lịch sử việt nam
- Computer Security - An-Toàn Điện-Toán An-Toàn Lướt Web - Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc
- Tình-Hình Nhân-Quyền Trên Thế-Giới Năm 2011
Vì sao lại có nhiều người “tuyên truyền chống phá” Nhà nước đến thế?
Luật gia – Nhà báo Minh Thọ
Nguyên Trưởng đại diện Tạp chí Kinh Tế Châu Á – TBD tại Sài Gòn
Những con sâu tép riu thế này thực tế đã sinh nở tràn lan khắp đất nước thành một nạn dịch. Chúng lổm ngổm đủ mọi nơi khiến người ta rùng mình. Từ người dân thường đến người có công với cách mạng đều phải khiếp hãi chúng. Nhưng chúng đang nghiễm nhiên đeo bám và ăn trụi mọi cành lá của “cái cây Việt Nam” mà liều thuốc kêu cứu của nhà báo Minh Thọ lại chẳng phải là một liều thuốc trừ sâu hữu hiệu. Bởi vì ông Minh Thọ đâu có biết nơi ông đầu đơn vốn rất gần với hang ổ – hay biết đâu là một trong những hệ thống hang ổ – của “tổ sâu chúa”, đơn của ông bị vứt sọt rác là điều cầm chắc. Cũng may cho ông là vụ việc của ông xảy ra vào năm 2006 chứ nếu ngày nay ấy à, thì cái đám sâu ở thị xã Sa Đéc kia chúng đã lăn xả vào nhai ông ngấu nghiến mất rồi. Chúng đã có cụ sâu chúa X trải qua mấy lần kháng thuốc thành công, truyền cho chúng kinh nghiệm của nhà sâu để tăng thêm sức đề kháng và mài dũa thêm bộ răng ngoạm đất ngoạm nhà ngoạm tiền lợi hại.
Chúng tôi dám cá cược với các nhà khoa học thế giới phát minh ra một môn thuốc nào hữu hiệu để trị được đàn sâu tham nhũng Việt Nam đấy.
Bauxite Việt Nam
***
Trong vài năm trở lại đây, theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều những vụ bắt giam tội phạm và xét xử tội danh: “Tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Tôi không thể không đặt câu hỏi: một Nhà nước “của Dân, do Dân vì Dân” mà sao lại có nhiều người “tuyên truyền chống phá” đến thế?
Tuy nhiên, theo dõi các vụ thuộc loại tội phạm “xâm phạm an ninh quốc gia” như giới truyền thông đưa tin trong suốt thời gian qua, tôi thực sự băn khoăn khi thấy các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đưa ra những căn cứ buộc tội một một cách chung chung, đại loại như: trong thời gian từ ngày… tháng… năm nọ đến ngày… tháng… năm kia, bị cáo A, B, C đã làm ra, tàng trữ và lưu hành bao nhiêu bài viết có nội dung “tuyên truyền chống phá Nhà nước…”. Đặc biệt, tôi chưa đọc được bất cứ thông tin về một vụ án nào mà cơ quan tiến hành tố tụng cho đối chất một cách công khai, sòng phẳng giữa luật sư của bị cáo với đại diện cơ quan công tố về chứng cứ buộc tội và với giám định viên về kết quả giám định làm căn cứ buộc tội các bị cáo một cách thuyết phục cho những tội danh trên?
Việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, không có cá nhân hay cơ quan nào khác có thể làm hoặc được làm thay. Tuy nhiên, cách bắt giam và dùng “biện pháp nghiệp vụ” để lấy lời khai của cơ quan điều tra nhằm tìm ra những căn cứ buộc tội hình sự của cơ quan điều tra trong thời gian qua đã để lại trong dư luận nhiều băn khoăn, thậm chí là phẫn nộ.
Ví dụ thì nhiều, nhưng tôi chỉ đưa ra minh chứng sống động nhất là cách bắt giam của công an đối với vụ Cụ Huy Hà Vũ với chứng cứ ban đầu là 02 bao cao su; và mới đây nhất là vụ Công an phường Tây Thạnh (Q. Tân Phú) và Công an Q. Tân Phú bắt em Nguyễn Phương Uyên (SN 1992 - sinh viên Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Sài Gòn) cũng với tội danh trên?
Trả lời trên Báo Pháp luật TP.HCM về việc bắt giam Phương Uyên có đúng thủ tục tố tụng hay không, Đại tá Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, khẳng định: “Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng”. Theo bà Nhung – mẹ ruột của Uyên – thì Công an Long An trực tiếp trao cho bà thông báo bắt giam Uyên, vậy mà Đại tá Nguyễn Sáu lại trả lời: “một ngày sau khi khởi tố và bắt giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên nhận phải mất vài ngày, chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu?”. Vậy, đâu là sự thật?
Theo Blog Nguyễn Tường Thụy, thì các bạn cùng phòng và cùng bị bắt với Phương Uyên kể lại: ngày 14/10/2012, Uyên và ba bạn cùng phòng trọ bị công an “mời” đi làm việc. Sau đó, ba bạn của Uyên được thả về, còn Uyên bị tạm giữ tại Công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Hai ngày sau, một công an tên là Phong đến phòng trọ tịch thu máy ảnh của Uyên và lấy cho Uyên một số sách vở, đồ dùng cá nhân. Từ hôm đó, các bạn của Uyên bặt tin cô. Khi một số bạn và người thân của Uyên đến Công an phường Tây Thạnh hỏi thông tin về Uyên thì công an ở đây lại nói là không có bắt bớ ai cả. Cho đến ngày 22/10/2012, bà Nhung đến Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Sài Gòn tìm Uyên, nhưng trường này vẫn không hề biết về việc Uyên bị bắt (?). Khi bà Nhung đến Công an phường Tây Thạnh hỏi, lúc này họ mới cho bà biết là Uyên bị bắt và chuyển về Công an Long An. Ngày 23/10/2012, bà Nhung tìm đến trại tạm giam Long An, lúc này họ mới giao cho bà văn bản Thông báo bắt tạm giam đối với Nguyễn Phương Uyên, đề ngày 20/10/2012.
Đối chiếu thời gian từ khi Uyên bị bắt giữ đến khi Công an Long An thông báo cho gia đình cô về việc cô bị bắt vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự là khoảng một tuần.
Tôi hết sức băn khoăn về cách bắt giam Nguyễn Phương Uyên của cơ quan công an? Tại sao cơ quan Công an lại có thể bắt người theo kiểu như bắt cóc vậy, trong khi luật pháp hình sự qui định rất rõ về trình tự thủ tục bắt người? Cụ thể, Điều 6 - Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành qui định:
“Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt giam giữ người phải theo qui định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.
Khoản 2, Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng qui định rất rõ đối với việc bắt tạm giam: “Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt. Lệnh bắt phải có chữ kí của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”…
Điều đặc biệt mà tôi không thể tưởng tượng ra, là Đại tá Nguyễn Sáu – thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an Long An lại có thể vẫn thản nhiên trả lời công luận là: “Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng”???
LS Ngô Ngọc Trai
Hoạt động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra trong thời gian vừa qua đã thực sự gây lo ngại trong dư luận, đến mức LS Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định) phải gửi kiến nghị ngày 4/11/2012, gửi Quốc hội, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an, thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp, các Luật sư và cơ quan báo chí, đề nghị chấn chỉnh hoạt động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra. LS Ngô Ngọc Trai còn dẫn chứng một loạt vụ bắt giam và dùng nhục hình trong khi lấy cung của cơ quan điều tra huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) trong một vụ khởi tố “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; vụ bị cáo Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình về “Tội giết người và hiếp dâm trẻ em”, đều khai rằng: bị cáo bị điều tra viên cho uống rượu và dụ dỗ nhận tội và bị cáo Hàn Đức Long thì nói “tôi bị hành hạ tưởng rằng sẽ chết ngay trong thời gian bị giam giữ…”.
Qua đó chúng ta có thể thấy, việc các bị can viết và kí vào bản nhận tội, đặc biệt là em sinh viên Nguyễn Phương Uyên mới 20 tuổi đời, thiếu nhiều kinh nghiệm sống, nhất là em hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận dạng “biện pháp nghiệp vụ” của cơ quan điều tra, thì việc Uyên nhận tội do hối hận vì đã phạm tội tày đình “tuyên truyền chống phá Nhà nước” hay Uyên nhận tội bởi “biện pháp nghiệp vụ” của công an, chỉ có Uyên và cơ quan điều tra trực tiếp lấy cung Uyên mới biết (?).
Mặt khác, tôi đã nhiều lần trăn trở và đặt câu hỏi: tại sao những năm gần đây lại xuất hiện nhiều người “tuyên truyền chống phá Nhà nước” đến thế, trong khi Nhà nước Việt Nam là một Nhà nước của Dân, do Dân v vì Dân”? Tại sao lại có nhiều vụ bắt bớ, xét xử oan sai đến thế? Liệu trong hoạt động điều tra loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng và tội phạm hình sự nói chung có điều gì đó chưa ổn? Theo tôi, không chỉ LS Ngô Ngọc Trai, mà tất cả những Luật sư và những người yêu công lý và sự thật đều trăn trở.
Không biết các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có bao giờ tự đặt câu hỏi như tôi chưa?
Nhân đây, tôi xin gửi Bauxite Việt Nam đăng bài liên quan đến hoạt động “mời làm việc” và “lấy cung” của cơ quan công an thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đối với chính bản thân tôi. Báo Công an TP HCM đã lên tiếng trong mục “Tiếng còi” sau vài ngày kể từ khi xảy ra sự việc. Vụ việc này cũng đã được lãnh đạo Bộ Công an chuyển đơn thư của tôi yêu cầu lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp trả lời và Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã lên tiếng. Tuy nhiên, từ đó (tháng 9/2006) đến nay, tôi vẫn chưa hề nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của lãnh đạo UBND cũng như Công an tỉnh Đồng Tháp.
Bài viết này tôi đã thực hiện ngay sau khi rời Sa Đéc về đến Sài Gòn. Đã mấy năm qua đi, tôi cũng định xếp lại, không công bố nữa, nhưng vì thấy vài năm trở lại đây, không ít công an ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã bắt bớ người dân một cách tùy tiện, bất chấp luật pháp; có nhiều nơi công an còn đàn áp, đánh đập cả nhà báo hết sức dã man (vụ Văn Giang, Hưng Yên), thậm chí còn gây nên không ít cái chết oan uổng cho người dân vô tội (vụ anh Khương ở Bắc Giang, ông Tùng ở Hà Nội…). Chính vì thế, tôi quyết định công bố bài viết dưới đây như “một lời góp ý nghiêm khắc” đối với ngành công an; như những kiến nghị đối với các cơ quan có trách nhiệm quan tâm chấn chỉnh và có biện pháp xử lý, thậm chí là sửa đổi, bổ sung điều luật tố tụng hình sự đối với hoạt động bắt giam và điều tra của công an. Nếu không, những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bắt giam và điều tra của cơ quan công an sẽ bị “bọn phản động” lợi dụng để bôi xấu một nhà nước pháp quyền “của Dân, do Dân và vì Dân”.
Công an Sa Đéc cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật!
Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (SN 1960), đại diện theo ủy quyền của mẹ ruột là Huỳnh Thị Chẩn (mẹ liệt sỹ đã 94 tuổi) cùng ngụ tại số 193 Trần Hưng Đạo, K3, P.1, Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa một bà mẹ liệt sỹ với chùa Đức Hương (cùng địa chỉ) do ông Trần Văn Thiệt (tức Thích Huệ Bửu) trụ trì, tôi đã trực tiếp đi xác minh, điều tra.
“Căn phòng” được che bằng ván ép tại góc nhà - nơi mẹ liệt sỹ Huỳnh Thị Chẩn cho ông Trần Văn Thiệt ở nhờ.
Vào khoảng 11giờ 30 phút trưa ngày 26/8/2006, tôi có mặt tại địa chỉ trên và gặp trực tiếp chị Sương để xác minh thực, hư. Chị Sương chỉ vào một nơi che bằng ván ép ở góc nhà và nói với tôi: “Đó chính là nơi mà gia đình tôi cho ông Trần Văn Thiệt ở nhờ trong nhiều năm qua. Sau đó ông ấy tìm cách chiếm đoạt nên đã xảy ra khiếu nại nhiều năm nay!”. Tôi đưa ống kính về phía chị Sương vừa chỉ và bấm máy. Khoảng 10 phút sau thì có hai người mặc sắc phục công an xuất hiện. Một người đeo bảng tên là Lương Văn Minh và một người có dáng người dỏng cao, không đeo bảng tên (sau khi tìm hiểu tôi mới biết người này tên Lê Minh Chung), tự giới thiệu là Công an P.1, thị xã Sa Đéc, được lệnh của ông Huỳnh Văn Bé Lớn – Trưởng công an P.1 – mời tôi về trụ sở công an phường “làm việc”, với lý do có người kiện tôi vào chùa chụp hình không xin phép.
Khoảng sau một giờ đồng hồ (từ 12-13 giờ), ông Nguyễn Thanh Hùng – Trung tá – Đội trưởng An ninh, Công an thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và ông Trần Văn Thiệt (tức Thích Huệ Bửu) xuất hiện. Tôi nhận thấy mối quan hệ giữa ông Thiệt với công an và chính quyền sở tại khá mật thiết. Sau khi xem thẻ Nhà báo của tôi, ông Hùng đề nghị tôi và ông Thiệt trình bày lại toàn bộ sự việc, và sau đó cho ông Thiệt về, còn tôi “được mời” ở lại “làm việc”.
Bắt đầu cuộc “hỏi cung” theo hướng ghép tội xâm nhập nơi ở trái phép và xâm phạm quyền cá nhân (?!)
Sau khi ông Thiệt về, còn tôi được ông Trung tá – Đội trưởng an ninh Nguyễn Thanh Hùng “mời” ở lại “làm việc”, thực chất là một buổi “lấy cung”, ông Hùng lấy “Biên bản lấy lời khai” ra để ghi lại nội dung buổi làm việc.
- “Anh đi điều tra xác minh sự việc này anh có báo cáo Tổng biên tập; hoặc cơ quan chủ quản có giao nhiệm vụ cho anh không?
+ Là một nhà báo, chúng tôi có nhiệm vụ và có quyền phát hiện đề tài; đi xác minh điều tra khi nhận được đơn thư của bạn đọc và của công dân khiếu kiện về bất kể vụ việc nào đó, mà công an không có quyền can thiệp, vì đó là công việc nội bộ của cơ quan báo chí.
- Không được giao nhiệm vụ mà tự ý đi tác nghiệp như vậy là anh đã sử dụng thẻ nhà báo sai mục đích và nhiệm vụ được giao (ông Hùng lấy nghị định, văn bản pháp qui ra đọc)?
+ Căn cứ vào đâu và lấy tư cách gì để anh ghép tội cho tôi dùng thẻ nhà báo sai mục đích và nhiệm vụ được giao? Báo chí có quyền và nhiệm vụ phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, của nhân dân theo qui định của Luật Báo chí, pháp luật Việt Nam và tiêu chí, mục đích của mỗi tờ báo. Chúng tôi nhận tấm thẻ nhà báo có mang hình Quốc huy “Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tức là chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước, mà đặc biệt là Nhân dân giao nhiệm vụ.
- Trước khi vào trong chùa, anh có biết đó là cơ sở tôn giáo, trên cổng có ghi chùa Đức Hương không?
+ Tôi có biết.
- Tại sao anh vào chùa chụp hình mà không xin phép người trụ trì chùa?
+ Tôi nghĩ, chùa là nơi bá tánh thường lui tới, vả lại không có biển cấm quay phim, chụp hình trong chùa, nên tôi thấy không cần thiết phải xin phép ai cả.
- Nhưng anh đã xâm nhập bất hợp pháp và chụp hình nơi ở của người ta mà không xin phép, anh có biết không?
+ Ý anh muốn kết tội tôi xâm nhập nơi ở trái phép? Tôi vào nhà một công dân của Sa Đéc –người chủ sở hữu hợp pháp, đó là chị Sương, chủ nhà – có đơn thư gửi chúng tôi với nội dung tố cáo bị người khác chiếm nhà trong nhiều năm mà các cơ quan công quyền địa phương không giải quyết dứt điểm. Vì thế, tôi đến để xác minh thông tin, điều tra sự việc. Còn việc tôi chụp hình là nơi góc nhà mà chị Sương nói là gia đình chị cho ông Thiệt ở nhờ nhiều năm qua. Hơn nữa, tôi không hề vào trong phòng ngủ của ông ta mà đứng ngoài chụp hình, nên tôi không cần phải xin phép bất kể ai, ngoài chủ nhà…”.
Trên đây là trích đoạn hỏi, đáp trong nội dung biên bản lấy lời khai của Trung tá – Đội trưởng An ninh, Công an thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) Nguyễn Thanh Hùng – đối với tôi. Trong khi “lấy cung”, có một câu hỏi của ông Đội trưởng An ninh Nguyễn Thanh Hùng đặt ra và sau khi nghe tôi trả lời, ông đội trưởng an ninh nói: “Anh trả lời thế không được?”. Tôi liền nhìn thẳng vào ông ta mà rằng: “Tại sao không được? Tôi phải trả lời theo ý của ông Đội trưởng an ninh mới được sao? Bộ luật Hình sự cấm mọi hình thức dùng nhục hình, ép cung, mớm cung. Tôi nói để ông biết, ông đang vi phạm pháp luật đấy, ông Trung tá an ninh ạ”.
Trong khi “làm việc”, ông Hùng đã bỏ ra ngoài rất lâu nên tôi đã phải đi kiếm. Tôi phát hiện ông Hùng đang gọi điện cho ai đó (tôi đoàn là cấp trên của ông ta) ở khu vực đi vào nhà vệ sinh của Công an P.1. Tôi nói ngay: “Các ông mời tôi về đây làm việc thì tôi yêu cầu ông vào làm việc để tôi còn đi tác nghiệp, tôi không có nhiều thời gian”. Sau đó, ông Hùng mới cúp máy rồi vào “làm việc” tiếp với tôi.
Sau khi ông Đội trưởng an ninh Công an thị xã Sa Đéc cố ý ép tôi nhận việc tác nghiệp của mình là trái pháp luật và xâm nhập nơi ở trái phép không được, ông lại bắt đầu có những yêu cầu phi lý khác…
Một kiểu giữ người và những yêu cầu trái pháp luật!
Y đồ ép tôi nhận tội xâm nhập nơi ở trái phép và xâm phạm quyền cá nhân không thành, ông Hùng quay sang nói: “Cơ quan Công an thị xã Sa Đéc yêu cầu anh đi cùng người của cơ quan công an ra tiệm rọi tấm hình anh đã chụp để chúng tôi lưu vào hồ sơ!”.
Thấy yêu cầu của ông Đội trưởng an ninh là trái pháp luật nên tôi từ chối và trả lời: “Các anh không có quyền làm như vậy. Bởi chúng tôi không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin và những thông tin, hình ảnh tư liệu báo chí của mình cho bất kể ai, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Đây là điều đã được Luật Báo chí qui định rất rõ!”.
Chỉ có một việc ông Hùng yêu cầu tôi phải đi rọi tấm hình tư liệu mà ông Hùng cứ lặp đi lặp lại khiến thời gian kéo dài tới hàng giờ đồng hồ. Tôi nhận thấy tình hình trở nên “căng thẳng”, tôi đã điện thoại cho một đồng nghiệp ở Báo Thanh niên hỏi xem Thanh niên có phóng viên thường trú tại Sa Đéc không để nhờ đồng nghiệp “giải nguy” nhưng không được. Tôi điện thoại cho anh Trần Tử Văn, Phó tổng Biên tập báo Công an TP HCM và anh Trần Tử Văn nói với tôi gọi điện thoại cho Trung tá - nhà báo Khương Hồng Minh, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo Công an TP HCM – đang công tác tại Sa Đéc. Sau khi tôi điện thoại cho nhà báo Khương Hồng Minh, anh đã có mặt để chứng kiến sự việc. Nhà báo Khương Hồng Minh đã nói với ông Nguyễn Thanh Hùng rằng: việc tôi chụp hình là không hề vi phạm pháp luật; đồng thời việc ông Nguyễn Thanh Hùng, đội trưởng an ninh Công an thị xã Sa Đéc yêu cầu tôi phải cung cấp hình ảnh tư liệu báo chí là trái pháp luật. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn “làm lơ”, không hề có ý định kết thúc cuộc “hỏi cung ghép tội”. Sau một hồi “cò cưa”, khoảng 17 giờ, tôi yêu cầu ông Hùng kết thúc buổi làm việc để tôi còn đi tác nghiệp. Cuối cùng, ông Hùng cũng phải đồng ý.
Ông Hùng đọc cho tôi nghe biên bản “lấy cung” xong và yêu cầu tôi kí. Tôi nói: “Ông đọc xong rồi thì đến lượt tôi chứ? Tôi có quyền ấy mà!”. Khi tôi cầm biên bản lên và đọc hết trang 01, tôi lật qua trang 02 thì thấy ông Đội trưởng an ninh của Sa Đéc chừa lại 2, 3 dòng trên cùng, tôi liền nghĩ ngay: “ông Đội trưởng an ninh dùng “biện pháp nghiệp vụ” với mình đây?”. Tôi hỏi thẳng:
+ Xin lỗi ông Trung tá an ninh, ông để chừa 2, 3 dòng trên cùng của trang 02 nhằm mục đích gì?
- Thì anh cứ gạch đi (ông Hùng tỏ ra lúng túng).
+ Dĩ nhiên là tôi sẽ gạch đi, không lẽ để cho ông ghi thêm vào biên bản những gì ông muốn, sau khi tôi đã kí???
Và, còn một điều làm tôi chú ý, là ông Trung tá an ninh “thích xuống dòng”. Tôi để ý nhiều đoạn ông Hùng chỉ viết vài dòng rồi lại “chấm xuống dòng”, và khoảng trống để lại là một nửa hoặc 2/3 dòng (?).
Sau khi đọc xong, dĩ nhiên là tôi gạch hết những khoảng trống mà ông Trung tá an ninh “hào phóng” chừa lại rồi ghi ý kiến của tôi phía dưới và kí sát với dòng cuối cùng của biên bản. Kí xong, tôi tự nhủ: nếu mình ngu ngơ như những người dân bình thường kia chắc hẳn đã dính “biện pháp nghiệp vụ” của ông Trung tá an ninh rồi!
Sau khi tôi kí xong, ông Hùng nói đợi ông trình biên bản lên lãnh đạo và chờ hướng “xử lý” (?).
Khoảng 15 phút sau, ông Hùng quay lại và mời tôi sang phòng của ông Nguyễn Trần Hữu Hoà – Phó chủ tịch UBND P.1 để “làm việc” với lãnh đạo Công an thị xã Sa Đéc và chính quyền sở tại. Lúc này, ông Nguyễn Ngọc Được – Trung tá – Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc xuất hiện. Ngoài ông Được ra còn có ông Huỳnh văn Bé Lớn – Trưởng Công an P.1, ông Nguyễn Trần Hữu Hoà – Phó chủ tịch UBND P.1, ông Võ Văn Khả – cán bộ Tư pháp P.1 và một số chiến sỹ công an P.1, an ninh thị xã Sa Đéc (khoảng trên, dưới chục người) cùng “làm việc” với tôi. Buổi “làm việc” này kéo dài tới hơn 20 giờ cùng ngày. Nội dung mà ông Trung tá – Phó trưởng Công an Sa Đéc và những người nêu trên đã “hiệp đồng tác chiến” gây áp lực về tinh thần, hòng ghép tội cho tôi! Chính Trung tá – Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc và ông Võ Văn Khả còn xúc phạm: “Nhà báo nào cũng như anh thì đất nước này rối hết...!”.
Ông Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc Nguyễn Ngọc Được còn dùng một trong các “biện pháp nghiệp vụ” của công an với tôi: “Chuyện này không có lớn. Anh cứ nhận lỗi rồi chúng tôi để anh đi…”. Nghe ông ta nói xong tôi chỉ “cười nửa miệng” và thầm nghĩ: “Tôi mà “nhận tội rồi xin khoan hồng” xong, các ông để tôi đi vào… nhà giam thì có”.
Sau khi dùng mọi “biện pháp nghiệp vụ” nhưng một lực lượng công quyền hùng hậu như tôi kể trên vẫn không thể ghép được cho tôi “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân” theo Điều 124 Bộ luật Hình sự, ông Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc Nguyễn Ngọc Được đã “vui vẻ” nói: Thôi! Kết thúc đi! Thực ra chuyện chẳng có gì, chỉ là anh em mình không hiểu nhau mà thôi, rồi ông mời tôi đi “thưởng thức” món đặc sản của Sa Đéc. Tôi cũng “vui vẻ” cảm ơn và hẹn gặp lại ông trong hoàn cảnh khác…
Khi tôi bước ra khỏi cơ quan công quyền của P.1, thị xã Sa Đéc là vào khoảng 20-21 giờ cùng ngày. Như vậy, Công an P.1 và Công an Sa Đéc đã “mời tôi làm việc” trong suốt 8-9 tiếng đồng hồ (từ 12 giờ đến 20-21 giờ). Hành vi “mời làm việc” của Công an P.1 và Công an thị xã Sa Đéc đối với tôi thực chất là một kiểu giữ người trái phép, ngăn cản nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí.
Qua vụ việc trên, tôi kiến nghị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam hãy lên tiếng để bảo vệ không chỉ cho tôi mà cho tất cả những nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật khi gặp các tình huống tương tự. Khi được bảo vệ, chúng tôi mới có thể an tâm hơn trong khi thực thi trách nhiệm của mình. Và, tôi cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Tháp, cần chấn chỉnh ngay những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật của Công an thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp – một cơ quan thực thi pháp luật mà lại có những hành vi vi phạm pháp luật thì làm sao dân có thể tin yêu???
M.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử