lịch sử việt nam
Bài-Học Trần-Hưng-Đạo
( Bút Hiệu : Thượng Chi )
" Nếu Bệ-hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần đi đã "
Gần 700 năm qua, mà lời tâu khẳng-khái ấy vẫn còn văng-vẳng trong mọi tâm-hồn dân Việt .
Lời tâu khẳng-khái ấy là lời quyết-định cho việc đại thắng quân Nguyên của quân dân Việt-Nam dưới quyền thống-lĩnh của Đức Trần-Hưng-Đạo .
Với sức mạnh của Hội-Nghị Diên-Hồng, với sức mạnh của tinh-thần " phụ tử chi binh " cộng với sức mạnh của toàn dân cùng hy-sinh cho một chí-hướng, lịch-sử Việt-Nam dưới thời nhà Trần đã được ghi chép bằng những giòng vàng son chói lọi.
Chính sức mạnh của khối Đại Đoàn-Kết ấy đã tạo nên những chiến-thắng vang-lừng cho nòi-giống : Chương-Dương ; Hàm-Tử ; Tây-Kết ; Vạn- Kiếp ; Vân-Đồn ; Bạch-Đằng .
Và người đã tạo ra sức mạnh ấy chính là : Thái-sư ; Thượng-phụ ; Thượng-quốc-công, Bình Bắc Đại Nguyên-Soái, Hưng-Đạo Đại-Vương Trần-Quốc-Tuấn.
Nhắc tới Đức Trần-Hưng-Đạo là nhắc tới vị Tướng-lãnh tài-ba, văn võ kiêm toàn, là nhắc tới vị Công-thần trung-kiên, tiết-liệt và cũng nhắc tới Một Người với tất ý-nghĩa đẹp lành và cao cả .
Với Ngài, lời dặn báo-thù của cha tuy chí-thiết, nhưng quyền-lợi Tổ-quốc còn trọng đại hơn .
Với Ngài, nỗi hiềm-khích cùng Tướng Trần-Quang-Khải đã tiêu-tan trong nghĩa cả, để cùng nhau cứu dân, cứu nước.
Ngoài ra, đối với thuộc-hạ, hơn ai hết, Ngài là người biết tiến-cử, dung nạp, tin cậy tài đức, biết nghe sáng-kiến và lời nói thẳng. Ngoài Đức Trần-Hưng-Đạo, hởi có ai đã nhìn qua gã đan mây ngang-tàng ngoài lộ, người bán than lem-luốc, để thấy những bậc hổ-tướng mà lịch-sử gọi là Phạm-Ngũ-Lão, Trần-Khánh-Dư ?
Đối với nhân-dân, Ngài đã áp-dụng chính-sách : quân phân quyền lợi và bổn-phận để làm sống dậy sức mạnh tiềm-tàng của mọi người, làm sôi-sục bầu máu nóng ái-quốc của những trang thanh-niên mà thường ngày chỉ biết yên vui cùng đồng ruộng.
Với bài " Hịch Tướng Sĩ ", Ngài đã khiến ba-quân thuộc-hạ, nghìn người như một, vạn người như một, đồng lòng hy-sinh và hăng say giết giặc. Và " Binh thư yếu lược " của Ngài vẫn còn giữ mãi được giá-trị cổ-truyền của nó.
Vì thế Đức Trần-Hưng-Đạo đã trở thành Vị Tướng tài ba và nhà Chính-trị lỗi-lạc của lịch-sử Việt-Nam bất diệt .
Chính Ngài đã dùng chính-trị để thâu gồm tất cả mọi người vào trong một lập-trường : Lập-trường Dân-Tộc ; và trong một sức mạnh : sức mạnh Đoàn-Kết Đấu-tranh.
Ngài đã thắng, toàn dân Việt-Nam đã thắng .
Và những bài học lịch-sử mà Đức Trần-Hưng-Đạo để lại muôn đời được hậu-thế noi theo.
VỚI CUỘC CHIẾN-THẮNG MÔNG - CỔ CỦA ĐỨC THÁNH TRẦN
( LTS. _ Sau đây là Tài-liệu Thuyết-trình của GS. Nguyễn-Đăng-Thục, trình-bày trong dịp kỷ-niệm Đức Trần-Hưng-Đạo, tại Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân, ngày 10-10-1968.
Chúng tôi hoan-hỷ được đăng lại hầu độc-giả tài-liệu quý giá này ( gồm 2 phần ) của một
vị Giáo-sư đã dày công nghiên-cứu Văn-học, đặc-biệt về các danh-nhân Việt-Nam )
Đông-Nam-Á gồm bán-đảo Đông-Dương và Nam-Dương quần-đảo. Đây là chỗ giao-lưu của các chủng-tộc và văn-hóa giữa hai khối Ấn-Độ và Trung-Hoa. Với di-tích văn-hóa Đông-Sơn và Lạch-Trường mà đặc-trưng là Trống Đồng và Mổ Cổ, chúng ta biết rằng từ trước kỷ-nguyên Tây-lịch, ảnh-hưởng Ấn-Độ vào tận trung-châu Bắc-Việt để rồi lùi dần ra biển và xuống miền Nam trước sự lan-tràn của ảnh-hưởng lục-đại Trung-Hoa. Vào thế-kỷ XII - XIII, trên bờ biển bán-đảo Đông-Dương có nước Chiêm-Thành thuộc ảnh-hưởng văn-hóa Ấn-Độ, luôn luôn thường xung-đột với nước Đại-Việt, phía Bắc thuộc ảnh-hưởng Trung-Hoa. Đại-Việt sau khi tự giải-phóng khỏi sự đô-hộ của phương Bắc, đánh đuổi Đại-Lịch phía Tây, đánh dẹp quân Mán ở các khe động, đến thời Lê, Lý bắt đầu đánh xuống miền Nam, tức là Chiêm-thành vậy. Lý-Thánh-Tông có chí lập nên một Đế-quốc, có mệnh Thiên-tử như Đế-quốc Tầu, đổi quốc-hiệu làm Đại-việt ( 1054 ) coi các nước phương Nam Giao-Chỉ như chư-hầu của mình. Không muốn họ vào triều-cống Tầu. Cho nên đến Vua Lý-Thánh-Tông ( 1057 - 1071 ), Lý-Nhân-Tông ( 1072 - 1127 ) đánh phá Chiêm-Thành đến tận biên-giới Chân-Lạp. Nước Chiêm bỏ kinh-đô Indrapura ( phía Bắc Huế ) để đi xuống Vijaya ( Phật-Thệ, Bình-Định ). Dân Chiêm phải quật-cường về phía Tây, đánh cướp Angkor của Cam-Bốt ( 1177 ).
Đế-quốc Cam-Bốt thế-kỷ XII đang là một thế-lực rộng lớn, dưới triều Vua Phật Jayavarman VII ngự-trị từ Viên-Chan phía Bắc đến bán-đảo Mã-Lai phía Nam, bờ biển Đông-Dương phía Đông đến biên-giới Miến-Điện phía Tây.
Nước Miến-Điện vào thế-kỷ XII cũng được thịnh với triều-đại Pagan dựng lên từ 1044. Năm 1190 Miến-Điện tiếp-thụ ảnh-hưởng Phật-giáo cải-cách của Tích-Lan (Ceylan) thuộc về Tiểu-thừa, còn Cam-Bốt vẫn chịu ảnh-hưởng Ấn-Độ-giáo và Phật-giáo Đại-thừa.
Ở ngoài Hải-đảo thế-kỷ XII có Đế-quốc Tam-Phật-Tề (Mahàràja) ở Sumatra, chi-phối mặt biển trên đường giao-thông giữa Ần-Độ và Trung-Hoa qua các eo-biển.
Xa nữa là đảo Java (Qua-Oa) với Đế-quốc Kediri, từng cầm-cự với thủy-quân Mông-Cổ để trở nên triều-đại thế-lực bá-chủ Nam-Dương, thế-kỷ XIV là triều-đại Majapahit.
Đấy là tình-trạng các dân-tộc miền Đông-Nam-Á, trong ấy truyền-thống văn-hóa Ấn-Độ với truyền-thống văn-hóa Trung-Hoa đang giao-tranh ảnh-hưởng và thế-lực, trước cuộc xâm-lăng và bành-trướng của đại-thế-lực Đế-quốc Mông-Cổ, sau khi đã khống-chế khắp lục-địa Á-Châu, Âu-Châu, sắp tràn xuống các bán-đảo và hải-đảo Đông-Nam-Á.
Truyền-thống văn-hóa Ấn-Độ đề-cao tâm-linh cá-nhân tự-do cho nên có màu sắc siêu-nhiên Thần-bí, còn truyền-thống văn-hóa Trung-Hoa có khuynh-hướng nhân-văn xã-hội, có tinh-thần luân-lý thực-tiễn. Hai khuynh-hướng ý-thức-hệ vĩ-đại ấy quyết-định vận-mệnh các dân-tộc Đông-Nam-Á bằng cách đồng-hóa với nhau hay tiêu-diệt nhau một mất một còn, đấy là ý-nghĩa lịch-sử anh-dũng chiến-thắng quân Mông-Cổ của thời nhà Trần ở Việt-Nam, và làm thay đổi chiều-hướng tiến-hóa của Đông-Nam-Á sau này vậy.
Nhà học-giả Nhật Okakura trong tác-phẩm trứ-danh thế-giới " Les Idéaux de l'Orient " ( Những Ý-niệm Đông-Phương ) mở đầu rằng :
" Á-Châu là nhất-phiến : núi Hy-Mã chỉ phân ra để đánh-dấu hai nền văn-hóa vĩ-đại : Văn-hóa Công-Cộng Trung-Hoa của Khổng-Phu-Tử và Văn-hóa Tư-do Cá-nhân của Ấn-Độ Vệ-Đà, nhưng những bức-thành tuyết-sơn ấy không một lúc nào làm gián-đoạn sự phát-triển lòng khao-khát Tuyệt-đối và Đại-đồng, vốn là gia-bảo tinh-thần chung của dân-tộc Á-Châu đã khiến chúng sáng-tạo ra các tôn-giáo lớn của thế-giới, và do đấy đã phân-biệt chúng với các dân-tộc trên hải-đảo Địa-Trung-Hải và Ban-Tích, ưa-chuộng giới-hạn vào mặt đặc-thù và cầu tìm những phương-tiện cho sự sống hơn là cứu-cánh của sự sống ".
Cái miếng đất bắc cầu giữa hai nền văn-hóa vĩ-đại trên đây chính là khu-vực giao-lưu Đông-Nam-Á mà bán-đảo Ấn-Độ - Chi-Na ( Indo-Chine ) như tên gọi đã là " ngã tư dân-tộc và văn-hóa " ( carrefour de peoples et de civilisations, _ Ovlov Jansé. E.F.E.O. ) kể từ lâu, trước kỷ-nguyên Dương-lịch như di-tích khảo-cổ-học chứng-minh vậy.
Kể từ thời Lý, lịch-sử Đại-Việt đã ghi-nhận sự tiến-cống của các nước Chiêm-Thành, Chân-Lạp, Ngưu-Hồng, Ai-Lao, Tiêm-La, Qua-Oa nước Kim, tuy cũng có khi Chiêm-Thành, Chân-Lạp, Ai-Lao vào đánh biên-giới phía Nam, khiến cho các Vua Đại-Việt thường phải đi chinh-phục. Đấy là một bằng-chứng cụ-thể biểu-lộ cái tinh-thần tranh-hùng giữa Việt-Nam với các dân-tộc trên bán-đảo Đông-Dương, còn ghi ở bài Bia khắc vào núi của Trần-Minh-Tông sai Nguyễn-Trung-Ngạn làm vào năm 1335.
" Hoàng Việt triều Trần, Vua trị-vì thứ VI là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế, được Trời yêu cho thống-trị đất đai rộng lớn, các nơi xa gần đâu cũng phải thần-phục. Thế mà Ai-Lao, một nước nhỏ-mọn dám ngang-ngạnh giáo-hóa triều-đình. Năm Ất-Hợi, tháng quí thu ( tháng 9 Âm-lịch ) Hoàng-Đế thân đem 6 vạn quân đi tuần-thú đến biên-thùy mặt Tây, Thế-tử Chiêm-Thành và nước Chân-Lạp, nước Tiêm-La, đạo tù-trưởng Mán, Quì, Cầm, Xa, Lặc, những bộ-lạc mới phụ-thuộc thì tù-đạo Mán Bôi Bồn và Thanh Xa đều tranh nhau đến triều-yết, dâng nộp phẩm-vật địa-phương. Chỉ một mình nghịch-tặc Bổng cố giữ thói u-mê, sợ bị tội không đến triều-yết. Tháng quí đông ( tháng 12 Âm-lịch ) Hoàng-Đế đóng ngự-doanh ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh-lính Man Di kéo vào nước ấy, tên nghịch Bổng nghe tiếng chạy trốn. Bèn hạ chiếu đem quân về .
" Ngày tháng 12 nhuận, mùa đông năm Ất-Hợi, niên-hiệu khai-hựu thứ VII ".
Nay bài Bia đục núi khắc lúc bấy giờ ở thôn Trầm-Hương, huyện Trương-Dương, tỉnh Nghệ-An, nét chữ to bằng bàn tay, tạc vào đá sâu hơn một tấc.
Bài Bia trên đây thực là cả một tờ di-chúc của Đại-Việt thời Lý, Trần cho dân-tộc Việt-Nam sau này, sau khi đã bại Tống, bại Nguyên, nhất-định xưng Đế phương Nam, làm một nước Thiên-Tử bảo-vệ tự-do cho cả Đông-Nam-Á.
Thực vậy, trong khi quân Mông-Cổ bị chặn đánh ở Việt-Nam ( 1257 - 1284 - 1287 ) thì Đế-quốc Đại-Lịch của Thái-tộc ở Vân-Nam bị sát-nhập vào Mông-Cổ 1253, quân Mông-Cổ đánh xuống Miến-Điện ; (1277 - 1283 - 1284), kinh-đô Pagan (Bồ Cam) bị làm cỏ 1287 và Đế-quốc Miến bị giải-tán.
Mặt khác, Mông-Cổ định dầy xéo qua Việt-Nam để chinh-phục suốt bờ biển Đông-Dương mà thẳng tới Java chinh-phục tất cả Đông-Nam-Á. Theo René Grousset viết trong " Lịch-sử Á-Đông " :
" Đông-Dương bấy giờ chia làm bốn nước Việt-Nam, Chiêm-Thành, Cao-Mên và Miến-Điện. Năm 1280 Chiêm-Thành bị sứ-thần của Hốt-Tất-Liệt (Kubilai) thừa-nhận quyền bảo-hộ của Mông-Cổ. Các Ủy-viên triều Nguyên đến nhậm-chức, nhưng có sự nổi loạn của nhân-dân đánh đuổi vào năm 1281 - 1282. Tướng Mông-Cổ Toa-Đô (Sõgãtu) đem hạm-đội nhỏ từ Quảng-Đông đổ-bộ lên Chiêm-Thành, chiếm kinh-đô Chiêm là Chà-Bàn gần Bình-Định năm 1283, nhưng rồi không giữ được với sự chống-cự của nhân-dân, và bệnh dịch làm hao mòn quân-sĩ nên phải rút lui.
" Sự thất-bại ấy một phần nhờ sự từ-chối của dân Việt không cho quân Mông-Cổ mượn đường bộ đi qua. Một lần nữa, năm 1285 Hốt-Tất-Liệt lại phái một đội-quân do Thoát-Hoan chỉ-huy đi đường bộ từ Vân-Nam đổ xuống Bắc-Việt, Thoát-Hoan ( Togon ) chiếm đóng Hà-Nội, còn Toa-Đô đổ-bộ lên bờ biển Chiêm-Thành với một hạm-đội, đánh ngược từ Nghệ-An và Thanh-Hóa vào sau lưng quân Việt-Nam ở mặt Nam. Nhưng mùa hè nóng-nực buộc Thoát-Hoan phải về Vân-Nam. Toa-Đô cô-lập, bị đánh bất ngờ ở Tây-Kết và bị giết với tất cả quân-sĩ. Năm 1287 Hốt-Tất-Liệt lại sai Thoát-Hoan đánh xuống Bắc-Việt với một đội quân hùng mạnh hơn nữa. Thoát-Hoan lại chiếm đóng Hà-Nội, nhưng cũng bị quân Việt đánh bại phải chạy vội về Tầu.
" Ở Miến-Điện, quân Mông-Cổ năm 1287 chiếm Bhamo thẳng đường xuống lưu-vực Irrawaddy. Năm 1287, chúng xuôi theo giòng sông ấy xuống kinh-đô Pagan ( Bồ Cam ) cướp phá. Năm 1297 Vua Pagan xin làm chư-hầu Hốt-Tất-Liệt. Năm 1300 Mông-Cổ lại vào Miến-Điện, đặt Vua chư-hầu Thái Shan thay triều-đại Pagan. Đế-quốc Mông-Cổ bành-trướng đến Cao-Miên. Năm 1294 hai nước Xiêm và Thái : Xiêng Mai và Sukhotai đều nhận làm chư-hầu Mông-Cổ.
" Năm ( 1292 - 1293 ) Hốt-Tất-Liệt phái một đạo thủy quân từ Quảng-Đông thẳng xuống Java ( Qua-Oa ) Vua Java bấy giờ là Kediri bị quân Mông-Cổ đánh bại ở Majapahit, nhờ có nội ứng đồng-minh là Chúa Java khác Vijaya và chiếm lấy được kinh-đô Kediri. Nhưng rồi Vijaya quay lại chống quân Mông-Cổ cô-lập và đánh đuổi chúng ra khơi ".
_ ( René Grousset : " Histoire de l'Extrême-Orient ". Paris 1929, _ p. 453 - 55 ed. Paul Genthner )
Từ đây trên bán-đảo Đông-Dương (Ấn-Độ - Chi-Na ) chỉ còn hai thế-lực dân-tộc với hai tinh-thần văn-hóa khác nhau đang thi-đua trên đường Nam-Tiến, ấy là Việt-Tộc theo dọc phía Đông dãy núi Trường-Sơn, và Thái-Tộc bên phía Tây Trường-Sơn, cả hai dân-tộc sau thế-kỷ XIII đều đi xuống phương Nam, Thái-Tộc lập ra Miến-Điện, Thái-Lan và Lào, Việt-Tộc thay vào đất Chiêm-Thành, Chân-Lạp đến vịnh Xiêm-La. Một đằng chịu ảnh-hưởng nặng của truyền-thống Trung-Hoa, một đằng chịu ảnh-hưởng sâu về văn-hóa Ấn-Độ.
" Vào thế-kỷ XIV, văn-hóa tiếng Phạn ( Sanscrit ) thấy suy-sụp, Bia khắc Phạn-ngữ cuối cùng vào năm 1253 ở Chiêm-Thành, năm 1330 ở Cao-Miên, năm 1378 ở Sumatra. Trong lưu-vực sông Mékong và Ménam, di-tích Ấn-Độ-giáo và Phật-giáo Đại-thừa còn lại vào thế-kỷ XIII - XIV, nhượng chỗ cho Phật-giáo Tích-Lan cải-cách do người Môn Miến-Điện đem vào từ thế-kỷ XII và được người Thái về sau truyền-bá. Ở hải-đảo Sumatra, Hồi-giáo bắt đầu xuất-hiện từ năm 1281, mà Marco-Polo đã chứng-kiến sự hiện-diện của nó. Ở Java ( Qua-Oa ) chỉ từ thế-kỷ XV người Hồi-giáo mới đủ mạnh để dồn Ấn-độ-giáo tránh lên cao-nguyên trước khi đi xuống đảo Bali lần chót ".
_ ( G. Coedes. " Une Période Critique Dans L'Asie du Sud-Est ). Bul. Etudes Indochinoises _ t. XXXIII, n°.4 -- Saigon 1958 )
Đây là hai đại-lược cục-diện Đông-Nam-Á về văn-hóa và chính-trị trước cuộc Nam-tiến của dân-tộc Việt-Nam vào thế-kỷ XV ( 1471 ) đến thế-kỷ XVIII ( 1756 ) sau khi chiến-thắng quân Mông-Cổ, đánh đuổi quân Minh về phương Bắc.
Việc chiến-thắng quân Mông-Cổ của nhân-dân Việt-Nam thời Trần trên đất Bắc-Việt đã có ảnh-hưởng quyết-định chiều-hướng cuộc-diện tiến-hóa chính-trị và văn-hóa của Đông-Nam-Á, như sử-gia Pháp về Á-Đông là René Grousset đã sớm công-nhận. Nhưng theo sử Việt thì việc chặn đứng trọng lực quân Mông-Cổ ngay tại cửa ngõ đi xuống Đông-Nam-Á không phải là một việc dễ dàng. Đấy là cả một kỳ-tích huyền-diệu của cả một dân-tộc vào một thời-đại, nhất là của vai-trò lãnh-đạo với thiên-tài có một không hai như Đức Trần-Hưng-Đạo Vương vậy.
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử