ Tân Cảnh. Ðại tá Philip Kaplan yêu cầu Paul Vann lên cứu ông vào lúc 4g khi trời chưa sáng tại bãi đáp rất nhỏ bên cạnh bãi mìn. Ðại tá Kaplan cho Ðại tá Ðạt biết và yêu cầu cùng lên trực tăng cấp cứu của Paul Vann nhưng Ðại tá Ðạt từ chối. Ðại tá Ðạt biết tình hình rất bi đát, địch sẽ tràn ngập căn cứ vào khoảng 7g sáng, nhưng ông không yêu cầu Tướng Ngô Du lên cứu như Ðại tá Kaplan đã làm. Ông ra lịnh cho tất cả các sĩ quan và binh sĩ còn lại tìm cách thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Ðại tá Tôn Thất Hùng đã thoát được nhưng bị thương; ông chạy vào một buôn Thượng gần đó. Nhờ nói được tiếng Thượng rất rành, nên đã được một gia đình người Thượng che dấu và bảo vệ ông, đưa ông về đến thị xã Kontum sau 15 ngày đi loanh quanh trong rừng. Ba tháng sau, ông cùng gia đình lên Pleiku để đền ơn cho gia đình người Thượng này đang sống trong trại tị nạn.
Ðại tá Lê Ðức Ðạt đã ở lại trong căn cứ Tân Cảnh. Theo lời Ðại tá Kaplan, có lẽ Ðại tá Ðạt đã tự sát sau khi đồn Tân Cảnh bị Cộng quân tràn ngập. Ðó là ngày 24/4/1972, lúc 10g sáng.
Ai cứu Kontum trong cơn hấp hối:
Sau khi mặt trận Tân Cảnh bị thảm bại, Tư lịnh Sư đoàn 22BB chết mất xác tại mặt trận, thành phần Bộ tham mưu sư đoàn và chỉ huy trưởng các cấp cũng như binh sĩ bị bắt làm tù binh hay bị chết, chỉ một số rất ít chạy được về Kontum. Sư đoàn 22B tan rã. Vì thế, phòng tuyến kiên cố nhất để bảo vệ thị xã Kontum coi như không còn nữa. Tòa hành chánh tỉnh Kontum với dân số 25,000 người sống trong thị xã đã hoang mang giao động cao độ, chuẩn bị tản cư.
Tướng Ngô Du rất khổ tâm trong thời gian này. Ông bị xúc động khi được tin Ðại tá Lê Ðức Ðạt tử trận. Những hy vọng thắng trận vinh quang mà ông ấp ủ trong lòng trên 3 tháng nay đã tiêu tan và biến thành thảm bại cay đắng vì có những bất đồng giữa ông và Paul Vann, và thành kiến không tốt đẹp của Paul Vann đối với Ðại tá Lê Ðức Ðạt. Do đó, bịnh tim của ông bị tái phát. Thông thường chiến thuật Cộng quân là thừa thắng xông lên. Do đó, chúng tôi không loại bỏ giả thuyết Cộng quân sẽ đánh Kontum, vì nơi đây chỉ có Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân trấn giữ. Tướng Ngô Du phải cho tái phối trí lực lượng, điều động 2 Trung đoàn Bộ Binh từ Ban Mê Thuột lên cố thủ Kontum, chỉ để lại một Trung đoàn phòng thủ 7 tỉnh phía Nam của Quân đoàn.
Ðại tá Lý Tòng Bá, Tư lịnh Sư đoàn 23BB, được chỉ định làm Tư lịnh mặt trận Kontum. Tướng Ngô Du chỉ mong Tướng Hoàng Minh Thảo hoãn tấn công vào Kontum 5 ngày thôi, thì ông và Ðại tá Lý Tòng Bá đủ thời gian phối trí quân và đào công sự vững chắc phòng thủ thị xã này.
Ðường chuyển quân và tiếp vận chính giữa Pleiku - Kontum là Quốc lộ 14 rất yên tĩnh trong 3 ngày đầu, đến ngày thứ tư thì Cộng quân chiếm và đóng chốt đèo Chu Pao, giao thông bị gián đoạn. Rất may khi địch chiếm đèo Chu Pao thì ta vừa chuyển quân xong. Cộng quân không tiến quân tiếp vào Kontum sau 5 ngày như Tướng Ngô Du dự tính mà đến 20 ngày sau. Như vậy, chúng ta có thể tin rằng Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2 của Cộng quân đã bị tổn thất khá nặng trong các cuộc chạm súng trước đây với Lữ đoàn Dù và Sư đoàn 22BB. Các chiến xa T54 của địch cũng bị tiêu hao một số tại phi trường Dakto do Không quân VN bắn cháy và một số tại đồn Ben Het do Cobra của Hoa Kỳ phá hủy. Vì thế, Tướng Hoàng Minh Thảo cần có thời gian củng cố lại đơn vị của ông chớ không thể mở cuộc tấn công mới ngay được.
Phối trí quân xong tại Kontum, Tướng Ngô Du ngã bịnh nặng, không ăn, không ngũ. Tôi thấy ông ngày đêm ôm tim và nhăn nhó. Trước đó một ngày, ông đã điện thoại Tổng thống Thiệu và yêu cầu Tổng thống đề cử người thay thế ông. Tại Saigon, TT Thiệu và Ðại tướng Cao Văn Viên tham khảo ý kiến với nhiều vị Trung tướng, nhưng không ông nào chịu lên làm Tư lịnh Quân đoàn II, vì biết tình hình rất đen tối tại đây. Cuối cùng, TT Thiệu chọn Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, vì Tướng Toàn đồng ý tử thủ tại Kontum.
Ðại tá Lý Tòng Bá, người mà Paul Vann khẩn thiết yêu cầu Tướng Ngô Du đề nghị TT Thiệu đề cử làm Tư lịnh Sư đoàn 23BB, nay đang nằm tại mặt trận chính. Paul Vann làm việc tại Kontum với Ðại tá Lý Tòng Bá trong lúc chưa có cố vấn của Sư đoàn. Paul Vann nhớ đến Ðại tá Rhotenberry là người làm cố vấn cho Ðại tá Bá tại Bình Dương. Khi đưa Ðại tá Rhotenberry đến Kontum, Paul Vann nói:"Ông và tôi phải hết sức yểm trợ Ðại tá Bá vì tôi đã hứa với Ðại tướng Abrams là không để mất Kontum. Nếu mất Kontum, thì Kissinger, Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại Hoà đàm Paris, sẽ gặp nhiều khó khăn".
Sự Tích Thập Bát Đại Thần Tướng, Thiên tài Quân Sự Việt Nam Thời Cận Đại (Bảng số một):
1/ Thần tướng Trình Minh Thế (1922 - 1955)
2/ Thần tướng Phan-quang-Đông (1929-1964)
3/ Thần tướng Trương Quang Ân, Dương-thị-Thanh (1932 - 1968; 1931-1968)
4/ Thần tướng Nguyễn Viết Thanh (1930 - 1970)
5/ Thần tướng Lê-đức-Đạt (? - 1972)
6/ Thần tướng Trần-thế-Vinh (1946-1972)
7/ Thần tướng Nguỵ-văn-Thà (1943-1974)
8/ Thần tướng Nguyễn-xuân-Phúc (1938 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-235_4-5864_15-2/
9/ Thần tướng Đỗ-hữu-Tùng (? - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-235_4-5876_15-2/
10/ Thần tướng Nguyễn-hữu-Thông (1937 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-235_4-5904_15-2/
11/ Thần tướng, Thiên tài quân sự Nguyễn-văn-Hiếu (1929-1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-127/
12/ Thần tướng Nguyễn-văn-Long (1919 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-235_4-5905_15-2/
13/ Thần tướng Phạm Văn Phú (1929 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-893_5-10_6-2_17-22_14-2_15-2/
14/ Thần tướng Lê Nguyên Vỹ (1933 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-930_5-10_6-2_17-22_14-2_15-2/
15/ Thần tướng Trần Văn Hai (1929 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-950_5-10_6-2_17-22_14-2_15-2/
16/ Thần tướng Lê Văn Hưng (1933 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-951_5-10_6-2_17-22_14-2_15-2/
17/ Thần tướng Nguyễn Khoa Nam (1927 - 1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-1074_5-10_6-3_17-22_14-2_15-2/
18/ Thần tướng Hồ-ngọc-Cẩn (1938-1975) http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-85_4-5061_5-10_6-2_17-22_14-2_15-2/
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử