lịch sử việt nam
Bút-Xuân Trần-Đình-Ngọc - Đôi Bờ Tử Sinh
1, 2
Tử sinh ngăn cách đôi bờ
Chỉ một sợi tóc hững hờ….thiên thu (tđn)
...
Ở câu chuyện trước, chúng ta đã học được một bài học từ Celia, con gái anh Phát, người bạn vong niên của tôi tại quận Cam, California. May là anh Phát có được tiền già (đặc biệt ở Hoa Kỳ và mấy nước dân chủ Tây phương) nên anh với con cháu ngoại Tina mới không đến nỗi thất cơ lỡ vận và Tina mới được đi học, trở thành Bác sĩ Nhi Khoa danh tiếng ngày nay.
Ở bên kia bờ tử sinh miên viễn, nếu Celia nhìn được kết quả vượt bực của đứa con, tôi chắc Celia sẽ cảm động lắm và biết ơn người cha già đã hết lòng săn sóc cháu ngoại thay cha mẹ nó và biết đâu Celia không ân hận những xử sự quá đáng với cha! Nhưng dù cho có ân hận chảy máu mắt thì mọi chuyện đã rồi. Tôi viết bài này để bạn đọc nhìn ra vấn đề và sẽ bớt đi được (nếu có) cái quá đáng của Celia.
Nhưng không phải chỉ có một Celia trên cõi đời này. Coi chừng, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một Celia! Vài câu chuyện tôi kể sau đây, cũng 100% thật như truyện Celia cho chúng ta biết trên đời có rất nhiều Celia và ngược lại, cũng có rất nhiều ông nội, ông ngoại như anh Phát.
Hình như ai cũng học được câu châm ngôn “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” giữ lúa gạo để phòng lúc đói, giữ áo quần để phòng khi lạnh, đó là điều khôn ngoan, nhưng có người đã triệt để khai thác câu châm ngôn ấy một cách quá đáng (như Celia) ngay cả đối với cha mẹ mặc dù tâm tính của Celia là con người tốt và là người con biết kính yêu cha mẹ.
Ai trong chúng ta cũng có nhiều tấm gương ngay trước mắt để soi. Chúng ta nhìn vào đó để chiêm nghiệm và cố gắng làm tốt mỗi ngày. Chúng ta không dám cười ai cả vì biết đâu chúng ta lại sa vào cái vòng luẩn quẩn đó?
Ông Tỉ Phú
Câu chuyện thứ nhất mà tôi chợt nhớ là ông tỉ phú Hi Lạp mà hầu như ai cũng nghe danh: Aristotle Onassis. Tôi không có tài liệu về ông ta chỉ nhớ những gì khi xưa đọc sách báo và xem vài cuốn phim.
Đời vợ trước của ông Onassis cho ông hai người con, một trai, một gái (nếu tôi không lầm). Khi bà quả phụ Jacqueline Bouvier Kennedy làm đám cưới trên chiếc du thuyền sang trọng với nhà tỉ phú Onassis thì hai người con ông này đã khôn lớn. Chúng không giấu diếm sự khi dể bà Jacqueline, chúng cho rằng bà này chỉ nhắm vào cái gia tài của bố chúng mà lấy bởi bà còn khá trẻ nhưng ông Onassis đã đi vào tuổi già, hai người cách nhau một khoảng khá xa.
Chẳng biết bà Jacqueline Kennedy có biết điều đó không nhưng chứng tiêu hoang của bà vẫn bất trị như cũ. Đi shopping vài giờ, bà tiêu cả trăm ngàn đô la đến nỗi ông Onassis phải ngán.
Tôi đã được xem một cuốn phim quay lúc Tổng thống anh minh đẹp trai Kennedy (đang tay giết họ Ngô, đem dâng cả miền Nam cho quốc tế CS) còn sinh thời, vâng lúc TT hào hoa phong nhã này còn sinh thời thì bà Bouvier đã đi chơi (lén?) trên du thuyền với ông tỉ phú. Ông tỉ phú đứng hôn bà tỉnh bơ, ra cái điều ta hôn cả vợ Tổng Thống đây chứ sợ thằng tây đen nào? Bà Bouvier phản bội chồng như vậy nhưng cũng tỉnh bơ! Tôi nghĩ có lẽ bà căm hận vì cô đào Marylin Monroe đã cướp hồn của ông chồng bà. Báo chí nói vậy, chẳng biết sự thật ra sao? Sau khi ông hạ độc thủ cụ Ngô đến nỗi miền Nam mất ngày 30-4-1975, chỉ ba tuần sau ông cũng ra đi đau đớn, rồi em ông, Bộ trưởng Tư Pháp ra ứng cử Tổng Thống cũng bị bắn, con trai ông lái máy bay rớt biển, có bài báo trên Net nhưng tôi không có thì giờ đọc, gia đình Kennedy bị một lời nguyền?
Cái hộp đen vớt được cho biết trước khi máy bay lao xuống biển, cặp vợ chồng trẻ có cãi nhau. Nguyên do là vì cô em gái bắt chờ, lúc bảo đi lúc lại nói không, anh John Kennedy (Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ) không quen lái đêm rồi cằn nhằn, nóng giận mà nên cớ sự.
Cuốn phim chiếu tỉ phú Onassis với bà Jacqueline cũng có cảnh đôi uyên ương đi tắm biển ở bãi biển Hi lạp, ông tỉ phú Onassis có vẻ mãn nguyện vì có vợ mới trẻ, sang và đẹp, nguyên là vợ góa của TT Hoa Kỳ, quí phái hạng nhất. Khoảng một dặm cách xa nơi hai người tắm nắng là chiếc du thuyền lộng lẫy ông vẫn nâng niu. Không ai nghi ngờ ông đang quá sức hạnh phúc!
Nhưng hình như Thượng Đế không cho con người hưởng hoàn toàn hạnh phúc, bởi trời xanh quen thói, như cụ Nguyễn Du viết:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Nên cuộc tình truởng giả, vua chúa này chẳng bao lâu cũng sinh tiếng bấc tiếng chì.
Như đã nói, hai người con của ông Onassis lúc nào cũng nghĩ bà Kennedy vào lấy của nên chúng đề phòng ráo riết lắm mà chúng còn làm cho bố chúng mất lòng tin tưởng nơi bà. Tuần trăng mật đã rút lại không đủ dài so với chiếc du thuyền.
Tiếp đó là một cái tang xẩy ra. Thằng con trai ông Onassis nguyên là phi công, bữa đó không biết rủi ro máy móc hư hay là buồn phiền quá lo ra, chiếc phi cơ anh ta lái đâm xuống biển.
Tôi nghĩ người ta có vớt được xác của anh này nên mới làm đám ma và có ngôi mộ chôn cất trong nghĩa trang. Cuốn phim hiếm quí ấy tôi coi đã lâu, chẳng còn nhớ năm nào. Người đi đưa đã về hết chỉ còn mình bà Jacqueline thẫn thờ đứng trước ngôi mộ vì thương một thanh niên sớm lìa đời, dù sao cũng là con chồng bà, một đứa con ông yêu thương như chính ông.
Đang lúc đó, ông Onassis đến. Ông nhìn thấy bà vợ mình đứng trước ngôi mộ đứa con trai yêu quí. Máu nóng ông xung lên, ông chỉ tay vào mặt bà vợ:
“Vì bà mà con tôi chết! Tất cả vì bà! Bà gieo tai họa cho gia đình tôi. Gia đình tôi tan nát vì bà. Giờ bà còn đứng giả vờ thương tiếc gì nó?”
Onassis không từ một lời nói nặng nào để rủa xả bà vợ kế. Bà đứng chịu trận cho ông nguyền rủa. Nói đã, ông bỏ đi. Và bà lặng lẽ với những dòng lệ tủi nhục trên đôi mắt đỏ hoe, lủi thủi đi ra cổng nghĩa trang.
Ông tỉ phú Onassis chỉ viết chúc thư để lại cho bà Jacqueline 5 triệu đôla. Tài sản cả tỉ đôla của ông, ông viết chúc thư để lại cho cô con gái.
Nhưng cô con gái này số mệnh cũng hơi yểu. Giống như Lý tiểu Long, Elvis Presley, Michael Jackson, Lâm Đại tài tử Hồng Kông, Nicole Smith, 39 tuổi, vợ ông tỉ phú Marshall 89 tuổi và nhiều ngôi sao Hồ-li-út khác, cô này (con ông Onassis) dùng drug quá liều chết trong khách sạn. Khi người ta phá cửa phòng vào cứu thì cô đã ra đi từ hồi khuya.
Ác thay cô chỉ có một đứa con gái. Cháu gái được thừa kế cả một gia tài kếch sù từ ông ngoại nó là tỉ phú Onassis. Năm nay cháu cũng khoảng đôi mươi trở lại.
Vài năm trước cháu sang Brazil du lịch hải cảng Rio de Janeiro, cháu thấy người Brazil, con trai con gái sao mà cỡi ngựa giỏi thế. Cháu ngỏ ý muốn tập, người ta giới thiệu cho cháu một thanh niên Brazil chuyên chăn ngựa nhưng cũng có thể tập cỡi ngựa cho những ai chưa hề cỡi ngựa bao giờ.
Chẳng biết tập tành ra sao, chỉ vẽ tận tâm chu đáo thế nào mà cô cháu gái tỉ phú Onassis mê anh chăn ngựa hết biết.
Thế là một đám cưới lớn diễn ra, trai tài (cỡi ngựa), gái sắc nước hương tiền, một đôi uyên ương quá ư hạnh phúc, dám chắc còn hạnh phúc hơn cặp Onassis-Bouvier khi xưa. Nay anh chăn ngựa một phút nhẩy lên lưng voi, có tiền tỉ trong tay vì của chồng công vợ, ai nỡ nào làm giấy tờ cam kết (prenuptial agreement) làm chi cho phai tình lạt nghĩa.
Giá như xưa kia ông Onassis còn sống, đi ngoài đường, anh chăn ngựa homeless này có ngửa tay ra xin, chưa chắc ông thí cho 5 đô. Nhưng nay tài sản của ông hắn tiêu pha tiền nghìn thoải mái!
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh! Một thằng bạn bảo với người viết bài này rằng giá còn trẻ thì hắn đi học quách cái nghề tập cỡi ngựa, biết đâu mèo mù vớ cá rán! Viết lách chỉ có tiếng không có miếng, mụ vợ nó than trời như bọng! Tôi bảo hắn rằng, mày nghèo mà ham, đâu có phải ai cũng vớ được cháu tỉ phú. Không chừng chưa kiếm được tiền mà lớ ngớ đứng phía sau, ngựa nó đá giò lái một cái thì oong poong phi nan (un point final), chấm hết. Nó nghe tôi hót chỉ nhe răng cười!
Vị Đạo Sĩ
Câu chuyện thứ ba là chuyện một vị đạo sĩ. Ông ở tận vùng Denver, Colorado, lúc về hưu đã bảy mươi tám. Suốt đời ông góp nhóp được một số tiền khá lớn: 380,000 đôla. Lúc đó (2006) ông tính về vùng nắng ấm Cali, quận Cam đông vui và đất lành chim đậu, dưỡng già. Ông tính mua một ngôi nhà sấp sỉ số tiền này, ngoài ra mỗi tháng còn lương hưu, sống thoải mái. Thân thích ruột thịt chẳng có, ông có một người đi lại lâu ngày thành ra như ruột thịt. Ông đưa số tiền lớn cho người này giữ, khi realtor kiếm xong cái nhà vừa ý thì ông lấy tiền trả chủ bán, trả dứt một lần cho nó khoẻ.
Nhà mua chưa xong ông ngã bệnh. Vì có Medicare và Medicaid, ông vào nhà thương mà không phải đóng tiền; chính phủ đài thọ hết.
Nhưng ông không về nữa, ra đi không mang va-li. Người ta liệt ông vào hạng vô thân nhân, quận hành chánh chi tiền nhà quàn hỏa thiêu cho ông. Người giữ 380,000 đôla của ông không biết có đến dự lễ hỏa thiêu hay không?
Chuyện người rồi đến chuyện mình
Câu chuyện thứ tư là chuyện của chính tôi.
Tết Mậu Thân khi VC tấn công Sàigòn, tôi còn đang ở ngôi nhà tại đường Nguyễn huỳnh Đức. Nhà này do tôi chỉ huy thợ xây cất, 3 tầng suốt, trên đó là cái sân thượng với một căn phòng nhỏ để tôi lên đó đọc sách cho yên tĩnh hoặc ban đêm lên ngủ. Nhà trong Nam xây tốn hơn nhà ngoài Bắc vì tầng nào cũng phải có nhà tắm và cầu tiêu, lại có chỗ làm bếp, đun nấu cho một gia đình.
Giữa năm đó người ta mách cho tôi căn nhà số 53.. Trương minh Giảng hai vợ chồng li dị muốn bán. Tối đó, tôi sang gặp chủ nhà, chỉ sau nửa giờ tôi đặt cọc mua căn nhà vì tôi không bớt một đồng. Nhà mặt đường Trương minh Giảng-Trương minh Ký từ 1954 đến 1975 lúc nào cũng có giá vì ai cũng thích có một căn nhà nơi đó đã khang trang, xây cất kiên cố đẹp đẽ, ở cũng tốt mà làm cửa hàng buôn bán cũng tốt, khi muốn bán, bán rất dễ và có lời.
Nhà này nhìn sang miếng đất trống của nhà thờ Nam, tức ở ngay biên giới Trương minh Giảng (tên trước 4-1975) và Trương minh Ký, cách mấy căn là Nam Việt Ngân hàng. Đặt cọc căn nhà này nhưng chưa đề biển bán căn nhà ở đường Nguyễn huỳnh Đức thì lấy tiền đâu trả chủ bán để lấy nhà. Vậy mà chúng tôi cũng bán được nhà chỉ sau hai tuần và đã dọn vào nhà mới suông sẻ.
Tôi ở như vậy được một năm, vẫn đi dạy học nhiều trường và làm Tổng thư ký Tòa Soạn/Chủ bút bán nguyệt san Tinh Thần Nha Tuyên Úy Công giáo QLVNCH. Ngôi trường tôi yêu mến là Trung tiểu học Đồng Tiến, tôi làm Giám học và Tổng Giám thị và là Giáo sư dạy nhiều lớp ở đó. Ngôi trường thứ hai tôi yêu mến là trường Trung học Thánh Mẫu sau chợ Bà chiểu-Gia định, mấy lớp 11 và 12 mỗi niên khóa các em học sinh rất quyến luyến và thỉnh thoảng cha Giám học (LM Nẫm) lại tổ chức cho tôi cùng các em đi cắm trại ở Biên hòa hay Thủ đức, Lái thiêu v.v…rất vui, nhiều kỉ niệm.
Lúc đó tôi đã được giải ngũ (động viên khóa 13 SVSQTB Thủ đức) nên yên chí đi dạy và làm báo. Khi có giờ, tôi cũng viết cho nhiều nhật báo như Xây Dựng, Hòa bình, Bút Thép, Chính Luận những tờ báo có uy tín và thỉnh thoảng gửi bài cho Thời Nay, Phổ thông, các đặc san Sinh viên v.v…
Khi tôi ở trong căn nhà mới đường Trương minh Giảng được khoảng 6 tháng, người em họ của tôi tên Ch. lúc ấy có nói với tôi và nhà tôi:
“Thưa anh chị, em có ông anh rể tên T. anh ta mới bị giải ngũ không có công việc làm. Anh ta đã có gặp anh chị hôm đám cưới em. Em có nói với anh ta là anh có ngôi nhà mặt đường Trương minh Giảng, anh chị và các cháu ở chứ không buôn bán gí vì chị thì đông con, anh đi dạy học nhiều trường cũng thoải mái. Anh ta nhờ em nói với anh chị cho anh ta mướn cửa hàng để làm ăn sinh sống, không bao giờ anh ta quên ơn anh chị.”
Nể lời chú em, tôi bằng lòng cho anh này mướn cái cửa hàng. Chúng tôi có cửa sau để lên lầu (4 tầng và cái sân thượng rộng thênh thang). Tôi bắt anh ta ký giấy mướn một năm, tiền nhà thay vì nghìn bạc một tháng (tiền VNCH năm 1970), anh ta năn nỉ xin trả 700, sau này nếu làm ăn được sẽ tăng lên 800, rồi 900; có như thế anh ta mới trả nổi.
Nghĩ tình anh ta là anh em với người em mình, vả lại tôi đi dạy học, nhà tôi lo việc nội trợ bận rộn vì đông con, tôi bằng lòng cho anh ta mướn làm cửa hàng sửa TV.
Chỉ trả được 3 tháng tiền nhà, anh này trổ mòi đểu cáng không trả nữa. Tôi đã gặp anh ta nhiều lần nhưng vô hiệu. Tôi giơ tấm giấy giao kèo ra, anh ta thách tôi đi kiện. Vì hệ thống tư pháp miền Nam lúc đó còn nhiều sơ hở và bất công, lấy cớ là bênh vực dân nghèo, dân đi ở mướn nhưng thực tế chỉ làm cho những kẻ mướn lưu manh sinh lòng tham lam cướp nhà của gia chủ. Dù có trưng bằng cớ không trả tiền nhà nhiều tháng, dù có tờ giao kèo nhưng đã có rất nhiều chủ nhà chịu thua kẻ thuê mướn điếm đàng. Khoảng mùa Xuân năm 1970, vì làm ăn mỗi ngày mỗi xuống, thợ sửa bỏ đi vì y xử tệ, khách sửa không có, cửa tiệm đóng cửa hoài hoài. Sau đó y bắn tiếng với tôi là cho y một số tiền thì y sẽ dời đi.
Y đòi 1 triệu, tiền lúc đó còn giá trị, chỉ 30-35 đồng một tô phở bò giá 5 đôla bây giờ.
Tôi thấy y quá vô lý khi ăn cướp của tôi một số tiền lớn như thế. Nhân sắp ra tranh cử Dân biểu Quốc hội, tôi bàn với nhà tôi không cho y, khi tôi đắc cử Dân biểu chắc chắn tôi phải đòi Công lý cho tôi. Và tôi lấy lại cái cửa hàng đã bị y chiếm cả năm nay.
Nhưng nhà tôi nói thôi anh cứ cho y đi. Thứ ăn cướp của người chắc không bền đâu. Tôi thu xếp đưa cho y 1 triệu bạc mà lòng đau như cắt. Người em tôi không được một lời khuyên can thằng anh cọc chèo làm bậy dù tôi có nói với chú ta xin bớt cho tôi vì con đông (vợ chồng anh ta lấy nhau lâu nhưng không có con).
Rồi tôi cũng giao tiền và lấy lại được cái cửa hàng. Tuy chưa buôn bán nhưng nhờ tầng trệt thuận tiện, các Vận động viên cho tôi (tranh cử Dân biểu năm 1971) chỉ xẹt vào lấy truyền đơn, bích chương, khi thuận tiện, ăn bữa cơm với gia đình tôi hay có khi chỉ vài ổ bánh mì thịt nhà tôi làm để sẵn, lại mau mau đi xuống Hóc Môn hoặc Bình chánh, sang Tân Bình làm nhiệm vụ tôi giao phó: giới thiệu tôi với các cử tri. Hàng trăm nữ sinh và nam sinh các lớp 10, 11, 12, có cả phụ huynh các em giúp tôi. Các cụ già, các thanh niên nam nữ qui tụ lại cả vài, ba trăm người. Có những buổi tối họ không hẹn mà cùng về nhà tôi, ngồi chật ních một tầng trệt, bàn ghế phải mướn tháng, cơm nước nấu không kịp, đãi đằng bình thường cơm dưa muối nhưng tình người thật đầm ấm. Tôi đã làm nhiều công việc nhưng chưa có việc nào vất vả như khi ra tranh cử Hạ Nghị Viện VNCH năm đó.
Ăn cướp được tiền của tôi rồi, hai vợ chồng tên T. rất hí hửng ăn tiêu sung sướng của không mồ hôi nước mắt. Vậy mà chỉ 4 tháng sau, vợ anh ta bị chứng bệnh ung thư tử cung bộc phát, rồi qua đời đột ngột khi chị này mới ngoài ba mươi tuổi trước đó rất khoẻ mạnh. Số tiền ăn cướp của tôi phải chi phí vào đám ma cho vợ cũng không còn bao nhiêu.
Nghe nói khi CS vào Sàigòn, anh ta lấy một nữ cán bộ CS nhưng sau đó mấy năm anh ta bị một cơn bạo bệnh và qua đời khi tuổi cũng còn khá trẻ.
Quả báo nhãn tiền trong trường hợp tôi vừa kể. Người ta thường nói ông trời có mắt.
Vài kỉ niệm với nhà thơ
Chuyện sau đây có liên quan đến một người bạn khi xưa cùng dạy học với nhau chứ không có liên quan đến tiền.
Qua chuyện này, tôi chỉ muốn chứng minh cuộc sống quá phù du. Đó là Thi sĩ Nguyên Sa Trần bích Lan.
Tôi không nhớ tháng mấy, hình như là cuối năm 1997. Bữa đó tôi cần in một tập sách nhỏ bèn lái xe đến anh bạn Q.T. có nhà in ở Santa Ana. Khi tôi vào phòng khách nhà in thì thấy anh Nguyên Sa đang ngồi ở đó, trên tay vài chồng báo mới. Hình như là tờ Dân chúng do anh chủ trương.
Bắt tay chào hỏi xong, tôi nói:
“Từ bữa tôi gặp anh đến dự buổi ra mắt sách của anh V.P. tôi chưa gặp lại anh.
Sao kỳ này khoẻ không?
Nguyên Sa giơ cái cổ ra cho tôi coi:
“Anh coi cái cổ của tôi. Bác sĩ đẽo đi gần hết rồi.”
Nghe anh nói, tôi giật mình. Bây giờ tôi mới nhìn. Quả cái cổ của anh bị vạt đi một bên, chỉ còn lại khoảng một phần ba. Tôi hỏi:
“Tại sao vậy?”
“Tôi bị ung thư cổ, Anh thấy tiếng nói của tôi cũng đổi khác đâu có giống tiếng của tôi ngày xưa!”
“Thế trong người thì sao?”
“Người cũng tạm, không đến nỗi lắm; chỉ cái cổ!”
Vừa lúc đó, anh Q.T. từ phòng chạy máy in ra nói:
“Nhân tiện bà xã em làm con vịt đánh tiết canh. Mời hai đại ca vào làm ly bia nói chuyện cho vui!” Q.T trẻ hơn hai chúng tôi, vẫn xưng hô như vậy.
Tôi và Nguyên Sa cùng đứng lên theo Q.T. vào phòng trong.
Một cái bàn tròn có bốn ghế, mặt bàn la liệt thức ăn. Có hai đĩa tiết canh vịt, đĩa rau thơm, đĩa thịt luộc, một cái bánh đa nướng và một đĩa lạc rang, dăm chai la-de còn đợi mở.
Chúng tôi ngồi vào bàn. Tôi bảo anh Q.T. kêu chị ấy ngồi ăn cho vui! Nhà em còn đang bận nồi cháo, lại còn đút cháo cho thằng bé con. Mời hai anh cứ tự nhiên.
Chúng tôi cụng ly. Nguyên Sa nói:
“Nếu tôi không lầm thì anh với tôi cùng tuổi Thân, Nhâm Thân như có lần anh bảo tôi hôm chúng ta cùng uống rượu ở nhà anh trên đường Trương minh Giảng. Hôm đó có 3 ông Linh mục là ông Kim Định, ông Thiên Hổ và ông Lê tôn Nghiêm ở trên sân thượng nhà anh…”
Tôi nói:
“ Trí nhớ anh còn tốt lắm. Kể ra cũng trên 25 năm rồi.”
Anh Q.T lấy muỗng gạt tiết canh vào cho tôi và anh Nguyên Sa. Chị Q.T đánh tiết canh rất khéo, đông cứng như bánh đúc. Một lượt những lát gan xắt mỏng đặt trên, lẫn với gan là những hột đậu phọng rang vàng. Miếng chanh và chút tiêu đã có sẵn, chúng tôi uống thêm ngụm bia Heineken rồi bắt đầu ăn tiết canh. Quả thực các cụ ta khôn ăn đáo để. Tiết canh không biết ăn cũng uổng; có điều phải làm cẩn thận và dùng nước luộc vịt đun sôi để nguội để pha tiết như vậy không sợ nước lã sinh đau bụng.
Tôi nói:
“Tôi với anh đều tuổi Thân. Tôi sắp tổ chức cái hội những người tuổi Thân. Mời anh vào cho vui.”
NS nói:
“Ý kiến rất hay. Tôi hoan hô cái hội này. Bây giờ trở lại những vụ ngồi mạn đàm ở sân thượng nhà anh.
Anh có nhớ một bữa có cả anh Chu Tử, chủ nhiệm báo Sống và anh Nguyễn mạnh Côn cùng nhiều vị nữa đến họp tối ngay tại trường Văn học. Anh đã đả kích bọn tôi không có hướng đi, anh bảo Mỹ sắp bỏ miền Nam Việt Nam, quân Bắc Việt nhờ được quốc tế CS yểm trợ tối đa đem hàng chục Sư đoàn vào Nam mà giới làm Văn học Nghệ thuật miền Nam vẫn bình chân như vại, mặc chính phủ và quân đội miền Nam chống CS. Thế thì sớm muộn gì cũng mất. Thế mà xẩy ra không sai.”
Tôi nói:
“Có lẽ lúc đó tôi nói vậy, các anh ghét tôi lắm nhưng tôi nhìn rõ thấy chuyện đó, không nói không được. Chẳng những nói với các anh mà tôi còn nói trước diễn đàn Hạ Nghị Viện. Vì nói quá nên nhiều tờ báo như Đại Dân tộc, Điện Tín, Tin Sáng và cả Sống đã vẽ biếm họa và đánh phá tôi nhưng họ cũng chỉ nói tôi chống Cộng cực đoan chứ không moi ra được chuyện gì xấu của tôi.” Rồi tôi nói lảng sang chuyện khác:
“Thôi hôm nay ta gặp nhau là rất vui. Nhân tiện xin chúc anh mau lành bệnh, trở lại sáng tác Thơ cho bà con đọc.”
Chúng tôi ngồi ôn lại mấy kỷ niệm khi chúng tôi cùng dạy học với nhau ở Văn học, ở Đồng Tiến, ở Thánh Thomas tức Nhà thờ Ba chuông. Trường Văn học là của Nguyên Sa, tôi làm Giám học và Tổng Giám thị trường Đồng tiến, còn trường Thánh Thomas do cha Vang làm Hiệu trưởng. Giờ ra chơi, chúng tôi thường đàm đạo với cha. Cha thích hút thuốc lào như cha Nguyễn quang Lãm báo Xây Dựng.
Tôi không hiểu Nguyên Sa có vào Thủ Đức không, riêng tôi năm 1962, lúc đang đi dạy và phụ trách tờ Bán Nguyệt San Tinh Thần (Nha Tuyên Úy Công Giáo QLVNCH) thì tôi được gọi nhập ngũ khóa 13 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức.
Sau hơn 5 năm quân ngũ, tôi được giải ngũ vì nhu cầu giáo chức của Bộ Giáo dục. Tôi trở lại dạy học và tiếp tục phụ trách tờ Bán Nguyệt San Tinh Thần cho đến 1-1971, tôi xin nghỉ để ra tranh cử Dân biểu QH và sau đó, tôi đắc cử vào Hạ Nghị Viện làm cho đến 30-4-1975.
Câu chuyện lan man đi qua vấn đề tôn giáo. Nguyên Sa nói:
“Nhân tiện có anh và anh Q.T. là người theo đạo Công giáo. Tôi muốn hỏi các anh, nếu tôi muốn theo đạo thì phải làm sao?”
Tôi nói:
“Dễ thôi. Anh Q.T. hoặc tôi sẽ giới thiệu anh đến một vị Linh Mục, vị này là Linh hướng cho anh. Vị Linh mục sẽ giải thích những lẽ chính trong Đạo và đưa anh một cuốn sách nhỏ dặn anh về đọc và ghi nhớ. Rồi vị Linh Mục hỏi xem anh có nhập tâm và tin - nhất là tin - những điều đó không? Sau khi đã qua những chặng chuẩn bị tâm hồn, anh được chịu phép Rửa tội và được rước Chúa vào tâm hồn. Có 10 điều răn của Chúa (Ten Commandements) và 6 điều răn của Giáo hội, anh cứ theo thế giữ là thành một tín hữu tốt.
Ngày Thi sĩ Nguyên Sa chịu phép Rửa tội, anh có viết thiệp báo tin cho tôi. Không may hôm đó tôi phải đi công tác cho Sở ở một thành phố xa không về kịp; nhưng khi về tới nhà tôi đã tới thăm anh tại tư gia. Gặp tôi anh rất mừng, anh kể lại những gì đã diễn ra trong buổi lễ và niềm hân hoan của gia đình anh ra sao. Tôi trao anh một bài Thơ chúc mừng anh đã trở thành con Chúa, thực thi giáo lý Yêu thương của Ngài.
Sau đó vì quá bận, tôi không có giờ đến thăm anh. Tôi không nhớ là bao lâu sau tôi được tin anh qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Tôi có mang hoa đến viếng xác anh tại nhà quàn. Cây Thánh giá ngay trên đầu quan tài của anh là niềm tin vững vàng của anh, sống như Lời Chúa dạy để được phục sinh như Người!
Tôi biết anh đã ra đi yên ổn vì anh có tâm sự với tôi lúc còn sống, anh chỉ ước ao được chết lành như một tín hữu Công giáo! Năm đó là 1998, anh thọ được 66 tuổi!
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Mời quí bạn đọc bài Thơ:
Hạt Bụi
Tôi vẫn nhớ tôi là hạt bụi
Hạt bụi này nằm rất trơ vơ
Cũng ôm ấp những giấc mơ
Trăm năm cuộc thế cũng tơ tưởng nhiều!
Tôi không nhớ những gì dĩ vãng
Khi chưa thành hạt bụi nhân sinh
Biết yêu, biết giận, biết tình
Hay ngu ngơ chốn vô minh thuở nào!
Tôi cũng đau, cũng buồn, cũng chán
Đường trần gian thật lắm chông gai
Bình minh thức với nắng mai
Bữa sau chẳng biết hình hài còn không?
Ngày nào đó kiếp người thu nhỏ
Tôi trở về hạt bụi ngày xưa
Tôi mong bụi vẫn ngu ngơ
Vẫn yêu, vẫn nhớ, vẫn mơ tưởng nhiều!
Một hạt bụi, một đời trần thế
Tôi làm xong khó, dễ cũng xong
Dù đời lắm lúc long đong
Tin yêu phó thác tôi mong tới bờ!
Hồn tôi, lượng Chúa trông chờ!
(Trích “Sau Giờ Kinh Chiều”
Dust
I never forget I am dust,
It is so simple and lonely.
Yet it has dreams in one-hundred-year human’s life!
I don’t remember any detail of the past
when I haven’t become human dust yet.
Of course I knew love and anger
And maybe I was so naive in the unknown world!
I was also miserable, sad and unpleasant,
Since life is so thorny.
Tomorrow I’ll wake up with the beautiful sunshine.
But I’m not sure I am still alive the next day!
Some days my life becomes smaller and smaller,
Then I become a dust again,
I hope it is still a naive, lovely and dreamy dust as before!
Dust is a human life!
I’ve finished my duty already though it was hard or easy.
I met a lot of difficulties but my boat is full of hope
expecting the safe harbor!
I believe in God and his generosity!
But Xuan Tran Dinh Ngoc
Quà Văn Nghệ
Nhà Xuất Bản Đông A hân hạnh giới thiệu:
Quà cho thân hữu và gia đình không gì bằng những tác phẩm mới xuất bản của Nhà Văn Bút Xuân Trần Đình Ngọc:
-Tập Truyện ngắn Tình Mẹ Con
17 Truyện, 356 trang, $US17 + Bưu phí
-Tập Thơ Nắng Quê Hương (sẽ in)
-Tập Thơ Phụng Vụ Thi ca Công giáo
Sau Giờ Kinh Chiều
(in đợt đầu 5,000 cuốn ) để tặng mỗi gia đình một cuốn. Sẽ in thêm. Tiền in ấn do tác giả và quí ân nhân bảo trợ. Sách gồm gần 200 bài Thơ, nhiều bài song ngữ (tiện cho giới trẻ VN ở Hoa Kỳ).
Nếu quí bạn muốn nhận sách hoặc yểm trợ tài chánh, xin gửi e-mail, Tác giả: ngocdtran@gmail.com. Chi phiếu xin đề tên Julie Tran và gửi cho:
Julie Tran
10412 Circulo De Juarez
Fountain Valley, CA 92708 e-mail:
Julie.nb.tran@gmail.com
1, 2
Bút Xuân Trần-Đình-Ngọc @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử