lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Chuyện Gì Đang Xảy ra Tại Trung Quốc?
1, 2
Nguyễn Xuân Nghĩa
...
Khi đảo ngược tình hình và tiến hành cải cách kinh tế từ đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình được ngợi ca là thực tế và quả cảm lần chân xuống nước để tìm các tảng đá vững mà bước qua sông. Thành ngữ “qua sông” hay “quá hà” là nói đến việc tìm hướng thay đổi mà không chết đuối.
Báo cáo của Giáo sư Tôn Lập Bình nói đến nỗi sợ… “không dám qua sông” – “bất tưởng quá hà”. Mà không dám vượt sông khi đã ở giữa dòng thì nhiều phần sẽ chết đuối. Vì rơi vào thế “chuyển hình hãm tịnh”, nôm na là lọt “bẫy xập của sự chuyển tiếp”. Đó là tựa đề của bài tóm lược.
Sau đó là một bản cáo trạng!
Qua ba thập niên, Trung Quốc đã có 10 năm cải cách, 10 năm úp mở rồi 10 năm sau cùng – trùng với thập niên đầu của thế kỷ 21 – là thập niên củng cố. Nhưng là củng cố đặc quyền đặc lợi của những tập đoàn quyền lực mà bản báo cáo gọi là “ký đặc lợi ích tập đoàn”. Bây giờ, xứ này bị nguy cơ rơi vào bẫy xập!
Giới kinh tế quốc tế thì nói đến bẫy xập của các nước đang phát triển khi đạt lợi tức đồng niên ở mức trung bình mà không vượt lên được và còn tuột vào khủng hoảng. Nhóm nghiên cứu xã hội của Đại học Thanh Hoa nói đến cái bẫy khác: việc cải cách khựng lại và đẩy lui.
Nguyên do chính là sức cản của các tập đoàn lợi ích để xứ sở đình đọng trong trạng thái họ gọi là “hỗn hợp”, hầu chiếm lĩnh tối đa đặc lợi. Hậu quả là những biểu hiện dị hình về phát triển kinh tế xã hội và những vấn đề tích lũy về kinh tế và xã hội.
Vì không là sự phán đoán của thế giới bên ngoài mà là của người trong cuộc, chúng ta nên chú ý đến lối phân tách này.
Lập luận của phúc trình là từ đã lâu, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến khảo hướng tiệm tiến của cải cách – thận trọng như người khoắng chân tìm đá dưới sông rồi mới tiến từng bước. Ngày nay, phép tiệm tiến đó có nguy cơ đưa cải cách vào bẫy xập vì từng bước tạo cơ hội trục lợi cho một số người khiến họ trì hoãn, và còn định chế hóa – chữ của bản phúc trình là “định hình hóa” – hệ thống truy tìm đặc lợi.
Nghĩa là các tập đoàn lợi ích không muốn nhấc chân ra khỏi những tảng đá vững chắc của chế độ đặc lợi nên chẳng những trì hoãn mà còn đẩy lui việc cải cách! Và đẩy xứ sở vào bẫy xập….
Bản báo cáo còn nêu ra và phân tách năm triệu chứng của bẫy xập.
Triệu chứng đầu tiên là tình trạng phát triển vừa xốp – không đồng bộ – vừa dị dạng! Xốp là khi tư nhân hay “động lực của dân gian” bị kềm hãm, tiểu thương và doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ bị điêu đứng, yêu cầu phát triển các tỉnh nghèo thì vẫn nguyên vẹn, thành phần bần cùng vẫn nằm dưới đáy. Trong khi ấy, kinh tế lại có những biểu hiện hiếu động và dị hình nhờ sự kích thích của nhà nước. Đó là nỗ lực ào ạt xoá và xây các công trình nguy nga vĩ đại, là việc tổ chức những sinh hoạt… hoành tráng, thậm chí tô tượng huy hoàng.
Việc thực hiện các dự án lớn lao ấy là biểu hiện của chứng bệnh gọi là “tăng lượng ỷ lại bệnh”: ỷ lại vào lượng tư bản để lập thành tích mà người ta gọi là phát triển. Nôm na là hóa dại về kinh tế!
Triệu chứng thứ hai của tình trạng sập vào bẫy là người ta hoài nghi sự cải cách. Người ta ở đây không chỉ là một số lãnh đạo mà cả quần chúng. Bản báo cáo phân tách hiện tượng lạ này như sau: nếu chỉ có một thiểu số cưỡng chống việc chuyển hướng trước sự khát khao của đám đông thì vấn đề tương đối còn dễ.
Khó khăn ở đây là các tập đoàn đặc lợi đã định chế hóa chế độ mập mờ hỗn hợp này và nhân danh cải cách để trục lợi. Kết quả là họ biến chuyện cải cách thành một quái thai dị hình – và sơ cứng vì được định chế hóa – khiến cho ngày càng có nhiều người bị dị ứng với cải cách và chuyển hóa! Một thí dụ được nêu ra trong bản phúc trình là chế độ bảo hiểm y tế – mà người viết xin miễn nhắc tới vì còn nêu ra triệu chứng thứ ba của bẫy xập.
Không chỉ có nạn cải cách bị sơ cứng mà cả xã hội cũng bị sơ cứng trong trạng thái phân cực đầy bất công. Người ta đã định chế hóa bất công xã hội!
Bản báo cáo nói đến sự phân cực trong xã hội giữa thiểu số “cừu phú” – mà ta có thể hiểu là “trọc phú” theo quan niệm phổ biến của mình – và bọn bần cùng bị nghi ngờ ở dưới, họ gọi là “hiềm bần”. Khía cạnh thứ hai của trạng thái bất công đó là sự tuyệt vọng của nhiều thành phần xã hội, như nông dân, dân công (người lưu tán kiếm việc ở nơi khác) và những kẻ cùng khốn ở dưới đáy tầng xã hội. Vì vậy mà xung đột lại càng dễ bùng nổ.
Nhưng phần phân tách xã hội của bản nghiên cứu có chi tiết còn đáng chú ý hơn thế. Đó là mặc dù kinh tế có tăng trưởng và mức sống có cải tiến, xã hội Trung Quốc đang có trạng thái bạc nhược và mất năng động tính. Chẳng lẽ quần chúng của đảng lại tuyệt vọng đến vậy?
Triệu chứng thứ tư là tinh thần và chánh sách thận trọng đến bại xuội vì phản ứng cầu an. Nói cho dễ hiểu là muốn bảo vệ sự ổn định, người ta kịch liệt đến tê liệt vì đánh giá sai biến động của kinh tế thị trường và động loạn hay mâu thuẫn xã hội. Có lẽ phần phân tách này mới là lý do khiến bản báo cáo bị thủ tiêu!
Từ nhiều năm nay, quả là mâu thuẫn xã hội có gia tăng, một phần là do những biến động của kinh tế thị trường, mà phải chăng lãnh đạo không hiểu, và dù sao cũng không thể đe dọa nền móng của chế độ. Nhưng nhiều người – hàm ý lãnh đạo chính trị – lại suy xét sai và dựng lên ảo giác bất ổn. Mượn lại một thành ngữ y học của Trung Hoa, chúng ta có thể nói đến hiện tượng “huyết biến vi tà”, máu huyết có bệnh nên nhìn đâu cũng thấy ma. Và lại mượn một thành ngữ của Tây, “chính là sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ”, một số đảng bộ địa phương đã quá sợ mất ổn định mà ra tay đàn áp người khiếu kiện, kẻ biểu tình, hoặc thẳng tay giải tỏa chung cư, giải tán cư dân. Đó là triệu chứng thứ năm.
Nó cho thấy đảng bị tuột tay. Quyền lực mù quáng khiến xã hội không cón có thể duy trì được công lý và sự công bằng. Kết quả là xã hội bị tụt đáy, luân lý suy sụp và hiện tượng phổ biến là người ta mất dần tính chất chuyên nghiệp và nhất là mất đạo tắc, quy tắc đạo lý, trong nghề nghiệp!
Xuất phát từ thành phần trí thức của chế độ, bản báo cáo có nội dung của một cáo trạng xã hội, nhưng cũng xoi thẳng vào một vấn đề chính trị. Chế độ hiện hành đang đẻ ra một thành phần “quan đảo”, nói cho dễ hiểu là quan lại ăn cướp!
Xin tạm kết về lời phê phán của giới trí thức nay đã bần thần về tương lai: mô hình Trung Quốc kết hợp kinh tế thị trường với quyền lực chính trị. Kết cục là tầng lớp “quan đảo” có quyền lực chính trị đã thẳng tay trục lợi trong hầu hết mọi lãnh vực kinh tế – và làm xã hội bị suy đồi…
Ăn Tết xong, có khi ta tìm hiểu xem các chuyên gia Trung Quốc đề nghị những gì trong báo cáo mà lại bị kiểm duyệt. Trong bốn loại biện pháp được gọi là cần thiết và không thể tránh lại có rất nhiều điều cấm kỵ. Cũng nguy hiểm như khi họ rờ vào cái vẩy ngược của con rồng!
Nhưng, sự kiện những người có súng hoặc có óc lại cùng nhúc nhích vào buổi đầu năm khiến ta nên đặt câu hỏi rất thời sự là: “chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc?” Dù chưa ai biết được câu trả lời, người Việt mình cũng nên nhân đó nghĩ lại xem. Rằng đấy có là cơ hội giải ảo cho Hà Nội hay chưa?
Còn lời chúc đầu năm là gì thì có lẽ người Việt nào cũng biết: đừng xếp hàng sau Trung Quốc rồi cũng không dám mò chân xuống nước để tìm ra con đường sáng cho đất nước.
Nguyễn Xuân Nghĩa
1, 2
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks