lịch sử việt nam
Bút-Xuân Trần-Đình-Ngọc - Nàng Đã Xa Rồi
Vài dòng phân trần: Trái với xã hội Mỹ, trời cho làm đàn ông là một điều hãnh diện, lại cũng cho cái “quyền” bô lô ba la ruột để ngoài da, kể lại cho bạn nghe những mối tình lẻ gay cấn ác liệt mà không sợ lúc vào giường sẽ ăn véo ăn chí! Nếu quí vị phu nhân làm quá (bà chằn) thì ta chỉ nói nhỏ vào tai: Nè, đàn ông Hồi giáo lấy công khai 4 vợ thì có chết thằng Tây đen nào? Nhưng sau khi “cương” tuồng cải lương Út Trà Ôn một cách hiên ngang (đáng ăn chổi lông gà) như vậy, nếu có bị đuổi ra phòng khách hay gầm cầu thang mà ngủ thì cũng ráng mà chịu…cho quen!
Câu chuyện có thực 100% sau đây tưởng đã khép với dĩ vãng nào ngờ hôm nay mưa ngâu (vì mùa Thu mới sang) lại được mở ra để cống hiến bạn đọc dăm ba phút mua vui giải trí!
Nàng đã xa rồi! Xa thật rồi! Người thiếu nữ khả ái ở thành phố Memphis mà tôi nghĩ phải có thiên duyên mới gặp được, một nhan sắc trời cho, một tâm hồn hiền hậu, một sự thông cảm sâu xa hiếm có của hai tâm hồn Đông và Tây. Mỗi lần nghĩ tới lại một lần đau nhưng còn biết làm sao bởi số mệnh an bài!
Năm đó, người đàn ông Sàigòn (đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi!) là tôi đang độ trung niên với trái tim hừng hực lửa yêu đương, yêu người, yêu đời, gặp nàng như tiếng sét ái tình nhưng rồi đành an phận. Chỉ tự trách mình chứ chẳng trách trời trách đất nào được bởi mình tự làm mình!
Trong thiên Hồi ức “Vì sao tôi không về trên con tầu Việt Nam Thương Tín”, ở đoạn cuối, tôi có viết khi con tầu khởi hành từ đảo Guam trở về Việt Nam với 1,600 người thì cũng là lúc chính phủ Mỹ cho gia đình tôi (hộ gia đình gồm tôi, anh bạn và con trai tôi) vào Hoa Kỳ.
Chuyến bay này có khoảng hơn trăm người Việt; chúng tôi đã ghé Honolulu, ở chơi hẳn hai ngày một đêm đợi chuyến bay, sau đó mới bay vào lục địa Mỹ châu, thành phố Harrisburg, bang Pennsylvania.
Ở Honolulu, chúng tôi chỉ được ở trong khu phi trường nhưng rất rộng và nhiều phong cảnh thiên nhiên. Tôi chỉ còn nhớ được một chỗ có con suối dài với đàn cá vàng, cá hồng to và thật đẹp bơi lượn trong đó, những cây cầu nhỏ bắc qua, những hoa cỏ xinh tươi nhìn không chán mắt. Thỉnh thoảng gặp một đoàn du khách Nhật, đàn ông, đàn bà, con nít cả vài chục mỗi toán, họ cũng đang đi ngắm cảnh Hawaii như chúng tôi.
Trưa hôm sau, chúng tôi lại lục tục leo lên một chiếc Boeing727 để bay vào Harrisburg, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Trại tạm cư ở đây là Fort Indiantown Gap, nguyên là trại lính của quân đội Hoa Kỳ, nhiều biêu-đinh, nhà ăn, sân vận động, các tiện nghi như phòng tắm nhà vệ sinh, phòng tập thể dục, sân tennis, bóng rổ, bóng chầy v.v…đều có dư dả.
Lúc đó trong trại này có cả trăm ngàn người tị nạn Việt. Bốn nhà ăn lớn bốn góc, ai tiện đâu ghé đó ngày ba bữa cơm khá thịnh soạn. Rồi cả trăm ngàn người này đã hưởng với nhau một lễ Tạ ơn (Thanksgiving) đầu tiên thân mật và vui vẻ, làm bớt đi những buồn phiền, âu lo của kẻ tị nạn xa gia đình và quê hương xứ sở vào lúc quốc phá gia vong.
Mỗi buổi tối có xinê. Cô đào Raquel Welch lúc đó trẻ măng, đóng những phim vui nhộn, hồn nhiên làm chúng tôi cũng bớt nhớ gia đình. Ở đây không giống như ở trại hồi hương Asan, “làm nũng” với cha mẹ là chính phủ Mỹ, đòi đổi phim nếu không thích và đã được chiều tối đa. Ở đây không, Quân đội chiếu phim nào coi phim ấy. Vả lại những phim đem ra chiếu là những phim vui và giá trị; còn đòi gì nữa?
Ngày Thanksgiving có gà tây nướng, muốn ăn đùi, ức, cánh thì cứ nói hoặc chưa nói được tiếng Anh thì chỉ vào chỗ đó, đầu bếp thỏa mãn ngay. Salad trộn dầu giấm (dressing), bánh mì, khoai nghiền, bắp hộp, khoai lang hấp…để sẵn đó, dùng muỗng lớn tự xúc lấy vào đĩa giấy cho mình.
Trên tường mỗi nhà ăn trang hoàng bằng các hình vẽ về lễ Tạ ơn như hình những người tị nạn da trắng từ Âu châu sang bằng con tầu Mayflower bị bão gió trên biển chết gần một nửa, hình những người này giao thiệp với dân Da Đỏ tại địa phương để xin thực phẩm và đã được dân Da Đỏ tặng gà rừng (tức gà tây), khoai, bắp, trái, rau v.v…để các người tị nạn làm lễ tạ ơn Thượng Đế ban cho họ ơn lành đến được miền Đất Hứa này (Promised Land) để bắt đầu một cuộc đời tự do và nhiều ý nghĩa.
Một đoàn ca viên mươi cô cậu trẻ trung 15, 17 tuổi, lanh lẹ, đẹp traì, đẹp gái (có vài ba người Mỹ đen), ăn mặc loè loẹt và truyền thống đi theo một anh đánh trống (drummer) vài anh thổi kèn clarinet, saxo, vài anh guitar ca hát om xòm và vũ tại những nhà ăn giúp vui cho thực khách tị nạn Việt.
Những đứa trẻ từ 12 tuổi trở xuống (con tị nạn Việt) đang cúi mình xuống các chậu nước thả nổi các trái táo, lê, cam; hễ cháu nào dùng miệng cắn được một trái nhấc lên khỏi mặt nước đưa ra ngoài ấy là được trái đó. Mà nào có dễ. Mới đụng cái môi vào thì trái đã trườn đi làm mấy cô cậu bé phát mệt với chúng. Những tràng cười ròn rã vang cả nhà ăn.
Đó là lễ Thanksgiving đầu tiên của tôi tại Hoa Kỳ mà cũng là Thanksgiving vui nhất từ 34 năm nay mặc dù trong lòng đang có nỗi lo buồn cho gia đình còn kẹt lại.
Sau lễ Thanksgiving, một chuyến bay của hãng hàng không Allegheny đưa gia đình tôi từ trại tạm cư này về thành phố Memphis,Tennessee phía Nam, một thành phố lớn của Hoa Kỳ. Trên chuyến bay này, chỉ có ba người gia đình tôi là dân tị nạn, hành khách khác toàn là người Mỹ. Từ những trại tạm cư cuối cùng trên lãnh thổ Mỹ (Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, Fort Indiantown Gap, tiểu bang Pa; Camp Pendleton, tiểu bang Ca.) hàng trăm ngàn gia đình tị nạn Việt đã chọn đi định cư ở khắp mọi tiểu bang và chính phủ Mỹ đã đáp ứng chu đáo mọi yêu cầu.
Vì sao tôi chọn Memphis, Tennessee? Vì nơi đây có một gia đình người bạn thân thiết từ hồi còn ở Sàigòn đã kiếm bảo trợ (sponsor) cho chúng tôi và đón tiếp chúng tôi. Cùng với gia đình người bạn này, ra đón gia đình tôi là đại diện giáo xứ St Ann, giáo xứ Công giáo đã bảo trợ cho chúng tôi về đây.
Từ phi trường, những người đi đón chở chúng tôi về một căn áp-pác-mân tại đường Leafy Hollow, khu trung bình, không quá tốt cũng không quá xấu. Vợ anh bạn đã làm một bữa tiệc “tẩy trần”tại nhà anh chị, có mời thêm mấy người Mỹ và vài cặp người Việt (đến đây trước chúng tôi) cùng chung vui. Sau đó họ chở chúng tôi về apartment ngủ đêm đầu tiên tại Memphis.
Tôi là chủ gia đình cùng với hai con trai tôi và anh bạn cựu Trung Tá ở Quảng Trị. Anh con lớn của tôi ở trại khác đã tới đây trước một ngày chờ tôi.
Ông Mỹ đại diện nhà thờ bảo tôi, giáo xứ chỉ trả tiền mướn cho một tháng nhà (3 phòng lúc đó 300 đô, bao điện nước), cho đồ ăn, bàn ghế, quần áo, đĩa bát, giường nệm, TV, tủ lạnh (cũ, còn dùng được), từ tháng sau, chúng tôi phải lo tự túc trả tiền nhà, tiền mua thức ăn. Giáo xứ cũng sẽ cho cái xe cũ để đi tạm nhưng một người phải đi thi lấy bằng lái mới được lái. Khi chưa có xe và bằng lái, muốn đi đâu như đi lễ chúa nhật, (chợ gần có thể đi bộ) thì gọi họ bằng điện thoại, họ sẽ đến đưa đi.
Đầu năm 1976, tôi xin được một cái job do nhà thờ giới thiệu. Job thư ký thủ kho cho một công ti lớn xuất nhập cảng dụng cụ sổ sách, máy móc văn phòng. Chi bộ (department) của tôi chỉ là một trong nhiều chi bộ của công ti.
Bữa đó mới hâm cơm xong ngồi ở bàn mở ra ăn thì có một cô gái rất trẻ khoảng 25, 27 tuổi, trang phục bình thường nhưng lịch sự, dáng thanh thả nhỏ nhắn như phụ nữ Việt, da trắng tóc đen dài, đôi mắt to với riềm mi dài cong vút, nụ cười thật xinh với đôi môi tươi hồng và hai hàm răng trắng đều. Cô chỉ cái ghế trước mặt tôi:
“Excuse me. Anybody’s sitting here?”
(Xin lỗi ông. Có ai ngồi ghế này không?)
“Không có ai cả. Mời cô!”
Nàng tươi cười ngồi xuống, bỏ hộp lunch lên bàn:
“Tôi hi vọng không làm phiền ông. Tên tôi là Dawn (đọc là Đon, nghĩa là Bình minh), làm việc ở văn phòng công ti. Hôm nay hân hạnh biết ông. Cái microwave ở trên Văn phòng hư nên tôi phải xuống đây hâm, tiện bàn trống, ăn luôn.”
Tôi đáp:
“Hân hạnh được biết cô Dawn. Tôi là Tran. Vì first name của tôi khó phát âm, cô có thể gọi Knock - như gõ cửa - cho dễ. Cô cũng làm ca hai sao?”
“Tôi thường làm ca 1, nhưng cũng có khi làm overtime sang ca 2. Tôi chỉ làm thêm 1 giờ nữa là về.”
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Nàng rất tự nhiên (văn hóa của người Mỹ) hỏi tôi đã làm ở đây được bao lâu, tôi có thích cái job đang làm không v.v… Tôi nói thích vì job này hợp với tôi, ca 2 cũng hợp vì đi làm từ 3 giờ chiều, 12 giờ đêm ra về, sáng được ngủ trễ là cái tôi luôn luôn thích.
Sau bữa đó, cách vài ngày nàng lại xuống hâm cơm và ngồi ở bàn ăn với tôi.
Hãng tôi có hai phòng ăn cơm, một phòng khá đông người, phòng kia chỉ lưa thưa. Tôi thường chọn phòng ít người và nàng cũng cầm hộp cơm đến đó.
Lâu thành quen và có chiều thân thiết, nàng xin lỗi rồi hỏi về gia đình tôi, tôi nói gia đình tôi hiện có ba bố con, nhà tôi và mấy người con khác bị kẹt lại ở Sàigòn, ai cũng nói có lẽ không có hi vọng gặp lại vì chế độ ở đó hiện giờ là Cộng Sản. Nàng chỉ nghe không có ý kiến. Rồi nàng cho tôi số phone và nói khi có nhiều thì giờ hơn, nàng sẽ kể về gia đình nàng với mẹ nàng cho tôi nghe.
Mỗi bữa ăn xong, nàng thường bảo:
“Tôi lên văn phòng. Còn mười phút nữa để ông nghỉ ngơi. Thì giờ là vàng bạc. Sẽ gặp lại ông sau!”
Bẵng đi một tuần, Dawn không xuống ăn lunch với tôi vì lý do sao đó nhưng nàng thường gọi tôi buổi sáng khi tôi có nhà. Là người Mỹ, có lẽ nàng không sợ những nhân viên trong công ti nhìn chúng tôi hoặc dị nghị như nhiều người Á châu nhưng nàng ngại làm mất thì giờ của tôi, chỉ có nửa tiếng đồng hồ; ăn xong nghỉ mấy phút để lại làm việc.
Khoảng bốn tháng sau, khi đã khá thân, Dawn mời tôi lại nhà chơi và giới thiệu tôi với mẹ nàng, bà Lucil. Bà khoảng 60 tuổi, rất khoẻ mạnh và vẫn còn đi làm. Bà có hảo cảm với người Á châu, nhất là người Việt, không có chi kỳ thị. Bà nói em họ bà là Đại Úy Cố vấn trong quân đội Mỹ đã sang phục vụ tại Việt Nam 4 năm và trở về. Còn ba của Dawn đã mất cách đây dăm năm khi Dawn mới xong high school.
Tôi với Dawn mới chỉ là bạn nhưng thỉnh thoảng bà Lucil mời tôi đến ăn tối với hai mẹ con bà. Bà nướng steak, khoai trong khi Dawn rửa salad còn tôi dọn bàn ăn. Cũng có khi tôi nấu miến gà hay chiên chả giò đem lại mời bà và Dawn.
Tôi yêu Dawn hồi nào không hay, vắng nàng vài ngày không gặp là nhớ. Rồi một bữa, tôi ngỏ lời với nàng khi tôi và nàng đi coi bảo tàng viện trong thành phố. Nàng nói nàng cũng yêu tôi. Những ngày nghỉ, tôi đến xin phép bà Lucil chở nàng đi mấy vùng quê gần gần, coi người ta hái dâu, hái bông hoặc làm trong nông trại. Buổi trưa, chúng tôi kiếm những tiệm ăn như Mc Donald’s, Marie Calender’s… dọc theo con phố nhỏ của thị trấn, vừa ăn vừa nghe ông già nghệ sĩ đàn guitar và hát, có những bài thật hay và tình cảm, tôi thích mà Dawn cũng thích như “The season and the sun” hay “Never say goodbye again” hoặc “Wind flows on the prairie” v.v…Cái mũ của ông già đựng tiền lẻ khách hàng thưởng, chúng tôi cũng bỏ tiền vào đó.
Có lần tôi đến thăm gặp lúc Dawn mắc ra phố, chỉ có tôi với bà Lucil. chuyện trò quanh quẩn một lát xong bà hỏi tôi:
“Anh có yêu Dawn không?”
“Thưa bà, tôi yêu Dawn lắm!”
“Thế anh có muốn cưới Dawn làm vợ không?”
“Thú thật với bà, tôi đang phân vân. Tôi rất muốn sống đời với Dawn nhưng tôi chưa biết phải làm sao? Tôi đã nói thật với Dawn là tôi còn vợ và mấy người con ở Sàigòn vì kẹt lại. Tôi không hiểu tương lai nước tôi sau này ra sao? Chính vì yêu Dawn tha thiết, e làm khổ Dawn mà tôi do dự chưa dám quyết. Tôi không biết phải làm thế nào? Cưới Dawn rồi làm nàng dở dang thì tôi sẽ ân hận suốt đời mà không cưới thì Dawn rất buồn và tôi cũng buồn lắm vì chúng tôi yêu nhau tha thiết. Điều quan trọng là tôi chưa xin li dị với vợ tôi (xin ở đâu, xin thế nào?) nếu làm hôn thú với Dawn, tôi sẽ bị tội song hôn.”
Bà Lucil thở dài:
“Có mấy thanh niên Mỹ thích nó mà nó không thích ai cả, nó bảo nó yêu anh, nó tin chắc anh sẽ yêu nó mãi, còn thanh niên Mỹ, nhiều người hay thay đổi lắm, họ ít trung thành với người vợ.”
Ngưng một chút, bà tiếp:
“Theo như cha mẹ tôi từ Bồ đào Nha sang đây lập nghiệp thì hễ cộng sản đã ở đâu, họ cấm đoán mọi giao thương liên lạc, dù là thư từ. Người trong xứ cs cũng không được ra ngoài. Hãy coi Đông Bá linh, Cuba, Hungary, Tiệp, Balan, Liên Xô…Như vậy chuyện anh mong đoàn tụ với gia đình cũng là điều rất khó.
Trừ phi có phép lạ!”
Tôi công nhận bà Lucile suy nghĩ rất chính xác. Những kinh nghiệm từ xưa cho ta cách sống hôm nay. Hơn nữa tôi đang tha thiết yêu Dawn, làm sao tôi có thể thiếu nàng nơi đất khách tha phương này? Nàng sẽ là người vợ ý hợp tâm đầu với tôi, nàng đang bảo tôi dạy nàng tiếng Việt và nàng tập nói dù còn nói ngọng nhưng đã có cố gắng. Nàng còn vẽ ra những đứa con của chúng tôi sẽ đẹp vì có lai hai dòng máu, nhất là chúng sẽ thông minh.Tôi bảo nàng:
“Anh chỉ cần con gái chúng ta giống em một điểm thôi!”
Nàng tròn mắt nhìn tôi:
“Điểm nào?”
“Đố em biết?”
“Mái tóc chăng?”
“Không.”
“Đôi môi chăng?”
“Không.”
“Vậy thì em chịu.”
“Chính là đôi riềm lông mi đen, dài và cong vút của em. Anh thích đôi riềm lông mi với đôi mắt của em như anh vẫn hay hôn vào đó. Đúng chưa?”
Nàng e thẹn sung sướng.
Bà Lucil đã thấy những trắc trở giữa tôi và Dawn nhưng bà không cấm đoán con gái tiếp tục yêu tôi. Tôi vẫn gặp Dawn hầu như mỗi ngày. Thuở mới vào đời, tôi cũng là một trong những thanh niên yêu rất nhiều và nhận cũng rất nhiều nhưng quả thực, chưa người con gái nào hợp với tôi như Dawn. Nếu nàng là con gái Việt, tôi chắc nàng phải đi thi hoa hậu.
Ngoài nhan sắc hơn người, nàng lại nết na, đức hạnh, có công ăn việc làm đàng hoàng và nhất là chưa bao giờ lấy chồng. Nàng theo đạo Tin Lành như bố mẹ nàng và hợp với tôi nhiều phương diện như thích đồng quê, không thích ồn ào, thích giản dị, không thích rườm rà, không thích những phim kinh dị, bắn giết, thích đọc tiểu thuyết lãng mạn và giả tưởng (fiction) v.v…
Tôi và Dawn vẫn đi chơi với nhau và vẫn quấn quýt bên nhau, làm như chúng tôi không thể thiếu nhau dù chỉ một ngày. Còn một điểm khác rất đáng lưu ý. Nàng nắm tay đi với tôi trong Mall, trong công viên một cách rất hãnh diện và tự tin chứ không ké né như một số phụ nữ Mỹ có chồng người Á châu. Nàng đánh giá tôi cao hơn thanh niên Mỹ, một điều làm tôi hãnh diện!
+*+*+*+*+*+
Mùa hè năm 1977, vì đã làm cho công ti một năm rưỡi, tôi đương nhiên có 10 ngày nghỉ hè. Tôi bàn với Dawn, nàng cũng lấy vacation vào dịp đó và tôi đã xin phép bà Lucile để đưa nàng đi coi Las Vegas. Dawn rất vui sướng khi tôi chìa cho nàng coi hai tấm vé máy bay đi phi trường Las Vegas. Một buổi trưa đẹp trời ngày thứ sáu, chúng tôi đã ngồi bên nhau trên chiếc DC9, tay đan tay mà lòng vui vô tả.
Dawn và tôi không thích đánh bạc (kéo máy) lúc đó có những máy mỗi cái kéo $10 mà cũng có những cái chỉ 1 cent. Chúng tôi đi loanh quanh trong thành phố cờ bạc Las Vegas. Buổi tối chúng tôi đi coi show ở hí viện mỗi casino như Mirage, Circus Circus v.v… còn ban ngày chúng tôi vào coi Viện Bảo tàng ở Las Vegas hoặc ghé vào tiệm sách mua vài quyển nào thích, lúc đó chỉ vài đồng/cuốn. Vì là mùa hè, khách du lịch đông, phòng ngủ mới và đẹp không rẻ, có cái cả trăm, vài trăm một đêm.
Ở đến ngày thứ tư thì chán, chúng tôi lên xe bus đi Reno coi một buổi chiều và một buổi tối. Cũng những sòng bài casino tuy nhỏ hơn Las Vegas. Sáng hôm sau, bus chở đi coi Lake Tahoe, hôm sau nữa vào coi rừng Yosemite, ra bãi biển Monterey, bãi biển thật đẹp, rồi lên máy bay tại Salinas, trở về Memphis.
***
Trong cuộc họp Cộng đồng Việt Nam tị nạn tại Memphis mùa Thu đó, người không đông lắm nhưng ai cũng thích ra một cuốn Đặc San vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới âm lịch. Cộng đồng biết tôi là dân làm báo tại Sàigòn nên yêu cầu tôi phụ trách. Tôi nhận lời.
Thế là từ hôm đó, cuối tuần là những ngày bận rộn. Tôi lo viết bài, đọc và sửa những bài các nơi gửi về xin đăng. Phần vụ đánh máy giao cho phụ nữ. Các chị người Việt đánh bài Việt, Dawn xung phong đánh bài Anh ngữ. Nhóm có 5 người, hai phụ nữ Việt, Dawn, anh Jerry Blackburn và tôi. Tôi mời bốn người đến phòng khách nhà tôi làm việc. Tôi đã chuẩn bị nên buổi trưa có bún chả giò hoặc phở để cùng ăn với nhau cho vui…
Khi bản mẫu làm xong, tôi đưa đến thư viện chính Memphis, nơi đây bằng lòng in free cho chúng tôi, bìa chỉ hai mầu, đặc san gồm những tờ rời, khổ 8.5x11 inch nhưng được thế cũng mãn nguyện vì chúng tôi không có tiền để in. Tôi đặt tên là Đặc san Mẹ Việt Nam để nhớ đến quê hương đã xa cách gần ba năm. Truyện ngắn “Một lễ Giáng Sinh tuyệt đẹp - A very beautiful Christmas” cùng với một truyện ngắn khác (tôi đã quên tên) do tôi sáng tác và tôi với Jerry dịch sang Anh ngữ đều có trong Đặc san này.
Trước lễ Giáng sinh một tuần, Thư Viện gọi chúng tôi tới lấy Đặc san vì đã in xong. Tám trăm cuốn xếp trong ba thùng đầy, các gia đình Mỹ địa phương bảo trợ người Việt cũng lấy đọc. Đặc san được phân phát cho bà con Việt ngay, có những người xin thêm để “mail” đi cho thân hữu ở những tiểu bang khác. Nhờ những hoạt động báo chí và xã hội đó, nỗi buồn xa quê và thảm cảnh quốc phá gia vong của những người tị nạn chúng tôi cũng vơi bớt phần nào.
***
Cuối năm đó, tôi nhận được một lá thư cuả nhà tôi và các con gửi qua Pháp, người thân ở Pháp chuyển qua đây cho tôi. Nhà tôi nói thế nào cũng phải gửi các con đi vượt biên vì ở lại không có đường sống. Những đứa nhỏ chưa được nhận vào học Tiểu hoặc Trung học, đứa lớn chắc chắn họ không cho vào đại học vì xưa kia tôi là Dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, có nợ máu với nhân dân (dù tôi chưa giết ai). Tôi nhận được thư nhà mà tâm hồn tan nát. Ở hoàn cảnh đó, làm sao tôi có thể vui vầy với Dawn?
Thấy tôi ưu tư nhiều lúc như mất hồn, Dawn đoán ra lại chuyện gia đình tôi ở Sàigòn. Dawn kính trọng sự đau khổ của tôi, chẳng biết nói sao!
Rồi tôi lại nhận một lá thư nữa. Tôi nghĩ ngợi hoài, không biết phải làm sao cho vẹn toàn. Lấy Dawn, tôi phải hi sinh vợ con tôi. Còn nếu lo cứu gia đình còn kẹt lại Việt Nam, tôi phải xa Dawn trước khi Dawn mang bầu vì nếu có con, tôi sẽ rất khó xa mẹ con Dawn. Nó đã là con tôi, tôi có bổn phận chăm nom, nuôi dưỡng nó nên người y như những đứa con tôi đã có với nhà tôi. Nhân có người bạn rủ về Cali, tôi bắt lấy cơ hội này di chuyển một lần nữa.
Tôi nói với Dawn ý định về Cali sau khi đã trăn trở suy nghĩ nhiều đêm ngày.
Nàng trầm ngâm mấy phút rồi nói:
“Em cũng đoán sẽ có chuyện này, sớm hoặc muộn. Anh có nghĩ rằng anh cứ sống với em cho đến khi vợ anh sang, lúc đó anh muốn ở với ai tùy ý. Anh với em chưa có hôn thú, trước pháp luật, chúng ta chỉ là hai người bạn; ngay cả khi em có đứa con với anh thì em cũng chẳng bắt anh phải nuôi nó. Em đi làm, có đủ tiền để sống và nếu có con, em cũng sẽ lo cho nó như ý em muốn. Anh không phải bận tâm.”
Tôi biết Dawn nói thật lòng mình, nàng không cần dựa vào tôi để sống, cũng không cần dựa vào tôi mới nuôi được con (nếu có) nhưng có vài điều, tôi là đàn ông, tôi phải bao bọc vợ con, tôi không thể lợi dụng lòng tốt của vợ. Hơn nữa, dù không hôn thú nhưng khi ăn ở với Dawn như vợ chồng, tôi có nghĩa vụ thăng tiến gia đình cho bằng người. Tôi phải cùng với Dawn dành dụm mua nhà, sắm đồ đạc trong nhà, thay vài cái xe cũ…những cái bề ngoài ấy với tôi là thường nhưng với một phụ nữ ở Mỹ, một phụ nữ Mỹ thì đó là điều quan trọng. Phải có nhà cửa như người ta, tiền trong băng, tiền đóng (như 401K) để về hưu sau này, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ, mọi thứ trông vào đồng lương của tôi và nàng để trang trải và cái tài sản chung ấy (common property) là của hai người để đảm bảo cuộc sống an lành cho hai vợ chồng nhất là khi có những đứa con ra đời.
Nhưng nếu tôi theo chương trình đó thì tiền đâu tôi gửi cho nhà tôi để các con tôi vượt biên? Trong hai lá thư tôi nhận được, nhà tôi nói đã vay của người quen hàng chục ngàn đôla, hàng mấy chục lạng vàng để đóng tiền cho mấy đứa con đi mà bị lừa nhiều chuyến nhưng nếu không liều mạng vậy thì biết bao giờ đi được? Những người cho vay, người thân của họ ở Mỹ sẽ tìm đến địa chỉ của tôi đòi tiền theo như lời hứa của nhà tôi lúc vay. Tôi phải dành dụm tiền lương để sẵn sàng trả nợ dù là những món vay nợ ấy đã mất toi vì đi hụt lại còn bị tù tội.
Nhưng chẳng còn con đường nào khác. Ruột gan tôi rối như mớ bong bong.
Tôi không nói với Dawn tôi phải gửi tiền về nhưng một người thông minh như Dawn sẽ biết. Có lần nàng hỏi tôi:
“Vợ con anh còn ở Sàigòn có công ăn việc làm không?”
Tôi đáp:
“Chế độ mới không chấp nhận sự hiện diện của vợ con anh, những người có chồng và cha làm việc cho Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa khi xưa. Con anh đi xin học không được mà đi xin việc cũng không ai cho.”
“Thế tiền đâu mà sống? Anh phải gửi tiền giúp đỡ chị ấy và các con anh!”
Tôi cảm ơn lòng tốt của Dawn nhưng lúc ấy gửi tiền vẫn còn khó. Chỉ có thế này là được, như đã nói ở trên: nhà tôi nhận tiền ở Sàigòn, người nhà người cho vay ở Mỹ đến tôi lấy và chúng tôi đã chuyển tiền cách đó khá nhiều vì người ở Sàigòn muốn chuyển tài sản ra nước ngoài. Chuyển như thế cũng không phải lệ phí.
Dawn yêu tôi nên nàng bỏ qua tất cả. Ở hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều phụ nữ, ngay cả những đồng hương, sẽ tỏ ra nóng giận, bực bội vì tôi không chịu cùng nàng đi cho đến cuối con đường. Nàng vẫn chiều tôi khi tôi muốn yêu nàng, vẫn lịch sự, ngọt ngào nhưng nhìn đôi mắt, tôi biết nàng buồn ghê lắm. Chính vì nàng nhẫn nhục, chịu phần thiệt và yêu thương tôi hết lòng, tôi càng cảm phục và yêu nàng hơn.
Kỳ hạn đi mỗi ngày một gần. Cuối tháng ba là bắt đầu mùa Xuân, đường hết đá (sleet), tuyết hết rơi; tôi định khoảng giữa tháng tư lên đường.
Lúc này, người bạn ở với tôi đã đi ở nơi khác, apartment chỉ còn lại ba bố con tôi, mỗi người một phòng. Dawn rất thân thiện với hai con tôi, những anh này có tân học nên coi chuyện bố có bạn gái không phải là điều quá lớn lao. Vả lại, như đã nói, lúc đó không ai nghĩ sẽ có ngày đoàn tụ với những người còn kẹt lại ở Sàigòn. Một người bạn của tôi và một người chỉ quen sơ đã lấy vợ sau khi đến đây được hơn năm. Hai người này không hề nhắc đến vợ con họ còn kẹt lại ở Việt Nam. Có những người đàn bà kẹt chồng cũng đã chắp nối với những người đàn ông kẹt vợ. Ai hay đâu tìm đó, thực là một thời kỳ tan nát và đau lòng.
Còn một tuần nữa là đến ngày lên đường. Tôi đem phân phối những thứ không mang đi (ngoại trừ những gì để lại cho anh con trai lớn) như giường nệm, bát đĩa, quần áo, các thứ lặt vặt tôi đã mua trong 2 năm rưỡi ở đây cho những người cần dùng hoặc người mới tới. Tôi và anh con trai nhỏ chỉ mang theo vài bộ quần áo trên chiếc xe Datsun 510 hai cha con lái đi.
Hãng tôi làm tổ chức một party buổi trưa cho cả trăm nhân viên tiễn biệt tôi. Dawn cũng dự. Nàng không ngại ngùng ngồi cạnh tôi. Trong hãng ai cũng biết nàng là bạn của tôi.
Đồng hương Việt Nam trong thành phố Memphis cũng muốn làm party nhưng tôi nói, xin mời lại nhà tôi dự. Tôi giao tiền cho hai chị quen tổ chức đi mua thực phẩm và gia vị, xong đem về nấu nướng tại nhà tôi.
Mỹ Việt ngồi kín một căn apartment, cả trẻ con người lớn đến 40 người vừa ăn vừa chuyện trò thật vui nhưng cũng thật buồn vì sắp xa nhau.
Liên hoan cho mãi đến 12 giờ khuya, bà con mới từ tạ ra về sau khi ôm hôn và chúc bố con tôi thượng lộ bình an.
Khi đã về hết chỉ còn lại tôi và Dawn ở phòng khách. Con tôi đã rút cả vào phòng. Tôi và Dawn ngồi bên nhau trên ghế sofa, ngọn đèn bàn thật nhỏ. Dawn lặng im, mặt buồn rười rượi. Chúng tôi ngồi im như vậy một lúc, rồi tôi nói:
“Sang tới bên đó, anh sẽ viết thư và gọi điện thoại cho em!”
Dawn nói:
“Anh đi có lẽ anh không buồn bằng người ở lại. Anh có thể cảm nhận thấy em buồn như thế nào!”
Tôi cầm tay Dawn:
“Xa em anh cũng buốn lắm lắm nhưng em ạ, chúng ta gặp nhau quá trễ. Anh có cả một gánh nặng gia đình trên vai. Nếu anh không làm tròn bổn phận ấy thì anh có lỗi. Em tha thứ cho anh!”
Tôi ôm nàng hôn, những nụ hôn từ giã nghe cay đắng, chua xót làm sao! Từ những nụ hôn, tôi biết nàng yêu tôi tha thiết và muốn sống đến răng long đầu bạc với tôi. Dawn không có nhiều cao vọng. Một mái gia đình êm ấm với tôi và vài đứa con là nàng mãn nguyện rồi. Người tôi yêu dấu không lúc nào muốn rời mà nay phải chia tay chỉ vì bổn phận với gia đình. Dưới ánh đèn, tôi thấy đôi mắt Dawn long lanh vài giọt lệ. Tôi lại an ủi nàng:
“Chúng ta chưa hoàn toàn hết hi vọng. Em vẫn là người yêu mãi mãi của anh. Em hãy vui với công việc và săn sóc má. Thôi em về ngủ kẻo khuya quá rồi.”
Dawn không về vẫn ngồi bên tôi cho đến hai giờ sáng, tôi lại giục một lần nữa nàng mới uể oải đứng lên ôm hôn tôi rồi ra xe:
“Goodbye my love! Good luck!”
Tôi đưa Dawn ra xe, nàng lại hỏi thêm tôi:
“Mai mấy giờ anh đi?”
“Anh ngủ một giấc cho tỉnh người rồi dậy là đi. Có thể là 7 hoặc 8 giờ.”
“Em sẽ đến tiễn anh!”
“Thôi em. Em đến làm anh không đi được. Như thế này tối nay em tiễn anh đầy đủ rồi.”
Dawn lại ôm hôn tôi một lần nữa rồi mới chui vào xe. Tôi sập cửa lại cho nàng. Nàng quay kính xuống và vẫy tay từ từ lùi xe ra. Tôi đứng vẫy tay với nàng cho đến khi chiếc Honda Honey Bee khuất dạng trong sương mờ.
Tám rưỡi sáng hôm sau, hai cha con tôi lên xe nhắm hướng Tây chạy về California. Tôi lại phải phấn đấu với một cuộc đời hoàn toàn mới lạ khác. Đêm đó, chúng tôi vào một khách sạn ở thành phố Oklahoma City, thời tiết vẫn còn lạnh ghê lạnh gớm!
Sang tới Cali, tôi báo tin cho Dawn biết chỗ ở và số điện thoại. Chúng tôi nói chuyện với nhau trên điện thoại mỗi buổi tối. Dawn viết thư cho tôi. Dawn nói Dawn muốn bay qua với tôi, nàng nhắc lại câu nói cũ nhưng tôi nói tôi còn lãnh tiền CETA (Chương trình Huấn Nghệ) đi học Cán sự Điện tử rồi mới xin được việc. Vì tôi bỏ job (quit) ở Memphis, sang đây xin tiền thất nghiệp không được.
Nàng nói tôi khỏi lo cho nàng, sang Cali nàng cũng sẽ xin được việc làm.
Nhưng tôi làm sao dám đồng ý để nàng sang đây!
Chúng tôi thư từ liên lạc đến nửa năm, sau đó tôi không biết Dawn ra như thế nào. Cầu mong nàng gặp người nàng thương và họ cũng thương nàng như khi xưa tôi với Dawn vậy.
Kể đã hơn 30 năm, viết lại quãng đời này với nhiều dấu ái với Dawn, tôi vẫn không nén nổi những tiếng thở dài! Tôi chợt nhớ đến mối tình của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như!
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Tin Sách Mới Mời đọc Tập Truyện Ngắn: Tình Mẹ Con của Bút XuânTrần Đình Ngọc để thấy không mối tình nào sánh bằng Tình Mẹ Con. Sách dày 356 trang, bìa mầu, in đẹp, 17 truyện.
e-mail: Julie.nb.tran@gmail.com -Tập Thơ Phụng Vụ Thi ca Công giáo Sau Giờ Kinh Chiều.
Bút Xuân Trần-Đình-Ngọc @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử