GIẢGIẢI PHẨU MỘT CUỘC CÁCH MẠNG
1, 2
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Ba tuần sau khi Tổng thống Mubarak từ chức, Thứ Ba vừa qua, thị trường chứng khoán Ai Cập vẫn chưa mở cửa như được thông báo.
AFP Photo. Quân đội Ai Cập đứng nhìn dân chúng biểu tình hôm 02/02/2011.
Không mấy ai ngạc nhiên về chuyện đó. Việc tu chính Hiến pháp làm cơ sở của cuộc bầu cử sắp tới cũng bị khựng vì cả chục điều khoản gây tranh cãi. Việc này cũng chẳng là bất ngờ. Nhưng, cuối tuần trước, khi chính quyền lâm thời trong tay Thượng hội đồng Quân lực của quân đội lại đưa quân cảnh ra dẹp dân biểu tình và dùng truyền thông quốc doanh để tác động vào quần chúng thì nhiều người nêu câu hỏi: "liệu Quân đội Ai Cập có thực hiện cách mạng dân chủ như quần chúng mơ ước không?" Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu những yếu tố kinh tế trong biến động mà người ta gọi là "cách mạng" này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin quý vị nghe Vũ Hoàng nêu vấn đề....
Bảo vệ chế độ cũ?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ba tuần sau khi Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức trước sức ép của quần chúng, tình hình Ai Cập vẫn chưa có chiều hướng ổn định. Người ta không ngạc nhiên về sự kiện này vì dù sao thì cũng còn cần thời gian. Nhưng đây đó, nhiều dư luận trong và ngoài nước đã hoài nghi về khả năng tiến hành cuộc cách mạng dân chủ hóa của Quân đội Ai Cập. Nhìn từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về nhận định này?
Quân đội Ai Cập sẽ đẩy lui thành quả cải tổ kinh tế để bảo vệ quyền lợi trong khi chỉ cải sửa có chọn lọc một số quy định chính trị thôi.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về tình hình Ai Cập và cả sự biến động tại nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông, tôi có mạo muội nêu ra một nghịch lý là chính việc cải cách kinh tế không đi đôi cùng cải cách chính trị có góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng. Tôi xin tóm lược nghịch lý ấy bằng một câu ngắn gọn: "dù có nâng mức dân sinh và dân trí qua kinh tế và giáo dục mà không nâng quyền dân chủ thì vẫn bị loạn".
- Vì vậy, tôi không ngạc nhiên về tình trạng tranh tối tranh sáng tại Ai Cập và còn e là Quân đội xứ này sẽ đẩy lui thành quả cải tổ kinh tế để bảo vệ quyền lợi trong khi chỉ cải sửa có chọn lọc một số quy định chính trị thôi. Nói cho phũ phàng thì quần chúng Ai Cập có giúp quân đội tiến hành đảo chánh Tổng thống để bảo vệ chế độ cũ. Nói cho thực tiễn trong lâu dài thì việc cải cách có thể tạo điều kiện cho một cuộc cách mạng dân chủ, nếu dân Ai Cập ý thức được điều đó mà nhân đà cải cách tiến hành cách mạng. Và chuyện này không dễ nếu người ta chỉ ăn mừng việc ông Mubarak phải ra đi.
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu là ông vừa trình bày rất cô đọng nhiều sự thể lịch sử của Ai Cập khi nói rằng "quân đội đảo chánh Tổng thống để bảo vệ chế độ cũ". Xin ông trình bày cho thính giả rõ về cái gọi là "chế độ cũ" này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hệ thống chính trị hiện nay của Ai Cập khởi sự từ năm 1952 khi một số sĩ quan trẻ, cấp tá trong quân đội, tiến hành cách mạng để chấm dứt chế độ quân chủ.
- Các sĩ quan ấy nghĩ rằng mình tiến bộ nhờ có tổ chức và lại am hiểu khoa học kỹ thuật hơn quần chúng nên mơ ước xây dựng một chế độ mới. Kiến thức kinh tế thô thiển và yêu cầu ngoại giao trong hoàn cảnh quốc tế là chống các đế quốc Âu Châu như Anh Pháp khiến họ ngả theo Liên Xô và áp dụng chế độ kinh tế Xô viết.
Người dân tại thành phố Alexandria, Ai Cập vui mừng sau khi Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho quân đội hôm 11.02.2011. AFP PHOTO/STR.
- Quần chúng Ai Cập ủng hộ quân đội vì hai lý tưởng thật ra đặt sai chỗ. Thứ nhất là độc lập dân tộc khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez năm 1956 và bành trướng thế lực trong khối Á Rập Hồi giáo với việc sát nhập hai lân bang là Syria và Yemen thành "Cộng hoà Á Rập Thống nhất" năm 1958. Thứ hai, về kinh tế là cuộc cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa kinh tế năm 1969. Đó là thành tích của Đại tá Nasser sau khi lên làm Tổng thống. Mà là thành tích ảo!
Vũ Hoàng: Ông nhắc lại sự kiện này khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới hoàn cảnh của Việt Nam! Thế rồi sau đó Ai Cập xoay trở ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau khi ông Nasser từ trần năm 1970, Tổng thống Anwar Sadate đã thấy hố nên có chuyển hướng. Trên cái trớn của một chiến thắng giả trong cuộc chiến với Israel năm 1973, ông tiến hành đổi mới với chính sách mở cửa kinh tế gọi là "Infitah" để ra khỏi chế độ bao cấp xã hội chủ nghĩa và đồng thời đẩy lui thế lực kinh tế của các tướng lãnh theo Nasser. Ông Sadate cũng từ bỏ chủ trương thân Liên Xô và giảng hòa với Israel, kết ước với Hoa Kỳ để trở thành một đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực và được viện trợ hầu canh tân xứ sở.
- Trong khi ấy, và đây là một chuyển động khác của quân đội Ai Cập: các tướng lãnh phải chấp nhận sự thể khách quan là có một hệ thống chính trị dân sự do một Tổng thống lãnh đạo. Tổng thống xuất thân từ quân đội và được các tướng lãnh hậu thuẫn, nhưng dần dần cũng xây dựng thế lực riêng qua một đảng chính trị. Trong khi ấy, quân đội đứng phía sau, chính thức thì không sinh hoạt chính trị nhưng thực tế lại kiểm soát một khu vực rộng lớn trong kinh tế quốc dân.
- Việc đổi mới của ông Sadate vì vậy cũng chỉ là đổi mới nửa vời vì vẫn duy trì một khu vực kinh tế "quân doanh" rất có ảnh hưởng của quân đội. Khi lên thay ông Sadat bị ám sát năm 1981, Tổng thống Mubarak tiếp tục chính sách đó, tức là củng cố quyền lực chính trị trong khu vực dân sự nhưng duy trì quyền lợi của tướng lãnh trong khu vực quân doanh vì cần hậu thuẫn của họ.
Cơ chế quân sự và dân sự
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì người ta thấy ra một sự tách đôi giữa hai cơ chế lãnh đạo là quân sự và dân sự, nhưng chìm sâu bên dưới vẫn là hồ sơ kinh tế với vai trò khống chế của khu vực kinh tế quân doanh. Hiện tượng đó mới dẫn tới cải tổ kinh tế mà chủ đích là thu hẹp phạm vi làm ăn của quân đội. Và có phải là việc cải cách như vậy mới dẫn tới biến động ngày nay không?
Chính trị phải đi đôi cùng kinh tế và không ai được nhân danh bất cứ cái gì để thu hẹp quyền chọn lựa của người dân.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa trên đại thề thì đúng như vậy!
- Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì chế độ kinh tế bao cấp hoàn toàn phá sản nên Ai Cập phải cải cách kinh tế mạnh hơn. Qua năm 2004, và cũng do áp lực của Hoa Kỳ qua viện trợ, việc cải cách ấy lại xâm phạm vào quyền lợi của quân đội. Chỉ vì hệ thống ngân hàng của nhà nước phải tài trợ các cơ sở quân doanh theo diện chính sách mà không thu được nợ khiến công quỹ bị hao hụt, ngân sách bị bội chi trong khi một số tướng lãnh trở thành triệu phú. Quân đội vẫn có binh lính được quần chúng tin tưởng vì cho là sức mạnh bảo vệ độc lập quốc gia nhưng các tướng lãnh lại thấy ảnh hưởng chính trị bị thu hẹp vì sức ép kinh tế khi Chính quyền Mubarak tư nhân hoá các ngân hàng và kiểm kê việc tài trợ các cơ sở quân doanh một cách chặt chẽ hơn.
- Chính là con trai của Mubarak là Gamal Mubarak cùng một nội các có nhiều chuyên gia đã tiến hành việc cải tổ đó với sự khuyến khích của các định chế tài chính quốc tế hầu mở rộng phạm vi sinh hoạt của tư doanh. Tất nhiên, chủ đích của Gamal không phải là để cho người dân dễ thở dễ sống mà là để xây dựng thế lực kinh tế khác. Thế lực này bành trướng theo sự thoái lui của hệ thống quân doanh qua tiến trình giải tư hay tư nhân hoá, cổ phần hóa.
- Khi Mubarak lại có ý chọn Gamal - là người không xuất thân từ quân đội - ra tranh cử Tổng thống vào cuối năm nay để kế nhiệm mình thì các tướng lãnh coi như hệ thống chính trị dân sự có ý đồ đảo chánh, lật đổ hệ thống chính trị cũ do quân đội xây dựng lên.
Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ chúng ta hiểu ra tranh chấp chính trị lồng trong tính toán kinh tế bên dưới mà dư luận bên ngoài thì chỉ chú ý hoặc nói đến làn sóng dân chủ mà thôi. Nhưng nếu sự tình quả như vậy thì Ai Cập đang ở vào một hoàn cảnh lạ thường. Đó là quân đội đang xây dựng lại một hệ thống chính trị dân sự với việc tu chỉnh hiến pháp, thu hẹp nhiệm kỳ của Tổng thống và tổ chức bầu cử, v.v... Nhưng còn hồ sơ kinh tế thì sao?
1, 2