lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Weblinks:
Thiền Trúc Lâm Và Tín Ngưỡng Tôn Giáo
ĐINH QUANG MỸ
Tác phẩm Bồ-đà-lạc-già sơn truyện, do Thích Hi Minh viết dưới đời Nguyên, ghi các hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm theo các kinh điển Đại thừa như sau:
Kinh Pháp hoa (Phẩm Phổ môn): “Nếu có chúng sanh chịu các khổ não, chuyên một lòng xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, tức thì được giải thoát. Nếu gặp phải nước lửa, sấm chớp, rồng rắn, thú dữ,…trong mọi tai nạn, ngài thường mang lại sự vô úy cho người niệm danh hiệu ngài; làm nơi nương tựa yên ổn; hiện 32 thân tùy loại thuyết pháp…”
Kinh Đại bi tâm tổng trì: “Nếu có ai trì tụng chú Đại bi, tức diệt trăm nghìn ức kiếp trọng tội sinh tử, không đọa ác thú, khi mệnh chung, mười phương chư Phật đều đến đưa tay rước về Tịnh độ…”
Trong Mật thừa, Bồ Tát Quán Tự Tại, tức Quán Thế Âm, làm bộ chủ Liên hoa bộ. Ngài hiện các thần bí. Hiện làm phẫn nộ, thì ngài là Mã Thủ Minh Vương. Hiện cứu độ, ngài là Thánh Đa-la Tôn giả. Hiện thân viên mãn các hạnh nguyện: Đại Chuẩn-đề tôn, và Như ý Luân vương, Bất Không Quyền Sách, cho đến Sư Tử Hống… Bạch Y, Diệp y, Nghìn đầu, nghìn tay…
Ba sự kiện trên cho thấy ba môi trường, hay ba hình thức xuất hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm trong lịch sử Phật giáo. Ngài xuất hiện trong kinh Pháp hoa, đây là giai đoạn mà Đại thừa đang nỗ lực thiết lập căn cơ, thì Quán Thế Âm hiện thân như là lý tưởng của Bồ tát đạo. Có thể nói đây là một trong những hình ảnh sớm nhất của ngài. Cho đến khi, Đại thừa thịnh hành như một phong trào tôn giáo, ngài nghiễm nhiên khoác hình ảnh thần linh với năng lực siêu phàm.
Nói một cách vắn tắt, mức độ sùng bái thịnh hành về Bồ Tát Quán Thế Âm chính là mức độ phát triển của Đại thừa về mặt tôn giáo. Do đó, có thể nói rằng, hình ảnh của ngài là phản ảnh trung thực nhất cho tin tưởng của quần chúng Phật tử đối với khả năng cứu tế xã hội của Phật giáo.
Riêng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta có thể tạm thời phân chia ba giai đoạn khác nhau về tín ngưỡng Quán Thế Âm.
Giai đoạn thứ nhất, trước thời nhà Lý, Phật giáo chưa pha trộn với các tín ngưỡng khác như Khổng và Lão, và phạm vi hoạt động của Phật giáo phần lớn chỉ giới hạn trong quần chúng, do đó, ngài hoàn toàn là một vị thần linh của Phật giáo, có uy lực thay thế cho các thần linh khác, như trong trường hợp Thiền sư Ma Ha đã kể ở trên.
Giai đoạn thứ hai, dưới thời nhà Lý, khi Thiền tông phát triển thêm về mặt văn học, Bồ tát Quán Thế Âm vẫn xuất hiện như thuần túy là đối tượng sùng tín tôn giáo. Nhưng do sự phát triển văn học này, ngài đã dần dần được khoác màu sắc triết lý, cho đến thời hậu Lê thì ngài nghiễm nhiên là bản thể của vũ trụ, như trường hợp ĐCVGT.
Từ hậu Lê về sau, Phật giáo pha trộn với Khổng giáo, bấy giờ Quán Thế Âm như một con người trần tục, nhưng đức hạnh siêu phàm, và chính ở chỗ đó ngài sắm vai trò hướng dẫn mọi sinh hoạt dân chúng. Nghĩa là, ngài vừa như một thần linh hỗ trợ dân chúng trong những bước đường nguy nan, nhưng cũng như hiện thân của đạo đức sáng ngời mà người ta phải noi theo. Đó là hình ảnh vừa trần tục vừa siêu phàm của Bồ tát Quán Thế Âm trong chuyện Nôm về Quan Âm Thị Kính.
Đặc biệt nhất, chúng ta nên để ý đến một tác phẩm khá quan trọng, gần như cốt yếu trong tín ngưỡng Quán thế Âm, đó là kinh Cao Vương Quan Thế Âm.
Kinh Cao Vương thực ra là một bản kinh ngụy tạo, hình như xuất hiện trong khoảng nhà Đường. Tại Việt Nam, cho đến triều Nguyễn, người ta mới thấy sự truyền tụng thịnh hành của nó, song song với kinh Quan Thánh đế quân. Cả hai đều được diễn Nôm.
Dưới đây trích dẫn một vài đoạn diễn Nôm của kinh Cao vương để khảo sát về sự biến thái của tín ngưỡng Quán Thế Âm trong lịch sử Phật giáo Việt nam.
Giải thích về một câu thần chú, mệnh danh "Án Thổ Địa Chân ngôn", bản Nôm nói: "Tam-mãn-đa nghĩa là lấy dương của trời là một, và số âm của đất là hai. Gồm hai ấy mà sắp chồng lại thời thành ra số chữ Tam. Tam ấy tức là chính đạo tam tài Trời, Đất, Người vậy. Đây mà nói Tam-mãn-đa là cái khí trời đất người đều quanh khắp không khi nào thôi, rộng lớn không hay xen lộn vậy."
Tam-mãn-đa, phiên âm từ tiếng Phạn "Samanta" có nghĩa là phổ biến. Lối giải thích vừa thấy chứng tỏ kiến thức Phật giáo phổ thông trong tín ngưỡng bình dân. Điểm đặc biệt cần ghi nhận ở đây là Khổng giáo, hay Nho học, trở thành vai trò lý giải cho Phật giáo. Tín ngưỡng Quán Thế Âm cũng được thể hiện trong chiều hướng này. Như thế, ngài đã có vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức thường nhật của đại chúng.
Chữ "Án", phiên âm tiếng Phạn "OM", được giải thích như sau: "ÁN nghĩa là chấp hai tay chính trước ngực để cho chánh cái lòng vậy. Như trên nói trọn vẹn cái đạo làm người ấy, thời ở đâu chắc là phải chấp hai tay chính trước ngực mà nghĩ cho thấu đáo."
Về chữ "bồ tát", phiên âm tiếng Phạn "Bodhisattva" được giải thích: "Nghĩa là chữ bồ là “khắp.” Tát là “giúp” vậy. Nói đức Quán Thế Âm ngài thần thông rộng lớn hay lặng lẽ xem xét trong cõi thế giới, liền theo tiếng cầu nguyện mà đến cứu khổ, khắp giúp những chúng sanh vậy."
Những giải thích trên đây có thể nói là cưỡng ép một cách ngây thơ. Sự kiện thấy rõ là tín ngưỡng khoác màu sắc quan hệ xã hội. Điểm này hết sức quan trọng. Vì là một tín ngưỡng tôn giáo mà không đặt quan hệ giữa người với thực tại tối cao, nhưng lại đặt giữa người với người.
Trên phương diện lịch sử, ba trường hợp về sự xuất hiện của Quán Thế Âm vừa kể cung cấp cho chúng ta một ít dữ kiện tôn giáo và xã hội như sau. Trước hết, tín ngưỡng đó liên hệ mật thiết với các hoạt động chính trị và xã hội của các Thiền sư trước thời Lý. Phật giáo bấy giờ có lẽ được tin tưởng như có năng lực phi phàm chống lại mọi bất công áp bức. Trong thời Lý, tín ngưỡng trở thành một hiện tượng xã hội, trong đó người ta thấy chỉ có sự quan hệ giữa người và năng lực thiên nhiên. Đó là những năng lực mù quáng, không hoạt động theo tiêu chuẩn đạo đức; mà hoạt động theo thị dục của người sở hữu nó, như trường hợp Không Lộ hay Từ Đạo Hạnh và Giác Hải. Thứ ba, tôn giáo chỉ còn là mối quan hệ thiêng liêng giữa người và người, vì đây là giai đoạn mà Phật giáo và Khổng giáo song song ảnh hưởng đời sống thường nhật quần chúng. Khổng giáo tạo cho tín ngưỡng Quán Thế Âm mang tính cách xã hội. Phật giáo khoác cho tín ngưỡng sắc thái thần bí.
Trên đây chúng ta đã trình bày đại cương về yếu tố lịch sử trong tín ngưỡng Quán Thế Âm. Tức nói đến những biến chuyển lịch sử trong xã hội Việt Nam. qua các thời đại, đã thay đổi sắc thái của nền tín ngưỡng đó như thế nào. Cuối cùng, chúng ta thấy vai trò xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong đó, mà chúng ta không thể không nói đến.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng Phật giáo đầu tiên được truyền vào Việt Nam bằng ngã đường thủy. Đó là ngã đường giao thông thương mãi giữa Trung hoa và Ấn độ.
Đằng khác, văn học Phật giáo Trung Hoa hiện còn cho chúng ta biết các hoạt động văn học đầu tiên của Khang Tăng Hội phần lớn là những dịch phẩm về hai bộ loại văn học bình dân của Phật giáo. Đó là văn học Jataka, Bản sinh truyện, và văn học Āvadāna, Bản duyên hay Thí dụ.13 Hai bộ loại này gồm những mẫu chuyện cổ tích được truyền tụng giữa nhân gian. Tất nhiên chúng được lưu truyền tại Giao châu dưới thời Khang Tăng Hội qua cửa miệng của các thương gia Ấn độ. Vậy, hoạt động thương mãi, một ngành trong các hoạt động xã hội, là môi giới đầu tiên để Phật giáo được truyền đến Việt Nam.
Cho đến thế kỷ thứ X, các Thiền sư đã có những hoạt động chính trị cụ thể14 . Từ đó cho đến đời Trần, thì vai trò chính trị và xã hội càng là vai trò chính yếu của các hoạt động Phật giáo.
Như thế, theo đà lịch sử, chúng ta thấy yếu tố xã hội như là tâm điểm cho tất cả sự diễn tiến của Phật giáo Việt Nam. Tín ngưỡng Quán Thế Âm không ở ngoài lệ đó.
Khi xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo, tư tưởng hiếu đạo như là tiêu chuẩn cho giá trị tôn giáo. Từ tư tưởng đó, truyện Nôm về cuộc đời Việt hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm đã quan niệm khởi điểm tu hành của Ngài từ chữ hiếu mà đi:
Chân như đạo Phật rất màu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thần
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài
Tinh thông nghìn mắt nghìn tai
Cũng trong một điểm linh đài mà ra15
Một đoạn khác trong Quán Âm Thị Kính cũng cho thấy ý nghĩa tương tợ:
Có khi dốc chí tu hành
Lánh mình trần tục nương mình thiền môn
Độ trì nhờ đức Thế Tôn
Dỡ dang thuở trước vuông tròn mai sau
Nghiêm từ hưởng phúc về lâu
Họa đền nghĩa nặng ơn sâu cho bằng
Thượng thừa là Phật là Tăng
Xích thằng đã ải kim thằng hẳn giai.
Bấy nhiêu câu thơ đó đã mô tả trọn vẹn các sắc thái đặc biệt của tín ngưỡng Quán Thế Âm. Theo ý nghĩa đó, bản thể của đạo được biểu lộ nơi tâm niệm Hiếu. Vì quan niệm nhân sinh trước hết phải bắt đầu từ tự thể. Thành tựu tự thể, là thành tựu hiếu đạo. Sau đó, từ chỗ thành tựu của tự thể, ngài thể hiện mối tương quan sâu rộng hơn, vì là tác dụng bao la và phổ biến của đạo. Tác dụng đó là Nhân, đặt trên quan hệ xã hội. Trong các quan hệ như vậy, Bồ tát Quán Thế Âm có hai vai trò rõ rệt. Vai trò thứ nhất, ngài như một thần linh làm đối tượng sùng tín cho quần chúng cầu nguyện, họ muốn được bảo vệ trước tất cả những bất trắc của đời sống thường nhật. Vai trò đó đặt ra quan hệ giữa con người bình thường với một thực thể siêu nhiên. Đó là tôn giáo trong sắc thái thần bí của nó. Không có sắc thái này, tôn giáo sẽ không giải quyết nổi những bí ẩn của đời sống. Tức là, giữa người sống và người chết không còn môi giới trung gian, và con người không thể có cảm giác sự cao quí của nó, vì không liên hệ với những gì cao hơn vượt ngoài thế giới sinh hoạt thông tục vật chất của nó.
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...