lịch sử việt nam
Phần 1 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ thời lập quốc cho đến năm 1955
Phần 2 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ năm 1955 đến năm 1973
Phần 3 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ năm 1973 đến năm 2012
***
Phần 1 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ thời lập-quốc cho đến năm 1955
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên-khảo. Nghiên cứu lịch sử tộc Việt không thể nào không nghiên cứu lịch sử Phật giáo tộc Việt. Vì cả hai dòng lịch sử đều có sự tương quan mật thiết từ cả hơn hai ngàn năm qua...
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Từ những lúc dân tộc Bách Việt còn sinh sống rải rác ở vùng núi Ngũ Lĩnh – hồ Động Đình cho đến khi xây dựng nên những triều đại hiển hách như các thời Đinh Lê Lý Trần Lê và cho đến ngày hôm nay, dân Bách Việt của hơn 5000 năm lịch sử vẫn tồn tại để trở thành dân Việt Nam, dù trải qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, đặc biệt vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 và qua thế kỷ 21 mà vẫn duy trì được Tâm Thức Việt nét đặc thù truyền thống của giống nòi. Nét đặc thù này đã thể hiện một cách rõ nét vào những lúc cần phải kiên cường chống ngoại xâm nội xâm cũng như đã làm hưng thịnh cho xứ sở.
Và từ đó đã hình thành dòng Lịch Sử của tộc Bách Việt
Sau nhiều sự thay đổi của lịch sử, di tích của tộc Bách Việt được các sử gia Việt và Tàu tin rằng, dòng giống Tiên Rồng là thuộc Lạc Việt (Việt đứng đầu). Vị Tổ dựng nước của Lạc Việt là Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Quỷ, sinh ra Lạc Long Quân, huý Sùng Lãm. Sùng Lãm Kết hôn cùng con gái vua Động Đình là Âu Cơ, sinh trăm trứng nở trăm người con.
Theo Tạp Chí Địa Dư của Hoa Kỳ xuất bản năm 1991, dân tộc Bách Việt định cư hơn 5000 năm trước Công nguyên, còn dân Tàu du mục chỉ mới định cư có 1000 năm trước Tây lịch.
Người Tàu nhà Chu (Zhou) ở phương Bắc, còn Bách Việt (Yeu) ở châu thổ Trường giang và Dương tử rộng lớn phì nhiêu ở miền Nam.
Khổng Tử 551 – 479 (trước Công nguyên) biên soạn Kinh Thi (hay Kinh Xuân Thu), ngài đã biên chép những chuyện loạn ly, loạn luân thời nhà Chu (Zhou) và đem giá trị nhân bản cao quý của tộc Bách Việt để dạy cho dân Tàu.
Phật giáo truyền đến nước ta vào đời Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức thế kỷ thứ 2 và 3 trước Công nguyên. Nhà sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên đã truyền Phật giáo cho Chử Đồng Tử và ngài là người Phật tử tại gia đầu tiên của tộc Việt Tâm thức Việt đã thể hiện rõ rệt nhất vào năm 40 sau Tây lịch khi Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa ở quận Mê Linh chống lại sự cai trị tàn ác của thái thú Tô Định. Năm 43 cuộc chiến đấu của Hai Bà bị thất bại, nên phải trầm mình nơi dòng sông Hát để giữ tròn khí tiết với đất nước và dân tộc. Một vị nữ tướng của Hai Bà là Bát Nàn công chúa bị thương đã rút về một ngôi chùa xã Tiên La đồng thời qua đời tại đây.
Trước khi qua đời vị nữ tướng này đã cùng với một số các nhà sư Phật giáo tìm cách ứng dụng vai trò của đạo Phật vào việc bảo vệ dân tộc chống lại chính sách Hán hóa dã man do Mã Viện áp đặt, trong bối cảnh này Lục Độ Tập Kinh được ra đời.
Lục Độ Tập Kinh là tổng hợp của nền văn hóa thời vua Hùng và tư tưởng Phật Giáo.
Chính phủ Việt Nam thời đệ nhất Cộng hòa đã phát hành tem Hai Bà Trưng ngày 14/03/1959 nhân dịp "Lễ Kỷ-niệm Hai Bà Trưng".
Đến khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch, một ngôi sao sáng của dòng thiền phương Nam xuất hiện trên vòm trời Giao Châu và Trung Hoa, đó chính là Thiền sư Khương Tăng Hội.
Ngài là người tộc Việt, đến Kiến Nghiệp (Trung Hoa) để truyền bá Phật giáo và thị tịch năm 280 đời nhà Tấn. Suốt mấy mươi năm hoằng pháp, ngài đã biên soạn nhiều tác phẩm quan trọng trong đó quyển Lục Độ Tập Kinh đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Tàu (khoảng năm 220-250) để phổ biến tư tưởng Phật giáo phương Nam cho dân bản xứ.
Thiền sư Khương Tăng Hội chính là vị Sơ Tổ của Thiền tông Việt Nam và Trung Hoa. Qua đó những lý luận cho rằng Phật giáo Việt Nam hay tư tưởng văn hóa Việt Nam ảnh hưởng Trung Hoa không còn lý do đứng vững. Ảnh hưởng hỗ tương là điều hợp lý hơn.
Bà Triệu khởi nghĩa năm 248 được tôn xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân chống nhà Đông Ngô. Bà sinh ngày 2 tháng 10 năm Ất Tỵ (225) Cùng với người anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa chống quân Đông Ngô và lấy quận Cửu Chân làm nơi phất cờ; Nghĩa quân của Bà tiến tới đâu quân giặc bỏ chạy đến đó, khiến nhà Ngô phải thú nhận "Toàn thể Châu Giao chấn động" Vì thế cô sức yếu, cuộc khởi nghĩa của Bà chỉ duy trì được 6 tháng. Bà đã tuẫn tiết năm 23 tuổi để giữ tròn tiết tháo với nước nhà. Người đời sau tôn xưng Bà là Triệu Trinh Nương.
Lý Nam Đế (503 – 548) là một vị vua Việt Nam, người đã sáng lập nhà tiền Lý năm 544 và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân sau khi đánh đuổi quân Tàu xâm lược.
Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, người làng Thái Bình, phủ Long Hưng, Việt Nam (khoảng Thạch Thất và thành phố Sơn Tây, Hà Nội). Lên ngôi xưng Nam Việt Đế tháng giêng năm 544, đặt niên hiệu là Thiên Đức (đức trời). Nam Việt Đế hay Lý Nam Đế nhân nền cũ của chùa An trì của triều Hồng Bàng, dựng lên một ngôi chùa mới có tên Khai quốc.
Trong đời Lý Nam Đế có binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục chỉ huy một đoàn binh mai phục ở trong đầm, sâu rộng bùn lầy khó tiến lui. Quang Phục chèo thuyền độc mộc qua lại thuận tiện, thường nhân đêm tối, đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế giữ lâu cho đối phương mệt. Ba bốn năm trường giặc không đánh được. Bá Tiên than rằng:
- Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.
Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.
Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:
- Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, ta đến để giúp bình loạn tặc.
Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời. Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sầm ở trận tiền, binh Lương lui chạy.
Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.
Lý Nam đế ở ngôi 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi.
Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Sinh quán Tân Châu thuộc Lĩnh Nam vào khoảng thế kỷ thứ 6. Đắc đạo với vị Tổ thứ năm là ngài Hoằng Nhẫn, Tổ nói: «ông là người Lĩnh Nam, là người mọi làm sao có thể làm Phật». Ngài Huệ Năng liền đáp: «Người tuy có Bắc, có Nam, nhưng Phật tánh vốn không có Nam, Bắc, thân quê mùa này cùng hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác». Bài kệ kiến tánh của ngài như sau:
Bồ-đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhá trần ai?
Ngô Vương Quyền sinh năm 899. Năm 920, Ngô Quyền phò tá Dương Đình Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất Ái Châu (Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Năm 938, đoàn quân Ngô Quyền vượt đèo Ba Dội tiến ra bắc tới thành Đại La để dẹp nội xâm là Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đánh giặc ngoại xâm là quân Nam Hán. Năm 938 Ngô Quyền cho quân lính đóng cọc ở sông Bạch Đằng còn gọi là Sông Rừng hay Sông Bạc Đầu để chận đánh đoàn quân Nam Hán của Hoằng Tháo. Quả nhiên đoàn quân Nam Hán bị lọt vào trận địa của quân ta Và tướng Tàu là Lưu Hoằng Tháo bị tử trận. Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ông đặt ra chức quan văn, võ, nghi lễ trong triều. Ngô Vương Quyền ở ngôi chỉ được 6 năm (939-944). Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, thọ 47 tuổi.
Đinh Tiên Hoàng, húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự.
Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Sau khi Ngô Vương Quyền băng hà năm 966, hình thành 12 sứ quân, sử gọi là loạn 12 sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh tập hợp dân chúng Hoa Lư khởi binh, lần lượt đánh bại 11 sứ quân khác. Năm Mậu Thìn 968 lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ngài là vị vua đầu tiên thống nhất đất nước. Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỷ Mảo (979), sau đó Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế mở ra một thời kỳ huy hoàng khác cho đất nước.
Từ năm Canh Ngọ 970, bắt đầu đặt hiệu năm là Thái Bình. Đinh Tiên Hoàng truyền cho đúc tiền đồng, đó là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Ông được táng ở sơn lăng Trường Yên.
Thời Đinh Tiên Hoàng Đế, đã mời một nhà sư thuộc dòng dõi họ Ngô về triều (năm 971) phong Tăng Thống và phong đại sư năm Thái Bình thứ hai. Đó là ngài Khuông Việt (tức thiền sư Ngô Chân Lưu). Sự sắc phong này có ý nghĩa rất lớn đối với dân tộc, đó là tưởng nhớ công đức triều trước để xây dựng đất nước cho triều hiện tại.
Sau này, nhà bác học Lê Quý Đôn đọc bài từ Ngọc lang qui của Khuông Việt đại sư đã ca ngợi ngài qua hai câu thơ:
Chân Lưu tài từ
Trứ xưng nhất thời
Khuông Việt Đại Sư sinh năm 930 và mất năm 1011 thọ 82 tuổi. Vào thập niên 60 đến 80 các cuộc khai quật di tích cổ ở Hoa Lư đã phát hiện ra những kinh tràng quý báu có từ thời Đinh Liễn, và cũng là thời ngài Khuông Việt làm Tăng Thống của nước Đại Cồ Việt.
Đây là di sản quý báu không phải chỉ riêng của Phật giáo mà còn là của dân tộc, vì những tràng kinh đó đã khắc ghi lại đời sống tâm linh, học thuật, tư tưởng cũng như nghệ thuật khắc chữ trên đá của những nghệ nhân thời đó.
Vua Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn (941 – 1005) là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ 980 đến 1005 (băng hà tháng 3 năm Ất Tỵ). Trong lịch sử Việt Nam, vua Lê Đại Hành không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc quân Chiêm Thành ở phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Năm 981, lúc nhà Tống đang mưu toan xâm lăng nước Ðại Cồ Việt, vua Lê Ðại Hành đã vời Pháp sư Pháp Thuận vào hỏi ý kiến của ngài về vận nước Nam ra sao. Ngài Pháp Thuận đáp rằng:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
Vua Lê còn nhờ ngài Khuông Việt cầu nguyện đức Tỳ Sa Môn Thiên Vương (là một vị thần hộ trì ngôi Tam Bảo) tại núi Vệ Linh, ở đền do ngài đã dựng lên, gia hộ cho quân dân nước Ðại Cồ Việt được chiến thắng quân nhà Tống.
Ngày 23 tháng 10 năm 981, vào lúc canh ba, khi trời tối mịt, gió lớn lửa dồn nổ ra, quân Tống do Hầu Nhân Bảo dẫn đầu bị tan vỡ. Thần ẩn hiện trên không trung, cất tiếng ngâm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân Tống nghe thế hoảng sợ chen nhau bỏ chạy tứ tán, và quân dân Ðại Việt đã chiến thắng một cách vẻ vang. Qua đó cho ta thấy rằng bài thơ bốn câu được xem là Tuyên Ngôn Ðộc Lập đầu tiên của một nước Ðại Việt thực sự tự do đã được tuyên bố ngay từ năm 981 sau khi vua Lê Ðại Hành chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống, chứ không phải của Lý Thường Kiệt tuyên bố vào năm 1076 như được phổ biến từ bấy lâu nay. Nguồn gốc của bài thơ Thần được ghi trong Việt sử diễn âm cũng như Thiên nam ngữ lục viết vào thế kỷ 16 và 17.
Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028) là vị vua khai sáng nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Nhà vua đã được thiền sư Vạn Hạnh hỗ trợ đắc lực từ lúc chưa lên ngôi cho đến khi trị vì thiên hạ.
Vua Lý Thái Tổ trị vì được 19 năm, đến năm 1028 thì qua đời, hưởng thọ 55 tuổi. Ông được táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.
Tháng 7, Thuận Thiên năm thứ nhất (1010) khởi sự dời đô từ thành Hoa Lư về Đại La và thấy rồng vàng bay lên trời nên đổi là Thăng Long.
Qua 19 năm trị vì xứ sở, với những chính sách kinh tế, xã hội văn hóa đứng đắn, vua Lý Thái Tổ đã thành công trong việc ổn định xã hội và phát triển. Dân chí, dân khí nói chung đã phục hồi hoàn toàn.
Lý Phật Mã được chỉ định kế vị vua Lý Thái Tổ với danh hiệu là Lý Thái Tông năm 1028. Năm 1042 vua Lý Thái Tông ban hành bộ Hình luật. Đây là một sự cải cách quan trọng trong luật pháp thời nhà Lý.
Năm 1054 nước ta đổi quốc hiệu là Đại Việt để khẳng định nền độc lập và tự chủ của xứ sở với triều đình nhà Tống phương Bắc.
Thời vua Lý Nhân Tông, để cảnh cáo nhà Tống trong mưu đồ xâm lược nước ta, triều đình đã chấp thuận đề nghị của danh tướng Lý Thường Kiệt trong việc phạt Tống.
Ngày 27/10/1075 quân đội Đại Việt lên đường Bắc tiến. Quân ta tiến như chẻ tre, lần lượt nhổ đi các đồn canh biên giới của giặc, 30/12/1075 chiếm được thành Khâm Châu, bắt sống toàn bộ quan quân mà không phải giao tranh một trận nào; 2/1/1076 hạ thành Liêm Châu bắt sống 8000 thổ binh; 42 ngày sau ta hạ được thành Ung Châu.Sau khi chiến thắng Lý Thường Kiệt đã ra lịnh cho toàn thể đạo quân Bắc phạt nhanh chóng rút về nước chuẩn bị đánh trả đòn phục thù của giặc.
Chùa Một Cột, chùa sen hay chùa Diên Hựu được xây dựng từ thời nhà Lý năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Nhưng bị thực dân Pháp giật sập năm 1954, Hà Nội xây dựng lại năm 1955, dựa theo bản vẽ của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã phổ biến.
Nền chùa nằm trên hồ nước Linh Chiểu, dài mỗi bên là 17,50 m; Giữa hồ có trụ đá với đường kính 1,25m. Chiều cao trụ đá từ mặt nước lên sàn chùa là 4m.
Chùa Diên Hựu chúng ta thấy trong hình chụp, thực ra do Tổng đốc Đặng Văn Hòa (tỉnh Hà Nội và Ninh Bình) sinh 1791 mất năm 1856 cho trùng tu vào năm 1838.Về hình dáng bên ngoài trông quy mô hơn, nhưng căn bản vẫn không có gì thay đổi nhiều.
Trần Thái Tông húy là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh; (17/7/1218 – 4/5/1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần, ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm.
Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa. Khi ông sinh ra, họ Trần đã nắm quyền điều khiển triều chính nhà Lý. Do sự sắp đặt của người chú họ là Trần Thủ Độ ông lấy nữ hoàng đầu tiên và là vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng khi mới lên 7 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258). Nhà vua đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chống lại thành công cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên.
Lần thứ nhất Mông Cổ tấn công Đại Việt là vào tháng 1 năm 1258. Có từ 3 đến 4 trận đánh lớn. Tấn công Đại Việt bị thất bại, quân Mông Cổ phải tìm đường khác để đột kích nhà Tống từ phía Nam.
Về tác phẩm văn học để đời của vua Trần Thái Tông là các quyển Thiền Tông Chỉ Nam Tự, Khóa Hư Lục. Đặc biệt Khóa Hư Lục, nhà vua dùng thi ca để diễn-tả những kinh nghiệm với tinh thần cổ-điển của thơ-văn Đông-Phương.
Trần Thánh Tông (1240 – 1290); húy là Trần Hoảng, là vị vua thứ hai của nhà Trần (sau vua cha Trần Thái Tông và trước vua con Trần Nhân Tông), ở ngôi từ năm 1258 đến 1278 và làm Thái thượng hoàng từ 1278 đến khi qua đời.
Trong thời gian làm Thái thượng hoàng, ông đã cùng với Trần Nhân Tông lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.Trần Hoảng (sách Việt Sử Toàn Thư chép là Khoán) là con trai thứ hai của vua Trần Thái Tông và bà Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu Lý Thị. Ông sinh ngày 25 tháng 9 âm lịch năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 (tức năm Canh Tý, 1240) và ngay lập tức được lập làm Đông cung thái tử.
Ngày 25 tháng 5 âm lịch năm Trùng Hưng thứ 6 (Canh Dần, 1290), Thượng hoàng Trần Thánh Tông qua đời. Ông làm vua 21 năm, làm thượng hoàng 12 năm, hưởng thọ 51 tuổi, được táng ở Dụ Lăng.
Thánh Tông là vị vua hiền tài; đối với anh em họ hàng thân mật, không phân biệt chúa tôi, chỉ kể tình ruột thịt... đối với dân trong nước mở mang kinh tế và việc học hành. Ông chỉnh đốn lại quân sự, chống ngoại xâm, biết ngoại giao mềm mỏng, dùng kế hoãn binh trong nhiều năm. Khi chiến tranh nổ, ông cùng quân dân đồng cam cộng khổ để đi đến thắng lợi, là bậc vua tài đức toàn vẹn.
Trần Nhân Tông ( 1258 – 1308), húy là Khâm. Là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông), ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm.
Đời vua Trần Nhân Tông trị vì xảy ra 2 cuộc chiến với quân Mông Cổ (1285-1288). Nhà vua đã chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng quân Mông cổ một cách vẻ vang.
Khi đứng trước thái miếu của vua Trần Thái Tông và nhìn thấy cảnh bị tàn phá bởi quân Mông Cổ, ngài đã cảm thán đọc lên hai câu thơ:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Đặc biệt chiến thắng sông Bạch Đằng đánh bại hoàn toàn đoàn quân Ô Mã Nhi là một chiến thắng lẫy thiên niên kỷ. Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ngài xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Đức Điều Ngự là vị tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam và thị tịch ngày 3 tháng 11 âm lịch năm 1308, và được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lợi cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
Người đời sau tôn xưng ngài là Phật Hoàng (vị Vua Phật) là bởi như vậy. Những tác phẩm của Đức Điều Ngự gồm Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, Thơ Trần Nhân Tông, văn xuôi Trần Nhân Tông (Hành trạng của Tuệ Trung Thượng Sĩ) Ngữ Lục, văn thư ngoại giao, các bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, viện Kỳ Lân.
Nhà Trần trị vì được 175 năm rồi suy yếu và nhà Hồ nhân sự suy yếu đó đã lên thay thế.
Hồ Quý Ly còn có tên là Lê Quý Ly (1336–1407) là một vị vua Việt Nam, người đã tiến thân từ một quan lớn đời nhà Trần để khởi đầu nhà Hồ của lịch sử Việt Nam. Trong thời gian cầm quyền, ông đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng, nhưng bị thất bại trong việc đoàn kết toàn dân chống lại cuộc xâm lăng của nhà Minh. Tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Lê Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Ông đổi sang họ Hồ, lập nên nhà Hồ.
Năm 1406, lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", nhà Minh sai Trương Phụ, Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh Đại Ngu. Rốt cuộc nhà Hồ thua trận, Hồ Quý Ly và 2 người con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương bị bắt ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Nhà Hồ làm vua từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ. Nước Việt Nam lại nằm trong vòng đô hộ của giặc Tàu phương Bắc thống khổ vô cùng Quân nhà Minh đã dùng chính sách vô cùng tàn độc đối với dân ta. Họ thu hết các sách vỡ của nước Đại Ngu rồi chở về Yên kinh, bắt tất cả nhân tài người Việt về Tàu phục vụ cho họ, cưỡng bức người dân lên rừng lấy ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, thống khổ thực không bút mực nào tả xiết. Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhóm nghĩa quân chống Tàu nổi lên khắp nơi, và nhóm có thực lực nhất là của Lê Lợi.
Lê Thái Tổ, húy Lê Lợi, là người dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh trở thành vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lê, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh năm 1385 và mất năm 1433, ở ngôi gần 6 năm, thọ 49 tuổi
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú v.v... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó 19 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416), chính thức phất cờ khởi nghĩa (khởi nghĩa Lam Sơn). Với danh xưng là Bình Định Vương ông đã gởi lời hiệu triệu dân Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh cứu nước.
Cuộc kháng chiến thật gian khổ, kéo dài 10 năm trời, cuối cùng nghĩa quân Lam Sơn đã ca khúc khải hoàn năm 1427 khi đoàn quân của Vương Thông thảm bại rút về nước. Lê Lợi đã sai Nguyễn Trải thảo bài Bình Ngô Đại Cáo để cáo thị toàn dân về công cuộc kháng Minh đã thành công. Trong bản văn có hai câu đã nêu bật sự quả cảm và nhân ái của tộc Việt trong cuộc chiến giành độc lập:
Đem Đại Nghĩa Để Thắng Hung Tàn
Lấy Chí Nhân Mà Thay Cường Bạo
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên vương triều Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh.
Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, 1380–1442, là vị quan lớn nhà Hậu Lê, một nhà văn chữ Nôm. Ông là một anh hùng của dân tộc Việt Nam, một bậc danh nhân văn hóa thế giới.
Ngày 16 tháng 8 năm 1442, gia đình nhà ông đã bị chém cả ba họ vì vụ án Lệ Chi Viên do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu triều đình khép tội giết vua Lê Thái Tông.
Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi và ca ngợi ông là: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" (tấm lòng Ức Trai soi sáng văn chương).
Nhà Hậu Lê được chia làm hai giai đoạn và cũng là triều đại trị vì lâu nhất (1418 – 1527, 1533 – 1789).
1/ Thời Lê sơ (1428-1527)
2/ Thời Lê trung hưng (1533-1789)
Thời Lê sơ (1428-1527) kéo dài đúng 100 năm, có 10 vua thuộc 6 thế hệ.
Nhà Lê sơ đã mở rộng lãnh thổ qua các cuộc chiến như, đánh Chiêm-Thành năm 1471 và Nam tiến; Đánh Bồn Man; Đánh Lão Qua năm 1479 Về phía Tây, nhà Lê tấn công Muang Phuan, Lan Xang thuộc Lào; Ayutthaya, Chiang Mai thuộc vương quốc Xiêm La.
Đối với giặc Tàu phương Bắc, vua Lê Thánh Tông thường bảo với triều thần: "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất 1 phân núi, 1 tấc sông do vua Thái Tổ để lại".
Ngày nay, năm 2009, cộng sản Việt Nam đã và đang cắt xẻo dần giang sơn Đại Việt dâng cho giặc Tàu phương Bắc đổi lấy sự thống trị lâu dài trên nỗi thống khổ của dân tộc. Từ Hoàng Sa Trường Sa thập niên 50, đến Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Bãi Tục Lãm, Núi Đất, Vịnh Bắc Bộ, Bauxit Tây Nguyên và sẽ còn gì nữa???
Nhà Lê sơ bắt đầu sụp đổ kể từ năm 1504. Mạc Đăng Dung thông gia của Trần Chân lợi dụng triều đình suy yếu đã khởi binh làm loạn.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung thắng các đối thủ và phế truất Cung Hoàng lên ngôi vua, lập nên nhà Mạc. Nhà Lê sơ truyền đúng 100 năm và chỉ mất 30 năm sau cái chết của vua Lê Thánh Tông.
Thời Lê trung hưng (1533-1789) xảy ra chiến tranh Lê-Mạc các sử gia gọi nhà Mạc là Bắc triều và nhà Lê trung hưng là Nam triều. Năm 1592, quân Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc bỏ chạy lên cát cứ ở Cao Bằng.
Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, vườn thiền của Phật Giáo Việt Nam xuất hiện một vị thiền sư mà đạo hạnh cũng như sở học được mọi người ngưỡng mộ đó là ngài Minh Châu Hương Hải thiền sư.
Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến và được bổ làm tri phủ Triệu phong, 3 năm sau, ông từ quan và đi xuất gia lúc mới 30 tuổi. Thiền sư đã thị tịch vào ngày 12 tháng 5 năm Ất Mùi 1715.
Ngài trụ thế được 88 năm, nhưng trong suốt thời gian đó, đã có những đóng góp tích cực cho dân, cho nước lúc làm quan ở tuổi thanh niên. Khi xuất gia, thiền sư Hương Hải vẫn còn đóng góp sức mình bằng sự liên hệ với các nhà lãnh đạo chính trị quân sự đương thời.
Đặc biệt với họ Nguyễn đàng trong như Hiền vương Nguyễn Phúc Tần rồi sau đó với vua Lê Hy Tông (1676-1704) và Lê Dụ Tông (1705-1728) cùng các chúa Trịnh Tạc (1653-1682), Trịnh Căn (1683-1709) và Trịnh Cương (1709-1729) với các quan lại cao cấp của triều đình như Ứng quận công Ðặng Ðình Tướng (1659-1735) Tước quận công Lê Ðình Kiên (1623-1704) v.v… và đã có ảnh hưởng nhất định với những vị này.
Thời Lê trung hưng chỉ có 16 vị vua, Trịnh và Nguyễn cùng giương cờ “Phù Lê diệt Mạc”, Tây Sơn giương cờ “Phù Lê diệt Trịnh” Việc vua Lê Chiêu Thống sang Tàu cầu viện nhà Thanh đánh quân Tây Sơn đã tạo thêm chính nghĩa cho đoàn quân Bắc tiến của Quang Trung Hoàng Đế Nguyễn Huệ (1753 – 1792). Ngài còn được biết đến một danh hiệu khác đó là Bắc Bình Vương là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792).
Nghe tin giặc Mãn Thanh tràn qua biên giới, Vua Quang Trung đã nhanh chóng huy động binh mã, và ở tại Nghệ An quy tụ được thêm 10 vạn quân lính. Tôn Sĩ Nghị với 20 vạn quân Thanh xem thường quân Tây Sơn chưa muốn ra quân vội. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) Quang Trung hoàng đế tiến vào thành Thăng Long trong sự hân hoan chào đón của các tầng lớp dân chúng.
Vua Quang Trung đột ngộ băng hà vào tháng 9 dương lịch năm 1792 khiến kế hoạch Nam tiến tiêu diệt Nguyễn Ánh bị dở dang.
Trong số người cùng vua Quang Trung xây dựng và phát triển cơ nghiệp nhà Tây Sơn như Đô Đốc Long, Đô Đốc Tuyết, nữ tướng Bùi thị Xuân v.v...bên hàng quan võ; bên quan văn đặc biệt với sự góp sức của Ngô Thời Nhậm hay Ngô Thời Nhiệm (1746–1803) là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê–Tây Sơn. Tuy là quan văn nhưng là người có công lớn trong việc đánh lui quân Mãn Thanh.
Ông là con Ngô Thời Sĩ, người làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây), ngày nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội. Tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, nên quay về nghiên cứu Phật học. Ông để lại cho hậu thế khoảng 20 tác phẩm văn học như Nhị Thập Thất Sử Toát Yếu, 1761, thất truyền, có ghi trong Ngô gia thế phả; Tứ Gia Thuyết Phả, 1766, thất truyền v.v.. Đặc biệt là Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, 1798-1802, 2 quyển, không thấy trong Ngô gia thế phả mà có sách in riêng. Người đời sau tôn xưng ông là Trúc Lâm Đệ Tứ Tổ. Sau khi Nguyễn Gia Long thắng nhà Tây Sơn, ông cùng Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và một số quan văn khác bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803 và bị chết khi về tới nhà.
Sau khi thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802 xưng là Gia Long. Vua Gia Long áp dụng những phương pháp tàn độc đối với các trung thần thời Tây Sơn như cho voi dày đạp nữ tướng Bùi Thị Xuân; đánh đập các quan văn như Phan Huy Ích, đánh chết Ngô Thời Nhậm trước Văn Miếu. Đào mả vua Thái Đức Nguyễn Nhạc vua Thái Tổ Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi, còn đầu thì đem bỏ giam ở trong ngục tối.
Vua Gia Long đổi quốc hiệu từ Đại Việt sang Việt Nam và phái người sang Tàu xin cầu phong, mãi đến năm 1804, nhà Thanh mới cử người sang phong cho Gia Long là An Nam quốc vương.
Vua Gia Long mất năm kỷ mão (1819), trị vì được 18 năm, thọ 59 tuổi, miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Các đời vua kế tiếp gồm Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883)
Thời vua Tự Đức, xảy ra việc cấm đạo, đó cũng là nguyên nhân người Pháp viện cớ binh vực đạo để xâm lăng Nam kỳ. Pháp tấn công Đà Nẵng tháng 7 năm mậu ngọ (1858); năm kỷ mùi (1859) tấn công Gia Định.
Triều đình Pháp muốn hòa, chỉ cốt đừng cấm đạo nữa và mở cửa buôn bán. Nhưng nhà Nguyễn không thông hiểu tình hình đã bỏ mất một cơ hội tốt để tránh nạn đao binh và sau đó là nô lệ, nên việc giảng hòa không xong, đưa đến Hòa ước Nhâm tuất (1862), Việt Nam phải nhượng hẳn ba tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Gia Định cho Pháp, đồng thời để cho chiến thuyền Pháp ra vào tự do sông Cửu Long. Trả cho Pháp 4 triệu nguyên (tiền thời bấy giờ).
Sau hòa ước Nhâm tuất (1862), Pháp Việt tiếp tục chiến tranh. Người Pháp lợi dụng nội loạn của nước Nam càng ngày càng lấn tới và đưa tới hòa ước năm giáp-tuất (1874), trong đó triều đình phải nhượng đứt 6 tỉnh Nam kỳ.
Hòa ước năm quý-mùi (1883), nước Nam do nước Pháp bảo hộ, có việc gì giao thiệp với ngoại quốc thì phải do nước Pháp chấp nhận Hòa ước Fournier (1884), nước Tàu để cho nước Pháp được toàn quyền quyết định ở Việt Nam.
Vua Kiến Phúc ở ngôi được 6 tháng thì mất ngày mồng 6 tháng 4 năm Giáp Thân (1884), vua Hàm Nghi mới 12 tuổi lên thay. Khi De Courcy vào Huế, đòi Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường qua dinh Khâm sứ yết kiến, ông Tường sang, ông Thuyết không chịu, và đưa đến trận đánh với Pháp ở Huế, khiến triều đình phải bôn đào. Pháp lập Phủ Toàn quyền ngày 15/11/1887 ở Sài Gòn để cai trị nước ta và Cao Miên.
Tôn Thất Thuyết ở Quảng Bình làm hịch cần vương truyền kêu gọi các nơi; người dân trong xứ nơi nào cũng nổi lên chống Tây và chống cả đạo. Tình thế ngày càng rối rắm thêm! Trong lúc vua Hàm Nghi bôn đào, ở triều đình Pháp lập vua Đồng Khánh lên thay.
Ngày 26 tháng 9 năm 1888 vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt do Trương quang Ngọc làm nội ứng. Quân Pháp đày vua Hàm Nghi sang Algérie cho đến mãn đời. Quan Đình-nguyên Phan đình Phùng thuộc phong trào văn thân tổ chức nghĩa quân chống Pháp. Ông là người tài giỏi văn thao võ lược.
Tháng 11 năm quý-tỵ 1893, ông sai người đi bắt Trương quang Ngọc về chém đầu về tội bắt vua. Trong suốt hai năm 1893-1895 quân của Phan Đình Phùng đã gây cho Pháp nhiều khốn đốn. Sau vì tuổi già sức yếu, phải rày đây mai đó, nên ông đã chết vì bịnh và phong trào Văn thân tan rã từ đó.
Sau phong trào Văn thân còn có Kỳ-đồng, Thiên-binh vào khoảng 1897-1898 ở vùng Thái-bình, Hải-dương, Bắc-ninh v.v...Đông kinh nghĩa thục năm 1907 của Phan bội Châu, Phan chu Trinh, nói lên tấm lòng yêu nước của người VN. Hồ chí Minh là thành viên trung kiên của quốc tế vô sản (Komintern), ông ta đã lợi dụng sự quen biết giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của họ Hồ) với cụ Phan để điềm chỉ cho mật thám Pháp bắt cụ Phan tại Thượng Hải tháng 6/1925 ngay tại tô giới Pháp. Pháp thưởng công cho Hồ chí Minh và Lâm Ðức Thụ (tên thật là Nguyễn Công Viễn)100 ngàn đồng. Họ Hồ dùng tiền để phát triển đảng cộng sản, còn họ Lâm dùng để ăn chơi.
Hoàng hoa Thám khởi nghĩa ở Thái-nguyên; vua Duy-tân mưu sự độc-lập, bị bắt đầy sang ở đảo Réunion; Đội Cấn và ông Lương ngọc Quyến khởi nghĩa ờ Thái Nguyên.
Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ chí Minh sau này) với tư cách Ủy viên Đông-Phương Bộ, phụ trách Đông Nam Á đã triệu tập một hội nghị tại Cửu Long (Hương Cảng) ngày 06/01/1930 để thống nhất 3 đảng cộng sản thành một lấy tên là Đảng Cộng-Sản Việt-Nam. Trong thời gian từ tháng 3/1930 đền tháng 9/1931 tình hình ba Kỳ hoàn toàn rối loạn do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra khiến các tầng lớp dân chúng đói rét lầm than. Lợi dụng tình trạng này, đảng Csvn của họ Hồ đã tìm cách xâm nhập vào các giới thợ thuyền, nông dân, phụ nữ v.v...và xúi dục đình công biểu tình.
Cuộc biểu tình ngày 12/09/30 ở Hưng Nguyên đã bị thực dân Pháp đàn áp thẳng tay, và cơ sở cộng sản tại Hưng Nguyên đã không (nói khác hơn là không muốn) làm gì để bảo vệ dân chúng trước bạo lực của thực dân tung ra. Thâm ý của đảng Cộng sản là khích động hận thù của dân chúng đối với thực dân Pháp để tạo lợi thế chính trị cho đảng của họ. Đây là một vết nhơ, một nỗi nhục của đảng cộng sản chứ không là sự hãnh diện gì cả. Đó là chưa nói đến cộng sản Việt Nam cố tình gán ép màu sắc đấu tranh giai cấp cho những phong trào đấu tranh của người dân.
Từ đó mới hình thành huyền thoại giả tạo của "Xô-Viết Nghệ-Tỉnh" như họ đã dựng lên rất nhiều huyền thoại giả tạo khác để lừa gạt người dân Việt Nam đi theo con đường cộng sản không lối thoát do Hồ chí Minh chủ trương.
Năm 1930, ngoài ra còn có cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn thái Học lãnh đạo ở Yên-bái v.v...Cuộc đấu tranh bị thất bại vì nhiều nguyên do, trong đó đảng cộng sản của Hồ chí Minh đã tung tin cho thực dân Pháp biết để đề phòng. Trên đường giải 13 chiến sĩ VNQĐD ra pháp trường, Nguyễn Thái Học đã hùng hồn nói với cố Dronet: "Chúng tôi chỉ là những kẻ chiến bại, chớ đâu phải là kẻ có tội", "Chúng tôi có phạm gì đâu mà ăn thú tội !". Ông còn ngâm bài thơ như sau:
"Mourir pour sa patrie,
C'est le sort le plus beau.
Le plus digne d'envie..."
"Chết vì Tổ quốc, Lòng ta sung sướng, Trí ta nhẹ nhàng..."
Ngày 17/06/1930, 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị thực dân Pháp xử chém ở Yên Bái. Tất cả đều tỏ ra can trường, khí phách trước giờ ra đi vĩnh viễn.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đảo chánh Pháp và giao quyền nội-trị lại cho vua Bảo-đại.
Sau thất bại chua cay, nhục nhả của đảng cộng sản trong "Xô-Viết Nghệ-Tỉnh" những năm 30-31, Hồ chí Minh triệu tập hội nghị ở Tsin-Tsi (nước Tàu) để duyệt lại toàn bộ chính sách đối với tình hình Việt Nam; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Komintern trong giai đoạn sắp tới. Mệnh lệnh của Komintern là phải dấu thật kỹ hình tích cộng sản khoác bên ngoài vỏ bọc "yêu nước", mang tinh thần "quốc gia chống thực dân đế quốc"...và đó cũng là nguyên nhân đưa đến hình thành Mặt trận Việt Minh để thu hút mọi thành phần dân tộc đấu tranh chống thực dân giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của họ Hồ. Do sự lợi dụng được tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Việt để phục vụ Komintern của Hồ chí Minh, cũng như sự khát khao độc lập của toàn dân nên đảng cộng sản Việt Nam đã không gặp khó khăn đáng kể trong việc chiếm chánh quyền ngày 19/08/1945. Họ đã mở ra một kỷ nguyên với núi xương sông máu chập chùng của tộc Việt cho sự nghiệp bành trướng chủ nghĩa.
Nạn đói năm Ất Dậu 1945, khiến hai triệu người Việt Nam tử vong. Thủ phạm chính yếu là thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, kẻ đồng phạm là đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy trong mấy mươi năm qua, cộng sản Việt Nam chưa hề làm lễ giỗ cho các nạn nhân chết đói năm xưa, cũng như chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi chính phủ Nhật Bản xin lỗi về cái chết của hai triệu người Việt do quân phiệt Nhật gây ra năm 1945.
Ngày 02/09/1945, Hồ chí Minh với tư cách chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã long trọng đưa tay thề trước quốc dân :"Thề không điều đình với Pháp". Thế nhưng để củng cố vị thế chính trị của ông ta và đảng cộng sản, họ Hồ đã bí mật điều đình với Pháp (qua Sainteny) ký Hiệp ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946 để đem Pháp trở lại chiếm đóng Đông Dương, cùng Pháp phân chia lợi nhuận, nhất là được Pháp công nhận và mượn tay thực dân tiêu diệt các đảng phái Quốc gia.
Thực dân Pháp trở mặt không muốn điều đình tiếp với cộng sản Việt Nam (tức Việt minh) khi chính phủ cánh hữu lên cầm quyền ở Pháp, và quân Pháp đã tấn công Việt minh cũng như các tổ chức quốc gia Việt Nam. Lo sợ bị tiêu diệt, Hồ chí Minh bất đắc dĩ phát động ngày "toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 !!! ".
Tháng 9 năm 1947, Pháp chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam với vua Bảo Đại qua Hiệp Ước Vịnh Hạ Long ký ngày 5 tháng 6 năm 1948.Vua Bảo Đại chọn mẫu cờ vàng ba sọc đỏ của Họa Sĩ Lê Văn Đệ vẽ nối dài 3 vạch đỏ của cờ Quẻ Càn) làm quốc kỳ và bản “Tiếng Gọi Sinh Viên” sau đổi là “Tiếng Gọi Thanh Niên”của Lưu Hữu Phước làm Quốc Ca.
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Một thành tựu ngoại giao của Quốc gia Việt Nam là việc thâu hồi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay Nhật Bản vừa mới thất trận tại Hội nghị San Francisco Tháng Chín năm 1951.
Cộng sản Việt Nam (Việt Minh) đã giành độc quyền kháng chiến bằng cách loại bỏ thẳng tay (tàn sát) những thành phần dân tộc không cộng sản. Do nguyên nhân đó, những thành phần dân tộc đã thấy ra nhu cầu cần kết hợp thành một lực lượng quân sự duy nhất để chống lại cộng sản, nhưng bất đắc dĩ phải đứng chung chiến tuyến với Pháp.
Từ ý niệm đó đã hình thành Quân-Đội Quốc-Gia Việt-Nam từ năm 1946 và chính thức hình thành vào năm 1950. Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống Cộng, gia tăng quân số lên 60,000 người. Ngày 5 tháng 5 năm 1951, Bộ Quốc-Phòng Việt-Nam mới thật sự thành hình. Cuối năm 1951, quân số dưới cờ lên tới 110,000 người. Các đơn vị nồng cốt gồm:
- Tiểu đoàn Nhẩy Dù
- Ðại Ðội 1 & 3 Truyền Tin
- Chi Ðoàn I Thám Thính Xa
- Tiểu Ðoàn Pháo Binh
- Ðại Ðội 2 & 3 Công Binh
Từ 1952-1954, các quân binh chủng, các quân trường đã được thành lập đầy đủ để đáp ứng với nhu cầu bảo vệ đất nước. Kể từ đầu năm 1953 cho tới khi ký kết hiệp định Geneve 1954, có 4 sự kiện đáng ghi nhớ: 1/ Phát triển các bộ tham mưu, các bộ chỉ huy từ trung ương đến các quân khu, tiểu khu theo hệ thống của quân đội chuyên nghiệp; 2/ Thành lập thêm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 tiểu đoàn khinh quân; 3/ Thành lập 15 liên đoàn bộ binh và 1 liên đoàn nhẩy dù; 4/ Phía Pháp bàn giao dần vùng trách nhiệm an ninh cho Quân Đội như các tiểu khu Mỹ Tho (Nam Việt), Hưng Yên, và Bùi Chu (Bắc Việt).
Ngày 12 tháng 4 năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc ban hành lệnh tổng động viên. Ngày 16 tháng 6 năm 1954 ông Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng của Quốc Gia Việt Nam. Lúc đó Pháp đang gặp khó khăn trên chiến trường, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ, nên quyết định tổ chức hội nghị chia đôi nước Việt Nam và quân Pháp có thể rút khỏi VN trong danh dự.
Hội nghị Genève diễn ra ngày 20/07/1954 gồm có Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ (Quốc Gia Việt Nam), Phạm văn Đồng đại diện miền Bắc Việt Nam, ngoại trưởng Anh Anthony Eden làm chủ tịch hội nghị. Ngoài ra còn có đại diện các nước Pháp, Trung cộng, Nga v.v..Cộng sản Việt Nam thoả hiệp với thực dân Pháp chia đôi đất nước Việt Nam.
Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ kịch liệt phản đối sự chia đôi này và không ký vào văn bản của hiệp định. Hoa Kỳ cũng không ký vào văn bản. Ở Hà Nội khi nghe tin đất nước VN bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, các tổ chức quốc quốc gia tập hợp thành một mặt trận chống cộng và phản đối kịch liệt, đồng thời quyết định tổ chức cướp chính quyền và ở lại chiến đấu giữ cố đô Thăng Long. Mọi việc đang được chuẩn bị chu đáo, thì giữa chừng bị bỏ dỡ, vì Đỗ Đình Đạo (cán bộ VNQĐD) bị Thụy An (tay sai thực dân Pháp và cộng sản) đầu độc chết. Các tổ chức quốc gia dân tộc đành phải đau đớn rời khỏi kinh thành Thăng Long yêu quý theo quy định của hiệp định.
Ngày 22/07/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm chống đối chia đôi đất nước.
Phần 1 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ thời lập quốc cho đến năm 1955
Phần 2 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ năm 1955 đến năm 1973
Phần 3 Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên từ năm 1973 đến năm 2012
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên-khảo_hội Sử-học Việt-Nam
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Thiên-Niên Sử Thăng-Long Thành
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử