lịch sử việt nam
Liên-hiệp-Quốc Và Vụ Khủng Hoảng Phật Giáo 1963
Nguyễn-văn-Lục
Tìm hiểu bản báo cáo của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ đàn áp Phật giáo 1963
Lời giới thiệu ‒ Đây là một tập tài liệu (Report of the United Nation Facts-Finding Mission to South Vietnam, UN Doc A/5630 at 4 (1963) – DCVOnline) ghi lại đầy đủ các lời khai của các nhân vật chủ chốt có liên quan trực tiếp đến biến cố Phật giáo năm 1963. Thượng toạ (TT) Thích Trí Quang, người lãnh đạo tinh thần của Phật giáo năm 1963 trong lời lời Giới thiệu tập tài liệu viết, “Thực là một tài liệu vô cùng quý giá để chúng ta hiểu thêm những bí ẩn chưa bao giờ được tiết lộ, nhất là hiểu thêm được thực chất của những người trong cuộc, về phía chính phủ Ngô Đình Diệm cũng như về phía Phật giáo đồ.” Sài Gòn, ngày 1-11-năm 1965. (Trích lời giới thiệu tập tài liệu Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.)
Cũng theo TT Thích Trí Quang, sau này, bà Trần Lệ Xuân có phản đối Liên Hiệp Quốc không công bố bản báo cáo của phái đoàn điều tra LHQ để thế giới biết rõ sự thật.
Về phía Phật tử, theo TT Trí Quang thì ân hận là không phổ biến được sớm hơn.
Nhưng thực tế mà nói đối với giới lãnh đạo Phật giáo sau 1963, hình như lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm thì kể như nhiệm vụ đã hoàn tất. Ít ai còn quan tâm đến Dụ số 10 cũng như ít ai hiểu thực chất Dụ số 10 là gì và cũng ít ai quan tâm đến bản phúc trình của LHQ nữa.
Bà Ngô Đình Nhu phản đối LHQ phải chăng cũng là vì lý do đó? Hầu như tất cả các tài liệu viết về về biến cố 1963 sau này chưa có một ai đã dùng tài liệu này như một bằng chứng của sự thật.
Tại sao thế? Phải chăng tập tài liệu này có tính cách lưỡng giá? Không có vấn đề đúng sai một phía hoặc nó không đáp ứng hoàn toàn lòng mong đợi của một số người.
Đấy là cảm nhận của người viết khi đọc đi đọc lại tập tài liệu này.
-------------------------------------
Bài này là một biên tập toàn bộ những điểm chính yếu của bản phúc trình để
‒ Tìm hiểu xem có vấn đế kỳ thị tôn giáo hay không và nếu có ở mức độ nào?
‒ Xác định rõ tính chất Dụ số 10 như thế nào đồng thời trên thực tế nó được áp dụng ra sao đối với sinh hoạt Phật giáo sau 1954?
‒ Có sự tham gia của các thế lực chính trị hay cộng sản vào phong trào Phật giáo 1963 hay không?
‒ Vấn đề tự thiêu của một số tăng sĩ Phật giáo qua một vài nhân chứng phải được hiểu như thế nào?
‒ Rồi biến cố đài phát thanh Huế được chính quyền giải thich ra sao. Ai trách nhiệm về biến cố ấy?
‒ Và vấn đề quan trọng cuối cùng là nguyên nhân nào đã đưa tới biến động Phật giáo 1963, trong đó không thể nào không đưa ra nhận định của ông Ngô Đình Nhu.
Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu để thấy được tính chất thật của biến cố Phật giáo 1963.
Khúc rẽ của cuộc tranh đấu Phật giáo đưa tới sự có mặt của Phái đoàn điều tra LHQ
Vấn đề tranh đấu Phật giáo đi tới một khúc quanh quan trọng sau khi có việc tấn công các chùa trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 8, 1963. Cuộc khủng hoảng đã kéo dài trên 3 tháng với hàng trăm cuộc biểu tình. Riêng nhân chứng số 2 cho biết tình trạng chùa Xá Lợi vào những ngày ấy như sau:
“Chùa Xá Lợi là trụ sở của Tổng Hội Phật giáo mà bình thường chỉ có mươi vị tăng cư trú tại chùa. Nhưng khi chúng tôi đấu tranh để đòi thực hiện 5 nguyện vọng, có lối 500 đến 1000 người tăng ni tá túc tại chùa này. Đêm chúng tôi bị bắt, có vào khoảng 600 tăng ni trong chùa.”
(Trích lời khai của nhân chứng số 2, trang 111.)
Tình trạng cả hàng ngàn người ở trong một ngôi chùa với loa phóng thanh rỉ rả suốt ngày đêm chống đối chính quyền như thế đến lúc nó phải bùng nổ thôi.
Mọi hy vọng đi tới hòa giải giữa chính quyền và Phật giáo đi vào ngõ cụt. Nhưng việc tấn công các chùa trên toàn quốc là một sai lầm chiến thuật sinh tử gây dư luận xôn xao trên thế giới, nhất là đối với một số nước có truyền thống theo đạo Phật.
Phía chống đối chính quyền có lẽ chỉ mong có thế. Phía tướng lãnh quân đội chủ mưu lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm đã châm ngòi nổ trong vụ này.
Trước khi có phái đoàn LHQ sang Việt Nam thì các nước Tích Lan (Dominion of Ceylon, trước năm 1972 nay là Democratic Socialist Republic of Sri Lanka, hay Sri Lanka - DCVOnline) và 13 nước khác trong khối Á Phi đã đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Văn thư gủi LHQ ngày 4-9-1963 gồm A Phú Hãn (Afghanistan), Angiêri (Algeria), Cambodia, Tích Lan (Ceylon), Ghinê (Guyana), Ấn Độ, Indônêxia (Indonesia), Mông Cổ (Mongolia), Nigiêria (Nigeria), Hồi Quốc (Pakistan), Ruanda (Rwanda), Sierra Leone, Xômali (Somalia), Trinité và Tobago (Trinidad và Tobago) [Trong ngoặc đơn là chú thích của DCVOnline].
Đó là bản Khống tố đệ trình trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mà nội dung gồm những điều khoản mà chính quyền Việt Nam bị coi như vi phạm các nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc đề ra. Sau đó có thêm hai nước là Mali và Nepal cũng tham dự ký tên.
Thành phần phái đoàn đều là những nước theo Phật giáo Tiểu Thừa xem ra cũng là điều nên tránh và chế độ đệ nhất cộng hòa nay xuất hiện trước các nước Á Phi như một bị cáo trước khi phái đoàn LHQ sang Việt Nam.
(Phái đoàn LHQ gồm đại diện các quốc gia Afghanistan, Brazil, Ceylon, Costa Rica, Dahomey, Morroco và Nepal; Afghanistan là 1 quốc gia theo Hồi giáo; Brazil ảnh hưởng văn hoá Portugese theo Thiên chúa giáo; Costa Rica là quốc gia ở châu Mỹ La Tinh đa số theo Thiên Chúa giáo; Dahomey nay là Republic of Benin là thuộc địa cũ của Pháp, dân tin vào Voodoo – Nguồn: “A United Nations high commissioner for human rights”, By Roger Stenson Clark, trang 67. Theo Clark thì cuộc điều tra, bắt đầu vào cuối tháng 10 và kết thúc khi cuộc đảo chánh TT Ngô Đình Diệm thành công, không có kết luận, “the affair ended inconclusively” - DCVOnline).
Nhưng trên thực tế thì chính phủ VNCH cũng đã dành lại thế chủ động khi đã yêu cầu LHQ cử một phái đoàn sang VN điều tra. Văn thư của chính phủ VNCH mời một phái đoàn sang điều tra đề ngày 4-10-1963. Sau đó, đại Hội Đồng chấp thuận thơ mời của chính phủ VNCH.
Nội dung lá thư mời của chính phủ VNCH:
“Chính phủ VNCH trân trọng cảm tạ Ngài nếu được Ngài vui lòng giúp đỡ cho sự thành lập phái đoàn quan sát ấy.”
(Trích “Bản bá cáo của phái đoàn điều tra LHQ về vụ đàn áp Phật giáo 1963”, trang 18.)
Phần Liên Hiệp Quốc, họ đã đem lá thư mời đó ra bàn thảo và đi đến quyết đinh:
“Đại Hội đồng chỉ còn xem xét một vấn đề độc nhất là bức thư đề ngày 4-10-1963 do phái đoàn đặc ủy của Việt Nam Cộng hòa gửi cho ông Chủ tịch Đại Hội Đồng mà tôi đã đọc trong phiên họp khoáng đại thứ 1232 của Đại hội đồng ngày ngày 7-10-63”
Nhưng dưới mắt TT Thích Trí Quang thì có nhận xét khác về lá thư mời của chính phủ VNCH như sau:
“Kế đó, Quốc Gia Tích Lan và 13 nước khác trong khối Á Phi đã đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên hiệp quốc”, kết quả, một phái đoàn điều tra đã được phái sang Việt Nam Cộng Hòa, với cái bề ngoài do thư mời của chính phủ Ngô Đình Diệm – Chính phủ Ngô Đình Diệm đã cử ông Bửu Hội sang mời Liên Hiệp Quốc trước, tin chắc rằng, với sự dàn cảnh khôn khéo, phái đoàn điều tra sẽ bị đánh lạc hướng.”
(Trích “Lời giới thiệu” của TT Trí Quang trong tập tài liệu như trên.)
Người được trao phó công việc liên lạc với LHQ là Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Hội (1915-1972), cháu vua Minh Mạng, một nhà bác học đồng thời là bạn thân của ông Ngô Đình Nhu khi còn là sinh viên bên Pháp. Trước những rắc rối của chính quyền đối với Phật giáo, ông Nhu đã có lần trách ông Bửu Hội: “Tu me laisses dans le couille.” Ông đưa tôi vào thế kẹt.
Vì vậy vai trò của ông Bửu Hội thật không dễ.
Một mặt chính mẹ ông đòi tự thiêu và ông phải can gián; ông lại rất thân với phía Phật giáo và muốn họ không nên bạo động nữa. Trong chỗ riêng tư, ông đánh tiếng nhờ người Mỹ khuyên Trí Quang "đừng quậy" nữa để Phật giáo được yên.
Về phía chính quyền, ông cũng vào gặp ông Nhu nhờ can thiệp để thả những nhà sư đang còn bị bắt cầm tù. Ông Nhu hứa sẽ can thiệp.
Phần phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc, họ đã cấp tốc lên đường mang theo 33.600 đô la để chi tiêu. Và để giữ được tính cách khách quan, trưởng phái đoàn, ông Pazhwak, người A Phú Hãn kêu gọi không có biểu tình bất cứ dưới hình thức nào và cũng sẽ từ chối những buổi tiếp tân hoặc những chi phí tại chỗ của chính phủ VNCH dành cho phái đoàn. (Abdul Rahman Pazhwak (1919 - 1995), In 1963, he served as Chairman of the United Nations Fact-Finding Mission to Viet-Nam, sent to examine the relations between the Government of the Republic of Viet-Nam and the Vietnamese Buddhist community. Trích Tiểu sử Chủ tịch Đại hội đồng thứ 21 LHQ – DCVOnline).
Phái đoàn cũng dự liệu tất cả các nhân chứng đều được yêu cầu khỏi phải khai tung tích. Nhưng họ phải tuyên thệ nói đúng sự thật và trong khi thẩm vấn, không có sự hiện diện của nhân viên chính quyền và những điều họ nói sẽ được giữ kín. Ngay cả những lời khai nào có thể làm người ta tiên đoán được tung tích các nhân chứng đều được xóa bỏ.
Để bảo toàn cẩn mật, phái đoàn đã cũng yêu cầu Thụy Sĩ (Switzerland) giữ gìn hồ sơ của phái đoàn để khỏi bị đánh tráo.
Sau ngày 1-11-1963, một số giới lãnh đạo Phật giáo sau khi đọc bản phúc trình này có vẻ như không hài lòng về Bản Điều tra LHQ nên có nhiều tin đồn cho rằng, chính phủ ông Ngô Đình Diệm đã mua chuộc, dẫn gái cho các đại diện phái đoàn rồi quay film làm chantage nhằm bịt miệng những vị đại diện của phái đoàn.
Người viết nghĩ rằng đó là những tin đồn vô căn cứ đụng chạm đến uy tín và giá trị xác thực của tập tài liệu này.
Mặc dầu có lời yêu cầu của phái đoàn đừng biểu tình, bạo động, nhưng ngày 29-10, phái đoàn vẫn được ông Bộ trưởng Nội vụ cho biết có danh sách 10 người tự thiêu, trong đó đã có một vụ tự thiêu vào ngày 27-10-63 để làm áo lực với phái đoàn điều tra .
Về điều này, ông Ngô Đình Nhu cũng dự liệu trước cái rủi ro của việc mời phái đoàn, ông viết :
“Tôi thành thật nói rằng Chính phủ buộc lòng mời quý ông đến xem tất cả những gì mà quý ông muốn xem. Nhưng chính phủ cũng hiểu rằng điều này sẽ gây nên nhiều khó khăn. Đó là dịp quá tốt để cho những kẻ âm mưu muốn gây một xúc động cho phái đoàn.”
(Trích tài liệu trang 56.)
Cũng theo yêu cầu, phái đoàn đã có dịp hội kiến với TT Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu, ông Nguyễn Ngọc Thơ, ông Bùi Văn Lương, ông Nguyễn Đình Thuần, ông Trương Công Cừu và thiếu tướng Trần Tử Oai cũng như một số nhân chứng gồm trên dưới 50 người như các tăng ni, phật tử, sinh viên và trí thức. Trước khi lên máy bay rời Việt Nam, ngày 3-11, nghĩa là sau khi chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ thấy không cần giữ bí mật tên tuổi các người được phỏng vấn, phái đoàn đã trao danh sách tên các nhà sư được phỏng vấn là:
Thích Trí Thủ, Thích Quảng Liên, Thích Tâm Giác, Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp, Thích Thiện Minh và ông Mai Thọ Truyền.
Trong danh sách các nhà sư được phỏng vấn không có tên TT Thích Trí Quang thì đây là lời giải thích của bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào ngày 31-10-1963 với phái đoàn.
Ông Bộ Trưởng tuyên bố:
“Theo Quốc tế công pháp, người được hưởng quyền tỵ nạn không thể hoạt động hay tiếp xúc với bên ngoài, nếu không được sự chấp thuận của chính phủ trong xứ.
“Chính phủ Việt Nam chống lại mọi sự tiếp xúc với nhà sư Thích Trí Quang, vì luật lệ tị nạn không cho phép người tị nạn hành động một việc gì cả, hay tiếp xúc với bất cứ ai. Bởi thế, ông Bộ Trưởng được biết rằng tại tòa đại sứ Mỹ, nhà sư Thích Trí Quang phải ở trong một gian phòng không có cửa sổ. Nếu người Mỹ giao ông ta lại cho chính quyền Việt Nam, chính phủ sẽ cho phép phái đoàn hội đàm với ông ta, như với những người khác.”
(Trích tài liệu như trên, trang 99)
Phái đoàn cũng yêu cầu ông Bộ trưởng Nội vụ cung cấp những tài liệu như sau về TT Thích Trí Quang:
“Chúng tôi cũng muốn biết những điều thuộc về quá khứ của nhà sư Thích Trí Quang và, theo chính phủ, những trường hợp nào đã thúc đẩy nhà sư ấy đến xin trú ẩn tại sứ quán Hoa Kỳ, và bằng cách nào ông đã trốn được vào đấy.”
(Trích trang 72, tài liêu như trên.)
Đọc tập tài liệu, người viết có một nhận xét là phái đoàn đã thiếu sót khi không hỏi đến một nhân chứng khác. Nhân chứng này quan trọng chẳng thua gì TT Thích Trí Quang và nếu giả dụ chính quyền chủ mưu trong vụ thảm sát đài phát thanh Huế thì nhân vật này phải là kẻ chủ mưu.
Đó là ông Ngô Đình Cẩn và kẻ thừa hành hành là Thiếu tá Đặng Sỹ. Tại sao một nhân chứng như Ngô Đình Cẩn và Đặng Sỹ đã bị bỏ quên? Một nhân chứng then chốt như thế bị bỏ quên cho thấy vụ biến động Phật giáo có những điều cần phải xét lại. Thiếu Ngô Đình Cẩn thì chẳng khác gì trong một vụ trộm mà kẻ trộm lại được miễn ra tòa.
Nhưng những người như TT Thích Trí Quang thì thừa hiểu hơn ai hết rằng Ngô Đình Cẩn từ trước tới sau đều đứng đằng sau giúp đỡ Phật giáo, nhất là TT Trí Quang. Ngay cả trong vụ treo cờ, ông là người duy nhất đồng ý và chấp thuận ủng hộ TT Trí Quang cho phép tiếp tục treo cờ, vì đã lỡ rồi. Cho nên không lạ gì TT Trí Quang nói:
“Lấy tư cách hội trưởng Phật giáo trung phần, tôi ra lệnh các đạo hữu từ nay cứ treo cờ Phật giáo tại các chùa khuôn cũng như tại tư gia, đó là lệnh của tôi, tôi xin gánh lấy trách nhiệm và hậu quả trước chính quyền.”
Trong phần trình bày về sự kỳ thị Phật giáo cũng như về vụ biến cố đài phát thanh Huế, tại sao tất cả các vị Hòa Thượng, đại Đức ra làm nhân chứng đã không một người nào nhắc tên, hoặc minh định tên Ngô Đình Cẩn hay Đặng Sỹ? Hoặc gán ghép cho ông bất cứ tội trạng nào đó?
Từ đầu đến cuối cuộc phỏng vấn, ông Ngô Đình Cẩn như người ngoài cuộc và vô can. Vậy mà sau 1-11-1963, những người này đã trả giá cho những việc họ đã làm trong quá khứ, là đối tượng của một cuộc thanh trừng cần thiết? Ngay trong toàn thể nội dung cáo trạng buộc tội ông Ngô Đình Cẩn sau này (hai tội trạng) không một hành vi dù nhỏ cho thấy ông là người trách nhiệm về vụ được gọi là đàn áp Phật giáo năm 1963.
Tìm hiểu bản bá cáo của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ đàn áp Phật giáo 1963
Những người như TT Thích Trí Quang nay còn sống và các nhân chứng còn sống là những người duy nhất có thể trả lời phải chăng ông Ngô Đình Cẩn là hung thần, là thủ phạm chính của Phật giáo miền Trung hay ngược lại là người đã đứng ra bảo trợ cho ông Thích Trí Quang. Việc giết Ngô Đình Cẩn sau này phải chăng nhằm bịt miệng một nhân chứng có thể quấy rầy và người yêu cầu giết ông Ngô Đình Cẩn với chính quyền Nguyễn Khánh lại chính là TT Thích Trí Quang như gián tiếp được nói trong Tiểu truyện tự ghi?
Hay ông Ngô Đình Cẩn phải chăng chỉ là kẻ vẽ đường cho hươu chạy?
Sau đây, người viết xin trích dẫn một vài câu trả lời của các nhân chứng được coi là có ý nghĩa nhất trong một số vấn đề.
Về vấn đề kỳ thị tôn giáo
Đọc bản Phúc trình này thì khó có thể nói có một chính sách kỳ thị tôn giáo xét về mặt tổ chức nhân sự, người lãnh đạo. Có thể có tình trạng lạm dụng quyền hành ở mức địa phương, Và đặc biệt việc kỳ thị hầu như chỉ giới hạn tại bốn tỉnh miền Trung mà không ở Huế cũng như trên toàn miền Nam như lời nhận xét của ông Ngô Đình Nhu. Đã là kỳ thị thì chính sách ấy phải tràn lan trên toàn miền Nam, tại sao chỉ có bằng cớ kỳ thị trên phạm vi 4 tỉnh?
Trong những trường hợp cụ thể, lý chứng đưa ra thật yếu ớt và tiểu tiết. Chẳng hạn, một vị đã đơn cử trường hợp một phật tử đã bị phạt vạ 20 đồng bạc vì tụng kinh lớn tiếng.
Trong khi đó, theo phúc trình của Thiếu tướng Trần Tử Oai bằng tiếng Pháp cho phái đoàn thì từ ngày chấp chánh của TT. Ngô Đình Diệm đã có thêm 1275 ngôi chùa được xây cất trên tổng số 4766 chùa là một bằng chứng hiển nhiên không có kỳ thị Phật giáo.
Ông Ngô Đình Nhu đã trả lời cho ông Gunewarden về vấn đề này liên quan đến thành phần nhân sự Phật tử tham gia trong chính quyền. Theo ông Nhu, số lượng công chức thuộc giới Phật tử chiếm tỉ lệ 3/4. Trong hàng ngũ tướng lãnh có 17 vị thì 14 vị là phật tử, không được rõ là phật tử thuần túy hay không và ba tín đồ Gia Tô. Ông Ngô Đình Nhu nói thêm:
Tôi là một tín đồ Gia Tô, nhưng chống Giáo Hội. Tôi cũng cần nhắc nhở các ông là trong Phật giáo có nhiều thành phần đảng phái cổ xúy như Đại Việt Duy Dân. Tất cả các đảng viên đều ở Bắc. Phong trào Phật giáo đêu diễn ra toàn ở miền Bắc và Trung Việt Nam, chứ không phải ở Nam.
Nhân chứng số 1
Trưởng phái đoàn – Theo ý Ngài, những lời tố cáo chính phủ Việt Nam đã vi phạm các quyền tín ngưỡng của Phật giáo đồ có căn cứ không? Nếu có, chúng tôi muốn được Ngài cho biết càng nhiều càng tốt những bằng chứng về những vi phạm ấy.
Nhân Chứng – Những tố giác về về những vi phạm của chính phủ đối với việc tu hành hay với Phật pháp bắt nguồn từ bốn tỉnh ở Trung Việt cách đây đã 3 hay 4 năm. Bốn tỉnh ấy là: Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn những tố giác khác tôi không được biết rõ
Nhân Chứng số 4
Trưởng phái đoàn – Lúc chưa đến Việt Nam, trước ngày 6-5-1963, chúng tôi chưa từng nghe nói đến vấn đề kỳ thị đối với Phật giáo hay những vụ lôi thôi về Phật giáo chống lại sự kỳ thị. Như thế, xin Ngài cho biết lý do nào khiến cho những vụ lôi thôi đã bộc phát sau ngày nói trên, hay đã có những vụ lôi thôi mà chúng tôi chưa nghe nói đến.
Nhân Chứng – Về những năm trước ngày 5-5. Tín đồ Phật giáo được treo cờ Phật giáo và năm nay họ cũng muốn làm như năm trước. Nhưng năm nay, trước ngày lề, chính phủ đã thông báo cho họ biết, chỉ được treo cờ trong Chùa chứ không được treo ở ngoài. Kế đến một số người đã bị tử thương trong vụ lôi thôi xảy ra ở Huế. Như thế, những biến cố liên tiếp dường như đã chứng tỏ có một sự kỳ thị đối với Phật giáo.
Nhân chứng số 5
Trưởng phái đoàn– Ngài có thể cho chúng tôi biết ý kiến, trước ngày 6-5-63, có sự kỳ thị tôn giáo với đạo Phật không?
Nhân Chứng – Về cấp chính phủ không có sự kỳ thị rõ ràng, nhưng ở cấp dưới, người ta nhận thấy có sự kỳ thị.
Trưởng phái đoàn – Như thế tôi có thể kết luận rằng luật pháp không đặt ra vấn đề kỳ thị, nhưng trên phương diện thực tế thì có.
Nhân Chứng – Vâng
Trưởng phái đoàn
Nhân Chứng – Ví dụ, có một việc gì quan trọng hay một cuộc lễ gì, chư tăng không được mời vì người ta lo ngại các vị này bị ảnh hưởng của Việt Cộng.
Nhân chứng số 6
Trưởng phái đoàn – Theo Ngài, những điều khiếu nại của Phật giáo đồ là gì?
Nhân chứng – Từ lâu nay, tôi không ở trong nước cho nên tôi không biết được tất cả, nhưng một trong điều khiếu nại ấy là sự cấm đoán treo cờ trong dịp lễ Phật.
Ông Guewarden – Ngài có nghĩ rằng có một sự kỳ thị đối với tín đồ Phật giáo?
Nhân chứng – Tôi không biết. Lúc ấy tôi ở hải ngoại. Vì thế, tôi không biết những điều gì xảy ra trước cả. Lúc tôi trở về thì nghe nói rằng một số người đã bị bắt
Trưởng phái đoàn- Ngài có nhận xét gì về cách đối xử của chính phủ đối với Phật tử miền Trung không?
Nhân chứng - Để ngài có một ý niệm rõ ràng về tình hình, tôi phải thưa với Ngài ngay rằng, về phương diện chính thức, không có kỳ thị trong chính sách của chính phủ nhưng chính phủ đã dung thứ những hành vi đàn áp, những sách nhiễu và những sự ngược đãi. Có lần tổng thống tiếp tôi trong hai giờ mười lăm phút. Tôi có nhắc lại những nguyện vọng của chúng tôi và có bảo với ông ta rằng: “Thưa Tổng Thống, nếu Tổng Thống không chú trọng đến những nguyện vọng của tín đồ Phật giáo thì Tổng Thống sẽ gặp một phong trào toàn diện trong hàng tín đồ Phật giáo với nhiều rắc rối lôi thôi, điều ấy không thể tránh được. Tôi biết rằng tổng thống không bao giờ có ý định đàn áp Phật giáo, nhưng nếu ngài cứ tiếp tục làm ngơ trước những hành vi của cấp dưới trong chính phủ thì tín đồ Phật giáo sẽ cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm ấy. Tôi xin đơn cử cho ngài một ví dụ. Ở Trung Phần, một Phật tử đã bị phạt vạ 20 đồng bạc vì đã tụng kinh lớn tiếng. Người đứng ra phạt là tên Hội viên Cảnh sát, một người công giáo. Chúng tôi còn giữ biên lai của sự phạt vạ ấy và trong biên lai có ghi rõ người này đã bị phạt vạ vì tụng kinh to tiếng. Cách đây vài năm, trong một đám rước của Phật giáo, những người công giáo đã ném bùn vào tương Phật.”
Một số nhân chứng
Ông Gunewardene – Cách đây không lâu, dân chúng 4 tỉnh có gởi đơn khiếu nại về vấn đề gì thế?
Nhân chứng – Họ khiếu nại về các sự thiên vị và các điều hạn chế; khi họ muốn tổ chức vài lễ đặc biệt, nếu họ không được cấp giấy phép mà cứ làm, thì họ bị phạt .
Ông Gunewarden – Họ có gửi đơn khiếu nại ghi rõ các điều trên để xin hủy bỏ các hạn chế ấy không?
Nhân chứng – Có
Ông Gunewarden – Khi nào?
Nhân chứng – Năm 1960 và 1961.
Ông Amor – Thiên Chúa giáo có được biệt đãi hơn Phật giáo không?
Một Nhân chứng khác - Chỉ tại vì tổng thống theo Thiên Chúa giáo.
Nhân chứng – Chẳng hạn, lễ giáng sinh là một quốc lễ, còn lễ Phật giáo chúng tôi luôn luôn phải xin phép mới tổ chức được.
Nhân chứng số 9
Ô. Volio – Trước 8-5 ngài có được tự do hành đạo không?
Nhân chứng – Đối với các nhà sư thì có, nhưng đối với cư sĩ thì gặp nhiều khó khăn lắm như đối với quân nhân Phật tử chẳng hạn.
Ô. Gunewardene – Khó khăn như thế nào?
Nhân chứng – Binh sĩ được chỉ thị ở trong trại và không được đi chùa.
Ô. Gunewardene – Đó là một sự đàn áp công khai?
Nhân chứng – Trong trường hợp của binh sĩ, các sĩ quan cao cấp cấm họ đi chùa . Sau ngày 8-5, không ai dám đến chùa.
Trưởng phái đoàn – Thôi hãy để chuyện đàn áp lại đó đã. Bây giờ tôi hỏi quý ông: Quí ông có được tự do hành đạo hay cứ có người xen vào làm áp lực .
Nhân chứng – Từ ngày ây, không có ai xen vào sự hành đạo của chúng tôi cả. Thập phương tới lui tự do. Họ đến đọc kinh và chúng tôi có tự do hành đạo theo ý muốn.
Ông Trưởng phái đoàn – Ông vừa nói với chúng tôi từ khi xảy ra vụ đàn áp thì quý ông tự do hành đạo, không ai xen vào .. Vậy chứ trước đó thì sao?
Nhân chứng – Trước đó, không có ai xen vào một cách lộ liễu lắm. Nhưng trước ngày 20 tháng 8 khách thập phương hình như sợ không dám tới.
Trưởng phái đoàn – Họ sợ cái gì?
Nhân chứng – Thực ra, tôi không hiểu họ sợ cái gì, nhưng lính gác cứ liên tiếp đóng chung quanh chùa: thành họ khiếp.
Ông Amor – Ông có thể cho biết con số ước chừng ngay bây giờ được không?
Ông Đại biểu Chính phủ: Trên nguyên tắc, dân chúng trong xứ phần đông là tín đồ Khổng giáo. Tất nhiên có người theo Phật giáo, người theo công giáo, nhất là ở Huế, bởi vì ngày xưa ở đây là nơi có dòng dõi vua chúa, các quan lại và công chức ở. Vào khoảng 30 % dân chúng là Phật tử. Những người còn lại là tín đồ của công giáo hay Khổng giáo.
Bây giờ có thể cho ông biết một vài số sưu tầm được trong những tài liệu về sự phân phối những công chức của chính quyền ở miền Trung Nguyên Trung Việt , 25% theo công giáo, 31% theo Phật giáo, và 41 % theo Khổng giáo.
Nhân chứng số 39
“Tôi là một bác sỹ theo Phật giáo từ khi ở Pháp về, là bác sĩ chính thức của hầu hết ni cô, nhà sư ở Sài Gòn, tôi đã làm trung gian giữa tổng thống Diệm và các phật tử từ khi cần thiết như tham dự những hội kiến giữa tổng thống Diệm và các nhà lãnh đạo trước biến cố 8/5..[..] Tôi có những tiếp xúc trực tiếp với tổng thống. Nếu các kết luận điều tra là có sự kỳ thị về phía chính phủ đối với Phật giáo, thì ý kiến của tôi là Tổng thống không theo một đường lối kỳ thị đối với Phật giáo”.
Việc kỳ thị Phật giáo cụ thể chỉ thực sự xảy trong 4 tỉnh miền Trung, nhưng xem ra phái đoàn ít lưu tâm đến các chứng cớ này.
Hiện nay, người viết còn giữ được tập hồ sơ khiếu kiện nhan đề: Hồ sơ cuộc đàn áp Phật giáo đồ tỉnh Phú Yên, chính thức từ năm 1960-1961. Hồ sơ gửi lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Thư gửi cho Trung Tá tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên rồi thư của các Hòa thượng Thích Phước Hộ, Chánh Hội Trưởng, gửi Trung tá tỉnh trưởng tỉnh Phú Yên thư của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gửi ông Chủ tịch Quốc Hội (theo nhiều người, HT. Thích Tịnh Khiết không biết chữ.)
Cách giải quyết những khiếu kiện này như thế nào thì không được rõ.
Những lời khiếu kiện có thể là: tình nghi Việt Cộng, đe dọa, bắt bớ giam cầm cũng có, cường bách bỏ đạo Phật vào đạo công giáo. Nói chung có 125 văn thư khiếu nại tại 4 tỉnh miền Trung.
Nhận xét chung về vấn đề kỳ thi Phật giáo
‒ Không có kỳ thị ở cấp Trung ương, chỉ ở cấp địa phương.
‒ Cá nhân các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và nhất là hung thần miền Trung Ngô Đình Cẩn không là đối tượng trực tiếp bị tố cáo.
‒ Việc kỳ thị tôn giáo chỉ xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung, xin ghi nhận là các tỉnh này trước 1954 đều nằm trong vòng kiểm soát của Việt Minh cho đến 1954 và được trao trả cho chính quyền Sài Gòn vào năm 1955. Không ở đâu mà tổ chức Phật giáo chặt chẽ xuống đến các cấp thôn xã như ở 4 tỉnh này? Có ai có thể bảo đảm là các đại diên Phật giáo ở các tỉnh này đều là Phật giáo thuần túy? Tại sao hồ sơ đàn áp Phật giáo chỉ xảy ra vỏn vẹn từ năm 1960- 1961? Việc dân các xã ấp này trở lại đạo công giáo hàng loạt là chính sách của giáo hội Thiên Chúa giáo hay chính quyền, hay là chủ trương của cộng sản? Đó là một hiện tượng có thật, nhưng lại là một sản phẩm giả mạo và phi lý chỉ xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung? Tại sao nếu là chính sách của chính phủ hay của Thiên Chúa giáo lại chỉ xảy ra tại 4 tỉnh này? Ônng Nhu trong phần trả lời phái đoàn LHQ đã giải thích là đây là thủ đoạn của cộng sản, bắn một mũi tên giết hai con chim. Chính Việt Minh đưa người của họ theo đạo Thiên Chúa giáo hàng loạt rồi chính họ tố cáo chính quyền và giáo hội Thiên Chúa giáo cưỡng bách theo đạo.
“Phong trào Phật giáo đều diễn ra toàn ở miền Trung và Bắc Trung Việt Nam, chứ không phải ở trong Nam.” (NĐN)
Đây là mối lo của lãnh đạo Thiên Chúa giáo trước hiện tượng theo đạo hàng loạt này.
Phải chăng vì những lý do trên mà các nhân chứng 4 tỉnh này không có trong danh sách nhân chứng thuộc phái đoàn điều tra LHQ? Và tập hồ sơ Cuộc đàn áp Phật giáo đồ tỉnh Phú Yên mà tôi có trong tay đã không được phái đoàn LHQ đưa ra làm bằng cớ là có đàn áp Phật giáo?
Tìm hiểu bản báo cáo của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ đàn áp Phật giáo 1963
Sự dính líu của người ngoại quốc và có sự trà trộn của cộng sản trong biến động Phật giáo 1963 Đây là vấn đề mà phái đoàn quan tâm và hầu như đã hỏi bất cứ nhân chứng nào. Riêng sự tiết lộ của ông Bộ trưởng bộ Nội vụ về nhân vật Đặng Ngọc Lựu là rất quan trọng.
“Sau khi trở về Sài Gòn, ngày 8 tháng, tôi được tin những vụ lộn xộn đẫm máu xảy ra ở Huế. Tôi tự hỏi vì sao lại có những vụ lộn xộn như thế, trong khi các vị thượng tọa đã đoan chắc với tôi là họ đã thỏa mãn. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được. Nhưng về sau khi bắt giữ vài ba người, tôi nhận được tờ khai tự tay của ông Đặng Ngọc Lựu, cộng tác viên thân cận của nhà sư Thích Trí Quang viết ra, tôi đọc tờ khai ấy và tôi đã hiểu.
Ông Trưởng phái đoàn – Ông Lựu bây giờ ở đâu?
Ông Bộ Trưởng – Đang ở với chúng tôi. Chúng tôi bắt giữ ông ta, và trong tờ khai ông ta nói rõ ràng cuộc âm mưu (do đó mới có chữ “âm mưu” dùng trong bản tài liệu) cuộc âm mưu do Việt Cộng dật giây này, đã được chuẩn bị và thỏa thuận từ năm 1960. Tôi không thể kết luận rằng thông tư ngày 6-5 là duyên cớ duy nhất của những vụ lộn xộn vì lẽ âm mưu đã được quyết định từ năm 1960”
Cuối cùng phái đoàn mong được biết quá khứ của ông Đặng Ngọc Lựu và mong có được một bản sao những tài liệu của ông Lựu mà ngài đã trình bày với chúng tôi.
Ông Trưởng phái đoàn – Chúng tôi cũng muốn được biết vì sao ông ta lựa tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Ông Bộ Trưởng- Tôi sẽ trả lời điểm này bằng văn thư, nhưng tôi có thể nói với ông ngay bây giờ rằng, tài liệu đã tịch thu được trong các chùa và theo những lời khai của nhà sư Thích Tâm Châu (1) (Có thể ông Bộ Trưởng nói lộn vì người phụ trách liên lạc là Đại đức Thích Đức Nghiệp), người đã phụ trách liên lạc giữa Ủy ban Liên phái và báo chí ngoại quốc, thì ông Trí Quang đã nhiều lần tiếp xúc với những người ngoại quốc để yêu cầu chính phủ phải bị lật đổ. Trong những lời khai có cả tên những người ngoại quốc đã được tiếp xúc, nhưng tôi sẽ trả lời bằng văn thư. Để ông được biết, tôi có thể kể vài người ngoại quốc đã bị khai như Cumming Bogo”.
Phần Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ có nhận xét như sau về phong trào Phật giáo: Ban đầu, vấn đề chỉ thuần tôn giáo, về sau, có thể có một vài sự liên lạc với bọn cộng sản và tình thế đổi chiều.
Ông Koirala đã hỏi một nhân chứng – Người ta cho rằng cộng sản, việt cộng và những nhân viên ngoại quốc khác là nguyên nhân của các vụ lôi thôi, ngài nghĩ sao?
Nhân chứng – Tôi chỉ biết tu mà thôi, tôi không thể nói được việc ấy.
Ông Koirala – Với tư cách là tu sĩ, ngài có nghĩ rằng quyền lợi của tổ quốc phải để trước những quyền lợi khác không?
Nhân chứng – Có, nhưng tôn iáo của tôi cũng phải được tự do tín ngưỡng.
Ông Amor – Người ta bảo rằng phong trào này do cộng sản xúi dục. Có phải vậy không?
Một nhân chứng – Không, phong trào này không phải cộng sản, chính là một phong trào tôn giáo, cộng sản không có tôn giáo.
Về điểm này, xin trích dẫn quan điểm của Lê Duẩn trong Thư vào Nam như sau:
“Muốn thế, phải lập ra nhiều tổ chức biến tướng dưới nhiều mầu sắc, tồn tại và đấu tranh một cách công khai, hoặc nửa công khai, để có thể thu hút quần chúng rộng rãi.
Đối với những tổ chức có tính cách quần chúng rộng rãi sẵn có như phong trào phật giáo, học sinh và sinh viên, ta nên tìm cách đưa người vào để nắm cho được tình hình.”
Trích Thư vào Nam, Lê Duẩn trang 72, nxb Quân đội Nhân Dân, 2005.
Và đây là tình trạng sau 1963:
“Thí dụ như khi ta đã đánh tan ba, bốn sư đoàn địch và tiến hành tổng khởi nghĩa; hoặc trước hay sau đó, ta có thể làm sâu sắc thêm tình trạng khủng hoảng của địch bằng cách thúc đẩy bọn cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền ở một số địa phương miền Trung đòi ly khai chính quyền Sài Gòn. Nếu các điều kiện nói trên trở thành hiện thực, thì tình hình có thể phát triển nhảy vọt ‘một ngày bằng 20 năm’ như Mác nói.”
Trích Thư vào Nam, Lê Duẩn, trang 68
Sau 1963 thì sự xâm nhập của cộng sản vào tổ chức Phật giáo là điều không còn xa lạ và không thể tranh cãi được nữa.
“Việc xây dựng cơ sở quần chúng để thâm nhập nơi đây bắt đầu bằng một tổ chức: Liên Đoàn sinh viên Phật tử Vạn Hạnh.. Trong những ngày tháng năm sau đó, sinh viên Vạn Hạnh tham gia việc tiến chiếm và phòng thủ tại “pháo đài” tòa đại sứ Lonnol. Sáng ngày 2-5, tại Vạn Hạnh hơn 2000 sinh viên đã tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào bị tàn sát ở Campuchia”..
Trích “Trui rèn trong lửa đỏ”, trang 93, nxb Văn Nghệ thành phố.
“Từ những ngày đó, Vạn Hạnh trở thành một pháo đài xuất quân đốt xe Mỹ và chống bầu cử”.
Trích như trên, trang 96
“Những ngọn lửa bùng lên tuyệt đẹp trên đường phố và những chiếc xe Mỹ rụi tàn. Báo chí Sài Gòn, với những hàng tít lớn, dồn dập đưa tin xe Mỹ bị đốt. Các báo gọi những “chiến sĩ” đốt xe Mỹ là du kích quân sinh viện học sinh. Chùa Ấn Quang trong những ngày ấy, là một trong những chiến lũy của họ. Những người mẹ những người chị vượt qua những hàng rào cảnh sát, lựu đạn cay, vòi phun nước..đến với những đứa con ngoan của thành phố, đem cho “tụi nó” những giỏ cam, những ổ bánh mì, những chai xăng. “Tụi bây cứ đốt, đốt hết cái quân chó đó đi..”, các mẹ, các chị căn dặn, nhắc nhủ với một lòng thù căm như vậy.”
Trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 119, nxb Văn Nghệ thành phố.
Ô. Amor – Ông có chắc chắn rằng không có kẻ đối lập chính trị nào lợi dụng các yêu sách Phật giáo xâm nhập vào phong trào tuyên truyền chống chính phủ với mục đích lật đổ chính phủ không?
Nhân chứng – Cộng sản không có tôn giáo làm sao họ có thể khuyến khích phong trào này? Chúng tôi chỉ có thể nói về chúng tôi. Tất nhiên, các phật tử không có mục tiêu chính trị - tại sao chúng tôi nghĩ đến? Còn các người không phải là Phật tử có lợi dụng cơ hội để tuyên truyền chống chính phủ hay không, chúng tôi không rõ.
Ông Trưởng phái đoàn – Trong chùa này, người ta có làm chính trị không?
Nhân chứng – Trước kia, các Thượng Tọa và Đại Đức thường đến hành lễ tại đây vào những ngày lễ. Còn về phần chúng tôi, chúng tôi không có làm gì khác hơn là tụng kinh niệm Phật. Chúng tôi không rõ trong lãnh vực chính trị những vị tăng cao cấp có đóng vai trò gì không?
Nhân chứng số 4
Ông Trưởng phái đoàn – Chúng tôi nghe nói Phong trào Phật giáo này là do người ngoại quốc xúi dục để theo đuổi những mục tiêu chính trị. Như thế có đúng không?
Nhân chứng: Tôi không biết
Nhân chứng số 36:
“Cả gia đình tôi theo Phật giáo, tôi làm việc cho một hãng Hoa Kỳ, không làm cho chính phủ. Là người theo Phật giáo, tôi chỉ nói điều gì có lợi cho Phật giáo. Tôi muốn ông biết tôi không đến đây để ủng hộ chính phủ, tôi đến đây với tư cách công dân và muốn phái đoàn biết rõ sự thật: Các cuộc biểu tình tự thiêu đều do cộng sản xúi dục, vì Việt cộng không thể lợi dụng dân chúng được, họ quay về các nhà sư tu hành lợi dụng họ chống chính phủ nhưng các phật tử không ý thức được Việt Cộng ủng hộ họ chỉ để lợi dung phong trào của họ. Tôi cũng được mời khuyến khích biểu tình, đôi khi với sự dọa nạt”
Về Dụ số 10
Theo ông Bộ trưởng Bùi Văn Lương: Dụ số 10 ra đời từ năm 1950, thời kỳ Quốc Trưởng Bảo Đại còn tại chức.
Theo Hiến Pháp, mọi sửa đổi đều phải do số Nghị sĩ quốc hội yêu cầu. Trong nhiệm kỳ Quốc Hội thứ nhất, đại đa số nghị sĩ là Phật tử, trong nhiệm kỳ sau, bầu năm 1959 cũng vậy. Không có một nghị sĩ nào đề nghị sửa đổi Dụ số 10. Bởi không có đơn đề nghị sửa đổi, nên theo đúng những điều khoản trong Hiến Pháp, Quốc Hội không trù liệu nghĩ đến việc sửa đổi Dụ ấy.
Ô. Correa-Da-Costa – Tôi mong được biết đích xác điều này: sự yêu cầu sửa đổi chỉ do một số nghị sĩ hay phải được đa số tuyệt đối nghị sĩ trong Quốc Hội đệ trình?
Ô. Bộ Trưởng – Theo luật, một số nghị sĩ phải đệ trình đề nghị sửa đổi và, trong trường hợp ấy, đề nghị của họ phải được thảo luận.
Ô. Trưởng Phái đoàn – Câu hỏi của tôi như sau: Tại sao chính phủ không tự mình đưa ra sáng kiến sửa đổi Dụ ấy?
Ô. Bộ Trưởng – Đây chính là điều tôi sắp nói. Muốn đề cập đến sửa đổi một Đạo Dụ hay không, phải chú ý đến hai điểm: Điểm thứ nhất, phải xét xem sự sửa đổi có cần thiết hay không, thứ hai, phải có đơn thỉnh nguyện của dân chúng. Về điểm thứ nhất, cho đến khi vụ Phật giáo bùng nổ trong tháng 5/63, chúng tôi nhận thấy không cần thiết phải sửa đổi Dụ ấy, vì mặc dù những điều khoản rất nghiệt ngả và sự dự trù việc kiểm soát rất chặt chẽ của nó đối với các hiệp hội, chính phủ chưa bao giờ áp dụng Dụ ấy một cách nghiêm khắc.
Nhiều điều khoản trong Dụ, như sự bắt buộc phải khai báo với Bộ Nội vụ danh sách những Hội viên của chùa thường được làm ngơ, nhất là tại các tỉnh. Ngay ở thủ đô, bộ Nội vụ cũng không thấy có giấy tờ khai báo gì cả. Từ 1954 cho đến tháng 1 năm 1963, chúng tôi không nhận được một đơn từ khiếu nại hay yêu cầu sửa đổi Dụ số 10 nào cả.
Những tài liệu mật, bắt được trong các chùa, mà tôi sẽ cố gắng gửi đến các ông thật sớm chứng tỏ một cách đầy đủ rằng chính phủ đã trợ giúp cho các chùa rất nhiều; không một khoản nào trong các văn kiện ấy có nói đến sự xin sửa đổi Dụ số 10.
Để kết luận, tôi xin tuyên bố rằng từ ngày Bản thỏa hiệp 16 tháng 6 được ký kết giữa chúng tôi và Phái đoàn Phật giáo, chúng tôi đã yêu cầu Quốc Hội thành lập một ủy ban để cứu xét thể thức sửa đổi Dụ số 10. Trong thời gian chờ đợi sửa đổi, Dụ số 10 được ngưng thi hành.
Kết luận: Cũng nên ghi nhớ rằng từ năm 1950, nghĩa là từ 13 năm nay, không có một hội tôn giáo nào, Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, gợi lên những vấn đề liên quan đến căn bản của Dụ số 10 nói trên. Mặc dầu thế, để đáp lại nguyện vọng của phái đoàn Phật giáo, Tổng Thống VNCH đã chỉ thị cho ông Bộ trưởng nội vụ tiếp xúc với cơ quan lập pháp để nghiên cứu những sửa đổi cho Dụ số 10, và Quốc Hội đã thành lập một Ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ xem xét toàn diện vấn đề liên quan đến các Hội truyền giáo.
Về Dụ số 10 này thì ngay các vị lãnh đạo hàng đầu của Phật giáo cũng không biết tới vì thế họ không thể dùng làm tiêu chuẩn quy chiếu trước phái đoàn điều tra LHQ về sự bất công của Đạo dụ này. Không một nhân chứng lãnh đạo Phật giáo nào đã sử dụng Đạo dụ số 10 nhằm tố cáo chính phủ đã dùng Đạo dụ này để kỳ thị Phật giáo ở điều khoản nào.
Và giả dụ họ biết rõ đựoc tính chất Dụ số 10 này thì tại sao không nhờ các vị Thượng nghị sĩ liên danh Phật giáo yêu cầu Quốc Hội sửa đổi hay hủy bỏ theo đúng thủ tục pháp lý ngay từ những năm đầu của nền đệ nhất cộng hòa?
Năm 1950 Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ số 10 điều chỉnh các tổ chức hội đoàn trong đó các tôn giáo được xem như các hiệp hội. Đạo dụ này đặt ra những hạn chế đối với các hội đoàn, tôn giáo như chỉ cho phép các hội đoàn, tôn giáo có nguồn thu nhập là các lệ phí hội viên (hình thức đặt thùng lạc quyên, công đức là bất hợp pháp); hạn chế bất động sản của các hội, tôn giáo: chính quyền có thể buộc đấu giá các bất động sản của các hiệp hội, tôn giáo; chính quyền vì lý do trị an có thể không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép lập hội... Đặc biệt trong đạo dụ này có điều khoản 44 có quy định chế độ "ưu tiên đặc biệt" cho các hội truyền giáo Thiên chúa giáo, đặt Công giáo ra ngoài sự điều chỉnh của đạo dụ này. Thực chất đây là một chính sách thiên vị về tôn giáo của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp. (DCVOnline - Nguồn: Wikipedia.org)
Về vụ thảm sát Đài phát thanh Huế
Phái đoàn đã không hỏi các nhân chứng về vấn đề này nên sau đây chỉ là lời giải thich về phía chính phủ mà thôi.
Thuyết trình của Thiếu tướng Trần Tử Oai:
“Còn bảo rằng chính phủ đã ra lệnh tàn sát các người biểu tình bằng xe thiết giáp, súng đại bác, súng trường và lựu đạn thì đó chỉ là vu khống. Tất cả những vết thương xét thấy trên các thi thể nạn nhân, theo sự khám nghiệm của các nhà chuyên môn về y khoa là hoàn toàn là do chất nổ Plastic, mà quân đội VNCH cũng như các lực lượng an ninh không bao giờ có, mà chỉ bọn cộng sản mới có. Tuy thế, Tổng Thống cũng ra lệnh mở cuộc điều tra để tìm xem trách nhiệm về ai.”
Ý kiến của Bộ Trưởng Bô nội vụ, ông Bùi Văn Lương:
“Tôi đến quan xác những xác chết. Phần nhiều những xác này đều mất sọ, có cái bị thủng ở ngực vì những mảnh kim khí, nhưng không có cái nào bị thương ở phía dưới ngực. Không có những mảnh kim khí ở trong người, mà chỉ có những vết thủng. Tôi yêu cầu y sĩ giải phẫu và gởi kết quả cho tôi. Ông này đã khám nghiệm rất kỹ càng, chụp ảnh và đã cắt xén những bộ phận để quan sát, và đã gởi vào Sàigòn cho tôi những kết luận”.
Về sau, có những tin đồn rằng “xe tăng” đã xông vào trong đám đông và nghiến nát người; thật ra, không ai dùng xe tăng cả, mà chỉ có những xe bọc sắt hạng nhẹ; và những người chết không phải bị xe nghiến; đầu của họ bị văng xa vì chất nổ và họ chỉ bị thương ở ngực trở lên mà thôi. Kết luận của vị y sĩ khám nghiệm chứng nhận rằng họ bị chết vì chất nổ mãnh liệt, và cả 8 người đều chết ngay. Tất cả các xác chết đều tìm thấy ở trên thềm và không phải ở ngoài sân, không có mảnh kim khí nào trong những xác chết hay trên thềm xi măng....
Thiếu niên Phật tử chết trước ĐàiPhát thanh Huế ngày 8/5/1963
Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân
--------------------------------------------------------------------------------
Theo ý kiến của những pháo binh đã tiếp xúc ở Huế và Sài Gòn, người viết có thể kết luận rằng đây chắc là những bom Plastic. (“Chúng tôi có rất nhiều đạn dược do Mỹ cung cấp, nhưng không có plastic. Plastic là thứ khí giới của bọn du kích Việt Cộng.”)
Một nghi vấn rất quan trọng là Thiếu tá Đặng Sỹ sau này bị kết án 20 năm khổ sai được coi như người thừa hành ra lệnh sát hại 8 em Phật tử, vậy mà ông lại không có tên trong danh sách của phái đoàn điều tra LHQ? TT Thích Trí Quang giải thích ra sao về vấn đề này?
Để biết rõ thêm chi tiết một cách đầy đủ về vụ tàn sát trước đài phát thanh Huế ngày 8-5-1963, xin mời độc giả đọc bài Lịch sử còn đó của Nguyễn Văn Lục trên DCVOnline.net,16/06-21/06/2006.
Cho đến nay, không có một bằng cớ có tính cách pháp lý nào buộc cho ông Ngô Đình Cẩn và Đặng Sỹ trong việc sát hại 8 nạn nhân này mà TT Thích Trí Quang gọi là các thánh tử đạo, một chữ dùng rất sai lệch và không đúng chỗ. Các em đâu có phải tình nguyện hy sinh có chủ đich vì đạo đâu mà là chết oan vì những âm mưu chính trị dấu mặt.
Thủ bút của ông Ngô Đình Cẩn cảm ơn luật sư Võ Văn Quan đã biện hộ cho ông
Nguồn: OntheNet
--------------------------------------------------------------------------------
Về vụ án cũng như vụ xử bắn ông Ngô Đình Cẩn đã được nhiều báo thời đó đăng tải như báo Thần Chung với ký giả lão thành Nam Đình các ngày 18-19-07-1965 với hình ảnh các ông chánh án Lê Văn Thụ, công tố viện thiếu tá Lê Văn Đức và luật sư biện hộ Võ Văn Quan cùng với ảnh ông Ngô Đình Cẩn trước tòa án, ảnh mặc áo dài đen, áo mà mẹ ông đã may cho ông trước đây, ông bị cột vào trục xử bắn, ảnh sau khi bị xử bắn, v.v... Riêng tờ báo Tiếng nói Dân tộc có phụ trương đặc biệt ngày 1-1-1963 với bài tường thuật nhan đề như sau: “Vô cùng kinh ngạc về thái độ dửng dưng và thật trầm tĩnh của con người được mệnh danh là Út Trầu lúc mà Cẩn bị bác đơn xin ân xá.” Ký giả viết tiếp:
“Ông Cẩn im lặng chỉ hở môi để cảm ơn luật sư Quan và yêu cầu đừng bịt mắt vì ông không sợ chết. Điều đáng lưu ý là những tội đưa ra kết án ông Cẩn không có tội nào liên quan đến kỳ thị, đàn áp tàn sát Phật tử ngay cả nói xa nói gần đến vụ Phật giáo cũng không, mặc dầu vụ Phật giáo khởi đầu từ miền Trung là nguyên nhân trực tiếp làm sụp đổ chế độ và đưa ông Cẩn ra xét xử kết án tử hình.”
Độc giả có thể đọc thêm bài viết củaký giả Lý Quý Chung và bài điểm sách “Hồi ký không tên” của Lý Quý Chung với tựa đề “Nhật ký của im lặng” của Nguyễn Văn Lục đã đăng trên DCVOnline.net, 12-17/05/2006 để biết rõ thêm về cái chết của ông Ngô Đình Cẩn.
Về các vụ tự thiêu
Phái đoàn điều tra LHQ đã yêu cầu ông Bộ Trưởng Bùi Văn Lương cung cấp các thư viết tay, nếu có của các vị sư đã tự thiêu, nhất là vị sư đã tự thiêu ngày 27-10 trong lúc phái đoàn đang ở Sài Gòn.
Ông Bộ trưởng đã trả lời như sau:
“Còn về sự có thể có một bức thư hay nhiều bức thư của kẻ tự thiêu để lại, tôi cũng ở trong trường hợp như quý phái đoàn, nghĩa là chỉ nghe những phóng viên báo chí ngoại quốc cả quyết rằng có những bức thư ấy. Cuộc điều tra sẽ cho biết chắc chắn có một hay nhiều bức thư ấy. Kết quả và những kết luận của những cuộc điều tra về các vụ tự thiêu trước cũng vậy.
Những kết quả của cuộc giải phẫu thi thể kẻ đã tự thiêu hôm chủ nhật trước vừa được gửi đến cho tôi hôm qua, vì bộ y tế tiến hành một cuộc phân tích những bộ phận rất kỹ lưỡng. Quý ông có thể đọc thông cáo và những kết quả cuộc giải phẫu hiện đang nằm ở bàn giấy của tôi. Nạn nhân bị bệnh lao trầm trọng và hai lá phổi có nhiều lỗ thủng, mỗi lỗ dài hàng mấy phân tây.
(…)
Chúng tôi đã bắt liên lạc được với 4 người và nhờ phương pháp cải huấn, chúng tôi đã thảo luận với họ: “Các người không thích sống sao? Các người có điều gì bất mãn với chính phủ không? Tại sao các người muốn tự tử? Họ đã viết một bức thư ngỏ, thú nhận sự sai lầm của họ và tự nguyện sẽ đứng trước máy phát thanh để nhận lỗi và kêu gọi năm người bạn còn lại của họ ( một người đã tự thiêu) đừng nghe tuyền truyền láo khoát và công nhận họ đã lầm.Trong bức thư, họ tuyên bố họ bị giữ và canh chừng ở trong các chùa hay ở những nơi khác, bởi tổ chức bí mật, và có một số người đã nói cho họ biết trong khi đến lùng xét tại các chùa ngày 21 tháng 8, nhiều vị sư cầm đầu đã bị giết chết. Đó là sự xuyên tạc sự thật.
Nhân chứng số 8
Đặc biệt nhân chứng số 8, một chú tiểu 19 tuổi kể cho phái đoàn biết chú bị một người tên Linh dụ dỗ tự thiêu vào ngày Quốc Khánh có sự hiện diện của phái đoàn LHQ. Chú sẽ nhận được một tấm áo cà sa đã tẩm xăng và sẽ có người chở chú vào khu vực cấm. Đến nơi, chú chỉ mặc tấm áo cà sa có tẩm xăng rồi quẹt diêm châm lửa đốt. Nhưng trước đó, người ta sẽ cho chú mấy viên thuốc uống chống đau. Một buổi sáng, người thanh niên lạ mặt đã đến chùa và trao cho chú ba bức thư viết sẵn, một gửi tổng thống VNCH, một gửi thượng tọa Thich Thiện Hòa, trụ trì chùa Ấn Quang, kết tội thượng tọa đã phản bội tăng ni và tín đồ Phật giáo và một gửi phái đoàn LHQ cho biết lý do tại sao tự thiêu và bảo chú ký tên vào ba bức thư đã soạn sẵn. Người thanh niên cho chú biết Tổng hội Phật giáo đã thay đổi danh hiệu. Tổng hội mới này làm việc cho cộng sản. dặn chú tối 25/10 sẽ đến đón chú đến một nơi bí mật để sáng hôm sau đến nơi hành lễ.
Nhưng rủi thay, tôi bị cảnh sát bắt trước khi người thanh niên đến chùa. Và nay thì tôi sẽ khuyên mấy người kia đừng tự thiêu nữa.
Trong số 10 người có tên trong danh sách tự thiêu, chỉ có một người là nhà sư Thiện Mỹ đã chết.
Trường hợp tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức
Theo lời tường trình của của ông bộ trưởng bô nội vụ thì có một người đàn bà thân cận với Hòa thượng Thích Quảng Đức cho hay có đến thăm hòa thượng thì nay ông đổi ý định không muốn tự tthiêu nữa. Nhưng công việc tổ chức cho việc tự thiêu vẫn tiến hành. Hòa thượng được đưa lên một xe hơi Austin và đi tới trước tòa Đại sứ Cam Bốt. Theo ông Bộ trưởng, nhà sư không đi một mình và phải có hai người đi bên cạnh đỡ hai bên nách, dìu di. Có thể là ông ta đã uống quá nhiều thuốc. Các vị sư khác tưới dầu xăng vào ông ta. Những nhiếp ảnh viên và đại diện báo chí đã đứng sẵn ở đây, trước tòa Đại sứ. Tất cả mọi người, trừ chính phủ, đều biết chuyện ấy. Nạn nhân lấy ra một cái bật lửa, đánh lên, nhưng cái bật lửa không cháy, một vị sư khác đã đốt ông ta với một que diêm.
• Vì sao cái bật lửa không cháy? Đó là một câu hỏi cần được đặt ra. Nhà sư Quảng Đức đã rút đá lửa ra trước rồi chăng? Chúng tôi đã cố lùng bắt nhà sư đã quẹt diêm đốt. Ông Bộ trưởng nói tiếp, nhưng không bắt được. Hoặc là vì hối hận, nhà sư này đã đi ẩn trốn, hoặc là bọn cộng sản đã bắt giữ ông ta, vì sự làm chứng của ông ta sẽ vô cùng quan trọng.
Thật ra những câu hỏi của ông Bộ trưởng nội vụ đặt ra trong tư thế người của chính quyền đặt ra không lấy gì làm khả tín và quan trọng. Điều quan trọng là kể từ đó đến nay đã 50 năm nay, ngay cả giới lãnh đạo hay trí thức Phật giáo chưa hề thấy bất cứ bài viết nào của giới tăng sĩ Phật giáo dùng tập tài liệu gồm 300 trang này như chứng từ viết về vụ đàn áp Phật giáo năm 1963.
Điều đó làm cho những ai quan tâm đến biến cố 1963 đặt ra những dấu hỏi. Biến cố Phật giáo năm 1963 còn có nhiều vấn đề cần được tìm hiểu và nghiên cứu. Trong tương lai, sẽ có một học bổng của Mỹ trị giá 40 ngàn đô la dành cho một sinh viên tiến sĩ người Việt Nam nghiên cứu riêng về vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.
Chúng ta chờ xem.
Nhận xét nguyên do sâu xa của biến động Phật giáo năm 1963
Thường thì giới lãnh đạo Phật giáo chỉ nêu lên những nguyên nhân trực tiếp đưa tới việc Phật giáo phải đứng lên chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Cụ thể như có đàn áp tôn giáo xảy trong 4 tỉnh miền Trung như một vài nhân chứng đã tố cáo với phhái đoàn điều tra LHQ.
Nhưng việc bùng nổ biến động Phật giáo lại khởi đi từ một việc xem ra tầm thường là việc chống treo cờ Phật giáo.
Điều đó tuy tầm thường, nhưng cắt nghĩa được. Bởi vì hẳn là có những sự việc bị dồn nén, có những điều bất công được tích lũy, có những điều chướng tai gai mắt xảy ra hằng ngày cứ thế được kết tinh lại. Sự kết tinh ấy chọn ra được một biểu tượng cơ hội rất ý nghĩa: Đó là việc triệt hạ những lá cờ Phật giáo xuống trong ngày lễ lớn. Biểu tưởng lá cờ bị xúc phạm biến thành biểu tượng Phật giáo bị xúc phạm. Biểu tượng được nhân lên nhiều lần cứ thế mà lớn lên mãi biến thành một biểu tượng tranh đấu.
Tuy nhiên, nhìn biến động Phật giáo không đơn giản chỉ là việc triệt hạ những lá cờ, không phải chỉ là những lạm dụng tổ chức của cơ quan chính quyền hay của các cá nhân.
Nhưng cần lưu tâm đến yếu tố lịch sử Phật giáo trong quá khứ cũng như tổ chức Phật giáo so với Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo.
Nghĩa là cần một cái nhìn lịch sử về Phật giáo.
Một số bài viết liên quan đến Phật giáo thiếu một cái nhìn toàn cảnh của Phật giáo trong bối cảnh miền Nam nói chung. Vì thế, giải thích phong trào Phật giáo một cách phiến diện và dành một “ưu thế” về tính cách chính đáng của các cuộc vận động Phật giáo cũng như các cuộc tranh đấu xuống đường. Từ đó một cách mặc nhiên coi chính quyền VNCH là đối tượng của những sai lầm trong chính sách đường lối đối với Phật giáo. Và biến các vị lãnh tụ Phật giáo như Thich Trí Quang, Thích Tâm Châu, Thích Nhất Hạnh trở thành những nhân vật lãnh đạo tôn giáo tăm tiếng hàng đầu.
Nội dung các bài viết ấy vì thế không làm sáng tỏ được cái bản chất Phật giáo Việt Nam trong khung cảnh trước 1954 và sau 1954.
Không biết đến bản chất của Phật giáo thì việc thẩm định thiếu căn cơ và hời hợt.
Tiếp đến, tác giả thiếu kiến thức xã hội, chính trị cũng như lịch sử Việt Nam, coi việc tranh đấu cho tự do, dân chủ, tôn giáo là điều mặc nhiên, không cần bàn cãi nữa. Viết như thế, là gián tiếp thừa nhận Việt Nam đã có sẵn một truyền thống chính trị dân chủ, tự do lâu đời, dân trí cao như nước Mỹ và từ đó áp đặt các khuôn mẫu tư tưởng như tự do, dân chủ trên một cách máy móc không điều kiện, không lý gì đến hoàn cảnh một xứ chậm tiến như Việt Nam mà thật ra những khái niệm dân chủ, tự do mới được nhập cảng vào VN chỉ là những bài học vỡ lòng chưa thuộc.
Nước chậm tiến, lạc hậu mà ăn xài kiểu Mỹ, tranh đấu dân chủ, tự do kiểu Mỹ, đòi thực thi dân chủ, tự do kiểu Mỹ thì đến một lúc nào đó chính quyền nào rồi cũng phải rã đám, chưa kể cộng sản rình mò ngoài cửa ngõ giật giây và xâm nhập phá đám.
Còn về phía các vị lãnh tụ tôn giáo lại muốn mau chóng thực hiện giấc mơ phát triển tôn giáo bằng con đường đi tắt. Họ dùng các phương sách tranh đấu đối đầu, phản kháng bằng bạo lực đám đông như biểu tình, nhất là tự thiêu để đạt được một cái căn cước bằng một giá rẻ mà bình thường đòi hỏi nhiều thế hệ vun trồng mới đạt được.
Hãy lấy một trường hợp cụ thể, chẳng hạn để có thể thụ đắc được khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng ‘Đình Làng’ của Việt Nam - một truyền thống văn hóa hun đúc nuôi dưỡng lâu đời - nào phải chỉ trong chốc lát mà có được để từ đó trở thành nếp sống dân gian của tổ chức xã thôn.
Chính vì Phật giáo thiếu chuẩn bị, thiếu một thứ sinh hoat văn hóa tôn giáo truyền thống như khái niệm “cái đình” thiếu sự trưởng thành về nhân sự lãnh đạo, về tổ chức, về sự hiểu biết của Phật tử mà sau khi đã loại bỏ được đối thủ thì tổ chức Phật giáo sinh ra nạn bè phái, chia rẽ như chúng ta thấy.
Dù những bài viết trước đây có nhiều thiếu sót tôi vẫn giữ nguyên nội dung mà không sửa chữa lại. Điều đó cho thấy một diễn biến tư tưởng trưởng thành hơn trong nhận thức.
Sau đây là những trình bày của ông Ngô Đình Nhu về vấn đề Phật giáo cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc mà tôi nghĩ răng nó mở một lối ra cho ý nghĩa về phong trào tranh đấu của Phật giáo.
Theo ông Ngô Đình Nhu, vấn đề chính yếu đặt ra cho đúng là vấn đề chậm tiến chung cho nhiều xứ. Vấn đề Phật giáo nằm trong bối cảnh một nước chậm tiến. Trong đó phong trào Phật giáo phát triển mạnh, nhưng cán bộ không đủ nên có nhiều sai lệch không tránh khỏi.
Ông Nhu nhận xét, “Trong hoàn cảnh lịch sử của các nước chậm tiến, Phật tử đã đi lệch con đường giáo lý vì thiếu cán bộ để nghiên cứu.” (Trích tài liệu trang 61)
Vì thế trong chính sách của người Mỹ sau này dùng lực lượng Phật giáo như một sức mạnh tiềm năng mới, họ khuyến khích nhiều nhà sư đi du học qua các học bổng của cơ quan Asia Foundation do CIA tài trợ.
Cho nên, dưới nhãn quan của một số nhà quan sát, vụ Phật giáo chỉ là một khủng hoảng về sự phát triển của Phật giáo, khủng hoảng vỡ da, vỡ thịt, khủng hoảng trong tiến trình thay đổi và cải tiến - một khủng hoảng mà nhiều phe phái chính trị đã biết lợi dụng để khai thác như phía Việt Cộng và cả phía người Mỹ.
Nếu quan tâm đến sự phát ttriển Phật giáo, người ta sẽ nhận thức rõ ràng là tôn giáo này đã phát triển một cách quá mau lẹ đến nỗi ngay cả những lãnh đạo Phật giáo cao cấp cũng bất lực không kịp đào tạo cán bộ và nhất là ngoài tầm tay kiểm soát của họ. Phần lớn trong hàng lãnh đạo, vốn kiến thức bao gồm một số chữ Hán và kinh kệ từ sách Tàu theo truyền thống Đại Thừa. Nhiều lối tu học tản mạn theo từng ông thày mà sự giải thích kinh kệ đôi khi tùy tiện. Đó là tình trạng tu thiền hiện nay năm cha ba mẹ. Có thể có tình trạng mất gốc như trong lời mở đầu cuốn Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20TT Thích Thanh Từ cho rằng cuốn sách nhằm bổ túc:
“Để bổ cứu phần nào lối học Phật mất gốc của Phật giáo đồ Việt Nam. (…) Có lắm người Phật tử hâm mộ tu thiền, song sự có mặt của nhiều lối tu Thiền ở Việt Nam làm họ không biết đâu là tà đâu chánh. Nếu người dè dặt đành chịu chùn chân không biết theo ai. Nếu người nhiệt tình nóng bỏng nghe đâu theo đó, họ dễ bị lạc vào thiền tà ngoại.”
(Trích “Thiền Tông Việt Nam”, Thích Thanh Từ, trang 6-7 , nxb Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992, P.L 2536)
Việc tổ chức lại rất là lỏng lẻo. Chẳng hạn không có bất cứ một sổ sách danh bộ nào cho biết số lượng Phật tử cũng như ngay cả danh sách các cán bộ được đào tạo một cách chính quy. Nói Phật giáo chiếm tỉ lệ 80% phần trăm dân số cũng được mà nói 40% cũng không hẳn là sai.
Vì thiếu tổ chức và hệ thống hóa nên nhiều khi chỉ cần thay đổi y phục, cạo đầu, một người có thể dễ dàng trở thành một cán bộ tôn giáo như một Đại đức.
Điều nhận xét đó dựa trên sự kiện kiểm chứng được.
Nhân chứng số 38, một người đàn bà sống ở Huế đã chứng kiến các vụ lộn xộn xảy ra ở đó, nói với phái đoàn điều tra LHQ:
“Tôi có dự lễ ở chùa Tữ Đàm, thầy Trí Quang đã giải thích những biểu ngữ chống chính phủ và đòi phát thanh ghi những lời nói của Thượng tọa. Ai cũng có thể làm nhà sư, nên có sư thật sư giả: Vậy có thể có những người trá hình, tôi dám nói các nhà sư quá khích nhất chính là cộng sản và những nhà sư thật không thể có những hành động bạo lực ganh tị. Tổng thống Diệm là người theo đạo Thiên Chúa giáo, nhưng có thái độ khoan dung đối với các tôn giáo. Trong nhiều trại lính, có những chùa bên cạnh các nhà thờ.”“
(Trích dẫn phần thẩm vấn các nhân chứng từ trang 102.)
Sau 1975, theo như lời tuyên bố của TT Thích Trí Thủ cho phóng viên Alain Ruscio để giải thích tình trạng sa sút số lượng tăng ni không do lỗi của “cách mạng”, ông cho rằng có đến 20 ngàn tăng ni trú ẩn trong các chùa trước 1975 chỉ là thành phần trốn quân dịch và sau 1975 thì bỏ tu trở về đời sống dân thường.
“La diminution assez rapide du nombre des bonzes est un fait.Au sud, on est passé, de 1975 à 1978, de 30.000 à 10.000 bonzes... La guerre Américaine avait, le plus souvent artificiellement gonflé les rangs du bouddhisme. Ont affllúe dans ses rangs, pour des raisons circonstantielles, des dizaines de milliers d’hommes jeune: essentiellement des jeunes menacés par la conscription et désirant échapper à celle-ci”
(Trích Vivre au Viet Nam, Alain Ruscio, trang 170, éditions sociales, 1981)
Sự giảm số lượng các nhà sư là một sự thể có thật. Ở miền Nam, từ năm 1975 đến 1978, số lượng nhà sư từ 30.000 xuống còn 10.000 người. Chiến tranh của người Mỹ đã làm thổi phồng con số các nhà sư một cách giả tạo. Hàng chục ngàn người đã gia nhập hàng ngũ các người tu trì vì những lý do hoàn cảnh, nhất là những người trẻ bị đe dọa phải đi quân dịch và họ đi tu như một cách để trốn lính.
Về mặt phát triển, cũng phải nhìn nhận sự phát triển ấy tiếc thay nặng về xây dựng cơ sở. Tôi gọi tên căn bệnh đó là bệnh xây cất, maladie de la pierre.
Phát triển đồng nghĩa với xây cất.
Bệnh đó không nhất thiết chỉ xảy ra với khối Phật giáo. Một ông cha xây dựng xong được căn nhà thờ, nhà xứ coi như là mãn nhãn cả đời, không muốn bị đổi đi chỗ khác.
Hiện trạng Phật giáo hiện nay ở trong nước cũng không hơn gì. Còn tồi tệ hơn trước nữa. Làm thế nào xây được chùa lớn nhất, tượng Phật to, cao và nặng nhất, Xá Lợi thì rước linh đình thuê bao hẳn một chiếc máy bay rồi đón tiếp bằng các loại xe hơi xịn nhất.
Chính quyền cộng sản lại khuyến khích những chuyện như thế, hỗ trợ những điều ấy.
Ngoài ra, còn nặng về phần hình thức nghi lễ tụng niệm, ngay cả không ngần ngại bắt chước một số nghi thức của tôn giáo bạn. Tôn giáo mau chóng biến thành những “dịch vụ” cho ma chay, cưới hỏi, cầu siêu, cúng quả, buôn thần, bán thánh.
Khi ra thăm ngoài Bắc, tôi đã ngán ngẩm cái sinh hoạt Phật giáo “dịch vụ” ấy rồi.
Trở lại biến động Phật giáo 1963 cho thấy vấn đề tự do tôn giáo không phải là vấn đề độc nhất mà chính phủ lúc đó phải đương đầu.
Vấn đề chính là công bằng.
Ngoài ra còn có những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự phải giải quyết.
Theo ông Nhu, khi chế độ thực dân đi vào tàn tạ thì có phát triển và phục hưng các tôn gíáo. Nhưng với Phật giáo, vấn đề phục hưng không đóng một vai trò quan trong vì theo tinh thần cổ truyền, nếp sống của Phật giáo vẫn giữ tinh thần tự trị của chùa chiền.
Ông Ngô Đình Nhu nhận xét:
“Vào thời kỳ ấy cũng cósự phục hưng trên bình diện tôn giáo. Đây là một hiện tượng để xác nhận phẩm giá của Việt Nam về địa vị của mình trên trường quốc tế.
Đối với Phật giáo, sự phục hưng không đóng một vai trò quan trọng lắm trong những ngày tàn của thời kỳ thực dân, và sự kiện ấy có nhiều lý do: Theo cổ truyền của xứ sở, tinh thần tự trị của chùa chiền đã ăn sâu trong Phật giáo Việt Nam. Trước đây, mỗi ngôi chùa là một giáo đường riêng biệt. Mỗi vị trụ trì và bổn đạo làm thành một cộng đồng độc lập. Giáo lý nhà Phật và tính tình người Việt Nam đều mang mầu sắc cá nhân. Vấn đề tu dưỡng chỉ là việc riêng của mỗi người. Vì thế, những sự cố gắng đã bị phân tán, không hợp nhất, tuy lúc đó đã có một phong trào để đi đến thống nhất. Sự suy tưởng nội tâm của Phật giáo và tính tình người Việt tạo nên một hiện tượng ly tán. Dù muốn dù không, phải công nhận rằng có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết và người ta tự hỏi không biết Phật giáo có thể giải quyết nó như thế nào.”
Cùng một nhận xét như ông Ngô Đình Nhu, Topmiller nhận thấy tính cách trổi bật nơi Phật giáo là tính cá thể và tản quyền trong tổ chức Phật giáo.
Nó như một đặc điểm riêng của Phật giáo. Tính cách cá thể trong các tổ chức Phật giáo bắt buộc một số nhà lãnh đạo Phật giáo phải nghĩ đến việc thống nhất Phật giáo thành một tổ chức duy nhất.
Những nỗ lực ấy thường không đạt được sau nhiều cố gắng thử nghiệm và cho đến hiện nay nỗ lực ấy vần là một sự thất bại chưa vượt qua được.
Ngay cả khi có vận hội để họ trở thành một khối Phật giáo thống nhất như trong biến cố Phật giáo 1963, điều đó cũng không xảy ra như lòng mong muốn của nhiều nhà lãnh đạo.
“Despite their success in toppling Diem, Buddhists did not have an effective national organisation at the end of 1963. The multiplicity of sects in the country including significant numbers of both major streams of Buddhism, and the historic autonomy of the pagoda frustrated efforts to create an effective political vehicle to transform the victory into an association that could challenge the GVN and end the war.The decentralized nature of Vietnamese Buddhism, likewise, worked against a nationwide establishment, while the liberal doctrinal basis of Buddhism invited the factionalism that plagued the movement. Buddhist leaders retained the ability to call thousand of followers into the streets when they articulated a popular message, but they seldom had the means to hold the separate factions together for an extended period of time. In the end, they temporarily overcame the severe regional, political and ideological divisions in the movement to challenge the GVN. Nevertheless, although political powerful, the organised Buddhist movement never represented a majority of Vietnamese Buddhists.”
(Trích “The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966”, By Robert J. Topmiller, trang 6. Trích dẫn lại “Saigon Leader Says Junta is Eager to Give Up Power, của Charles Mohr, The New York Times, April 12, 1966:1 - DCVOnline)
Những nhận xét của ông Ngô Đình Nhu (1910-1963) ăn khớp với những nhận xét của Charles Mohr (1929-1989).
Nhưng theo nhận xét của người viết bài này Phật giáo hình như chỉ có thể lớn mạnh và được biết đến không hẳn nhờ vào lý thuyết Phật giáo mà nhờ vào những vận động chính trị của các nhà sư trong mỗi thời kỳ trong bối cảnh chính trị Việt Nam.
Thời Việt Minh, có sư cụ Phạm Thế Long, sư cụ trụ trì chùa Cổ Lễ, tại phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định phát động Phật giáo cứu quốc nằm trong mặt trận Liên Việt. Hàng loạt sư trẻ đã bỏ chùa, cởi áo nhà tu đi “yêu nước”.
Ông Ngô Đình Nhu đã nhận xét về các phong trào này như sau: “Bắt đầu năm 1954, những tư tưởng ấy trải qua nhiều thử thác cay chua. Sức mạnh của Phật giáo được nhiều người biết tới nằm trong những vận động đó. Nó vượt ra ngoài khuôn khổ giới hạn bởi địa phương hoặc một ngôi chùa thường nằm đơn độc, lẻ loi.” (Trích tài liệu LHQ, trang 52.)
Đến măm 1954, ở ngoài miền Bắc thì có cụ Trí Độ, thấm nhuần ánh sáng trí tuệ của chủ nghĩa Mác, cụ trụ trì tại chùa Quán sứ. Người ta biết đến danh tiếng của cụ là do mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền cộng sản. Nhưng đến năm 1955, cộng sản vào Hà Nội đã giải tán tất cả: đóng viện Phật học, giải tán tăng ni ở đâu về đó, đóng của nhà in Đuốc Tuệ, v.v… Mọi sinh hoạt phật giáo bị đình trệ như hệt trong Nam vào năm 1975.
Có lẽ một trong những điều thất vọng nhất của người viết khi tìm hiểu vấn đề Phật giáo là lúc đọc Tự truyện của TT Thích Trí Quang trong tập san Giao Điểm, số 26 tháng tư, 1997.
Đó là một tập Tự truyện vừa vắn tắt, vừa sơ sài, với những nhận xét đầy mặc cảm và cảm tính, vụn vặt nhỏ nhoi khi ông cho rằng ông Ngô Đình Diệm muốn Thiên Chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh ông là Ngô Đình Thục làm Hồng y giáo chủ nên ông Diệm kỳ thị đàn áp Phật giáo. Cái làm không xuôi là cờ Phật giáo. Vatican điều tra thấy Huế, địa phận của Tổng giám mục Ngô Đình Thục sao mà Phật giáo nhiều quá. Phật đản thì cờ Phật giáo đầy hai bên đường từ Huế ra La Vang, kiệu Đức mẹ thì từ La Vang vào Huế không có cờ của Vatican. Ông Ngô Đình Diệm bèn bắt công chức Huế phải báo cáo là giáo dân và Phật Đản 2507 (1963) thì triệt hạ cờ Phật giáo để Vatican thấy dân Huế theo anh mình hết rồi.
Sự kỳ thị ấy còn thể hiện trong chính sách ấp chiến lược, chỗ thì rào chùa vào trong ấp để dễ kiểm soát, chỗ rào chùa ra ngoài cho dễ kiểm soát, để dễ tự do bắn phá.
Chỉ trong ít dòng vắn vỏi ấy, đầy những nhận xét vu vơ, xuyên tạc và thiển cận. Ông không hề nhắc một chữ đến Ngô Đình Cẩn là người đã ra lệnh cho chức sắc cứ cho phép đã treo cờ thì cứ để cho họ treo cờ. Sau này, áp lực của ông để hạ sát ông Ngô Đình Cẩn một lần nữa nói lên cái tâm địa của ông.
Cái tâm địa tốt của một nhà tu hành không có. Nó làm tôi liên tưởng đến cuốn sách Hồi ký của Hoàng Linh Đỗ Mậu, nxb Công An Nhân dân, toàn những chuyện vu khống và bịa đặt.
Về điều này, trong Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu có nhắc đến trường hợp TT Trí Quang có viết thư cho ông Cẩn cam đoan sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa, sẽ chấm dứt mọi chuyện nếu ông Cẩn cho phép tổ chức lễ cầu siêu. Ai là người đáng tin giữa hai vị lãnh đạo này? Chính ông Bộ trưởng Nội vụ cũng được ông Trí Quang trấn an, bảo đảm không có chuyện lộn xộn nữa như trong lời chứng ở trên.
Phải chăng vấn đề của Phật giáo là vấn đề của chậm tiến và phát triển hay là vấn đề cảm thức sâu hận của con người? Khi ông Ngô Đình Thục ra Huế nhậm chức thì tướng Trần Văn Đôn đã điều động lính tráng ra Phú Bài đón tiếp dàn chào quá mức giống như việc đón tiếp một ông tổng thống.
Chế độ ấy bị suy sụp do những lạm dụng không cần thiết xuất phát từ một nhóm tướng tá hèn mạt như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu và một viên tỉnh trưởng kiêm thị trưởng vốn là một phật tử cho thấy trình độ dân trí như thế nào?
Tôi nghĩ không thể bình luận gì về sự “kém cỏi nhận thức” này của ông Trí Quang được.
Vì thế, nói cho cùng, thông qua tiểu truyện Tự ghi, vấn đề tranh đấu Phật giáo phải chăng chỉ là một vấn đề khơi động sự hận oán trong tâm lý quần chúng?
Chính vì thế, phải nhìn lại một cách trung thực biến cố Phật giáo 1963 mà thành phần chủ động là Phật giáo đại thừa gồm phần lớn sư sãi gốc Bắc và Trung trong khi Phật giáo trong Nam theo Tiểu Thừa tương đối ôn hòa và đứng ngoài sinh hoạt chính trị.
Sự trả lời của một số nhân chứng trong Ủy ban Liên phái cho phép chúng ta có nhận xét như trên.
Trớ trêu thay, phái đoàn điều tra LHQ đều là thuộc hệ phái tiểu thừa mà truyền thống Phật giáo có căn cơ, bám gốc rễ vào đất nước họ đến có thể nói đó là những xứ sở của Phật. Họ có văn hóa nếp sống Phật giáo ăn sâu vào tâm thức họ nên không dễ dàng thuyết phục được họ về tính cách bạo động trong cuộc tranh đấu Phật giáo ở Việt Nam. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của đạo Phật cần một thời gian lịch sử lâu dài với truyền thống văn hóa kết tinh, chọn lọc, kế thừa qua các thế hệ. (“Phái đoàn LHQ gồm đại diện các quốc gia Afghanistan, Brazil, Ceylon, Costa Rica, Dahomey, Morroco và Nepal” đa số không phải là các quốc gia có dân là Phật tử Tiểu thừa. Xem chú thích của DCVOnline.net, phần I.)
Rõ ràng phái đoàn điều tra LHQ đã không chia sẻ những cách thức tranh đấu của Phật giáo Việt Nam.
Trong khi cho đến thế kỷ 20, ảnh hưởng Nho giáo trong đời sống chính trị, văn hóa, sinh hoạt xã hội, gia đình là điều không chối cãi được.
Cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo, cho dù có dấu hiệu phát triển đáng ca ngợi vẫn không đủ mức chín mùi và một sự thay thế đột biến nào đó xét ra nguy hiểm, bât cập hơn là có lợi cho xã hội Việt Nam.
Trong tình huống như thế, vấn đề Phật giáo phải được nhìn trong bối cảnh một nước chưa ra khỏi chế độ phong kiến, thực dân mà trình độ dân trí còn yếu kém. Thành phần người lãnh đạo còn mang nặng tính chất phong kiến, quan liêu và lệ thuộc.
Tránh sao khỏi vô số những lạm dụng và bất toàn?
Cho nên, bản phúc trình của phái đoàn điều tra LHQ được công bố vào ngày 13-12-1963 đã có đoạn kết luận như sau ra khỏi mọi mong muốn của cấp lãnh đạo Phật giáo tranh đấu:
“Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội Đồng LHQ nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan. Không hề có kỳ thị cũng như đàn áp tôn giáo cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng. Không thể có một cách nào khác để phán đoán những dữ kiện thực tế, những va chạm giữa một hệ phái, mà không phải là toàn thể cộng đồng Phật tử Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn có tính cách chính trị. Đa số thành viên của phái đoàn điều tra đều đồng ý với chủ tịch Ủy ban. Report of the United Nations Facts Finding Mission to South Viet Nam. Washington: US government printing office , 1964, 254 trang Bản phúc trình này được LHQ công bố ngày 13-12-1963, hơn hai tháng sau ngày đảo chính 1-11-1963.
Trích bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Vy Khanh trong cuốn “Nỗ lực hòa bình dang dở” (Une autre paix manquée). Biến cố Phật giáo 1963 chẳng những là một thất bại thê thảm về mặt chính trị, quân sự mà còn là một thất bại cả về mặt tôn giáo nữa.
Nó chỉ là một manh động của một số lãnh đạo Phật giáo mà vai trò chủ chốt là Thích Trí Quang. Nó đã không đem lại, tự do, công bằng cho Phật giáo và nhất là nó biến phong trào Phật giáo trở thành những thế lực chính trị dưới danh nghĩa tôn giáo có thể làm khuynh đảo xã hội miền Nam.
Và kẻ duy nhất được hưởng lợi không ai khác là người cộng sản như nhận xét của Lê Duẩn trong Thư vào Nam, “Để hòng cải thiện thể chế chính trị ngày càng tồi tệ, Mỹ đã vứt bỏ Diệm, Nhu. Nhưng Mỹ đã tính nhầm. Sau khi truất phế Ngô Đình Diệm, thế chính trị của bọn bù nhìn chẳng những không tốt lên mà còn xấu hơn nữa.”(Trích Thư Vào Nam, Lê Duẩn, trang 50.)
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử