lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Tin Tức Thời Sự - Lịch Sử Việt Nam

Cải Cách Toàn Diện Để Phát Triển Đất Nước

1, 2, 3, 4, 5

...

D. Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ

1. Cải cách thể chế là quan trọng nhất

Có thể nói Việt Nam chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Phải có cuộc cách mạng về thể chế mới tránh được nguy cơ này và đưa đất nước phát triển bền vững. Ai sẽ đảm nhận cuộc cách mạng mới này và nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng là gì?

Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng này. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự thay đổi để lãnh đạo dân tộc bước vào một thời đại mới, thời đại củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đất nước trở nên giàu mạnh, tự chủ. Đó cũng chính là sức mạnh to lớn mà Đảng cộng sản Việt Nam (trước đây là Đảng Lao động Việt Nam) đã phát huy, đã phấn đấu, hy sinh trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc cách mạng thể chế này, theo chúng tôi, bao gồm những khía cạnh sau:

Thứ nhất, không áp đặt một hệ tư tưởng, một ý thức hệ duy nhất vào thể chế chính trị, vào đời sống của dân, vào các hoạt động kinh tế - giáo dục - văn hóa - báo chí, để tạo điều kiện cho người dân, nhất là giới trẻ tiếp cận được những tinh hoa, những tiến bộ của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu chỉ biết Mác-Lênin, không tiếp thu mọi tư tưởng tiến bộ của thế giới thì đã không viết được bản Tuyên ngôn độc lập gói ghém những giá trị phổ quát của nhân loại. Trên thực tế, chính Đảng Cộng sản đã từ bỏ nhiều khẩu hiệu phi lý một thời đã được cường điệu. Chẳng hạn “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” từng là một trong những khẩu hiệu được phổ biến rộng rãi (sau năm 1975) nhưng đã dần dần biến mất. Đó là một sự thay đổi tích cực cần ghi nhận. Mong rằng Đảng Cộng sản tiến thêm một bước tránh dùng các cụm từ như “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” để các thế lực bảo thủ vì lợi ích riêng không thể dựa vào đó để làm cho đất nước trì trệ, lạc hậu. Chúng tôi cho rằng Đảng Cộng sản chỉ giữ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là hợp lòng dân.

Ra khỏi sự ràng buộc vào một ý thức hệ cũng sẽ giúp cho Việt Nam độc lập với Trung Quốc về mặt này và đi trước Trung Quốc về cải cách thể chế. Làm được điều này, Đảng Cộng sản vừa được lòng dân vừa tạo được uy tín trên thế giới.

Thứ hai, phải triệt để thực hiện dân chủ, đúng như quy định của Hiến pháp và đúng như trong Cương lĩnh mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Đảng phải làm thế nào để nhân dân thấy rằng đó không phải là khẩu hiệu mà chính là khát khao, trăn trở thường xuyên của lãnh đạo, của nhà cầm quyền để mọi người dân thật sự được tham gia bàn bạc và quyết định việc chung. Để thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, chỉ cần triển khai và thật sự áp dụng nội dung của Hiến pháp.

Trước hết, phải thực sự tôn trọng các quyền mà Hiến pháp đã ghi rõ, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và quyền bình đẳng trước pháp luật. Đầu tiên là quyền tự do báo chí. Muốn biết một nước có dân chủ hay không, chỉ cần nhìn tình trạng báo chí là thấy. Mà tình trạng báo chí trong nước ta thì nhân dân thấy rõ là chưa làm được nhiệm vụ thông tin trung thực và soi sáng được dư luận. Tiếp theo là quyền bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp luật có nghĩa rằng luật pháp là ở trên cao nhất, tối thượng, ai cũng ngang nhau và đều ở dưới pháp luật. Vậy mà nhân dân thấy quá nhiều người có quyền chức tự cho mình quyền đứng cao hơn người khác, thậm chí cao hơn cả pháp luật. Như vậy là ta chưa tiến được bước nào, thậm chí còn đi lùi, trên con đường "nhà nước pháp quyền" mà chính Hiến pháp đã đề xuất. Bình đẳng trước pháp luật bao hàm bình đẳng trước công vụ như một hệ quả tất nhiên. Do đó, những phân biệt đối xử như lý lịch, đảng viên hay không, đều là trái với Hiến pháp. Bình đẳng trước công vụ, ai cũng có quyền bầu cử, ứng cử như nhau, ai cũng phải được tuyển dụng vào các cơ quan hành chính trên cơ sở duy nhất là năng lực và tinh thần trách nhiệm. Chỉ với biện pháp đó, thực hiện triệt để, nền hành chính của ta, từ trung ương đến địa phương, mới có thể tuyển dụng được người tài giỏi xứng đáng.

Thứ hai, triệt để tôn trọng nguyên tắc “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất”. Đảng Cộng sản phải thực sự thực hiện nguyên tắc đó để làm nhân dân tin rằng lá phiếu của mình chắc chắn góp phần vào việc xây dựng một cơ quan xứng đáng là đại diện toàn dân.

Thứ ba, bảo đảm có hệ thống tòa án độc lập là sự phân quyền vô cùng quan trọng. Để có được sự độc lập và bảo đảm khả năng chuyên môn về luật pháp, các thẩm phán cần phải được tuyển dụng như công chức, được bổ nhiệm theo một quy chế riêng có mục đích bảo vệ tính độc lập của họ. Thẩm phán ở cấp cao có trách nhiệm bổ nhiệm thẩm phán cấp dưới, cần có nhiệm kỳ dài, chỉ bị truất quyền giữa nhiệm kỳ nếu vi phạm luật pháp.
Cần nhấn mạnh điều này: Nếu Đảng đứng trên hiến pháp và quyết định thay cho Quốc hội và tòa án thì tình trạng mãi kéo dài như hiện giờ: Nhiều sai phạm lớn của cán bộ, đảng viên chỉ được xử lý nội bộ, được bao che, nên không phòng chống được tham nhũng, và kết quả là mất lòng dân và bộ máy nhà nước kém hiệu lực.

Thứ tư, cần tạo cơ chế công khai, minh bạch, thực sự dân chủ, trước hết là trong Đảng để có thể chọn lựa và làm xuất hiện những nhà lãnh đạo xứng tầm với trí tuệ của dân tộc, được dân tin tưởng và được thế giới kính trọng. Không nên tiếp tục cách làm hiện nay là dàn xếp trong nội bộ Đảng rồi đưa ra Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Chúng tôi thẳng thắn nêu những vấn đề này chỉ với mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là tổ chức lãnh đạo đất nước, không bị trói buộc bởi những giáo điều, những mô hình đã bị thực tế lịch sử loại bỏ. Những giấc mơ, những lý tưởng tốt đẹp cần được chứng minh từng bước bằng thực tế, bằng kết quả hiện thực chứ không chỉ bằng duy ý chí, và bị lợi dụng bởi một nhóm người cầm quyền, dùng giáo điều, dùng khẩu hiệu để củng cố quyền lực và lợi ích phe nhóm mà hậu quả là đất nước tụt hậu và tha hóa…

Nếu bốn điểm nói trên được thực hiện, dân chúng sẽ tin tưởng ở Đảng Cộng sản, tin tưởng ở người lãnh đạo và hy vọng về một đất nước tốt đẹp hơn. Do đó dân chúng nếu có bất mãn và phê phán lãnh đạo hay quan chức thì chỉ là đối với cá nhân chứ không phải đối với Đảng Cộng sản. Ngược lại, dân chúng được tự do sử dụng các quyền chính đáng của mình thì chính là giúp Đảng phát hiện ra những người không đủ tư chất đảm trách công việc lãnh đạo hay quản lý. Thực hiện dân chủ cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, Đảng Cộng sản cần quan tâm hơn đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Nếu những điểm nói trên được thực hiện thì kết quả là gắn bó được dân với Đảng và thực hiện được đoàn kết. Tuy nhiên, cần đưa ra các chính sách cụ thể, chẳng hạn nghiêm cấm việc lạm dụng quyền lực để đề bạt người thân, có quy chế luật lệ nghiêm khắc để xử lý các trường hợp sai phạm. Việc cất nhắc, đề bạt không dựa trên lý lịch chính trị mà theo năng lực và tư chất đạo đức. Đảng và Nhà nước cần nghiêm chỉnh thực hiện chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc đối với cựu quan chức và quân nhân của chế độ cũ ở Miền Nam, nhất là trong bối cảnh cần đoàn kết dân tộc trước yêu cầu tăng nội lực để phát triển đất nước và trước nguy cơ ngoại xâm. Đặc biệt trong tình hình phức tạp ở biển Đông, để cổ vũ lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt chính kiến, quá khứ, chúng tôi đề nghị nên có hình thức biểu dương sự dũng cảm hy sinh của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974.

Trong việc thúc đẩy sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần có biện pháp hữu hiệu để người Việt ở nước ngoài hợp tác với các cơ sở trong nước, nhất là trong nghiên cứu khoa học, trong giáo dục và phát triển kinh tế, để cùng làm cho đất nước giàu mạnh.

2. Củng cố bộ máy nhà nước.

Một chính phủ mạnh và hiệu quả là điều kiện tối cần thiết để kinh tế phát triển nhanh và có chất lượng cao. Để củng cố bộ máy nhà nước, cần cải cách chế độ tiền lương và thực hiện việc thi tuyển quan chức. Đây là vấn đề cốt lõi của nhiều vấn đề.

Cải cách chế độ tiền lương là một việc tuy khó nhưng cấp bách và không thể trì hoãn, vì nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề nào khác. Thiết nghĩ, đây là vấn đề nan giải nhưng không hẳn là không có giải pháp nếu nhà nước thực lòng quyết tâm. Trước mắt, chúng tôi đề khởi một số nội dung cải cách như sau:

Thứ nhất, hiện tượng phổ biến hiện nay là tiền lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập của quan chức, công chức, thầy giáo, v.v.. Do đó, trước tiên phải minh bạch hóa các nguồn thu nhập này và lần lượt đưa vào lương.

Thứ hai, cải cách thuế để tăng thu ngân sách. Đặc biệt cần đánh thuế lưu thông bất động sản, đánh thuế suất cao đối với những người sở hữu nhiều bất động sản, và đánh thuế thừa kế tài sản.

Thứ ba, tăng tỉ lệ tiền lương trong tổng thu ngân sách. Trước mắt giảm tỉ lệ đầu tư công lấy từ ngân sách, hoãn những dự án đầu tư lớn cần nhiều vốn nhưng chưa thật cần thiết..

Thứ tư, tinh giảm bộ máy công quyền ở trung ương và địa phương.

Chúng tôi đề nghị nhà nước lập ra ngay một ban chuyên trách về cải cách tiền lương gồm các chuyên gia kinh tế, tài chính, hành chánh. Ban chuyên trách này sẽ khẩn trương nghiên cứu, xem xét 4 nội dung cải cách nói trên, để trong thời gian ngắn đưa ra đề án cải cách khả thi.

Quan chức, công chức phải là những người được tuyển chọn nghiêm túc qua các kỳ thi định kỳ và cuộc sống của họ và gia đình họ phải được bảo đảm bằng tiền lương. Tiền lương cũng phải đủ sức hấp dẫn người có năng lực vào bộ máy công quyền. Nội dung các kỳ thi tuyển cho quan chức cấp trung trở xuống cũng cần chú trọng trình độ văn hóa và sự hiểu biết về luật pháp và cơ cấu hành chánh. Quan chức cấp trung ương, cũng với nội dung ấy nhưng ở trình độ cao cấp hơn và thêm các chuyên môn cần thiết. Trình độ văn hóa và sự khó khăn phải vượt qua các cửa thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của quan chức, tránh hoặc giảm được tệ nạn tham nhũng. Việc thi tuyển quan chức còn có tác dụng tạo niềm tin và động lực học tập trong giới trẻ vì ai cũng có cơ hội bình đẳng thi thố tài năng cho việc nước. Chế độ tiền lương và việc thi tuyển quan chức cần được thực hiện trong vòng 3-4 năm tới.

3. Về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế

Đây là vấn đề khá rộng và lớn, ở đây chỉ xin nói đến mấy điểm chúng tôi cho là quan trọng nhất.

Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Chiến lược phát triển phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng và chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng cao qua giáo dục và đào tạo, qua khả năng làm chủ công nghệ.

Hiện nay xuất khẩu lao động và phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đang là hiện tượng làm bức xúc người dân và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thế giới. Chúng tôi đề nghị nhà nước đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phải thực hiện toàn dụng lao động, không còn ai phải miễn cưỡng ra nước ngoài chỉ vì sinh kế.

Để phát triển bền vững và hướng tới toàn dụng lao động cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng ngày càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và chú trọng phát triển nông thôn. Cho đến nay trí thức trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều chiến lược, chính sách về các vấn đề này nhưng không được nhà nước quan tâm thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề nghị nhà nước cần tập trung những chuyên gia có trình độ, thành lập một bộ phận chuyên trách để xây dựng và giám sát việc thi hành chiến lược phát triển với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp. Bộ phận này phải được đặt trên tất cả các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế, đứng đầu là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng thường trực, có những chuyên viên tài năng, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức.

Việt Nam hiện nay cũng có những cơ quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư hay Bộ Công thương nhưng quyền hạn liên quan tới vấn đề này bị phân tán, ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ với cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, vì vậy thường khó có thể đề xuất được những chính sách hiệu quả, hoặc do phải cân nhắc lợi ích của quá nhiều đối tượng nên những nội dung thống nhất được cũng mang tính thỏa hiệp, chung chung.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng, chúng tôi đề nghị hoãn kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc vì chưa cần thiết, tốn kém lớn và đã được chứng minh bằng các phân tích khoa học là không có hiệu quả. Thay vào đó, cần tu bổ nâng cấp đường sắt Thống Nhất, mở rộng mạng lưới đường sắt phổ thông đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Bắc, đồng thời xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và xây dựng các tỉnh lộ, huyện lộ nối nông thôn với đường sắt và đường cao tốc này, nhất là nối nông thôn với các đô thị gần đường cao tốc. Kết cấu hạ tầng như vậy mới thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn.

Liên quan đến phát triển nông thôn, việc cải cách chế độ hạn điền, tư hữu hóa sở hữu ruộng đất cần được đẩy mạnh. Chế độ hộ khẩu đã được cải thiện nhiều nhưng mỗi đô thị lại có các quy chế riêng, cần cải cách theo hướng tự do hóa việc thay đổi chỗ ở hơn nữa để người dân khi đến đô thị làm việc có thể yên tâm với cuộc sống ở đó và không cần giữ lại quyền sử dụng đất ở nông thôn. Với sự phân tán, manh mún của ruộng đất hiện nay, việc tăng năng suất nông nghiệp gặp khó khăn. Tăng năng suất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn là hai trụ cột để nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường lao động hiện nay có vấn đề không ăn khớp giữa cung và cầu: Ở các khu công nghiệp tại các thành phố lớn bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động, doanh nghiệp khó tuyển dụng số lao động cần thiết, mặc dù ở nông thôn vẫn còn lao động dư thừa. Nguyên nhân là do thị trường lao động chưa phát triển, cung và cầu không gặp nhau. Một nguyên nhân nữa là chất lượng lao động (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, khả năng tiếp thu tri thức về hoạt động của doanh nghiệp,...) không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Biện pháp để cung cấp lao động một cách ổn định phải bao gồm chính sách ngắn hạn (phát triển thị trường lao động) và chính sách trung dài hạn (nâng cao chất lượng lao động, tăng cường giáo dục nghề nghiệp). Chính quyền địa phương ở nông thôn cần tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Nhà nước cần lắng nghe chuyên gia, trí thức về việc quyết định các dự án lớn. Đặc biệt, chúng tôi đề nghị tạm ngưng kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vì những lý do chúng ta đã biết và các chuyên gia của ta cũng đã có những phân tích cho thấy dự án này quá tốn kém và chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhiều người trong chúng tôi cũng đã đề nghị ngưng kế hoạch khai thác bô-xit ở Tây nguyên vì các lý do về môi trường, an ninh, hiệu quả kinh tế, và sự lệ thuộc vào nước ngoài.

Vấn đề cuối cùng là cải cách doanh nghiệp quốc doanh trong đó có các tập đoàn. Cần đặt các doanh nghiệp đó trong khung cảnh chung của luật pháp, xóa bỏ việc để hành pháp trực tiếp lãnh đạo kinh doanh - dù dưới dạng Thủ tướng quản hay Bộ trưởng quản - và thay vào đó là Hội đồng quản trị độc lập và có nhiệm kỳ, do Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân bổ nhiệm, nhằm hạn chế sự thao túng của các nhóm lợi ích. Doanh nghiệp quốc doanh dùng tiền của dân và nhằm phục vụ dân, do đó phải có tiếng nói của đại diện nhân dân. Hội đồng quản trị có đại diện của dân do các tổ chức hội chuyên nghiệp và Mặt trận Tổ quốc đề cử, có đại diện của người tiêu dùng chính do các ngành sử dụng đề cử, có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp do các hội chuyên gia đề cử. Hội đồng quản trị sẽ bổ nhiệm chủ tịch công ty hay tập đoàn. Để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả và thực sự phục vụ nhân dân thì phải có các tổ chức chỉ đạo, kiểm tra nghiêm túc.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp phải hạn chế, không thể để cho chính quyền các cấp tự do lập ra như hiện nay. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong việc cấp vốn, việc cấp và sử dụng các nguồn lực quốc gia cho các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài những trường hợp đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước đã được công khai, minh bạch, chính sách cần bảo đảm công bằng cơ hội, bảo đảm hiệu quả sử dụng và không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt giữa các công ty, kiểm soát và hạn chế việc hỗ trợ các nguồn lực quốc gia theo kiểu chủ nghĩa tư bản thân hữu.

4. Về văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ

Chúng tôi có mấy đề nghị cụ thể sau:

a) Cần có chính sách ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội. Tăng cường quảng bá và khuyến khích những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, quyền con người,… Đồng thời, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống tích cực để làm nền tảng cho các ứng xử văn hóa, các chuẩn mực đạo đức trong sinh hoạt xã hội. Song song với việc này cần tích cựcbảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của dân tộc và ngăn chặn sự xâm thực không chọn lọc của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là từ Trung Quốc.

b) Cần giảm các hình thức thi đua, tuyên dương, trao huân chương như hiện nay: Các cơ quan, các đoàn thể tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm những mốc hoạt động (20 năm, 30 năm, v.v.) và vận động để được nhận huân chương. Đây là hình thức tốn kém thì giờ, ngân sách mà không có hiệu quả, chưa kể đến những tiêu cực trong quá trình xin-cho vốn rất phổ biến. Phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh cũng không thật sự hiệu quả vì dân chúng thấy tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, người cần học tập đạo đức Hồ Chí Minh (cần kiệm liêm chính chí công vô tư, ...) trước hết phải là những người ở cấp lãnh đạo và quản lý nhà nước. Tổ chức học tập nghị quyết của Đảng sau các kỳ đại hội như cách làm hiện nay cũng tốn kém và làm ảnh hưởng đến việc quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Thay vào đó nên áp dụng các hình thức khác thích hợp và ít tốn kém thì giờ, ngân sách.

c) Việc cải tổ giáo dục được bàn quá nhiều trong thời gian qua nhưng không đưa lại kết quả. Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.

Một trong những nội dung cải cách cấp bách phải là nâng cao vị thế của người thầy, bắt đầu từ đồng lương đủ sống và nuôi gia đình. Từ đó tiến đến việc thiết lập lại sự trung thực trong học tập và thi cử, trả lại tính trong sáng của tuổi trẻ cho học trò, tạo điều kiện cho những tài năng nảy nở.

Một nội dung nữa là tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật, tạo ra sức thu hút đối với tuổi trẻ và qua đó giúp thế hệ trẻ có động lực phấn đấu mạnh mẽ, có ý thức công dân cao và hoài bão phát triển đất nước. Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị Thủ tướng hủy bỏ Quyết định 97 đòi hỏi trí thức chỉ được góp ý riêng với các cơ quan có thẩm quyền.

d) Cụ thể hóa các biện pháp làm cho giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Triệt để thực hiện miễn phí bậc tiểu học và trung học cơ sở (chậm nhất là đến năm 2015) và trung học phổ thông (đến năm 2020). Song song với việc nâng cấp các đại học đang có, cần có ngay kế hoạch xây dựng một hoặc hai đại học chất lượng cao, trong đó nội dung giảng dạy, cơ chế quản lý, và trình độ giáo sư cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ tương đương với các đại học tiên tiến ở châu Á. Về các đại học và trường cao đẳng ngoài công lập, cần có biện pháp chấn chỉnh giải quyết ngay những nơi không đủ chất lượng và có quy chế để ngăn ngừa hiện tượng kinh doanh giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần ban hành các sắc thuế khuyến khích doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản đóng góp vô vị lợi (chủ yếu là tặng không) cho sự nghiệp giáo dục. Những vấn đề này cũng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể trước năm 2015.

Cần tăng cường mở rộng và xây dựng thêm các trường, các khoa liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ, xây dựng nhiều trường cao đẳng công nghệ để cung cấp đủ lao động cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới. Hiện nay, một mặt, trong nhiều ngành, sinh viên tốt nghiệp ra truờng không có việc làm, trong khi một số ngành về công nghệ tin học, điện tử, hoá học, kế toán, nông cơ, v.v.. thì nguồn cung cấp thiếu hoặc không đủ chất lượng. Chính sách sắp tới cần chú trọng đầu tư xây dựng thêm các ngành ở các lĩnh vực này và cải thiện chương trình, nội dung giảng dạy để nâng cao chất lượng. Mặt khác, nhu cầu về lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, cao đẳng kế toán,... đang và sẽ tăng nhanh nhưng khả năng cung cấp còn rất hạn chế. Tâm lý coi thường bậc trung cấp và cao đẳng trong xã hội Việt Nam rất lớn. Cần có chính sách khuyến khích học tập trong các bậc học này, chẳng hạn tăng cường chế độ cấp học bổng và quan tâm giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Tóm lại, cần đổi mới thể chế giáo dục và đào tạo hiện nay mới có thể thực hiện toàn dụng lao động và đẩy mạnh công nghiệp hoá trong thập niên 2010.

Nhiều cải cách trong giáo dục cũng nên được áp dụng trong y tế: tăng đầu tư xây dựng bệnh viện, xây dựng các cơ sở y tế ở nông thôn và phổ cập bảo hiểm y tế để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế với phụ phí thấp. Nên có chính sách miễn phí khám bệnh và phí nhập viện cho người dân nghèo hoặc cận nghèo.

e) Tăng cường đầu tư và cải thiện việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học: Một trong những lý do thành quả nghiên cứu khoa học của ta còn khiêm tốn là do thiếu đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2006 chẳng hạn chỉ có 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP. Trong cùng năm, Thái Lan đầu tư 1,79 tỉ USD (0,3% GDP) và Malaysia 1,54 tỉ (0,5% GDP). Đáng chú ý là Trung Quốc đầu tư 1,4% GDP cho khoa học và công nghệ trong năm 2010 và đặt mục tiêu đầu tư 4% GDP vào năm 2015. Ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam có đặc tính là tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất thay vì chi tiêu cho việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tăng đầu tư, cần phải xem xét lại việc sử dụng ngân sách khoa học. Theo cách làm hiện nay thì chúng ta có thể có những thiết bị khoa học tinh vi, nhưng không có người sử dụng hiệu quả những thiết bị này. Trong thực tế, tình trạng "thiết bị trùm chăn" đó đã trở nên phổ biến. Như đã phân tích ở trên, nền khoa học nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá lớn vào các đồng nghiệp nước ngoài vì thiếu chuyên gia có trình độ cao. Do đó, thay vì đầu tư xây thêm phòng thí nghiệm, cần chú trọng đầu tư vào đào tạo chuyên gia có trình độ chuyên sâu.

Chẳng những cần tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ, chúng ta cần phải cải cách hệ thống phân phối ngân sách cho nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học. Hiện nay, các đề tài nghiên cứu cơ bản ở cấp nhà nước do các nhà khoa học xây dựng đã được quản lý khá tốt bởi Quỹ KH&CN quốc gia (Nafosted). Nhưng với các loại đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản xuất ở các cấp - do cơ quan chủ quản ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu nộp đơn xin và các cơ quan chủ quản xét duyệt và thẩm định - lại chưa có sự tham gia đúng mức của các nhà chuyên môn. Vì lý do này nhiều đề tài nghiên cứu của các bộ ngành, địa phương đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế.

1, 2, 3, 4, 5

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site