lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Quan-Niệm Giá-Trị Việt-Nam Trận Đống-Đa Với Chính-Nghĩa Quốc-Gia
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
Hàng năm cứ đến ngày 5 tháng Giêng, sau Tết Nguyên-Đán 5 ngày và trước ngày khai Hạ 2 ngày, nhân-dân Hà-thành kéo nhau lũ-lượt, tốp năm tốp ba " ngựa xe như nước áo quần như nêm ", ra ngoại-ô về phiá Đông đầu ấp Thái-Hà, dưới chân một đồi đất cao, để kỷ-niệm ngày giỗ Đống-Đa hay là ngày giỗ trận. Dân-chúng nói với nhau rằng cái đồi đất ấy chính là đống xương vô-định của quân-sĩ chết trong trận đại-chiến quyết thắng của vua Quang-Trung đánh đuổi giặc ngoại-xâm Tôn-Sĩ-Nghị .
" Quân Thanh đã được Thăng-Long,
Một hai rằng thế là xong việc mình ;
Dùng dằng chẳng chịu tiến binh,
Nhác đường phòng thủ mộng tình đãi hoang ;
Ngụy Tây nghe biết sơ phòng,
Giả điều tạ tội quyết đường cất quân .
Dặm trường nào có ai ngăn,
Thừa hư tiến bước đến gần Thăng-Long ;
Trực khu đến lũy Nam-Đồng,
Quân Thanh dẫu mấy anh hùng mà đang .
Vua Lê khi ấy vội vàng,
Cùng Tôn-Sĩ-Nghị sang đàng Bắc-Kinh ;
Qua sông lại sợ truy binh,
Phù kiều chém đứt, quân mình thác oan ".
_ ( " Đại-Nam Quốc sử Diễn-ca " -- ( 1991 - 2004 ), của Lê-Ngô-Cát và Phạm-Đình-Toái, xuất-bản Sông-Nhị, Hà-Nội )
Trên đây là một đoạn sử tranh-đấu oanh-liệt của Nguyễn-Huệ, mới lên ngôi Hoàng-Đế Quang-Trung ngày 25 tháng Một năm Mậu-Thân 1788, tự mình thống-lĩnh quân thủy, bộ ra đánh Bắc-Hà, đánh đuổi quân xâm-lăng để dành chính-nghĩa quốc-gia bằng một cử-chỉ anh-hùng dân-tộc. Vua Quang-Trung tự thân đốc quân phá vỡ nghĩa-binh của nhà Lê ở sông Giản-Thúy, bắt sống quân Tầu ở Phú-Xuyên, vây, phá đồn giặc ở Hạ-Hồi và Ngọc-Hồi ở Hà-Đông ngày 5 tháng Giêng trong bầu không-khí khai xuân của toàn dân Bắc-Việt. Nhiều tướng-lãnh Mãn-Thanh tử-trận trong số có đại-tướng Sầm-Nghi-Đống ở Đống-Đa gần Nam-Đồng, nay là ngoại-ô Hà-Nội. Nghi-Đống bị vây ở đây phải thắt cổ tự-tử, Lê-Chiêu-Thống theo Tôn-Sĩ-Nghị chạy sang Bắc-Ninh, rồi bị đuổi bạt về Tầu. Trưa ngày mồng 5 tháng Giêng, vua Quang-Trung vào thành Thăng-Long, áo ngự-bào đen thuốc súng ; theo truyền-thuyết trong dân-gian thì khi vua Quang-Trung trẩy quân đến làng Ngọc-Hồi, dân làng làm cỗ-bàn bánh-trái đem ra khao-lạo quân nhà vua và tỏ ý hoan-nghênh cử-chỉ chính-nghĩa của vua đến giải-phóng nước nhà khỏi ách Mãn-Thanh, nên họ có yết lên bốn chữ " Hậu lai kỳ tề " ( nghĩa là vua đến thì dân được sống lại ). Vua Quang-Trung, trước lòng nhiệt-thành ấy của dân làng Ngọc-Hồi, hết sức hoan-hỷ vỗ-về ủy-lạo, nhưng không muốn phiền-nhiễu nhân-dân, trong các thực-phẩm dâng-lên, vua đã ý-nhị chỉ chọn lấy cái bánh-chưng, tiêu-biểu cho dân-tộc-tính nông-nghiệp trong ngày Tết Nguyên-Đán ở Bắc-Hà. Và vua ban cho làng Ngọc-Hồi bốn chữ " Hiếu nghĩa khả gia " ( nghĩa là lòng hiếu-nghĩa khá khen là đẹp ).
…. Cử-chỉ ấy của Quang-Trung quả đã cảm-thông với tâm-hồn dân-tộc, cũng như Nguyễn-Thiệp đã cố công giúp vua Quang-Trung đại phá quân Thanh trong một trận, không phải vì tài độn-số mà là nhờ sự thông-cảm với tâm-hồn dân-tộc qua chiếc bánh-chưng vậy. Theo " Đào-Khê nhàn thoại ", đăng trong số Xuân Trung Bắc năm 1939 thì nguyên khi Tôn-Sĩ-Nghị chiếm-đóng Thăng-Long, có giao cho viên Đề-lĩnh họ Đinh, là người của Lê-Chiêu-Thống cầm đầu một toán quân canh-gác kho khí-giới và lương-thực. Vua Quang-Trung khi kéo quân vào đến Nghệ-An có đến vấn-kế Nguyễn-Thiệp, là người đã ngồi dạy học ở nhà Đề-lĩnh họ Đinh ngoài Bắc. Ngày mồng 3 Tết năm Kỷ-Dậu ( 1789 ), Đinh thấy Nguyễn-Thiệp từ Nghệ-An gửi ra biếu chiếc bánh-chưng, trong nhân bánh có để tờ mật-dụ của vua Quang-Trung, Đinh bèn nghe Nguyễn-Thiệp khuyên-bảo, làm theo lời mật-dụ ấy, đứng làm nội-ứng, ngầm đốt kho khí-giới, lương-thực và súy-phủ ở Thăng-Long vào đêm mồng 4 rạng mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ-Dậu _ ( theo Hoa-Bằng chú dẫn trong " Quang-Trung " -- nhà xuất-bản Bốn-Phương, trang 196 ).
Xem thế đủ thấy, Quang-Trung đã thành-công vì cảm-thông đến tâm-hồn tín-ngưỡng truyền-thống của nông-dân, tức là của dân-tộc. Và sự cảm-thông ấy không phải ở lời nói suông mà là ở cử-chỉ vô-tư đồng-tình, quên mình vào nhân-dân, lấy tâm-hồn nhân-dân làm tâm-hồn mình, từ tín-ngưỡng đến tình-cảm, từ ý-chí đến hiểu-biết. Bởi thế mà vua Quang-Trung cũng như La-Sơn Phu-Tử Nguyễn-Thiệp, đã gợi đến ý-nghĩa tượng-trưng của chiếc bánh-chưng ngày Tết để rung-động vào tiềm-thức xa xăm từ thời Thần-thoại Hồng-Bàng của nhân-dân Việt-Nam. Tuy vua Quang-Trung tự biết có thừa tài thao-lược, thừa sức vũ-lực để đánh đuổi quân Mãn-Thanh cũng như quân Xiêm-La, đã mượn danh-nghĩa nhà Lê, nhà Nguyễn để xâm-lăng, nhưng Ngài cũng tự biết mình là võ-biền, nên đã tôn thờ Nguyễn-thiệp, một bạch-diện thư-sinh làm phu-tử. Và La-Sơn Phu-Tử hẳn thuộc nằm lòng câu nói của Khổng-Phu-Tử : " Dân vô tín bất lập " ( nghĩa là nhân-dân không tín-ngưỡng thì không đứng vững được )_ ( Luận Ngữ ). Cái tín-ngưỡng của dân-tộc là tín-ngưỡng truyền-thống của nông-dân, vì dân-tộc Việt-Nam cho mãi đến nay vẫn còn là một dân nông-nghiệp. Bởi thế mà Nguyễn-Thiệp, một Nho-sĩ lão-thành không khuyên Quang-Trung đem tín-ngưỡng Khổng-giáo cho dân mà lại trở về tín-ngưỡng Tổ-tiên, mà chiếc bánh-chưng là biểu-hiệu, trải qua hàng mấy ngàn năm.
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks