lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (07-09-2009) - Chuyên-mục Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam được thành lập nhằm vinh-danh những anh-hùng, anh-thư đã dầy ân đức đối với đất nước và dân-tộc Việt-Nam qua nhiều thời đại.
***
Chiến Trường Bình-Định Và Mãnh Sư Nguyễn-Mạnh-Tường
Mãnh sư Nguyễn-Mạnh-Tường
...
Trung úy Khuynh gỡ chiếc “xà cột”trên vai xác tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng. Mọi ý đồ của địch được ghi chép trong tài liệu bắt được cho thấy trận đánh này chỉ là bước khởi đầu cho một trận tấn công toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định. Ý đồ của chúng bị bẻ gẫy, bị đập tan ngay từ bước khởi đầu. Cùng lúc, những tên còn sống sót của Trung đoàn 2 Sư Đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng tháo chạy, Chi khu Phù Cát tổ chức cuộc hành quân trực thăng vận khẩn cấp với 2 Trung đội Nghĩa Quân đổ xuống mục tiêu đã được dự trù, tịch thu được 1 khẩu súng “bắn hỏa tiển” loại mới với những trái đạn khổng lồ còn lăn lóc (đây là một loại vũ khí mới nhất của Trung Cộng, súng dùng để bắn hỏa tiễn với máy nhắm hiện đại. Máy nhắm này phía Hoa Kỳ đã xin mượn để nghiên cứu, vì đây là loại súng bắn hỏa tiễn tối tân nhất của Trung cộng, bị tịch thu ở chiến trường miền Nam, với mức độ chính xác gấp nhiều lần so với dàn phóng hỏa tiễn có từ trước).
Ngoài ra còn tịch thu được:
- 1 súng cối 120 ly
- 4 đại bác 82 ly
- 1 đại bác 122 ly
Số lượng vũ khí cộng đồng, cá nhân và xác địch quân bỏ lại trên chiến địa không đếm xuể, hầu như toàn bộ lực lượng địch tham chiến bị tiêu diệt gần hết. Một điều kỳ diệu là thiệt hại của lực lượng bạn không đáng kể, ngoại trừ trung đội Nghĩa quân của chi khu Bình Khê trú đóng trên đồi 151 đã hy sinh lúc khởi đầu trận đánh.
Sau chiến thắng, Chuẩn tướng Cẩm, Tư lệnh phó Quân đoàn 2, đề nghị Tướng Toàn phạt Trung tá Nguyễn Mạnh Tường 30 ngày trọng cấm với lý do đã điều động và xử dụng chi đoàn Thiết giáp khi chưa được “ông-tướng-rong-chơi” này cho phép(!!!), trong khi 2 Trung tá Không quân thuộc căn cứ 60/KQ/CT được vinh thăng Đại tá tại mặt trận, một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ được thăng cấp rất hạn chế… Điều bất công ấy đã khiến cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền và toàn thể Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh sĩ tham chiến kinh ngạc và phẫn nộ. Ngay cả đến Trung tướng Tư lệnh Không Quân Nguyễn văn Minh cũng tức giận. Trung tướng Minh ra thăm căn cứ K/Q Chiến thuật, cho tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng. Tướng Minh đã ca ngợi và giới thiệu Trung tá Tường với thuộc cấp như vị “ân nhân” của binh chủng Không quân, lệnh cho binh chủng luôn ghi nhớ công sức của người đã cứu nguy và mang lại chiến thắng cho binh chủng, và sẽ luôn phải ưu tiên thỏa mãn cho Tr/tá Tường những nhu cầu công cũng như tư. Đại tá Tuyền từ đó đã dồn mọi ưu tiên không yểm cho Trung tá Tường trong các yêu cầu tại chiến trường.
Cũng vì thế, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB đã kiện về Bộ Tổng tham mưu về sự ưu tiên nầy. Bộ Tổng tham mưu đã phái một Đại tá ra điều tra sự kiện thưa gởi ấy. Đại tá Tuyền đã trả lời một cách minh bạch:
- “Điều ấy dễ hiểu, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã giúp chúng tôi một cách tận lực trong lúc nguy nan, cấp cứu và giải thoát cho những phi đoàn của chúng tôi lúc bị bắn hạ một cách mau chóng. Trong khi ấy, Sư đoàn đã không làm gì trước những yêu cầu như thế. Do đó, chúng tôi phải tận lực yểm trợ cho Trung tá Tường là điều đương nhiên!”
Người chỉ huy và mang lại chiến thắng trong trận Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, bị đối xử như thế, đã khiến Trung tướng Minh bất bình và không thể im lặng, do đó, trong một cuộc họp các tướng lãnh tại Sài gòn, có mặt Đại tướng Trần thiện Khiêm, đương kim Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Minh đã nêu lên thắc mắc này. Đại tướmg Khiêm đã hỏi Đại tướng Cao văn Viên về sự kiện ấy, ông Viên trình bày là “đã hết cấp số!”. Đại tướng Khiêm lệnh mang hồ sơ của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường cho ông đích thân cứu xét, và ngay tức khắc Thủ tướng Đại tướng Trần Thiện Khiêm đã ký nghị định thăng cấp Đại tá thực thụ cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ngay sau cuộc họp. Đó là vào khoảng tháng 8/1974.
Sau khi được thăng Đại tá, một tưởng thưởng muộn màng, Đại tá Tường được thuyên chuyển về làm Phụ tá Hành quân cho tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5BB. Kể từ ngày ấy, tôi không gặp lại Đại tá Tường, mãi cho đến cuối năm 1977 mới gặp lại ông tại Hoàng Liên Sơn trong một lần đi vác nứa. Tôi đã đứng nghiêm kính cẩn chào ông bằng lễ nghi quân cách với những dòng nước mắt nghẹn ngào. Ông vẫn bình thản như ngày xưa, vẫn đôi mắt và nụ cười thuở trước. Dường như sự đày đọa trong tù ngục không ảnh hưởng gì đến ông. Người chiến binh già ấy đã từng làm cho tôi kính trọng thuở nào, càng làm cho tôi kính yêu hơn nữa trong cung cách thản nhiên chịu đựng sự nhục mạ, sự đọa đày hèn hạ trong chốn lao tù.
Bẳng đi bảy năm sau đó, 1984, tôi được gặp lại ông tại Z30A Xuân Lộc, ông sống âm thầm trong cuộc sống đày ải như một bậc chân tu. Ông dạy tôi về Thiền, về khí công, về cách điều tức “sâu-dài-êm-đềm-chậm”. Thì ra chính Thiền công đã khiến ông vượt qua được tất cả, kể cả mọi bệnh tật cũng không xâm nhập được vào cơ thể người chiến binh năm xưa. Thỉnh thoảng ông mới được thăm nuôi, cuộc sống cực kỳ đạm bạc, thế mà ông vẫn chia xẻ những món quà khiêm tốn, ít ỏi cho những anh em đồng tù bất hạnh, không kể thân sơ, chỉ giữ lại cho mình những hủ tương mặn chát. Trong tù, tôi được nghe nhiều người nhắc đến ông trong thời gian ông về làm Phụ tá hành quân Sư đoàn 5, kể lại cuộc rút quân thần kỳ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, cùng những đức tính cao quý, không chỉ những sỹ quan thuộc Sư đoàn 5 mà còn rất nhiều người đã sống bên ông trong quãng đời tù đày.
Mãi đến năm 1992, tôi mới gặp lại ông tại Sài gòn. Ông sống một mình trong một con hẻm đường Công Lý. Ngày từng ngày, ông đi chữa bệnh cho những ai cần đến ông. Ông không nhận bất cứ thù lao nào từ những bệnh nhân được ông chữa khỏi. Những lúc rảnh rỗi, ông lên gác chuông chùa Vĩnh nghiêm đọc kinh Phật.
Năm 1993, tôi bị CSVN bắt lại với án tù 12 năm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, may mắn được Quốc tế can thiệp và được ra khỏi tù cuối năm 1998.
Đầu năm 1999, tôi sang Mỹ theo diện H.O được chiếu cố vì quá muộn màng. Và vui mừng xiết bao vì lại được gặp lại ông. Nhân lời yêu cầu của nhóm nhà văn quân đội chủ trương thực hiện tập “Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử”, tôi xin phép ông cho phép tôi được viết lại một cách khiêm tốn quãng thời gian ông đã tham dự và chỉ huy các trận đánh ở chiến trường gian khổ Bình Định, cùng những chiến thắng lẫy lừng của các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa Quân âm thầm mà ông chính là người đã, với tài trí và đức độ của mình, đưa đến những chiến thắng thần kỳ trong sự hạn chế và gìn giữ tối đa sinh mạng và tài sản của dân lành vô tội. Ông đã từ chối rất nhiều lần với ý muốn thành khẩn của tôi, khi tôi muốn đưa một tài năng chỉ huy của quân lực vào Quân sử, với lý do là ông đã quên hết trong thế giới của Thiền đạo. Và cũng bởi vì, với kết cuộc thảm khốc của sinh mạng QLVNCH trong tháng Tư đen tối 1975, thì mọi chiến công đã trở thành tận cùng đau đớn, có nhắc lại chỉ thêm đắng cay, mà mỗi người trong chúng ta chỉ nên âm thầm trong sám hối bỡi những hành vi đã có, đóng góp một phần trong cuộc bại trận này.
Theo ông, có 3 đại họa trong thiên hạ là:
1/ Công ít mà bỗng lộc nhiều
2/ Tài mọn mà địa vị cao
3/ Chí nhỏ mà mưu việc lớn.
Tôi hoàn toàn thẩm thấu được nổi đau lòng ấy, nhưng tôi thưa với ông là “VNCH của chúng ta bị bức tử vì nhiều mặt. Tuy nhiên, các chiến-sỹ QLVNCH đã chiến đấu vô cùng anh dũng, biết bao người đã nằm xuống, đã đổ máu xương cho một Việt Nam Tự do, và giờ nầy các chiến binh vô danh cả triệu người đang sống trong tối tăm, trong đọa đày tủi nhục, trong đau đớn ê chề… Vậy thì hãy cất tiếng nói, HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ CHO CÁC CHIẾN BINH ÂM THẦM kia, trả lại cho lịch sử mai hậu về một VNCH và một QLVNCH đã có những đứa con xứng đáng trong bất khuất, anh dũng trong hy sinh, vinh hiển trong máu xương oan khuất. Việc nhắc đến, vinh danh những chiến binh đã chiến đấu, đã nằm xuống như dòng nước mát, như nén hương thơm cho Quê Hương Việt Nam thống khổ. Và sau cùng, vì những điều tôi vừa trình bày. Cuối cùng, ông đã đồng ý cho tôi viết những dòng trả lại vinh quang cho những người lính miền Nam.
© Trần Thúc Vũ
Thư-viện bồ-đề online @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử