lịch sử việt nam

Trang Chính

Bản Tin Blogs:

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Về Việt-Nam và Trung Quốc:

Tưởng-Niệm 50 Năm 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Weblinks:

 

 

Cây có cội, nước có nguồn. Toàn dân Việt-Nam ngàn đời ghi nhớ ân đức Quốc Tổ Hùng Vương

Hồ Sơ Chủ Quyền Dân Tộc Việt Nam 

Thư-Viện Bồ Đề Online_Thư Viện Hoa Sen

nơi hội tụ của những tâm hồn trăn-trở về nhân-sinh quan và vũ-trụ quan

đồng thời xiển-dương Chánh Tín_bài trừ Mê-Tín Dị Đoan 

 

Ải Nam Quan Trong Lịch Sử

Mai Thái Lĩnh

Kể từ khi vấn đề “ải Nam Quan” bùng lên trên mạng Internet vào năm 2002, nó đã trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Khó khăn trong việc nghiên cứu đề tài này bắt nguồn từ những định kiến chính trị khiến người ta cường điệu hay cố gắng giảm thiểu mặt này hay mặt khác của vấn đề, nhưng trở ngại lớn nhất là thiếu những nguồn tư liệu khách quan. May thay, nhờ lòng yêu nước và nỗ lực của rất nhiều người, xuất phát từ những lập trường chính trị hết sức khác nhau nhưng cùng chung lòng thương yêu đối với Tổ quốc, cho nên những dữ liệu ngày càng dồi dào hơn, giúp cho chúng ta có thể vẽ nên một bức chân dung tương đối chính xác về ải Nam Quan trong lịch sử.       

Mặc dù vẫn còn khá mù mờ về tình trạng hiện tại của khu vực ải Nam Quan, do đó chưa thể xác định một cách chắc chắn Việt Nam đã mất bao nhiêu đất đai ở vùng này, nhưng diện mạo và lịch sử của ải Nam Quan được mô tả trong bài tiểu luận này có thể giúp ích phần nào cho việc tìm ra sự thật đó.

I - NHẬN DIỆN ẢI NAM QUAN

Căn cứ vào định nghĩa của Đào Duy Anh thì chữ ải có nghĩa là “chỗ đất hiểm trở, chật hẹp”, còn ải quan có nghĩa là “cửa quan, cửa ải nơi biên-giới (passe frontière)”. Trong khi đó, chữ quan được định nghĩa là “đóng cửa, lấy then ngang mà chặn cửa, cửa ải” và quan ải có nghĩa là “chỗ đất hiểm trở ở nơi biên giới của hai nước (poste frontière)”. Như vậy, ải không nhất thiết phải là một địa điểm nằm trên một con đường núi quanh co, chật hẹp, mà liên quan đến tính chất hiểm yếu của vị trí.

Mặt khác, đối với các nhà sử học và địa lý học ở nước ta vào đời nhà Nguyễn, có sự phân biệt giữa cửa quan và cửa ải. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) bộ cũ – biên soạn vào đời Tự Đức, những cổng gác trong nội địa được gọi là cửa quan (vd: cửa quan Quỷ Môn, cửa quan Lạng Thành, cửa quan Quang Lang v.v…); chỉ những cửa quan ở vùng biên giới mới được gọi là ải hoặc cửa ải. Một ải nào đó có thể có ý nghĩa quan trọng đối với nước này hơn là đối với nước kia, nhưng ải bao giờ cũng nằm ở biên giới giữa hai nước.

Một ví dụ điển hình về cửa ải không nằm trên một con đường núi quanh co, chật hẹp là “ải Bình Nhi”. Theo mô tả của bác sĩ Paul Neis trong bài bút ký “Trên vùng biên giới của Bắc Kỳ” (Sur les frontières du Tonkin), xuất bản vào năm 1888, Bình Nhi là tên một làng của Trung Hoa nằm trên hữu ngạn sông Kỳ Cùng, gần chỗ dòng sông rời biên giới Việt Nam để chảy vào đất Trung Quốc. Phía đối diện với làng Bình Nhi là những ngọn đồi cao, trên đó nhà Thanh bố trí các đồn lũy hay đúng hơn là những cứ điểm phòng ngự (camps retranchés) để kiểm soát con đường đi đến Long Châu. Sông Kỳ Cùng khi chảy trong địa phận của nước ta có rất nhiều ghềnh thác, chỉ có thể đi lại bằng thuyền độc mộc hoặc bè bằng tre, nhưng khi đến Bình Nhi thì lòng sông mở rộng ra và có thể chuyên chở những loại thuyền cỡ trung bình. Theo các nhà địa lý học của nước ta vào thời nhà Nguyễn, sông Kỳ Cùng “đổ ra cửa ải Bình Nhi thuộc Long Châu nước Thanh, người Thanh dùng dây sắt chắn ngang lòng sông”. Như vậy, Bình Nhi được coi là một “ải” là do vị trí hiểm yếu trên một dòng sông chứ không phải là một điểm trên một con đường núi hiểm trở. Ngược lại, phần lớn các cửa ải lại nằm tại các hẻm núi, trên một con đường hiểm trở, mà ví dụ điển hình là ải Nam Quan – đối tượng nghiên cứu của bài này.

Một số người (kể cả các quan chức ngoại giao của nước ta) giải thích rằng giữa hai nước bao giờ cũng có một “vùng đệm”, đánh dấu bằng “hai cửa khẩu” của hai bên, và biên giới nằm giữa hai cửa khẩu đó. Cách giải thích này xuất phát từ thực tế của các tuyến đường bộ xuyên biên giới thời nay nhưng hoàn toàn không phù hợp với khái niệm “ải” của nước ta thời xưa. Đó là chưa kể đến sự lẫn lộn giữa “cửa khẩu” với “trạm kiểm soát” nơi cửa khẩu. Có hai trạm kiểm soát của hai nước nằm ở hai bên đường biên giới, nhưng suy cho cùng: chỉ có một cửa khẩu, một đường biên giới.

1) Ải Nam Quan và hệ thống phòng ngự biên giới

Xét toàn bộ tuyến biên giới Việt – Trung, hệ thống phòng thủ thuộc tỉnh Lạng Sơn có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì vùng đất này có những ngõ giao thông thuận tiện mà quân Trung Quốc thuộc mọi triều đại có thể dùng để tấn công Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng là nơi có địa thế hiểm trở mà nước ta có thể dựa vào đó để phòng vệ. Vì lý do đó, ải Nam Quan được chú ý nhiều hơn so với tất cả các ải ở biên giới phía Bắc nước ta. Vào thời nhà Nguyễn, ải Nam Quan là trung tâm của một hệ thống biên phòng thuộc tỉnh Lạng Sơn bao gồm 12 ải từ phía tây sang phía đông.

Trong ĐNNTC có chép lại một đoạn từ cuốn Bắc thành địa dư chí của Lê Đại Cương, qua đó liệt kê 12 cửa ải của tỉnh Lạng Sơn: ở giữa là ải Nam Quan, phía tả có 5 cửa ải, phía hữu có 6 cửa ải. Năm cửa ải phía bên trái của ải Nam Quan bao gồm: (1) ải Bình Nhi (ở địa giới Long Châu nước Thanh), (2) ải Cảm Môn (ở địa giới châu Hạ Đống nước Thanh và địa phận thôn Cụ Khánh huyện Thất Khê), (3) ải Cổ Thành (ở địa phận châu Hạ Đống giáp giới xã Nghĩa Thầm huyện Thất Khê), (4) ải Nguyệt Hoa (ở địa giới châu Hạ Đống, giáp địa phận Bình Lăng huyện Thất Khê) và (5) ải Ba Ôn (ở địa giới châu Hạ Đống giáp Long Châu và địa phận xã Nông Đồn huyện Thất Khê cùng đồn Na Lạn châu Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng). Sáu cửa ải phía bên phải của ải Nam Quan là: (1) ải Du Thôn (xã Bảo Lâm châu Văn Uyên, phía bắc giáp thôn Điếu Sách, châu Thượng Thạch của nước Thanh), (2) ải La (ở địa giới châu Ninh Minh, giáp địa phận xã Trừ Trị, châu Thoát Lãng), (3) ải Khấu Sơn (ở địa giới châu Ninh Minh, giáp địa phận xã Suất Lễ châu Lộc Bình), (4) Mã ải (ở địa giới châu Tư Lăng, giáp địa phận xã Suất Lễ châu Lộc Bình), (5) Tiệm ải (ở địa giới châu Tư Lăng, giáp địa phận thôn Trị Mã xã An Khoái châu Lộc Bình) và (6) ải Na Thôn, ở địa giới châu Tư Lăng, giáp địa phận xã Tĩnh Gia châu Lộc Bình và giáp đồn Định Lập huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Yên).

Ải Nam Quan

Ảnh 1: Bản đồ biên giới Quảng Tây giữa Chima (Trị Mã) và Binhi (Bình Nhi)

Tấm bản đồ in kèm theo đây (Ảnh 1) được trích từ bút ký của bác sĩ P. Neis. Nó có thể giúp chúng ta hình dung phần nào hệ thống đồn biên phòng ở Lạng Sơn vào giữa thập niên 1880. Bình Nhi (Bin-hi) là cửa ải cuối cùng ở phía tây của tỉnh Lạng Sơn, đường biên giới chạy ngang một đập nước (barrage) ở phía thượng lưu của Bình Nhi. Ải Trị Mã (porte de Chi-ma, cửa Chi Ma) chính là Tiệm ải (hay Kiệm ải) nằm ở thôn Trị Mã xã An Khoái châu Lộc Bình giáp với châu Tư Lăng (Se-ling-Tchéou). Ải Nam Quan nằm ở giữa, được ghi là “Cua-ai ou Tche-nan-quan” (Cửa ải hay Trấn Nam Quan), được chú thích bằng tên tiếng Pháp ”Porte de Chine” (Cửa Trung Hoa). Năm cửa ải bên trái của ải Nam Quan là: Bin-hi (Bình Nhi), Pa-kéou-aï, Porte de San-chi (Cửa San-chi), Porte de Bochaï (Cửa Bochaï), Ki-da-aï. Số lượng phía bên phải của ải Nam Quan nếu tính cả ải Na Thôn (trong bài viết ghi là Nathong, trên bản đồ ghi là Na-tong) lên đến 8 cái, nhiều hơn 2 cái so với miêu tả trong ĐNNTC. Đó là các ải: Aï-Ro (ải Du, hay còn gọi là ải Du Thôn), Pan-Pien-aï, Aï-Loa (ải La), Tonguen-aï, Pa-chi-aï, Na-chi-aï, Na-ho-aï hay còn gọi là Porte de Chi-ma (ải Trị Mã hay ải Chi Ma), Na-tong (Na Thôn).

Điều đáng chú ý là không phải tất cả các cửa ải đều được mở cho nhân dân hai nước tự do đi lại. ĐNNTC có ghi rõ một số cửa bị cấm không cho đi lại thông thương: như năm cửa ải phía bên trái của ải Nam Quan, hoặc ải La, ải Khấu Sơn, Mã ải.

Đặc biệt quan trọng là hai cửa ải Nam Quan và Du Thôn. Ải Du Thôn (còn gọi là ải Du) “cách tỉnh thành 30 dặm về phía bắc, ở địa phận Du Thôn xã Bảo Lâm châu Văn Uyên, phía bắc giáp thôn Điếu Sách, châu Thượng Thạch nước Thanh, từ ải này đến Trấn Nam Quan đi theo đường núi, ước hết hai trống canh rưỡi, phàm công việc giao tống công văn và khách buôn đi lại, đều do cửa ải này.” Còn ải Nam Quan (còn gọi là ải Nam Giao hoặc Đại Nam Quan, người Thanh gọi là Trấn Nam Quan) thì “cách tỉnh thành 31 dặm về phía bắc, ở địa phận hai xã Đồng Đăng và Bảo Lâm thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp địa giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh”. Cửa quan này “có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở.” 

Như vậy trong hệ thống đồn biên phòng giữa hai nước Trung-Việt, do quá trình xâm lược và chống xâm lược lâu dài, cả hai bên không ai tin ai hoàn toàn, đặc biệt là phía Việt Nam là nước nhỏ hay bị xâm lược lại càng phải cảnh giác, đề phòng. Vì vậy cửa Du Thôn được mở để giao thương, còn ải Nam Quan thì vẫn cửa đóng then cài, chỉ mở để cho các đoàn ngoại giao qua lại. Kỹ sư Trương Nhân Tuấn có tìm ra trong thư khố ở Pháp một bài bút ký kể lại chuyến du hành của một người Hoa tên là Tsai-Tin-Lang. Vào năm 1873, ông này bị đắm tàu tại vùng biển Trung Kỳ và tìm cách trở lại Trung Quốc bằng đường bộ. Theo lời kể của Tsai, ông đã trở về Trung Quốc bằng một cửa ải có tên là Yo-ai hay Nan-Kouan (Nam-Quan). Cũng theo ông này, “người An-Nam gọi ải nầy là Io-tsong-ai”. Thật ra, Yo-ai trong tiếng Việt chính là “Du ải” (ải Du), còn Io-tsong-ai là “Du Thôn ải” (ải Du Thôn), như cách gọi trong ĐNNTC. Ông Tsai đã nhầm tưởng ải Du Thôn là ải Nam Quan.

Chúng ta có thể hiểu ải Nam Quan là trung tâm của một hệ thống phòng thủ, là kết tinh lâu đời của một quá trình chống ngoại xâm. Đó là điểm nút của một hệ thống bố phòng mà quân Trung Quốc không bao giờ có thể phá vỡ được và mỗi khi phá vỡ được, kẻ địch có thể chiếm Đồng Đăng và tiến thẳng vào chiếm Lạng Sơn, uy hiếp thành Thăng Long (Hà Nội).

Mặc dù từ thời Gia Long, thủ đô đã được dời vào Phú Xuân (Huế), tầm quan trọng của Hà Nội không còn như trước kia, nhưng nhà Nguyễn cũng hết sức coi trọng hệ thống cửa ải của Lạng Sơn, đặc biệt là hai cửa ải Nam Quan và Du Thôn. Theo Đại Nam thực lục, “phàm có sứ bộ qua lại thì do ải Nam Quan đưa đi, người phạm tội và dân bị bão xiêu dạt thì do ải Du Thôn”. Vào thời Lê có đặt hai hiệu để giữ hai ải, mỗi ải có hai chức quan là chánh và phó thủ hiệu, được cấp một chiếc ấn khắc chữ “Văn Uyên châu quảng úy sứ ty chi ấn” để mỗi khi tiếp lãnh công văn của nhà Thanh thì đóng ấn ấy làm tin. Đến đời Gia Long, nhà vua tiếp tục sử dụng hai quan thủ ải cũ là Nguyễn Đình Minh và Nguyễn Đình Giáp, cho Đình Minh làm Thủ hiệu giữ ải Nam Quan, Đình Giáp làm phó thủ hiệu giữ ải Du Thôn, và cấp cho ấn đồng khắc chữ triện “Văn Uyên châu thủ hiệu chi chương”.

Cũng vào đời vua Gia Long, tại Lạng Sơn có đặt một cơ đặt tên là cơ Hùng tiệp gồm 9 hiệu, mỗi hiệu có 2 đội, tổng cộng 18 đội. Trong 9 hiệu, có hai hiệu giữ cửa ải: một ở cửa Nam Quan và một ở cửa Du Thôn. Mỗi đội có khoảng 23-24 người.

Vào lúc vua Minh Mệnh lên ngôi, tổng số thổ binh ở Lạng Sơn là 424 người, toàn bộ số lính đó được dồn lại thành 3 hiệu (Trung, Tiền, Hậu), mỗi hiệu có 3 đội, ngoài ra còn có một hiệu giữ cửa quan. Thổ ty ở Lạng Sơn là chánh thủ hiệu Nguyễn Đình Minh được phong chức Phòng ngự sử, đóng giữ cửa Nam Quan, Phó thủ hiệu là Nguyễn Đình Ái làm Phòng ngự đồng tri, giữ cửa Du Thôn. Từ thời nhà Lê cho đến đời vua Gia Long nhà Nguyễn, cả hai cửa quan đều dùng chung một chiếc ấn, khi có văn thư đi lại thì người giữ hai cửa cùng bàn bạc mà đóng ấn. Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) nhà vua cấp cho mỗi cửa quan một chiếc ấn đồng, chánh thủ hiệu giữ cửa Nam Quan sử dụng chiếc ấn có khắc chữ “Văn Uyên tấn khẩu”, còn phó thủ hiệu giữ cửa Du Thôn thì sử dụng chiếc ấn có khắc chữ “Du Thôn tấn khẩu”.

2) Diện mạo của Nam Quan

Vai trò quan trọng của ải Nam quan bắt nguồn từ vị trí hiểm yếu của nó. Diện mạo của nó được mô tả trong Đại Nam Nhất Thống Chí như sau :

“… phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề ba chữ 'Trấn Nam quan', dựng từ năm Ung Chính thứ 6 triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ 'Trung ngoại nhất gia', dựng từ năm Tân Sửu đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có Chiêu Đức đài, đằng sau đài có Đình Tham Đường (nhà dừng ngựa), của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng Đức đài, của nước ta, bên tả bên hữu đài có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan, thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ.”

Bức tường gạch ở hai bên cửa ải dài đến 119 trượng. Nếu tính theo thước của người Trung Quốc thì  1 thước Tàu = 0,3333 thước tây, vậy 1 trượng (10 thước) = 3,33 m; 119 trượng tương đương 396 m. Nhưng nếu tính theo hệ thống thước đo ruộng đất vào đời nhà Nguyễn thì 1 thước = 0,47 m, 119 trượng tương đương với 559 m. Một bức tường như thế không dễ bị phá hủy, do đó luận điệu của phía Trung Quốc về việc ải Nam Quan bị hủy hoại nhiều lần trong chiến tranh là luận điệu tuyên truyền không đáng tin cậy. Bom đạn có thể phá hủy một phần của cửa ải hay của bức tường, nhưng không thể phá hủy hoàn toàn, trừ khi con người cố tình tìm cách xóa dấu tích.

Như vậy, ải Nam Quan nằm ở dưới thấp, trên một con đường quanh co chật hẹp chạy giữa hai dãy núi. Vào năm 2002, khi cuộc tranh luận về ải Nam Quan nở rộ trên mạng Internet, trong một số bài viết có đăng kèm một tấm ảnh không ghi rõ do ai chụp và chụp vào thời điểm nào, cho thấy toàn cảnh ải Nam Quan vào thời Pháp thuộc (ảnh 2). Tấm ảnh này cho chúng ta thấy quang cảnh chung của con đường hiểm trở và cửa ải Nam Quan, gần giống với điều được mô tả trong ĐNNTC. Con đường biên ải chạy theo thung lũng hẹp, hai bên là đồi và núi. Ở giữa là cửa ải, trên có trùng đài (đài có nghĩa là “cái nhà làm cao có thể đứng trông xa được”, trùng là “chồng lên trên”). Ở phía trái tấm ảnh, trên đồi cao chúng ta thấy một doanh trại của quân đội nhà Thanh.

Có một vấn đề đặt ra là Chiêu Đức đài và Ngưỡng Đức đài nằm ở vị trí nào? Theo từ điển của Đào Duy Anh thì đài là “cái nhà làm cao có thể đứng trông xa được”. Từ trùng đài người ta có thể nhìn xa, nhưng tầm nhìn bị hạn chế vì xung quanh là đồi núi. Như vậy, muốn nhìn được xa hơn thì đài Chiêu Đức phải được xây ở vị trí cao hơn, như trên đỉnh một ngọn đồi hay ở lưng chừng đồi. Nhìn vào ảnh 2, chúng ta thấy vị trí của Chiêu Đức đài và Đình tham đường (nhà dừng ngựa) của nhà Thanh ngày trước có thể chính là vị trí của doanh trại xây trên đỉnh đồi. Hạn chế của tấm ảnh nói trên là chúng ta không nhìn thấy vị trí của Ngưỡng Đức đài của phía Việt Nam.

Có một bức họa giúp chúng ta làm rõ được thắc mắc này (ảnh 3). Bức họa này do Eugène Burnand thực hiện để minh họa cho bài bút ký “Sur les frontières du Tonkin” (Trên vùng biên giới Bắc Kỳ) của bác sĩ P. Neis, tức là bài bút ký kể lại công tác phân định biên giới Việt-Trung trong những năm 1885-1887, được xuất bản lần đầu tại Pháp vào năm 1888 trong bộ sách Tour du monde (Vòng quanh thế giới) tập 54. Có thể xem bức họa này trong bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này, được xuất bản tại Thái Lan vào năm 1998. Bức họa này – cũng như tất cả các bức họa khác đăng trong bút ký của Neis, rất đáng tin cậy, vì nó được họa sĩ Eugène Burnand vẽ lại dựa vào các ảnh chụp của trung úy Hairon, một thành viên của phái đoàn Pháp tham gia công tác phân định biên giới Việt-Trung.

Ải Nam Quan nhìn từ phía Việt Nam

Ảnh 1: Ải Nam Quan nhìn từ phía Việt Nam

Cổng Trung Hoa

Ảnh 2: Cổng Trung Hoa (Chinese gate, tức Ải Nam Quan) nhìn từ phía Trung Quốc

Nhìn vào bức họa này, chúng ta thấy một toán kỵ binh Pháp từ phía Trung Quốc trở về ải Nam Quan. Một doanh trại của quân đội nhà Thanh nằm trên ngọn đồi phía tây của cửa ải (tức bên phải tấm ảnh); đó chính là vị trí của Chiêu Đức đài và Đình Tham Đường. Bức tường thành và cái cổng ở phía dưới đã được sửa chữa lại sau khi bị tướng Négrier phá vào năm 1885, nhưng chưa xây lại trùng đài. Mặt khác, chúng ta thấy cửa ải vẫn nối liền một mạch với bức tường thành ở hai bên cửa ải và cả hai bức tường này đều không cao lắm (phải chăng do hư hại trong cuộc chiến Pháp-Thanh?). Phía sau cửa ải, chúng ta nhìn thấy thấp thoáng vị trí của “Ngưỡng Đức đài và những dãy hành lang làm nơi tạm nghỉ của sứ bộ ta” nằm trên sườn đồi phía đông-nam của cửa ải (bên trái của bức họa). Bức họa này cũng cho thấy những đồi núi trùng điệp của Việt Nam phía sau cửa ải. Bức họa này cũng cho thấy những đồi núi trùng điệp của Việt Nam phía sau cửa ải. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao trong khi nhà Thanh cho xây doanh trại kiên cố trên đỉnh đồi và bức tường thành hai bên cửa ải thì về phía nước ta, từ đời nhà Lê cho đến nhà Nguyễn, các vua chúa nước ta không quan tâm nhiều đến việc xây tường gạch hay trại đóng quân quy mô ở vùng Nam Quan. Địa hình hiểm trở về phía ta cho phép chỉ cần có quân canh gác và hệ thống báo động (bằng cách đốt lửa) dọc theo đường từ Nam Quan về tới Đồng Đăng là ta có thể ứng phó kịp thời mỗi khi địch quân kéo đến xâm lược, vì Đồng Đăng chỉ cách ải Nam Quan từ 4 đến 5 km. Hơn thế nữa, tất cả các cửa ải phía bên trái của ải Nam Quan (nhất là hai cửa ải Kida và Bochaï sát cạnh ải Nam Quan) đều không được phép đi lại, do đó quân địch không thể đánh tập hậu từ phía sau lưng ải Nam Quan.

Theo Nguyễn Trọng Đang thì trước khi ông đến nhậm chức đốc trấn Lạng Sơn, đài Ngưỡng Đức (hay Vọng Đức) “không có quân, hai bên tả hữu lợp bằng cỏ, sửa chữa qua loa.” Ông đã đến nhậm chức ở Lạng Sơn vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41, tức là năm Canh Tý (1780), ngang với năm thứ 45 niên hiệu Càn Long nhà Thanh. Đến năm thứ 5, tức là năm Giáp Thìn (1784), ông mới xin phép triều đình sửa chữa lại công trình này. Khởi công từ mùa đông Giáp Thìn đến mùa xuân năm Ất Tỵ (1785) thì hoàn thành công việc tu sửa. Do được “sửa chữa lại, đổi dùng gạch ngói” cho nên đài mới “có vẻ hoành tráng”. Sửa chữa xong, Nguyễn Trọng Đang cho dựng một tấm bia để ghi lại sự kiện này. Mặc dù ngày nay tấm văn bia không còn, nhưng nội dung của nó đã được ghi lại trong cuốn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu - một tác phẩm địa lý được viết dưới đời vua Minh Mệnh.

Tấm ảnh trên đây (ảnh 4) do tác giả Trương Nhân Tuấn công bố vào năm 2006. Đó là một tấm bưu ảnh (carte postale) chụp vào đầu thế kỷ 20, cho thấy toàn cảnh ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc. Chúng ta thấy ở hướng tây (bên phải của tấm ảnh) có một dãy núi đá vôi, đúng như ĐNNTC đã mô tả. Bức tường có lỗ châu mai (mur crénelé) ở hai bên đã được xây lại và làm thành một đường thẳng với cửa ải. Ảnh này cũng cho thấy rõ phía đông của cửa ải (bên trái tấm ảnh) là một ngọn đồi khá cao, đúng như nhận xét của P. Neis khi ông ước lượng các ngọn đồi xung quanh ải Nam Quan có độ cao trung bình từ 50 đến 60 m. Ở phía dưới thung lũng là một ngôi làng của Trung Quốc. Có thể xác định gần như chắc chắn: tác giả của tấm bưu ảnh mang số 791 này (và cả tấm bưu ảnh số 115, tức ảnh 2) chính là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Pierre Dieulefils (1862-1937), sang Đông Dương năm 1885, trước là hạ sĩ quan trong quân đội Pháp, sau khi xuất ngũ hành nghề nhiếp ảnh tại Hà Nội. Từ cuối năm 1902 đến 1924, ông đã sản xuất trên 5.000 tấm bưu ảnh (carte postale), trong đó phần lớn là ảnh về Đông Dương.

Ải Nam Quan

Ảnh 4: Trường thành và ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc

Ải Nam Quan

Ảnh 5: Ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc

Một tấm bưu ảnh khác (mang số 797) cũng do tác giả Trương Nhân Tuấn công bố cho thấy cận ảnh của ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc (ảnh 5).

Ảnh 6: Cửa Trung Hoa và Trường thành ở Nam Quan

Bức ảnh này có lẽ chụp vào cùng thời điểm với tấm bưu ảnh số 791 (vì kiến trúc của trùng đài rất giống nhau) cho thấy bức tường có lỗ châu mai (mur crénelé) được xây khá cao. Chúng ta có thể tìm thấy tấm bưu ảnh này trong bộ sưu tập của Pierre Dieulefils.

Một tấm bưu ảnh khác của Pierre Dieulefils mang số 598 cho chúng ta thấy được toàn cảnh của ải Nam Quan nhìn từ phía Việt Nam (ảnh 6). Tấm ảnh này có lẽ được chụp vào một thời điểm muộn hơn so với các tấm ảnh trước, vì cửa quan có mái cong và có dáng vẻ đẹp hơn so với trước. Chúng ta cũng thấy rõ bức trường thành (muraille) ở phía tây chạy dài đến tận chân núi đá vôi. Mặt khác, nhiếp ảnh gia đã đứng từ một vị trí rất cao trong lãnh thổ Việt Nam để chụp ảnh, chứng tỏ về phía nước ta có những cao điểm có thể khống chế các vị trí của quân địch.

Tấm bưu ảnh mang số 792 trên đây mà một tác giả tên là Chân Mây vừa giới thiệu trên Internet cách đây không lâu giống hệt với tấm bưu ảnh mang số 598 vừa giới thiệu ở trên. Tấm ảnh (ảnh 7) hấy ở phía tây (bên trái tấm ảnh) có một doanh trại của phía Trung Quốc nằm trên đỉnh một ngọn đồi, tức là vị trí của Chiêu Đức đài trước kia.

Cửa Trung hoa ở Nam Quan

Ảnh 8: Cửa Trung Hoa ở Nam Quan

Điều cần lưu ý là về phía Việt Nam, trước mặt trùng đài của Trung Quốc, cách một quãng ngắn còn có một cửa nhỏ nối liền với một bức tường chạy song song với bức trường thành của phía Trung Quốc. Tấm cận ảnh sau đây mà Chân Mây giới thiệu giúp chúng ta thấy được rõ hơn cái cửa nhỏ này (ảnh 8).

Tóm lại, diện mạo của ải Nam Quan là một diện mạo rất đặc biệt, không thể nhầm lẫn: cửa ải nằm trên một con đường hiểm trở chạy giữa hai dãy núi, một bên là núi đá (núi đá vôi), một bên là núi đất. Một bức trường thành được xây ở cả hai sườn đồi nằm hai bên cửa ải; về phía tây, bức tường này chạy lên đến tận chân dãy núi đá vôi. Cửa quan được đặt ở giữa hai quả đồi, tại một vị trí thấp ngay trên con đường bộ chạy từ nước này sang nước kia. Điều đáng lưu ý là về phía đông-nam của cửa ải, từ các vị trí khá cao, người ta có thể nhìn thấy toàn bộ cửa ải và bức tường do Trung Quốc xây, và có thể chụp được những tấm ảnh toàn cảnh chẳng khác gì ảnh chụp từ máy bay.

Điều này khiến cho người ta thắc mắc: tại sao các cấp thẩm quyền của cả phía Trung Quốc lẫn phía Việt Nam từ trước đến nay không hề trưng ra những tấm ảnh tương tự để “đập tan luận điệu của bọn phản động và bọn cơ hội”, trong khi đó là cách tốt nhất để chứng minh rằng đường biên giới cũ không hề thay đổi? Có hai giả thuyết: một là Việt Nam đã đánh mất tất cả các điểm cao ở phía Nam của ải Nam Quan, do đó không thể chụp được những tấm ảnh toàn cảnh như những nhiếp ảnh gia người Pháp đã chụp. Giả thuyết thứ hai là vẫn còn có những cao điểm tương tự, nhưng người ta không chụp những tấm ảnh như thế vì sợ để lộ ra sự thật là một diện tích khá lớn của Việt Nam đã mất về tay Trung Quốc ngay tại cửa ải Nam Quan.

Cũng cần lưu ý đến một điểm khác: tại sao trong Đại Nam nhất thống chí chỉ nói đến một cửa, có khóa, trong khi nhìn vào các tấm ảnh chụp từ phía Việt Nam, chúng ta lại thấy hai cửa ải và hai bức tường song song, ít nhất là ở phần dưới thấp? Đó là vấn đề mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau, khi đi sâu vào lịch sử của ải Nam Quan.

Phần 2

Trong một bài trả lời phỏng vấn vào đầu năm 2008, ông Vũ Dũng – lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tuyên bố một cách chắc nịch: “Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.”

Nếu dựa trên văn bản pháp lý (tức là văn bản ký kết giữa nước Pháp và nhà Thanh) thì có thể nói đường biên giới nằm ở phía nam ải Nam Quan. Nhưng nếu dựa trên những văn bản lịch sử như trên vừa trình bày thì đường biên giới “đi ngang qua ải Nam Quan” chứ không nằm ở phía nam của cửa ải. Chỉ những người tin vào sử Tàu mà không tin vào sử Việt mới cho rằng đường biên giới lịch sử nằm ở phía nam ải Nam Quan. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi đã xác lập quyền thống trị trên toàn bộ lục địa Trung Hoa vào năm 1949 đã “bê nguyên xi” luận điệu của nhà Thanh vào quan niệm sử học và địa lý học của họ. Trong khi đó, những người cộng sản Việt Nam không hiểu do đâu mà trở nên mơ hồ, mù mờ, thay vì dựa vào sử liệu của tổ tiên lại thừa nhận luận điểm của phía Trung Quốc, thậm chí coi đó là luận điểm chính thống của mình?

2) Đường biên giới pháp lý theo Hiệp ước Pháp-Thanh

Vậy thì tại sao đường biên giới từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18 vẫn chạy ngang ải Nam Quan, bỗng dưng lại bị đẩy lùi xuống phía nam ải Nam Quan? Điều này có liên quan đến hoàn cảnh lịch sử của nước ta vào thập niên 80 của thế kỷ 19.

Vào ngày 25.8.1883, nhà Nguyễn phải ký Hiệp ước Harmand (còn gọi là Hòa ước Quý Mùi) chấp nhận chế độ bảo hộ (protectorat) của nước Pháp đối với Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ngày 11.5.1884, tại Thiên Tân, nhà Thanh ký hòa ước công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp đối với Việt Nam và đồng ý rút quân khỏi Bắc Kỳ. Nhưng do quân Pháp bị phục kích bất ngờ tại Bắc Lệ, một cuộc chiến tranh không tuyên bố lại bùng nổ giữa quân đội hai nước Pháp và Trung Hoa, kéo dài mãi đến giữa năm 1885. Mặc dù đạt được thắng lợi trên mặt biển (như phá hủy hạm đội đóng tại quân cảng Phúc Châu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hạm đội Nam Dương) cũng như đạt được một số thắng lợi trên chiến trường ở miền Bắc Việt Nam, nhưng do cuộc rút quân đột ngột tại Lạng Sơn vào cuối tháng 3 năm 1885, chính phủ Jules Ferry bị phe đối lập (đứng đầu là Georges Clémenceau) công kích kịch liệt, dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ này vào ngày 30.3.1885. Do đó, nước Pháp không muốn kéo dài cuộc chiến và đồng ý ký Hiệp ước Thiên Tân (ngày 9.6.1885) chấm dứt cuộc chiến tranh Pháp-Thanh. Để thực hiện hiệp ước này, hai phái đoàn đã được thành lập để tiến hành công tác phân định đường biên giới, bắt đầu bằng việc xác định ranh giới ở ải Nam Quan và vùng lân cận.

Như bác sĩ Paul Neis đã kể lại, công tác này đã gặp trắc trở ngay từ đầu, không phải do phía Pháp mà do phía nhà Thanh cố tình gây rắc rối và tìm cách lấn chiếm. Có thể kể ra hai ví dụ. Một là ngay khi phái đoàn Pháp đến ải Nam Quan để dự phiên họp chính thức đầu tiên, phía nhà Thanh đã cho quân chính quy mang cờ tràn đến chiếm các vị trí thuộc lãnh thổ Việt Nam và cho dù có sự phản đối, họ cũng không chịu rút, có lẽ muốn uy hiếp phái đoàn Pháp về mặt tâm lý. Về sau, khi phái đoàn Pháp chính thức phản đối, các nhà ngoại giao của nhà Thanh thanh minh rằng họ hoàn toàn không biết về hành động của giới chỉ huy quân sự, và hành động vừa qua có lẽ cũng chỉ nhằm để thể hiện nhiệt tình chào đón phái đoàn Pháp. Ví dụ thứ hai là việc phía nhà Thanh tìm cách dời vị trí của ải Bosa (Bochaï) để lấn chiếm bốn làng của người Việt; nếu không có sự phản đối của đại diện các làng này thì có lẽ phái đoàn Pháp cũng không biết gì về sự thực này.

Về phía Pháp, vì họ đàm phán mà không có mặt của triều đình nhà Nguyễn nên sự am hiểu về vấn đề biên giới cũng có phần hạn chế. Hơn nữa chính phủ Pháp cũng không muốn kéo dài cuộc đàm phán để có thể rảnh tay trong việc ổn định tình hình ở Việt Nam. Phía Trung Quốc biết chuyện đó, nên họ cố tình dây dưa và cố tìm phần lợi về cho mình. Bác sĩ Neis đã kể như sau về đường biên giới ở cửa Trung Hoa (tức ải Nam Quan):

“Cửa Trung Hoa nằm ở đáy một khe núi (gorge) không sâu lắm, những ngọn đồi dốc đứng nghiêng bóng trên cửa ải chỉ có độ cao từ 50 đến 60m. Từ khi có hòa bình, người Hoa đã tái thiết lại cổng bằng đá chẻ và nó được nối liền với một bức tường có lỗ châu mai với những doanh trại phòng ngự bao quanh các ngọn đồi. Các ủy viên người Hoa giữ vững đòi hỏi rằng cái cổng và bức tường có lỗ châu mai không phải là đường biên giới; họ muốn có ít nhất là vài thước đất hoang nằm trước đó. Người ta đến tận nơi, và như một sự nhượng bộ lớn lao về phía chúng ta mà sau đó chúng ta không ngừng khoe khoang, chúng ta đã thỏa thuận rằng biên giới sẽ dựa theo dòng suối chảy dưới chân những  ngọn đồi của cửa Trung Hoa, cách khoảng 150 m trước cửa ấy. Đó là cái mà tôi gọi là phiên họp đầu tiên để xác định biên giới, sáu tháng sau khi chúng tôi khởi hành từ Pháp, ba tháng sau khi chúng tôi đến Đồng Đăng.”

Trong thực tế, đường biên giới được xác định cách ải Nam Quan không phải là 150 m, mà là 100 m. Tác giả Trương Nhân Tuấn đã tìm thấy trong các thư khố ở Pháp một biên bản (procès-verbal) ký ngày 7 tháng 4 năm 1886 Đồng Đăng giữa hai phái đoàn Pháp và nhà Thanh với nội dung như sau:

Ủy ban Phân định biên giới Pháp –Hoa thừa nhận, vào ngày 7.4.1886, rằng: tính từ một điểm cách 100m phía trước Cổng Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng, đường biên giới đi về phía tây lên đến đỉnh của núi đá trên đó trên đó có một cái đồn đánh dấu bằng chữ A trên tấm phác đồ kèm theo, từ cái đồn đó chạy theo đường đỉnh của dãy núi đá nhìn xuống con đường Đồng Đăng cho đến tận điểm B trên bản vẽ. Điểm B này nằm ở nơi giao nhau giữa con đường mòn với dãy núi đá, con đường mòn này tách ra khỏi đường lớn chạy từ Đồng Đăng đến Nam Quan dẫn đến cửa làng Lũng Nghiêu (Lung-Ngieu). Sau đó đường biên giới sẽ theo cùng con đường đó chạy đến cửa làng Lũng Nghiêu. Từ cửa làng đó nó chạy theo đường đỉnh của núi đá bọc quanh lòng chảo của làng Lũng Nghiêu để đi đến một điểm được đánh dấu bằng chữ C. Từ điểm C này nó chạy đến ải Kida .

Ải Kida là ải nào?

Để có thể hiểu rõ hơn, chúng ta có thể xem lại tấm bản đồ của đại úy Chapès năm 1894 (ảnh 10) do tác giả Trương Nhân Tuấn công bố , mà tôi xin mạn phép trích đoạn và phóng lớn như sau:

Bản đồ Chapes, ải Kida

Ảnh 10: Bản đồ Chapès (trích)

Chúng ta thấy đường biên giới đáng lẽ chạy ngang cửa quan (porte) đã phải lùi một quãng (100 m) về phía Việt Nam. Đường biên giới này chạy về phía tây đến đỉnh của núi đá, sau đó chạy dọc theo đường đỉnh của dãy núi đá vôi, vòng xung quanh làng Lũng Nghiêu (trong ảnh ghi là Lung-Ngau) thuộc địa phận Trung Quốc, rồi lại chạy theo đường đỉnh để đến ải Kida. Trong ảnh, ải này được ghi là Khua Da Aï (Neis phiên âm là Ki-da). Ngoài ải Ki-da, trong bản đồ ta còn thấy Bo Sa Aï (ải Bo Sa, chính là Bo-chaï đã kể trong bài bút ký). Hai ải này thuộc loại không cho phép thông thương, vì ĐNNTC cho biết tất cả các ải ở phía tây của ải Nam Quan đều không được phép thông thương.

Cũng trên tấm bản đồ của Chapès, chúng ta thấy đường biên giới ở phía đông chạy theo một đường gần như thẳng góc với con đường đi Đồng Đăng, nối từ cột mốc số 18 với đường phân thủy của dãy núi ở phía đông. Ở phía đông-nam của ải Nam Quan, trên một ngọn đồi nối liền với dãy núi đất, có một vị trí của phía quân Pháp có ghi chữ “Blockhaus Francais en construction” (lô-cốt của Pháp đang xây dựng). Chính nhờ ngọn đồi có lô-cốt này và những vị trí cao hơn ở hướng đông-nam mà các sĩ quan và nhà nhiếp ảnh người Pháp đã chụp được những tấm ảnh toàn cảnh về ải Nam Quan mà chúng ta thấy trên đây.

Như vậy là do Việt Nam bị mất chủ quyền, không có mặt trong đàm phán cho nên đã mất một phần đất tại ải Nam Quan do sự nhượng bộ của người Pháp đối với nhà Thanh. Đường biên giới vì thế lùi sâu vào lãnh thổ Việt Nam 100 m trước ải Nam Quan. Điều này giải thích rõ nghi vấn mà chúng ta đã nêu trên đây: tại sao ĐNNTC mô tả ải Nam Quan “có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở”, trong khi trên một số tấm bưu ảnh chụp vào thời Pháp thuộc, chúng ta thấy có đến hai cửa và hai lớp tường gạch chạy song song – ít nhất là ở phần dưới thấp, tiêu biểu là tấm ảnh sau đây do Chân Mây sưu tầm

Ải Nam Quan

Ảnh 11: Ngõ vào Cửa Trung Hoa và bức trường thành

Vào năm 1908, cuộc nổi dậy của những người thuộc phái Tôn Trung Sơn đã bắn phá và làm thiệt hại cho hai bức tường cũng như hai cửa ải ở Nam Quan. Dòng chữ in bằng tiếng Pháp và dòng chữ viết thêm trên tấm bưu ảnh này có nghĩa là: “Lối vào cổng Trung Hoa (tức ải Nam Quan) và bức trường thành: cách Lạng Sơn 15 km. Các thành lũy và trạm gác bị bắn phá bởi những người cải cách (réformistes) vào năm 1908 và đã có nhiều thiệt hại về vật chất.” 

Việc đẩy lùi đường biên giới 100 m về phía Việt Nam rõ ràng là một hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Nếu coi đó là một căn cứ pháp lý thì đó cũng chỉ là sự hợp pháp hóa một hành vi bất hợp pháp, do chỗ Việt Nam bị mất chủ quyền ở Bắc Kỳ vào tay người Pháp kể từ Hiệp ước Patenôtre (1884). Nếu như ở cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có những chính quyền thật sự đại diện cho nhân dân hai nước, và nếu hai quốc gia đều thực hiện đúng đắn chính sách về một đường biên giới hữu nghị thì phía Trung Quốc phải xóa bỏ văn bản ký kết bất bình đẳng đó và trả lại cho Việt Nam 100 m mà nhà Thanh đã lấn chiếm bất hợp pháp, chứ không thể lợi dụng điều đó để tiếp tục lấn chiếm thêm đất đai nhằm xóa bỏ hình t

Tóm lại, đường biên giới lịch sử tại ải Nam Quan và đường biên giới pháp lý do Hiệp ước Pháp-Thanh quy định vào cuối thế kỷ 19 là hai đường biên giới hoàn toàn khác nhau. Đường biên giới lịch sử hình thành vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ 16 nằm ngay tại vị trí của ải Nam Quan và được xác định bằng cửa ải cũng như hai bức tường xây hai bên cửa ải, đúng như ĐNNTC mô tả. Đường biên giới lịch sử đó đã tồn tại ba thế kỷ rưỡi và tạo ra hình tượng “ải Nam Quan” trong văn học và sử học Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt - như thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ trước đó, mỗi khi nhắc đến cái tên “ải Nam Quan”, đều hình dung đó là điểm khởi đầu của Tổ quốc. Còn đường biên giới pháp lý hình thành vào cuối thế kỷ 19 thật ra là hậu quả của một thứ hiệp ước bất bình đẳng được ký giữa nhà Thanh với nước Pháp, trong hoàn cảnh dân tộc ta bị mất chủ quyền.

Bất cứ người Việt yêu nước nào cũng không thể chấp nhận luận điểm “đường biên giới luôn nằm phía nam ải Nam Quan” và coi đó là chân lý, bởi vì luận điểm đó là do nhà Thanh ngụy tạo nhằm lấn chiếm biên giới. Những người cộng sản Trung Quốc tiếp tục nêu luận điểm đó là do ý đồ tiếp tục lấn chiếm biên giới theo gương các tiền nhân của họ. Về phía người Việt Nam, bất cứ ai tự nhận mình là người Việt đều phải có nghĩa vụ tìm hiểu cặn kẽ lịch sử của đất nước thông qua các tư liệu lịch sử do cha ông để lại, đối chiếu chúng với thực tế và các tư liệu khách quan khác (ví dụ: các tư liệu của người Pháp), chứ không thể vội vàng tin vào các chứng cứ ngụy tạo mà phía Trung Quốc trao cho và nhiệt tình làm người phát ngôn hay người bảo vệ luận điểm cho phía họ.

Lịch sử bao giờ cũng công bằng. Cho dù người ta cố tìm cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử vì ý đồ cá nhân hay phe phái, lịch sử bao giờ cũng căn cứ vào sự thật, mà che giấu sự thật là điều bất khả thi. Bởi vì người ta có thể lừa dối một người nào đó suốt đời hay lừa dối nhiều người trong một quãng thời gian nào đó, nhưng không ai có thể lừa dối mãi mãi cả một dân tộc!

Đà Lạt, 4-8-2009
Mai Thái Lĩnh

Tài liệu tham khảo

1) Đào Duy Anh, Hán-Việt từ điển, Trường Thi, In lần thứ 3, Sài Gòn 1957

2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản cũ (đời Tự Đức), bản dịch của Phạm Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1997, 6 tập

3) Docteur P. Neis, “Sur les frontières du Tonkin”, in Tour du monde, Vol LIV: 1888 - 1er semestre, pp. 312-416. Bản điện tử đăng ở địa chỉ:

4) Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1679), Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch và chú thích, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, 4 tập

5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục tái bản, 2001-2007, 10 tập

6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục tái bản, 2007, 2 tập

7) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm Học liệu - Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1971, 2 tập

8) Trương Nhân Tuấn, “Tìm hiểu về Ải Nam Quan qua một vài tài liệu”, talawas 10.10.2008,

9) Trương Nhân Tuấn, “Trao đổi với ông Lê Công Phụng về lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và hai hiệp ước biên giới Việt – Trung”, talawas 21.20.2008,

10) Trương Nhân Tuấn, "Tìm hiểu Ải Nam Quan và giới thiệu sách Biên giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch sử thành hình và những tranh chấp, Đàn Chim Việt Online, 22.8.2005:

11) Trần Gia Phụng, “Vài sử liệu về Ải Nam Quan”, Thư viện Tiếu Lùn, 2003-06-21

12) Trần Gia Phụng, “Ải Nam Quan trong lịch sử”, Thư viện Tiếu Lùn, 2006-12-25:

13) Institut Franco-Asiatique (IFA), Bản điều trần của bác sĩ Trần Đại Sỹ, 10.11.2001,

14) Hà Mai Phương – Lưu Chu Thanh Tao, “Từ Cửa Nam Quan đến Ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao”, Thư viện Tiếu Lùn, 2002-06-18:

15) Từ Mai, “Một số sử liệu liên quan tới biên giới Việt Hoa”, Mạng Ý kiến: http://www.ykien.net/tl_tm_sulieu.html

Do trang “Mạng Ý kiến” bị phá hoại, hiện nay không thể tìm được bài này ở địa chỉ nói trên.

16) Nguyễn Đình Sài, “Biên giới Việt-Trung: Đi tìm sự thật sau những che giấu”; Sự thật về Ải Nam Quan (phần 2), Hội chuyên gia Việt Nam, 11.12.2002:

17) Chân Mây, “Tài liệu hình ảnh hiếm quý chứng minh Ải Nam Quan là của Việt Nam”, Diễn đàn Một góc phố, 18.6.2009:

Mai Thái Lĩnh

 

Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site