lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Lịch Sử Việt Nam

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm Giành Lại Chủ Quyền: Giai Đoạn Cực Kỳ Gây Cấn

ngô đình diệm

Di ảnh cố thủ tướng, tổng thống Ngô Đình Diệm

1, 2, 3

Trong năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đối phó với 5 vấn đề trọng đại. Trước hết đồng bào miền Bắc bắt đầu di cư vào Nam ngày 14/1/1955. Mười ngày sau, số người di cư lên đến 200,000 và trong tháng sau, con số vượt qúa 800,000 người. Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho lập phủ Tổng Uỷ Di Cư với sự giúp đỡ của Pháp và nhất là của Hoa Kỳ. Số đồng bào di cư được chuyên chở dần vào Nam và định cư tại những nơi thiết yếu do ông Diệm đích thân chọn lựa.

Vấn đề thứ hai là thái độ thù nghịch của quân đội và thực dân Pháp. Lúc bấy giờ Pháp chủ trương rút quân về để đối phó với vụ dân xứ Angêri, Bắc Phi Châu, nổi dậy, nơi có cả triệu người Pháp sinh sống. Nhưng các giới thực dân và một số sĩ quan Pháp vẫn còn muốn duy trì chế độ thực dân dưới hình thức “quốc gia VN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại”. Họ vẫn tìm đủ mọi cách phá chính phủ và cá nhân thủ tướng Diệm, họ tiếp tục đả kích trên báo chí, sách, đài phát thanh, bịa đặt và loan tin bất lợi cho chính phủ và nhất là tăng cường sức mạnh cho phe Bình Xuyên và các giáo phái, rồi xúi dục và tìm cách mua chuộc các phần tử này chống chính phủ. Tình trạng này đưa đến khó khăn thứ ba là chính phủ Ngô Đình Diệm khó lòng tránh khỏi sự xung đột với phe Bình Xuyên và các giáo phái vì không có chính phủ nào thật sự là chính quyền của một nước độc lập, lại chấp nhận nạn “sứ quân” hay nhiều lãnh chúa địa phương, do ngoại bang giựt dây được.

Vấn đề thứ tư là thái độ của tướng Lawton Collins. Ông này lâu nay là một quân nhân thuần túy, có am hiểu gì về Á Châu và VN đâu. Ông được cử sang Saigon vì ông là một chiến hữu thân cận và tín cẩn của TT Eisenhower. Trong khi tiếp xúc với tướng cao ủy Pháp Ely, và thủ tướng Ngô Đình Diệm, tướng Collins cảm thấy gần gũi và thông cảm với tướng Ely hơn, vì cả hai đã từng chiến đấu và là bạn thân với nhau trong đệ nhị thế chiến (1939-1945). Tướng Collins cho rằng ông Diệm là người khó tính, ông không biết nhân nhượng với Bình Xuyên và các giáo phái, vì họ cũng đều chống CS cả mà. Như thế thủ tướng Diệm có thể gặp nguy cơ là mất hẳn sự ủng hộ tuyệt đối cần thiết của Hoa Kỳ, trong việc giành lại chủ quyền từ thực dân Pháp. Vấn đề cuối cùng là việc tiếp thu các vùng do chính phủ Hồ chí Minh giao lại, vùng Cà Mâu vào ngày 8/2/55 và vùng Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và một phần Quảng Nam ngày 22/4/55.

NHỮNG THÀNH TÍCH ĐẦU

Đầu năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm trực tiếp nhận viện trợ Mỹ, và bắt đầu trả lương quân đội và công chức với ngân sách quốc gia, không còn tùy thuộc gì vào Pháp nữa. Như thế quân đội tùy thuộc chính phủ, và đầu tháng 2/1955, Pháp cũng ngưng trả lương cho các lực lượng bổ xung cho quân đội Pháp là phe Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo. Đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình giành lại chủ quyền của xứ sở trong mọi lãnh vực từ thực dân Pháp. Ngày 12/2/ 55, chính phủ thâu hồi lại quyền quản trị thương cảng Saigon từ tay Pháp. Trước đấy ngày 21/1/55, thủ tướng chính thức yêu cầu Pháp chấm dứt việc huấn luyện quân đội VN. Đến ngày 11/2/55, tướng Pháp Agostini và tham mưu trưởng Lê văn Tỵ ký thỏa ước chuyển tất cả trách nhiệm về quân đội VN cho chính phủ VN.

Điều này không làm cho một số sĩ quan lâu nay theo Pháp hay thân Pháp hài lòng. Họ muốn có một chính phủ khác, chứ không phải chính phủ Ngô Đình Diệm nắm quyền chỉ huy quân đội. Nhưng bây giờ thủ tướng Diệm nắm giữ quyền trả lương cho họ, ông được Hoa Kỳ ủng hộ, và gương tướng Hinh mất chức còn sờ sờ trước mắt. Họ biết rằng từ nay việc huấn luyện quân dội cũng do Hoa Kỳ phụ trách nữa. Như vậy, điều hay nhất và có lợi cho họ là thích nghi với tình thế mới, ngả theo chiều gió mạnh. Trong số những người này, có những kẻ từ 1945-46, khi dân VN nổi dậy kháng chiến chống Pháp, đã phục vụ trong quân đội Pháp hay trong ngành công an Pháp, có vào Pháp tịch hay không, đã đánh giết trực tiếp hay gián tiếp người Việt, như các ông Trân văn Đôn, Lê văn Kim, Dương văn Minh, Mai hữu Xuân, Trần thiện Khiêm, Đặng văn Quang, Đỗ Mậu …vv….

Về các lực lượng quân sự của các giáo phái, chính phủ Diệm và Đại tá Lansdale tìm cách làm cho suy yếu bằng biện pháp chia rẽ và mua chuộc một số chỉ huy quân sự của họ. Trong số những người này, một số ít, nếu không lầm, là có lý tưởng vì dân tộc, còn đa số có thể nói là do quyền lợi cá nhân chi phối, hơn là vì tín ngưỡng và tôn giáo. Lúc bấy giờ, đa số dân chúng ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nếu theo ông Diệm, tức theo chính phủ quốc gia đang loại trừ tàn tích thực dân, là theo chính nghĩa, còn được tiền, quân hàm và chức vụ nữa.

Chống ông Diệm nay được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, chắc gì thắng được đâu, như vụ tướng Hinh. Sự vận động hay mua chuộc của chính phủ và đại tá Lansdale rất có kết qủa.

Ngày 15/1/55, một sĩ quan Hòa Hảo là đại tá Nguyễn văn Huê, tham mưu trưởng của ông Năm Lửa Trần văn Soái về với chính phủ và đem theo 3,500 binh sĩ. Họ được sát nhập vào quân đội quốc gia. Trong tháng 3, một sĩ quan Hòa Hảo khác, thiếu tá Nguyễn văn Đầy đem về 1,500 binh sĩ nữa, phục tùng thủ tướng Diệm. Nhưng sự thành công lớn nhất của ông Diệm, với sự hỗ trợ của ông Lansdale, là lôi cuốn được ông Trình Minh Thế về với chính phủ. Ông Thế là một cán bộ quân sự Cao Đài, trước kia được quân đội Nhật huấn luyện, có lý tưởng dân tộc, chống cả thực dân Pháp và CS. Ông tách rời các đơn vị dưới quyền ông ra khỏi các lực lượng Cao Đài bổ sung cho quân đội Pháp, ăn lương Pháp và do Pháp trang bị, lập quân đội quốc gia liên minh, và Mặt Trận Liên Minh. Ông Thế lấy núi Bà Đen ở Tây Ninh làm căn cứ, và đánh lại cả quân Pháp và CS. Dân chúng vùng ông Trình Minh Thế kiểm soát mến phục và ủng hộ ông,vì ông đối xử công tâm và chăm lo cuộc sống của họ. Đại tá Lansdale mang thư của thủ tướng Ngô Đình Diệm đến căn cứ của ông tại núi Bà Đen, và được đưa đi quan sát các đơn vị và cơ xưởng chế tạo vũ khí, như súng máy nòng 50 li, súng M-1 và máy thâu phát thanh nữa. Ông Thế chấp nhận lời thủ tướng mời về cộng tác. Ngày 13/2/55, ông dẫn 2,500 binh sĩ đi diễn hành qua các đường phố như đại lộ Thống Nhất, đường Tự Do, Lê Lợi đến bùng binh trước sở Ngân Khố, ngang qua khán đài có Thủ tướng Ngô Đình Diệm và nhiều nhân vật Việt và ngoại quốc.

Các binh sĩ Liên Minh dưới quyền ông Thế được sát nhập vào quân đội quốc gia, và ông Thế mang cấp bậc thiếu tướng. Vụ tướng Thế về thần phục chính phủ làm uy tín và thanh thế của thủ tướng Diệm tăng lên rất nhiều. Nhưng người Pháp rất bất mãn và thù hằn tướng Thế, vì ngày 31/7/51 ông đã cho cảm tử quân mang lựu đạn nổ giết chết tướng Chanson, chỉ huy quân đội Pháp tại Nam Bộ và thủ hiến bù nhìn Thái Lập Thành tại Trà Vinh. Hai năm sau, tức 1953, ông Thế lại gây ra một vụ nổ lớn trước nhà hát Saigon, sau này là Hạ Viện, để giết hại sĩ quan Pháp nhưng lại trúng người qua đường. Người Pháp bảo rằng chiến đấu như thế là dã man, còn việc họ giết hại dân lành Việt dĩ nhiên đâu có gì là dã man!

Một số lãnh tụ Hòa Hảo như ông Nguyễn giác Ngộ và Lâm thành Nguyên mà đại tá Lansdale đã từng gặp tại bản doanh ông Năm Lửa Trần văn Soái, cũng đến tìm ông Lansdale tại nhà ông ở Saigon và mặc cả về số tiền và vũ khí cấp cho họ khi họ về với chính phủ, ông Lansdle viết trong hồi ký ông bảo là không có.

Trong khi đối phó với các giáo phái, thủ tướng Diệm cũng chú trọng đặc biệt đến phe Bình Xuyên. Các đơn vị Bình Xuyên dưới quyền Bảy Viễn trấn giữ Chợ Lớn và một số địa điểm tại Saigon, chúng được thực dân Pháp giúp thêm vũ khí và cố vấn. Ngành cảnh sát, công an vẫn ở dưới quyền Lai văn Sang, một thân tín của Bảy Viễn. Như thế, chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn còn bị uy hiếp ngay tại thủ đô.

Đến tháng 1/1955, giấy phép mở sòng bạc Đại Thế Giới hết hạn. Thủ tướng Diệm ban bố một số nghị định đóng cửa sòng bạc Đại Thế Giới và bài trừ cũng như trừng phạt các tệ đoan như cờ bạc, đĩ điếm, thuốc phiện và ma túy. Ông cũng yêu cầu Bảo Đại thâu hồi lại đạo dụ cử Lai văn Sang làm tổng giám đôc công an,cảnh sát để ông cử một người khác thay. Thông điệp trả lời của Bảo Đại bày tỏ sự tín nhiệm đối với ông Diệm, nhưng không đả động gì đến yêu cầu trên. Đối với Bảo Đại, đây có lẽ là cơ hội ngăn chận hay giảm bớt sự gia tăng dần uy tín và quyền thế của thủ tướng Diệm. Mặt khác, sự đóng cửa sòng bạc và việc đặt các tệ đoan ra ngoài vòng pháp luật, sẽ làm cho Bảy Viễn và Bảo Đại mất một mối lợi khổng lồ. Một số tay chân của Bảy Viễn và Bảo Đại tại thành phố nghỉ mát Cannes, Pháp quốc, nơi Bảo Đại đang trú ngụ, và ở Saigon, cùng thực dân Pháp hợp sức với nhau để đối phó với thủ tướng Diệm.

BÌNH XUYÊN VÀ THỰC DÂN PHÁP

Ngày 5/3/55, Bảy Viễn mời đại diện các giáo phái họp tại Chợ Lớn. Ông nói rằng miền Nam cần một chính phủ tốt hơn là chính phủ do ông Diệm “điên” cầm đầu. Nếu các giáo phái và Bình Xuyên đoàn kết lại với nhau, họ có thể đòi nắm giữ các bộ then chốt về tài chánh, kinh tế và để ông Diệm làm vì mà thôi. Nếu họ liên minh với nhau về quân sự thành một đạo quân hùng mạnh, ông Diệm sẽ hoảng sợ và phải chấp nhận những yêu sách của họ. Việc này đâu có khó khăn gì!

Các đại diện giáo phái nghe rất êm tai và đồng ý vì ai cũng có tham vọng mở rộng khu vực thống trị của mình, có thêm quyền hành và lợi tức. Họ thành lập một mặt trận Liên Minh và cử ông hộ pháp Phạm công Tắc của đạo Cao Đài làm lãnh tụ và ông Ba Cụt Lê quang Vinh làm tư lệnh quân sự. Bảy Viễn cũng cam kết đặt các lực lượng Bình Xuyên dưới dưới quyền của ông Ba Cụt nếu xảy ra xung đột với chính phủ. Người đại diện Bảo Đại tại Saigon là ông Nguyễn Đệ cho vài người thân tín đến dự phiên họp này, và cổ võ việc chống lại thủ tướng Diệm. Các tướng Trình minh Thế và tướng Cao Đài Lê Thành Phương cũng dự phiên họp này. Theo ông Lansdale, khi hai tướng trên thuật lại cho ông biết về việc tham gia mặt trận, ông giải thích cho hai người này hiểu, nhất là tướng Thế, về việc họ tham gia mặt trận chống chính phủ là không phải. Tướng Thế đã về với chính phủ rồi, còn tướng Phương đang chuẩn bị sát nhập các đơn vị dưới quyền ông vào quân đội quốc gia, vậy làm sao hai ông lại đứng vào phe chống chính phủ, và ông thuyết phục họ rời bỏ mặt trận. Về vụ này có người bảo rằng hai ông Thế và Phương làm thế để được chi thêm tiền. Nhưng có thể rằng ông Diệm đã dặn riêng hai ông tham gia mặt trận, để biết rõ thêm về phe chống đối và mưu đồ của Bảy Viễn.

Sau đấy, Bảy Viễn tổ chức một phiên họp khác của mặt trận, để quyết định về việc gởi tố hậu thư cho chính phủ. Hai tướng Thế và Phương cũng đến họp, rồi lên tiếng phản đối và rút lui ra khỏi mặt trận. Tuy vậy ngày 22/3/55, mặt trận vẫn gởi tối hậu thư đến thủ tướng Diệm, và báo cho ông đến ngày 27/3 tức 5 ngày sau phải thỏa mãn các yêu sách của họ. Nếu không, họ sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết. Thủ tướng Diệm bình thản đề nghị điều đình với mặt trận. Ông nói rằng ông có kế hoạch giúp cho tất cả những người yêu nước tham gia với ông trong việc xây dựng một cơ sở bền vững và lâu dài cho quốc gia. Mặt trận bác bỏ lời điều đình này. Phe Bình Xuyên đặt súng cối vào những vị trí để có thể bắn vào dinh Độc Lập, nếu ông Diệm không chấp nhận tối hậu thư của họ.

Dần dần, dân chúng Saigon – Chợ Lớn biết về vụ khủng hoảng này và tình hình trở nên căng thẳng với số tin đồn đãi. Trong giới ngoại kiều tại thủ đô, nhất là trong số người Pháp và người Việt vô dân Tây, có tin rằng quân đội quốc gia gần như nổi loạn, các sĩ quan và binh sĩ đều chống thủ tướng Diệm. Loại tin này được truyền đến người Mỹ. Theo ông Lansdale, các giới cao cấp Pháp và Mỹ đều tin như vậy, mặc dầu ông thân chinh tiếp xúc với các tiểu đoàn Việt, thấy tinh thần họ rất cao, họ sẵn sàng chiến đấu ủng hộ chính phủ. Toà đại sứ Mỹ và phủao ủy Pháp đã gởi về HTĐ và Ba Lê các báo cáo về sự bạc nhược và không có tinh thần chiến đấu của quân đội quốc gia VN. Còn báo cáo của đại tá Lansdale được điện thẳng về trụ sở trung ương tình báo CIA tại Langley, tiểu bang Virgina,và đệ trình thẳng lên ông tổng giám đốc Allen Dulles.

Trước tình thế căng thẳng và khẩn trương, một số bộ trưởng trong chính phủ mất tinh thần và xin từ chức. Trong số này, đáng kể nhất là bộ trưởng quốc phòng Hồ thông Minh. Trước kia, khi lập lại nội các, tướng Lawton Collins đề nghị ông Diệm cử bác sĩ Phan huy Quát làm bộ trưởng quốc phòng, nhưng ông Diệm không chịu và cử ông Hồ thông Minh. Việc này làm cho ông tướng Collins bất bình. Ông than phiền rằng ông Diệm nghe lời các em ông, ông Luyện, ông Nhu, hơn là ông. Nay tình thế trở nên khẩn trương, ông Hồ thông Minh từ chức,mặc dầu tướng Collins và đại tá Lansdale đến gặp và yêu cầu ông đừng từ nhiệm.

Ông Minh không chịu, nhưng thừa nhận rằng ông chưa tiếp xúc với đơn vị quân đội nào cả để tìm hiểu thái độ và tinh thần của họ. Ông tin rằng quân đội quốc gia sẽ không chiến đấu chống Bình Xuyên và các giáo phái nên ông rời bỏ chức vụ và đi khỏi Saigon.

Sáng ngày 29/3/55, nghĩa là sau khi bộ trưởng quốc phòng Hồ thông Minh từ chức, đại tá Lansdale và trung úy Redick thuộc phái đoàn quân sự Saigon, tức một cán bộ CIA khác, đến gặp ông Diệm tại dinh Độc Lập. Tình trạnh dinh Độc Lập không còn giống như thời tướng Hinh dọa đảo chánh. Tiểu đoàn phòng vệ đang bố trí tác chiến vì nghe đồn Bình Xuyên sắp tấn công. Ông Lansdale xem xét lại hệ thống điện thoại vô tuyến mà người Mỹ đã thiết lập trong dinh Độc Lập cạnh phòng ông Diệm, để ông liên lạc với các nơi trong trường hợp sự liên lạc bình thường bị cắt đứt. Đai tá Lansdale cũng cho ông Diệm biết rằng ông được lệnh không đến dinh Độc Lập và xử dụng hệ thống vô tuyến này nếu xảy ra sự xung độ giữa những người quốc gia VN.

Thủ tướng Diệm trải một bản đồ Saigon-Chợ Lớn trong văn phòng ông và chỉ cho ông Lansdale thấy những nơi được báo cáo là Bình Xuyên đã đặt súng cối để bắn vào dinh Độc Lập. Đến nay Bình Xuyên mới có súng cối 60 ly, nhưng có tin họ đang vận động với Pháp để có được súng cối 81 ly. Nếu Bình Xuyên có súng cối 81 ly thì nguy hiểm hơn nhiều vì súng cối 60 ly không làm hư hại các bức tường dày của dinh lắm, nếu người ta núp sau những bức tường này. Đại tá Lansdale nhận thấy ông Diệm rất bình tĩnh và tự chủ, ông trình bày như một vị sĩ quan thuyết trình về một đề tài, hình như không bận tâm về việc ông là mục tiêu tấn công của phe Bình Xuyên.

1, 2, 3

facebook

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site