lịch sử việt nam
Lê-Lợi Và Lê-Lai
Tượng đài Vua Lê Thái Tổ ở Hà Nội
Nguyễn Dư
...
6) Đại Việt sử ký tiền biên (1800, nhà Tây Sơn) của Ngô Thì Sĩ (gọi tắt là Tiền Biên (TB), KHXH, 1997) chép cũng không rõ ràng, dứt khoát :
"Lê Lai bèn đem quân đến thành Tây Đô khiêu chiến, tự xưng là Bình Định Vương. Giặc Minh dốc quân ra bao vây, bắt về xử cực hình. Từ đấy các nơi thuộc thành Đông Quan đều truyền tin là Bình Định Vương đã chết…".(TB, tr. 552).
Lê Lai bị giết ở Tây Đô, nhưng tin lại từ Đông Quan được truyền đi.
*
7) Việt sử tiêu án cũng của Ngô Thì Sĩ (Văn Sử, Hoa Kì, 1991, tr. 298) chép :
"Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật, không lưu ý…".
*
8) Lịch triều hiến chương loại chí (1821, đời Minh Mạng) của Phan Huy Chú (tập 1, Sử Học, 1960) sau lời án công nhận Lê Lai vì nước bỏ mình, có thêm lời chú :
(…) "Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem có ai đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt. Vua nhân dịp trốn thoát." (tr. 266).
Ở đây, Phan Huy Chú chép lại việc Kỷ Tín của Lê Quý Đôn nhưng chỉ nói Lê Lai bị bắt, như bản Lê Sát.
*
9) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1881) (gọi tắt là Cương Mục (CM), Giáo Dục, 1998), bộ sử của nhà Nguyễn lại thêm vài chi tiết mới, rõ ràng :
" Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phía Vương khốn quẫn quá ! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau ?" Trong các tướng chẳng ai đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay.
Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô ". (CM, tập 1, tr. 770).
Lê Lai biết trước là đi chết thay Lê Lợi. Hậu quả tất yếu là Lê Lai bị người Minh bắt và giết chết. Lê Lai chết ở đâu ? Cương Mục chép giống Thông Sử, chỉ cho phép suy ra là Lê Lai bị giết ở Tây Đô.
*
10) Lịch sử Việt Nam của Uỷ ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam (KHXH, 1971, tr. 244) chép:
"Quân Minh tập trung lại bao vây để bắt sống Lê Lai và tiêu diệt đội quân cảm tử. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa thoát khỏi một cơn hiểm nghèo.
Hành động xả thân vì nước của Lê Lai đã trở thành một hình tượng anh hùng không bao giờ phai mờ trong ký ức của dân tộc ta".
Đoạn trên thì Lê Lai bị bắt sống, đoạn dưới thì Lê Lai có hành động xả thân vì nước. Tuỳ người đọc muốn hiểu sao thì hiểu.
Trên đây là 10 sử liệu quan trọng của ta. Có thể kể thêm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (Trung tâm học liệu, 1949, tr. 219), Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn (Khai Trí, 1960, tr. 360) nhưng 2 bộ sử này chép tương tự sử của nhà Nguyễn.
Nhận xét đầu tiên là chuyện Lê Lai cứu chúa rõ ràng đã bị đời sau sửa đổi. Lúc Lê Lợi còn sống (1431), văn bản chỉ kể rằng Lê Lai bị quân Minh trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Hơn 200 năm sau, Phạm Phi Kiến (khoảng 1635) xướng lên rằng Lê Lai bị quân Minh gia cực hình. Hơn 300 năm sau, Lê Quý Đôn (1759) đi xa hơn một bước nữa, không những Lê Quý Đôn chép rằng Lê Lai bị quân Minh giết, ông còn ví Lê Lai với Kỷ Tín. Tiếc rằng Lê Quý Đôn đã chép Lê Lai bị giết lúc thì tại Tây Đô, lúc thì tại Đông Quan. Các sử gia đời sau thường dựa theo chuyện Kỷ Tín của nhà bác học Lê Quý Đôn để kể chuyện Lê Lai cứu chúa.
Trở lại bản Lê Sát.
Lê Lai bị quân Minh trói bắt về tâu lên vua nhà Minh nghĩa là gì ?
Toàn Thư và Tiền Biên cho biết rằng từ trước cũng như trong thời kì Khởi Nghĩa Lam Sơn, nhà Minh đã nhiều lần đưa ra chính sách chiêu dụ để dụ dỗ vua quan của nước ta ra hợp tác với chúng. Có nhiều dấu hiệu tỏ rằng quân Minh chấp hành chính sách này. Cụ thể là vua Trần Quý Khoáng, cha con Hồ Quí Ly, Nguyễn Phi Khanh, Trần Nhật Chiêu…, các tướng Nguyễn Xí, Đỗ Bí của Lê Lợi, khi bị quân Minh bắt đều được đưa về Đông Quan, trước khi bị giải sang Yên Kinh. Quân Minh chỉ giết ai chửi mắng, chống lại chúng.
Năm 1408 vua Minh xuống chiếu : " Còn nghĩ bọn thù chúng vốn là ngu dốt, hoặc bị bách vì cùng đói, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hoặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình đáng nên thương, nếu nhất khái bắt tội cả, trẫm thật không nỡ. Ngày chiếu thư này đến nơi đều tha bỏ cả…". (TT, tập 2, tr. 235).
Năm 1409, " Kinh lộ lần lượt đầu hàng, những dân còn sót lại bị bắt làm nô tỳ và chuyển bán đi tan tác bốn phương. Thượng thư Hoàng Phúc lại đặt quan chia nhậm từ Thanh Hóa trở ra bắc, người thổ nào có thể chiêu an, hoặc có công chém giết cướp bóc thì Trương Phụ đều cho làm quan ". (TB, tr. 535).
Năm 1411 : "…Trong ấy nếu có người dũng cảm người kiến thức, có thể bắt được mấy người đem nộp, cũng cho quan to tước cao; những kẻ làm ác nếu biết gột rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, không những là được khoan tha tội lỗi, lại cho làm quan nữa ". (TT, tập 2, tr. 214).
Năm 1416 : " Nhà Minh chiêu dụ các quan cũ của triều trước, giả cách bổ đi các nha môn quân làm việc, rồi đưa về Yên Kinh giữ lại. Bọn đua chen vốn không phải là quan cũ, chưa được thực giao quan chức cũng hăng hái ra, trong nước trở nên trống rỗng. Ở vài năm thấy gian khổ thỉnh thoảng họ lại trốn về ". (TB, tr. 549).
Năm 1420 : "Tam ty nước Minh kiến nghị rằng, quan lại quân dân Giao Chỉ người phạm tội vặt, từ tội chết trở xuống, xin đều cho nộp thóc để chuộc tội theo thứ bậc khác nhau, để trữ lương nơi biên giới. Vua Minh nghe theo ". (TT, tập 3, tr. 11).
Năm 1426 : "… Vậy ban ơn mưa móc, cho đều được nhuần. Phàm quan lại nhân dân ở Giao Chỉ có can tội phản nghịch, đã kết giác hay chưa kết giác (phát giác) đã kết chính hay chưa kết chính (xử đoán) kể từ ngày chiếu thư này ban ra, không kể là tội lớn hay tội nhỏ, đều tha bỏ cho cả…". (TT, tập 3, tr.22).
Cùng năm 1426 :"…Xuống chiếu đại xá cho tội nhân ở Giao Chỉ là Lê Lợi. Phan Liên hàng, cũng cho quan chức…". (TT, tập 3, tr. 335).
*
Năm 1418, thanh thế Lê Lợi chưa nổi, nghĩa quân Lam Sơn còn rất ít ỏi, chưa mạnh. Lê Lai (Lê Lợi giả) bị trói bắt về tâu lên vua nhà Minh có nghĩa là quân Minh bắt ông tại Tây Đô, sau đó chúng đưa ông về Đông Quan chiêu dụ hoặc chờ ngày giải sang Yên Kinh như chúng đã từng làm với vua Trần Quý Khoáng, với cha con Hồ Quý Ly.
Lê Quý Đôn cũng xác nhận chuyện quân Minh đưa Lê Lai về Đông Quan, nhưng theo Lê Quý Đôn thì Lê Lai bị quân Minh giết tại đây.
Bản Lê Sát không chép Lê Lai bị giết tại thành Tây Đô, cũng không chép Lê Lai bị giết tại Đông Quan. Không có chữ nào nói rằng Lê Lai bị quân Minh giết.
Bản Lê Sát còn có hai chi tiết khác chứng tỏ rằng Lê Lai không bị quân Minh giết :
- Lê Lợi chép tên hơn 40 công thần bị chết trận, trong đó có tên hai con trai của Lê Lai là Lê Lộ và Lê Lâm, nhưng không có tên Lê Lai.
- Lê Lợi lập danh sách 35 công thần tham dự cuộc khởi nghĩa được phong thưởng. Bên cạnh chức tước được phong Lê Lợi ghi cả công của mỗi người.
Ông Lê Thạch được ghi là : Người đầu tiên ghi tên vào cuộc khởi nghĩa, làm quân hỏa thủ thiết kỵ đột. Lương nghĩa hầu, vì đánh Ai Lao mà trận vong.
Ông Lê Lai được ghi là : phong làm Diên phúc hầu, nhập nội. Lộ Khả Lam, vì dịch bào thế quốc sự (vì đổi áo thay việc nước).
Lê Lợi chỉ nói là Lê Lai có công đổi áo và không nói là Lê Lai bị quân Minh giết.
Theo bản Lê Sát thì không có bằng chứng nào nói rằng Lê Lai bị quân Minh giết.
*
Toàn Thư (bộ sử của nhà Lê) không chép chuyện Lê Lai cứu chúa. Hoàng Xuân Hãn phân tích và phê bình sự thiếu sót này :
" Sau khi đọc Thông sử, ta thấy hiển nhiên rằng chuyện Lê Lai hy sinh để Lê Lợi có thể trốn tránh trong cơn quẫn bách là chuyện thật, mặc dầu Toàn Thư, theo bản ngày nay còn đã bỏ sót. Vả về đời Lê Lợi, bản Toàn Thư hiện còn chép chuyện năm thì nhiều, năm thì ít, khiến ta có thể nghĩ rằng hoặc vì tài liệu đã mất nhiều trước đời Lê Thánh Tông, hoặc sử thần cẩu thả, hoặc bản đời sau khắc lại bớt xén nhiều ". (HXH, tập 2, tr. 612).
Hoàng Xuân Hãn dựa theo Lê Quý Đôn để phê bình sử gia Ngô Sĩ Liên !
Hơn 200 năm sau Lê Lợi, Phạm Phi Kiến là người đầu tiên (theo các văn bản hiện có) chép rằng Lê Lai bị quân Minh xử cực hình tại thành Tây Đô. Chuyện thêm thắt này vừa hay vừa đẹp nên được nhiều sử gia đồng tình chép theo, nhất là từ khi nhà bác học Lê Quý Đôn ví Lê Lai với Kỷ Tín.
Trên đây là chuyện "Lê Lai cứu chúa".
*
Bây giờ xin đề cập đến chuyện " Lê Lai bị Lê Lợi giết ".
Toàn Thư không chép chuyện Lê Lai cứu chúa, ngược lại lại chép chuyện ông Lê Lai bị Lê Lợi giết:
(Năm 1427, tháng giêng, ngày 13) "Giết tư mã là Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết". (TT, tập 3, tr. 30; TS, tr. 56).
Ông Lê Lai bị Lê Lợi giết này là ai ? Toàn Thư không cho biết rõ.
Tiền Biên, Cương Mục và các bộ sử sau này chỉ chép chuyện Lê Lai cứu chúa và không chép chuyện Lê Lợi giết tư mã Lê Lai.
Thông Sử chép cả hai chuyện Lê Lai, một ông cứu Lê Lợi, bị quân Minh giết (chép theo Phạm Phi Kiến hoặc Hồ Sĩ Dương); một ông bị Lê Lợi giết (chép theo Ngô Sĩ Liên). Hai văn bản khác nhau được Lê Quý Đôn ghép lại, tạo ra lôgích có 2 ông Lê Lai khác nhau.
Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn (Khởi nghĩa Lam Sơn, KHXH, 1977, tr. 154-158) nhận định :
"Toàn Thư hoàn toàn không chép sự việc này (Lê Lai cứu chúa) và đến tháng 2 năm 1427 có chép chi tiết :" giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công ăn nói ngạo mạn" . Căn cứ vào chi tiết này có người phủ nhận việc Lê Lai hy sinh năm 1419. Thực ra không có căn cứ gì để cho rằng Lê Lai đã bị giết năm 1427 thì không thể có Lê Lai hy sinh năm 1419 vì rất có thể có hai người cùng tên họ, hay cùng tên khác họ nhưng được ban quốc tính nên thư tịch cũ chép thành cùng tên họ. Hơn nữa Lam Sơn thực lục tục biên (bản sao năm 1942) lại chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và cả việc giết Lê Lai năm 1427. Điều ấy chứng tỏ lúc bấy giờ có hai người tên là Lai ".
(Sách Lam Sơn thực lục tục biên này chép Lê Lai bị bắt đem về thành ở xã Dựng Tú).
Bị vua giết mà vẫn còn được giữ họ vua (quốc tính) sao? Xã Dựng Tú thời Lê Lợi có thành không?
Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn dựa vào Lam Sơn thực lục tục biên (bản sao năm 1942) để kết luận rằng có 2 ông Lê Lai, một ông bị giết ở Dựng Tú (?), một ông bị Lê Lợi giết? Theo Lê Quý Đôn thì có 3 ông Lê Lai: một ông bị giết ở Tây Đô, một ông bị giết ở Đông Quan và một ông bị Lê Lợi giết.
Không những thế, Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn (sđd) còn đưa ra thêm mấy tài liệu tỏ rằng có nhiều ông Lê Lai tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn :
- Nguyễn Ba Lai người huyện Đăng Cao cũng là Lê Lai.
- Nguyễn Thận ở Mục Sơn cũng có tên là Lê Lai.
- Lê Văn An ở Mục Sơn cũng có tên là Lê Lai. Đặc biệt ông Lê Lai này "đã lấy thân thay Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại ". Ông Lê Lai này không bị quân Minh giết chết.
Tính tổng cộng ít ra cũng đã có bốn hay năm ông Lê Lai theo phò Lê Lợi từ ngày đầu! Thật khác xa với lời than của Nguyễn Trãi:
"Thế mà : Nhân tài lác đác như lá mùa thu,
Tuấn kiệt lưa thưa như sao buổi sớm…"
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử