lịch sử việt nam
Hoàng Đế Kim Phật
Và
Chiến Thắng Sông Bạch Đằng
http://www.truclamyentu.info/tlls_lichsuvietnamnganxua/chienthangbachdanggiang2.htm
Phật hoàng Trần Nhân Tông, người tổng chỉ huy trận Bạch Đằng Giang đánh bại xâm lăng Mông Cổ năm 1288
Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc
...
Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông-Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng. Với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính các lộ khác căng tay chèo thật nhanh ra sông và dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một dãy thuyền chặn đầu thuyền địch trong thế chấn chiến hạm ở ngang sông. Trong lúc thủy chiến dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương). Cũng có nơi nói Đức Hoàng đế Trần đóng quân ở Hiệp Môn (Kinh Môn, Hải Dương) đã xông ra tấn công giặc theo kế hoạch đã dự trù trước. Trước đó, đạo quân của hai vua chỉ huy đóng ở vùng Hiệp Môn bên bờ sông Giáp (sông kinh Thần, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của giặc. Đạo quân của hai vua tấn công từ phía sau của quân giặc khiến chúng càng bị lúng túng và tổn thất rất nặng. Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân khác của địch bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát. Nhưng vừa lên tới bờ chúng lại rơi vào ổ phục kích của quân ta, và một trận đánh ác liệt đã xảy ra. Trời về chiều khi chiến trường sắp kết thúc, cánh quân của Thoát Hoan đóng gần đó vẫn án binh bất động không tới tiếp ứng, hắn đã bỏ rơi Ô Mã Nhi cùng với thuộc hạ chống đỡ thụ động trước sự tấn công của quân ta và đạo quân này hoàn toàn bị quân ta tiêu diệt. Theo Nguyên sử, truyện của Phàn Tiếp chép rằng kịch chiến xảy ra từ giờ mão đến giờ dần, tức là từ sáng ròng rã kéo dài đến chiều.
Đặc điểm của sông Bạch Đằng là khi nước lớn rất nhanh mà nước rút cũng khá lẹ. Cho nên khi nước rút quá lẹ như thế thuyền của giặc Nguyên bị cọc gỗ đâm trúng, lật đỗ cả, quân giặc chết đuối vô số kể, máu đã chan hòa cả dòng sông. Quân ta tịch thu được hơn 400 chiến thuyền, Tước Nội Linh Tự Đỗ Hành bắt sống được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc (Nhiều tài liệu khác ghi là Tích Lê Cơ hay Tích Lê Cơ Đại Vương. Viên tướng Mông-cổ này tên là Tích Lê Cơ, còn Vương là tước hiệu. Chữ Ngọc? chép lầm từ chữ chữ Vương? Chú thích Toàn Thư) và đem dâng cho Thượng hoàng Thánh Tông.
An-Nam Chí-Lược (sử của giặc Nguyên do phản thần triều đình nhà Trần ghi lại) có ghi các tướng Nguyên là Phàn Tiếp và Hoạch Phong đến tiếp ứng cho Ô Mã Nhi, nhưng không ghi rõ sống chết. Tuy nhiên, trong Nguyên Sử có chép về Phàn Tiếp như sau (tờ 10 b 2-3): «Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chận. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. tiếp hết sức đánh từ giờ mão đến giờ dậu. Tiếp bị súng bắn, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết».
Chiến thắng Bạch Đằng có một ý nghĩa quan trọng đó là quân dân Đại Việt đánh tan toàn bộ đoàn quân triệt thoái của giặc triệt thoái bằng đường thủy do Ô Mã Nhi đích thân chỉ huy. Từ bấy lâu nay mỗi khi nhắc tới chiến thắng này chúng ta thường đề cập tới Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người đã có công tạo nên nó. Các quyển sử xưa như Cương Mục, Toàn Thơ thường nhắc tới người lãnh đạo tối cao của quân dân nhà Trần vào lúc đó là Đức Hoàng Đế Trần-nhân-Tông (tức Hoàng đế Kim Phật) đã lãnh đạo thành công hai lần kháng Nguyên 1285 và 1288. Khi đề cập tới Hưng Đạo Vương về trận Bạch Đằng chúng ta cần đặc biệt nhắc tới Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông vừa là bậc lãnh đạo chính trị kiêm chỉ huy tối cao về quân sự (mặc dù Hưng Đạo Vương là Tiết chế được xem như là tổng tham mưu trưởng, nhưng Đức Hoàng đế Trần lại là vị tổng tư lịnh tối cao), và là người đã đề ra mọi đối sách từ ngoại giao đến quân sự nội trị. Với kết quả là Đại Việt đã thành công đánh bại giặc Nguyên qua hai cuộc xâm lăng của chúng. Khi quân Mông-cổ tràn qua xâm lăng đất nước chúng ta lần thứ hai, lần thứ ba, nếu không có trí tuệ sáng suốt, tài ngoại giao khéo léo, nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến một cách đầy mưu lược, cũng như lòng can đảm để đương đầu trước mọi tình hình và nhân từ trong việc đối xử với người trong gia tộc, dân chúng, binh lính cho đến kẻ thù thì Đức Hoàng Đế Kim Phật làm sao có thể hội tụ được sức mạnh của toàn dân tộc để chống lại quân thù. Ngài là bậc Thánh Quân có một không hai trong lịch sử dân tộc nên đã được các danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tảng v.v… hết lòng phù trợ. Đó là những sự thực lịch sử mà mỗi người trong chúng ta cần ghi khắc và lấy tấm gương sáng ngời của Ngài truyền lại cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Quan điểm của Lê Mạnh Thát về trận chiến ở sông Bạch Đằng được ghi như sau trong Toàn Tập Trần Nhân Tông-Lê Mạnh Thát các trang 148-149:
«Phàn Tiếp truyện, như vậy, ghi nhận trận đánh xảy ra từ giờ Mão đến giờ Dậu, tức từ sáng tới chiều thì chấm dứt. Thuyền của Đại Việt tập trung rất đông, “tên bắn như mưa”. Và việc Phàn Tiếp, khi bị thương nhảy xuống nước, quân ta đã dùng câu liêm móc lên, bắt được, rồi sau đó hơn 10 ngày mới giết đi, vì ngày 17 khi vua Trần Nhân Tông hiến tiệp ở Long Hưng, thì Phàn Tiếp còn có mặt cùng với đám Tích Lệ Cơ (Ơirôgi), Ô Mã Nhi, Đường Ngột Đãi, Sầm Đoạn, Mai Thế Anh, Điền nguyên soái.v.v.
Bãi cọc đã treo thuyền cả đám tướng tá giặc vào ngày mồng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) ấy, ngày nay chưa xác định được rõ ràng. Tuy nhiên, ta biết việc đóng cọc trên sông Bạch Đằng phải xảy ra trong thời gian chưa đầy 3 tuần kể từ khi Ô Mã Nhi tấn công trại Yên Hưng vào ngày 19 tháng 2 và đến ngày mồng 8 tháng 3 quân Ô Mã Nhi đã có mặt ở sông Bạch Đằng. Trong tình hình chiến tranh thời bấy giờ, việc đưa một đoàn thủy quân địch vào đúng ổ phục kích do ta thiết kế quả là một thành công rực rỡ của khoa học và nghệ thuật chỉ đạo quân sự của bộ chỉ huy tối cao của đất nước lúc ấy, mà đứng đầu là vua Trần Nhân Tông.
Sự có mặt của vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng cũng như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Khoái chứng tỏ trận đánh này trên hết nếu không do chính vua Trần Nhân Tông chỉ đạo và vạch kế hoạch, thì cũng phải do chính nhà vua phê chuẩn và đồng ý thực hiện. Thực tế, chỉ việc vua Trần Nhân Tông hiện diện tại mặt trận này biểu thị một quyết tâm cao của người lãnh đạo đất nước phải thực hiện cho được chủ trương và kế hoạch đã đề ra, coi đây là một nhiệm vụ xung yếu phải hoàn thành để đạt mục đích của cuộc chiến tranh. Sự kiện tiêu diệt toàn bộ đội thủy quân do Ô Mã Nhi chỉ huy ngày nay thường được nhiều người nghiên cứu gắn vào cho tên tuổi Trần Hưng Đạo, mà quên đi sự hiện diện của vua Trần Nhân Tông tại trận đánh quyết chiến tiêu diệt này. Trong mọi cuộc chiến tranh, lãnh đạo chính trị bao giờ cũng là thống soái. Chỉ có sự lãnh đạo chính trị mới tập hợp hết được mọi lực lượng của dân tộc cho cuộc chiến tranh. Không có cuộc tập hợp này thì dù có tướng tài tới bao nhiêu, dù có kế hoạch tác chiến tốt tới đâu, và dù nhân dân yêu nước và quyết tâm chiến đấu cao tới mức nào đi nữa, thì cuộc chiến tranh vẫn thất bại» (*)
Lịch Sử Việt Nam tập I ghi ở trang 212 một chi tiết nhỏ về trận Bạch Đằng: «…Bà hàng nước ở bến đò Rừng (Bạch Đằng) đã chỉ dẫn cho Trần Quốc Tuấn biết con nước sông Bạch Đằng để bố trí trận địa mai phục». Đây là một chi tiết khá đặc biệt. Một bà hàng nước mà lại có cái nhìn của một vị tướng lãnh cầm quân đánh giặc, nên đã chỉ dẫn cho Hưng Đạo Vương cách thức bày binh bố trận để chận đánh quân thù. Có một điều đáng tiếc là chúng ta không biết gì về danh tánh cũng như gia phả của bà. Nhưng một điều có thể nói rằng, bà hàng nước ở bến đò Rừng bên bờ sông Bạch Đằng của năm nào xứng đáng được ghi vào danh sách của những người có công đánh đuổi giặc Nguyên (**).
Trương Hán Siêu đã ca ngợi chiến thắng ở sông Bạch Ðằng qua
Bài Phú Sông Bạch Ðằng
Khách có kẻ: Chèo bể bơi trăng, buồm mây giang, gió. Sớm ngọn Tương kia, chiều hang Vũ nọ. Vùng vẫy Giang, Hồ: tiêu dao Ngô, Sở. Ði cho biết đây, đi cho biết đó. Chằm Vân-mộng chứa ở trong kho tư-tưởng, đã biết bao nhiêu, mà cái trí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở!
Mới học thói Tử-trương: bốn bể ngao du. Qua cửa Ðại-than sang bến Ðông-triều, đến sông Bạch-Ðằng, đứng đỉnh phiến-chu. Trắng xóa sông kềnh muôn dặm, xanh rì dặng ác một màu. Nước trời lộn sắc, phong cảnh vừa thu. Ngàn lau quạnh cõi, bến lách đìu-hiu. Giáo gậy đầu sông, cốt khô đầy gò. Ngậm ngùi đứng lắng ngắm cuộc sống phù du. Thương kẻ anh hùng đâu vắng tá, mà đây dấu vết hãy còn lưu.
Kia kìa, bến sông, phu lão người đâu. Lượng trong bụng ta, chứng có sở cầu. Hoặc gậy trống trước, hoặc thuyền bơi sau. Vái tạ mà thưa rằng: Đây là chỗ chiến địa vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố-châu của vua Ngô phá quân Lưu đây.
Đương khi: muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ. Gươm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khí! Tướng Bắc quân Nam đôi bên đối lũy. Đã nổi gió mà bay mây, lại kinh thiên mà động địa. Kìa quân Nam-Hán nó mưu sâu, nọ Hồ-Nguyên có sức khỏe. Nó bảo rằng: phen này đạp đổ nước Nam, tưởng chừng có dễ.
May sao: Trời giúp quân ta, mây tan trận nó, khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích-bích khi xưa, giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp-phù thuở nọ. Ấy cái nhục tày trời của họ, há những một thời, mà cái công tái tạo của ta lưu danh thiên cổ.
Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang-san. Trời đặt ra nơi hiểm-trở, người tính lấy cuộc tồn-an. Hội này bằng hội Mạnh-tân, như vương-sự họ Lã; trận nào bằng trận Dung-thủy, như quốc sĩ họ Hàn. Kìa trận Bạch-Đằng này mà đại-thắng, bởi chưng Đại-vương coi thế giặc nhàn. Tiếng thơm còn mãi, bia miệng hao mòn. Nhớ ai sa giọt lệ, hổ mình với nước non!
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử