lịch sử việt nam
Truyện Ngắn Đào Lỗ Chôn Người
"Đêm mầy nằm mơ cái gì mà cứ gọi 'ba, ba,' lúc khóc, lúc la như thằng điên vậy, Muôn?"
Triều khe khẽ hỏi Muôn trong khi tay vẫn cuốc, mắt lấm lét nhìn theo sau lưng tên tiểu đội trưởng Tượng vừa bỏ lên dẫy lều ngủ của trung đội.
Triều và Muôn vốn "con Ngụy," bố là cựu Sĩ quan ra Bắc tù cải tạo, mới được lệnh gọi và xung vào Bộ Đội Kinh tế cũng gọi là Bộ Đội Lao Động và được chuyển từ Đức Hòa xuống đây, tỉnh Mộc Hóa, để làm công tác thủy lợi.
Trung đội 3 của Triều và Muôn có khoảng 20 người là một trong 3 trung đội của Đại Đội 361 Kinh tế có nhiệm vụ đào một con kinh dài 20 cây số cho tỉnh Mộc Hóa để dẫn nước ngọt vào ruộng rửa phèn.
"Kìa, mầy nghe tao nói gì không, Muôn?"
Lần này, Triều nói lớn hơn nên Muôn mới nghe.
"Tao mệt quá, ù cả tai đi. Chứ mầy hỏi kí gì?"
"Tao bảo đêm mầy mớ quá, la khóc lung tung và cứ 'ba,ba,' Mầy có nhớ không?"
"Nhớ mài mại vậy thôi. hình như có đứa nào lay tao phải không?" Muôn để tay lên trán nhớ lại còn tay kia chống cuốc nghỉ một chút.
"Tao chứ ai vô đó," Triều nói nhỏ hơn. "Mầy có những bí mật gì mà lúc mớ mầy tuôn ra là có ngày 'cấp lớn' cho mầy đi tù."
Muôn tính bảo Triều, mớ là mớ, chứ làm sao muốn với không muốn mà được. Ai muốn mớ đâu nhất là những giấc mơ hãi hùng. Nhưng mớ, theo Muôn, ở ngoài tầm kiểm soát của con người. Muôn nhớ lại, Muôn đã thấy những gì trong giấc mơ, nhưng để chắc ăn hơn, Muôn hỏi Triều:
"Thế mầy nghe tao nói những gì lúc tao mớ?"
"Tao không nghe mầy nói kí gì rõ ràng hết. Chỉ ú, ớ la khóc và gọi 'ba, ba.' Chắc mầy mơ thấy ba mầy?"
Muôn thẫn thờ nhìn xuống cái hố hai thằng đang đào, không đáp. Dùng cánh tay áo, Muôn quệt trán, mặt và cổ để lau bớt đi những giọt mồ hôi đang ròng ròng chảy xuống chiếc áo đen bạc phếch. Mùi mồ hôi thấm đẫm vào áo, vào quần, bị mặt trời hun khô, rồi lại tẩm, lại khô, nhiều lần không được giặt bây giờ nó bốc mùi khét lẹt, chính Muôn phải quay mặt qua hướng khác để hứng lấy một chút không khí "không mùi." Bất giác, Muôn thở dài khi nhìn xuống đôi khuỷu tay áo và hai đầu gối quần đã rách bươm để chìa cả da ra.
"Hình như vậy." Muôn trả lời cho xong việc vì Muôn sợ Triều cứ hỏi tới mãi, cấp lớn thấy được là toi đời.
Hai thằng mỗi ngày đào một hố, ngang 1m, sâu 1m, và dài 12m. Muốn không? Hay một thằng thì ngang 1, sâu 1 và dài 6? Làm chung với nhau vẫn vui hơn vì có bạn, Muôn, Triều đã lựa cách này.
Làm chung? Được. Nhưng cấm nói chuyện. Vi phạm bị đào thêm, ngắn dài tùy theo tội. Vậy tốt nhất cứ câm miệng là xong. Sở dĩ cấm nói vì nói cà kê dê ngỗng sang chuyện nói xấu cấp trên sao?
Tuy được gọi là Bộ Đội cho sang nhưng tất cả đều thuộc thành phần cần phải kèm sát, tẩy não vì có liên hệ đến chính quyền miền Nam trước đây như "con Ngụy," học sinh, sinh viên lưng chừng hoặc con cái thương gia chưa từng bao giờ ở trong đội ngũ sản xuất hoặc những thành phần vô công rồi nghề lẩn lút trong các thành phố, tư tưởng chưa dứt khoát theo "cách mạng." Toàn thành phần trẻ nghĩa là chưa có nợ máu với nhân dân, chưa cần phải vào trại tù cải tạo như cha, anh họ nhưng cần được giáo dục, nhất là lao động vì lao động là vinh quang, nhất là lao động mà người nhà phải tiếp tế đồ ăn như tù - nếu không, đói rã xác - trong khi đó công sức của họ được bán ra bằng những tờ giao kèo trị giá thành tiền, thành gạo... với các chính quyền địa phương muốn thực hiện những công tác thủy lợi hoặc nông nghiệp đã được phê chuẩn mà ít tốn phí.
Chính vì có sẵn thành kiến như thế nên đám Bộ Đội Kinh tế này bị bắt làm không nương tay, không nghỉ ngơi, bởi những tiêu chuẩn đưa ra quá cao, một người thực khỏe cũng không thể làm ngày này qua ngày kia như thế trong khi thực phẩm bị giới hạn đến mức luôn luôn bị đói, không còn sức đâu để làm.
Thỉnh thoảng có một vài người, cực khổ quá và ốm đau không chịu nổi, đã liều bỏ trốn. Có người thoát, có người bị bắt nhưng không được trở lại đơn vị mà phải đi tù cải tạo.
Mặt trời mùa hè đổ lửa xuống vùng Mộc Hóa nghèo nàn này như người ta hắt cả chậu than hồng vào mặt giữa ban trưa. Nhà cửa thưa thớt, xơ xác. Cây cối úa vàng, tiêu điều y như vừa kinh qua chiến trận, mặc dù tiếng súng đã ngưng hẳn tám năm qua.
Tám năm nhưng Muôn có cảm tưởng như mới hôm qua khi Muôn còn là cậu bé 12 tuổi đứng nhìn những biến động khốc liệt thay đổi cả bộ mặt thành phố Cần thơ và luôn cả bộ mặt gia đình Muôn.
Muôn nhớ rất rõ ngày gia đình Muôn bị đuổi ra khỏi khu cư xá Sĩ quan, mỗi người chỉ với bộ đồ trên người, còn tất cả phải bỏ lại cho những người chủ mới. Nhờ dì dượng Út, người em gái và em rể của má Muôn suốt đời chỉ làm nghề buôn bán mà gia đình Muôn gồm 8 người còn có chỗ trú chân, nếu không chẳng biết phải đi đâu. Thật là một cuộc thay đổi nhục nhằn, đầy nước mắt, cuộc thay đổi 30-4-75.
Chưa hết, hơn tháng sau, ba Muôn cụ bị cơm nắm muối mè để đi học tập, được hứa là vài, ba tháng sẽ về nhưng mãi đến giờ này, sau 8 năm đằng đẵng, vẫn chưa có tin tức được tha về. Tội danh: Thiếu Tá Tâm Lý Chiến tỉnh. Muôn không hiểu ông còn hay đã mất trong tù và vì sao, trong mỗi giấc ngủ, Muôn thường nhìn thấy ông với đôi mắt trũng sâu như hai cái hố, người gầy nhom giống bộ xương vẽ trên những tấm bìa dầy dùng cho học sinh học Cách trí. Ông nói không ra tiếng, chỉ nhìn Muôn bằng đôi mắt lạc thần, giống như hôm ông phải ra trình diện, làm Muôn vừa sợ, vừa thương và Muôn... hét to lên.
Mặt trời đã xế. Cái nắng cũng dịu bớt. Gió hây hẩy tuy không mát nhưng làm không khí đỡ ngột ngạt, khó chịu. Những thửa ruộng kế bên nước xắp xắp, đặc sệt một loại váng mầu riêu cua vàng vàng, xám xám, bốc hơi bùn lên nồng nặc, có thể làm chết ngộp nếu thỉnh thoảng không có vài ngọn gió hiếm hoi phất phơ thổi tới. Lác đác có mấy nhóm đào xong ngồi bỏ thõng chân xuống hố, mồi điếu thuốc rê chờ cấp lớn đến coi và chấp thuận. Tay vấn điếu thuốc nhưng mắt không ngừng theo dõi xem cấp lớn đang ở đâu vì mặc dù coi như đào xong, nhưng xong chỉ là xong với mình, cấp lớn đo lại, nếu chưa đủ tiêu chuẩn, phải đào thêm nữa!
Thấy mặt trời đã xế, Triều và Muôn không dám chuyện trò nữa. Cả hai cố gắng lấy hết sức làm cho xong.
Nhưng khốn nỗi, vài lưng cơm với mấy gắp rau và chén nước muối chỉ sau một tiếng là đã mất tăm mất tích trong dạ dầy, giờ này nó kêu réo đòi tiếp tế thêm mà không có cho nó thì nó óc ách, sôi réo lung tung, đâu có để yên cho làm việc. Đã vậy, phụ họa với dạ dầy, hai lỗ tai lùng bùng như hai cái trống cái, hơi thở bắt đầu kéo bễ như bễ lò rèn. Mỗi nhát cuốc bổ xuống đất, Muôn thấy có cả ngàn ngôi sao với hào quang đổ tóe ra từ hai con mắt xót vì bụi và mồ hôi.
"Hai đồng chí kia, xong chưa?”
Tên Tượng đội nón cối, quần áo đen, đi đôi dép Bình Trị Thiên, đứng trên miệng lỗ hỏi xuống, giọng hách dịch. Muôn và Triều cùng ngưng cuốc nhìn lên. Triều nhanh miệng:
“Thưa cấp lớn, sắp xong rồi. Cấp lớn thử đặt thước xem?”
"Đặt cái gì? Nhìn cũng biết, còn nông lắm. Làm ráng cho mau xong đi mà về với người ta không tối đốt đuốc mà làm.”
"Dạ, dạ..."
Tên tiểu đội trưởng bỏ đi. Triều và Muôn không dám nhìn theo hắn, cả hai mải miết làm mặc dù đã quá mệt. Có lúc Muôn nghĩ đào sâu như thế này, xong nằm thẳng cẳng, nhắm mắt, rồi nhờ thằng Triều vùi đất lên. Thế là xong. Mát mẻ. Khỏi âu lo, đói khát, buồn phiền. Khỏi tủi nhục tinh thần, vật chất hơn sống chịu tiếng "con Ngụy," một thứ thành phần bất hảo trong xã hội. Muôn không ngờ chỉ sau một phút đổi đời ngày 30-4-75 mà mọi chuyện lại có thể bắt đầu một cách tàn bạo, kinh hoàng và đau đớn đến thế. Những cơn mộng mị ban đêm, có phải là cái hồn ba Muôn hiện về báo cho Muôn không? Muôn không dám xác định điều đó nhưng kể từ ngày bị xung vao Bộ Đội Kinh Tế như hiện giờ, được chuyển từ Đức Hòa tới đây, Muôn luôn luôn mơ thấy ba với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu nhìn Muôn như thế.
Những nhát cuốc cuối cùng khơi đúng tầm cỡ coi như đã xong. Muôn ngồi thở dốc trên miệng hố, còn Triều mạnh hơn, đi kiếm tên Tượng lại đo. Sau hai lần đặt cái cành cây đã được chặt đúng 1m ở các chiều ngang, dọc, sâu để bắt nới thêm cho đúng tiêu chuẩn, với những lời nhiếc mắng nặng nề, nào "con ngụy chỉ quen ăn chơi," nào "cách mạng không có thành phần lười biếng, biết ăn không biết sản xuất," tên tiểu đội trưởng thấy chả còn gì hạch xách được nữa, y đồng ý ghi sổ "hoàn thành công tác ngày hôm đó" cho Triều và Muôn.
Hai anh rủ nhau xuống sông tắm và giặt quần áo để còn về ăn bữa cơm tối. Được tiếng là Bộ Đội Lao Động - chỉ hơn tù cải tạo một tí - nên có Hậu Cần lo nấu nướng. Bữa cơm tối được ăn no nhưng thức ăn quá kém. Thường là món canh Đại Dương, bọn Muôn - Triều đặt tên vậy vì có xắn quần lội vào tô canh kiếm cái rau không ra, sau 30 giây từ lúc bắt đầu ăn. Muôn nhớ mỗi lần Muôn chỉ quơ được một gắp trong cái chén lõng bõng nước nhạt nhách có nổi vài giọt màng sao mỡ lấy lệ. Nước mắm cũng không có nên phải chế "nước mắm khìa." Lấy chút xíu mỡ heo, xắt hành phi lên cho thơm. Bắc một nồi nước lớn, bỏ muối đậm đậm, cho thêm vài ba muỗng nước mắm cho có vị, đun sôi lên rồi đổ hành mỡ vào. Lấy nước mắm khìa đó, chan cơm ăn.
Hôm nào ra ruộng nhặt được nắm rau cải thiện như rau cải trời, rau chóc, bông điên điển hoặc rau muống là mừng húm. Kiếm cái lon gô cho nước vào luộc lên hoặc thả vào tô canh Đại Dương cho có thêm rau mà ăn đặng sống qua ngày.
Trong bọn năm người thường ăn chung, có thằng Mẹo trẻ tuổi và nhỏ con nhất nhưng Mẹo rất khéo tìm kiếm và chế biến thức ăn. Năm đó Mẹo mới 18 tuổi nghĩa là ba Mẹo đi tù cải tạo lúc Mẹo mới lên 10, học chưa hết tiểu học, ngô nghê ngốc nghếch chẳng biết gì. Nhờ 8 năm sống với mẹ ở chợ trời, có những lúc đói vắt ruột ra nhưng không có gì bỏ bụng, lại nhìn thấy những gian dối, lọc lừa, tráo trở hàng ngày để kiếm miếng sống, Mẹo khôn ra.
Một bữa đồ tiếp tế từ nhà đưa tới vừa cạn, nhóm Muôn - Triều - Mẹo - Đầy - Thọ đã phải ăn nhạt mấy ngày, rau cải thiện cũng không kiếm được bao nhiêu thì Mẹo đào trúng một ổ chuột 6 con đỏ hỏn. Những con chuột chưa mở mắt kêu chít chít rúc vào với nhau, mỗi con chỉ to bằng ngón tay cái.
Cả bọn năm anh ngồi trên miệng hố bàn tán xem nên làm món gì cho ngon để ăn cơm. Đầy nói nếu có nhiều mỡ heo thì đem chiên vàng, chấm nước mắm khìa. Nhưng lon gô mỡ heo chỉ còn dính đáy. Hỏi thằng nhà bếp chắc gì nó đã cho, mà nếu nó cho được một chút thì hôm nào người nhà mang đồ tiếp tế tới, phải cho lại nó gấp mấy mới xong.
Mấy cái lỗ hôm nay đã đào xong nên có thì giờ bàn bạc.
Mẹo bảo: "Để tôi liệu." Nói xong, Mẹo đi kiếm một cái dĩa nhôm sâu sâu, đổ nước và bỏ muối vô. Nước sôi, Mẹo thả chuột vô. Chuột nóng quá nhảy trở ra, Mẹo giũa giũa chuột xuống nước ruộng cho sách rồi lại bỏ vào dĩa, nấu cho kẹo lại, bỏ muối khá khá, ăn với cơm.
Thỉnh thoảng, bọn Muôn - Triều bắt được cá lù đù, cá lóc, cá linh, cá trèn hoặc cá chốt... Có lúc cá ngon, có lúc cá bị ghẻ giống như thịt bị thối, nó thâm thâm, đỏ đỏ, tím tím trông gớm.
Nhưng với Mẹo, không hề gì. Mẹo chặt bỏ chỗ ghẻ, xong kho mặn lên, tí mỡ hành, lại ngon ngay. Ba, bốn con cá nho nhỏ, cả bọn cũng ăn được vài bữa. Mẹo còn chế ra rau muống kho và củ khoai lang kho. Khoai lang nhỏ vừa bằng ngón tay, Mẹo đun nước muối cho đậm rồi thả vào. Bữa nào có tí mỡ hành gia vị, ấy là đời đã lên hương như người ta thưởng thức sơn hào hải vị.
Lại nói đến cơm. Với bốn chén mỗi bữa, cũng có khi cơm thiếu chỉ ba, dân thành phố hoặc dân ăn yếu thì đủ, nhưng dân đồng quê thường làm khỏe và ăn khỏe hơn thì chỉ mới nửa bụng.
Thức ăn lại đạm bạc, chất thịt cá không có nên rất mau đói, nhất là làm đất, đào kinh. Để thỏa mãn cái bao tử, chỉ còn cách ngoại giao với thằng nhà bếp để nó cho "khượi" cháy.
Răng khỏe, những mảng cháy vàng rộm nhai rôm rốp, ngon ơi là ngon! Nhưng chỉ được mấy lần, sau đó, hễ nạo hết cơm, thằng Hậu cần tạt nước dơ vào. Mấy con heo nó nuôi còn đang đói đó, hơn nữa, nó sợ cậy cháy làm bể chảo vì chảo làm bằng gang mỏng. Đã một lần cái chảo gang của trung đội bị rò, nước rỉ rỉ xuống làm ướt bếp, gạo sống nhăn, cả trung đội đói meo, nửa tháng mới xin được cái chảo mới.
Dù có khai kinh để nước ngọt từ sông lớn vào rửa nước phèn hoặc làm nhạt bớt phèn, vùng này vẫn chưa thể trồng trọt gì được trong vòng vài, ba năm. Người dân thử trồng mía và thơm là hai loại chịu nước phèn nhưng vì độ phèn còn quá mặn, mía và thơm cũng không lên được mà giá có lên thì thứ mía này bán không có giá. Mía nước phèn, nước mặn sẽ không có lái nào mua vì "chè" rất kém. Ép ra chỉ lỗ, lúc kết tinh thành đường, độ ngọt không đủ tiêu chuẩn, thị trường không tiêu thụ.
Mùa gặt đã tới. Cả đại đội 361 Lao Động được điều về một vùng ở sâu trong ruộng, cũng thuộc tỉnh Mộc Hóa để cắt lúa. Loại lúa trồng ở đây là lúa mọc theo nước. Nước lên tới đâu, lúa ngoi lên tới đó. Trong hai tháng hơn, bọn Muôn - Triều phải ngâm người tới ngực trong ruộng nước mỗi ngày để cắt lúa. Nước dơ lại ngâm lâu ngày, cả bọn, anh bị nổi lác, anh bị ghẻ. Lều tranh cũng không có mà ngủ ban đêm, mỗi anh được phát một tấm plastic, che chắn, xoay sở sao tùy ý.
Mấy ngày đầu, cả bọn Muôn - Triều phải đi chặt tràm, chặt đước cùng nhau dựng tạm một cái lều với ba tấm plastic làm mái và hai tấm che xung quanh để đêm ngủ. Chung quanh toàn là ruộng nước, những ruộng không cấy lúa được thì toàn một thứ cỏ tranh rậm rạp. Nhiều chỗ Mẹo không dám lội xuống vì Mẹo nghi có cá sấu, tuy nhiên tai nạn đó chưa hề xẩy ra mà chỉ có rắn. Rắn đủ loại bơi lổn ngổn, có cây có sào đập chết đem về thì bữa tối đó lại được một bữa ngon.
Ngày cuối tháng thường là ngày vui vì mỗi đội viên được lĩnh $2,000.00. Số tiền này đủ cho mỗi anh mua một lít rượu đế và hai bao thuốc lá Hoa Mai Đà lạt. Tuy vậy, bọn Muôn - Triều đâu có khi nào dám tiêu hoang như thế. Năm anh $10.000, tiền này chung vào để mua ít cá khô hoặc gạo, rất cần để phụ vào những bữa cơm thiếu.
Sau hơn một tháng ngâm nước cắt lúa quá cực khổ, vốn yếu sức, Mẹo ngã bệnh nằm liệt trong lều, không lao động được mà cũng không ăn uống gì được. Mỗi ngày một lon gô cháo do Muôn - Triều hoặc Thọ - Đầy thay phiên nấu nhưng Mẹo chẳng ngày nào ăn hết. Thuốc men không có ngoại trừ vài thứ lá rừng nghe dân quê nói chữa được bệnh sốt rét, phơi khô, sao vàng, hạ thổ, nấu nước, Mẹo càng ngày càng kiệt đi, thoi thóp nằm chờ chết.
Mong người nhà tới nhưng không thấy tới, bọn Muôn - Triều, Thọ - Đầy quá thương bạn nhưng chẳng biết làm sao. Cấp lớn của Bộ Đội Việt Cộng cũng không léo hánh tới nữa mà giao cho những người cùng hoàn cảnh như Muôn - Triều có thâm niên phục vụ và được tin tưởng. Những anh này có được báo cáo về tình trạng đau kịch liệt của Mẹo nhưng cũng đành chịu vì ở giữa chốn ruộng nước đó, không đào đâu ra một viên Aspirin.
Bộ Đội Việt Cộng đi đâu có bệnh xá, y tá đi theo, còn Bộ Đội Kinh tế như Mẹo - Muôn - Triều, không bị đi tù cải tạo là may rồi, ở đó mà trông thuốc.
Mẹo trút hơi thở cuối cùng vào một đêm mưa gió tơi bời. Cái lều bị tốc hết mấy tấm plastic, tất cả ướt như chuột và lạnh thấu xương. Muôn không bao giờ quên được cái đêm bi thảm hãi hùng đó. Mẹo trợn trắng mắt sau khi kêu được hai tiếng "ba ơi, má ơi!" trong khi mưa đổ như thác xuống năm thân người ướt sũng, run cầm cập chỉ nhìn thấy mặt nhau nhờ những tia sáng lóe trên trời phụ họa bằng những tiếng sấm, sét liên hồi.
Muôn không ngờ cái người muốn nằm xuôi tay, xuôi chân dưới hố là Muôn nhưng Muôn chưa nằm thì Mẹo đã nằm trước.
Sau 3 năm, Muôn được về nhà. Lúc đó, Triều - Thọ và Đầy cũng đã bị phân tán đi công tác ở những Đại Đội Lao động khác. Muôn trở về Cần Thơ. Mẹ và các em Muôn không còn ở đó nhưng đã về nương náu với ông bà ngoại ở Sóc Trăng từ 8 tháng qua, sau lần mẹ Muôn đi thăm và tiếp tế cho Muôn lần chót ở Mộc Hóa. Câu đầu tiên Muôn hỏi mẹ, cũng là điều Muôn kỳ vọng ở mẹ, đối với người cha muôn đời yêu quí:
"Ít lâu nay má có đi thăm ba không, hả má?"
Bà Vạn vừa mừng gặp lại thằng con trai yêu quí lâu ngày biền biệt, mà bà cứ nghĩ khôn nghĩ dại có ngày sẽ nhận cái tin dữ của nó, nỗi mừng chưa được vài phút thì câu hỏi của nó lại làm bà nhớ đến những kinh hoàng đau đớn mà bà phải chịu từ một năm nay.
Thoạt đầu, bà Vạn muốn nói dối Muôn: "Có, má mới đi thăm ba về, ba vẫn khỏe thường."
Nhưng con Ngàn, đứa con gái út 12 tuổi đứng đó, nó đang mừng rỡ tíu tít vì "Anh Muôn về," nghe được câu hỏi của Muôn hỏi má, nó đứng sững, ngây người, đôi mắt như muốn nhỏ ra thành lệ chứa chan, và bà Vạn ú ớ nghẹn lời.
"Ba sao rồi hả má?"
Muôn nói xong câu thứ hai thì bà Vạn ôm mặt khóc nức lên. Những đau khổ thấm sâu trong tim gan tưởng đã hơi nguôi ngoai vì cảnh sống khó khăn hàng ngày xâm chiếm hết trí óc, nay lại được dịp bùng ra như dòng thác lũ. Thằng con trai lớn của bà, những nét hao hao trên khuôn mặt và giọng nói y như ba nó, nó có hiểu rằng bà đã lặn lội ra tới Chi - Nê, Đầm Dùn, rồi Hoàng liên Sơn, ròng rã cả tháng, với mấy trăm cây số đi qua, nhưng cứ đến nơi này thì người ta biểu "đã chuyển trại rồi" và cái trại cuối cùng mà bà tìm đến được là ở Nghệ-Tĩnh.
Nơi đây, người ta không bảo bà đi thêm một trại khác nữa nhưng dẫn bà ra một cái gò và chỉ vào một đống đất thấp lè tè mấy hòn đất vùi vội vàng, có một thanh gỗ cắm trên với ba chữ:”Phùng văn Vạn”.
Trên thanh gỗ mỏng có chữ:
“Phùng Văn Vạn” nguệch ngoạc bằng sơn đen.
Bà Vạn nằm trên mộ, ôm lấy mảnh đất vùi nắm xương tàn của người chồng yêu dấu không bao giờ được gặp lại, khóc đến khản cổ, đến câm tiếng không còn nói được nữa. Con Triệu - em kế Muôn - cùng đi với mẹ, cũng sụt sùi khóc ngất. Hai mẹ con bà Vạn ôm lấy ngôi mộ cho đến khi trời sẩm tối, đồng không mông quạnh, chung quanh toàn mồ mả hoang vu dễ sợ, mới bảo nhau tìm đường lần ra khu làng mạc kiếm chỗ trọ đêm.
Mười giờ đêm hôm dó, hai mẹ con bà Vạn mới kiếm được một chỗ ngủ và lưng cơm ở một nhà trọ. Sáng hôm sau, hai mẹ con bà lại ra mộ, trên tay có thêm vài thẻ hương. Bà Vạn và con Triệu ở lại Nghệ - Tĩnh, mỗi ngày ra mộ từ sáng đến chiều, một tuần như vậy rồi mới trở về Nam.
*****
Muôn chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm nhưng không nơi nào cho Muôn một việc làm mặc dù Muôn có giấy chứng nhận đã phục vụ trong Bộ Ðội Lao động và đưọc hứa hẹn sẽ có ưu tiên khi đi xin việc làm tại những Hợp tác xã hay xưởng, hãng do Nhà nước quản lý. Các hãng, xưởng của tư nhân, kể từ sau khi Nhà nước Cộng Sản chuyển qua nền kinh tế thị trường để cứu nguy chế độ cũng mướn người nhưng đa phần là người trong gia đình, họ mạc vì nền công nghiệp còn rất phôi thai, yếu kém. Một số sản phẩm như sà-bông, kem đánh răng, sơn, hay thực phẩm như bánh mì, bánh ngọt v.v…thua xa phẩm chất hồi xưa của miền Nam vì nguyên liệu quá hiếm, máy móc bỏ xó vì các chủ xí nghiệp đã bỏ của chạy lấy người, bôn ba ra nước ngoài. Thuốc aspirin là rất dễ khi xưa, nay con buôn mua về nghiền ra cho thêm bột mì vào rồi mới đóng thành viên. Hiệu quả là bệnh lâu khỏi vì một viên làm thành 5 hay có khi 8-10 viên mới. Dù biết thế, có bệnh vẫn phải mua uống không thì chết. Khi xưa uống 1 viên thì bây giờ phải uống 4 hay 5 viên mới có cái “dose” giống như thế. Trụ sinh thì hoàn toàn giả, tiền mất tật còn y nguyên. Thật là một thời kỳ quá khó sống cho người dân! Chỉ cán bộ, đảng viên là dễ thở!
Ði đâu Muôn cũng được hứa hẹn là: “Anh cứ để địa chỉ đó, khi cần mướn thêm người chúng tôi sẽ gọi ngay.” Nhưng sau 6 tháng đi nhiều nơi và lên cả Sàigòn, Chợ lớn, thất nghiệp Muôn vẫn hoàn thất nghiệp!
Nhiều lúc quá chán nản, Muôn nghĩ khôn nghĩ dại, giá chết ngay như thằng Mẹo cũng xong. Sống mà vất vưởng, miếng ăn không có, nhờ vào ông bà ngoại thì nào ông bà có khá giả gì để bao bọc cho mẹ con Muôn. Sóc Trăng không có chợ trời, mẹ Muôn chỉ có gánh rau trái mua đi bán lại ở chợ cầm cự qua ngày, chứ vốn liếng đâu mà buôn bán lớn như buôn thóc gạo hoặc vải vóc, đồ chạp-phô vv...Từ ngày chồng chết, vừa đau buồn, vừa bị bệnh bao tử, vừa làm việc quá sức, bà Vạn gầy rộc hẳn đi và thỉnh thoảng cứ húng hắng ho, có lần bà khạc ra một búng máu tươi nhưng bà không dám nói cho cha mẹ hoặc các con biết. Biết đã chẳng giúp được gì lại mang thêm mối lo.
Sau một năm thất nghiệp khổ sở, sống như vô hồn, bỗng một bữa, Muôn nhận được lệnh gọi đi huấn luyện quân sự. Nơi trình diện là cơ quan Hành Chánh ở Ngã Năm. Bà Vạn rất lo lắng cho Muôn nhưng không biết sao hơn đành kiếm chút tiền cho Muôn dằn túi đặng đi trình diện cho kịp ngày.
Từ Sóc Trăng, Muôn đáp xe đò khoảng 30 cây số xuống Phú Lộc rồi từ Phú Lộc có tầu đò đi Ngã Năm. Muôn được đưa lên trại Ðồng Tâm - Mỹ Tho để theo khoá huấn luyện quân sự hai tháng. Trước kia, Sư đoàn 7 Bộ binh của Việt Nam Cộng Hoà cũng đã đóng ở trại Ðồng Tâm, nay quân đội Cộng Sản dùng làm Trung tâm Huấn luyện cho thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự hoặc những thành phần “con Ngụy” như Muôn để xung vào các đơn vị cần bổ túc quân số.
Nhập trại, Muôn được hướng dẫn giờ giấc, lệnh lạc và chỗ ăn, chỗ ngủ. Lúc ở trên xe Molotova, Muôn cứ tưởng số người sẽ ít ỏi như hồi đi làm thủy lợi và lội nước cắt lúa, nhưng khi vào tới trại, Muôn nghĩ có thể cả hơn ngàn người trong đợt huấn luyện này.
Muôn được học hai phần: lý thuyết và thực hành. Lý thuyết do các Chính trị viên giảng thuyết. Nhiều lúc nghe những danh từ lạ, Muôn không hiểu nhưng đại khái phải tuyệt đối trung thành với Bác, Ðảng và Nhà nước, phải biết ơn các ông tổ Kác Mác, Lê - nin, phải trau dồi bản thân để cùng với cả nước tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa.
Mỗi tuần đều có khảo hạch miệng hay viết, để xem học viên đã thấm nhuần tư tưởng chưa. Nếu trả lời ú ớ, phải học lại cho đến khi trơn tru mới thôi. Những học viên xuất sắc được nêu tên trên bảng danh dự của trung đội, đại đội hay tiểu đoàn.
Muôn được học ném lựu đạn và bắn súng AK47, tập đeo ba-lô nặng và súng đạn đi bộ 10, 15 cây số, tập che một tấm plastic ngủ giữa rừng cho quen.
Sau hai tháng bị quần thảo tả tơi, khoá huấn luyện của Muôn làm lễ bế mạc. Ngay đêm sau, đại đội của Muôn được xe vận tải chở đi Châu đốc. Từ Châu đốc phải đi bộ xuyên rừng và từ đây, Muôn chỉ biết đi theo lệnh, không còn biết vùng đang đi tên là gì và thuộc đất Việt Nam hay đất Miên. Tối đó, đại đội được lệnh ngủ lại tại một ngôi chùa, chung quanh toàn rừng già rậm rạp. Ngôi chùa cổ lâu ngày không được tu sửa nên trông tàn tạ, hoang phế. Gác tam quan toàn lỗ đạn trên tường và phía phải đã bị sạt và cháy một nửa, dấu vết chiến tranh dù lâu đời vẫn để lại sờ sờ những tàn phá ghê rợn. Chỗ treo đại hồng chung chỉ còn lại mấy cây đà ngang dọc, cạnh đó treo lủng lẳng cái chầy dài và lớn bằng đôi sợi thừng mà xưa kia một ni cô hay chú tiểu vẫn dùng nó để nện chuông ngày ba buổi. Chiến tranh cả nửa thế kỷ, những quả chuông này đâu có cần bằng súng đạn. Tiếng chuông đưa hồn vào cõi siêu thoát có lẽ không hữu hiệu bằng những viên đạn đồng chuyển hoá kiếp người.
Tiếng là đóng ở chùa nhưng chỉ có cấp lớn, cấp chỉ huy đại đội, còn trung đội của Muôn phải ra rừng nằm, cách chùa 4, 5 cây số và phải cắt phiên thay nhau canh gác cẩn mật. Sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng cả đại đội đã được đánh thức. Cơm nước xong thì trời sáng rõ, mọi người lại kĩu kịt khiêng gánh đồ đạc và súng đạn, nối đuôi nhau trên con đường mòn xuyên rừng. Thỉnh thoảng, Muôn thấy khỉ, vượn, cọp, beo, hươu, nai và cả trăn, rắn.
Khoảng quá trưa, đoàn quân tới bờ một con sông lớn, lên tầu để được chở tới một địa điểm biên giới. Sau bốn ngày đêm, Muôn theo trung đội lên đóng chốt tại một ngọn đồi. Ngọn đồi này, theo Chính trị viên đại đội, là điểm giao liên của những bọn buôn lậu từ Thái Lan, Miến Ðiện, Trung quốc, Singapore, Hồng Kông, Mã Lai, Indonesia đưa các hàng ngoại xa xỉ như rượu, thuốc lá, xe đạp, vải vóc và cả thuốc phiện, cần sa, bạch phiến từ nhiều nơi sản xuất trên thế giới xâm nhập vào Việt Nam. Những sản phẩm này đã tốt lại rẻ hơn đồ nội hoá, vì vậy dân chúng ưa mua dùng. Dĩ nhiên, đồ nội hoá bị ế ẩm, ảnh hưởng nặng nề đến nền công nghiệp trong nước và công nhân bị thất nghiệp. Ngoài bọn buôn lâu tứ xứ, ngọn đồi cũng kiểm soát được những nhóm người vượt biên “chui” bởi vì từ ngọn đồi này, nếu theo đường chim bay, khoảng cách không đầy 15 cây số là sang qua lãnh thổ của Thái Lan.
Riêng về ma túy, Muôn đọc báo phát hành từ Sàigòn được biết là hàng chục ngàn người trong nước bị vướng vào vòng nghiện ngập và mới đây đội công an phòng chống ma túy đã khui ra một đường dây buôn bán ma túy mà oái oăm thay, chủ trì lại là mấy cấp lớn hiện đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan bài trừ ma túy.
Buổi sáng hôm đó, Muôn được chỉ định cùng hai đội viên khác đến Bộ chỉ huy Tiểu đoàn để lãnh gạo về cho đại đội. Xe đạp thồ không có mà chỉ dùng quang thúng và đòn gánh. Có hai, ba cái xe đạp khá khoẻ dùng để thồ gạo và những đồ nặng nề thì mới bị gẫy tháng trước vì thồ quá trọng tải. Xe đạp Trung cộng bằng thép cứng đặc chế để thồ hàng đấy nhưng cũng không chịu đựng được sức nặng bốn, năm tạ trên con đường sống trâu, lồi lõm, khúc khuỷu miền sơn cước.
Mặt trời mới lấp ló ở phương Ðông nhưng toàn thể khu rừng coi đã bớt vẻ thâm u huyền bí của đêm tối. Ðủ các mầu xanh đỏ, các con kỳ nhông, thằn lằn trườn dài trên những cành cây hoặc lấp ló ở những miệng lỗ, miệng hang. Chim chóc ríu rít từng đàn trên những cành cây xanh um rậm rạp. Ðường mòn trong rừng đầy lá khô và cành mục còn ướt đẫm sương đêm. Với lam sơn chướng khí này, với nước uống là nước suối toàn lá cây độc và xác thú rừng chết mục rữa lâu ngày, người khoẻ như voi ở đây ít lâu cũng bị sốt rét rừng, da vàng, bụng ỏng như đàn bà có bầu sắp đến ngày sinh. Sốt mỗi ngày hoặc cách nhật, tiếp theo một cơn rét xiêu nhà đổ cửa sẽ giết dần những thân thể cường tráng.
Ba anh bộ đội nối đuôi nhau đi hàng một xuyên qua những vòm lá đặc kịt trên đầu, sương mù còn lởn vởn phảng phất quanh người như khói bếp nhà ai buổi chiều tưởng có thể dùng tay vớt được. Muôn bảo hai bạn:
“ Sáng nay trung đội mình đi phục kích ở đâu, tụi bay biết không ?”
Bật đi ngay kế Muôn trả lời:
“ Chắc lại cũng khu “Cây ba chạc” thôi. Ðồng chí chính trị viên đâu có nói cho bọn mình hay trước là đi đâu.”
Ngải đi sau cùng, góp chuyện:
“ Phải bảo mật, phòng gian mà lị.”
“Ừ, bảo mật và phòng gian !” Bật tiếp theo, nhưng hắn nghĩ, bảo và phòng kí gì, ngày nào không đến “Cây ba chạc” thì lại khu “Gốc đa”, trách nhiệm quanh quẩn hai nơi đó. Cứ dùng chữ cho oai chứ ai cũng biết rồi thì phòng gian bảo mật làm chi ?
Bỗng Bật nhìn thấy một cột khói xanh, mỏng manh bay lên trời. Hắn buột miệng, tay chỉ trỏ hỏi bạn:
“ Cột khói kia là cái gì đấy nhỉ ?”
Ngải trả lời liền:
“Trên bảo đấy là một nhà máy cưa của Thái Lan. Chớ đi lạc sang đó kẻo bị Thái Lan bắt là toi đời !”
Ngải hùng hổ nói nhưng khi nói xong, hắn ân hận là đã lỡ lời. Ở đây biết đây, thọc tay sang lãnh thổ khác làm gì ? Nếu hai thằng này sinh chứng thử phiêu lưu, có phải sẽ liên quan đến Ngải không. Và Ngải rảo bước để hai thằng bạn phía sau cũng phải mải miết đi cho quên cái vụ nhà máy cưa mới nói. Thành thử bề ngoài, ba anh bộ đội làm như phớt lờ cái cột khói của nhà máy cưa Thái Lan, nhưng trong tâm trí, cả ba cùng cố thu lấy hình ảnh cái cột khói và khoảng cách phỏng chừng từ con đường mòn này đến đó. Mắt có vẻ nhìn thẳng phía trước để đi cho nhanh nhưng nếu có ai tinh ý sẽ thấy cả ba anh kín đáo liếc mắt nhìn đám khói tỏa lên và tưởng tượng ra một con đường Tự Do thênh thang bắt đầu từ cái nhà máy đó dẫn tới các đệ tam quốc gia chấp nhận người tị nạn chính trị.
Ði khoảng hơn tiếng nữa, Bật - Muôn - Ngải tới hậu cần của tiểu đoàn. Mỗi anh lĩnh hai bao, mỗi bao 25kg để gánh về đại đội. Hai bao đó cũng là phần gạo của mỗi trung đội ăn trong khoảng hơn tuần, lúc hết lại mấy anh khác quang gánh đi lĩnh.
Do sự chỉ đạo của Chính trị viên đại đội, mỗi trung đội có hai đồng chí hậu cần chuyên lo nấu nướng cho cả trung đội vì trung đội phải đi phục kích ngày đêm, thay phiên canh gác để đổi nhau ngủ. Tuy vậy, đôi khi trên tiểu đoàn mượn một hậu cần lên đó thì anh còn lại phải bao dàn hết. Dù không phải nấu cơm nhưng bọn Muôn không bao giờ được bữa cơm nóng có canh rau đàng hoàng. Hai tên hậu cần nấu xong liền nắm lại, ta gọi là cơm vắt. Mỗi người, mỗi bữa một vắt, ăn với muối mè, muối đậu phọng hoặc chỉ muối trắng. Thèm rau, xót ruột quá thì ngắt lá rừng nấu canh với nước và muối. Lá rừng chưa từng ăn thì cứ thử bằng cách nhai sống vài ngọn, không thấy có phản ứng gì là ăn được. Ăn riết rồi sẽ có kinh nghiệm thứ lá nào ăn được, thứ nào không. Cơm vắt nếu mới, ăn cũng khá, cũng ngon vì đói thì cái gì ăn chẳng ngon nhưng nào có cơm ngon mà ăn. Tên “anh nuôi” cứ lúc nào rảnh là nấu và vắt vì hắn sợ tới bữa không đủ cơm phát sẽ bị khiển trách. Cơm vắt sau vài tuần mặt đen lại, có khi rắn như đá nhai gẫy răng, có khi chua ra vì bỏ trong bao bố ỉm hơi, nhất là lều dột bị nước mưa xối xuống. Có những bữa, Muôn cầm vắt cơm trên tay mà rớt nước mắt. Nhưng dù cơm tệ đến thế nào, nó vẫn hơn đất, vẫn còn chất bổ nuôi sống con người. Phải nhắm mắt, nhắm mũi nuốt thôi. Ăn xong ra suối vục nước uống, dù biết nước độc. Con người không thể nhịn uống !
Từ hôm nhìn thấy nhà máy cưa Thái Lan, Muôn nghĩ lung trong đầu. Ðóng ở đây mãi sẽ chết vì chẳng thấy nói bao lâu cho về. Tiền bạc chẳng cho một xu, điếu thuốc thèm chết người không có. Ði phục kích, đi công tác thì sợ mìn, cái thứ mìn “lon” nhỏ như cái lon sữa bò, sức nặng đạp lên chỉ vài kí là nổ, banh xác như chơi ! Mìn ta gài. Mìn Polpot gài. Mìn các phe khác ai biết. Mìn gài dưới đất. Mìn gài trên cây. Mìn gài vào đám rau rừng xanh ngắt ai cũng muốn hái ăn. Mìn gài vào đôi ủng cao su đen đẹp đẽ đi rừng tránh muỗi vắt, rắn rết rất tiện lợi. Chính thằng Tỳ ở trung đội Muôn, mới đến đây được hai hôm chưa có kinh nghiệm, nhìn thấy đôi “bốt-đờ-sô” của Mỹ ngon quá chạy lại nhặt. Ngay buổi chiều hôm đó, nó được ra nằm ở bìa rừng, có tấm “mủ” bó lại bằng dây thừng, hai chân còn lòi ra cả khúc. Mà không “đi” một cách ghê rợn như thằng Tỳ thì sớm muộn cũng sốt rét ngã nước. Khi nào hết cựa quậy được nữa thì cho về. Có về tới nhà gặp gia đình không lại là chuyện khác.
Ngủ thì thôi, nhưng hễ thức là Muôn tính hết nước hết cái. Phải trốn thôi, nhưng trốn sao cho êm thấm không dễ dàng gì. Nghe tụi nó kể lại, toán trước có thằng Nhánh đang phiên gác đêm trốn đi, bị chính ngay đồng đội phục kích bắn chết. Toán đi phục, thấy bóng người, bất cứ là ai cũng bắn. Mà bọn Polpot đi phục, chúng cũng bắn ráo trọi bất kể phe nào. Chết ráng chịu. Mạng người thua con nai, con mển. Nai, mển chết, con người có đồ ăn chứ người chết, chúng nhổ nước miếng bỏ đi. Phe nhà thì hai thằng với hai cái cuốc. Sâu, nông bất kể. Ðời sống đã quá khổ, lại kề cận cái chết hàng ngày, còn ai ở đó săn sóc cho ai ? Ðược thằng bạn thân đào huyệt cho là may rồi. Bởi bạn thân, nó chịu khó đào sâu, vùi kỹ. Ðào khơi khơi, thú rừng đói mồi cả đống đó bươi lên ăn mất xác. Mà giả sử có còn nắm xương tàn thì cũng chẳng có dấu tích gì để người thân tìm lại. Chôn một cây cọc, một hình chữ thập, chỉ ít bữa mất dấu tích ngay. Rừng tràn lan, cây rừng mọc trùm lên nhau, ngay đường mòn ít đi lại cũng bị xoá mất huống hồ cây mọc làm dấu vừa nhỏ, vừa không có chữ nghĩa gì trên đó, không có gì đặc biệt thì làm sao tồn tại được. Mặt khác, người thân của người xấu số, ai dám léo hánh đến đó ? Hi vọng tìm được nắm xương tàn chỉ có 10% mà cơ nguy bị bắn, bị bắt, bị mìn, bị sài lang, beo cọp phanh thây có đến 90%. Coi như người nhà mình chưa bao giờ ra đời là hay hơn!
Muôn đóng ở ngọn đồi này đến tháng thứ 5 thì một buổi sáng sớm, khi trung đội đánh thức dậy ăn cơm để đi phục kích, vì đã có định kiến, Muôn giả vờ bị chóng mặt không dậy được. Mà quả tình Muôn có bệnh thực. Ăn uống kham khổ, nước suối độc địa, canh gác liên miên, mất ngủ mất nghỉ, lại lo lên lo xuống, phập phồng về chuyện trốn đi, mìn bẫy hay bị bắt lại đều chết, mà sang dược đến đất Thái, Thái không chịu nhận cho tị nạn thì cũng tiêu. Cứ nghĩ ba điều bảy chuyện đó cũng đủ bệnh rồi khỏi nói đến các thứ ghê gớm khác.
Tên Chính trị viên đại đội chắc chắn đã có kinh nghiệm đầy mình về bọn đào ngũ nên tuần nào cũng tới họp trung đội, doạ sẽ bắn bỏ những tên bị bắt quả tang đương trốn. Muôn nghe hắn nói cũng lạnh người nhưng nghĩ đi nghĩ lại không còn con đường nào khác.
Tên trung đội trưởng Quới bữa đó được báo cáo là Muôn bị bệnh. Hắn đích thân tới chỗ Muôn nằm, cật vấn. Muôn nói đã bị cả tuần nhưng vẫn cố. Hắn sờ trán Muôn thấy sốt thiệt, vả lại từ hồi đầu tới giờ, hắn thấy Muôn hiền lành, bảo sao nghe vậy nên không ác cảm mà cũng chẳng nghi ngờ gì.
“Tôi cho đồng chí nghỉ một ngày ở lều nhưng phải phụ đồng chí hậu cần nấu cơm. Ngày mai phải đi phục kích với anh em, nghe chưa ?”
Muôn dạ, dạ... cám ơn. Tên trung đội trưởng dẫn trung đội đi.
Lúc đó mới sáng rõ được một lúc. Muôn đang nằm nán thêm một tí để tính toán trong đầu thì thằng hậu cần, anh em cứ gọi đùa hắn là anh nuôi, ở ngoài vào. Hắn bảo Muôn:
“Ðồng chí đi ra suối ghính “lước” về đây tôi thổi cơm. Thổi xong, tôi cho đồng chí ăn cơm “lóng” thay vì cơm vắt cho mau khoẻ. Hôm “lay” có muối vừng ngon “nắm”.
Tên hậu cần này từ ngoài Bắc vô. Hắn tên Trồi nhưng không phát âm được vần tr, như con trâu thành con tâu, quả trứng thành quả tứng, vì vậy hắn tự giới thiệu với mọi người tên hắn là Tồi. Nghe riết cũng quen.
Muôn đang tơ vò trăm mối, nghe hắn nói cũng phải đế một câu để tự mua vui:
“Cơm lóng ăn với muối vừng thì ngon nắm đấy, anh Tồi !”
Hắn cự Muôn ngay:
“Ðồng chí phải gọi tôi nà đồng chí chứ sao nại anh ? Ðồng chí không nhớ nời bác đã lói à ?”
Muôn chẳng biết bác dặn dò gì trong cái khoản gọi sai đó nhưng nghe hắn nói, Muôn phải ậm ừ cho qua:
“ Xin nỗi đồng chí Tồi. Tôi ốm lên quên hết cả.”
Nói rồi Muôn cố gắng chỗi dậy đi lấy thùng và đòn gánh ra suối. Hì hục cả tiếng đồng hồ, mồ hôi đổ ra ướt đẫm lưng, Muôn mới gánh về được hai lưng thùng. Tên anh nuôi nhìn thùng nước kêu lên:
“Thao đồng chí ghính được một tị thế lày. Ðâu có đủ. Ðồng chí tung đội tưởng mà nhìn thấy nà đồng chí phải phạt.”
Tuy nói vậy nhưng tên anh nuôi không bắt Muôn đi gánh thêm vì hôm qua còn lại lưng thùng. Vả lại, hôm nay hắn có cái gì vui thì phải. Muôn đoán hắn mới nhận thư của gia đình chiều hôm qua, do chuyến liên lạc mỗi ba tháng của cán bộ giao liên. Chắc có điều gì thích thú trong thư làm hắn bớt gắt và hay cười.
“Ðồng chí rọn rẹp thạch thẽ rùm tôi rồi chúng ta ăn cơm lóng. Lồi canh kia nà ngon phải biết.”
Muôn để ý thấy hắn rất thích nói những chữ n và l, làm như nói những chữ này thì người đối thoại mới càng khâm phục sự học hành hiểu biết cao xa của hắn. Chỉ có một điều Muôn không hiểu, là cứ chữ n thì hắn uốn lưỡi, còn chữ l thì không, trăm chữ như một, chẳng lộn chữ nào, mới là tài tình.
Muôn làm mọi việc như hắn muốn, thỉnh thoảng khen hắn một câu cho hắn thích rồi ăn cơm với hắn. Phần cơm nóng khá hơn phần cơm vắt một tí, ngoài muối mè lại có thêm món rau rừng, hình thù như ngọn cải cúc, nấu canh nước muối, tên anh nuôi đã rưới vào vài giọt mỡ heo nhuếnh nhoáng. Trộn vào cơm cũng đỡ xót ruột. Ðã lâu toàn cơm vắt, hôm nay ăn được bữa cơm nóng hổi, Muôn thấy tỉnh cả người, mặc dù không có thịt cá. Ăn xong gần một giờ trưa, tên anh nuôi bảo Muôn lại đi gánh nước chứa vào vài cái “can” bằng “mủ” để mai có nước dùng.
“Ðồng chí chịu khó đi ghính thêm vài đôi. Lước ghính hôm nay, để đến mai mới tong, lấu cơm lấu canh mới ngon mà nại thạch thẽ hơn múc nên lấu ngay.”
Muôn nhấp nhổm quảy đôi thùng ra suối. Còn Tồi thì ngay sau khi vừa ăn xong, hắn đã ngồi ở một cái bàn với vài tờ giấy xé từ vở học trò không trắng lắm nhưng có kẻ hàng đàng hoàng và cây bút nguyên tử. Muôn đoán không sai: hắn cặm cụi đánh vần để viết thư cho vợ.
Muôn ra khỏi lều khoảng hơn 1 giờ rưỡi trưa sau khi đã tìm cách dò hỏi tên hậu cần xem hôm nay trung đội đi phục kích ở đâu. Nhờ ở trên 4 tháng, Muôn cũng biết thêm hành tung của hai trung đội kia. Ngoài “Cây ba chạc” và “Gốc đa” là hai địa điểm do trung đội của Muôn, trung đội 2 phụ trách, ba địa điểm còn lại là “Ông già”, “Dây leo” và “465” do hai trung đội kia trách nhiệm. “Dây leo” là một ngã ba hiểm hóc bọn con buôn thường sử dụng để thay toán gánh đeo hoặc thồ trên xe đạp. Một vài bọn đã bị bắt ở đây với đầy đủ tang vật và súng đạn. Bọn này nói đủ thứ tiếng Á châu, nhièu khi chẳng biết quốc tịch gì. “Ông già” nằm luồn sâu vào trong một vách núi đá, thường khi bọn đưa người vượt biên hoặc buôn lậu vào trong hốc đá ẩn mình khi thấy bộ đội Cộng sản hoặc quân Polpot hay bất cứ binh lính nào khác. Hai địa điẻm này Muôn đã nằm lòng đường đi nước bước, cũng như hai địa điẻm “Cây ba chạc” và “Gốc đa”. Chỉ còn địa điểm “465” là Muôn chưa biết nó ở đâu thôi. Vì vậy Muôn phải rất cẩn thận kẻo lọt vào ổ phục kích của một trong ba trung đội Cộng sản là bỏ đời.
Bọn Polpot không phục ở vùng này nhưng chúng tổ chức từng tiểu đội đi tuần rỏn trong rừng. Gặp kẻ thù, chúng thanh toán. Phải dân vượt biên chui, chúng cho người giải về những trại tị nạn có bàn giấy “Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp quốc” lấy thưởng. Trường hợp này hãn hữu, vì hễ không hiểu tiếng Miên thì chúng đều cho là địch. Chỉ có nước bắn bỏ. Ðàn bà con gái đi vượt biên thì chúng hãm hiếp, lột sạch đồ rồi tha cho đi hoặc bắn bỏ tùy hứng. Bọn chỉ huy những toán lính có súng trong tay, bất kể phe phái nào, đều tự coi như những ông vua tha ai thì tha, giết ai thì giết. Luật rừng được áp dụng không ai bảo ai.
Muôn ném đôi thùng không vào một lùm cây rậm rạp, trên tay chỉ còn cái đòn gánh và “tấm mủ” mầu lá cây, rất tiệp với lá cây rừng để quấn quanh người khi ngủ cho bớt cái lạnh của sương rừng ban đêm. Một bộ quần áo trên người, chân có đôi bata rách nhưng cũng đỡ hơn đi chân không. Ngoài ra không còn gì khác, ngay cả một vắt cơm phòng bị để ăn lúc đói. Mục tiêu của Muôn là cái xưởng máy cưa bên đất Thái nhưng Muôn biết, dò được tới đó không phải chuyện dễ.
Muôn biết rằng đi khơi khơi theo cái kiểu đi rừng thế nào cũng bị lộ, cũng giống như đi ban đêm vậy. Muôn đã nghĩ nát và phải áp dụng theo cái lối “trốn tìm” của trẻ nít, tìm những bụi rậm, hốc cây, hốc đá phía trước mặt, chạy nhanh hoặc lẩn lút trong các vòm cây rậm rạp để tiến từ điểm này đến điểm kia. Ði như thế rất chậm và mệt vì vừa đi vừa nghe ngóng và đặt mục tiêu từng quãng ngắn, nhưng không còn cách nào hơn. Muôn biết chúng nhìn thấy là chúng nổ súng liền. bất biết phe nào, bất biết kẻ đó là ai. Phải dân buôn lậu ? Chúng tịch thu được một mớ chiến công. Những dân khác ? Bắn bỏ ! Tuy nhiên, đi theo kiểu này rất dễ bị mìn vì mìn thường được gài ở những bụi rậm, hốc cây, những chỗ núp tốt. Không có đồng hồ đeo tay nhưng Muôn đoán đã đi được chừng hai tiếng. Cơm muối mè và nước canh muối làm khát khô cổ. Muôn không biết làm cách nào để kiếm ra một con suối. Ðành chịu khát vậy rồi tính sau, Muôn lại tiếp tục ẩn núp và đi. Mồ hôi vã ra ướt lưng áo, trán và mặt, Muôn cảm thấy mệt muốn nghỉ một lát nhưng không dám. Tên anh nuôi không biết đã khám phá ra Muôn trốn chưa. Nếu đã, hắn có thể dùng mọi cách liên lạc với trung đội để mở cuộc truy nã bắt Muôn lại. Muôn đi lọt sang dất Thái, ở đó có Cao Ủy Tị Nạn sẽ là một bằng chứng không tốt cho Cộng Sản Việt Nam.
Ngày mùa hè khá dài. Muôn phải lợi dụng ánh sáng mặt trời tối đa. Muôn tìm được mấy quả dại và vài mụt măng ăn cho đỡ khát nước và đỡ đói.
Trời đã ngả chiều. Mặt trời chỉ còn khoảng một con sào nữa là lặn mà Muôn chưa thấy tăm hơi một làng Thái ở đâu, mặc dù Muôn đoán, Muôn đã ở trên lãnh thổ Thái Lan. Muôn tự nhủ có lẽ mình đi lạc đường rồi, vì đúng ra, Muôn đã phải tới nhà máy cưa. Ði ngoằn ngoèo riết đâm lạc hướng. Thôi đành phải kiếm cách ngủ đêm trong rừng rồi tính sau.Muôn cảm thấy lo âu nhưng đâm lao phải theo lao.
Trong nửa giờ, mặt trời lặn khỏi dẫy núi xa xa. Từng đàn chim chóc bay trên bầu trời bảng lảng rủ nhau về tổ. Một con hươu và một con nhím đi ngờ ngờ trước mắt Muôn coi Muôn như không có. Giả sử giờ này có bắt được thú cũng không làm cách nào mà ăn được. Một que diêm trong túi không có. Bật lửa cũng không. Ðang đói đang mệt, Muôn nhìn con hươu nhỏ mà chảy nước miếng. Nhưng lúc này khôngphải là lúc giải quyết vấn đề bao tử. Không kiếm chỗ ẩn náu qua đêm thì chỉ bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc này. Muôn nhìn quanh quất, không có cành cây nào đủ vững chãi để có thể ngồi trên đó suốt đêm. Nhìn ra xa, Muôn thấy một cây cao um tùm. Phải cố đi tớì đó, Muôn thầm nhủ.
Chống cái đòn gánh như thứ vũ khí duy nhất từ lúc rời lều, Muôn bước rảo về phía cây cao. Mới đi được khoảng vài trăm thước thì trời tối sập. Rừng um tùm toàn vòm và lá nên hết mặt trời là tối rất nhanh. Côn trùng và các thú vật to nhỏ bắt đầu lên tiếng. Ðêm tối là thời gian để chúng bắt mồi. Con lớn ăn con bé. Con bé nuốt con tí tẹo cứ thế mà sinh hoá theo môt chu kỳ bất biến. Rồi khi chúng chết, những xác thối rữa ấy lại trở thành phân bón cho cây rừng càng ngày càng lớn, càng rậm mãi lên.
Những con vắt rừng ngửi hơi người búng cái tách từ mặt đất nhảy lên tay, lên cổ, lên mặt Muôn hút máu. Hễ thấy mát mát ở da là đích thị có một con. Dùng năm đầu ngón tay cào cật lực ra cho nó rớt xuống đất. Nhưng con này rơi xuống thì con khác, chỉ chút xíu sau đó lại búng lên. Ðàn muỗi hàng ngàn con vo ve bên tai, Muôn đi tới đâu chúng đuổi theo tới đó làm Muôn bấn loạn.
Rất may chỉ đi thêm vài trăm thước, Muôn tới được gốc cây cổ thụ. Ðó là một cây cao lớn khổng lồ không biết đã sống mấy trăm năm, lá giống lá đề nhưng nhỏ chỉ một nửa. Gốc cây phải 4 hay 5 người nối tay ôm mới hết. Cành lớn, cành nhỏ vươn ra như một cái đình, những rễ phụ mọc từ trên cành đâm xuống đất to một người ôm.
Muôn đứng ngắm cây rồi kiếm một phía dễ nhất để trèo lên. Dùng dây leo buộc vào một đầu đòn gánh để treo nó vào vai, Muôn dùng hai tay, hai chân cố trèo lên một cái chạc thấp và kiếm chỗ ngồi. Ở tầm cao này, Muôn không sợ cái nạn beo cọp, miễn là Muôn không ngủ gật để rơi xuống đất. Trèo lên tới nơi thì Muôn đuối sức. Vài mụt măng và mấy quả dại chỉ cho Muôn một chút sức lực đủ để đi đến đây. Bây giờ ngồi trên cái chạc cây này Muôn mới cảm thấy hết cái đói, cái khát, cái mệt. Muôn không còn hơi sức, muốn rũ xuống như tầu lá chuối gặp lửa, nhưng đồng thời lúc đó, bản năng sinh tồn lại kéo Muôn lên, thì thầm bên tai Muôn rằng, Muôn phải sống, phải cố chịu đựng cho đến sáng hôm sau sẽ kiếm cái gì ăn và nước uống và một ngôi làng Thái Lan sẽ hiện ra. Hạnh phúc chắc chắn đang le lói ở cuối đường hầm chờ Muôn.
Muôn giở tấm plastic bằng cái khăn bàn ra phủ kín lên đầu, lên người. Cái đòn gánh vẫn còn dây đeo ở vai cho khỏi rơi nhưng Muôn đã nối dây dài ra để dễ sử dụng khi cần. Vừa sắp xong chỗ ngồi thì kìa, một con rắn to bằng cườm tay, dài hơn thước tây bò ngay trước mặt Muôn. Nó từ trên một cành cao bò xuống đất. Sẵn đòn gánh trong tay, Muôn có thể bổ cho nó một nhát nhưng Muôn không dám. Lỡ đánh hụt ? Lỡ nó có đôi và nó trả thù ?
Muôn ngồi nhìn cho đến khi nó biến mất ở gốc cây, cũng không rõ nó mầu gì và thuộc loại rắn nào vì tối quá.
Bỗng Muôn nghe những tiếng đập cánh rất nhẹ. Muôn đoán chim chóc thiếu gì trong cái rừng già này. Còn đang suy nghĩ thì một cái vụt, một con chim bay sát vào mặt. Muôn nhìn lên mấy cành cây ở gần, cả đàn dơi đu trên đó, đen thui, lủng lẳng thả đầu và mình xuống như những trái cây khô sắp rụng, hai cánh giương ra như hai cái quạt nhỏ, thỉnh thoảng chúng lại dính vào nhau kêu lên những tiếng “chít, chít” như tiếng chuột rúc. Chúng bay lượn xung quanh để bắt muỗi và các thứ sâu bọ khác. Rồi chúng thay phiên treo toòng teng vào các cành cây. Có lúc chỉ dăm, ba tiếng kêu nho nhỏ, nhưng cũng có lúc chúng đồng thanh kêu liên hồi tập thể nghe rởn tóc gáy. Những con dơi này có hút máu người không? Muôn không biết nhưng nhờ cái đám dơi hàng ngàn con này mà Muôn không bị ngủ thiếp đi dù rất mệt và buồn ngủ.
Cái đêm kinh hồn táng đởm rồi cũng qua mặc dù thời khắc như tê liệt. Muôn thấy sao nó dài. Dài gấp mười những đêm khác. Tụt từ từ xuống gốc cây lúc mới rạng sáng, Muôn nhìn thấy ngay một cái hốc ở gốc cây, to bằng hai cái mũ sắt của quân sĩ Mỹ, nước chứa ở đó mà Muôn đoán là nước mưa chưa kịp bốc hơi hết, hay nước từ những giọt sương đọng trên cây theo thân cây chảy xuống, chứa ở đó.
Muôn lấy ngón tay chấm, nếm thử. Ngọt. Không mùi vị. Thế là dùng hai tay vốc nước, Muôn uống thoả thuê. Ngó trước ngó sau không thấy động tĩnh, Muôn lại bắt đầu đi, bỏ lại cây đề và đám dơi quái dị.
Nhờ vũng nước, Muôn giải quyết được cái khát nhưng cái đói càng cồn cào hơn. Muôn tiếc đã không lấy trộm mấy vắt cơm để ăn dần, nhưng nghĩ lại, biết đâu vì vài vắt cơm mà bại lộ. Thôi thế này lại hay.
Biết rằng đã đi khá xa những vùng phục kích của bộ đội Cộng Sản Việt Nam, vả lại sức đã kiệt không thể đi theo lối trốn tìm hôm qua, Muôn đủng đỉnh theo con đường mòn nhắm hướng mặt trời đi tới vì Muôn đoán làng mạc Thái Lan phải ở phía đó. Dọc đường thấy cái đọt rau, đọt lá hay vài thứ củ, thứ quả đoán rằng không độc, Muôn lấy nhai tạm cho qua cơn ngặt. Rất may là không gặp một người nào.
Khoảng xế trưa, Muôn thấy hiện ra một ngôi làng với ít mái tôn, mái lá và cả mái ngói đỏ. Khấp khởi mừng, Muôn cố lết tới đó. Khoảng hơn nửa giờ sau, Muôn gặp một con đưòng trải đá, theo con đường này, Muôn lọt vào ngôi làng. Hai người Cảnh sát Thái là những người đầu tiên Muôn gặp. Muôn chỉ vào ngực mình và nói:” Việt Nam, Việt Nam !”
Hai người Cảnh Sát Thái thấy Muôn không có vũ khí ngoài một cây đòn gánh đeo vai và quần áo cho đến mặt mày Muôn rách nát hết thì có vẻ thương hại. Họ cho Muôn một khúc bánh mì và một ca nước, xong chở Muôn trên xe Honda đến đồn Cảnh Sát để điều tra. Lúc này Muôn mới biết là sống và nhờ có nước và bánh mì, Muôn đã tỉnh táo để trả lời những câu hỏi của một người đàn ông đứng tuổi mà Muôn đoán hoặc người Thái, hoặc người Tàu, hoặc người Việt nhung nói rất sõi tiếng Việt.
“Tại sao em qua đây ?”
“ Tôi không thích chế độ Cộng Sản nên qua Thái Lan tìm Tự Do.”
Cha mẹ ở đâu ? Còn sống không ? Có bao nhiêu anh, chị, em ? Tên gì? Vợ con chưa ?
Muôn cứ thực khai ra.
Trong năm ngày đầu, Muôn bị nhốt chung với bọn buôn lậu Thái Lan. Ðến ngày thứ sáu, họ bịt mắt Muôn lại, đẩy lên xe GMC chở đến trại giam khác. Bên cạnh trại giam này là một trại giam khác, đông ngòn ngòn. Sự ra vào cũng dễ dàng, Muôn lân la qua chơi gặp được 5 thanh niên Việt Nam, hỏi ra cũng toàn Bộ đội biên phòng như Muôn nhưng ở những địa điểm khác, đã tìm đường trốn qua. Bọn họ thuật lại cho Muôn nghe, những đồng bọn đã trốn đi, kẻ bị bắn trên đường trốn, kẻ bị bắt về đem ra bắn ngay, làm Muôn rùng mình dù không ngạc nhiên.
Ngủ lại đây một đêm, sáu người bọn Muôn sáng hôm sau lại được chở đến trại Adan. Ở đây có người Việt điều tra lại cẩn thận và chép vào hồ sơ, sau một tuần chuyển đi trại Khao Y Ðăng (trại đa số là người Miên) ở vài tuần rồi đưa về trại W2 để gặp Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp quốc. Ðến W2 Muôn thấy không phải chỉ có Muôn trốn đi mà phải kể cả mấy trăm. Ðiều bất ngờ nhất là Muôn gặp ngay trung đội trưởng Quới và “đồng chí” Tồi, trong một bữa đi xếp hàng lĩnh đồ hộp trong trại W2 sau khi Muôn đã ở đây đưọc 6 tháng.
Quới vồn vã với Muôn hơn cả sự mong ước của Muôn vì dù sao hắn đã là cấp chỉ huy của Muôn trước đây. Hắn bảo Muôn, sau khi Muôn đi rồi, tinh thần anh em sa sút lắm, phần vì bệnh sốt rét ngã nước hoành hành, phần vì cực khổ quá, hầu như trong 3 trung đội, vài tuần lại có người trốn. Một cuộc phản phục kích của bọn Polpot đã giết chết hai người trung đội 1, bị thương 2 phải đưa trở về Châu đốc điều trị. Rung, trung đội 2 trốn đi bị bắt trở lại, Chính trị viên tiểu đoàn cho bắn ngay trước hàng quân để làm gương.
Tồi gặp Muôn cứ ngó Muôn trân trân. Chắc anh ta nhớ lại cái hôm Muôn đưa đôi thùng đi ghính “lước” mà không thấy Muôn về. Trước khi chia tay hôm đó, Muôn bảo Tồi:
“ Anh Tồi ạ, tôi phải cám ơn anh về bữa cơm lóng hôm đó. Ló ngon quá nàm tôi còn nhớ đến giờ lày.” Lẽ ra Muôn nói thêm:” Anh nại quên nời cuả bác rặn rồi !” Nhưng Muôn im.
Hắn không biết là Muôn ghẹo hắn, chỉ cười hiền với Muôn.
Ðám bộ đôi biên phòng giống như Muôn, không phải đến được W2 là thấy đường sống. Những anh ở lâu đã bị vi trùng sốt rét ngã nước hay viêm gan ăn vào xương tủy, bị chết trong trại W2 này cả chục, trong đó có thằng Hình ở quận Bình Thạnh, Muôn biết rõ nó.
Từ ngày vào trại W2, Muôn xung phong đi làm vệ sinh trại, có khi làm cả ngoài giờ nên cơm và đồ ăn được phát hậu hĩ hơn những trại viên không làm. Thỉnh thoảng văn phòng trại cũng cho Muôn mấy hộp cá mòi, Muôn đem đổi lấy thuốc lá Somit của Thái Lan hút đỡ buồn.
Sau chín tháng ở W2, Muôn phải chuyển sang Sikiew ở ba tháng. Nơi đây, Muôn viết thư về cho gia đình báo tin nhưng Muôn không hi vọng nhận được thư của gia đình vì Muôn biết rất khó khăn. Sau đó Muôn đưọc chuyển qua trại Phanat Nikhom để khám sức khoẻ rồi lại đến trại Lammany ngủ một đêm, sau đó đi Bataan (Phi luật Tân) để học ESL và đi Mỹ.
Phái đoàn Mỹ phỏng vấn, hỏi:
“Muốn đi đâu ?”
“Quí vị cho tôi đi đâu cũng được.” Muôn trả lời.
Phái đoàn Mỹ đã nhờ hội IRC ở Boston, Massachusett bảo lãnh. Muôn đến đó đi làm được gần ba năm nhưng rồi vì khí hậu quá lạnh, Muôn dời gia đình về vùng khí hâu ấm.
Tại Boston, Muôn đã lấy vợ là con gái một gia đình Việt Nam trước kia ở Vũng tàu, di tản từ 1975, rất thương Muôn. Sau đó hai vợ chồng có đứa con trai đầu lòng. Cả gia đình cha mẹ vợ và gia đình Muôn cùng về Cali một lượt.
Hiện nay Muôn đã có thêm một bé gái mới được 8 tháng, vợ Muôn gửi con cho mẹ đi làm Assembler còn Muôn đang làm công nhân xây cất cho một nhà thầu Mỹ ở vùng Los Angeles, California. Sở dĩ tác giả truyện này biết Muôn vì thời gian đó, tác giả đang là Chuyên viên Tìm việc làm (Employment Specialist) tại Sở Xã hội quận Cam. Muôn từ Boston xuống chưa có việc nên tới nhờ Sở Xã hội kiếm việc dùm và tác giả đã giới thiệu Muôn với hãng thầu xây cất trên.
****
Ấm nước trà, nhà tôi đã châm thêm một lần và bỏ thêm trà một lần. Nhà tôi cũng ngồi cạnh tôi chăm chỉ nghe chuyện.
Chỉ có mình Muôn hút mà cái gạt tàn đầy nhóc mẩu và tro thuốc lá. Ở những đoạn gay cấn và cần suy tư, cũng như gọi thêm trí nhớ, tôi thấy Muôn rít những hơi mạnh hơn, dài hơn nên điếu thuốc sớm được thay thế hơn.
Cũng có những đoạn Muôn ngừng nói để khóc, nhất là lúc Muôn tả mẹ và em Muôn nằm ôm nấm mộ cha Muôn. Có lẽ vì vậy mà mới trên 30, trông Muôn, người ta cứ nghĩ là gần 50 tuổi.
Thấy đêm đã khuya, mặc dù tôi chẳng giục vì là đêm thứ bảy, Muôn kết thúc câu chuyện trong nặng nề ray rứt.
“Cháu còn một điều tâm niệm, chú cô ạ, là làm sao cháu và vợ cháu xin bảo lãnh cho mẹ và hai em cháu qua đây với gia đình cháu. Vì vậy cháu phải cố học Anh ngữ để thi quốc tịch vì nghe nói, có quốc tịch xin bảo lãnh cha mẹ, anh em dễ hơn. Còn ông bà ngoại và bà nội cháu thì đã quá già, chẳng muốn đi đâu dù là sang Mỹ. Lâu lâu cháu gửi chút đỉnh về giúp đỡ để các cụ sống qua ngày.
Nhân tiện, cháu xin cám ơn chú một lần nữa đã hết sức giúp đỡ khi cháu mới từ Boston xuống đây để có được công việc cháu đang làm, giải quyết tiền nhà, tiền ăn cho vợ con cháu.”
“ Công việc này có thích hợp với cháu không ?” Nhà tôi hỏi.
“ Cháu yêu thích công việc cháu đang làm, thưa cô chú. Trước kia, cháu chẳng có nghề ngỗng gì. Ði lính Cộng Sản, họ chỉ dạy cháu bắn và ném lựu đạn, học thuộc lòng như con vẹt chủ nghĩa Mác Lê-nin. Sờ vào cái gì cũng lọng ngọng. Hồi mới tới Boston, nhà thờ cho cháu đi học một khoá phụ thợ mộc 6 tháng. Sau đó cháu đi làm ở trên đó và bây giờ cháu cũng làm nghề đó ở công ty xây cất này nhưng cháu đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm về lợp mái, dry wall và làm nền. Không có ông thợ chính, cháu vẫn theo blueprint làm y chang và chủ hãng thương cháu lắm.”
Tôi bảo Muôn:
“ Mừng cho cháu. Thế đi mỗi ngày đến sở có xa không ?”
“ Cháu đã dọn lên Anaheim để đi làm cho gần và hãng vợ cháu làm ở ngay Fullerton. Từ Anaheim, cháu băng qua Buena Park, đi 3 miles nữa là tới hãng cháu làm. Gần lắm chú ạ.”
Ngồi tần ngần nhìn cái gạt tàn cao nghệu, Muôn tự bào chữa:
“ Thường ngày cháu không hút thuốc lá đâu chú cô! Nhưng lúc buồn, nhất là lúc kể cho chú cô nghe câu chuyện kinh khủng của đời cháu, cháu không hút thì chỉ ngồi bưng mặt khóc thôi chú cô ạ ! Thuốc lá giúp cháu kể xong câu chuyện có mạch lạc.”
Câu chuyện bi thảm nơi Quê hương, rốt cuộc, nhờ xoay qua chuyện công ăn việc làm ở Mỹ mà trở nên vui vẻ yêu đời, cả người kể chuyện cũng như người nghe chuyện.
Tiễn Muôn ra về, tôi chợt nhớ những câu chuyện hãi hùng trong chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đọc trong sách vở, báo chí hoặc chứng kiến tận mắt. Hồi chiến tranh mới chấm dứt, tháng 4-1975, báo chí ngoại quốc, nhất là báo chí Trung cộng nói rằng, quân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam thiệt mạng vì cuộc chiến dai dẳng từ 1945-1975 có đến trên 10 triệu người. Những kẻ buôn xương bán máu dân tộc và bán nước cho ngoại bang đã bước lên ngôi vị cao sang (đối với chúng, chứ với chúng ta chẳng là gì) mà chúng mơ ước. Chỉ khốn khổ cho người dân nước bị đọa đày, tù ngục, lầm than, đói khổ, chết chóc cho những mưu đồ đen tối dã man đó; lúc chết họ không nhắm mắt nổi.
Little Saigon, CaliforniaJan. 25, 1989
Một đêm lạnh
*Ghi chú của tác giả: “Câu chuyện hoàn toàn có thực, nhân vật chính trong truyện đang sống ở Hoa Kỳ, chỉ đổi danh tính theo yêu cầu.”
Bút Xuân Trần-Đình-Ngọc @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử