lịch sử việt nam
Hộ chiếu mới của TQ: Phản ứng của VN chưa xứng tầm
Khánh An, phóng viên RFA
2012-11-29
Khi tin tức về mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in hình bản đồ với đường lưỡi bò trên vùng Biển Đông được loan đi, thế hệ trẻ Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam phải có phản ứng cứng rắn hơn.
AFP photo
Một công nhân đang đứng máy in hộ chiếu điện tử mới tại Trung Quốc hôm 08/5/2012
Trung Quốc gây hấn
Góp phần không nhỏ trong việc ký tên và truyền tải bản “Tuyên bố phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu công dân” của gần 200 nhân sĩ trí thức Việt chính là những cư dân mạng trẻ tuổi. Đi kèm với hành động trên là việc nhất loạt thay đổi hình phản đối đường lưỡi bò, bày tỏ quan điểm cá nhân và loan tải những thông tin liên quan đến sự kiện này trên các trang mạng xã hội.
Nói với Đài Á Châu Tự Do về tấm hộ chiếu có in hình lưỡi bò của Trung Quốc, Tuynh, một bạn trẻ từ Phan Thiết, cho biết:
Khi em biết tin là Trung Quốc in hình lưỡi bò vào hộ chiếu cho công dân Trung Quốc thì cảm nhận đầu tiên của em là hơi thất vọng về Nhà nước Việt Nam. Em có nghe báo đài thông tin đa chiều trên mạng internet người ta nói là Trung Quốc in hình lưỡi bò từ tháng 5 đến bây giờ là hơn 6 tháng rồi. Thế mà Việt Nam cũng có cơ quan tình báo là Tổng cục 2 mà sao không nắm được cái này? Và nếu nắm được cái này thì tại sao không đưa ra Quốc hội? Thế thì làm cho dân người ta nghi ngờ và đặt dấu chấm hỏi. Cảm nhận thứ hai là Trung Quốc quá trâng tráo và ngỗ ngược. Họ làm như thế không phải chỉ là cướp chủ quyền của Việt Nam và các nước Đông Nam Á mà còn là công khai lên tiếng với thế giới nữa.
Đồng cảm nhận với Tuynh, Phạm Tuấn, một bạn trẻ từ Sài Gòn cho rằng đây là hành động gây rối tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh:
Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu của nó thì đây là chiêu hết sức bẩn. Nó làm rối tình hình hiện giờ trong khi tình hình Biển Đông đang căng thẳng.
Trong khi đó, Diên An, một bạn trẻ đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc gây hấn nói rằng với kinh nghiệm riêng của bản thân, cô nghi ngờ về một sự đã rồi trong vấn đề chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Em là người sống ở trong nước, em biết và đã trải qua rồi. Ở đây như trong vụ em tham gia biểu tình bị công an đàn áp, từ lúc đó em có nghe được nhiều tin, có một anh trên Sở nói là “Thôi, đi biểu tình làm gì, mất đã mất rồi”. Mình thấy là bây giờ nó đã làm rõ ràng như vậy rồi thì bây giờ mình chỉ biết buồn thôi, chứ chẳng biết nói gì nữa, cũng chẳng làm gì được nữa hết.
Về phản ứng của Việt Nam trong sự kiện trên, rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thất vọng khi chưa thấy một hành động phản đối thực sự mạnh mẽ nào từ phía nhà nước, ngoài việc một số tờ báo đưa thông tin về việc vài cửa khẩu ở phía Bắc đóng dấu hủy hoặc cấp thị thực rời cho công dân Trung Quốc mang hộ chiếu hình lưỡi bò. Theo Tuynh, hành động phản đối trên đúng ra phải được công khai phổ biến ở tất cả mọi cửa khẩu của Việt Nam.
Việc đó mới chỉ nêu điển hình ở một số cửa khẩu thôi chứ chưa phải là tất cả, mà số lượng chưa hoàn toàn là minh bạch. Họ chỉ nói một con số nhỏ thôi, trong khi người Trung Quốc nhập cảnh vào thực tế trong thời gian 6 tháng qua thì không biết là bao nhiêu. Trung Quốc họ không cần Việt Nam công nhận hàng triệu cái passport, mà chỉ cần một vài trong số đó là coi như họ có bằng chứng chống lại Việt Nam về chuyện chủ quyền rồi.
Bởi vì về mặt pháp lý, anh mà đã đóng dấu vào đó rồi là đồng nghĩa với việc anh công nhận chuyện đó. Cũng giống như năm xưa khi thủ tướng Phạm Văn Đồng có một công hàm về chủ quyền biển đảo như thế đến giờ vẫn còn hệ lụy đến tận bây giờ. Em nghĩ là nhà nước cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa, phải công khai cho toàn dân biết, công khai cho tất cả các cửa khẩu biên giới. Em nghĩ là nhà nước làm chưa xứng tầm với đòi hỏi của nhân dân, chưa xứng tầm với hành động gây hấn của Trung Quốc.
Ngoài những hành động cụ thể trong nước, theo ý kiến của một số bạn trẻ, nhà nước Việt Nam cần phải mạnh mẽ hơn trên phương diện ngoại giao, cần phải có những liên kết với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có cùng tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, trong việc đối phó với Bắc Kinh và nỗ lực hơn trong việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền.
VN phản đối yếu ớt
Một người dân Trung Quốc đang lấy dấu vân tay để làm hộ chiếu mẫu mới hôm 15/5/2012. AFP photo
Theo dõi những phản ứng của thế giới về câu chuyện hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc, Phạm Tuấn cho rằng:
Nhà nước mình phải có động thái mạnh mẽ hơn, giống như Ấn Độ chẳng hạn, họ từ chối cấp visa cho Trung Quốc đi vào Ấn Độ. Việt Nam cũng nên làm tương tự như họ, phải có động thái mạnh mẽ hơn chứ không có nói qua cho xong chuyện là được.
Trong buổi họp báo ngày 22/11 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái trên hộ chiếu mới của nước này. Tuy nhiên, động thái trên của Bộ Ngoại giao theo đánh giá của một số bạn trẻ là “không có gì mới mẻ” và không đủ để kéo họ ra khỏi sự thất vọng về Bộ này nói riêng và về nhà nước Việt Nam nói chung. Tuấn nói thêm:
Về nhà nước Việt Nam thì ý kiến cá nhân của em là em thất vọng, tại vì nhà nước Việt Nam hiện tại và cho đến tương lai khi mà còn giữ đường lối là làm láng giềng tốt với Trung Quốc theo phương châm “4 tốt, 16 chữ vàng” thì không bao giờ có được sách lược nào đối phó được với Trung Quốc. Và có thể khẳng định được rằng chừng nào mà nhà nước Việt Nam còn nằm dưới sự điều khiển của Đảng Cộng Sản thì lúc đó đất nước không thể thoát khỏi “vòng kim cô”, thoát được sự trói buộc của Trung Quốc. Họ đang bị rơi vào thế là dưới sức ép của nhân dân và dưới sức ép của Trung Quốc. Lập trường của họ không rõ ràng. Đấy là nói một cách khách quan. Còn nói một cách chủ quan thì theo em, lập trường của họ quá rõ ràng là họ thân Tàu và họ chịu sự chi phối của Tàu. Họ sẵn sàng đàn áp nhân dân trong khi có những hành động thì họ quá mềm mỏng, nếu không muốn nói là quỵ lụy.
Một thái độ khác trong giới trẻ là sẽ tiếp tục quan sát và theo dõi những động thái tiếp theo của chính quyền với hy vọng mong manh về lời hứa “để nhà nước lo” mà họ đã từng được nghe rất nhiều lần sau các cuộc biểu tình như chia sẻ sau đây của Diên An:
Hồi trước tới giờ, những người có quan tâm đến vấn đề này thì ai cũng muốn là chính quyền Việt Nam phải can thiệp mạnh mẽ hơn. Nhưng bây giờ họ đàn áp nhiều quá, những người lên tiếng về vấn đề Trung Quốc thì họ nói đây là vấn đề nhạy cảm, vấn đề chính trị, là vấn đề của nhà nước lo, bây giờ tất cả mọi người đều vẫn hy vọng là họ sẽ có một giải pháp gì đó mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Riêng bản thân em khi biết được chuyện này, em cũng vấn ngóng tin trên đây để xem thái độ của bên chính quyền Việt Nam sẽ như thế nào.
Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, vào chiều ngày 22/11, Quốc hội Việt Nam đã có buổi họp kín liên quan đến tình hình Biển Đông theo kiến nghị của đại biểu. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của phiên họp đã không được tiết lộ.
Trúc Lâm Yên Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử