lịch sử việt nam
Hành Trạng Vô Úy của Phật Giáo Việt Nam
Trúc-Lâm Lê-an-Bình biên khảo
Hành trạng Vô Úy (*) của Phật giáo Việt Nam đã được chư vị Tôn đức Tăng già thực hiện từ hơn 2000 năm lịch sử, kể từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam vào những năm trước Tây lịch. Hành trạng này được thể hiện trong công việc giữ gìn đất nước cũng như bảo vệ đạo pháp. Như vào năm 981, nhà Tống của Triệu khuông Nghĩa quyết tâm xâm lăng nước ta, hắn đã cử các tướng Hầu nhân Bảo, Quách quân Biện và Triệu phụng Huân mang hàng chục vạn quân lính kéo xuống miền nam nhất quyết tiêu diệt quân dân của triều đại Tiền Lê vừa mới thành lập.
Để đối phó với mưu đồ vừa nêu, Hoàng đế Lê Đại Hành (vào năm Tân Tỵ Thiên Phúc thứ nhất 981) đã chủ trương vận động toàn dân để chống giặc, trong các cuộc tiếp xúc vận động, những nhân tài của đất nước đều được mời gọi tham gia vào cuộc chiến vệ quốc này. Như ngài đã trực tiếp gặp gỡ thiền sư Vạn Hạnh để bàn về tương quan lực lượng giữa ta và địch; nhờ đại sư Khuông Việt đến núi Vệ Linh cầu nguyện thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương (đây là vị thần hộ trì Phật Pháp được trường tồn) cho cuộc chiến sớm đạt thắng lợi về phía nước ta; đồng thời chính bản thân đã làm lễ tế đền hai vị anh hùng dân tộc Trương Hống và Trương Hát của cuộc chiến tranh giải phóng do Triệu Việt Vương lãnh đạo vào những năm 548-570, và bài thơ Thần nổi tiếng Nước Nam sông núi cũng được ra đời từ đó, mà Lĩnh Nam Chích Quái thế kỷ thứ 14, Việt Sử Diễn Âm, Thiên Nam Ngữ Lục thế kỷ thứ 16 và 17 đã ghi lại.
Pháp Thuận thiền sư là người được Hoàng đế Lê Đại Hành kính trọng giao cho nhiệm vụ ngoại giao, cũng như soạn thảo những văn kiện quan trọng cho quốc gia, đồng thời cũng là người được nhà vua tham khảo các kế sách trong ngoài. Đứng trước tình thế dầu sôi lửa bỏng đó, ngài Pháp Thuận đã tiếp nối Hành trạng Vô Úy mà chư liệt vị tổ sư tiền bối truyền thừa trong việc hỗ trợ toàn tâm toàn lực với triều đình để đối phó hiểm họa xâm lăng. Phần của Hoàng đế Lê Đại Hành khi ngài nhờ đại sư Khuông Việt cầu nguyện thần Tỳ Sa Môn Thiên Vương là một hành động nhằm tác động tâm lý lên hàng ngủ quân dân nước ta để chống giặc. Nó có ý nghĩa là cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược của quân dân Đại Việt sẽ được chư thần gia hộ đến thành công vì đây là cuộc chiến đấu tự vệ có chính nghĩa. Và quả vậy Lĩnh Nam Chích Quái ghi Ngày 23 tháng 10, vào lúc canh ba của đêm, khi trời tối mịt, gió lớn mưa dồn nổ ra, quân Tống tan vỡ. Thần mập mờ đứng trên không trung, cao tiếng ngâm:
Nước Nam sông núi vua Nam ở
Rành rẽ phân chia tại sách trời
Giặc nghịch sao nay dám đến phạm
Chúng bay chuốc bại ngay chắc thôi
(Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư)
Quân Tống nghe thế chen nhau tứ tán, mỗi tự chạy trốn, bị bắt sống không thể kể xiết. Quân Tống đại bại rút lui. Vua Đại Hành đem quân về mừng thắng trận, phong thưởng cho hai thần nhân, người em là Uy Địch Đại Vương, lập đền tại Tam Kỳ Giang ở Long Nhãn, sai dân Long Nhãn và Bình Giang phụng thờ. Người anh là Khước Địch Đại Vương lập đền ở sông Như Nguyệt, sai dân ven sông phụng thờ, đến nay vẫn còn”. Tác giả bài thơ Thần - Nam Quốc Sơn Hà - không ai khác hơn là Thiền sư Pháp Thuận, với tinh thần vô úy (không sợ hãi) trước khí thế hung hãn của đoàn quân xâm lăng, ngài đã tự tại xác nhận tư thế độc lập của nước Đại Việt với nước Tàu, một quốc gia có diện tích lớn hơn, đông dân hơn, quá khứ đã nhiều lần xâm lăng và thống trị nước ta. Bài thơ Thần hoành tráng đó cộng với Hành trạng Vô Úy mà ngài thể hiện đã xóa tan mộng xâm lăng của nhà Tống góp phần bảo vệ sự tự do và vẹn toàn lãnh thổ cho nước Đại Việt trong suốt một thời gian dài.
Và 1022 năm sau, tháng 9 năm Quý Mùi (tức tháng 10 năm 2003 dương lịch).
Lại một lần nữa, những bậc Trưởng tử Như Lai tiếp nối hành trạng Vô Úy mà chư vị lịch đại tổ sư bồ tát đã truyền thừa, Hòa thượng Thích Huyền Quang cùng với 80 vị chư tôn thạc đức của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vân tập về tu viện Nguyên Thiều để họp bàn về tình hình giáo hội cũng như sắp xếp về những Phật sự liên hệ. Sự tụ họp này đã không qua bất cứ thủ tục nào do chế độ cộng sản Việt Nam quy định, một chế độ vốn coi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là tổ chức không thể đối thoại cũng như không thể làm việc chung (vì Giáo hội không chấp nhận cho chính trị chỉ đạo tôn giáo), nên sự tụ tập nói trên xem như là vi phạm luật pháp sở tại, vì chúng cho là GHPGVNTN vốn không có tư cách pháp nhân. Sự kiện này có thể dẫn đến những hậu quả không hay cho chư Tăng lãnh đạo giáo hội. Biết rõ như thế nhưng chư vị tôn đức của giáo hội vốn được trưởng dưỡng trong tinh thần từ bi và được truyền thừa bởi hành trạng Vô Úy, các thầy đã tự tại họp bàn về những Phật sự khác nhau của giáo hội mà từ hơn 20 năm qua đình trệ do tình trạng giáo hội liên tiếp bị trù dập đàn áp.
Thế nhưng việc gì phải đến đã đến.
Khi Đại Hội Bất Thường bế mạc, chư Tăng rời khỏi tu viện Nguyên Thiều lên đường về trụ xứ. Nhưng vào lúc 5 giờ sáng, giờ Việt Nam, ngày 8/10/2003 công an Bình Ðịnh đã chận đường không cho chiếc xe đưa Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng chư Tăng di chuyển. Trên xe này còn có chư Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Minh Hạnh, hai Ðại đức Thích Nguyên Vương, Thích Ðồng Thọ, bác tài xế và hai Phật tử. Xe bị chận cách Tu viện Nguyên Thiều chừng 200 thước bằng một chiếc xe nằm chắn ngang cản lối và việt cộng điều động một nhóm chừng 20 người nói là "quần chúng nhân dân" bao quanh xe và nói: “Thầy Huyền Quang ở lại! Thầy Huyền Quang ở lại!”. Thầy Tuệ Sỹ thuật lại, khi có người hỏi biết ai là Hòa thượng Huyền Quang không thì người nói trả lời không biết và tiếp thêm “người ta bảo tôi nói vậy đó“.
Tám giờ sáng hôm sau, giờ Việt Nam, tình hình trở nên căng thẳng. Nhóm người nhà nước thêm lên khoảng 40 và tìm cách đập vào lưng xe và cửa kính, kẻ thì mở nút cho xì hơi bánh xe. Ðã mấy lần tu viện Nguyên Thiều gọi công an đến can thiệp, nhưng không vào đâu. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cho biết "Tình hình rất căng thẳng, càng lúc càng căng thẳng ! Hòa thượng Huyền Quang bắt đầu mệt, vì nắng lên nóng lắm.Tất cả chư Tăng quyết định ngồi yên trong xe để phản đối".
Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 5 và 6/10, Ủy ban Nhân dân xã và công an đã triệu Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ đến hạch sách và dùng lời lẽ trịch thượng hỏi vì sao các thầy không chịu về Saigon. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ khẳng khái đáp: «Tôi là một công dân tự do nên đủ các quyền đi lại, thăm viếng người thân. Tôi dự tính sẽ cùng về Saigon với Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang vào ngày 14/10 sắp tới. Nếu các ông không cho thì ra quyết định trục xuất, tôi sẽ đi». Tới ngày 6/10 một đại tá công an cùng với hai thành viên Ban Tôn giáo từ Sài Gòn ra Bình Ðịnh để "áp giải" Hòa thượng về Saigon. Nhưng Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cương quyết từ khước, Hòa thượng nói với công an rằng tôi sẽ gọi chư Tăng và Phật tử ở Saigon ra đón tôi, tôi không đi xe của các ông.
Viết tới đây chúng tôi nhớ một câu chuyện nhỏ liên quan đến thầy Quảng Độ như sau: «Sau ngày 30/4/75 tại Sài Gòn, lúc đó trên đường phố đầy dẫy cán bộ 30, cùng các thanh niên thiếu nữ đeo và choàng khăn quàng đỏ, với khẩu AK trên tay họ nghêng ngang hống hách không coi ai ra gì cả. Thầy Quảng Độ có việc đi ra ngoài, trên người mặc chiếc hậu vàng, với hai tay áo rộng đường đường chính chính mà đi, không ngại ngùng gì những tên cán bộ 30, thanh thiếu niên khăn quàng đỏ, những tay này trông thấy thái độ đó, liền thổi còi kêu thầy lại và nói những lời vô lễ, thầy đưa tay định tát vào mặt kẻ vô lễ. Thử hỏi trong thời điểm như vậy có ai biểu hiện được thái độ vô úy giữa bối cảnh hỗn loạn như thế?
Trở lại câu chuyện hiện tại của năm 2003
Khâm thừa giáo chỉ của Hòa thượng Thích Huyền Quang một Đại Hội bất thường của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được tổ chức tại Úc Châu từ ngày 10 đến ngày 12/10/2003. Trong đại hội này ngoài việc sắp xếp vấn đề nhân sự của giáo hội cũng như bàn về Phật sự ở các nơi, đồng thời toàn thể Tăng tín đồ hiện diện đã phủ phục tham dự lễ suy tôn Hòa thượng Thích Huyền Quang là Đệ Tứ Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngày 12/10/2003.
Ở Bình Định, thì kể từ 10 giờ sáng, giờ Việt Nam (ngày 8/10/2003) tất cả các đường dây điện thoại ở Tu viện Nguyên Thiều đều bị cắt, nhưng những đường dây mới của Phật giáo Bình Ðịnh đã thiết lập được với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris. Vào lúc 13 giờ, giờ Việt Nam, đã có 200 Tăng Ni và trên 1000 Phật tử và quần chúng ở huyện Tuy Phước kéo đến bảo vệ Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và chư Tăng đang an tọa trong xe. Khối Tăng Ni và quần chúng đã ngăn cản không cho công an kéo chiếc xe về Tu viện Nguyên Thiều như họ ra lệnh. Trước áp lực của Tăng Ni, Phật tử cùng đồng bào chung quanh, csvn đã nhượng bộ cho chiếc xe chở chư Tăng lên đường vào lúc 4 giờ chiều.
Sáng ngày 9-10 (giờ VN), lúc 7giờ khi xe chở phái đoàn khởi hành rời Khánh Hòa khoảng một tiếng đồng hồ sau thì bị một toán công an đồng phục chận bắt chở các vị lãnh đạo GHPGVNTN tại đồn công an Lương Sơn, Vạn Giả (gần đèo Rù Rì). Sau đó công an đã thô bạo còng tay quý thầy chuyển sang xe bít bùng chở đi mất.
Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ sau 3 ngày bị bắt giam vô cớ, thầy đã tuyệt thực trong suốt 3 ngày liền. Thượng tọa Thanh Huyền phản ứng “Các ông bắt người vô cớ, không cho biết lý do, mà chỉ dựa vào bạo lực. Cái chế độ mà các ông gọi là dân chủ, tự do chỉ là sự giả dối, dùng vũ lực ức hiếp dân”. và thầy Thanh Huyền liền đó tuyên bố cùng với thầy Tuệ Sỹ “Để phản đối hành vi phi pháp này, kể từ giờ phút này, chúng tôi tuyệt thực”. Cán bộ hiện diện cộng sản đã không có thái độ gì cụ thể. Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ cho biết csvn đã chính thức ban hành biện pháp "Quản Chế Hành Chánh" 24 tháng với những tội danh đầy vu khống và mập mờ qua một phiên tòa đấu tố được diễn ra vào chiều Thứ Bảy hôm 11/10/2003 đối với thầy và Thượng tọa Thanh Huyền. Thượng Tọa Tuệ Sỹ cũng gửi thư cám ơn 5 vị dân biểu liên bang Hoa Kỳ gồm các vị Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Ed Royce, Mike Honda đã gửi kháng thư phản đối cộng sản Việt Nam (ngày 10/10/2003) về việc chặn bắt và giam giữ thô bạo này.
Khi nghe tin bị quản chế bằng “khẩu lệnh” của cộng sản Việt Nam, Hoà thượng Thích Thiện Hạnh đã viết thư phản kháng, nhưng không được giải quyết nên Hòa thượng quyết định tuyệt thực.Hoà thượng Thiện Hạnh bắt đầu tuyệt thực vào ngày 19/10/2003 đến nay đã nhiều ngày trôi qua. Trước ngày tuyệt thực Hoà thượng đã bị cảm cúm và ăn cháo mấy ngày, nên bây giờ sức khoẻ của Hoà thượng giảm sút và yếu đi rất nhiều. Chư Tăng thuộc Tăng đoàn TT - Huế, GHPGVNTN tại Huế, cùng hơn 150 tăng sinh ba trường sơ đẳng Phước Thành, Trung Đẳng Thuyền Lâm và Cao đẳng Từ Hiếu đã xin tự nguyện tuyệt thực cùng Hoà thượng để cầu nguyện. Nhưng Hoà thượng đã can rằng: “….Thời điểm này chưa phù hợp để quý Ngài, chư Tăng và các Tăng sinh làm điều đó, Tôi sẽ tuyệt thực một mình trước, để xem chính quyền có thiện chí giải quyết những nguyện vọng cơ bản chính đáng của tôi hay không. Nếu chính quyền không giải quyết thoả đáng, lúc đó quý vị yểm trợ cũng chưa muộn…”. Ngày 24/10, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo đã nhân danh Chư Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Viện Hóa Ðạo, thỉnh cầu Hòa thượng Thích Thiện Hạnh thọ thực trở lại. Trong một Thông bạch gởi từ Huế ngày 26/10/2003, Sa môn Thích Như Đạt - Tăng trưởng Tăng Đoàn Thừa Thiên-Huế Thành Viên HĐTL Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã cảnh báo sức khỏe của Ngài (tức Hòa thượng Thiện Hạnh) đến nay đã suy sụp trầm trọng đến mức báo động. Hòa thượng Như Đạt còn cảnh giác và nếu sinh mệnh của Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh có mệnh hệ gì, thì chính quyền cộng sản sở tại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lương tâm, lương tri con người và pháp luật.
Ðại sứ thuộc 15 quốc gia trong Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ tại Hà Nội được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế báo động về tình trạng đàn áp thô bạo nói trên đồng thời xin can thiệp với cộng sản Việt Nam để bảo vệ an ninh cho chư Ðại Tăng Phật giáo. Bà Françoise Hostalier, Cựu Bộ Trưởng Pháp đặc trách về giáo dục trẻ em, chủ tịch Hội Action Droits de l'Homme, đã lên án mạnh mẽ làn sóng đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội đối với các vị lãnh đạo tôn giáo trong vòng mấy ngày qua. Bà đã viết thư gửi Tổng Thống Pháp Jacques Chirac yêu cầu ông can thiệp khẩn cấp, buộc Hà Nội phải trả tự do cho các nhà lãnh đạo GHPGVNTN, nhất là phải để cho họ được phục hồi quyền tự do đi lại một cách toàn vẹn. Dân Biểu Quốc Hội Âu châu Olivier Dupuis đã lên án csvn phản bội những lời cam kết dân chủ hóa đất nước và ông yêu cầu các chính quyền Âu Châu không giao hảo với các nhà lãnh đạo độc tài như Việt Nam theo lời yêu cầu của người dân Âu châu.
Ông John Hanford, Đại Sứ Lưu Động Hoa Kỳ đặc trách về tự do tôn giáo toàn cầu đã kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam hôm thứ sáu 24/10, với bản tuyên bố trong đó cho hay Washington vẫn lo ngại về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng cho biết ông sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận với nhà cầm quyền Hà Nội để đạt được những tiến bộ trong hồ sơ này.
Tại hải ngoại, Hòa thượng Thích Hộ Giác ra thông tư khẩn đề ngày 22/10/2003 kêu gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các Châu tổ chức tuyệt thực phản kháng trước các tòa Ðại sứ, Lãnh sự quán của Cộng sản Việt Nam.
Hòa thượng Thích Như Huệ, Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc châu và Tân Tây Lan đã hưởng ứng qua Thông tư mang số 01-02/HÐÐH/HC/TT ngày 22/10/2003 kêu gọi 34 cơ sở Chùa viện của Giáo hội tại Úc châu và Tân Tây Lan đồng loạt tổ chức Một Tháng Lễ Cầu Nguyện cho Hội đồng Lưỡng Viện và Giáo hội tại quê nhà, từ ngày 1 đến 30/11/2003.
Tại Âu châu, Hòa thượng Thích Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Âu châu, cho biết đã dự trù trong tháng 11/2003 tổ chức 2 cuộc biểu tình trước Liên Hiệp Quốc ở Genève và trước Quốc hội Âu châu ở Bruxelles cũng như gặp gỡ trình bày tình hình pháp nạn tại hai cơ quan nói trên.
Ngày thứ ba 14 tháng 10 năm 2003, Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù thuộc Văn Bút Quốc Tế (Writers in Prison Committee/P.E.N.International) đã cho phổ biến trên Mạng lưới toàn cầu "Can thiệp Khẩn cấp" (Rapid Action Network) một Thông Cáo Báo Động mới về Tình trạng vi phạm Nhân Quyền trầm trọng ở Việt Nam. Bản Thông Cáo đặc biệt nhấn mạnh trường hợp các vị lãnh đạo GHPGVNTN vừa bị csvn đàn áp, bắt bớ thô bạo một cách vô cớ. Và đòi hỏi csvn phải phóng thích tức khắc và vô điều kiện các vị lãnh đạo của Giáo hội, chiếu điều 19 của Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.
Tại Pháp, cộng đồng người Việt đã tổ chức biểu tình chống việc đàn áp Phật giáo Việt Nam ở phía trước vận động trường Bercy quận 12 Paris, nơi Đức Lạt Lai Lạt Ma thuyết pháp cho các hàng Tăng tín đồ nhân dịp ngài ghé thăm nước Pháp
Ngày 21 tháng 10 năm 2003, các vị dân cử người Mỹ gốc Việt gồm Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Luật sư Trần Thái Văn, Andy Quách đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản và yêu cầu họ phải tức khắc trả tự do cho nhị vị Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ cùng chư vị Tăng sĩ khác qua thư ngỏ gởi đến Cộng đồng người Việt. Các vị này thông báo sẽ lên tiếng với các cơ quan lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ để can thiệp và tranh đấu đòi hỏi Cộng Sản Việt Nam phải thực thi tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam.
Hàng ngàn đồng bào Việt Nam đã tham gia buổi tuần hành và đốt nến cầu nguyện đòi hỏi chế độ cộng sản Hà Nội tôn trọng Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam do Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức từ 13 giờ 00 đến 20 giờ 00 ngày Thứ Bảy 25/10/2003. Civic Plaza Center: 1 Carlton B Goodlett Pl, San Francisco và biểu tình tuần hành đến Lãnh sự quán Việt cộng.
Phong Trào Đấu Tranh Đòi Tự Do Tôn Giáo, Dân Chủ, Nhân Quyền Và Toàn Vẹn Lãnh Thổ Cho Việt Nam (PT) phối hợp cùng các hội đoàn khác, đã phát động chiến dịch quốc tế vận cho tự do tôn giáo cũng như hỗ trợ GHPGVNTN, tại Âu Châu từ ngày 31 tháng 10 đến 11 tháng 11 năm 2003; tại Hoa Kỳ từ ngày 27 tháng 11 đến 3 tháng 12 năm 2003.
Như đã nói ở trên, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh là một trong những vị lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN đã phát nguyện tuyệt thực để bảo vệ đạo pháp và dân tộc, đồng thời đã gởi bản kiến nghị 6 điểm đến cộng sản Việt Nam để phản đối lịnh quản chế bằng miệng đối với bản thân của Thầy và nêu lên những nguyện vọng thiết yếu của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam. Hành động cao cả này khiến mọi người vô cùng ngưỡng mộ, trong đó có cả người viết bài này. Tuy nhiên chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến Thượng tọa Tuệ Sỹ trong việc phủ phục và đảnh lễ Hòa thượng hãy vì tiền đồ đạo pháp và dân tộc mà thọ trai trở lại. Hơn lúc nào hết, Đức Đệ Tứ Tăng Thống cũng như Hòa thượng Quảng Độ đang bị quản thúc mỗi người một nơi, nên sự hiện diện của ngài trong việc điều hành giáo hội cũng như tiếp tục dìu dắt hàng hậu bối là điều vô cùng bức thiết. Toàn thể Tăng tín đồ PGVN rất cảm kích, ngưỡng mộ tấm lòng đại từ bi của ngài với đạo pháp, tuy nhiên chúng con rất cần sự hiện diện của Hòa thượng trong giờ phút sôi động như hiện tại.
Hòa thượng Thích Thiện Hạnh nếu ngưng tuyệt thực và thọ trai trở lại là nhằm tiếp tục cùng chư vị Tôn đức khác lèo lái con thuyền Giáo hội vững tay chèo vượt qua cơn bảo táp trước mặt, cũng như là tấm gương sáng ngời để cho hàng hậu học noi theo. Cho dù GHPGVNTN chưa được phục hồi lại quyền sinh hoạt như trước 30/4/1975, nhưng ít nhất cũng chứng minh một điều là hành trạng vô úy vẫn tiếp tục tồn tại và được truyền thừa từ hàng ngàn năm nay. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ không bao giờ bị tàn lụi do việc HT Thiện Hạnh ngưng tuyệt thực mà vẫn tiếp tục sứ mạng Thượng Hoằng Phật Đạo, Hạ Hóa Quần Sanh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã trao phó trước khi ngài nhập niết bàn cách đây trên 2000 năm. Như thế làm gì có chuyện «thỏa hiệp để sống còn» như có người đã tưởng tượng trong một bài viết được phổ biến vào ngày 23/10/2003 trên mạng lưới thông tin toàn cầu.
Cho dù bị o ép, đàn áp, trù dập bởi chế độ csvn, các vị lãnh đạo GHPGVNTN vẫn tùy duyên nhưng không tùy cảnh để thi hành Phật sự. Tùy duyên không tùy cảnh của quý thầy trong tinh thần từ bi và trí tuệ. Do đó quý thầy vẫn duy trì được sự tự chủ trong việc điều hành Giáo Hội từ sau ngày miền Nam bị lọt vào tay lực lượng ngoại nhập Cộng sản Bắc Việt. Đặc biệt sự tự chủ này càng thể hiện rõ rệt hơn khi GHPGVNTN bị lực lượng ngoại nhập này dùng bạo lực giải tán để thành lập Giáo Hội Mặt Trận (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do Mặt Trận Tổ Quốc Việt cộng chỉ đạo) để phục vụ cho nhu cầu khống chế Phật giáo của lực lượng chiếm đóng. Sự tự chủ đó đã được quý Hòa thượng, chư vị Tôn đức Tăng già khác thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng lúc nào cũng dưới danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, dù phải chịu bất cứ nghịch cảnh nào đi nữa.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ tiếp tục duy trì lập trường căn bản của mình trong việc đòi hỏi sự hoạt động chính thức của GH nói riêng cũng như tự do tôn giáo, nhân quyền cho dân tộc nói chung. Như thế dù cho bị o ép trù dập bởi chế độ bất nhân bạo ngược, nhưng không vì đó mà phải chấp nhận hoạt động «trong phạm vi «cho phép» của chế độ» , dứt khoát Giáo Hội sẽ hoạt động trong tinh thần Vị Tha Vô Ngã Lợi Lạc Quần Sanh.
Việc tổ chức hai Đại Hội Bất Thường, một ở Bình Định, Việt Nam; một ở Melbourne, Úc Châu quả là một bước tiến mới, một giai đoạn mới trong hành trạng vô úy cũng như tự chủ của Giáo Hội. Bước tiến đó, sự tự chủ đó có mở ra được những bước tiến khác cho dân tộc trong vấn đề tự do dân chủ hay không lại là một ẩn số khá lớn. Giải được nó hay không còn nằm trong quyết tâm và trách nhiệm của mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Công cuộc vận động cho GHPGVNTN được sinh hoạt chính thức trở lại là một việc làm đầy chính nghĩa. Hơn 20 năm qua chư vị lãnh đạo GH đã hết lòng thực hiện với hành trạng vô úy. Do vì công cuộc vận động này có chính nghĩa nên đã được dư luận quốc tế cũng như cộng đồng dân tộc hết lòng ủng hộ. Sự ủng hộ đó đã là trợ duyên tốt cho Tăng tín đồ PGVN trong Phật sự đòi hỏi phục hoạt GHPGVNTN. Như trên đã nói, cho dù phải gặp nhiều nghịch cảnh đi nữa, chư vị Tôn đức lãnh đạo GH nói riêng, Tăng tín đồ Phật tử nói chung vẫn luôn trưởng dưỡng hành trạng vô úy để phục vụ đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Do đó ngày càng cảm hóa được những tầng lớp người khác nhau trong bổn nguyện của Giáo Hội.
Trước khi chấm dứt bài viết, đệ tử thiết tha đảnh lễ cung thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đại từ đại bi thọ trai trở lại để tiếp tục dẫn dắt hàng hậu bối giữa cơn sóng to bão lớn này. Cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni, chư vị cư sĩ Phật tử cùng đồng bào các giới hãy cầu nguyện Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương gia hộ cho Hòa thượng Thiện Hạnh được pháp thể khinh an huệ đăng thường chiếu.
(*) Tin giờ chót : Khi bài viết này được phổ biến vào 23 giờ 30 tối 28/10/2003, chúng tôi nhận được tin Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đã dũ lòng lân mẫn tạm ngưng tuyệt thực từ 17 giờ ngày 28/10/2003.
Nam Mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật tác đại chứng minh
(*) Hành trạng Vô Úy là cả một bước đường dài từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho tới bây giờ, khi những người Tăng sĩ cũng như cư sĩ đã thể hiện lòng không sợ hãi trước bất cứ khó khăn cũng như bạo lực nào để góp phần tâm và thân mình cho công cuộc Vệ quốc và Hộ đạo. Người thể hiện được tinh thần Vô Úy tức là đã đạt tới trình độ “Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, thước ca ra tâm vô động chuyển-Kinh Thủ Lăng Nghiêm” Lòng không sợ hãi đó như một đàn voi lâm trận hiên ngang và dũng mãnh không một chướng ngại nào có thể cản trở được. Đàn voi lâm trận xin hiểu ở hai nghĩa tánh và tướng .
Trúc-Lâm Lê-an-Bình (Kỷ niệm 1022 năm Hoàng đế Lê Đại Hành chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống tại sông Chi Lăng và công bố Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước Đại Việt)
---------------------------------
29/10/2003
vuong van <vuongvanvan@yahoo.ca>
Chào D/H LAB
Vô cùng tán thán tấm lòng khảng khái của D/H trước Pháp nạn bên nhà. Bài viết thật là công phu, tôi xin góp ý về vấn đề lịch sử e rằng bài viết có vài điểm không đúng.
- Cho rằng sư Pháp Thuận ( mất 991 ) là tác gỉa của bài hịch " Nam Quốc Sơn Hà " không đúng theo sử chép - Bài hịch tuyên ngôn độc lập đầu tiên của VN ( dĩ nhiên không phải đợi đến muà thu 1945 mà CSVN tô vẻ) do Lý thương Kiệt lúc cầm chân quân Quách Quỳ & Triệu Tiết tại sông Như Nguyệt đang đêm cho người vào miếu Trương Tướng Quân đọc để khích lệ tướng sĩ. Sự việc xảy ra vào năm 1076 dưới thời Lý nhân Tông. Trận đánh quân Tống dưới thời Lê đại Hành xảy ra tại Chi Lăng (981)- Hâù nhân Bảo bị chém chết và quân Tống bỏ chạy về Tàu không thấy có liên quan gì đến bài hịch đó. Thiền sư Pháp Thuận có dùng nghệ thuật phù sấm và tài chính trị giúp Lê Đại Hành. Thiền sư được nhắc nhiều về việc giả người chèo đò ứng đối tiếp sứ Tống là Lý Giác.
VVV.
30/10/2003
Cám ơn tài liệu của D/H nhiềụ Chuyện vua Lê đại Hành nằm mộng thấy 2 anh em tướng họ Trương có trong Lĩnh Nam Chích Qúai chứng minh bài hịch "NQSH" có trước 1076. Không hiểu tại sao sử gia Lê văn Hưu, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký toàn thư viết khác - Và hầu hết các bộ sử như Ddại Việt Sử Ký ( Ng Gia Tưởng ); Việt Nam sử Lược của Trần trọng Kim .. cũng viết như nhaụ Ddọc sử VN nhiều sự kiện thật nhức đầụ Phải chăng đền thờ của tướng quân họ Trương ở sông Như Nguyệt ngày nay vẫn còn ( Thuộc sông Cầu tỉnh Bắc Ninh ) phù hợp với cuộc chiến chống Tống năm 1076 tại sông Như Nguyệt hơn, trong khi trận đánh của vua Lê Ddại Hành ở sông Chi Lăng ( sông Thương tỉnh Lạng Sơn ) mà có sự rắc rối này ? Dù thế, viết sử là viết sự kiện (fact) đã xảy, không phải viết sự phán đoán.
Không biết các sử gia VN ngày nay đã đồng thuận và tu chỉnh lại chưa - Chứ hồi trước 75 bộ VNSL của Trần trọng Kim là tại liệu giảng dạy của bộ Giáo Dục
Một lần nữa, cám ơn D/H. Kính Chào
VVV.
--------------------------------
Tham khảo: Hon-viet, Phattuvietnam
Thư-viện bồ-đề online@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Trúc-Lâm Yên-Tử Trên Mạng Xã Hội:
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử