lịch sử việt nam
Lịch sử tư-tưởng Việt-Nam
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục
Tập Một
Tư Tưởng Bình Dân Việt Nam
Tập Hai
Thời Bắc Thuộc và Thời Đinh Lê
(Từ thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ X)
Tập Ba
Thời Lý
Tập Bốn
Thời Trần (1225-1400)
Tập Năm
Thời Hồ (1380-1407)
Tập Sáu
Nguyễn Trãi Với Khủng Hoảng Ý Thức Hệ Lê-Nguyễn (1380-1442)
Tập Một
Tư Tưởng Bình Dân Việt Nam
Mục Lục
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
IV
Trường Đạo Nội (tiếp theo)
Có nhiều dã sử chép về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo “Hội Chân Biên” của Thanh Hòa Tử, kể sự tích “Sùng Sơn Thánh Mẫu” thì ngài hiệu là “Liễu Hạnh Nguyên Quân” là đệ nhị chúa tiên, con gái thứ Ngọc Hoàng Thượng đế. Vì một lỗi ở tiên cung, nàng bị giáng xuống trần năm đầu Thiên Hựu triều Lê Anh Tôn (1557), đêm rằm tháng tám là ngày giáng sinh Thánh Mẫu, ở cửa người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, họ Lê. Lê phu nhân là Trần Thị, khi có mang tính chí thích ăn hoa, đến khi lâm bồn tự nhiên có mùi hương ngào ngạt và hào quang sáng rực đầy nhà. Đấy là kỳ giáng trần thứ nhất, đặt tên Giáng Tiên. Ngài sinh ra diện mạo khác thường, dung nhan tuyệt thế, thường ở riêng một nhà tinh, đọc sách làm thơ. Văn thơ ngài làm ra thanh tao lưu thoát. Tuổi ngài tới tuần cập kê, nữ công nữ dung đều mỹ mãn.
Năm 18 tuổi có người Đào Lang họ Trần, vốn nhà trâm anh thế phiệt ở thôn Vân Đình, nghe tiếng họ Lê có vị tiên nữ, muốn môi chước để kết bạn sắt cầm. Cầm sắt hòa hai được chừng vài năm thì một hôm, ngài từ biệt Đào Lang mà hóa, năm ấy ngài mới 21 tuổi, tạ thế ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái thứ 5 triều Lê Thái Tôn. Mộ ngài táng ở xứ Cây Đa, làng An Thái. Triều vua Gia Long thứ 4 đổi xã An Thái làm xã Tiên Hương, xã ấy đến nay vẫn còn đền thờ tối linh tức Phủ Giầy.
Khi ngài mất, Trần phu nhân đêm ngày thương nhớ. Nhân một hôm đến chỗ thư phòng xem lại sách vở và đồ dùng còn để lại, tự nhiên mê man thống khóc gieo mình xuống đất ngất lặng. Hốt nhiên một trận gió tự phương Tây lại. ngài lại hiện lên ôm lấy Trần phu nhân mà gọi: “Mẹ ơi, tỉnh dậy, con đây, mẹ đừng thương nhớ nữa!”
Phu nhân bàng hoàng mở mắt, nhận rõ con mình, nói: “Con ơi, đi đâu mới về? Con quả là thần tiên bất tử đấy ư?”
Ngài khóc mà rằng: “Con đây cam tội bất hiếu, con cũng muốn lưu lại để giữ thần hôn cho tròn đạo hiếu, nhưng vì số con gian thế có ngần ấy thôi, xin mẹ yên lòng đừng có thương tiếc chi nữa”.
Bấy giờ Lê công cùng với Đào sinh nghe tin vội đến, ngài lạy tạ mà nói: “Nay con từ trần kiếp về chốn Tiên cung, chỉ vì nghĩ đến công cúc dục cù lao, nên phải hiện thân đến đây để giải lòng ái mộ, nhưng không được thường ở nhân gian, xin từ tạ hai bên bố mẹ cùng lang quân để về nơi thượng giới!” Đào Lang cầm vạt áo khóc rằng: “Tôi may được phối hợp lương duyên, cũng mong bách niên giai lão, nào ngờ nửa đường ly biệt, nay lại được kết cái duyên tái sinh, thậm là hoan kỷ, xin lưu lại để tự tình một đôi lời cho được thỏa lòng khao khát”. Ngài đáp: “Tiên nữ Tào tinh hai bên gặp gỡ tất cũng có thiên duyên tiền định, không bao lâu tất có ngày tương ngộ”. Nói xong tự nhiên biến mất. Năm sau quả nhiên Đào Lang cùng theo về cực lạc.
Ngài tự khi tái hóa, do Ngọc Hoàng Thượng Đế cho phép vì kỳ trích giáng, trước chưa đầy đủ, nên tái giáng làm phúc trần, nhận cúng dàng của nhân gian. Ngài biến hiện không thường, khi thời hiện ra đàn bà ngâm thơ dưới trăng, khi thời hóa ra bà lão chống gậy bên đường. Ngài lại thường qua lại hạt Lạng Sơn, thấy chùa Thiên Minh là một danh lam thắng cảnh, liền trụ trì ở đấy. Nhàn hạ ngồi dưới cây tùng gảy đàn mà hát:
Cô vân vãng lai hề sơn thiều nghiêu.
Ư điều xuất nhập hề làm yêu kiều.
Hoa khai mãn ngạn hề hương phiêu phiêu.
Tùng minh vạn hác hề thanh tiêu tiêu.
Tứ cố vô nhân hề quỳnh trần hiêu.
Vũ đàn trường khiếu hề độc tiêu dao.
Hu ta, hồ sơn lâm chi lạc hề hà giảm trùng tiêu.
Nghĩa là:
Bóng mây một mình qua lại với núi non chót vót.
Chim buồn ra vào trong rừng cây cao đẹp.
Ho nở đầy trên bờ nước mùi thơm ngào ngạt.
Thông reo muôn cửa động tiếng vi vu.
Trông ra bốn bề vắng lặng vẻ xa bụi rậm.
Vỗ đàn tiếng vang một mình ta tiêu dao.
Than ôi, rừng núi vui thay, cái chi làm nhụt được chí cao vời.
Chợt Phùng Khắc Khoan (tức Trạng Bùng) đi sứ bên Tàu về đến đấy, bèn cất tiếng nói:
Tam mộc sân đỉnh tọa trứ hảo hề nữ tử.
Tiên Chúa ứng thanh đọc liền:
Trùng sơn xuất lộ tấu lại sứ giả lại nhân.
Nghĩa là:
Ba cây gỗ họp trước sân ngồi tỏ vẻ đẹp ấy là người con gái.
Chồng núi ra tận đương, chạy lại là người đi sứ, là người quan lại.
Sơn nhân bằng nhất kỷ, mặc phi tiên nữ lâm phàm.
Nghĩa là: Nguời ở núi dựa một cái ghế há chả phải là bậc tiên nữ tới chỗ phàm trần.
Ngài liền ứng rằng:
Văn tứ đời trường cân, tất thị học sinh thị trướng.
Nghĩa là: Con nhà văn đội cái khăn dài, hẳn đấy là kẻ học sinh hầu bên trướng. Trường cân tức là chữ trướng, văn tử tức là chữ học.
Đối đáp rất chỉnh mà lại ngụ ý phân biệt thâm trầm. Phùng công thấy vậy rất phục, muốn hỏi lai lịch thì ngoảnh đi ngoảnh lại đã biến mất, chỉ còn thấy cây gỗ nằm ngang, hình ra bốn chữ Mão Khẩu Công Chúa, và có một cây gỗ dựng viết bốn chữ “Thuỷ mã dĩ tẩu”. Cây gỗ nằm ngang là chữ Mộc, chữ Mão, chữ Khẩu thêm vào thành chữ Liễu Hạnh. Chữ Thủy và chữ Mã là chữ Phùng, chứ Kỷ và chữ Tẩu là chữ Khởi, ý bảo họ Phùng khởi công làm đền thờ ngài vậy.
Sau ngài lại xuất hiện ở Tây Hồ và các nơi danh lam thắng cảnh trên đất Bắc Việt và Trung Việt như Sầm Sơn hay Phố Cát.
Khi ngài xuất hiện ở Hồ Tây, gặp buổi họ Phùng cùng bạn văn thơ là họ Lý, họ Ngô thừa nhàn chơi thuyền, cầm kỳ thi tửu. Lênh đênh một chiếc thuyền bỗng thấy khóm cây đào xanh tốt um tùm, len thuyền vào bên trong thấy có cái lầu nguy nga, ngoài đề bốn chữ “Tây hồ phong nguyệt”. Hai bên có đôi liễn chữ thảo:
Hồ trung nhàn nhật nguyệt.
Thành ngoại tiểu càn khôn.
Trước lầu có che một bức mành mành, thấp thoáng bên trong có người thiếu nữ mặc áo hồng lịch sự. Họ Lý cất tiếng hỏi: “Chỗ này lâu đài có phải cảnh tiên không? Anh em chúng tôi vô tình lỡ bước tới đây, muốn mượn cảnh này để làm chỗ Lan Đình thắng hội, không biết tiên nữ có dung cho hay không?
Thiếu nữ đáp: “Chỗ này không phải phàm trần, nếu các ông quả là bậc phong nhã, thời ta đây cũng không hẹp gì.”
Ba người bèn đậu thuyền bước lên, bên trong thấy có thạch bàn, bèn giở bầu rượu túi thơ ngâm vịnh. Thiếu nữ hỏi rằng: “Các ông tới đây có tài phun châu nhả ngọc, văn chương đủ kinh động quỷ thần. Nay tôi có một đề thơ cùng với đại phương xướng họa:
Liễu Hạnh: Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
Lý: Túng mục kiền khôn tận khoát nhiên.
Cổ thụ viễn trang thanh mịch mịch.
Phùng: Kim ngưu thoát thuỷ lục quyên quyên.
Sinh lai hà xứ sổ gian ốc.
Ngô: Hoạt kế thùy gia nhất chích thuyền.
Cách trúc sơ ly văn khuyển phệ.
Lý: Phanh trà phá bích thấu trù yên.
Khinh khinh quế trạo thủ trung đãng.
Phùng: Đoản đoản suy y thân thượng xuyên.
Phảng phất Động Đình du Phạm Lãi.
Ngô: Y hy bích hán phiếm Trương Khiên.
Thiên tầm hạo đảng ám thâm thiển.
Lý: Tứ cố vi mang điệt hậu tiên.
Khoản nãi vãng lai bồng liệu bạn.
Phùng: Ẩu nha xuất nhập bách lô biện.
Sa trung liệp hy vong cơ lộ.
Ngô: Vân ngoại nhàn quan suất tính duyên.
Kỷ khúc xướng ca văn thuỷ quốc.
Lý: Nhất song bạch nhãn phóng trần huyên.
Giao đầu đối thoại ỷ hà cái.
Phùng: Thân thủ tương chiêu hí giáp tiền.
Lạp phóng liên gian tàng thái nộn.
Ngô: Lam trầm sau để dưỡng ngư tiên.
Hoặc tương đạm tửu hoa tùng chước.
Lý: Thời châm trường cao thụ ảnh miên.
Tuý hậu tương khan phao thuỷ diện.
Phùng: Dục dư tư lạc bộc phong tiền.
Yên hoa mục tử tân bằng kết.
Ngô: Thượng uyển tiều phu cựu ước kiên.
Bão bất từ ngô quan bang thế.
Lý: Thám lĩnh tiếu bỉ một long uyên.
Võng sơ mồi tị thế đồ hiểm.
Phùng: Điếu trực tu tương lợi nhĩ huyền
Hàn chử hạ lại do ái nhật.
Ngô: Trường An đông tận vị tri niên.
Tam công khăng bả yên hà hoán.
Lý: Bán điểm ninh dung tục lự khiên.
Vị thuỷ nhậm phù văn bá bốc.
Phùng: Đào nguyên hảo phỏng Vũ lăng duyên.
Nhàn chung sạ giác tâm vi Phật.
Liễu Hạnh thúc kết: Đắc nguyện ưng tri ngã thị Tiên.
Dịch nghĩa:
Chúa Liễu
xướng: Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời.
Lý: Bát ngát bốn mùa rộng mắt coi.
Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh.
Phùng: Trâu vàng biêng biếc nước vành khơi.
Che mưa nhà lợp vài gian cỏ.
Ngô: Chèo gió ai bơi một chiếc chài.
Rậu thủng chó đua đàn sủa tiếng.
Lý: Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.
Mơn mơn tay lái con chèo quế.
Phùng: Sàn sạt mình đeo chiếc áo tơi.
Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng.
Ngô: Bè Trương thấp thoáng thả sông trời
Đò đưa bãi lác tai dồn dã.
Lý: Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi.
Cò xuống đưa qua vùng cát đậu.
Phùng: Diều bay sẽ liệng đám mây chơi.
Khúc ca trong đục ẩm bên nước.
Ngô: Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời.
Đầu gối long hà lai láng chuyện.
Lý: Tay soi tiền giáp lả lơi cười.
Chốc sen ngả nón chứa rau búp.
Phùng: Đáy nước dìm phao bắt cá tươi.
Có lúc kề hoa vầy tiệc rượu.
Ngô: Họa khi tựa bóng đứng đầu mui
Say rồi cởi áo quăng dòng mái.
Lý: Tắm đoạn xoay quần hóng gió phơi.
Trẻ mục Yên Hoa bày tiệc rượu.
Phùng: Lũ tiểu Thượng Uyển hẹn lời dai
Bắt có cứ vững ngồi rình bụi.
Ngô: Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi.
Tay lưới thế thần khôn mắc vướng.
Lý: Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi.
Hạ rồi bến mát còn yêu nắng.
Phùng: Đông hết thành xuân chửa thấy mai.
Thú cảnh yên hà sang dễ đọ.
Ngô: Sóng lòng trần tục dạ hồ vơi.
Xe săn Vị Thuỷ tha hồ hỏi.
Lý: Thuyền tới Đào Nguyên mặc sức bơi.
Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó.
Chúa Liễu Hạnh
kết thúc một câu:
Trăng tròn soi một bóng Tiên thôi.
(Bản dịch của Phan Kế Bính, trong Việt Hán Văn Khảo)
Sau đấy Tiên Chúa giã cảnh Tây Hồ qua chơi Sóc Hương tỉnh Nghệ An, Hoành Sơn cùng là Khoa Lãnh, Thuỷ Khê, bao nhiêu kỳ sơn, tú thuỷ ngài từng du lịch cả. ngài lại qua Phố Cát tỉnh Thanh Hóa, thấy có cây xanh tốt, ngài bèn hiển linh, và dân thôn kính sợ bèn lập đền thờ. Khoảng triều vua Hiến Tông nhà Lê, ngờ là yêu quái, sắc mệnh cho đạo sĩ pháp sư tiễu trừ, rồi đốt phá cả đền miếu, không bao lâu trong miền bị ôn dịch tai hại đến trâu bò, dân thôn bèn lập đàn kỳ đảo, thốt nhiên có một người nhảy lên trốc đàn quát bảo:
“Lũ ngươi lập tức phải tâu với triều đình sửa lại đền miếu hương đăng phụng sự, thời ta sẽ tha cho. Không thế lũ ngươi còn bị hại nữa.”
Bây giờ dân thôn nghe lời cử mấy người hương lão tới cửa khuyết kêu vua. Vua bèn mệnh cho sửa lại miếu đền nguy nga, sắc phong Mã Vàng Công chúa. Từ đấy phương dân lại được yên tĩnh như thường. Phàm cầu đảo điều chi đều được linh ứng. Sau vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, ngài cũng âm phù thắng trận, gia phong ngài là Chế Thắng Hào Hiệu Đại Vương.
Triều Tự Đức trong nước đa sự, triều đình sai sứ thần đến xin cơ bút Sùng Sơn về quốc sự, ngài giảng bút như sau:
Hoành sơn một dải ra vào,
Cuốc kêu vọng đế, cáo gào giả vương.
Cung trăng đã sẵn trời dương
Giang sơn lại mở một trường xuân thu.
Tên đâu ba mũi phục thù,
Khen cho Khắc Dụng bày trò cho con.
Ngọn cờ phất phới đầu non.
Thạch Thành mèo lại bon bon chạy về.
Dặm đường lai láng máu dê.
Con quay ngả trắng ba que cuộc tàn.
Trời Nam vận ở Viêm bang
Chân nhân đâu đến những phường thầy tăng;
Đồng dao lại có câu rằng:
Non xanh mà mọc trắng răng mới kỳ
Bây giờ quét sạch thử ly.
Ai ơi nhớ lấy thiên ky kẻo lầm.
Đương khi sấm sét ầm ầm.
Ấy là khí số để găm trị bình.
Vũ phu mà bức thư sinh.
Long ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng.
Nực cười cho lũ bàng quan.
Cờ tàn mà lại tính đường đẩy xe.
Thôi thôi mặc lũ thằng hề.
Gió mây ta lại đi về gió mây.
(Chúa Liễu giáng cơ bút)
Thanh Hòa Tử sau khi chép ược sự tích Thánh Mẫu Sùng Sơn, có kết luận rằng:
“Từ thời Lê đến nay (1847) trải qua trước đền thờ kể từ hàng nhất phẩm triều đình trở xuống, các quan không ai chẳng cúi đầu, nghiêng mình chịu thờ vậy.
“Trong khoảng một trăm năm, ban phúc giáng họa không phải chỉ có một lần, tiếng tăm lừng lẫy, đức từ cũng mở rộng, người ta đều xưng ngài là Thánh Mẫu. Cuối thời nhà Lê có ông Tán quan tuổi ngoài 80 có đức hạnh, mộng thấy thiên hạ ồn ào huyên truyền Thánh Mẫu chính trang lên triều, có hai ngàn ngọc nữ vâng Đế mệnh, cờ quạt xe ngựa phân làm hai hàng nghênh đón ngài lên đường. Âm nhạc vang trời, ngẩng lên nhìn bèn tỉnh mộng. Bấy giờ là tháng hai, ngày hai mươi hai vậy. Ông quan ấy thường kể mộng thấy cho người ta nghe, kẻ học thức bảo là hết kỳ giáng của chúa Liễu Hạnh, ngài bèn về trời. Từ bấy đến nay đền thờ khắp trong nước, các chùa cũng tô tượng để thờ. Triều Minh Mệnh nhà Nguyễn có Phạm tiên sinh soạn câu đối để tiến thờ rằng:
Tử cực giáng thần, Vân Cát xuân thu tiêu tự điển.
Diêm phù hiển thánh, Nhật Nam kim cổ ngưỡng anh thanh.
Nghĩa là:
Cực tía giáng trần, Vân Cát xuân thu nên điển lễ.
Diêm phù hiển thánh, Nhật Nam kim cổ ngóng tiếng thiêng.
Lại còn câu đối tiến dâng đền Kiếm Hổ như sau:
Thành vật như địa, sinh vật như thiên, đào dung vật loại như đại tạo chi nan đắc danh ngôn, lịch đại cổn hoa chiêu ý thược.
Xuất thế vi tiên, giáng thế vi Phật, phổ độ thế nhân vi từ mẫu chi mẫn tư chúc tử, vạn phương cẩn bộc lạc tôn thân.
Nghĩa là:
Làm nên vật như đất, sinh ra vật như trời, nung đúc các loài như công lớn tạo hóa khó nói được tên, đời đời ảo bào hoa sáng ý đẹp.
Xuất thế là tiên, giáng thế là Phật, độ khắp người đời làm mẹ hiền thương xót con thơ, muôn phương hướng khói vui lòng tôn yêu.
Có người bảo 46 chữ ấy đủ thấy được bản lai diện mục của thánh Mẫu bởi vì Mẫu là Mẫu của ba ngàn thế giới rộng lớn, chẳng phải chỉ Mẫu có một thế giới mà thôi.
Người sau có thơ đề:
Vạn cổ từ vân biến đại thiên.
Nhân không nghi Phật hựu nghi Tiên.
Sùng sơn sạ giải uy linh võng.
Cát thủy nga sanh tế độ thuyền.
Hoàn bội hương phiêu ngân quế địa.
Bộc cần mộng nhiễu ngọc đan thiên.
Huy phong ý đức quang khung nhưỡng.
Mạc đạo truyền ký bút đảo điên.
Dịch:
Muôn thuở mây từ khắp muôn ngàn.
Người không, ngờ Phật lại ngờ Tiên.
Sùng sơn chợt quay bánh xe uy linh.
Cát thủy mỏi chống thuyền tế độ.
Vòng ngọc hương thơm bay đất quế.
Hương khói mộng quanh trời ngọc đơn
Gió thuần đức đẹp sáng trời đất.
Chớ bảo truyền kỳ bút đảo điên.
(Thanh Hòa Từ kính dâng. Quế Hiên Từ xem lại Hội Chân Biên quyển khôn. Sùng Sơn Thánh Mẫu)
Trên đây là đại khái sự tích thánh Mẫu Việt Nam rất phổ thông ở miền Bắc Việt, đại diện cho nguyên lý Mẹ, Âm tính trường cửu vũ trụ hóa. Nhưng đức Mẹ đây không phải đồng trinh hoàn toàn, mà là có liên hệ với danh lam thắng cảnh thiên nhiên, với hang động, với hồ thiên, với sơn thuỷ, thảy đều có hiện diện của Tiên chúa Liễu Hạnh và đặc trưng là những cuộc gặp gỡ của giai nhân thi tửu xướng họa. Ngài Liễu Hạnh vốn bị trích giáng khỏi tiên cung xuống phàm trần vì một lỗi đánh vỡ chén ngọc trản trong bữa tiệc vườn đào. Chén ngọc trản ấy đựng một thứ rượu trường sinh của bậc thần tiên. Ngọc trản hay Ngọc hồ lấy làm danh hiệu cho đền thờ Liễu Hạnh ở Hà Nội, tượng trưng cả một thế giới “Ngọc hồ thế giới” như bốn chữ đại tự trên bức hoành đăng trên đền thờ, hai bên có đôi câu đối:
Hồ trung nhật nguyệt, y nhiên thiên trúc thanh quang.
Ngọc trản lâu đài, biệt chiếm Bồng lai thế giới.
Nhật diễm nguyệt lâm, ngọc hồ sán lạn.
Sơn truyền thuỷ nhiễu, Phố Cát kỳ quan.
Dịch nghĩa
"Thế giới bầu ngọc
Mặt trời mặt trăng trong bầu giống như trời Phật giáo trong sáng.
Lâu đài chén ngọc, một thế giới Bồng Lai riêng chiếm.
Mặt trời soi, mặt trăng chiếu, bầu ngọc sáng lạn.
Núi chồng chất, nước lượn quanh, Phố Cát cảnh lạ.
Theo đấy, rõ ràng Liễu Hạnh ngự trị thế giới Ngọc Hồ, là vì Ngọc Hồ hay Ngọc Trản chứa nước trường sinh, đã bị tiên chúa đánh đổ nên bị giáng xuống phàm trần. Và ở trần thế thì Ngọc Hồ chứa đựng ruợu của nhà thơ, ruợu ấy uống ở trên lầu như ở Bồng Lai tiên cảnh.
Nhà khảo cổ Đông phương học Rolf Stein quan sát thấy rằng:
“Có nhiều phong cảnh hình bầu hồ, do thánh Mẫu làm chủ và đặc trưng bằng nước nguồn bất tuệyt và bằng sự mắn con và mưa nhiều.
“Ngoài ra, tất cả chùa đền thờ thánh Mẫu đều có gương soi dùng để truyền linh hồn thờ phụng Nữ thần vào thân hình bà đồng bóng nhập. Cái gương kể từ cổ xưa bên Tàu là thuộc tính của nữ giới. Nó cũng liên hệ với cữ trăng, ngày mộng một và ngày rằm mỗi tháng có lễ bái thánh Mẫu. Nhưng còn liên hệ với giếng, mặt nước tròn phản chiếu mặt trăng và giếng cũng là một cái bầu, cái hồ.
“Bầu hồ và gương, bảo đảm cho sức sinh dụcbao phủ các phong cảnh thiên nhiên. Đấy cũng là thuộc tính của các thánh Mẫu ngự trị ở đấy.
“Cũng chính những thần linh tiên nữ ấy làm chủ các đền chùa nhỏ và các miếu mạo thờ phụng Tam Phủ: Trời, Đất, Người và các Chư Vị. Các nơi thờ ấy thường dựng ở ngã ba sông, ngã ba đường tại các chợ, bến, mốc đường, nghĩa là tại chỗ gặp gỡ đều bày ra cùng những yếu tố giống nhau: nào cây cổ thủ, đa hay đề, nào đá, đều đặt trong hay trước cây lính, trên cây hay trên một cái rột. Có bình phong đàng trước, có bể nước, có núi giả với hoa sen. Các vị thần đặc biệt thuộc nữ giới, thường vô danh, chỉ có tên hiệu chung là thánh Mẫu Đức Bà hay chúa Ngọc.”
(Tập kỷ yếu của trường Viễn Đông Bác Cổ, t.XIII 1942)
Vậy thánh Mẫu hay Đức Mẹ ở đây là một nữ tính đặc trưng cho một năng lực thiên nhiên phổ biến huyền bí nhất, là nguồn sống bất tuyệt, ấp ủ nơi hang suối sơn thuỷ hữu tình, hàng năm nam nữ hẹn hò để khích động cho vạn vật nảy nở sinh thành, theo như ca dao nói:
Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nguyên lý sinh đôi Cha Mẹ, Sơn Thủy, Mặt Trời Mặt Trăng, Trời Đất, Âm Dương là nguyên lý Sinh Thành đã được tín ngưỡng dân tộc cụ thể hóa linh động vào Chử Đồng Tử và Tiên chúa Liễu Hạnh, để rồi biến thái dần theo quá trình diễn tiến của dân tộc trong thời gian và không gian. Chử Đồng Tử đến đời Trần được nhân dân đồng hóa vào Đức Thánh Trần, anh hùng dân tộc và sau cuộc Nam tiến thời nhà Nguyễn, lại được đồng hóa với Đức Ông Lê Văn Duyệt. Cũng như thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Việt được đồng hóa với thánh Mẫu Thiên Yana ở Trung Việt và Bà Đen ở Nam Việt v.v… Xem bài bia hiện nay vẫn còn tại Tháp Bà ở Nha Trang, do Phan Thanh Giản thời Tự Đức giữ chức “Hữu Hiệp Biên Đại Học Sĩ, lĩnh Lễ Bộ Thượng thư” soạn dâng Tiên Nữ Thiên Y, chúng ta đủ thấy mạch lạc tiến hóa của dòng tín ngưỡng thần tiên thực còn hết sức linh động với toàn thể dân tộc từ thuợng lưu trí thức cho đến bình dân, từ Bắc chí Nam, từ cổ xưa đến cận đại vậy. Thử xem vị đại Nho Nam Việt quan niệm vai trò thần tiên thế nào. Cụ viết:
“Trong thiên hạ, đời càng xưa thì sự càng lạ, đất càng rộng, tích càng kỳ. Nhất là có các vị cứu nhân độ thế thì sử sách không bỏ qua được vậy.
“Quan Thế Âm ở đất Lạc Gia, Lâm Thiên Hậu ở đất Việt Dương, chuyện không phải không lạ, sự không phải không kỳ, mà xem qua ghi chép ở sử sách tỉnh Nam Định có chúa Liễu Hạnh cùng các việc thần quái bà giáng sinh ở dã sử còn kể rõ ràng.
“Miền Nam phong khí rất hậu, người vốn thật thà, cùng nước Mân Việt phương Bắc mỗi nơi một cảnh trị đối nhau.
“Khi phương Nam chưa định, xe chỉ nam chưa tới, ấy là một thời. Nước này nhỏ, dân thưa mà đức tốt đồn xa, đời thịnh trị thần linh bàng bạc giáng hiện. Đủ tỏ thế giới siêu hình Bồng Lai Phương Trượng cùng với trần gian thực tế không xa các vậy.”
Rồi tác giả kể sự tích Tiên nữ Thiên Y.
“Giáng sinh ở núi Đại An, nay thuộc xã Đại An, tỉnh Khánh Hòa, gần cù lao Huân, ngoài xa biển cả, quân sơn chầu về. Bể biển, trời rộng thực đáng là di tích của Thần tiên linh thiêng vây.
“Rồi Thiên nữ phiêu lưu lên phương Bắc, kết duyên với một hoàng tử, sinh con đẻ cái, tình vợ chồng đang vui vầy thì chợt bỏ về phương Nam quê cũ chăn dắt dân Man, rồi một ngày kia bỗng cưỡi chim về tiên cảnh.
“Ôi lạ thay! Tiên nữ ở đâu mà đến? Ban đầu ở bên sườn núi nhờ ơn dưỡng dục tưởng đã trọn đời. Thế mà không cớ bỏ vượn hạc mà đi, cưỡi sóng từ Nam lên Bắc, vội vàng đi đâu?
“Lại đến khi duyên đang tươi tốt, chợt dứt tình trăm năm để trở về quê cũ thực cũng lạ lùng! Đến lúc cửa hang đã mở, cảnh đó người đâu, cưỡi gió bay đi uy linh hiển lộng. Việc đi hay ở của thần, tuy quỷ thần cũng không tự chủ được sao? Như thế lại càng lạ vậy?
(Văn bia soạn ngày 13 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9, Phan Thanh Giản)
Tóm lại với trường Đạo Nội, người ta thấy tư tưởng thần tiên một mặt nuôi ở nhân dân Việt Nam một tín ngưỡng mạnh mẽ về thế giới thần hồn sau khi đã chết về thể xác và làm nguồn mỹ cảm văn nghệ cho giới trí thức. Tất cả đều tin thiên nhiên không phải là vật chất vô tri vô giác đối với nhân văn, mà trái lại thế giới thiên nhiên, nhân văn và siêu nhiên thường thông đồng với nhau một mạch, có thần tiên làm môi giới vậy.
TỤC LÊN ĐỒNG VỚI TRIẾT LÝ LÊN ĐỒNG
Trong dòng Đạo Nội, ở điện thánh Trần hay ở phủ Chúa Liễu, có lễ nghi rất phổ thông và đặc biệt Việt Nam là tục Lên Đồng, rất được các bà, các cô hay các cậu, các ông sùng tín. Lễ nghi này thuộc về tín ngưỡng Đồng Cốt, không được giới đàn ông Nho sĩ tôn kính lắm:
Chẳng qua Đồng Cốt quàng xiên. (Kiều)
Và lời chú thích rằng sách ngoại Sử goại những Đồng Cốt đàn ông là Ông Đồng, đàn bà là Bà Cốt, lại trên Thổ, đồng trai gọi là Quàng, đồng gái gọi là bà Then.
Ông Maurice Durand, trường Viễn Đông Bác Cổ có viết về Lên Đồng ở Việt Nam như sau:
“Ở Việt Nam, ngoài Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo, còn có những tập tục sùng bái mà đặc trưng là thờ rất nhiều chư vị thần linh ít phổ thông và ít được nghiên cứu, với những buổi lễ “hầu đồng” “hầu bóng”. Sự sùng bái này hình như phải được liên hệ với sùng bái cổ xưa về các thánh Mẫu, cùng là những buổi lễ ốp Đồng thuộc tín ngưỡng cổ xưa về thần linh vật linh ở Tây Bá Lợi Á (Sibérie Orientale) chắc rất thịnh ở đây”. (Technique et Panthéon des Mediums Vietnamiens E.F.E.O Paris 1949).
Sách “Thiền Uyển truyền đăng tập lục” kể chuyện Tăng thống Khánh Hỷ (1142) có đoạn:
“Một hôm theo thầy đến cúng ở nhà một thí chủ. Trong khi đi đường ông hỏi thầy “thế nào là ý minh bạch của Tổ thiền?” Lúc ấy vừa nghe tiếng Đồng Cốt ở một nhà dân, thầy hỏi: “Có phải nói về Đồng Cốt cúng thần chăng?”
Lại trong “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, có kể chuyện trên đường từ Thanh Hóa đến Thăng Long vào năm 1781:
“Buổi chiều đến nghỉ ở trạm xá Kim Khê (gọi là quán Me). Quan Văn thư làm lễ, vào yết kiến trong miếu của xã ấy, bày ra một tiệc hát và mời tôi cùng dự. Bấy giờ thánh Mẫu đang nhập vào Cô Đồng. Cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói. Có người bảo tôi:
- Thánh Mẫu linh thiêng lắm, báo ứng không sai điều nào. Cụ lần này lên kinh có muốn cầu gì thì lại mà cầu.
Tôi nói:
- Có mong được gì thì mới cầu chứ! Lòng tôi đã không mong được gì, vậy cầu để làm gì?
Cô Đồng nghe nói mỉm cười. Quan Văn Thư nhìn tôi cười khanh khách. Nửa đêm tiệc tan mọi người về trạm nghỉ.
(Rút trong Thượng Kinh Ký Sự - Phan Võ dịch tr.15, Văn Hóa xuất bản)
Như thế đủ tỏ tín ngưỡng Đồng Cốt ở xã hội Việt Nam cũng như tín ngưỡng Quàng Then ở xã hội Thượng (Đồng Cốt Quàng Then) là cái tín ngưỡng có từ lâu, cổ xưa của tinh thần vật linh ma thuật (maimisme magique) chung cho các dân tộc Á Đông cùng loại với hạng Vu Nghiễn cổ thời bên Tàu.
Ông Maurice Durand còn trích dẫn một đoạn văn của Travernier đăng trong Tạp chí Đông Dương 1909, trang 50 (Revue Indochinoise) nói về Bà Cốt ở thời nhà Lê như sau:
“Bà phù thủy mà người Bắc Việt đến hỏi han gọi là Bacoti. Bà ta có một sự thông cảm lớn với quỷ thần mà bà đã bán con gái bà, nếu bà có, cho ngài ngay từ lúc đứa con mới sinh ra để được ân huệ với quỷ thần và được thông hiểu về ma thuật hơn. Khi nào một người mẹ khóc cái chết của đứa con và muốn biết tình trạng của linh hồn nó ở thế giới bên kia thì bà ta đến tìm Bacoti ấy. Bà này để thỏa mãn nguyện vọng cho người mẹ kia bèn rung trống lên để gọi hồn đứa bé đã chết. Nó hiện ra trước bà như bà ta làm ra thế và nó nói cho biết nó yên lành hay không. Nhưng thông thường bà ta nói cho các người mẹ kia biết rằng cái linh hồn kia đương yên ổn ở thế giới của nó và các người mẹ phải nguôi lòng thương nhớ đi kẻo không người ta ngờ rằng mẹ đau đớn vì hạnh phúc của con cái mình”.
Như thế đủ thấy hạng Đồng Cốt cũng như là hạng Vu Nghiễn, là hạng có phép ma thuật đi lại được với quỷ thần, chuyên gọi quỷ thần, đàn ông thì gọi là Nghiễn-Ông Đồng, đàn bà thì gọi là Vu- Bà Cốt.
Ý nghĩa của đồng cốt
Chữ Đồng ở Việt Nam thông dụng theo nghĩa Hán Việt là đứa trẻ ngây thơ, ngụ tâm trạng hồn nhiên trong trắng, chưa có vật dục khích động vẩn đục. Đấy là Đồng Tử, Nhi Đồng, đều có nghĩa là trẻ con.
Còn chữ Cốt là Xương, chỉ vào xương người chết, một khi thịt đã tiêu tan còn lại bộ xương mà người Việt rất quý. Khi thân nhân chết đi thường sau ba năm có cái tục cải táng để giữ lấy bộ xương, sau khi rửa sạch xếp vào một cái tiểu sành, tìm nơi chôn cất. Nhà nào có phúc, chọn được đất tốt thì bộ xương ấy kết lại mà không bị tiêu mòn, ấy là nhà có đất, ấy là được mả, làm ăn thịnh vượng, học hành linh lợi, bằng không thì nhà mục mả, suốt đời không cất đầu lên được. Vậy dân Việt tin linh hồn người chết trở nên linh thiêng là khi nào bộ xương kết lại thành tinh nhờ vào sự vun trồng cây đức của người sống mà cũng nhờ ở chỗ đất linh của mồ mả kết được.
“Cái khả năng tự nhìn thấy mình như là một bộ xương, dĩ nhiên ngụ ý nghĩa tượng trưng về sự chết đi, và sự phục sinh; bởi vì sự “thu về bộ xương” đối với dân đi săn là một phức thể nghi lễ tượng trưng lấy trọng tâm là ý tưởng về sự sống luôn luôn hóa sinh không ngừng”.
(Mythes Rêves et Mystères p.113 par Mircea-Eliade. N.P.F.Gallinard)
Và tác giả còn giải thích rõ hơn về khoa tu luyện thần bí học có liên hệ với sự chiêm ngắm chính bộ xương của mình như sau:
“Sự tập luyện tinh thần như thế ngụ có sự vượt ra ngoài thời gian (sortie du temps), vì pháp sư Chaman không những tiên tri về một nội quan sự chết của thể xác, mà còn thấy lại được cái người ta có thể được là nguồn sống trường cửu là bộ xương. Thực vậy, đối với dân đi săn, xương tượng trưng cội rễ cùng tột của sự sống động vật, cửa ngõ cho da thịt luôn luôn xuất hiện. Chính từ xương cốt mà động vật và nhân loại tái sinh; chúng dừng lại ít lâu ở đời sống xác thịt và đến lúc chết, đời sống của chúng kết tinh vào xương cốt để tái sinh theo vòng bất tuyệt luân hồi. Chính chỉ là thời gian nó tách phân bằng những kẽ hở của đời sống xác thịt cái dòng duy nhất vô thời gian tính, biểu thị bằng sự sống kết tinh vào xương cốt. Khi tự ngắm mình là bộ xương thầy pháp Chaman trừ bỏ thời gian và hiện ra trước nguồn sống vĩnh cửu. Điều này hết sức xác thật đến nỗi trong kỹ thuật khổ hạnh thần bí đã tiến hóa như Phật giáo Mật tông và Lạt ma giáo, sự mạc niệm trước hình ảnh bộ xương của mình hay là những kỹ thuật tu luyện tinh thần trước xác chết, bộ xương người hay sọ người chết đã giữ vai trò quan trọng. Những mạc niệm ấy biểu lộ ảo ảnh của thời gian tính và do đó đấy là tuồng ảo hóa của đời sống xác thịt. Nhưng dĩ nhiên là việc ra ngoài thời gian ấy (sortie du temps) nhờ vào sự chiêm ngắm chính bộ xương của mình đã tuỳ theo với Pháp sư của những dân tộc đi săn và du mục và nhà khổ hạnh Tây Trúc Ấn Độ mà có ý nghĩa khác nhau. Đối với thầy pháp kia nó có ý nghĩa là thấy lại nguồn sống cùng tột của động vật, tức là tham gia vào Bản thể. Đối với nhà sư Tây Tạng ấy là chiêm ngắm vòng luân hồi của các đời sống do Nghiệp báo điều động, tức là xé tan cái màng Đại Ảo Hóa (Maya) của nguồn sống vũ trụ và cố vượt qua để nhập vào cõi Niết Bàn vô điều kiện hệ luỵ.”
(Sách dẫn trên)
Chính ở đấy chúng ta tìm thấy ý nghĩa chính xác của tín ngưỡng “Đồng Cốt Quàng Then”, ông Đồng bà Cốt không kể hạng giả mạo buôn thần thánh, tìm ở trạng thái Lên Đồng, Bóng Op một sự vượt bậc cho cảm giác, chết đi ở một bình diện này để tái sinh vào bình diện khác, bình diện thần hóa vậy.
Thông thường những người bị bắt Đồng đều là những người có căn, hoặc căn nặng, hoặc căn nhẹ. Họ bị bắt làm lính cho các quan Âm, tức là các chư vị thần linh mà họ phải thờ, hoặc làm đệm cho các quan ngồi, hoặc đi hầu Đồng hầu Bóng như tôi tớ hầu chủ hay là như con cái hầu cha mẹ, đệ tử hầu sư phụ theo tình thầy trò.
Những chư vị thần linh ấy đều là những biểu hiện linh thiêng của quyền năng tạo hóa bàng bạc khắp trong vũ trụ khác nào như điện lực trong không trung, tụ vào đâu, bắt vào vật gì thì nảy ra sấm chớp tại đấy.
“Đức linh thiêng luôn luôn biểu hiện như là năng lực, nhưng có nhiều trình độ khác nhau trong những biểu hiện ấy”. (Le sacré se manifeste toujours comme une force, mais il y a de grandes differences de niveau et de frequence entre ces manifestations).
(Mythes Rêves et Mystère par Micrea Eliade N.P.F. p.178)
Trên hết, tối cao có Đức Ngọc Hoàng ngự tại thượng giới như một nhà vua ngự trên ngai vàng, có cả một ban văn võ bá quan chầu hầu bên dưới như ở trong triều đình thần giới này vậy.
Cửu trùng thánh Mẫu thiên đình. Ngọc Hoàng
Ba Mẫu = thánh Mẫu Liễu Hạnh – Mẫu Thoải – Thượng Ngàn, thêm vào tam phủ có tứ phủ với Mẫu Nhạc phủ.
Năm quan lớn = Đệ nhất – Đệ nhi Thượng ngàn – Đệ tam – Đệ tứ – Đệ ngũ Tuần Tranh.
Bốn thánh bà
Mười hoàng tử
Mười hai cô tiên
Ba cậu quận
Vô số cô bé, cậu bé (hạng chết yểu)
Công chúa Quế, Quỳnh tại Quảng Hàn (cung trăng).
Đấy là đại khái bàn thờ (panthéon) chư vị thần tiên của dòng Đạo Nội thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Chúng ta nhận thấy ngoài Liễu Hạnh tiên chúa là vị chính, vốn ở tiên cung vì trong tiệc bàn đào vô ý đánh rơi chén ngọc đựng rượu trường sinh nên bị Ngọc Hoàng đày xuống phàm trần, như sự tích đã kể, còn các chư vị phò tá, trong ấy có Mẫu Thoải tượng trưng cho hành Thuỷ cai quản sông ngòi, Mẫu Thượng ngàn tượng trưng cho hành Mộc cai quản rừng xanh.
Ngọc hoàng, Tiên chúa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn, đấy là Tứ phủ công đồng.
Khắp tam giới động đình tứ phủ
Hội công đồng văn vũ bách quan.
Hay là
Đại càn tứ vị vua bà
Công đồng thánh Mẫu, tam tòa chúa Tiên.
(Tứ phủ công đồng văn)
Phân tích văn chầu lên đồng
Văn chầu là những bài ca tụng các vị thần linh mỗi khi có đệ tử ngồi Đồng. Đệ tử vì thần nào thì cung văn ca hát theo nhịp đàn bài ca tụng vị thần ấy. Nội dung các bài ca ấy phần nhiều là mô tả hình dung dáng điệu cùng là đức tính và hành động chư vị thần linh. Ví dụ ca tụng tiên chúa Liễu Hạnh – Địa tiên thánh Mẫu:
Bóng gương loan mẫu đơn một đóa,
Gió lay mành hương xạ thoảng đưa.
Có chầu nguyệt điện Tiên xưa,
Lánh miền trần tục, phận ưa Nam thành.
Thánh giáng sinh vào nhà Lê thị,
Cải họ Trần dấu khí thiên hương.
Vốn sinh có vẻ phi phương,
Giá danh đòi một hoa vương khôn bì.
Tất cả có 24 bài ca tụng theo tập “Chư vị văn chầu” số AB 517 ở thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Ông Durand đã phiên âm tất cả ở sách “Techniques et Panthéon des Mediums Vietnamiens” (V. XLV Paris 1959 E.F.E.O)
1) Tứ phủ công đồng văn
2) Thánh Cửu trùng văn
3) Địa tiên Thánh Mẫu văn
4) Thuỷ tiên Thánh Mẫu văn
5) Tam tòa Thánh Mẫu văn
6) Ngũ vị Hoàng Tử văn
7) Đệ nhất Hoàng tử văn
8) Đệ nhị Vương Quan văn
9) Đệ tam Vương Quan văn
10) Đệ ngũ Vương Quan văn
11) Khâm sai Công Chúa văn
12) Bạch hoa Công Chúa văn
13) Đệ thất Vương Quan văn
14) Đệ bát Hoàng Tử văn
15) Đức Hoàng Quận văn
16) Đệ tứ Khâm sai thượng thiên văn
17) Thủy phủ Khâm sai văn
18) Bát hải Động Đình văn
19) Đức vua bát hải văn
20) Thượng Ngàn Công chúa văn
21) Thượng Ngàn Sơn tinh Công chúa văn
22) Thủ điện Công chúa văn
23) Thập nhị nàng văn
24) Ngũ Hổ thần luyện văn.
Đấy là văn chầu dòng Liễu Hạnh, phong phú hơn nhiều so với văn chầu dòng thánh Trần, gốm có chín bài ca tụng:
1) Thiên đạo quốc Mẫu luyện văn (tục hiệu đức thánh Mẫu)
2) Trần hiển thánh luyện văn
3) Nhân tôn hoàng đế Hậu luyện văn (tục hiệu bà Quyên Thanh công chúa là Đại vương nữ tử).
4) Thuỷ tiên công chúa luyện văn (Hiển thánh Đại vương nữ tử, Phạm Điện Soái phu nhân, tục hiệu bà Đại hoàng công chúa.
5) Hùng nhượng đại vương luyện văn (Hiển thánh Đại vương đệ tam tử, tục hiệu là ông thánh cửa suốt)
6) Phù Ung Phạm Điện suý luyện văn (Hiển thánh Đại vương tế tử)
7) Tĩnh huệ công chúa luyện văn (Hiển thánh Đại vương tôn Phạm Điện suý công nữ tử Anh tôn Hoàng Đế thứ phi)
8) Hiển thánh Đại vương chủ bộ tướng luyện văn
9) Ngũ Hổ tướng quân luyện văn.
(Trần triều Hiển thánh độ thế chân kinh – Tự Đức, Kỷ Hợi)
Nên để ý rằng ở cả hai tập văn chầu, mở đầu đều bằng bài ca tụng thánh Mẫu và kết thúc vào bài ca tụng Ngũ Hổ. Và tinh thần sùng bái thông suốt cả hai dòng Đạo Nội vẫn là Đức Mẹ làm trung tâm.
Vậy tôn giáo của Đạo Nội là thuộc về tôn giáo sùng bái Đức Mẹ, đức dưỡng dục, nuôi nấng chứ không phải đức sáng tạo nguyên thuỷ “Vị tối cao ở trên trời” (Celui qui est dans le Ciel) quá trừu tượng. Đức Mẹ ấy chính là Địa linh Địa Mẫu (Terra Mater).
Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng
Phan Bội Châu
“Từ khi thiên địa phối hợp chưa phân của vũ trụ cho tới khi tục lệ tầm thường nhất để chứng minh dấu địa linh, khắp nơi người ta đều gặp thấy cùng một trực giác trung tâm nhắc đi nhắc lại như một khẩu hiệu: đất sản xuất các hình thái sinh sống, đất là nguồn sinh nở bất tận. Bất cứ cớ cấu của hiện tượng tín ngưỡng thế nào do biểu hiện của đất khích động ra hiện diện linh thiêng, thần linh còn bàng bạc, hình ảnh thần linh rõ rệt, hay tục lệ là kết quả của một ký ức lờ mờ về những năng lực âm thầm – người ta luôn nhận thấy định mệnh của Đức Mẹ, của cái đức sinh thành vô tận… Địa Mẫu chưa bao giờ mất ưu thế cố hữu cổ xưa của “bá chủ sở tại”, nguồn của tất cả trạng thái sinh sống, bảo trở con cái và tử cung để gởi người chết vào an nghỉ hồi phục và trở lại với đời sống nhờ thánh đức của Địa Mẫu”.
Mircea Eliade “Traité d’histoire des Religions” Payot p.228-229
Và Địa Mẫu Việt Nam là Tiên chúa Liễu Hạnh được ca tụng sự tích ở bài “Địa tiên thánh Mẫu văn số 3”, trong đó có những câu:
Tuổi tới niên cài trâm giắt lược,
Kết duyên lành quê phúc một nơi.
Gối chăn vừa mới quen hơi,
Ai ngờ dưới nguyệt chỉ rơi tơ hồng.
Đạo vợ chồng còn đương thương nhớ,
Bỗng hoa hài lại giở gót tiên.
Giờ dần mồng ba tháng thìn,
Đôi mươi mốt tuổi rẽ duyên trần phàm.
Đấy là hình ảnh một người thiếu nữ tuyệt đẹp, tuyệt tài, vừa đi lấy chồng thì liền chết yểu:
Ấy duyên xưa hay là vợ mới,
Hội phi thường Thánh mới sinh con.
Các đức sinh ấy từ trên Trời xuống, tràn ngập đó đây trên mặt đất, trong bốn phương, thần thông biến hóa:
Tình thiêng không ngại gió trăng,
Ai ngờ phút hợp, phút tan nữa hoài.
Nay đây, mai đó
Cây cao bóng mát là cây giữa đường,
Cây cao bóng mát là cây giữa đường,
Giếng Âm Dương là nơi trong sạch,
Khi nắng mưa trợ khách đường xa.
Đồi Ngang, phố Cát vào ra,
Đôi nơi giáp cõi Thanh Hoa đất lành.
Ra oai, tác quái mà người trần mắt thịt ngu mê không biết quyền năng thần thông của Đức Mẹ, không sống, không chết:
Chốn cảnh thanh tiên thừơng ngự đấy
Khách vãng lai tự ấy mấy hay?
Cho nên tiên mấy ra tay,
Một ngày khôn vài hai ngày khôn van,
Khách thác oan phải nhiều phi mệnh.
Nhưng rồi Đức Mẫu phải chống cự với quyền thế quốc gia, Đức Mẫu hiếu sinh đành phải nhượng bộ:
Dầu thiêng nào dám chống quốc uy
Thánh bèn ngự giận lánh đi,
Than rằng má phấn đâu bì trượng phu.
Quyền nhà vua Thiên tử là quyền Dương thế, quyền Đức Mẫu thần tiên là quyền Âm phủ, hai bên không thông cảm được với nhau, trở nên cách trở.
Sao không xét âm dương nhị lý,
Lại gia điều lấy ý mịt nhau.
Lệnh trời ai dám chi đâu,
Còn ai ở thế biết nhau sau này.
Nhưng rồi Ngọc Hoàng không nỡ để cho tình trạng ấy lâu dài, Âm Dương cách trở mãi, phải có đường thông mới được, nghĩa là nhà vua phải công nhận có sự hiện diện thần linh của Đức Mẫu, vì dân lành cả tin như thế, thì nhà vua cũng phải nhượng bộ mà tin theo. Cho nên:
Sắc tức thì tặng phong chế thắng,
Biển vào treo thượng đẳng tối linh.
Muôn dân tự đấy sợ kinh,
Mấy hay phép thánh anh linh, nhiệm mầu.
Nhưng Đức Mẫu thanh xuân, khí thế vẫn mạnh, hăng hái mặc dù đã chịu sắc phong của nhà vua.
Dù lòng hiển thánh anh linh,
Đến đâu thời đấy hãi kinh giỡn giờn.
Cũng có cơn hiền lành vui vẻ,
Phấn điểm trang trải rẽ thanh tao.
Dù khi thất ý nơi nao,
Dường con sư tử bào hao dậy giàng.
Đấy là cá tính của Địa Mẫu Việt Nam do tiên chúa Liễu Hạnh đại diện. Nhưng cũng ở ngôi thánh Mẫu, hiệu là thiên đạo quốc Mẫu ở dòng Nội Đạo thánh Trần, thì Đức Mẹ ở đây gần với nhân loại hơn, tuy cũng thuộc chủng loại thần tiên:
Thuở Đông A rồng mây gặp hội,
Đức thánh Bà duyên phối Đại vương.
Người thần đối với tiên nương,
Đầu rồng mặt phượng đường đường dung nghi.
Và thánh Bà đã sinh ra người anh hùng dân tộc nhất của Việt Nam, Trần Hưng Đạo vương và nhờ sự nghiệp cứu dân độ thế, phù chính trừ tà, ấy là “phúc đức tại hậu”. Cho nên cả nhà được hiển thánh và thánh bà trở nên Thiên Đạo Quốc Mẫu:
Đức Bà thành Phật, thành Tiên,
Phụng thờ Kiếp Bạc diện tiền kính tôn.
Tiếng khổn phạm xa đồn Quốc Mẫu,
Dẫu Tống triều Đỗ Hậu nào hơn.
Phấn son thiên cổ làm gương,
Một nhà hiển thánh bốn phương được nhờ.
Lúc hiển thánh khu trừ tai ách,
Cứu những người phải mắc tà ma.
Hữu sinh vô dưỡng ai là.
Đấy là hai phương diện của Đức Mẫu, là Địa Mẫu, Quốc Mẫu; còn hai phương diện nữa là Cửu trùng thánh Mẫu và Thuỷ tiên thánh Mẫu, đại khái đều mô tả một tượng trưng thần thoại hóa đơn cái năng lực hiểu biết của nguồn sống tràn ngâp trong vũ trụ, kết tinh vào hành Thuỷ là nước, thì cai quản về nước, xưng là Mẫu Thoải, kiêng đọc chữ thuỷ, là hành đứng đầu trong ngũ hành cấu tạo ra tạo vật. Thuỷ, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ nghĩa là Nước, Lửa, Gỗ, Sắt, Đất. Thế giới này bắt đầu là nước. rồi sau dần dần các vật khác mới hiện ra. và hành nước có mãnh lực uyển chuyển vô cùng, cho nên lấy Rồng làm tượng trưng, vì rồng là loài ở nước và có thể cỡi mây để phun nước đổ mưa. Thì Mẫu Thoải chính là con gái Lạc Long Quân ở hồ Động Đình, lấy chồng là Kinh Xuyên con vua trên đất (hành Thổ). Công chúa là một vợ hiền, nhưng Kinh Xuyên có người vợ lẽ là Thảo Mai hay ghen ghét dèm pha, ton hót với chồng, đòi chồng hắt hủi vợ cả để độc chiếm tình yêu. Rồi chồng dần dần nghe theo, đem đày vợ cả nơi rừng xanh, mặc cho thú dữ ăn thịt. Nhưng thú dữ không những không ăn thịt còn đi lượm hoa quả về dâng công chúa. Một bữa kia có một nho sĩ tên là Lão Ngợi, đi thi trượt hoài, lang thang vào trong rừng, thấy công chúa bị đày ải mới hỏi han duyên do. Sau khi kể lai lịch mình cho Lão Ngợi nghe, nàng nhờ Lão Ngợi đem tin của nàng về cho Lạc Long Quân ở Thuỷ phủ tại hồ Động Đình. Được tin con mình bị đày đọa, vua Thuỷ phủ sai quân đi đánh Kinh Xuyên và đòi Công chúa, dựng đền thờ tại bờ sông với danh hiệu là Mẫu Thoải. Nhà học giả Pháp M.Durand bình luận sự tích trên đây rằng:
“Câu chuyện thần thoại địa phương ấy chứng tỏ mỗi một nơi địa linh nhân bản hóa quá khứ bằng một nàng tiên như thế nào. Nó đồng nhất nàng tiên ấy với một chư vị thần linh cao đẳng trong đền thờ các vị thần linh Hoa Việt. Ở trường hợp này thì công chúa vơ Kinh Xuyên đã trở nên Thánh Mẫu của nước, Mẫu Thoải đối với địa hạt Tuyên Quang.” (trang 34 sđd)
Như thế thì nhân dân ở một thổ ngơi đã nhìn thổ ngơi ấy với một mối quan hệ vừa thờ kính vừa thân yêu. Sông núi, đất cát, nước non không phải vật chất xa lạ đối với người mà cũng có mệnh vận như người. Phương ngôn chẳng đã nói “đất có tuần, dân có vận” hay là “sông có khúc, người có lúc” đấy ư?
Trên Mẫu Thoải, trên Địa Mẫu, Quốc Mẫu, còn Cửu trùng thánh Mẫu, là kiểu mẫu của Đức Mẹ vũ trụ hóa. Cõ lẽ đây là đại diện cho nguồn sống vận hành theo vòng thời tiết tuần hoàn của bốn mùa xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn với mỗi mùa một màu sắc xanh, hồng, thắm, vàng.
Ngự trùng cung Cửu thiên chính vị,
Ở trên trời sửa trị bốn phương.
Lòng chầu trong sạch như gương,
Thần thông, biến hóa sửa sang cõi trời.
Mặt hoa, mày liễu tốt tươi,
Hình dung yểu điệu miệng cười như hoa.
Lưng ong tóc phượng rà rà,
Áo xông hương xã, hài hoa chân giầy.
Cửu trùng ngự chín lần mây,
Quản cai các bộ tiên nay thượng đình.
Có phen chầu mặc áo xanh,
Ngự chơi đông điện, đàn tranh quyển trầm.
Lại sang phương Nam với bộ áo Hồng:
Áo xanh thay, đổi áo hồng,
Cõi Nam chinh ngự ngai rồng đỉnh đang.
Lại đến phương Tây với thắm:
Ngự chầu thôi mới ban ra,
Áo thắm quạt ngà ngự tới Tây cung.
Rồi vào chính giữa với áo vàng:
Áo vàng Mẫu mặc quạt ngà cầm tay.
Cờ vàng chỉ phát như bay,
Xe loan giá ngự, ngự rầy trung cung.
Nhưng mở đầu tất cả tập văn chầu, trước khi thinh tụng các vị lẻ tẻ giáng đồng, thì có bài tụng ca toàn thể “tứ phủ cộng đồng”, và đặc biệt nhất là điểm kêu cầu thỉnh tụng, trước tiên các chư Phật mười phương, rồi mới thỉnh đến chư vị chín phương đúng như phương ngôn “chín phương trời, mười phương Phật”, chứng tỏ đạo thần tiên, không những không mâu thuẫn với đạo Phật mà còn phụ thuộc vào đạo Phật nữa. Hình như tất cả chư vị thần tiên, thánh Mẫu đều là đệ tử của Phật vậy:
Kim niên lương nguyệt nhật thì,
Đệ tử tâu quỳ thỉnh Phật mười phương.
Trước là Phật Di Đà quá khứ:
Nam mô Phật ngự phương Tây,
Sen vàng lồ lộ hiệu nay Di Đà.
Kế theo là Phật Thích Ca hiện tại:
Đứng trước tòa lưu ly bảo điện,
Đức Thích Ca ứng hiện tự nhiên.
Rồi đến Đức Phật Đại từ bi cứu khổ cứu nạn; Phật Quan Âm, chư Bồ tát, Hộ pháp:
Đức Từ thị ngai vàng rỡ rỡ,
Phóng hào quang sặc sỡ vân yên.
Quan Âm thánh Mẫu ngự tiền,
Tả hữu Bồ Tát, tăng hiền đà la,
Đức Hộ pháp vi đà thiên tướng,
Vận thần thông vô lương vô biên.
Tận hư không giới thánh hiền,
Dục giới, sắc giới chú thiên đều mời!
(Tứ Phù Công Đồng Văn)
Đấy là thỉnh cầu chư vị thần linh trong khắp không gian, thời gian, gồm tất cả 4 thiên phủ, với 9 tầng trời.
Nhạc phủ với năm ngọn núi,
Thuỷ phủ với chín đầu rồng,
Địa phủ với mười ngục.
Ngoài bốn phủ ra còn Nam Tào coi về sinh tử, Bắc Đẩu với 9 tinh và 28 tú giúp việc Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Tóm lại cả một thế giới tràn ngập thần linh vô kể.
Khắp trên dưới bách quan văn, võ.
Hội đồng công tứ phủ vạn linh.
Nhưng tựu trung chỉ một tinh thần Đức Mẹ thông suốt tất cả, Đức Mẫu nguồn sống linh động của vũ trụ thảo mộc (monde végétal) này vậy, trên trời, mặt đất, dưới nước, đâu đâu bất cứ một hiện tượng thiên nhiên nào cũng là ảo ảnh tượng trưng cho quyền năng sinh thành của Đức Mẹ. “Thần thoại các đồng như ông M.Durand đã viết, hình như căn cứ vào những tín ngưỡng cổ xưa vào thánh Mẫu là nguồn của tất cả sự sống. Ngài phản chiếu vào trong tất cả các giới thiên nhiên và tất cả thần linh chỉ là thần hóa một trong những thuộc tính của ngài hay là một trong những giáng thế địa phương của ngài. Bởi thế mà có vô số thần linh nảy nở. Hơn nữa do điều kiện tâm lý chính trị về sau, có nhiều thần linh địa phương được tín đồ tán dương và có địa vị trọng yếu trên bàn thờ lẫn vào địa vị thánh Mẫu. Ngược lại thì thánh Mẫu cũng thu hút những thần thoại địa phương dần dần mất tích. Những lý do ấy cho ta hiểu sự phức tạp và cấp trật của chư vị trong thần thoại của Đồng. Cũng thế, mà ngoài các thần chính thức ca tụng trong văn chầu, ở các nơi còn có vô số thần linh hay hồn thiêng có thể giáng đồng, linh mục Cadière trong “Le Culte des Arbres” (sùng bái cây cối) có dẫn ra những linh hồn như Bà Cô không có con thường bắt trẻ. Để làm cho bà hài lòng hơn hết là cúng cho bà một hình nhân trẻ con. Sau việc lễ tống tiễn người ta hóa hình nhân đi và đứa trẻ như thế coi như đã hiến cho Bà Cô mà nó theo hầu. Linh mục Cadière còn dẫn ra Bà Hoả, Bà Mộc nữa. (Sđd, tr.45)
Xem thế thì tinh thần tín ngưỡng của Đạo Nội thần tiên ở Việt Nam tương tự với tín ngưỡng thần linh bên Ấn Độ sùng bái Đại Mẫu Kali, Bà Đen (La Noire) với tất cả thần thoại phong phú phức tạp như đi vào rừng già của nhiệt đới vậy.
Tâm lý lên đồng
Với một bàn thờ chư vị thần linh vô cùng biến ảo như thế thì tục lễ bái chắc hẳn cũng phải lạ kỳ. Nào khăn chầu, áo ngự màu sặc sỡ của nguyên tố Ngũ hành; nào đàn hát trống phách với nguyên tố ba động âm thanh bản sơ, man rợ; nào nhảy múa, quay cuồng như say, như tỉnh. Tóm lại là tất cả bản năng ẩn ức của con người có dịp tha hồ mà bộc lộ xuất hiện như chúng ta đã thấy mô tả ở các hội hành hương tại Phủ Giầy hay Kiếp Bạc.
Nhưng đáng lẽ đứng ngoài nhìn vào cái cảnh tượng cuồng tín hay mê tín để rồi khủng khỉnh quay đi mà thắc mắc vẫn còn thắc mắc, không hiểu vẫn là không hiểu, chi bằng thử quên mình đi, quên cái lý trí phê phán ngày thường, cố đi vào trong cái tâm trạng Đồng Bóng coi như một thực kiện tâm lý và xã hội, họa may thấy được tia sáng. Tôi thưở nhỏ sống ở quê nhà đồng ruộng Bắc Việt miền cổ điển là Thuận Thành, thường theo trẻ chăn trâu chơi trên bãi cỏ tha ma mộ địa, dưới bóng cây đa hay bên cạnh lăng miếu. Trẻ chăn trâu thường tụ họp đánh khăng, đánh đáo, chơi lú, chơi điều, chơi chán đi đến trò chơi phụ đồng chổi. Một đứa trẻ vào ngồi đồng, mặt phủ miếng vải, trước nén hương đen, lũ trẻ khác xúm chung quanh, đứa gõ nhịp, đứa hát nghêu ngao:
Phụ đồng, phụ chổi,
Thôi lổi mà lên,
Ba bề bốn bên,
Đồng lên cho chóng.
Nhược bằng cửa đóng,
Phá ra mà vào.
Cách chuôm cách ao,
Cũng vào cho lọt.
Cái roi von vót,
Cái vọt cho đau.
Hàng trầu, hàng cau,
Hàng hương, hàng hoa,
Là đồ cúng Phật.
Hàng chuối, hàng mật.
Hàng kẹo mạch nha,
Nào cô bán quế,
Vừa đi vừa tế.
Một lũ học trò,
Người cầm quạt mo,
Là vợ ông chổi,
Thôi lổi mà lên…
Cứ thế mà nghêu ngao, đứa ngồi đồng mắt nhắm bắt đầu lắc lư trước còn lảo đảo, đến sau càng đảo mạnh, sau cùng đưa tay lên giựt cái khăn phủ mặt đi, hai mắt mở to trừng trừng và có vẻ ngơ ngác, say sưa, trông quanh trông quẩn, rồi bất thình lình đứng dậy vớ lấy cái nắm lá mà quét, quét lia lịa, quét liên hồi, quét sùi cả bọt mép, vã cả mồ hôi, mà cứ quét mãi, quét hoài như điên như cuồng, da mặt xám ngoét cho đến khi ngã gục bên cạnh bãi phân trâu mà vẫn không tỉnh. Đến khi có người lớn trong làng ra, thấy thế đổ nước vào mặt đứa trẻ nằm thiếp đi thì rồi nó mới tỉnh lại.
Vào năm chín mười tuổi, tôi lại mục kích tại chính ở trong nhà, bấy giờ cha mẹ tôi di cư xuống huyện Hải Hậu. Một đêm tôi thình lình tỉnh dậy trong lúc đương ngủ say, người nhà bế tôi đi chỗ khác xa mẹ tôi. sáng hôm sau tôi thấy nói mẹ tôi bị bệnh. Tôi thấy bà hát luôn miệng, hát có vần điệu hẳn hoi, hát rồi lại khóc, khóc chán lại cười, mà giọng nói khác hẳn ngày thường. Bà phá phách lung tung trong buồng, tự nhiên có sức khoẻ phi thường, phải hai người lực điền cầm giữ chân tay mới bắt uống được bát thuốc. Thầy tôi là một nhà Nho không tin đồng bóng, mẹ tôi ngày thường là một người đàn bà hết sức hiền lành, chỉ lễ bái trong nhà giỗ tết tổ tiên hay ngày rằm mùng một cúng thổ thần v.v… Tôi không thấy nói đi lễ đền chùa chi cả.
Cứ như thế kéo dài, mẹ tôi thành người điên, không ăn không uống chi cả khiến cho tôi không được đến gần, trong nhà lo buồn.
Một hôm thầy tôi mời một thầy phù thuỷ có tiếng trong vùng đến yểm bùa gì đó, tôi không biết, chỉ biết là thầy phù thủy vừa bước vào trong nhà thì mẹ tôi đã gọi tên tục ông ta ra chửi bới om sòm. Thế rồi bệnh đâu vẫn đấy.
Thầy tôi xưa nay không bao giờ đi lễ chùa, đền, theo đúng tinh thần nhà Nho, cho đền chùa là tin nhảm, “quỷ thần kính nhi viễn chi”, lời Khổng Tử đã nói. Nhưng cùng quá, không biết nghĩ sao, thầy tôi đến xin lễ ở một ngôi đền, trong khi ấy ở nhà mẹ tôi tỉnh dần. Và sau đấy mấy hôm thì mẹ tôi đi lại ra ngoài sắm lễ ở đền, tuy đầu tóc bù xù như tổ kén; nghe nói là tóc kết, ngài bắt phải đội bát nhang vì căn thờ nặng, không đi lễ bái nên bị thánh phạt. Bấy giờ tôi còn nhỏ quá, chưa biết nhận xét, chỉ mục kích có một điều mà tôi nhớ mãi là mớ tóc kết của mẹ tôi thực không tài nào gỡ nổi, chỉ có cách cạo trọc đi thôi; nhưng lạ thay đến khi mẹ tôi ra trình đồng, đội bát nhang thì tự nhiên mái tóc lại tở ra như trước.
Rồi mẹ tôi khi tỉnh rồi vẫn trỏ vào tôi mà bảo, phải thờ quan Bạch Hổ. Và sau này tôi thấy trong nhà cạnh bàn thờ tổ tiên có đặt một bàn thờ quan Tướng, tức là Ngũ Hổ mà hình Bạch Hổ đứng giữa.
Mãi về sau này khi tôi đã đi du học về nước, được mục kích mẹ tôi lên đồng quan tướng, tôi cũng chẳng để ý quan sát xem quan tướng nào đã ốp đồng, duy chỉ biết lúc ấy mẹ tôi biến cả sắc thái, bộ điệu có vẻ hùng dũng cứng cỏi như đàn ông, khác hẳn ngày thường.
Đấy là thực kiện mắt thấy, tai nghe thuộc về loại lên đồng, thánh ốp, cầu cơ, giáng bút, phổ thông trong giới bình dân Việt Nam cho tới ngày nay. Phải chăng là trạng thái thác loạn tinh thần, mê tín nhảm nhí? Maurice Durand cho rằng: “Sự sùng bái thần linh trong Thiên đường đồng, nhắc lại sự sùng bái dạ xoa (yaksas) của những tín ngưỡng tiền Phật giáo bên Ấn Độ ngày nay vẫn còn. Sự dùng hình ảnh thần linh, đốt hương trầm, dâng hoa, thực phẩm, đồ trang sức, hát chầu văn, âm nhạc nhảy múa đều thấy ở Việt Nam.
Trong tục đồng bóng Việt Nam còn sót lại của tín ngưỡng Vu Nghiễn cổ xưa (chamanisme) tác dụng chữa bệnh, nhưng suy giảm đi nhiều và không biểu lộ ra ở các hành vi bạo động và quái lạ. Nhiều con Đồng là thầy chữa bệnh và nổi tiếng vì thế. Họ thường cho đơn thuốc với các vị thuốc lá Việt Hoa; nhưng bên cạnh sự chữa bệnh bằng thuốc, có kèm cách chữa bằng phép thuật. Nhiều khi trong một buổi hầu đồng có đọc lời khấn, lời ca tụng. Các đệ tử hiện thân cho một thần linh có hiệu lực và phán truyền qua miệng đệ tử, tìm cách xua đuổi ác thần hành người bệnh và là nguyên nhân của bệnh. Thường cũng có khi những lời phán truyền được ghi vào giấy mà Đồng đọc cho thầy cúng viết. Giấy ấy viết xong được đốt đi và tro tàn được lượm lấy hòa vào nước hay vào nước thuốc cho bệnh nhân uống. Nhất Lang trong “Đồng Bóng” (Hà Nội 1952) có đoạn: “Cụ Đồng H.C vẫn có tiếng là một bà Đồng căn, chữa bệnh rất tài nên xa gần các con tôi nhà thánh xảy có việc gì đều đến nhờ cụ rất đông”. (trang 132)
“Vậy các Đồng cũng như tất cả các phép trừ tà, mượn tay thần giá ngự quyền năng trừ tà ma nó đã nhập vào người khác mà làm cho đau ốm. Các con Đồng do thần giá ngự ứng vào, thì có khả năng tìm ra vị thuốc hay toa thuốc để chữa bệnh nhân đến cầu cúng. Có vị thần hiện ra dữ tợn như quan lớn Tuần Tranh chẳng hạn, mà những ác thần đều sợ. Không cần phải hiện ra với hình dung dữ tợn, tất cả nữ thần của thiên đường nhà Đồng tuỳ ngôi thứ và quyền năng trong cấp trật chư vị thần linh, chỉ cần một cử chỉ là đủ đuổi chạy tà ma khỏi quấy người sống” (sách đã dẫn, tr.46)
Cái điểm trọng yếu của triết lý Đồng là cái trạng thái ý thức “thánh ốp”, “bóng ốp”, “ngự đồng” hay “giá ngự đồng”. Làm thế nào phân biệt được đồng thật hay đồng giả, tinh thần thác loạn với tinh thần xuất thần thần hóa (ascèse). Ông Durand có nhắc đến phép xuất thần (transe) của tôn giáo Chaman ở phía Bắc Á châu. Theo Mircéa Eliade trong Mythes, Rêves et Mystères: “Tất cả thủ tục đạo Vu Nghiễn (Chaman) cổ truyền đều theo đuổi một mục đích: phá khuôn khổ phàm tục của cảm giác. Những giọng hát đều đều, những nhịp điệu nhắc đi nhắc lại kéo dài, sự mệt mỏi, sự trai giới tuyệt thực, sự nhảy múa, thuốc ma túy v.v… rút cục tạo ra một hoàn cảnh cảm giác mở vào “siêu nhiên”. Dĩ nhiên không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật sinh lý: ý thức hệ truyền thống hướng dẫn và tăng cường cho tất cả sự cố gắng ấy để phá vỡ những khuôn khổ cảm giác phàm tục. Điều cần nhất là sự tin tưởng hoàn toàn cảu tín chủ vào cái vũ trụ tinh thần nó muốn gia nhập vào: không có đức tin thì không đi đến đâu hết. Ở trường hợp những đệ tử học tập không có căn khiếu, nghĩa là không từng có kinh nghiệm “bắt đồng”, sự tự ý tìm tòi những quyền năng ma thuật đồng cốt đòi hỏi những gắng gổ và đau khổ lớn lao.
Nhưng mặc dù bắt đầu từ đâu, công việc cá nhân sửa soạn trước và sau khi truyền thụ tất nhiên đưa đến sự biến đổi trạng thái cảm giác, đệ tử cố gắng chết đi ở cảm giác phàm tục để tái sinh vào cảm giác thần bí. Cảm giác này biểu lộ bằng cách mở rộng những khả năng cảm giác, hay là bằng cách thu được những năng khiếu siêu cảm giác phi thường”. (sđd, tr.116)
Tóm lại “lên đồng”, “thánh ốp” là một trạng thái ý thức siêu cảm giác hoặc tự nhiên như trạng thái mộng du, hoặc nhân tạo bằng một công phu tu luyện , như khoa tu luyện Yoga hiện hành bên Ấn Độ, hay khoa thiền định trong Phật giáo. Điều cốt yếu tối căn bản là một đức tin thật thành tín, một đức tin tuyệt đối và đời sống chay tịnh về thể chất và tâm hồn. Sức mạnh của đức tin trong một thâm tâm trong sạch sẽ thăng hoa (sublimer) tất cả năng lực sinh lý kể từ tình dục thành năng lực tinh thần. Và năng lực tinh thần tập trung vào một đối tượng nào thì tự nhiên tất cả chủ thể hiện thân vào đối tượng ấy, đồng nhất với đối tượng.
Trong tiểu sử Ramakrishna vị thánh xứ Bengale gần đây, có đoạn nói về trạng thái “ốp đồng” từ lúc lên sáu tuổi:
“Một hôm, đi ven bờ ruộng cạnh làng, ông thấy một hàng bạc trắng muốt bay ngang trời mây đen thẳm. Cảnh ấy bỗng nhiên làm ông ngất đi, ngã bất tỉnh nhân sự cho đến khi có người làng bế về nhà. Cha mẹ cho vì tạng yếu nên thế.”
(Paramahansa Shri amakrishna – R.R.Diwakar)
Năm mười một tuổi, Ramakrishna lại kinh nghiệm một trạng thái ngất ngửa nữa, khi đi đến đền thờ thánh Mẫu Durga. Cũng lại một kinh nghiệm tương tự khi ông đóng vai tuồng thần Siva trong một vở kịch thơ. Vừa hóa trang thần Siva bước lên sân khấu đình làng thì ông bất tỉnh nhân sự. Người ta phải khiêng ông ra khỏi sân khấu và cố gọi tỉnh lại. Lần thứ nhất ngất đi vì thấy cảnh đẹp, lần thứ hai vì chiêm ngưỡng thánh Mẫu mà tinh thần tràn ngập hình ảnh của Mẫu; lần thứ ba là vì nghĩ đến thần Siva mà ngất đi. Đấy là những kinh nghiệm “ốp đồng” một cách tự nhiên của một tâm hồn dễ xúc động.
Rồi đến năm hai mươi tuổi Ramakrishna đến làm ông Đồng giữ đền thờ thần Địa Mẫu Kali. Và bắt đầu ông thấy rất nhiều thần ảo. Ông tự nhận là con Địa Mẫu và tập trung tất cả năng lực tinh thần vào Địa Mẫu.
Một bữa kia, ông lấy lễ phẩm trên bàn thờ Nữ thần để cho con mèo đói. Người ta la lên là phạm thượng. Ông tả lại tâm trạng mình lúc ấy như sau: “Nữ thần biểu lộ cho tôi thấy Nữ thần ở trong đền Địa Mẫu đã biến thành tất cả đồ vật trong đền. Nữ thần cho tôi hay mỗi vật tràn ngập ý thức. Hình ảnh đầy ý thức, chén nước cũng là ý thức, bàn thờ là ý thức, bậc cửa là ý thức, nền đá hoa là ý thức, tất cả đều là ý thức. Trong đền mỗi vật chìm trong bầu lạc thú thần linh. Trước cửa đền tôi thấy một người không lương thiện, nhưng ở y tôi cũng thấy quyền năng Đức Mẫu rung động. Bởi thế mà tôi lấy thực phẩm cúng Đức Mẫu để cho mèo ăn. Tôi cảm thấy rõ rệt tất cả đều là Đức Mẫu, cả đến con mèo”.
Rồi ông Đồng trẻ ấy lại thờ thần linh trong thái độ phụng thờ như tình tớ với thầy. Muốn bắt chước Tề thiên đại thánh (Hanuman) thần vượn, đệ tử hoàng tử Rama, tượng trưng cho người nghĩa bộc lý tưởng, Ramakrishna với tài biến thành người khác đã sớm trở nên đồng nhất với hình ảnh Hanuman, yêu Rama một cách say sưa, ăn trái cây, rễ cây, đi đứng như vượn.
Và cứ như thế mà Ramakrishna tiến triển trên con đường tu luyện đồng nhất hóa liên tiếp với tất cả thần linh mình phụng thờ, như điên, như cuồng cho đến khi gặp được thầy tu luyện có phương pháp để giải cho cái bệnh “đồng bóng” ấy mà người chung quanh bảo là bệnh điên. Thầy nói: “Con ơi, ở thế gian này, mỗi người đều điên. Kẻ điên về tiền của, kẻ điên về con cái, kẻ điên về xa hoa hay danh tiếng. Còn như con, con điên về thần linh.”
(Thuật theo Splange Lemaitre. Ramakrishna ed. Du Seuil)
Vậy đồng bóng ở Ấn Độ đã là một khoa cổ truyền có phép tắc kinh nghiệm hẳn hoi, để tu luyện cho con người thành thánh có thể cảm thông với thần linh tối cao. Nhưng ở Việt Nam vì mất truyền thống cố hữu, vì không có thầy giữ những linh nghiệm tâm linh truyền thống ấy nên đã sa đọa vào mê tín khác loạn, nếu không phải là một thứ dâm loạn cho bọn buôn thánh bán thần.
Đồng bóng vốn là một tín ngưỡng tối cổ của nhân loại sùng bái thánh Mẫu. Vũ trụ này được nhìn như biểu hiện của cái năng lực Âm Dương, nhân cách hóa vào thánh Mẫu. Đức Mẫu là năng lực sáng hóa liên tiếp vô cùng tận tất cả thế giới hữu hình này… Và bởi vì chúng ta là thành phần của thế giới này, chúng ta hiện ra đã bị giam trong cái lưới ảo hóa (Maya) của thời không, chúng ta không thể tìm giải thoát được, trừ phi nhờ vào bàn tay của Đức Mẹ, của chính năng lực sáng hóa ấy, vừa nuôi dưỡng, vừa bảo vệ thế giới, để mà gỡ lần từng mắt lưới một cho đến mắt lưới cuối cùng nhập vào lòng Mẹ mới hòng giải thoát. Kinh Tantra viết:
“Mẫu là nguồn gốc của tất cả hiện hữu. Các thế giới biểu hiện bắt đầu từ Mẫu. Chính Mẫu nâng đỡ chúng cho tới cùng, và chúng sẽ trở về lòng của Mẫu”.
(Tantra tatlva. A.Avalon – London –Madras 1914 vol II.p.27)
Ở Việt Nam hệ thống tư tưởng thánh Mẫu chỉ phổ thông trong giới phụ nữ xưa nay thường bị giới nho sĩ miệt thị là mê tín “đồng cốt quàng xiên” với nghĩa quàng xiên là nhảm nhí. Tuy ở đây chúng ta không thể trình bày vấn đề một cách sâu rộng được, nhưng cũng nên nhận rằng sự chống đối giữa hai khuynh hướng ấy không phải không có lý do tâm lý xã hội tất nhiên. Ấy là sự mâu thuẫn giữa quan niệm Tam tài Trời Đất Người, ba yếu tố tạo thành vũ trụ của truyền thống tư tưởng Khổng Nho Hoa Việt thuộc về chế độ xã hội phụ hệ (patriarcat) tộc trưởng trong đó người đàn ông có quyền ưu tiên. Với quan niệm Tứ phủ Thiên Địa Nhạc Thuỷ hay là bốn vị vua Bà là Mẫu Cửu trùng, Mẫu Địa tiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, bốn phân khu hay cõi trong vũ trụ hiện hữu của truyền thống tín ngưỡng Địa Mẫu (Terre-mater) cổ xưa của chế độ mẫu thệ (matriarcat) trong đó phụ nữ ở địa vị ưu tiên.
Ở Việt Nam chế độ phụ hệ do Trung Hoa đem vào đánh đổ chế độ mẫu hệ cố hữu bản xưa. Cho nên ngấm ngầm vẫn có xung đột, hoặc thốt ra lời thơ chua chát mỉa mai của nữ giới, lời thơ của Hồ Xuân Hương chẳng hạn:
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng,
Mỏi gói chồn chân cũng muốn trèo (Đèo Ba Dội)
Hoặc phản chiếu vào lời ca dao êm dịu hơn:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Hoặc phản chiếu cả vào hiến pháp như quyền phụ tử của luật Hồng Đức. Về bản chất tư tưởng thì sự sai biệt ấy giữa quan điểm nhìn vũ trụ theo số Ba (3) và quan điểm nhìn vũ trụ theo số Bốn (4:2:2).
Theo nghĩa tượng trưng thì số 3 là tròn, Thiên hiểu là thiên thời tuần hoàn, tức là Thiên viên: trời tròn. Số 4 là vuông. Địa hiệu như hình ruộng đất, tức hình vuông bản vị. Địa phương: đất vuôgn. Ý nghĩa triết học thì số 3 đại diện cho vô hình, trừu tượng, tôn tục (continu); còn số 4 đại diện cho hữu hình, cụ thể, gián đoạn (discontinu). Bình dân hiểu nôm na: “mẹ tròn, con vuông”. Tròn là sáng tạo, vuông là vạn vật. Đứng đầu hàng tạo vật là Đức Mẫu vậy.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử