lịch sử việt nam
Hội Sử-Học Việt-Nam
Vietnamese historical Association
Địa chỉ thông tin: http://www.truclamyentu.info; http://www.quansuvn.info
Email: truclamyentu@truclamyentu.info
Thiên-Tài Quân-Sự Việt-Nam Trần-Hưng-Đạo
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ( 興道大王陳國峻, 1232? - 1300)
là danh tướng thời nhà Trần, có công lớn ba lần phá tan quân Nguyên xâm lược 1257, 1285, 1288.
Được phong Quốc công, tiết chế thống lĩnh tất cả các sắc quân tháng 10 năm 1283.
Mùa thu tháng 8 năm 1284, Hưng Đạo Vương thừa lịnh Đức vua Trần Nhân Tông điều khiển các sắc quân của vương hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông-bộ-đầu (tức bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) rồi chia quân trấn giữ Bình-Than cũng như các nơi trọng yếu. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phổ biến bài Hịch Chiến Sĩ đến toàn quân sĩ Đại Việt.
Sự bố trí lực lượng của quân đội Đại Việt được ghi nhận như sau:
Ở mặt Đông-Bắc quân ta trấn thủ Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn Kiếp, Bình Than, chỉ huy mặt trận này là Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo; đối phó với cánh quân Vân Nam ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy; phía Nam kinh đô ta xây dựng một số địa điểm phòng thủ như Đà Mạc, A Lỗ và Đại Hoàng do Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng làm chỉ huy. Trên cùng, Tổng chỉ huy chiến trường là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông.
Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Tý (1284) quân Mông-cổ do Thoát Hoan cầm đầu đã tràn xuống tới biên giới của nước ta.
Quân Nguyên tấn công ải Chi Lăng mặc dù chiến đấu anh dũng nhưng quân sĩ Đại Việt không thể nào đương cự được quân địch đông đảo gấp bội phần nên đành phải cấp tốc rút về trấn giữ bến Vạn Kiếp (tỉnh Hải Dương) là nơi Hưng Đạo Vương đặt tổng hành dinh điều khiển mặt trận miền Bắc (trước đây được đặt tại ải Nội Bàng).
Như khi Vua Nhân Tông nghe tin các ải Chi Lăng, Nội-Bàng bị thất thủ, quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp, Đức Hoàng đế Trần đã vội vàng di chuyển bằng thuyền nhẹ ra Hải Đông (chỉ chung vùng Hải Dương cũ nay thuộc tỉnh Hải Hưng và Hải Phòng hiện nay) để được biết thêm tin tức, do vì phải bôn ba vất vả đồng thời lo lắng cho quân tình nên ngài không kịp ăn sáng và lúc mặt trời đã về chiều thì có người lính tên là Trần Lai dâng cơm hẩm cho vua dùng. Ngài khen là người trung nghĩa và đã ban thưởng chức thượng phẩm, kiêm tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng.
Khi hội ngộ, đức ngài đã ra lịnh cho Hưng Đạo Vương điều động quân lính các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm (Vân Trà Ba Điểm là hai hương lộ thuộc Hải Đông bấy giờ. Hương Vân Trà hay Trà Hương là vùng Kim Thành, tỉnh Hải Hưng ngày nay), chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam để trợ chiến với quân bạn. Nhờ sự tăng viện kịp thời, tinh thần binh sĩ của ta mới được phấn chấn trở lại sau những thất bại liên tiếp ở các chiến dịch biên giới phía Bắc.
Vào ngày 26 tháng chạp năm Giáp-thân (1284) giặc Nguyên tấn chiếm các ải Vĩnh-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng. Trong đó Nội-Bàng là một chiến trường khá quan trọng cho vòng đai phòng thủ kinh thành Thăng Long.
Tại Nội-Bàng khi quân ta phải rút lui vội vàng thì Hưng Đạo Vương có hai gia tướng là Yết Kêu và Dã Tượng, Vương dự định di chuyển bằng đường núi, nhưng Dã Tượng nói rằng nếu Yết Kêu chưa gặp Vương thì ông ta nhất định không đưa thuyền rời bến. Hưng Đạo Vương vội đến bến đò Bãi, quả thấy chỉ còn độc nhất chiếc thuyền của Yết Kêu đang ở đó để chờ Vương tới cùng đi. Hưng Đạo Vương rất mừng và nói: «chim Hồng và chim Hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chả khác gì chim thường». Nói xong liền đi thuyền cùng với Yết Kêu và Dã Tượng về họp cùng quân lính các lộ trấn giữ Vạn Kiếp và Bắc Giang.
Ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1285 quân Nguyên mở cuộc tấn công vào phòng tuyến Vạn Kiếp và núi Phả Lại (tức là núi ở xã Phả Lại, cạnh sông Lục Đầu, đối diện với thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng) của quân Đại Việt. Ở tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương đã đem chiến thuyền dàn trận cách sông Vạn Kiếp mười dặm mà theo Cương Mục gọi là trận «dực thủy». Dực thủy là hình thức dàn trận đánh trên sông sắp các chiến thuyền theo hình cánh chim sãi trên mặt nước. Hình thức này có lợi là các chiến thuyền có thể nương tựa và bảo vệ nhau trong lúc chiến đấu. Tuy nhiên nếu gặp cường địch, thế cùng phải thoái lui thì sẽ bị vướng víu khó lòng xoay trở kịp. Trong sách Trần Hưng Đạo của tác giả Hoàng Thúc Trâm thì ghi là «Dục thủy» tức là trận tắm nước.
Trận đánh tại đây xảy ra rất là cam go giữa ta và địch, chúng phải mất hơn 10 ngày mới phá vỡ được phòng tuyến này của ta. Dĩ nhiên con số thiệt hại nhân mạng giữa hai bên là không nhỏ, phía quân Nguyên có tướng vạn hộ Nghê Nhuận bị tử trận ở Lưu Thôn. Quân ta rút lui thêm một lần nữa trước sức công phá mãnh liệt của địch. Ngày 12 giặc Nguyên đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh (sau là Võ Giảng, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), Đông Ngàn (tức là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chúng đã sát hại rất nhiều binh sĩ của ta, nhất là những người có xâm hai chữ «sát thát». Thẳng đường giặc Nguyên chiếm luôn Đông Bộ Đầu và dựng một lá cờ lớn (lá cờ lớn không thấy trong các bộ sử nói là cờ gì, có lẽ là cờ của quân Nguyên).
Ngày 14 tháng giêng (1285), quân ta lập các cứ điểm (gồm các sào lũy bằng gỗ) phòng ngự phía Nam sông Cái để chống giặc, ở đây mở màn cho trận đánh thành Thăng Long.
Thoát Hoan cùng quan hành tỉnh thân chinh đến phía Đông bờ sông Cái để tấn công quân nhà Trần. Nơi đây chúng tịch thu của quân ta được 20 chiến thuyền. Quân do Hưng Đạo Vương không đương cự nổi phải rút lui.
Ngày 14 tháng giêng năm Dất Dậu (1285) là thời điểm kinh thành thất thủ.Tuy chiếm được Thăng Long nhưng Thoát Hoan e dè sợ lọt vào ổ phục kích của ta nên không dám đóng quân trong thành.
Sau ngày Thăng Long thất thủ quân Nguyên tăng cường sự có mặt ở những vùng chúng vừa chiếm đóng. Vạn Hộ Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh được lịnh từ Tàu đem quân vào nước ta lập những chốt kiểm soát. 30 dặm một trại, trại đây tức là nơi trung chuyển tin tức từ vùng này sang vùng khác, nó cũng là nơi các bưu tín viên (theo danh từ của ta gọi là lính thú đời xưa) dừng chân nghĩ ngơi và thay ngựa chạy. 60 dặm đặt một trạm, trạm đây có thể là đồn binh. Sự kiểm soát đã diễn ra rất gắt gao những vùng chúng chiếm đóng.
Một đạo quân khác của nhà Nguyên, do Nạp Tốc Lạt Đinh chỉ huy từ Vân Nam tiến sang, vừa đến Thu Vật (Yên-Bình, Yên-Bái) thì bị đoàn quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật giữ mặt Yên-Bái chận đánh, nhưng vẫn không cản nổi địch, nên phải lui quân về giữ mạn hạ lưu sông Hồng.
Và ở bãi Tha-Mạc là nơi diễn ra trận chiến đầu tiên sau khi kinh thành Thăng Long thất thủ do các tướng nhà Nguyên Hữu Thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đường bộ và Lý tả thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt Đô bằng đường sông truy đuổi quan quân nhà Trần.
Ngày 28 tháng giêng, Hưng Đạo Vương tâu với nhà vua xin cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chận đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An (cánh quân này được lịnh từ Chiêm Thành, tiến chiếm các châu lộ phía Nam của ta, rồi Bắc tiến, phối hợp với đạo quân của Thoát Hoan làm thành thế gọng kềm tiêu diệt quân đội nhà Trần).
Ngày 1 tháng 2, con thứ của Tỉnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến Trần Kiện (Trần Kiện vốn có hiềm khích với hoàng tử Đức Việp. Khi giặc Nguyên xâm lăng, Kiện được lịnh trấn giữ Thanh Hóa) và thuộc hạ thân tín là Lê Tắc (hay Trắc) ra đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai quân lính đưa đám hàng binh này về Yên kinh (thủ phủ của nhà Nguyên). Dọc đường bị các vị tù trưởng ở Lạng Giang (tức Lạng Sơn ngày nay) là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích trại Ma Lục (ở Chi Lăng thuộc châu Lạng Giang thời đó, nay là tỉnh Lạng Sơn). Vị tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn tên giết được Trần Kiện. Lê Tắc phải đưa xác Kiện lên ngựa, chạy trốn trong đêm, được vài chục dặm tới Khâu Ôn và chôn tại đó.
Quân Toa Đô từ Chiêm Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay về trấn đóng ở Tây Kết.
Các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái được lịnh của Đức Hoàng đế Trần đem các binh sĩ tinh nhuệ vây đánh quân giặc ở bến Tây-Kết (ở ven sông Hồng, khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngày nay, thôn này cách sông Hồng 3 cây số, đất bãi (tức bãi Mạn-Trù, nay thuộc xã Tân Châu), nhưng xưa kia sông kề thôn).
Thừa thắng xông lên sau khi đã chiếm được bến Tây-Kết, các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đã thẳng đường tiến đánh Hàm Tử Quan (cửa Hàm Tử: ở bãi Hàm Tử, huyện Động Yên tỉnh Hưng Yên).
Như vậy là suốt trong tháng 4 sau khi lịnh tổng phản công được ban hành thì quân dân Đại Việt đã tái chiếm lại các cứ điểm đã bị mất trước đây. Đó là A-Lỗ, Tây-Kết, Hàm Tử Quan và nó đã mở rộng cửa cho đường về giải phóng Thăng Long.
Trận phản công diễn ra tại cứ điểm A-Lỗ hay Hải-Thị do Hưng Đạo Vương chỉ huy. Đây là một trận đánh lớn không kém phần gay go quyết liệt. Quân nhà Trần đã tấn công hai hướng An-Lỗ và Giang-Khẩu. Ở tại Giang-Khẩu dưới sự chỉ huy của Trung Thành Vương đã kịch chiến với tướng nhà Nguyên là Thiên Hộ Mã Vinh. Binh sĩ Nguyên bị quân ta sát hại rất nhiều phải tháo lui. Sau đó hai cánh quân thủy bộ của nhà Trần đã tập trung toàn bộ lực lượng đánh vào đại doanh của chúng. Đại doanh đây chính là kinh thành Thăng Long. Mặc dù quân giặc cố gắng chống trả, quân ta thiệt hại không ít, nhưng nhờ chiến lược «đánh cầm chừng» trước đây nên ta đã bảo toàn được lực lượng do đó ta có đủ lực lượng để bủa vây quân địch đến mấy lớp và viện quân được điều đến liên tục để dứt điểm chiến trường quan trọng này. Quân Mông-cổ vì bị vây hãm nhiều ngày, người ngựa thiệt hại, lương thực thiếu thốn, khí giới mất mát, không có viện binh cũng chẳng có khí cụ thay thế nên chúng buộc phải rút bỏ thành Thăng Long. Trận đánh từ A-Lỗ qua Giang-Khẩu đến Thăng Long ắt hẳn phải kéo dài đến cả tháng trời từ đầu tháng 4 cho đến thượng tuần tháng 5 mới hoàn tất.
Trong chiến dịch tổng phản công tái chiếm kinh thành Thăng-Long quân đội nhà Trần được tổ chức làm hai cánh quân:
Cánh quân thứ nhất do Thượng tướng Trần Quang Khải cùng chư vị tướng lãnh như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Trần thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền thống lãnh quân lính rầm rộ tiến về Thăng-Long sau chiến thắng Chương Dương Tử;
Cánh quân thứ hai do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung cầm đầu.
Ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285) Thăng Long đã sạch bóng quân thù.
Ngày Ất Dậu, 28 tháng 10, năm Đinh Hợi (1287) quân Mông-cổ xâm lăng nước ta lần thứ ba, khi quân của Thoát Hoan đến huyện La-Tân. Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp dẫn theo 18 ngàn người; các tướng Ô-Vị, Trương Ngọc và Lưu-Khuê cùng 3 vạn quân, 500 chiến thuyền, 70 thuyền vận tải lương thực khởi hành từ Khâm Châu. Như vậy, đạo quân xâm lăng của Thoát Hoan tấn công vào nước ta được ghi nhận thành ba hướng.
Thoát Hoa sau khi chiếm được Thăng Long, nhưng cũng như lần trước hắn không dám lấy đó làm đại bản doanh, mà vẫn xử dụng căn cứ Vạn Kiếp như là một tổng hành dinh điều khiển mọi hoạt động xâm lược nước ta. Hắn đang nóng lòng mong đợi thuyền lương tiếp viện từ bên Tàu sang, nhưng đâu biết rằng đoàn thuyền chở lương thực của Trương Văn Hổ đã bị Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh tan ở Vân Đồn. Túng thế chúng quyết định lui binh.
Dự đoán được sự lui binh của giặc, vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng thế trận trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt đoàn quân xâm lược.
Hưng Đạo Vương đã cùng với Hai Vua đánh tan toàn bộ quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288. Đây là một chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ.
Ông còn là tác giả bộ Binh Thư Yếu Lược (hay Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược) và Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư (đã thất lạc). Ngài được dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên gọi là Đức Thánh Trần. Ngài còn được tín ngưỡng là một trong những vị thánh của dòng Đạo Nội là một Đạo giáo dân tộc.
Trong dân gian có câu
Tháng tám giỗ cha
Tháng ba giỗ mẹ.
Cha đây là Đức thánh Trần Hưng Đạo Đại vương, còn Mẹ là Tiên chúa Liễu Hạnh.
Tài dụng binh như thần của Hưng Đạo Vương cũng như đức độ sáng ngời của ngài, là bậc đứng thứ hai trong Tứ Đại Thiên Tài Quân Sự Việt Nam.
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử