lịch sử việt nam

Trang Chính

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu Nhật-Tân:

Blog Chu-Mộng-Long:

Blog Cu Làng Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Diễn-Đàn Công-Nhân:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Blog Quê Choa VN:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Diễn-Đàn Sửa Đổi Hiến-Pháp 1992:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tư-Tưởng Phật-Giáo:

Tưởng-Niệm 50 Năm Anh-Hùng Ngô-Đình-Diệm, Anh-Hùng Ngô-Đình-Nhu Vị-Quốc Vong-Thân 1963-2013:

Tưởng-Niệm 50 Năm Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức Tự-Thiêu 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Trí-Lực:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Văn-Hóa Tộc Việt:

Weblinks:

 

 

Trang Bút Xuân Trần-Đình-Ngọc

Truyện Ngắn | Ăn Tết Quê Ngoại

tem thư việt nam, thú vui ngày tết, tem viet nam

Mỗi năm vào cuối tháng Chạp, khi tôi thấy chiếc thuyền đinh lớn, phía mũi có vẽ hai con mắt khổng lồ giống như mắt người, ở giữa là cây cột buồm cao bằng tre luồng lớn và ở phía lái có chú Vững, đầu đội cái khăn rằn đen để hai đầu khăn rủ xuống một bên tai, bộ quần áo nâu nhuộm kỹ dày mo, đang đứng chỉ huy cho các tay chân sào neo thuyền, sửa soạn buồm dây v.v... ngay tại Bến đá trước nhà bố mẹ tôi, là tôi biết đã gần Tết Nguyên Đán rồi.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng sau ngày ông Táo chầu Trời, người trong thôn tôi - trong đó có bố mẹ và anh chị em chúng tôi - bao một chiếc thuyền đinh làm đò dọc để sang xã Đông Thành, tỉnh Thái Bình ăn Tết với ông bà ngoại. Đối với gia đình tôi, Đông Thành là quê ngoại vì mẹ tôi sinh trưởng nơi đó cho đến khi lấy bố tôi và theo về Nam Định, ở vùng Trà Lũ này. Với nhiều gia đình khác, Đông Thành lại là quê nội hoặc có thể là nơi sinh sống của bà con thân thuộc, Tết nhất cần phải đến họp mặt, mừng tuổi.

Năm nay, chú Vững khởi hành vào ngày 24, và chú nói vì nước lũ năm nay còn mạnh và lớn nên ít nhất cũng phải 27 tháng chạp mới tới Đông Thành.

Các chị và các anh lớn tôi khuân hòm, rương đựng quần áo ra thuyền (lúc đó thời Pháp thuộc nên vali còn rất hiếm). Quần áo này là những bộ đồ đẹp, chỉ được mặc trong mấy ngày Tết dành cho bố mẹ tôi, chị Thảo và tôi vì các anh chị lớn phải ở nhà trông nhà.

Trong rương cũng còn chất quà cáp để biếu ông bà ngoại và mọi người trong gia đình như: trà, mứt, thuốc bổ, sâm, nhung, quế, đồ trang sức, quần áo v...v... bố mẹ tôi đã mua sẵn và gói riêng từng gói, đề tên mỗi người.

Ông ngoại chỉ thích trà tàu Chính Thái thứ thượng hạng, bà ngoại cái cối nhỏ xíu bằng đồng để giã trầu hay cái hộp nhỏ bằng bạc hình trái cau để đựng vôi, cô Đoàn, chị mẹ tôi cái quần lãnh đen v...v... tất cả đều được cân nhắc, suy tính trước khi mua, tùy theo sở thích và nhu cầu của người được tặng và xếp gọn gàng trong hòm, trong rương.

Về phần tôi, lúc đó mới chín, mười tuổi, cái tuổi thích mặc quần áo mới. Tôi nhớ dù còn bé tí nhưng bố mẹ tôi cũng bắt tôi mặc áo dài. Tết nhất là cái áo gấm vàng hoặc xanh có chữ thọ to như cái bát úp rải rác khắp áo, một chiếc quần trắng dài bằng vải trúc bâu, chân đi vớ trắng và dận đôi xăng đan màu da bò. Khi trời nắng, tôi thường đội một cái mũ khung bằng liège để làm nút chai, tuy nhẹ nhưng cứng, không vo lại bỏ túi được, vành rộng hơn tấc tây, ngoài lợp vải trắng, khi mũ dơ, có thể dùng phấn trắng quết, sơn lên cho mới lại. Ngoài ra còn có thêm những bộ quần áo mặc thường để thay đổi nữa.

Lúc chín, mười tuổi, được mặc quần áo mới ai không thích, nhưng với tôi, điều thích thú hơn là được tung tăng ở quê ngoại, nơi đó có vườn tược, ao cá, đồng ruộng... một năm mới nhìn một lần nên lạ mắt, thấy cái gì cũng hấp dẫn, kỳ bí, làm tôi say mê chơi hoài không chán.

Một điều thích thú nữa, mà có lẽ là điều thích thú nhất, là được nghỉ học để đi ăn Tết hai tuần. Buổi học cuối cùng khi nghe thầy Nhường nói bằng Pháp ngữ: "Các anh được nghỉ ăn Tết hai tuần. Ngày... phải trở lại lớp." Sau khi thầy đã dặn đi đặn lại một tràng dài, nào Tết ở nhà đọc từ bài nào đến bài nào, làm bao nhiêu con toán, học thuộc bao nhiêu bài học thuộc lòng để thầy khảo v...v..., tôi - mà chẳng phải mình tôi, còn nhiều đứa khác nữa - đã nhảy cẫng lên, ôm cặp chạy bay ra khỏi lớp, phóng một mạch về nhà đứng thở, để rồi đi tha thẩn ngoài vườn, ngoài ngõ chẳng làm gì.

Hai tuần không phải cặm cụi viết chính tả, không phải học văn phạm, không phải chia động từ, không đặt câu, không làm tính, không bất cứ cái gì. Ôi sao lúc đó tôi yêu Tết làm vậy!

Khi mọi người đã xuống thuyền đầy đủ, các lồng gà vịt đưa đi biếu treo lủng lẳng ngoài hai bên mạn và sau bánh lái. Mới nhìn, người ta cứ nghĩ chiếc thuyền này buôn gà vịt vì lồng lớn lồng nhỏ treo đầy hai bên, trong lồng có để sẵn cám và nước.

Khoảng năm chục người xếp cá hộp trong ba khoang thuyền cộng thêm với rương, hòm, đồ biếu xén của mỗi gia đình, chiếc thuyền vừa khẳm vừa chật không hở một phân vuông.

Chú Vững ra lệnh nhổ neo khởi hành. Chú cầm bánh lái để đưa thuyền đi đúng hướng, còn thuyền đi được hay không là trông vào sáu anh chân sào, cạn thì đẩy bằng sào, nước ngược thì lên bãi dùng dây song, dây thừng để kéo mà sâu quá thì chèo. Sáu anh này cũng như chú Vững đều khỏe mạnh, cường tráng và đã quen sông nước.

Con sông Bến đá ngay trước mặt nhà bố mẹ tôi đi lòng vòng cả mấy chục cây số mới ra đến sông cái, tức là một nhánh của sông Hồng hà, đi tuốt về phía Ngô Đồng rồi mới sang tới Đông Thành.

Chú Vững đứng thẳng cầm bánh lái, công việc chú làm coi nhàn tản nhưng thực ra phải chú ý trong mọi lúc. Nếu chú lo ra để thuyền đâm vào bờ hoặc húc vào các cây cầu khỉ, cầu gạch bắc qua sông thì chẳng những hư thuyền mà còn phải dừng lại bồi thường cho dân làng có cây cầu nữa. Khúc sông trong này cạn nên mỗi bên mạn ba anh chân sào dùng cây sào bằng tre đặc, thẳng, thật dài để đẩy thuyền đi. Tôi vì được chú Vững cưng, nên trời còn sáng, tôi đứng cạnh chú để xem chú bẻ bánh lái đồng thời ngắm phong cảnh hoàng hôn hai bên bờ sông.

Làng mạc san sát, làng nọ tiếp giáp làng kia. Đại để trông từa tựa như nhau: những mái tranh, mái rạ màu nâu, xám, thỉnh thoảng xen vào một vài mái ngói đỏ, hoàng hôn cố sức lấy hết tàn lực rọi lên những tia nắng cuối cùng đẹp rực rỡ như bức tranh của Vincent Van Gogh.

Đâu cũng là những lũy tre xanh, tượng trưng một cuộc sống êm đềm, thôn dã. Những hàng cau cao chọc trời, cây thẳng, cây nghiêng, lấp ló một đôi chim cu bay ra bay vào cái tổ ngay trên ngọn. Thỉnh thoảng thuyền chui qua một cây cầu lợp ngói, chắc chắn, kiên cố, dân quê thường gọi là cầu thượng gia hoặc qua một bến đá tương tự như bến đá trước cửa nhà tôi. Vài người lớn, vài đứa trẻ con còn rửa ráy, giặt giũ, nước bắn lên tung tóe nghe lạch bạch cùng với những tiếng cười ròn tan. Thật xa, tiếng tù và bắt đầu vọng lại, tháng này, dân quê phải cắt phiên canh gác coi chừng trộm cướp vì cướp túng quá hay đi ăn hàng vào những đêm giáp Tết.

Tiếng chuông thu không với nhịp thật chậm của một ngôi chùa kế sông vẳng lên làm tâm hồn ta muốn tìm cõi siêu thoát. Tiếng guốc gõ trên đường xi măng và tiếng lào xào nói chuyện của một đoàn người lớn và con nít, áo quần thùng thình, đang rảo bước đến nhà thờ đọc kinh tối, dáng điệu vui vẻ và thanh bình như tiếng chuông rộn rã của giáo đường.

Quê tôi chỉ có vậy. Mộc mạc. Êm đềm. Trầm lặng. Và nghèo. Cuộc sống không thích hợp cho người thích bon chen, tranh đua nhưng rất thoải mái cho những tâm hồn yêu thiên nhiên, sống giản dị và bình lặng.

Người trong khoang thuyền giở cơm nắm, muối mè, xôi, cơm nếp mật, bánh trái... ra ăn cho bữa tối. Còn một chút ánh sáng mặt trời, họ phải lợi dụng kẻo nửa giờ nữa là tối sập. Tiếng mời chào, trao đổi món ăn nghe cũng ấm lòng. Người dân quê hiền lành chất phác, nghĩ sao nói vậy. Họ không khách sáo hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách như người thành thị. Họ chia sẻ những vắt cơm, những nắm xôi, những củ khoai, chén đậu, cái bắp với nhau, những thức ăn thật tầm thường đạm bạc nhưng lòng họ đầy thành thật và thương quí lối xóm, bà con.

Mẹ tôi gọi tôi vào ăn cho xong bữa, nhưng tôi mải mê với hoàng hôn đang từ từ xuống, với cảnh vật thiên nhiên lồng vào sông nước, con thuyền tôi đang đi. Tôi muốn thu vào trí nhớ tất cả những hình ảnh thân thương đó để mãi mãi, dù sau này không còn được nhìn lại, trí óc tôi vẫn còn ghi đậm những gì tôi đã được hưởng lúc thiếu thời.

Chú Vững giục tôi vào khoang vì trời đã tối và lạnh. Bên trong chỉ có một ngọn đèn chai đốt bằng dầu lạc. Dầu hỏa hay dầu hôi lúc đó đã có nhưng dân chúng chỉ dùng để đốt những ngọn đèn Hoa Kỳ nhỏ, hoặc nhà khá giả, đèn măng-sông, mỗi khi có đình đám tiệc tùng.

Đèn chai là thứ đèn hết sức thô sơ. Người ta cắt hai đầu một chai thủy tinh để làm cái chụp đèn. Bên trong chụp là một cái lọ giống lọ mực, học sinh khi xưa vẫn phải cầm đi mỗi khi đến trường để chấm ngòi bút lấy mực đặng viết. Trong lọ là dầu lạc (đậu phụng) với một ngọn bấc nhỏ xíu khi cháy cho ta ánh sáng của một ngọn nến (đèn cầy). Nến không thắp lâu được vì tốn tiền, phải canh chừng khi nến sắp hết và sáp nóng chảy lung tung. Đèn dầu lạc ít tốn, có thể đốt suốt đêm, lại nữa, nếu đèn bị ngã đổ, ngọn lửa tắt liền không gây hỏa hoạn như đèn dầu hôi hoặc nến.

Trong khoang khá ấm dù chăn, mền hơi ít và chỉ có chiếu nhưng đông người vẫn ấm. Chỉ còn vừa một chỗ nằm nhỏ xíu cho tôi lách mình vào, nằm nghiêng mới đủ chứ không thể nằm ngửa. Cá mòi xếp trong hộp Sumaco - Made in Morocco có lẽ cũng chỉ khít khao đến thế.

Tuy ăn uống, chia sẻ cho nhau thân thiết đậm đà như đã nói nhưng lúc nằm ngủ, giới phụ nữ không nhân nhượng phe đàn ông một chút nào khi bị lấn lướt. Thỉnh thoảng lại nghe một tiếng la, giọng chua như dấm của một bà sồn sồn hoặc cô con gái:

"Cái nhà ông này hay chửa, sao ông cứ gác chân lên đùi tôi vậy? Tê hết cả cái đùi người ta rồi này."

Mặc dù "xướng" to thế, cả làng cả nước những người còn thức đều nghe, nhưng không có "họa". Người đàn ông nào đó làm như ngủ say - say thật hay say vờ - nhưng không bao giờ có tiếng trả lời.

Được một lúc im lặng, chỉ nghe tiếng ngáy phì phò, tiếng thở nhịp nhàng của những người dễ ngủ. Làm việc đồng áng ban ngày, đêm đến là họ ngủ như chết.

Rồi lại tiếng la:

"Cái anh chết tiệt này, mê sảng gì cứ sờ đầu, sờ cổ người ta lung tung. Thức dậy đi. Đồ phải gió!"

Lời trách móc, chửi bới rốt cuộc cũng loãng vào khoang thuyền. Chẳng ai để ý, mà để ý cái vụ đụng chạm làm chi khi khoang thuyền chật như nêm cối. Thánh sống nằm đó cũng còn bị trách cứ, mè nheo, huống hồ con người. Không lẽ nằm như bó giò từ chập tối đến sáng không cựa quậy, không nhúc nhích, không gãi ngứa, co tay đạp chân? Vậy đụng chạm là phải rồi. Chỉ có cái lạ, dù mãi sau này mười tám, hai mươi tôi mới hiểu ra, lâu lâu lại một cô con gái nhà lành đi buôn đò dọc hàng chuyến như thế, bỗng nhiên cái bụng cứ to mãi lên, khiến cô phải bỏ quê đi mất xứ. Vác cái bầu, kết quả của những đêm đi đò dọc nghe mấy anh chân sào gẩy đàn bầu hoặc hát trống quân, quan họ trong lúc thuyền đi thong dong nhờ gió và buồm, nhục nhã với bố mẹ, gia đình, làng xóm không chịu nổi. Các cô ra tỉnh ở đợ, ở vú kiếm ăn nuôi con, sống nhục nhã ê chề thế nào cũng giữ con, ôm con chứ không phá thai dễ dàng như thời nay.

Sau ba đêm và hai ngày đằng đẵng dưới đò như thế, mọi người đã cảm thấy cuồng cẳng. Sáng ngày kế tiếp, thuyền chúng tôi vào địa phận Đông Thành. Thuyền lại đi trong con sông nhỏ vài cây số nữa mới tới chợ, nơi thị tứ đông người ở và là nơi trú ngụ của ông bà ngoại tôi. Hai anh chân sào ngồi trên thuyền nghỉ, một anh đứng chống mũi thuyền để thuyền khỏi gạc vào bờ, ba anh kia đeo thừng vào vai, lội ruộng để kéo thuyền. Khi nào kéo mệt, toán kia xuống đổi.

Tin thuyền ăn Tết của chú Vững tới được loan thật nhanh. Lúc thuyền vừa cặp bến, tôi đã thấy ông ngoại tôi - dù trên bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn khang kiện - cùng với cậu Bảo, cậu Tường và dì Cúc, dì Hiên, dì Mười có mặt để đón chúng tôi. Đúng như chú Vững nói, sáng hôm 27 Tết chúng tôi có mặt ở chợ Đông Thành.

Con cái đã tụ họp đông đủ. Gia đình tôi từ Trà Lũ sang, cậu mợ Lã từ tỉnh Thái Bình về, ông bà Phán Quế, bạn của ông ngoại tôi lúc cùng đi học, từ Hà Nội xuống. Bạn bè, con cháu, xóm giềng đầy một nhà tính ra có tới ba, bốn chục người.

Đầu tiên ông tôi phân công mỗi người hoặc mỗi nhóm một việc. Bố tôi viết đại tự đẹp thì lo liễn, hoành phi, câu đối, thiếu mua vải về viết thêm, đủ thì chỉ bảo cho mấy đứa cháu lau chùi bụi bặm, treo lại cho ngay ngắn. Bố tôi cũng có nhiệm vụ lo bàn thờ gia tiên, đỉnh hương, đèn nến và chỉ bảo người nhà lau chùi bày biện hương hoa, quả trái cho ra vẻ ngày Tết. Tôi nhớ ông bà ngoại tôi lúc đó chưa theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng không theo đạo Phật. Ông bà chỉ cúng giỗ gia tiên và làm bổn phận của người con, người cháu những ngày kỵ, ngày Tết. Tuy vậy ông không cấm con cháu theo tín ngưỡng riêng. Khi mẹ tôi lấy bố tôi, mẹ tôi theo đạo Thiên Chúa vì gia đình ông nội tôi có đạo Thiên Chúa từ nhiều đời.

Cậu Bảo và thằng con lớn của cậu có nhiệm vụ trồng nêu và trang hoàng, làm sạch lối đi vào nhà. Thường gần Tết, dân quê có thói quen sửa sang đường xá, làm cỏ, cắt cỏ những nơi công cộng cho sạch sẽ, vét bùn ao, sông hoặc tát ao, tát sông bắt tôm cá chia cho mỗi gia đình ăn Tết.

Một đám thanh niên năm, sáu người theo lệnh ông tôi xuống ao bắt cá. Tôi còn nhớ cái ao lớn và thật sâu, ông tôi làm ống cho thủy triều ở con sông lớn vào ra hàng ngày nên ao sạch và cá rất mau lớn. Với đám khách khứa đó, khoảng mười con cá vừa mè, vừa chép trung bình mỗi con sáu, bảy ký là đủ. Bà ngoại chỉ huy cho nhóm đàn bà đem nướng, hấp hoặc nấu với chuối xanh tùy theo loại cá để đãi khách.

Dù mới hăm bảy tháng Chạp, nhà ông bà ngoại tôi đã vui như Tết. Cá đánh dưới ao lên tươi rói, đàn ông uống rượu đậu, ăn gỏi cá mè. Rượu đậu là một thứ rượu trắng như rượu đế trong Nam, do nhà cất lấy. Nó thơm, ngọt, uống êm ả và say êm không sóc, không nhức đầu như rượu Văn Điển. Rượu Văn Điển hay rượu Ty là rượu độc quyền của Pháp chế tạo và bán cho dân chúng. Rượu này không nguyên chất như rượu đậu mà có pha cồn (alcohol) nên uống sóc và nhức đầu. Cất lén rượu đậu bị bắt sẽ bị phạt tiền, phạt tù hoặc cả hai. Nhưng dân quê ta ghiền rượu, không sợ, vẫn cất lén uống.

Còn gỏi cá mè là những miếng phi - lê cá, thấm giấy bản cho thật khô nước, thái mỏng, trộn với riềng đâm nhỏ và thính. Một thứ sốt sền sệt làm bằng nước nấu từ đầu cá có thêm thịt heo ba chỉ, dấm, đường, nước mắm, bột gạo, tiêu ớt và có khi cả bã rượu, chua chua, ngọt ngọt, đậm đậm, cay cay để ăn với cá và các thứ rau thơm với bánh đa nướng. Dân quê miền Bắc lúc đó khoái gỏi cá cũng như dân Nhật mê Sushi bây giờ. Cũng là cá sống thôi. Cá sống bổ, không có cholesterol như thịt, các cụ ta ít bệnh ung thư, cao máu, tiểu đường, bao tử là vì vậy.

Còn các bà thì ăn cá nướng, ăn bún bung. Cá tươi như thế đem kẹp vào một cây tre chẻ đôi đem hơ trên than cho đến khi chín vàng. Mùi cá nướng thơm ngát mũi. Gỡ cá ra, bóc da vứt đi, đem cá nạc chấm với nước mắm chắt (một thứ nước mắm nhĩ nguyên chất), chao ôi là ngon! Nếu không thích cá nướng thì ăn bún bung. Cá chép nấu với chuối xanh, thịt ba chỉ, đậu hũ chiên, bột nghệ. Khi ăn chỉ việc bỏ bún (lúc đó chỉ có bún tươi) vào tô, chan cái chan nước đều lên để mỗi tô có cá, có thịt, có đậu hũ, chuối xanh, hành hoa... Thế nào cũng phải có tía tô và rau diếp. Thiếu tía tô không ra bún bung. Tôi vì còn nhỏ quá chưa biết uống rượu nên không ăn được gỏi cá (các cụ quan niệm gỏi cá hàn (lạnh), vậy phải uống rượu cho ấm lên, nên cứ thưởng thức bún bung. Cũng ngon chán. Giờ nhớ lại tôi vẫn còn thèm.

Người nông dân nước ta, dù ở Trung, Nam hay Bắc Việt thường tự cung cấp cho gia đình mình những nông phẩm cần thiết như lúa gạo, thịt cá, rau trái... Ông ngoại tôi, cũng giống như phần đông các gia đình nông dân khác, nuôi không thiếu thứ súc vật gì và trồng cấy không thiếu cây cỏ gì. Trước kia, ông làm việc ở Hà Nội, công chức nhà Giây Thép (Sở Bưu Điện bây giờ), sau đó ông về hưu và về hẳn Đông Thành, nơi quê hương bản quán để sống một cuộc đời nông dân mà ông ao ước.

Ông có một chuồng gà lớn cả hai, ba mươi con. Gà có đực, đẻ trứng là ông cho ấp liên miên hết lứa này đến lứa khác. Ông cũng dùng gà để ấp trứng vịt nữa, vì vậy đàn vịt của ông tăng gia phi mã, thỉnh thoảng phải bán bớt lấy tiền mua thóc, bắp, cám... cho những con còn lại. Ông còn một chuồng bồ câu cả chục đôi. Chúng bận rộn kiếm ăn, nuôi con và đứng gật gù với nhau ở ngoài sân, trên mái nhà cả ngày. Chưa hết, chuồng lợn kế bếp của ông cũng có mấy con. Lợn ông chỉ cho ăn cám nấu với bèo hoặc rau muống, thịt chắc mà thơm, khác hẳn với loại thịt lợn ăn những thứ tạp nhạp khác.

Năm nào có đông khách và con cháu, ông bảo cậu Tường và cậu Bảo mổ con lợn hoặc chung một đùi bò với người lối xóm để đãi khách. Thực ra, gà vịt và bồ câu trong chuồng cũng đủ cho một cái Tết thịnh soạn rồi.

Dân quê ngoài Bắc có thói quen hạ cờ tây, tuy nhiên ông tôi không bao giờ giết những con chó nhà. Ông nói nuôi nó, nó như tay chân thân tín, mình không nỡ lòng nào hạ nó ăn thịt. Đôi khi ông và gia đình có thưởng thức món cờ tây này, nhưng là "đánh đụng" với nhưng nhà khác mà thôi. Đàn chó của ông vì vậy "khuyển số" tăng lên khá mạnh mẽ.

Tôi còn nhớ một năm, khi gia đình tôi tới, tôi thấy con Vện, con chó đực lông vàng điểm hung đen, khá to và mạnh, không hiểu sao bị què một chân đi khập khiễng. Dì Hiên nói nó bị sa xuống cái hố sâu ngoài ruộng cách nhà khoảng nửa cây số, khi nó đi theo anh Viễn ra ruộng, anh canh điền vẫn đến cày bừa cho nhà ông tôi, nhưng anh Viễn không biết. Nó nằm cả đêm dưới hố không rút chân lên được cho đến sáng hôm sau khi ông và cậu Bảo đi kiếm, mới kéo được nó lên và khiêng về nhà săn sóc. Vì không có thuốc men, chỉ dùng gừng hoặc nghệ giã ra, đổ rượu vào chưng lên cho nóng rồi bóp vào cẳng nên nó vẫn không khỏi được. Con Vện mang cái chân què trông thật tội nghiệp và vì kém ăn, nó sút đi trông thấy.

Mấy người hàng xóm xúi ông ngoại tôi giết thịt, ông không chịu, nói nó què quặt lại càng phải thương nó hơn. Họ dụ ông giết nó không được, bèn trả giá mấy hào, nói mua về nuôi săn sóc cho nó nhưng ông ngoại tôi biết, họ chỉ định mua về giết thịt vì con Vện lông ngắn, thuộc giống chó ta, thịt rất ngon. Ông lại càng cố giữ con Vện lại.

Tết năm nay có khách trên Hà Nội xuống - ông bà phán Quế. Ông phán Quế là bạn đồng sự với ông tôi mấy chục năm ở nhà Giây Thép, nên ông tôi ra lệnh giết một con lợn, chia cho lối xóm một ít, còn giữ lại để giã giò, làm nem và gói bánh chưng.

Ở thôn quê lúc đó, giết lợn là chuyện đại sự. Bởi lẽ phải khá giả mới dám ngả lợn, giầu có dư ăn, dư để và nhân dịp hội hè đình đám lớn mới dám vật bò, mổ trâu. Nhiều địa phương, phải là việc làng, việc tổng mới dám nghĩ đến chuyện giết bò, giết lợn hoặc giết trâu làm cỗ đãi hàng xã, hàng tổng. Một chi tộc, một khu xóm, thường người ta chỉ giết gà vịt, bắt cá dưới ao lên hoặc cùng lắm là hạ một con cầy tơ.

Trời lạnh căm căm, cái lạnh thật dễ chịu cho những chú bé như tôi. Tôi chưa phải làm việc gì, vì con nhỏ cũng có, vì đóng vai khách cũng có. Áo len dài tay màu đỏ tươi, cổ chữ V, bên trong là hai ba cái áo cánh cho ấm, quần cũng mặc hai cái, cái vải trúc bâu, cái vải kaki dầy. Tôi cùng với mấy đứa trẻ hàng xóm nhà ông ngoại và mấy anh, chị, em, con của bác Đoàn, cậu Bảo, cậu Tường, dì Cúc, dì Hiên v...v... đứng vừa bàn tán vừa coi giết lợn.

Con lợn vừa, không lớn lắm, chỉ khoảng năm sáu chục kí lô, bị trói cẳng và treo ngược lên tại gốc cây ổi ở góc sân. Nó kêu eng éc dữ dội làm lũ trẻ hàng xóm kéo đến mỗi lúc một đông. Cứ thử tưởng tượng ở Mỹ này có một chút gì xảy ra là người ta bu lại đông đảo để coi vì hiếu kỳ trách chi ở Việt Nam lúc đó, con nít người lớn không có gì để giải trí, tiêu khiển ngoài những sinh hoạt thường nhật như ăn, ngủ, làm việc. Một năm mới được một, hai lần hội hè đình đám. Và Tết thì chỉ có một lần.

Các cụ ta quan niệm máu huyết trong con người và súc vật là tốt và quan trọng nhất cho mỗi sinh vật. Vì vậy, hạ súc vật, các cụ không bao giờ chịu bỏ phí huyết. Lợn, chó, gà, vịt, trâu, bò, chim chóc... thảy đều phải qua giai đoạn cắt tiết và hãm huyết. Con lợn càng kêu lớn, huyết ở cổ nó càng ồng ộc đổ xuống thau đã có sẵn ít muối. Người cắt tiết con lợn hôm ấy chẳng ai xa lạ, lại chính là chú Vững, lái đò dọc từ Trà Lũ qua đây.

Dưới mắt tôi lúc đó, chú Vững là người có quá nhiều tài. Chú lái thuyền giỏi, đưa bà con đi đến nơi về đến chốn. Chú hò hát và đàn bầu cũng giỏi. Chẳng vậy mà thím Vững bây giờ chính là cô Mùi buôn bán hàng chuyến hồi xưa. Cô Mùi xuống đò chú Vững, những tưởng buôn bán làm nên sự nghiệp, nào ngờ chỉ sau năm, mười chuyến cô khám phá ra cái ruột tượng (dây lưng của đàn bà) mẹ cô cho cô, hình như ai lén cắt bớt một khúc. Nó không còn dài thả xuống mắt cá mà ngắn ngủn lơ lửng trên đầu gối. Thế là cô Mùi bắt đền chú Vững và lập tức mẹ chú Vững phải đưa trầu cau sang nhà ông bà Thủ Mầu để hỏi cô Mùi cho chú Vững. Đứa con gái đầu lòng của chú Vững ra đời chỉ sau đám cưới của bố mẹ nó chừng bốn tháng làm cả làng nước xôn xao dữ dội hơn bây giờ người ta được tin thủ tướng Do Thái ký thỏa hiệp hòa bình với lãnh tụ PLO hay Mỹ phóng phi thuyền lên mặt trăng.

Và lúc này đây, với tôi, chú Vững lại có thêm tài nữa: cắt tiết heo. Tay phải chú thọc sâu con dao bầu sắc như nước vào họng heo làm đứt thêm những động mạch mới dạm đứt để lấy hết máu xuống thau, tay kia chú cầm đôi đũa dài và lớn khuấy trong trong thau tiết để huyết khỏi đông.

Bọn con nít la hò ầm ĩ. Đứa năn nỉ chú dành cho cái đuôi, đứa cái bong bóng... Vòng tròn chung quanh con heo nhỏ lại dần khiến chú Vững không làm việc được. Chú dọa chơi đám trẻ bằng một tiếng hét to như sấm khiến bọn trẻ sợ quá dạt cả về phía sau.

Nồi ba mươi nước sôi đã sẵn sàng. Chú Vững và cậu Tường đặt con heo lên một tấm phản, dội nước sôi từng phần và cạo lông. Con heo trắng nhởn, sạch sẽ. Chú xả ra làm bốn phần đều nhau để lối xóm "đánh đụng" lấy phần thịt của mình đem về. Phần của nhà chú pha ra, nào thịt để giã giò, làm nem, nấu đông, làm mọc, nào thịt làm bánh chưng v...v... Chỉ loáng cái, tôi đã thấy chú băm nhân tiết canh và đánh ra hàng chục đĩa tiết canh rồi.

Sang ăn Tết bên nhà ông bà ngoại mà tôi đã có nhiều kinh nghiệm, là phải chuẩn bị cái bụng cho tốt để thưởng thức món ăn. Cả hai ông bà ngoại tôi đều hiếu khách và đều muốn con cháu tụ họp đông đủ. Năm nay chỉ có tôi và chị Thảo làm ông bà cứ thắc mắc tại sao bố mẹ tôi không nhờ người coi nhà và cho hết các anh chị tôi đi.

Đánh cá dưới ao, bắt gà vịt, mổ heo, "đánh đụng" đùi bò và sửa soạn cỗ bàn đều vui. Nhưng cái tôi thích nhất vẫn là nấu bánh chưng.

Gạo nếp và đậu xanh đã được ngâm sẵn cho mềm. Thịt heo làm nhân chú Vững đã xắt, ướp muối tiêu hành, thảo quả sẵn sàng, lá giong cắt từ ngoài vườn rửa ráy sạch sẽ, lau cho khô, lạt buộc bằng tre cũng đã chẻ xong. Từ trưa ba mươi, bà ngoại, các dì tôi và những người khéo tay bắt đầu ngồi gói bánh chưng. Mỗi cái bánh vuông vức mỗi bề hơn một gang tay người lớn, dầy khoảng hai phần ba ngón tay trong để hai lớp gạo nếp và hai lớp đậu xanh bao lấy một lớp thịt heo đã ướp. Chú Vững chẻ những cái lạt bằng tre, dài vừa đúng một tầm, mỏng và dẻo, buộc xoắn lại và giấu mối bên trong. Khoảng chập choạng tối thì bánh gói xong.

Trước kia ông tôi thường gầy nồi bánh chưng ở ngoài sân vì cần chỗ rộng cho cái thùng lớn gần bằng thùng phuy. Năm nay ông sắp xếp trong bếp để nấu ngay tại bếp vì ông bảo ngoài sân quá lạnh cho đám con nít như tụi tôi.

Mọi người thay phiên nhau tắm và thay quần áo. Nước lạnh quá thì đặt những nồi nước lớn đun sôi để pha cho ấm. Khoảng chín giờ tối mọi việc dọn dẹp, tắm rửa đã xong. Ông ngồi kể chuyện cổ tích cho con cháu nghe với sự phụ họa và thay phiên của ông phán Quế, một người có tiếng kể chuyện có duyên.

Những thanh củi tạ trong bếp cháy tí tách cho lửa sáng và hơi ấm. Nồi bánh chưng liên tục sôi sùng sục. Những câu chuyện "Chống trả cướp đêm 30", "Giết trăn cứu người", "Con cọp thọt" v...v... chuyện nghe rồi, chuyện chưa nghe nhưng được kể vào đêm 30, ngoài trời tối như hũ nút (ta thường nói: tối như đêm 30), gió bấc lạnh căm căm, trong không khí gia đình xum họp mà cái đinh là nồi bánh chưng thì dù chuyện nhạt như nước ốc, như nước lã ao bèo chăng nữa, cũng vẫn được tán thưởng nhiệt liệt như một câu chuyện hay nhất, ý vị nhất, người kể có duyên nhất.

Nhưng dù có say mê kể chuyện đến đâu, ông ngoại, ông phán Quế và bố tôi cũng không quên lễ Giao thừa.

Đèn nến trên bàn thờ tổ tiên đã thắp sáng trưng. Một ngọn đèn măng - sông tỏa sáng cả căn nhà. Bài vị tổ tiên trông đơn giản nhưng uy nghi, trang trọng. Hoa trái trưng bày thật đẹp mắt và nhả mùi hương thơm ngát. Ông tôi, bố tôi và cậu Bảo ăn mặc chỉnh tề, áo dài khăn đống để chờ giờ hành lễ.

Đột nhiên chuông chùa, chuông nhà thờ, cồng, mõ đầu xóm nhất loạt khua vang. Giao thừa. Giờ linh thiêng. Giờ quan trọng. Ai nấy cảm thấy một cái gì thật trang trọng, tôn nghiêm. Ông bà ngoại tôi đã cắt cử vài người ở bếp canh nồi bánh chưng, còn bao nhiêu quây quần ở phòng khách, gian chính giữa căn nhà gỗ năm gian cũng là chỗ đặt bàn thờ Gia Tiên. Ông tôi đứng trước bàn thờ, bà tôi đứng kế. Ông bà phán Quế đứng cùng hàng nhưng phía bên cạnh chứ không ở giữa chiếu. Sau ông bà là bố mẹ tôi và các cậu các dì. Rồi đến các cháu các chắt. Tôi đứng với bé Vân, con cô Mười, mới sáu tuổi. Từ hôm tôi tới nhà ngoại, Vân cứ đeo dính lấy tôi.

Ông bà tôi trang trọng dâng hương lên trước trán bằng cả hai tay, đầu cúi xuống rất là thành kính. Mọi người giữ im lặng hoàn toàn. Không một tiếng hắng giọng, một tiếng ho. Tôi nghe ông dõng dạc từng tiếng một nói lớn:

"Giờ phút này là giờ phút thiêng liêng của Năm Mới. Tụ họp đông đủ tại đây là các con, các cháu, các chắt, chút, chít v...v... của các cụ, các cố, tam, tứ, ngũ đại và lên trên nữa để nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục và gây dựng cho chúng con có ngày nay. Xin hương hồn các cụ, các cố về chứng giám lòng thành kính của con cháu và hưởng lộc con cháu dâng lên".

Nói xong, ông vái ba vái và cắm ba nén hương vào bát nhang rồi tiến lại đứng ở bàn phía phải kế bàn thờ nhìn xuống đám con cháu. Bà tôi cũng lên cắm hương và đến đứng cạnh ông. Vì là chỗ thân tình và còn họ xa, ông bà phán Quế cũng dâng hương. Sau đó cậu mợ Bảo, con trai trưởng ông tôi, rồi đến bố mẹ tôi và các cậu, các dì đều làm lễ như vậy. Các cháu, các chắt nhỏ quá không phải dâng hương mà chỉ đôi một tiến lên đứng vái và quay ra. Bé Vân súng sính trong chiếc áo gấm mầu vàng, còn tôi gấm xanh, bé bắt chước tôi chắp hai tay lại cúi đầu xuống vái. Tôi nghĩ nếu các cụ, các cố... có sống lại được, dù già lão đầu bạc răng long nhưng nhìn được đàn con, đàn cháu của mình như thế cũng mát dạ.

Ở thôn quê người ta ít đốt pháo. Bánh pháo trị giá mấy thúng lúa chỉ nghe đẹt đùng vài chục giây. Vì vậy tư gia ít đốt mà chỉ có làng, tổng với quỹ chung mới có pháo đốt lúc Giao Thừa. Ông ngoại tôi không mua pháo, cũng không thích đốt nhưng ông bà phán Quế thường mua từ Hà Nội xuống vài bánh pháo "Đại Quang" làm quà cho ông bà tôi, nói đốt cho vui nhà vui cửa và được may cả năm. Vì vậy lúc bọn trẻ con chúng tôi vái lạy tổ tiên, chúng tôi chỉ làm qua loa chiếu lệ. Đầu óc chúng tôi còn để ở cái bánh pháo cột ngang đầu người ở thân cây cau ngay trước gian giữa. Khi người cuối cùng lễ xong là đúng lúc cậu Bảo khai hỏa bánh pháo. Cậu lấy thanh nứa mỏng lấy lửa từ cây nến trên bàn thờ châm vào ngòi pháo. Pháo nổ điếc tai làm có đứa sợ phải bịt tai lại. Sợ đó nhưng bánh pháo nổ chưa hết đã có vài đứa xông vào nhặt những cái pháo tịt ngòi để đốt lại mong nó nổ cho vui. Mùi thuốc pháo tản mạn trong không khí mà đám trẻ chúng tôi cho là cái mùi dễ thương, nó có khả năng đánh thức những đứa đang buồn ngủ díu cả mắt phải tỉnh như sáo sậu. Ánh đèn măng - sông mà lúc đó tôi cho là sáng nhất, sang trọng nhất vì thôn quê chưa có điện, rọi những tia sáng khoảng 500watts lên hai cành đào cắm vào đôi song bình lớn, đặt hai bên bàn thờ, làm tôi ngó những cánh hoa và nụ đào mơn mởn không chán mắt. Hai cành đào này được chặt từ cây đào ngoài vườn, hoa to và nở đúng dịp Tết nên ông tôi cưng lắm. Cây khá già, cũng phải vài chục tuổi nhưng vì ông tưới nước và bón phân đều nên cành lá và hoa nụ của nó trông như đào đương tơ.

Hồi xưa ở Bắc Việt không có mai vàng, chỉ có đào và mai trắng. Mai trắng không đẹp vì hoa quá nhỏ và xúm xít từng chùm nhưng mai trắng cho những trái mơ về mùa hè chua chua, giốt giốt, ngọt, ngọt, nhìn chảy nước miếng. Một nhạc sĩ tiền chiến đã đặt nhạc vào thơ trong bài "Cô hái mơ" trong có câu "Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ" chính là loại mơ này.

Ông tôi không cho để cúc nhiều trên bàn thờ vì chậu trồng cúc thường hơi lớn, để ở dưới sàn nhà coi đẹp nhưng thượng lên bàn thờ coi hơi thô. Ông lựa hai chậu nhỏ, trồng loại cúc hoa nhỏ màu vàng tươi, đặt hai bên bàn thờ, phía trong bình cắm đào. Miền quê lúc đó không có glaieul (lay - ơn) nhưng khi từ Hà Nội xuống, ông bà phán Quế đã chu đáo mua biếu ông bà tôi hai chục bông lay - ơn màu nhung thẫm, vừa dịp nở loáng thoáng trong lúc Giao Thừa làm bàn thờ càng thêm trang trọng. Mấy năm trước ông phán Quế có mang cả Thủy Tiên xuống nhưng vì gọt trễ, không bao giờ nở đúng Giao Thừa nên ông tôi dặn ông phán Quế không mua nữa.

Mùi trầm từ cái đỉnh hương bằng đồng đã được đánh sáng trưng đến soi gương được, tỏa mùi hương dễ chịu và ấm cúng. Những trái phật thủ, cam sành, quýt đường, bưởi... được đặt trong các đĩa lớn cùng với những thức ngọt như bánh trôi, chè lam, thức mặn như con gà trống lớn mới biết gáy luộc nguyên con, xôi gấc v...v... và cả chén đũa như thật sự đãi khách. Với trí óc non nớt của tôi lúc đó, tổ tiên không thể ăn uống hưởng lộc được nữa, nhưng tấm lòng thành đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ... của ông bà ngoại tôi thật đáng quý, đáng làm gương cho các con cháu để giữ lấy tập tục cao đẹp là phải đặt chữ Hiếu Kính lên trên tất cả trong đạo làm người. Con người chỉ hơn con vật ở chỗ biết người trên kẻ dưới, biết giữ tam cương ngũ thường, biết nguồn biết cội.

Để không quá trễ sau lễ Giao Thừa, ông tôi, ông phán Quế và bố tôi ra sân nhìn trời và ngắm cảnh vật, nghe ngóng những âm thanh lúc đó để đoán ra điềm tốt xấu trong năm mới. Bố tôi giải thích nhiều nhưng lúc đó tôi chỉ hiểu đại khái nếu trời quang, mây tạnh, đêm tuy tối mịt tối mùng, nhưng là cái tối êm đềm thì có thể đoán được năm đó được mùa, thời tiết tốt, đất nước yên vui. Trái lại trời đất u ám, quạ kêu cú hú, lại pha lẫn tiếng khóc nỉ non từ đâu đưa tới, như những oan hồn uổng tử quanh quất hiện về thì tiên đoán có thể hạn hán hoặc lụt lội hoặc bệnh dịch tràn lan trong dân gian, mất mùa đói kém làm dân chúng khổ sở, lo âu phiền não. Năm nào lúc Giao Thừa có tiếng bò kêu, ngựa hí hoặc heo ủn ỉn trửng giỡn trong chuồng là y như ông tôi nói năm mới sẽ khỏe mạnh, bình an, công việc làm ăn phát đạt.

Khi ông tôi trở lại phòng khách, đó là lúc hai ông bà ngồi ở trường kỷ để con cháu lần lượt chúc tuổi. Bố tôi thay mặt toàn thể gia đình mừng tuổi ông bà ngoại và ông bà phán Quế. Ly rượu đầu năm do bố tôi rót được tôi, bé Vân và hai đứa bé khác dâng lên ông bà ngoại và ông bà phán Quế. Sau đó người lớn mừng tuổi lẫn nhau, và lì xì cho đám con nít. Tôi được cả chục cái phong bao đỏ, trong đựng những đồng xu, đồng trinh, lúc đó có thể đi mua pháo đốt chơi rôm rả ba ngày Tết. Lúc mọi người lên giường  thì cũng đã hơn hai giờ sáng. Ba ngày Tết được nghỉ ngơi, nên dậy trễ được, mặc dù dân quê có thói quen thức dậy từ bốn giờ sáng.

Tôi ngủ thẳng cẳng tới mười giờ ngày mồng một Tết mới mở mắt ra được trong khi vẫn còn thèm ngủ. Bánh pháo tép của một người khách đến mừng ông làm tôi thức dậy. Tôi chạy xuống nhà bếp. Bánh chưng được xếp thành hàng ngay ngắn trên mấy cái cánh cửa lớn để nén cho chắc bằng cối đá. Bữa trưa của cả nhà ngày hôm đó không gì khác hơn là bánh chưng xanh mướt, hành nén trắng phau và giò thủ, giò bì vui mắt. Tết nhất chỉ thấy ăn là ăn. Nguyên cái vụ nấu nướng để phục vụ thần khẩu đã tốn gần hết ngày giờ. Vì vậy dân quê hay nói:

"Làm như ngày dưng ăn sao cho hết,
Ăn như ngày Tết lấy gì mà ăn."

Trưa và cả chiều mồng một, thỉnh thoảng vẫn một bánh pháo đẹt đùng làm tôi có cảm tưởng, rõ ràng ngày Tết có cái gì vui quá, háo hức quá. Cảnh vật từ trong nhà đến ngoài vườn, ngoài ruộng, con người, từ người trong gia đình đến những người chỉ gặp ngoài đường trông cũng trịnh trọng khăn đống áo dài cho đàn ông con trai, áo mớ ba mớ bảy quần lụa váy là cho đàn bà, ai trông cũng mới mẻ, tươi vui hẳn lên.

Trời thường không mưa nhưng cũng không có ánh nắng, mây xám thấp thấp của mùa Xuân mới đang gọi những ngọn gió đông phe phẩy luồn cái lạnh vào tận da thịt. Ngoài đình làng, nhiều chiếu bạc được trải ra: tổ tôm, xóc đĩa, bất cho đàn ông và tam cúc, đố mười cho đàn bà. Làng không cho đánh lớn vì sợ sát phạt mất nhà mất cửa, mất cả lúa giống làm mùa nhưng nếu đánh nhỏ, gọi là mua vui thì chẳng sao. Có một số người chuyên chứa bài, họ tổ chức cờ bạc ngay tại nhà và lấy xâu lấy hồ, có khi kéo dài hết tháng hai: 

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè..."

Mười ngày tết nơi quê ngoại qua mau vùn vụt. Tôi buồn  khi thấy chú Vững đã bỏ chiếc áo the thâm và cái khăn lượt chú mặc ba ngày Tết ra để đóng trở lại bộ quần áo nâu nhuộm kỹ dầy mo và quấn cái khăn rằn đen để hai đầu khăn rủ xuống một bên tai, lại đứng chỉ huy cho sáu anh chân sào sửa soạn chèo, buồm, dây... kéo thuyền trở về Trà Lũ.

Lúc bố mẹ tôi, chị Thảo và tôi xuống thuyền, ông bà ngoại và các cậu, các dì, các cháu lại ra bến sông đưa tiễn. Sáng 27 Tết, lúc chúng tôi đến vui bao nhiêu thì giờ này tạm biệt, buồn bấy nhiêu, dù chỉ là sẽ xa nhau ít lâu rồi lại gặp lại. Bé Vân khóc, nó cứ đòi bố mẹ nó cho đi theo "anh Vũ" sang nhà bác Trà Lũ, tức bố mẹ tôi. Tôi thấy nó khóc cũng xao xuyến cả lòng. Thuyền căng buồm chạy chầm chậm trong sông. Từ những ruộng lúa hai bên bờ, tôi thấy lác đác đã có người đang đổ ải, vài cô gái quê tươi vui vừa tát nước ruộng vừa hát hò đối đáp với mấy anh chân sào buông lời chọc ghẹo. Thuyền lúc về khá rộng, chứ không xếp cá hộp như lúc đi, vì có một số người ở lại chơi với gia đình thêm ít ngày nữa. Chuyến sau khoảng đầu tháng Hai, chú Vững lại sang đưa họ về.

Việc đầu tiên khi về tới nhà là tôi phải đi tìm ngay cái cặp, sách vở và lọ mực. Ngay ngày mai thứ hai, cả hai buổi sáng chiều, tôi phải đi học rồi. Nhìn mấy cuốn sách cuốn vở, tôi ngán ngẩm nghĩ đến thầy Nhường, ông thầy đang dạy lớp tôi, một ông thầy có tiếng giỏi nhưng nghiêm nghị và khó tính. Tôi lại nghĩ đến cái tết vừa được hưởng ở quê ngoại. Ôi sao nó vui và ấm cúng đến thế, tôi được cưng chiều thỏa mãn đến thế! Tôi ngẩn người nhớ lại những giờ tôi đứng trên thuyền ngắm cảnh hai bên dòng sông, những đêm rúc rích trong cái khoang chật chội tối om toàn người là người nhưng ấm áp, những phong bao vàng đỏ mừng tuổi, những cái pháo đại đẹt đùng, những buổi tung tăng chạy nhảy leo cây thả giàn ở vườn, ở ruộng nhà ngoại, những buổi đàn đúm chuyện trò đánh khăng, đá bóng, thảy đáo lỗ v...v... với đám em họ và bạn bè chúng ở Đông Thành.

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, tôi đã nghiệm ra cái chân lý ngàn đời này ở vào tuổi đó, nhưng tôi chưa đủ sức tự trấn an tìm quên trong nhiệm vụ thường nhật sau những cuộc vui. Tôi cứ ngồi mà nhớ tiếc, ngẩn ngơ. Thảo nào bé Vân con dì Mười khóc thét lên hơn cha chết, khi tôi nhìn nó lần cuối rồi lẳng lặng xuống thuyền.

Chị Thảo thấy tôi ngồi tần ngần trước một đống sách vở, chị biết tôi đang ngại ngùng nghĩ đến ngày mai phải đi học:

"Vũ à, ăn tết xong hoặc bất cứ lễ lạc, cuộc vui nào xong, ai ai cũng ngại bắt tay trở lại học hành, làm việc. Nhưng nếu em cố gắng cho qua được ngày mai hay chỉ buổi sáng mai thôi, em sẽ hăng hái trở lại như lúc trước Tết. Bỏ sách vở ra dò lại đi, có gì không hiểu hỏi chị."

Tôi nghĩ chị Thảo nói đúng. Tôi chỉ cần làm quen lại được cái không khí học tập ở trường được vài giờ đầu. Trưa mười hai giờ về nhà ăn cơm và nghỉ một lát, buổi học ban chiều từ hai tới năm giờ chắc là tôi lấy lại đà. Giỏi lên? Tôi không dám chắc một tí nào, nhưng đỡ ngán ngẩm bài vở thầy cho thì may ra. Tôi giở thời khóa biểu để coi phải chuẩn bị gì trước. Hai tuần lễ ăn Tết, chữ nghĩa tôi rụng đi quá nửa, đừng nói là học thêm được điều gì. Tôi trực diện những bài toán hóc búa, chính tả, văn phạm, bài học thuộc lòng mà thầy Nhường dặn dò kỹ càng bữa 23 tết, tự nhiên thấy người như lên cơn nóng lạnh.

Nhưng giữa lúc đó, một động lực mạnh mẽ vô song thôi thúc tôi đến trường. Cả hai tuần ăn Tết, tôi có gặp Thoa đâu? Phải rồi, mải vui ở quê ngoại tôi quên bẵng Thoa đi, quên bẵng cô bé dễ thương cùng lớp với tôi và là con gái cưng đầu lòng của thầy Nhường. Vì vậy tôi hăng hái bỏ toán ra làm, đọc vang nhà những bài học thuộc lòng, vì cứ nghĩ được gặp lại Thoa, tôi cảm thấy chan chứa trong lòng một niềm vui vô tả.

Tôi thề độc với quý bạn rằng, lúc đó tôi chỉ coi Thoa như cô em gái xinh xinh dễ mến, nhẹ nhàng, nhỏ nhẻ như con chim vành khuyên tôi vẫn tưng tiu trong lồng để ngắm, để cho chuối, cho hoa, cho nước chứ tuyệt nhiên không có một tình ý gì vẩn đục trong đầu. Tôi không đủ trí khôn để phân tích, nhưng rõ ràng là muốn có bạn đá banh, đánh khăng, bơi lội, đánh vật... nói tóm lại những môn thể thao nặng, tôi cần mấy thằng con trai như thằng Phùng, thằng Cửu, thằng Lạ, thằng Truyện... nhưng để ngắm và để nhỏ nhẻ nói truyện - thật sự chỉ có thế thôi - thì tôi cần đến một đứa con gái cùng trang lứa, mười hoặc mười một, mười hai gì đó, học cùng lớp là tốt nhất và hơi đẹp một tí. Cô bé Thoa con thầy Nhường, ngồi ngay trước mặt tôi, hội đủ tất cả những điều kiện trên. Tôi không bao giờ có ý nghĩ cầm tay Thoa để làm gì và cũng chưa bị mấy đứa tinh ma trong lớp gán cho tôi làm chồng và Thoa làm vợ như nhiều đứa đã bị, nhưng không hiểu sao, tôi thích ngắm Thoa và nói chuyện với Thoa, dù vài câu ngắn ngủi, dù chỉ ngồi nhìn Thoa không thôi, tôi cũng thấy đầy đủ lắm rồi. Tôi chưa hề biết danh từ yêu mà cũng chẳng bao giờ tìm hiểu tại sao hai vợ chồng người ta ăn ở với nhau lại có con. Tôi nhớ một lần hỏi mẹ, tôi chui ra lối nào từ trong bụng mẹ. Mẹ bảo khi tôi lớn lên khắc biết, nhưng tôi cứ nằng nặc đòi biết ngay làm bà phải vạch bụng ra chỉ ngay vào phần rốn: "Ở chỗ này này."

Mới tuần lễ trước khi nghỉ Tết, tôi bị thầy Nhường khẻ tay một cách rất oan ức. Chung qui cũng tại thằng Vụ, nó làm tôi bị đòn. Ngày mai đến lớp, tôi lại gặp nó. Có thể tôi không thù nó vì trận khẻ tay oan, nhưng vì lý do khác sâu xa hơn có liên quan đến Thoa.

Đi học từ lớp Đồng Ấu (lớp 1 bây giờ) tôi chưa từng bị thầy giáo đánh vào mông hoặc khẻ tay như những đứa học sinh khác vì tuy học không siêng năng lắm nhưng tôi đủ sức đoán được thầy hay hỏi những gì mà đối phó. Tôi học theo lối "ăn xổi" rất nhanh. Mảng chơi ngày thứ bảy, chủ nhật và có khi cả ngày thứ năm (dạo đó học trò học hai buổi mỗi ngày sáng và chiều, mỗi buổi ba tiếng hay ba tiếng rưỡi nhưng được nghỉ thứ năm, thứ bảy và chủ nhật), tôi với mấy đứa bạn đi câu, đi bơi, thả diều, bắt chim, hái cam, hái ổi... có hôm chập choạng tối mới về đến nhà. Tắm rửa ăn cơm xong mắt díu lại, làm sao ngồi bàn học bài được nữa. Ngày hôm sau giờ ra chơi, bạn bè ra sân thì tôi kiếm một góc kín ngồi gạo thật nhanh bài vở để kịp lát nữa trả bài hoặc nộp bài. Có cái lạ, mấy thầy giáo chẳng bao giờ cho tôi tệ, cứ trung bình trở lên và vì vậy cuối năm, tôi vẫn đủ điểm, dư điểm lên lớp.

Thoa ngồi ngay trước mặt tôi, ở bàn đầu, cùng với Nhàn, Dung và Trúc. Thoa đẹp nhất trong bốn đứa con gái. Thoa có khuôn mặt thật xinh. Đôi mắt to đen rất dễ thương lại có một nốt ruồi duyên bên khóe miệng, ngay bên trên môi một chút, nốt ruồi mà nhiều nữ tài tử và ca sĩ phải lấy bút chì đen tự chấm thêm, nốt ruồi tương tự nốt ruồi của Liz Taylor bây giờ. Tôi mê cái nốt ruồi của Thoa, tôi thích đôi mắt trong sáng thơ ngây mà đến bây giờ mấy chục năm, hai bảo vật ấy của Thoa vẫn còn hiện rõ ràng trong cái trí nhớ kém cỏi của tôi mỗi khi tôi nhớ về Thoa.

Nhưng Thoa không phải của riêng tôi. Có một thằng tàn độc khác xen vào giữa chúng tôi. Nó cao to hơn tôi nhiều và có lẽ hơn tôi đến bốn, năm tuổi. Nó chính là thằng Vụ đã nói ở trên. Vụ học trễ đến bốn, năm năm vì khi xưa, lúc nhà nó chưa khá giả, bố nó chưa ra Lý trưởng như bây giờ, nó phải đi chăn trâu, chăn bò. Học hành kém, nhưng nó rất quỷ quái tinh ma và hay bắt nạt những đứa nhỏ con, yếu sức hơn nó. Tôi là một trong những nạn nhân của nó nhưng dù ghét nó hết sức, tôi vẫn phải ngọt nhạt "nhịn mày, tốt tao." Không có đứa nào dại dột đến độ chọc nó để nó giáng những cú đấm thôi sơn vào mạng mỡ đau đến cả tuần không đi học được. Đừng có nói đến chuyện thưa gửi với nó, "con kiến mà kiện củ khoai," bố nó đương kim Lý trưởng, thưa đến bố nó cũng là hết. Có lẽ thầy Nhường cũng ở trong trường hợp tương tự. Dù nó học dốt nhưng thầy vẫn cho nó làm trưởng lớp. Mỗi khi đến lớp và nhất là giờ ra chơi, tôi thấy nó chỉ tìm cách gặp Thoa. Mặc nhiên, tôi có một địch thủ lợi hại.

Thằng Vụ ngồi ngay đằng sau tôi, còn tôi đằng sau Thoa, đều là đầu bàn kế lối đi giữa lớp.

Hôm đó đang giờ Récitation - Bài học thuộc lòng. Tôi giở cuốn sách ra nhẩm lại mấy bài để lỡ thầy Nhường gọi lên đọc bài thì đọc cho trơn tru.

Thầy Nhường có thói quen bắt học trò khi đọc bài học thuộc lòng phải lên đứng cạnh cái bảng đen, nhìn xuống bên dưới mà đọc. Thầy xướng tên bài nào phải đọc bài đó. Đọc suông sẻ và trả lời được vài câu thầy hỏi về ý nghĩa trong câu thì thầy ghi điểm rồi cho về. Thoát nạn. Nếu ú ớ hoặc tắc tị, phải đọc bài khác, đọc mệt nghỉ, thành ra đứa nào cũng sợ cái kiểu trả bài của thầy Nhường. Đã vậy, học thầy phải nói tiếng Pháp, không phải giờ Lecture récréative - bài đọc chơi bằng tiếng Việt - mà nói tiếng Việt là tới số. Thế nào cũng ăn thước kẻ hoặc roi mây. Không vào mông cũng vào tay, đến nỗi tôi còn nhớ hai, ba thằng trong lớp, thằng Vẹn, thằng Củng bị đánh quá phải mặc hai, ba cái quần thật dầy bên trong. Chúng còn lấy thêm vải, đụp lên cái mông quần cho dầy hơn nữa. Thầy Nhường không biết, cứ lấy roi mây đánh thẳng cánh nhưng chúng tôi biết chúng không đau một ly ông cụ nào vì tiếng roi nghe bộp bộp chứ không chắc tiếng như đánh vào thịt. Mấy thằng này làm bộ nhăn mặt, nẩy người lên khi roi chạm mông làm như đau đớn lắm cho thầy khoái. Nhưng lúc thầy cho về chỗ, đứa nào cũng tỉnh bơ nham nhở một nụ cười thật đểu với cả lớp. Lẽ dĩ nhiên thầy Nhường không nhìn thấy những nụ cười "tiểu nhân đắc chí" đó nhưng không đứa nào dại dột đi tố giác âm mưu đen tối ấy với thầy. Lỡ mai mốt chính mình phải xài đến quần mông đụp cho bớt đau thì sao?

Đọc bài học thuộc lòng quay xuống, nếu khốn khổ cho mấy đứa chết nhát và mấy đứa con gái cả thẹn thì lại rất được việc cho đám nghịch ngợm tụi tôi. Bí chữ đầu ư? Cứ nhìn cái miệng mấy thằng bạn thân là ra ngay. Đôi khi thầy Nhường vừa phải cộng sổ hoặc làm việc gì riêng tư của thầy tôi không rõ, thầy đâu để ý thằng đang đọc thuộc hay không. Có thằng bị bí bèn nhìn cái miệng nhấp nháy của bạn không đoán ra được chữ mù gì vì học ở nhà ít quá, có thuộc đâu, bèn liếc lên thầy, thấy thầy đang mải mê viết lách gì đó, nó bèn bảo thằng bạn bên dưới: "Nói to tí nữa mày. Tao nghe không được."

Trở lại cái vụ trả bài bữa đó. Tôi đang lui cui dò bài thì thằng Vụ lấy thước kẻ chọc vào lưng tôi một cái. Thằng con nhà mất dạy này rắc rối cái gì đây, tôi nghĩ thầm và quay lại: "Gì mày?" Thằng Vụ trao mảnh giấy học trò gấp tư cho tôi: "Ê, đưa cho Thoa giùm tao". Tôi tính giơ tay cầm tờ giấy giùm cho nó nhưng nghĩ bụng làm cái gì cho mày thì được chứ lại làm con chim xanh giùm mày để mày có Thoa thì không. Nghĩ vậy, nhưng tôi ngại xẵng với nó vì không muốn rắc rối với cái thứ đầu bò đầu bướu. "Thôi đi mày, tao sợ thầy trong thấy". Thằng Vụ lì lợm, nó cứ chìa tay ra với tờ giấy. Tôi đành phải cầm lấy, trong bụng nghĩ giận cái thằng ôn dịch quái gở này. Tôi có thói quen hễ nhận lời làm cho ai cái gì thì sống chết cũng phải làm, dù rằng trong bụng không muốn một tí nào.

Thằng Vụ thấy tôi chưa gọi Thoa và trao lá thư, nó lại nheo nhéo ở đàng sau, dù nó hạ giọng xuống rất thầm thì. Nó còn lấy chân thúc lên mông tôi để giục giã nữa.

Tôi trầm giọng xuống, gọi đàng sau lưng Thoa để chỉ Thoa nghe được tôi thôi: "Thoa, Thoa, quay lại tôi trao cái này." Không đụng đậy gì ráo, làm như Thoa không nghe thấy. Tôi gọi lần thứ hai: "Thoa, Thoa quay xuống đây tôi hỏi một tí." Thoa cũng không quay lại, nhưng cái mặt cô bé hơi hơi nhìn ngang sang con Nhàn để tôi thấy đôi mày của Thoa cau lại có vẻ phản đối vì bị quấy rầy đang lúc tập trung trả bài. Đàng sau tôi, thằng Vụ lại thúc bàn chân lên mông tôi một cái ịch thứ hai, tôi tức quá buột miệng như một phản xạ tự nhiên, giọng nói to hơn hai lần đầu: "Thoa, đã bảo quay lại đây mà!"

Lần này, Thoa quay lại thiệt nhưng vừa lúc đó, thầy Nhường cũng nghe tiếng của tôi và thầy quay xuống. Thầy nghĩ chắc tôi trêu ghẹo cô gái cưng của thầy hoặc nếu không phải vậy thì tôi không thuộc bài, gọi Thoa đễ hỏi nghĩa vài chữ khó chăng. Đôi lông mày rậm của thầy giao nhau, mắt thầy quắc lên, hình như thầy đang có sự buồn phiền gì đó ở nhà với vợ thầy thì phải như thái độ cáu kỉnh, khó chịu của thầy mấy hôm nay mà bọn học trò chúng tôi đoán già, đoán non. Thầy hét như sấm bằng tiếng Pháp, vừa cầm thước kẻ trong tay, chỉ vào mặt tôi, y như tôi là một kẻ tội đồ ăn cướp, giết người:

"Lên đây! Mau!"

Tôi vứt vội lá thư của thằng Vụ vào hộc bàn, run rẩy lên bục đứng cạnh thầy, tim tôi đập thùi thụi như muốn rớt ra ngoài. Tôi có bị cái nhục nhã như thế này bao giờ đâu. Chỉ tại thằng Vụ. Chỉ tại cái thằng mặt dày khốn kiếp ăn mày ăn xin đó. Nhưng tôi nghĩ bụng, nếu nói ra lý do thì cả lớp còn cười tôi hơn, nhất là Thoa. Cái mặt tôi thế này mà đi hầu hạ đưa thư cho gái giùm cho thằng Vụ, một thằng ít được bạn bè nể nang vì chuyên môn lấy thịt đè người và học dở. Thôi đành câm miệng hến chịu đòn cho xong, may ra Thoa lại nghĩ tôi có nhiều cảm tình với Thoa mà để ý đến tôi chăng. Nhất là để trắc nghiệm xem Thoa có đau xót khi tôi bị thầy Nhường đánh không. Nếu có, tôi chẳng cần phải hỏi cũng biết Thoa để ý đến tôi và tôi sẽ sung sướng như một kẻ sung sướng nhất trên đời. Nếu không, tôi phải tìm cách khác hoặc quên Thoa đi. Vì vậy, đã không muốn tránh đòn, tôi lại muốn thầy Nhường đánh tôi thật đau, thật bò lê bò càng như mấy thằng Vẹn, thằng Củng để Thoa thương hại.

Cứ nghĩ Thoa về thương tôi đến ăn không ngon, ngủ không yên mà tôi càng muốn chịu đòn y như các vị tử đạo  bên Công giáo khi xưa.

"Giơ tay trái ra đây."

Cũng cần phải nói tay phải, tay trái bị khẻ là tùy thầy, khẻ nặng khẻ nhẹ cũng tùy thầy. Có đứa bị tay phải và thầy xuống tay nặng quá, tay nó sưng lên cả mấy ngày không cầm viết được. Mẹ nó phải lấy rượu chưng với nghệ bóp cho cả tuần mới khỏi. Tay trái là có vẻ nhân nhượng hơn, bớt ghét hơn, vì còn nương cho tay phải để viết. Vì đã có định kiến "tử vì đạo" để cho Thoa thương xót, tôi giơ thẳng bàn tay trái ra một cách hiên ngang, một cách anh hùng như chưa từng thấy tên học trò nào của lớp thầy Nhường làm vậy. Đa số chỉ chìa một cách rụt rè, miễn cưỡng và để sát trước bụng để thầy không có thế mà đánh đau vì vướng ngực, vướng bụng. Đằng này tôi giơ thẳng tay, vừa tầm thước kẻ cho thầy đánh. Tôi khẽ liếc nhìn Thoa một cái xem mặt Thoa có phản ứng gì không. Nếu lúc đó giả sử Thoa bưng lấy mặt và khóc thì tôi chắc chắn một trăm phần trăm rằng, tôi có chết đứng như Từ Hải ngay sau khi bị thầy đánh cũng vẫn mãn nguyện. Linh hồn tôi sẽ biến thành con chim vành khuyên bay theo Thoa mãi mãi. Nhưng Thoa chỉ mở lớn đôi mắt đẹp nhìn tôi, tôi không đoán được trong cái đầu có mái tóc dài xõa xuống vai mà tôi rất thương đó, đang nghĩ gì về trận đánh đòn này.

Ở đời thật có nhiều điều ngoài sự ước đoán của ta. Thầy Nhường với thái độ giận dữ, cáu kỉnh trời long đất lở vậy nhưng lại chỉ khẻ rất nhẹ trên tay tôi. Tôi chỉ cảm thấy hơi tê tê ở bàn tay. Sau ba thước kẻ thường lệ, có nhiều đứa không xòe tay ra nữa mà lùi lũi về chỗ khi thầy chưa nói hết câu cho lệnh về. Còn tôi, sau ba thước kẻ, tôi vẫn xòe tiếp tục, đến nỗi thầy lấy làm lạ, giọng hơi gắt: "Về chỗ."

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bị khẻ tay trong đời học sinh tiểu học trường làng của tôi.

"Ăn Tết Quê Ngoại" xin hẹn quí bạn đọc lại nối tiếp vào dịp đón Xuân năm tới. 
 
 Trước thềm Năm Mới Quí Tị, tôi chân thành cầu chúc quí bạn đọc một năm mạnh khoẻ vui tươi, đạt nhiều thắng lợi. 

Bút Xuân TRẦN ÐÌNH NGỌC

Trích từ Tuyển Tập Truyện Ngắn “Những Con Dốc Đứng” cùng tác giả xb 1999.
(Phụ chú: Cô Ngô thị Kim Th., sau này ở Hà Nội, là phu nhân của Thi sĩ (đối kháng) Phùng Cung.)

Bút Xuân Trần-Đình-Ngọc @ Trúc-Lâm Yên-Tử

Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:

facebook

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters

un compteur pour votre site