lịch sử việt nam
Trận Đánh Cuối Cùng Của Địa Phương Quân Quận Thủ Thừa Tỉnh Long An
1, 2
Quốc Thái
...
Hai Tiểu đoàn ĐPQ bây giờ đổ xuống ngập chợ. Cả cái quận lỵ nhỏ bé chứa toàn là lính. Lấy văn phòng quận làm tâm điểm, một tiểu đoàn cánh trái, một tiểu đoàn cánh phải lần lượt qua sông dàn quân xuất phát. Từ trên nóc công sự phòng thủ, tôi liên lạc với cả hai cánh quân. Trên 600 người lính dàn hàng ngang đã tạo một chiều dài cả cây số. Tôi chưa cho lệnh tiến quân vì khi xã Lợi Bình Nhơn thất thủ, Chi khu đã ra lệnh cho Đại úy Hải, Đại đội trưởng Đại đội Biệt lập vượt sông Vàm Cỏ về làm tuyến án ngữ phía cầu Long An để chận đặc công Việt cộng có thể xâm nhập phá cầu, đồng thời cũng để dò xét dọc sông Vàm Cỏ xem Việt cộng có ém quân ở đó không. Hải chạm súng lẻ tẻ chứng tỏ chỉ có du kích quân chận mình. Đây là lúc hai tiểu đoàn được lệnh xuất quân. Trời tháng Tư, chưa vào mùa cầy cấy, đất còn khô và nứt nẻ. Những thửa ruộng bỏ trống đã làm cho quân ta có xạ trường quan sát rất xa. Hai cánh quân liên lạc hàng ngang tiến song song. Từ trên lô cốt, tôi theo dõi bằng mắt và giữ liên lạc máy với hai Tiểu đoàn trưởng. Quân đi khoảng 800 thước thì bắt đầu chạm địch. Điều khủng khiếp nhất là chạm súng trên một tuyến dài cả cây số, hỏa lực địch mạnh đến nỗi đạn cày dưới chân tôi như đàn dế rúc. Đủ loại súng mạnh, cối 61, cối 82 và 130 ly choảng liên hồi về phía bạn. Quân ta chỉ chống trả bằng những vũ khí cá nhân, và là khu dân chúng nên không thể dùng hảo lực pháo binh.
Trời ạ! Không thể ngờ được. Sau những đợt hỏa lực dũng mảnh, cộng quân bắt đầu xung phong và tràn ngập. Chúng ùa lên đen cả cánh đồng trước mặt, cuộc cận chiến không xảy ra, nhưng tấn công biển người vũ bão. Hai tiểu đoàn ĐPQ buộc phải rút về tuyến A. Và chỉ chớp nhoáng là 600 người lính đâm đầu xuống nước. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ đã bị địch áp đảo đến nỗi không còn sức phản công. Điềm may mắn cuối cùng là nhờ con sông thiên nhiên chắn lối, nếu không, sự lui quân của hai tiểu đoàn đã lôi theo 60 ngàn dân trong quận Thủ Thừa sẽ thất thủ chớp nhoáng vào tay địch. Tôi đứng như chết sững giữa lằn đạn của quân thù. Sự lâm nguy của tiểu đoàn làm tôi quên cả sợ chết, nếu không phản ứng kịp thì chỉ trong năm, mười phút nữa Việt cộng sẽ tràn đến bờ sông. Chúng sẽ tha hồ xả súng tiêu diệt quân ta đang loi ngoi dưới sông. Tuy nhiên, điều may mắn cuối cùng đã đến, cũng do lòng trời còn thương cái mạng quèn của tôi và đám quân dân, thảng hoặc sự linh thiêng của Đức Tiền quân một lần nữa đã xui khiến ra không chừng. Số là vịnh Thủ Thừa ăn thông với sông Vàm Cỏ, tại đây bị ảnh hưởng của nước thủy triều khi lên khi xuống, và nếu gặp nước ròng thì tàu bè xuống thấp, có khi mũi tàu chưa lên cao bằng bờ đất nên vũ khí trên tàu hoàn toàn bất khả dụng. Trong lúc này vào đầu tháng âm lịch, nước không lên mà cũng không xuống. Nó luôn luôn đầy bờ và giữ nguyên mực. Nhờ vậy khi tôi chỉ thị, đoàn tàu được che dấu từ cái lạch con tiến ào ra xung trận.
Lệnh của tôi rất rõ ràng:"di chuyển trên sông và tác xạ. Mỗi tàu có 6 đại liên 50. Một bên thành tàu là 3 đại liên. Sáu chiếc tàu tuần giang có 18 khẩu đại liên, mỗi phút có thể nhả 6.000 viên đạn, đã di chuyển hàng dọc trên sông và tác xạ nhịp nhàng. Đại đội trưởng Tuần giang nhận lệnh rõ ràng chiếc nào trúng B40 bị chìm là bỏ, không tàu nào được dừng lại để tiếp cứu tàu nào, tiếp tục xạ kích cho đến khi đẩy lui được địch. Đại quân của địch đang hăng tiết xung phong đến điểm chiến thắng, bất ngờ bị hỏa lực quá mạnh của đoàn Tuần giang làm chúng gục xuống như sung rụng. Bọn Cộng cũng phản ứng nhanh, chúng phản công bằng B40, B41 và các loại súng cối thi nhau nổ trên sông, rơi xuống như mưa bão. May mắn cho đoàn tàu ở thế di chuyển nên chưa chiếc nào trúng đạn, nhờ vậy mà hàng rào hỏa lực đã chận đứng được cuộc xung phong khổng lồ này. Đoàn tàu đã tạo một lưới lửa trên sông. Tôi vui mừng cứ đứng ỳ trên lô cốt quên cả sợ chết. Bốn thầy trò tiếp tục trên đỉnh lô cốt mà quan sát và liên lạc. Gần một tiếng đồng hồ sau, hai tiểu đoàn ĐPQ mới ngoi lên khỏi mặt đất, tái bố trí và bắt đầu tiến lên để tiếp tục giao tranh với bọn Việt cộng. Hai tiếng đồng hồ sau đó địch bị đẩy lui hoàn toàn. Cám ơn tất cả những đấng thiêng liêng đã cho bọn Cộng sản chọn cuộc tấn công lúc nước thủy triều không xuống thấp, đã cho đoàn tàu không bị sức mẻ, sáu cái còn nguyên vẹn và tạo ra một chiến thắng lẫy lừng, cứu được Quận và cứu được 600 mạng lính. Địch chẳng còn bao nhiêu đã rút thật xa, không lấy được xác, chúng nắm ngổn ngang đầy một cánh đồng. Trận sống mái nghiêng phần thắng về quân ta, làm các đồn bót nức lòng lên tinh thần, các nghĩa quân bắt đầu làm chỉ điểm cho hai con gà cồ 155 ly pháo kích vào những nơi địch quân lẩn trốn. Một quả đạn 155 ly nặng 45 kg, sức nổ tàn phá và sát hại 50 thước vuông. Với sự chỉ điểm của các đồn bót, buổi chiều hôm đó ta đã tác xạ khoảng 800 quả đạn, thương vong của địch lên cao độ khó mà phối kiểm.
Ngày một ngày hai đã đi qua nhanh chóng. Quận nhà vẫn đứng hiên ngang. Chiến thắng Thủ Thừa đã vang dội cả miền Nam và thế giới. Nước bạn Hoa Kỳ cũng buồn vì muốn đồng minh chết sớm mà còn có những chiến thắng này thì khó "nhá"quá. Đài VOA và BBC đã đặt bản tin là chiến thắng lớn tại Thủ Thừa và phát thanh trên băng tầng của họ.
Nói chung, chiến thắng Long Khánh, chiến thắng Long An đã đem lại phần nào niềm tin cho người dân, người lính. Sau trận thất thủ Ban Mê Thuột, thượng cấp sử dụng danh từ "di tản chiến thuật" để che dấu sự thất trận và tháo chạy của ta, trong khi đó lại bồi thêm bằng tất cả xảo thuật tuyên truyền để lung lạc quân sĩ và dân chúng miền Nam, nào là "ngưng bắn da beo", Mỹ chỉ cho mất Vùng 1 và Vùng 2 thôi, còn Vùng 3, Vùng 4 sẽ được giữ lại. Cứ thế mà người lính chạy dài vì yên trí là Mỹ và chính phủ Sài Gòn đã đồng ý như thế nên tin đồn tung ra tới tấp. Bộ Dân vận cũng như Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vẫn giữ im lặng một cách đáng sợ. Điều buồn nhất là trong tình thế một mất một còn, lãnh đạo miền Nam không tung được một đòn phản công nào đánh địch để thức tỉnh đồng bào, cứ lặng lẽ để bọn Cộng sản thao túng trên chiến trường, và tuyên truyền mạnh mẽ đến làm tan rã hàng ngũ Quốc Gia.
Chiến thắng lớn ở Thủ Thừa và Long An chỉ là một chiến thắng về chiến thuật nhất thời, không lật ngược được thế cờ, và địch bổ sung quân số rất nhanh, chỉ hai ngày sau chúng đã tập trung lực lượng, không dại dột tấn công biển người nữa. Chúng nhổ tất cả những đồn bót của ta đóng rải rác trong tỉnh và quận để che tai bịt mắt Bộ chỉ huy. Lý do mà chúng tăng cường nhanh, vì tất cả những đường xâm nhập vào Nam, một khi người Mỹ đã có mật ước, họ bỏ ngỏ hết. Trước năm 1975, một cán binh cộng sản muốn xâm nhập vào miền Nam, hắn phải đi đường bộ, thời gian mất từ 9 đến 16 tháng mới đến được miền Nam. Đầu năm 1975, người cộng sản vào Nam tham chiến chỉ đi mất có 11 ngày. Bọn này được chở bằng xe Molotova, đi xuyên qua đường mòn HCM đến thẳng vùng Mimot, nơi cục R của Việt cộng (Bộ chỉ huy Trung ương cục miền Nam), từ đó bổ sung cho các đơn vị chiến đấu nhanh cấp kỳ.
Liên tục những ngày sau, Cộng sản thay đổi chiến thuật, dùng pháo 130 ly và những súng lớn bắn sập một số cao ốc có quân ta chiếm đóng ở trong thị xã. Hai khẩu đại bác 155 ly bị pháo kích bể bánh xe, không thể di chuyển được. Hai con gà cồ này đành thúc thủ, trực xạ tại chỗ và chờ chết. Phía Bắc đa số đồn bót đã bị thất thủ. Thằng Tám Bụng ở đồn có 12 người lính bị hơn 100 VC tấn công, nó không ngần ngại xin pháo nổ ngay trên đồn. Tôi không đành lòng cứ giữ máy liên lạc cầm chừng và chuẩn bị sẽ cho đạn nổ chụp khi mất liên lạc hoàn toàn. Thằng Nam Lùn có 8 người lính thì 2 chết, 2 bị thương, nó vẫn bình thản chiến đấu cầm chân bọn cộng sản ở bên ngoài.
Lính chết, đồn bị mất, quân ta không có tiếp viện. Máy bay chiến đấu không, trực thăng cũng không nốt vì Vĩnh Đường và 31 đang sử dụng cho mặt trận ở Tân Trụ. Đến ngày thứ tư Saigon (phi trường Biên Hòa đóng cửa) cho được một chiếc trực thăng Workship, tôi leo lên bay lượn để quan sát địch tình, thăm viếng những đồn bót và mấy thằng em còn sống sót. Lòng dũng cảm của những người lính chất phát và tuân hành kỹ luật này làm tôi hãnh diện vô cùng. Trong tiếng trực thăng nổ phành phạch, truyền tin liên lạc theo kiểu nói lóng, chỉ thấy đánh và đánh. Trong cơn phấn chấn đó, bất giác tôi nhớ hai khẩu hiệu mà một người lính đã kể ở một chòi canh cạnh quốc lộ 4: "Dân ta hằng anh dũng; quân ta vẫn oai hùng". Chưa cảm khái được mấy phút thì nhìn lại quận nhà thấy tiêu điều quá, cháy rải rác khắp nơi, những luồn khói đen thi nhau cuộn lên trời. Dân lành sợ đạn lạc đã đổ xô ra phía quốc lộ. Hàng chục ngàn người đói khát chờ đợi sự tiếp tế của chánh quyền.. Tình hình vô cùng rối rắm. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi biết bao là chuyện: làm sao ngăn chận Việt cộng, làm sao cứu dân... và làm sao để sống còn. Trực thăng chưa bay được nửa tiếng đồng hồ, người phi công cho biết lệnh Saigon là phải trở về ngay. Chiếc trực thăng đảo một vòng, vứt tôi xuống bải đáp và trực chỉ Saigon mất dạng. Đánh nhau đến ngày thứ sáu, quân ta bắt đầu mệt mỏi, thiếu đạn dược và tiếp liệu. Sài Gòn vẫn bàng quan tọa thị để địa phương tự đánh. Mười giờ sáng, Trung tướng Toàn, Tư lệnh Quân khu đến BCH hành quân của tôi bằng xe jeep. Tôi không thích lối nói "huề vốn" của một số sĩ quan cao cấp ở BCH. Tôi phủ nhận tất cả những lời trình bày của vị Trung tá Chỉ huy trưởng BCH Chiến thuật. Tôi nói với Tướng Toàn rằng tôi trực tiếp chỉ huy trận đánh này trong 6 ngày qua. Thế địch rất mạnh vì chúng bổ sung tổn thất cũng như đạn dược rất nhanh. Lý do tôi còn giữ được quận là nhờ con sông thiên nhiên làm chướng ngại vật. Tôi e rằng nếu địch đem PT-76 hay chiến xa xuống thì Thủ Thừa sẽ thất thủ ngay vì sự kinh hoàng của lính. Ruộng vào tháng Tư khô rang, hai mươi cây số đường chim bay từ Cam bốt, địch dễ dàng chạy chiến xa xuống. Tôi yêu cầu Quân khu, thứ nhất tăng viện thêm quân, thứ hai tăng cường chiến xa và M-113. Trung tướng Toàn ngồi thừ với cặp kính đen trên mắt, không nói một câu. Theo lệnh Vĩnh Đường, tôi tạm giao trách nhiệm chỉ huy chiến thuật cho Trung tá Liên đoàn trưởng BĐQ tăng phái để bước ra lo cơm nước cho cả chục ngàn người dân. Đây cũng là lúc Tướng Toàn chỉ thị cho Đại tá Tường, Trưởng phòng 3 Quân đoàn theo tôi ra quận để điêu nghiên địa thế. Tôi chưa kịp mở bản đồ thuyết trình, pháo nặng của địch đã phóng tới. Đại tá Trưởng phòng 3 lên xe dông tuốt, tôi chạy vội xuống hầm chỉ huy.
Sự mệt mỏi của cả một tuần lễ không ăn không ngủ làm tôi kiệt sức. Tôi dựa lưng vào tường nhưng mắt vẫn không rời lổ châu mai quan sát những diễn tiến của ta và địch bên kia sông. Hai tiểu đoàn thoát chết, biết khôn đã đào hố cá nhân phòng thủ chiều ngang. Tôi không còn một lực lượng nào để phản công ngoài hai tiểu đoàn ĐPQ bị cầm chân tại chỗ. Tình thế này địch sẽ tiến lên chiếm quận và không hề có ý rút. Địch đã bắt đầu pháo gần đến BCH vì lý do đại kỳ VNCH của chúng ta vẫn bay ngạo nghễ trước gió, vô tình làm chuẩn đích cho Việt cộng tác xạ. Nhị Hà đã nhiều lần đề nghị hạ đại kỳ nhưng tôi nhất định không chấp thuận, vì nó là biểu tượng sự sống còn của quận, là niềm tin của chiến sĩ. Họ kiêu hãnh khi nhìn thấy lá cờ nầy mà chiến đấu. Một loạt 130 ly rơi trúng sân cờ. Nhị Hà đã gục tại đây. Một mảnh đạn bay trúng cổ thằng Thành, đệ tử trung thành của tôi, lo lắng cho tôi như một người thân. Cổ họng nó máu phun có vòi. Nó gầm lên như con heo bị chọt tiết, cứ thế chạy từ phòng này qua phòng khác, máu phun tung tóe lên trần nhà. Nó gục xuống và chết khi dòng máu ở cổ ngừng chảy. Một quả 130 rơi trúng Trung tâm Hành quân, ngay trước lổ châu mai mà tôi đang quan sát. Điều lạ là đúng lúc quả đạn này rơi xuống là lúc Trung sĩ Minh - người cận vệ của tôi - bỗng dưng đến trước mặt tôi, quay lưng vào lô cốt. Sức nổ và mảnh đạn theo lổ châu mai bay vào, ghim đầy mình. Anh chồm lên ngã chúi vào người tôi dẫy chết. Cũng đúng lúc đó, một mảnh đạn nữa đâm bổ vào mặt tôi nhanh như một luồng ánh sáng. Trong tốc độ khủng khiếp ấy, rõ ràng nó đâm vào mắt tôi, nhưng như có một bàn tay vô hình nào đã đẩy mảnh đạn vào ngay hốc mắt, ghim vào xương sọ ngay trước mũi và tôi thấy máu mồm máu mũi ộc ra. Trước lúc tôi bất tỉnh, tôi lờ mờ nhận thức được dòng máu nóng hổi trong thân thể Trung sĩ Minh vẫn tiếp tục chảy ướt đẫm người tôi. Tôi lịm dần...
Sau này có dịp nghe kể lại, tôi được biết lúc đó BCH hành quân đang điều động phối hợp lực lượng giải tỏa Tân Trụ đồng thời phản pháo cho tỉnh lỵ. Riêng Vĩnh Đường, ông đang thị sát trận địa trên quốc lộ 4 khi VC đống chốt làm gián đoạn cầu Voi. Đây là quốc lộ huyết mạch tiếp tế chính cho thủ đô Saigon từ miền Tây nên việc gián đoạn này làm ông điên đầu. Theo trù liệu thì có thể lực lượng của Trung đoàn 14 thuộc SĐ 9 BB sẽ từ Bến Tranh di chuyển lên xã Hải Yến, Trung đoàn trưởng cương quyết tuyên bố: "Đêm nay tôi sẽ có mặt ở Phú Lâm".
Được báo tin tôi bị "tróc sơn", Vĩnh Đường (danh hiệu trên vô tuyến của Đại tá Tiểu khu trưởng) và 31 (danh hiểu của Thiếu tá Trưởng phòng 3 TK) đã tức tốc đổi hướng, cho trực thăng bay ngay vào vùng với ý định lấy hỏa lực pháo binh áp đảo địch đồng thời bốc tôi ra khỏi trận địa. Ý định này không thực hiện được vì lưới phòng không 37 ly của địch đan chằng chịt, phi cơ phải bay thật cao và cuối cùng phải về hạ cánh tại BCH. Mãi tới xẩm tối, nhóm phi công thân hữu và 31 đã lại một lần nữa xin Vĩnh Đường cho bay vào vùng. Được chấp thuận, 31 đã hướng dẫn phi cơ bay ngược lên phía Bắc, không bay vòng để lừa địch, rồi dùng hệ thống vô tuyến trên tầng số riêng dặn dò Tam Sơn phối hợp thật đẹp. Nhào qua lưới đạn phòng không, chiếc trực thăng đáp "auto" khẩn cấp và bốc được tôi. Vừa lên khỏi mặt đất là pháo địch rơi ngay bên cạnh. Nhóm phi công và 31, người bạn thân của tôi đã ôm tôi mà reo lên. Phi cơ bay thẳng về Tổng y viện Cộng Hòa. Lúc đáp kiểm lại, phi hành đoàn ngạc nhiên là tại sao phi cơ không nổ rớt khi nó bị trúng đạn nhiều như thế. Hai mươi hai năm dài, ngồi kể lại chuyện này, tôi vẫn tưởng như ngày hôm qua. Vinh quang của tôi là xương máu của những người đồng đội. Sự sống còn của tôi là những sự hy sinh đến mất mạng của những người lính. Trận đánh cuối cùng của đời tôi để bị loại khỏi vòng chiến chỉ là một giai đoạn chiến thuật. Thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng tôi phải đánh một trận đánh thực sự cuối cùng với bọn Việt cộng. Nó thực sự gọi là cuối cùng khi mà bọn bạo quyền Hà Nội không còn tiếp cai trị nhân dân ta, khi mà quyền căn bản của con người ở Việt Nam còn bị chà đạp, thì không có trận đánh nào được gọi là trận cuối cùng.
1, 2
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Châm Biếm - Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện Ngắn
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử