lịch sử việt nam
Bức thơ bên dưới đây do cá nhân chúng tôi trích từ Phần Tài Liệu trong Hồi Ký Kháng Chiến Hành Trình Người Đi Cứu Nước với mục đích để bạn đọc trong nước, đặc biệt là giới trẻ biết được giai đoạn đấu tranh hào hùng - dũng khí của Người Việt Hải Ngoại vì một quốc gia Việt Nam Tự Do.
Một công dân bình thường đã biết sống lương thiện thì một lãnh đạo lại càng phải biết sống nhân đức.
Phạm Hoàng Tùng.
Tổ Chức PHỤC HƯNG VIỆT NAM
___________________________________________________________
P.O Box 91601, Pasadena, CA 91109, USA
Website http://www.phvn.org - Email: phvn@phvn.org
Ngày 14 tháng 1 năm 2005
THƯ NGỎ
Kính gởi ông Phạm Văn Liễu
Tác giả cuốn "Trả Ta Sông Núi - Hồi ký tập 3"
1217 Fox Sparrow Trail
Cedar Park, TX 78613
Kính ông,
Chúng tôi đọc được Hồi ký 3 Trả Ta Sông Núi của ông vừa phát hành. Trong hồi ký nói trên ông có đề cập đến một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (TC/PHVN) với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) không được chính xác.
Cuốn sách của ông liên quan đến sự hình thành và những vấn đề sau đó của MT là một tài liệu lịch sử cho những ai nghiên cứu lịch sử đấu tranh của người Việt hải ngoại trong công cuộc xây dựng dân chủ và vãn hồi tự do cho dân tộc.
Và vì là một tài liệu lịch sử nên chúng tôi viết cho ông Thư ngỏ này, nêu ra những sự thật để lịch sử có được những dữ kiện chính xác, dành cho những người Việt quan tâm, nhất là các sử gia, và không có mục đích tranh luận gì với ông, cũng như không phải để chứng minh ông Hoàng Cơ Minh sai hay đúng ở chỗ nào.
Mỗi hoàn cảnh có thể cho mỗi người trong chúng ta có một quyết định và phán đoán khác nhau. Dù sao ông Hoàng Cơ Minh cũng đã hy sinh cho đại cuộc, và điều đó nói lên tấm lòng vì nước vì dân của ông ta. Chúng tôi cảm phục sự hy sinh đó.
Thưa ông, cuốn Hồi ký dày 544 trang của ông chứa đựng nhiều điều mà trong phạm vi một Thư ngỏ chúng tôi không thể trích dẫn từng đoạn từng câu để đối chiếu với sự thật. Nhưng bức tranh của sự việc như sau.
Sự thành hình Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam:
Sự hình thành MT mà sau này thường được cộng đồng hải ngoại gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh được ghi nhận trong tài liệu lưu trữ của TC/PHVN như sau:
MT hình thành do quyết định của 3 tổ chức: Người Việt Tự Do tại Nhật Bản, TC/PHVN và Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoại (LL/QDHN) vào một ngày tháng 6 năm 1981 tại phi trường San Francisco khi ba đại diện của ba tổ chức nói trên lên đường đi Bangkok để gặp một cựu tướng lãnh của Thái Lan.
Công tác này có được do sáng kiến của TC/NVTD. TC/NVTD là một tổ chức gồm những sinh viên từ miền Nam Việt Nam du học Nhật Bản. Năm 1975 khi miền Nam Việt Nam sụp đổ những sinh viên trẻ này thành lập TC/NVTD không chấp nhận sự quản lý của tòa đại sứ Hà Nội. Bốn thành viên sáng lập TC/NVTD gồm các ông Ngô Chí Dũng, Đỗ Thông Minh, Phạm Thanh Linh và Huỳnh Lương Thiện.
Ông Phạm Thanh Linh qua nhiều chuyến công tác giúp người tị nạn tại các trại tị nạn Thái Lan đã thiết lập được quan hệ với chính quyền Thái Lan qua ông Nguyễn Chí Trung, một người Việt định cư ở Thái Lan và có nhiều quan hệ với chính quyền Thái Lan.
Ông Nguyễn Chí Trung biết Thái Lan có nhu cầu giúp đỡ người Việt chống Cộng (thời gian đó Thái Lan rất lo ngại cho biên giới Thái Lào có thể bị các đơn vị cộng sản Việt Nam thâm nhập) và đã giới thiệu TC/NVTD liên lạc với Thái lan qua tướng hồi hưu Sutsai, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ trưởng phủ Thủ tướng Thái Lan.
Thời điểm đó là vào đầu năm 1981. Lúc đó TC/PHVN đã được thành lập (tháng 12/1978) và làm việc chặt chẽ với TC/NVTD vì trong thời gian tị nạn tại Nhật Bản (từ tháng 3/77 cho đến 10/77) hai cựu dân biểu (VNCH) Trần Văn Sơn và Trần Văn Thung (hai trong 11 thành viên sáng lập TC/PHVN) đã được TC/NVTD giúp đỡ mọi mặt.
TC/NVTD thấy cần phối hợp các đoàn thể hải ngoại cho công tác quan trọng này nên đã liên lạc với ông Trần Văn Sơn lúc đó là chủ tịch TC/PHVN yêu cầu hợp tác. TC/NVTD cho biết người Thái muốn có một cựu tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa trong phái đoàn và ủy thác cho TC/PHVN kiếm người.
Thoạt tiên TC/PHVN mời cựu đại tá Lê Khắc Lý. Đại tá Lý đã đồng ý tham dự, nhưng vài tháng sau cho biết vì vấn đề gia đình không thể tham dự vào phái đoàn được. TC/PHVN tham khảo ý kiến với TC/NVTD và đồng ý mời Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh tham dự phái đoàn. Đại tá Lý hay Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đều được mời với tính cách cá nhân.
Ông Hoàng Cơ Minh sốt sắng nhận lời và cho biết ông ta đang là một thành viên của Lực lượng Quân Dân Hải Ngoại (LL/QDHN) do trung tá Lục Phương Ninh làm chủ tịch và yêu cầu TC/PHVN không thông báo gì về công tác này với ông Lục Phương Ninh. Ông Hoàng Cơ Minh nói ông có nhiệm vụ thông báo nội bộ.
Đại diện của ba tổ chức đã đồng ý thành lập một phái đoàn 3 người gồm, ông Trần Văn Sơn (TC/PHVN- trưởng phái đoàn), ông Đỗ Thông Minh (TC/NVTD) và ông Hoàng Cơ Minh (LL/QDHN) để đi Thái Lan. Ngày đi phải hoãn nhiều lần chờ ông Hoàng Cơ Minh xin Re-entry Permit (lúc đó ông Hoàng Cơ Minh chưa có thông hành Hoa Kỳ).
Vào một ngày tháng 6 năm 1981, phái đoàn rời phi trường San Francisco đáp máy bay của hãng Singapore Airlines đi Bangkok. Ông Đỗ Thông Minh từ Nhật bay qua cùng đi. Ra tiễn tại phi trường có một mình ông Huỳnh Lương Thiện thuộc TC/NVTD.
Trong khi chờ đợi tại phi trường ông Hoàng Cơ Minh đưa ý kiến nên lấy một cái tên chung để ba người cùng đại diện (chứ chẳng lẽ - theo lời ông Hoàng Cơ Minh- chúng ta ba người đại diện cho ba tổ chức). Đến vấn đề chọn tên bàn qua bàn lại sau cùng ba vị đồng ý lấy tên tạm là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) do ông Hoàng Cơ Minh đề nghị. Chúng tôi đồng ý. Đối với TC/PHVN và TC/NVTD thì đây là một danh xưng hoàn toàn mới mẻ nẩy sinh do nhu cầu công tác.
TC/PHVN đã đề nghị một phương pháp làm việc là nếu có vấn đề gì cần giải quyết thì lấy ý kiến đa số. Trưởng phái đoàn không có ưu tiên. Ba người đại diện ba tổ chức đồng ý nguyên tắc làm việc này.
Chuyến công tác Thái Lan thành công tốt đẹp. Người Thái đồng ý để MT đưa người vào Thái Lan. Họ đề nghị việc đưa người nên tiến hành từ từ từng đợt, con số đầu tiên là 30 người. Và trước khi nhập cảnh Thái Lan cần thông báo danh sách 10 ngày trước.
Từ Thái Lan phái đoàn qua Tokyo và cùng với nhiều thành viên khác của TC/NVTD (gồm ông Ngô Chí Dũng, Huỳnh Lương Thiện, Phạm Thành Linh, Vũ Đăng Khuê) thảo luận phương thức làm việc và đã ghi nhận trên một văn bản.
Nội dung bản văn đồng ý duy trì tên MT như là một thực thể chính trị do ba tổ chức TC/PHVN, TC/NVTD và LL/QDHN thành hình để tiến hành cục đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và tự do.
MT tạm thời được lãnh đạo bởi một Hội Đồng Chỉ Đạo (HĐCĐ) gồm 6 ủy viên, mỗi tổ chức chỉ định 2 ủy viên. HĐCĐ sẽ qua Thái Lan để làm việc. Cơ cấu của MT gồm Tổng vụ Quốc nội và Tổng vụ Hải ngoại. Tổng vụ Quốc nội có nhiệm vụ lập khu chiến. Tổng vụ Hải ngoại có nhiệm vụ huy động sự yểm trợ của cộng đồng hải ngoại.
Do nhu cầu quân sự, ông Trần Văn Sơn, đại diện TC/PHVN, đề nghị cử ông Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch HĐCĐ, và TC/NVTD đồng ý. HĐCĐ sẽ làm việc theo nguyên tắc thảo luận và lấy ý kiến đa số, ủy viên HĐCĐ mỗi người một phiếu. Buổi họp cũng đồng ý sẽ không công bố bất cứ hoạt động nào của MT cho đến khi HĐCĐ ra mắt tại khu chiến. HĐCĐ sẽ được thành hình sau, chờ đợi sự bổ nhiệm của mỗi tổ chức và sẽ là cái nhân của Tổng vụ Quốc nội.
Vấn đề phải giải quyết ngay là Tổng vụ Hải ngoại. Trên đường về khi dừng chân tại Hồng Kông (khách sạn Miramar) phái đoàn họp bàn tìm người giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại. Có hai nhân vật được nêu ra. Cụ Phạm Ngọc Lũy chủ tịch hội Trường Xuân, một nhân vật khả kính trong cộng đồng người Việt hải ngoại, và cựu đại tá Phạm Văn Liễu. Sau khi cân nhắc phái đoàn đồng ý chọn đại tá Liễu, một người cứng rắn hơn, theo đề nghị của ông Hoàng Cơ Minh.
Phái đoàn cũng đồng ý TC/NVTD chọn Tổng vụ phó (TC/NVTD chỉ định ông Huỳnh Lương Thiện, nguyên ủy viên trung ương của TC/NVTD) và TC/PHVN chọn Tổng thư ký (TC/PHVN chỉ định ông Ngô Đức Diễm, nguyên ủy viên trung ương của TC/PHVN). Trở về Hoa Kỳ ông Hoàng Cơ Minh đưa ông đến thăm ông Trần Văn Sơn, chủ tịch TC/PHVN, và - theo lời của ông Hoàng Cơ Minh - để chính thức hóa chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại của ông. TC/PHVN được biết ông từ lúc đó.
Ông Trần Văn Sơn (trái) và Hoàng Cơ Minh (phải) (cùng Đỗ Thông Minh) trong chuyến đi Thái đầu tiên, thời gian 15-21/6/1981,đang nghiên cứu bản đồ đặt khu chiến.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Kháng Chiến
Hành Trình Người Đi Cứu Nước
của Phạm Hoàng Tùng.
Cá nhân PHT chúng tôi đưa hình vào bức thơ này để minh họa sự kiện.
Công tác Thái Lan:
Để chuẩn bị lên đường mỗi tổ chức cần bổ nhiệm hai ủy viên Hội đồng Chỉ đạo. LL/QDHN bổ nhiệm ông Hoàng Cơ Minh và trung tá Lê Hồng. TC/NVTD bổ nhiệm hai ông Ngô Chí Dũng và Phạm Thanh Linh, TC/PHVN bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn và ông Đỗ Hùng. TC/PHVN làm trung gian liên lạc và phối hợp hoạt động giữa ba tổ chức.
Về nhân sự công tác Thái Lan LL/QDHN chuẩn bị sớm nhất, và với sự đồng ý của HĐCĐ, anh em LL/QDHN sẽ lên đường trước để chuẩn bị cơ sở vật chất. TC/PHVN và TC/NVTD sẽ lên đường sau.
Tháng 8 năm 1981 phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng trung tá Hồng dẫn một số chừng 5 thành viên khác lên đường đi Thái Lan. Vì lên đường không kịp thông báo trước nên Thái Lan từ chối không nhận, các anh em thuộc LL/QDHN phải bay sang tạm trú tại Tokyo chờ đợi can thiệp.
Trong thời gian ở Tokyo ông Hoàng Cơ Minh nhiều lần điện thoại về yêu cầu TC/PHVN hoãn lên đường chờ cho đoàn của ông sang Thái Lan đã.
Nhờ sự can thiệp của ông Nguyễn Chí Trung bên cạnh chính phủ Thái Lan, cuối tháng 8 ông Hoàng Cơ Minh và anh em LL/QDHN rời Tokyo đi Thái Lan. Hai tuần sau ông Trần Văn Sơn và ông Đỗ Hùng cũng đến Bangkok.
Có một số công việc phải làm và một số vấn đề phải giải quyết, và cần thảo luận. Mỗi lần TC/PHVN đề nghị giải quyết bằng cách họp HĐCĐ (lúc đó có 4 người hiện diện) ông Hoàng Cơ Minh đều gạt đi cho rằng chưa có đại diện của TC/NVTD. Mỗi việc ông chỉ tham khảo ý kiến hình thức với ông Trần Văn Sơn rồi lấy quyết định. TC/PHVN có cảm tưởng ông Hoàng Cơ Minh không xem ông Lê Hồng và ông Đỗ Hùng có tư cách ủy viên HĐCĐ ngang hàng với ông.
Tháng 9 năm 1981 do sự sắp xếp của Thái Lan, HĐCĐ cùng với số anh em LL/QDHN hiện diện đi thăm nơi sẽ làm khu chiến, cách thủ đô Bangkok 570 km nằm trên biên giới Thái-Lào. Bên kia biên giới là thành phố Pakse của Lào. Tại chỗ phái đoàn đã gặp một số đơn vị người Lào (Lào quốc gia, từ Lào bỏ chạy sang Thái Lan sau khi Pathet Lào chiếm Lào năm 1975) được người Thái cho đóng rải rác dọc biên giới Thái-Lào để báo động các xâm nhập của cộng sản Việt Nam.
Trở về Bangkok, anh Phạm Thanh Linh thuộc TC/NVTD vừa sang. TC/PHVN đề nghị phân định trách nhiệm của mỗi ủy viên HĐCĐ, mặt quân sự, mặt chính trị, mặt ngoại giao, mặt tiếp vận và làm việc theo nguyên tắc đã đồng ý tại Tokyo.
Nhưng ông Hoàng Cơ Minh cho rằng chưa cần phân nhiệm vì chưa có công việc gì quan trọng, và tình trạng ở khu chiến không thích hợp với lề lối sinh hoạt dân chủ (nghĩa là bàn thảo và biểu quyết). Đến đây TC/PHVN cảm thấy có dấu hiệu bất thường, nhưng vẫn tiếp tục làm việc với ông Hoàng Cơ Minh.
Quyết định rút ra khỏi MT:
Sự việc làm tràn ly nước là đại diện của TC/PHVN trong HĐCĐ nhận được báo cáo từ miền Nam California rằng báo chí tại đó đăng tải tin MT do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo đã thành lập khu chiến, khu chiến lúc này chưa được thành lập (vì chưa có người), và sự việc này trái với nguyên tắc "chỉ công bố sự hiện hữu của MT tại buổi lễ ra mắt".
Ông Trần Văn Sơn chất vấn ông Hoàng Cơ Minh về việc tiết lộ tin tức không chính xác cho báo chí thì ông Hoàng Cơ Minh nói cần tung tin để động viên tinh thần đồng bào hải ngoại và tạo điều kiện cho Tổng vụ Hải ngoại gây dựng cơ sở.
Đến đây TC/PHVN nhận định rằng, từ lúc đầu các giao ước căn bản giữa ba tổ chức sáng lập đã không được tôn trọng, thì nhìn xa, cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ không thể thành công, và nếu thành công thì đất nước cũng sẽ rơi vào một thứ độc tài khác, nên trong Đại Hội III của TC/PHVN cuối năm 1981 sau khi nghe hai ông Trần Văn Sơn và Đỗ Hùng vừa từ Thái Lan trở về dự đại hội) tường trình, Đại hội đã biểu quyết rút ra khỏi MT.
Đại hội cũng biểu quyết chỉ thông báo quyết định rút lui cho ông Hoàng Cơ Minh và TC/NVTD và không công bố bất cứ điều gì với báo chí vào thời điểm đó để giữ vững tinh thần đấu tranh của cộng đồng hải ngoại.
Đây là quyết định khó khăn nhất của TC/PHVN, bởi lẽ, với vai trò của một thành viên sáng lập, sự rút lui của TC/PHVN khỏi Mặt Trận có thể tạo dư luận không mấy thuận lợi cho nỗ lực đoàn kết đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản.
Sau đại hội III TC/PHVN thông báo ông Hoàng Cơ Minh quyết định rút lui. Ông Hoàng Cơ Minh không thắc mắc gì. Khó khăn nhất là thông báo cho TC/NVTD, vì rút lui là TC/PHVN đã phụ lòng ủy thác của TC/NVTD.
Tuy nhiên TC/PHVN chỉ thông báo rút lui và không khuyến khích TC/NVTD cùng rút. Nhưng khi TC/NVTD cho biết sẽ giải thể để gia nhập vào MT, TC/PHVN mới góp ý nên duy trì TC/NVTD để nếu công tác MT không mang lại kết quả thì anh em vẫn còn một cơ sở để tiếp tục cục đấu tranh.
Anh em TC/NVTD vẫn quyết định giải thể, và ngưng ấn hành tờ Người Việt Tự Do (phát hành tại Tokyo) rất được yêu chuộng vào thời điểm đó để dồn nỗ lực làm tờ Kháng Chiến, một cơ sở thông tin và vận dụng quần chúng của MT.
Sau này khi MT phân thành hai vì bất hòa nội bộ, ông Đỗ Thông Minh và ông Huỳnh Lương Thiện rút ra khỏi MT, một số anh em khác vẫn tiếp tục sinh hoạt với MT, trong đó có ông Ngô Chí Dũng, một Ủy viên của Hội đồng Chỉ đạọ Ông Ngô Chí Dũng sau này qua Thái Lan làm việc với ông Hoàng Cơ Minh và biệt tăm. MT chưa bao giờ giải thích sự biệt tăm của ông Ngô Chí Dũng.
Kính thưa ông,
Trong 24 năm qua TC/PHVN đã tự chế trong việc tiết lộ những điều trên. Hôm nay chúng tôi viết Thư ngỏ này gởi đến ông, và như đã thưa với ông, TC/PHVN không có mục đích gì khác hơn là làm sáng tỏ một số sự kiện lịch sử. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của ông cũng như vẫn hằng tôn trọng các tổ chức đấu tranh đứng đắn khác.
Trân trọng kính chào ông
TM Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam,
Ngô Đức Diễm
Phát Ngôn Nhân.
Cá nhân Phạm Hoàng Tùng chúng tôi trích mục bên dưới này trong Phần Tài Liệu của Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước để bạn đọc trong nước được rõ:
Việc Yểm Trợ Kháng Chiến Ở Hải Ngoại
Đã nói tới hoạt động kháng chiến ở tiền tuyến, không thể không nói tới hoạt động yểm trợ tại hậu phương rộng lớn, khi đó là khoảng 1,5 triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới.(Một số hình ảnh bên dưới được trích từ bộ “Hồi Ký Một Đời Người” của cụ Phạm Ngọc Lũy).
Sự dấn thân lên đường của cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã được dư luận loan truyền, nhưng phải đợi đến khi Mặt Trận công bố Cương Lĩnh Chính trị ngày 8/3/1982 tại khu chiến thì mọi người mới biết rõ.
Sự dấn thân lên đường của cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và nhiều chiến hữu đã làm nức lòng người Việt lưu vong, ngày ngày trông vời cố quốc. Đó là động lực chính đã thúc đẩy cao trào đấu tranh ở hải ngoại.
Tổ Chức Người Việt Tự Do đã giải tán để thành lập MT, nên tất cả thành viên của tổ chức đều gia nhập Mặt Trận. Cơ sở thực hiện nguyệt san Người Việt Tự Do của tổ chức tại San Jose, Cali, Mỹ đã đổi thành cơ sở thực hiện nguyệt san Kháng Chiến là cơ quan Tuyên Vận của MT do anh Đỗ Thông Minh làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút. Báo Kháng Chiến khổ tabloid (1/2 nhật báo), phát hành mỗi kỳ hơn 10.000 tờ.
Tin tức loan ra đã làm nức lòng người Việt khắp năm châu và Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến bao gồm khoảng 100 Ủy Ban đã được thành lập khắp nơi để yểm trợ cho hoạt động kháng chiến. Ngay đến các trại tỵ nạn tại Thái, Hồng Kông, Nhật Bản… cũng có Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến. Rất đông đồng bào tỵ nạn tại Nhật tự nguyện đóng góp mỗi tháng một ngày lương cho kháng chiến.
Ở Mỹ có chiến dịch mua gạo ăn từ Ủy Ban Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến thay vì mua gạo ngoài. Các nhà lãnh đạo tôn giáo như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành… cũng tham gia ủng hộ.
Đại Hội Đồng Tâm ở San Jose, ngày 4/6/1983 với khoảng 3.000 người dự.
Đặc biệt nữ tài tử Kiều Chinh, ông Lữ Liên và Vũ Huyến là những người tích cực điều động, phối hợp với tòa báo Kháng Chiến để tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ ở các nơi. Đông đảo nghệ sĩ như Mai Thảo, Minh Đức Hoài Trinh, ban AVT (Lữ Liên, Vũ Huyến, Tường Duy), Trần Văn Trạch, Phạm Đình Chương, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, Hoàng Oanh, Minh Hiếu, Nguyệt Ánh, Việt Dũng, Dũng Thanh Lâm, Ngọc Phu, Trường Hải, Jo Marcel, Ngọc Minh, Trúc Mai, Kim Anh, Diễm Chi, Nhật Minh, Xuân Sơn, Vi Vân, Lê Nguyễn, Julie Quang, Châu Đình An, Quang Minh, Viễn Du… rồi Tam ca Thép Súng, ban Phương Nam, Ban The Sound, ban vũ Long Hoa, ban kịch Quốc Vũ… và nhiều nhiều nữa ở khắp nơi trên thế giới không kể ra hết được, mọi người đã tích cực tham gia yểm trợ kháng chiến.
Từ sau khi công bố Cương Lĩnh Mặt Trận ngày 8/3/1982, ở hải ngoại, phong trào yểm trợ kháng chiến bùng lên khắp nơi. Mọi hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho kháng chiến quân đều do sự đóng góp của người Việt ở hải ngoại. Tổng số tiền quyên góp ước khoảng 10 triệu Mỹ kim?
Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đáp lễ cùng đồng bào ngoài hội trường Garden Grove, 16/4/1983.
Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh cùng kháng chiến quân từ khu chiến về dự Đại Hội Chính Nghĩa trong 3 ngày 28-30/4/1983 tại Wa DC.
Cao điểm nhất của hoạt động yểm trợ kháng chiến được đánh dấu bằng Đại Hội Chính Nghĩa tổ chức trong 3 ngày 28-30/4/1983 tại Wa DC, thủ đô Hoa Kỳ.
Tại Đại Hội Chính Nghĩa, cụ Phạm Ngọc Lũy,Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến kết tụ 5 ngọn nến tượng trưng cho người Việt ở khắp 5 châu.
Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến có nơi như San Jose (Bắc Cali) lên tới khoảng hơn 200 người, Nam Cali khoảng 120 người, Houston khoảng 80 người... Tính ra cũng có hàng mấy chục Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến ở các nơi. Họ cất cao tiếng hát ca ngợi cuộc đấu tranh và kêu gọi mọi người yểm trợ và đồng hương cũng đã nức lòng hưởng ứng. Không tháng nào mà không có những buổi văn nghệ yểm trợ kháng chiến, có tháng 3, 4 nơi cùng tổ chức.
Cuối năm 1984, khi hay tin Mặt Trận đổ vỡ ở thượng tầng, biết bao người già trẻ đã phải khóc uất nghẹn, biết bao người tức giận cùng cực vì cảm thấy bị phản bội. Biết bao cụ già đứng đầu các Ủy Ban Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến cũng cảm thấy tủi hổ vì không biết trả lời sao với đồng bào!?
Từ trái qua phải: Các ông Phạm Văn Liễu, Nguyễn Cao Kỳ…trong một sinh hoạt yểm trợ kháng chiến tại Nam Cali.
Do những tranh chấp nội bộ này mà khí thế đấu tranh xuống dần, MT đã lập tổ chức yểm trợ khác gọi là Quỹ Tiếp Vận Kháng Chiến, mức đóng góp giảm đáng kể, từ đầu thập niên 90 coi như MT không còn quyên góp công khai từ đồng bào nữa.
Trích từ: Việc Yểm Trợ Kháng Chiến Ở Hải Ngoại.
NIÊN BIỂU MẶT TRẬN
Phần bên dưới đây do cá nhân Phạm Hoàng Tùng chúng tôi trích từ tài liệu NIÊN BIỂU MẶT TRẬN QUỐC GIA THỐNG NHẤT GIẢI PHÓNG VIỆT NAM - VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG do cựu sáng lập viên MT, ông Đỗ Thông Minh biên soạn, và đã được đăng trong phần đầu của Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước:
…
- 6/10/1982, Bác Sĩ Hoàng Cơ Trường (em út ông Hoàng Cơ Minh, nguyên là Bác Sĩ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Ủy Viên Trung Ương Tổng Vụ Hải Ngoại, sáng lập và tổ chức các Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến ở Nam - Bắc Cali, giai đoạn đầu quy tụ khoảng 200 đoàn viên…) bị ung thư gan và đã mất tại Fresno, trung bộ Cali, lúc mới 42 tuổi. Đoàn viên Mặt Trận ở hải ngoại mặc đồng phục áo nâu, quần vàng là theo mẫu đề nghị của Bác Sĩ Hoàng Cơ Trường. Khi đưa đám ông Hoàng Cơ Trường, Đỗ Thông Minh là một trong sáu người khiêng quan tài.
- 1/4/1982, cơ sở nguyệt san Người Việt Tự Do tại San Jose, Cali, Mỹ biến thành cơ sở Mặt Trận, bắt đầu phát hành nguyệt san Kháng Chiến, mỗi kỳ hơn 10.000 tờ, do Đỗ Thông Minh làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, đồng thời phụ trách cả tờ Đông Tiến số 1, phát hành ngày 1/11/1982, là nội san của Vụ Nghiên Huấn.
Phạm-Hoàng-Tùng @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử