lịch sử việt nam
Đức Mẹ La-Vang
CON về kính MẸ La Vang
VỀ bên chân MẸ hai hàng lệ tuôn
KÍNH dâng tất cả vui buồn
MẸ ơi! cứu giúp cho muôn linh hồn
LA Vang muôn thủa trường tồn
VANG danh "Tử Đạo" linh tôn đời đời
KHI xưa tín hữu tuyệt vời!
XƯA kia "Máu Thánh" rắc rơi khắp cùng
GIỮA ngàn đau khổ kiên trung
CHỐN đây máu đổ hãi hùng diễn ra
LÁ Vằng nhộm thắm thịt da
VẰNG vặc cô quạnh lời ca não nùng
HIỂN linh làn gió chập chùng
VINH quang MẸ ngự đến cùng chúng con
HỘ phù tín hữu sắt son
PHÙ vinh chớ thiết! hãy tròn! "Đạo Ngay"
TÍN trung "tuyên tín" hằng ngày
HỮU Thần thắng ác, Mẹ bày chúng con
ĐIÊU tàn vẫn vững lòng son
LINH hồn phải giữ cho tròn "Đạo CHA"
NƠI này MẸ đã hiện ra
ĐÂY lời MẸ dạy thiết tha giữ gìn
LÁNH xa đường tội, "vững tin"
NẠN tham quyền sẽ như mìn nổ tan
TRIỀU đình ác sẽ điêu tàn
ĐÌNH thờ lại sẽ khang an trở về
ÁC quan đau đớn tái tê
NHÂN nào qủa nấy trở về con ơi!
Thanh Sơn 04.02.2011
TÓM LƯỢC LỊCH SỬ BIẾN CỐ ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LINH ĐỊA LAVANG
Linh Địa Lavang nằm trong khu vực Giáo Xứ Dinh Cát, thuộc tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 6 cây số và cách Cố Đô Huế 58 cây số.
1. GIÁO XỨ DINH CÁT
Theo lịch sử thì Dinh Cát là miền đất cũ thuộc dân tộc Chàm. Nhưng đến năm 1307 vua Chàm cắt vùng đất từ sông Đông Hà qua đèo Hải Vân dâng cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Vùng đất nhượng quyền này được nhà Trần chia thành 2 châu (Châu Thuận và Châu Hoà). Dinh Cát thuộc Châu Thuận được đặt làm thị trấn gọi là Thuận Thành rất trù phú và đông đúc. Trải qua 68 năm Nhà Nguyễn Hoàng đóng dinh tại đây (1558-1626), khiến Cát Dinh đã thành nơi mậu dịch rất sầm uất với người ngoại quốc.
Vị Linh Mục đầu tiên đặt chân lên xứ Dinh Cát vào năm 1595 là cha Diego Aduarte Dòng Đaminh. Sau có cha Phanxicô Buzomi từ Áo Môn (Trung Hoa) sang và được phép giảng đạo từ Quảng Nam tới Phú Yên. Rồi đến các cha khác tiếp nối. Mãi đến 1689 cha Lorenso Lân mới chính thức là cha sở đầu tiên của xứ Dinh Cát. Sau 24 năm phát triển (1693-1717) thì đến thời (Chúa Minh Vương) bách hại, nhiều người chết vì đức tin. Tiếp đến những cuộc tranh chiến kế tiếp suốt 37 năm (1765-1802) đã khiến trăm họ lầm than, đến lòng trời cũng phải xúc động. Mẹ Chúa đã hiện ra tại Lavang, để an ủi kẻ âu lo, cứu giúp con cái lầm than của Mẹ.
2. PHƯỜNG LAVANG
Vào thế kỷ XV, xứ Dinh Cát gồm 2 Huyện, 134 xã, 9 thôn và nhiều Phường. Làng Cổ Vưu là một Họ Đạo lâu đời thuộc Xứ Dinh Cát, được thành lập vào thế kỷ 17, đời nhà Lê và quản thu đời Gia Long (Theo sử liệu cha Lorense Lân viết lại ngày 17.2.1791). Dân làng phải đi vô rừng sâu tới 7 cây số để phá rẫy trồng khoai, cấy lúa. Trong làng Cổ Vưu có phường Lá Vắng (Vì trong vùng có nhiều cây tên là Lá Vắng, có hột đen ăn được và lá cây lại là một vị thuốc, nên dân trong vùng dùng lá sắc lên uống chữa bệnh, do đó dân vùng lấy tên cây mà đặt cho phường như trong địa bộ. Về sau người ta đọc trại ra là Lavang như ngày nay). Vậy chiếu theo địa bộ đời nhà Lê, Lavang đã được thành lập trên 200 năm. Cũng theo những lời truyền miệng của tiền nhân thì cách đây hơn 200 năm, dưới đời vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản) một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo và chiến tranh đã khiến cho dân chúng xung quanh Dinh Cát phải chạy vào Lavang để lánh nạn.
3. ĐỨC MẸ HIỆN RA
Trong lúc lánh nạn, họ thường tụ họp nhau mỗi tối để cầu nguyện, lần hạt. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận biết là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng và có 2 Thiên Thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy họ bẻ lá cây xung quanh đó mà nấu nước uống thì sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau những ai đến đây cầu khẩn Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn phù trợ. Đức Mẹ còn hiện ra với họ nhiều lần khác nữa. Theo sách Vãn Lavang có kể rằng:
Trời sinh cái chốn lạ lùng,
Tự nhiên giữa núi nên cung Chúa Bà.
Truyền rằng có một cây đa,
Mọc trên núi nọ gọi là Lavang.
Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn này linh ứng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng giữa làng Lavang....
Điều đáng tiếc là không ai biết được Đức Mẹ hiện ra chính xác vào năm nào, nhưng theo tục truyền thì Đức Mẹ hiện ra vào lúc nước nhà đang xảy ra những cuộc nội chiến thật bi đát và lầm than (1765-1802).
Nhưng theo sử liệu định mức sự đen tối nhất là thời Vua Cảnh Thịnh (Nhà Tây Sơn) bắt đạo. Lý do là sau khi vua Quang Trung mất (9/1792), Nguyễn Quang Toản mới 13 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh, nên mọi việc do các quân thần nhiếp chính. Sau khi bắt được lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức Cha Labartelle xin giúp đỡ, vua Cảnh Thịnh sinh ghét Đạo Công Giáo và ra sắc dụ cấm đạo từ Phú xuân ra Bắc (8/1798). Lại cho lính đi lùng bắt các vị Thừa Sai Pháp đã đứng ra giúp Chúa Nguyễn Ánh. Nhiều người Công Giáo thuộc vùng Cổ Vưu, Thạch Hãn... chạy vào lánh nạn tại phường La Vang, giữa vùng núi rừng hiểm trở. Trong lúc lánh nạn ở đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt Mân Côi. Thấy cảnh khổ của họ, Đức Mẹ thương hiện ra để an ủi các con cái Mẹ đang bị bách hại.
Đời các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng đều ra những sắc dụ cấm đạo cách ráo riết. Điều đáng tiếc là các bút tích lịch sử về biến cố lạ thường xẩy ra tại Lavang do Đức Cha Labartelle để lại cùng với văn khố của Địa Phận Bình Trị Thiên đều bị thiêu đốt đến 2 lần. Ngay cả đến các sách vở, tài liệu của Đức Cha Sohiu Bình (1861) được chôn dấu tại Huế cũng bị đào lên và đốt hết, nên không còn bút tích nào để lại. Sau này các giáo hữu được thấy Đức Mẹ hiện ra cũng chỉ biết kể lại với những người quen thân chòm xóm. Và rồi từ miệng người này qua người khác, sự tích Đức Mẹ Lavang được biến thành một lời truyền tụng không sức nào có thể dập tắt được.
4. NGÔI ĐỀN THỜ ĐẦU TIÊN
Người thời xưa còn kể: Người địa phương thường hay đến khấn vái dưới gốc cây đa ở phường Lavang. Khi biết có Bà linh thiêng hiện ngự tại đây nên họ lập đàn cầu khẩn. Đến thời vua Minh Mạng, ba làng Thạch Hãn, Cổ Vưu và Ba Trừ lại chung nhau dựng chùa dưới gốc cây đa để cúng vái, những sau bị động họ phải rút lui. Sách vãn Lavang có kể:
Dân ta chớ khá công nài,
Bứt tranh, đốn củi để mai làm chùa.
Làm rồi khi ấy đi mua,
Hương đèn, lễ vật dọn chùa sửa sang.
Dọn ra Thần Phật hai hàng,
Lư Hương, bát nước nghiêm trang đề huề.
Làm rồi chức dịch đi về,
Nhân dân lao khổ ê hề bấy lâu.
Về nhà nghỉ giấc canh thâu,
Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.
Trên chùa Thần Phật rộn ràng,
Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.
Rằng Phật, rằng Thần lao đao,
Có Bà bên Đạo phép cao la lùng.
Bà về Bà đánh tứ tung,
Bao nhiêu thần Phật đều tung ra ngoài.
Tiếng Bà thật đã linh oai,
Lư hương, bát nước, đề đài đều hư.
Chức lành thức dậy lao lư,
Hỏi ai cũng mộng giống như một điềm.
Sáng rồi cất bước đi liền,
Đến xem sự việc nhân tiền ra sao.
Xét coi trong lúc chiêm bao,
Hoặc hư hoặc thiệt thế nào cho yên.
Kéo nhau vừa tới ngoài hiên,
Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.
Kêu lên đôi tiếng ngỡ ngàng,
Bảo nhau thu vác về làng cho mau.
Tưởng rằng Thần Thánh linh mầu,
Linh Bà còn hóa phép mầu nhiều hơn.
Sau những chuyện lạ xảy ra, ba làng bèn bàn nhau dâng chùa Lavang mới làm cho bên Công Giáo. Sau khi Ông Chức nhận đất và Chùa ba làng nhượng cho, ông liền trình cha bổn sở. Ngôi chùa được biến thành Đền Thờ Công Giáo đầu tiên tại Lavang, trên nơi chính Đức Mẹ hiện ra. Cũng từ đó sự tích Đức Mẹ hiện ra tại Lavang cũng được viết ra và loan báo đi khắp nơi. Như thế, ngay từ đầu đối với vấn đề Lavang, Giáo quyền đã không im hơi lặng tiếng đâu. Chỉ tiếc các bút tích ấy sau này cũng bị thất lạc cả.
Những năm sau, nhiều gia đình kéo nhau tới Lavang dựng nhà lập nghiệp, nhưng cũng không ổn vì Đảng Văn Thân (1883) nổi dậy gây ra nhiều cuộc tàn sát người Công Giáo từ Qui Nhơn ra đến Quảng Trị, Thừa Thiên. Theo bản thống kê của Đức Cha Gaspa, vào thời Đảng Văn Thân nổi lên, đã giết chết 6 Linh Mục, Chủng Sinh Toma Thiện, trên 60 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 7041 giáo dân thuộc 45 Họ Đạo của xứ Dinh Cát. Ngoài ra các nhà thờ, tu viện, nhà xứ, nhà ăn và làng xóm đều bị đốt phá bình địa. Một số trốn thoát được là nhờ chạy trốn vào Huế, hoặc lên rừng núi ẩn núp.
5. ĐỀN THỜ TRANH LAVANG THỨ HAI
Ngôi Đền thờ Đức Mẹ Lavang đầu tiên, chính là ngôi chùa lợp lá thô sơ được sửa lại, do các làng ngoại giáo nhượng lại (1798). Đền thờ này đã bị Văn Thân thiêu hủy vào năm 1885.
6. ĐỀN THỜ NGÓI TẠI LAVANG
Đến năm 1886, cuộc cấm đạo được vãn hồi, giờ khải hoàn vinh quang của Mẹ Lavang sắp điểm. Đức Cha Gaspar Lộc quyết định xây cất cho Mẹ một ngôi thánh đường lợp ngói, tại chính nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nhưng phải mất 15 năm mới hoàn thành (1886-1901). Lễ khánh thành từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 8 năm 1901 và cũng là Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ nhất với 12.000 giáo dân khắp các địa phận kéo về mừng lễ, ấy là chưa kể người ngoài Công giáo cùng đến chung vui. Từ đó cứ ba năm lại có một lần tổ chức Đại Hội Đức Mẹ Lavang.
7. ĐỀN THỜ NGÓI THỨ HAI TẠI LAVANG
Từ năm 1924 đến năm 1928 một đền thờ mới được xây dựng để thay thế ngôi đền thờ cũ đã bị hư hỏng và chật chội. Đức Cha Eugène Allys Lý đã cho phép xây và cha Morineau (Cố Trung) Quản xứ Bửu Trung thực hiện việc xây cất. Ngôi thánh đường với hai tầng mái ngói và hai cánh Thánh Giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất, nổi bật lên giữa cảnh đồi cát xung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai được xây cất, minh chứng niềm tin kính sùng mộ Đức Mẹ Lavang của hết mọi giáo dân toàn quốc. Đền Thờ được khánh thành trong ba ngày (20-23-8-1928) với đầy đủ bộ mặt giáo dân của toàn quốc tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội Lavang Cấp Toàn Quốc lên tới 30 ngàn người tham dự.
Ngày 18 tháng 3 năm 1959, Đền thờ Đức Mẹ đã xuống cấp theo thời gian, nên cha sở Trần văn Tường đã ra sức quyên góp để tu sửa nhà thờ. Ngày 22 tháng 8 năm 1961, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đã cử hành lễ Xức Dầu Đền Thờ để được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường trước đoàn giáo hữu toàn quốc lên tới trên ba trăm ngàn người đến tham dự.
Sau khi Đức Thánh Cha Gioan 23 chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam theo sắc chỉ ra ngày 24 tháng 11 năm 1960, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn Đền Thờ Đức Mẹ Lavang làm Đền Thờ Toàn Quốc dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm theo lời hứa (xây dựng một đền thờ dâng kính Mẹ) và nhận nơi này làm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc (22-8-1961).
8. LAVANG NHỮNG THẢM CẢNH TÀN SÁT
Qua những năm tháng an bình, Lavang dệt nên biết bao nhiêu sinh động. Nhưng từ dịp Tết Mậu Thân (1968) những cảnh tang thương ập tới, Lavang bắt đầu nhuộm màu máu, người chết, nhà tan, cảnh trí điêu tàn: Hành quân Hạ Lào, tái chiếm Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa, đại lộ kinh hoàng (1972). Gio Linh và Lavang nằm trong vùng lửa đạn Đền thờ Mẹ chỉ còn trơ lại mấy bức tường và một phần ngọn tháp cổ.
Nhìn lại mới ngày nào mà nay đã gần hai thế kỷ (1798-1998), Linh địa Lavang được cả thế giới kính tôn và ham mộ. Giáo phận Huế đã có đồ án trùng tu, nhưng chưa thực hiện được. Tuy nhiên năm nay là lần Đại Hội Thánh Mẫu thứ 25 vẫn được long trọng tổ chức vào ngày 13, 14, và 15 tháng 8, 1998, để kỷ niện 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Linh địa Lavang này.
9. CÁC LẦN ĐẠI HỘI LAVANG ĐÁNG KỂ
Kể từ khi có đền Lavang mới, từ năm 1901 đến năm 1969, có 17 kỳ Đại Hội Thánh Mẫu đã được tổ chức tại Linh Địa Lavang này. Từ Đại Hội lần thứ 1 (1901) đến Đại Hội lần thứ 5 (1914), chỉ tổ chức có 1 ngày tròn và rước kiệu từ Cổ Vưu vào Lavang.Từ Đại Hội lần thứ 6 đến Đại Hội lần thứ 9 (1928), tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Hai ngày tại Lavang, một ngày kiệu từ Cổ Vưu tới Lavang.Các lần Đại Hội lần thứ 10 (1932), 11 (19335), 12 (1938), 13 (1955) bị gián đoạn, mãi đến năm 1955 mới được tổ chức lại. Cha Giacôbê Kinh, bổn sở LaVang đã hy sinh trụ trì để gìn giữ đền thờ Đức Mẹ suốt thời Lavang bị Việt Cộng chiếm đóng (1948-1955). Ngài qua đời và được chôn táng ngay sau đền thờ Đức Mẹ.Lần Đại Hội lần thứ 14 (1958), kỷ niệm Bách Chu Niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thì suốt năm tại Linh địa Lavang cũng đã tiếp đón trên 600,000 người tới kính viếng Đức Mẹ.Các lần Đại Hội Lavang lần thứ 15 (1961), 16 (1964), 17 (1967), 18 (1969), được tổ chức mọi cái ngay tại Lavang, kể cả kiệu Đức Mẹ. Từ 1971 chiến tranh xẩy ra liên tiếp và vì an ninh không bảo đảm, nên việc tôn kính Đức Mẹ tại Trung Tâm Lavang chỉ tổ chức cách rất bình thường.Nhân dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm (1998) Đức Mẹ hiện ra tại Lavang, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể đã long trọng cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Toàn-Xá vào ngày mùng một tháng giêng năm 1998, ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày cầu cho Hòa Bình thế giới và cũng là ngày đầu năm Dương lịch. Tuy không có tính cách trọng thể nhưng giáo dân tiến về cũng lên tới trên 10 ngàn người. Với lòng yêu mến Đức Mẹ thật không gì có thể ngăn cản được. Mọi người trong và ngoài nước đều nhất tề hướng về Mẹ Lavang.Ngày 13, 14 và 15 tháng 8, 1998 sẽ là ngày Đại Hội Thánh Mẫu Lavang toàn quốc lần thứ 25 tại Linh Địa này và ngày bế mạc Năm Toàn Xá sẽ mở vào ngày 15 tháng 8 năm 1999.
TS. tóm lược từ nhiều nguồn.
Kính mời qúy độc giả đọc và đón đọc những bài về Đức Mẹ Việt Nam sắp tới.
ĐỨC MẸ LA VANG
ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU
ĐỨC MẸ TÀPAO
ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN
ĐỨC MẸ LA MÃ BẾN TRE
ĐỨC MẸ BÃI DÂU
ĐỨC MẸ GIANG SƠN
ĐỨC MẸ THÁC MƠ
ĐỨC MẸ PHƯỢNG HOÀNG
ĐỨC MẸ TRINH PHONG v.v...
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử