lịch sử việt nam
Con Mèo Của Tôi...
1, 2
Đã gọi là “Xuân Con Mèo,” thì theo thông lệ, theo truyền thống là phải có tí tí “mùi” Mèo mới trọn bộ phim bộ… Vì vậy, tôi xin viết vài hàng về con mèo “Mùa Xuân” cho hợp lệ “tình trạng quân dịch (?)” và cũng nhân tiện, tôi quá giang vào đây thêm một chút đỉnh về “Con Mèo 2 chân” của riêng cá nhân tôi cho vui nhà vui cửa đầu năm con Mèo. Xin nói trước, cũng chẳng có chuyện gì mới lạ đâu. Một con Mèo “Mùa Xuân” thì cũng y hệt như các “Con Mèo” quí vị thường thấy hàng ngày vậy thôi; vì lẽ “văn hóa” Mèo không có lệ “ăn tết” chẳng hạn như vay thêm nợ, trang hoàng nhà cửa, mua sắm quà cáp, chưng diện quần áo mới… (Xin được viết chữ hoa cho con “Mèo” trong bài này).
Việt Nam từ ngàn xưa vốn là nơi tương đối ấm áp, mưa thuận gió hòa, hợp với căn bản nông nghiệp. Đa số người Việt làm việc đồng áng (cày cấy, trồng trọt) và nuôi năm con vật chung quanh nhà là: Trâu (Sửu), Ngựa (Ngọ), Dê (Mùi), Gà (Dậu), Heo (Hợi); và hai con trong nhà là: Chó (Tuất) và Mèo (Mão / Mẹo). Quí vị có để ý là tất cả bẩy (7) con vật vừa liệt kê đều có mặt trong bộ 12 con Giáp của Việt Nam ta.
Khác hẳn với Tầu, “Con Mèo” là một đặc thù văn hóa Việt Nam. Người Tầu dùng “Con Thỏ” (Thố) cho chi thứ Tư của 12 con Giáp chứ họ không dùng “Con Mèo.” Theo tôi, có lẽ vì nước Tầu ở phía bắc (trên nước ta), phong thổ lạnh hơn. Ngoài ra, người Tầu từ thời cổ có đời sống thiên về văn hóa du mục, nghĩa là họ chuyên cỡi ngựa, săn bắn, và liên tục di chuyển thay đổi chỗ ở, cho nên họ không chú trọng vấn đề định cư, canh tác và nuôi gia súc… Thành thử người Tầu ít nuôi Mèo; ít nói về Mèo. Chữ “Mèo” (Miêu) thấy rất ít trong văn bản cổ (thơ, phú, văn) của Tầu; ngược lại, chữ “Thỏ” (Thố) thì thấy rầt nhiều…
Với nền văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam, danh từ “Con Mèo” được dùng tượng hình và tượng thanh rất rộng rãi trong văn chương bác học, bình dân, ca dao thơ phú và cả trong ngôn ngữ bình thường trao đổi hàng ngày.
Sau đây xin giới thiệu một bài thơ chữ Nôm tiêu biểu về “Con Mèo” của Nguyễn Trãi:
“Con Mèo / Miêu”
Lọ vằn sinh bởi mãi phương tây
Phụng sự như lai trộm phép thầy
Hơn chó được ngồi khi giỡn bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây
Đi nào kẻ cấm buồng the kín
Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy
Khó mấy sang chẳng nỡ phụ (*)
Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày.
(Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập - bài số 251)
_______
Ghi chú:
(*) Bài thơ “Miêu” (Con Mèo) của Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập” là một bài thơ “Thất ngôn bát cú” (mỗi câu 7 chữ và toàn bài gồm tổng cộng 8 câu); nhưng mà qua nhiều văn bản ghi lại “Thi tập” này (mà tôi đã tham khảo) tất cả đều ghi thiếu sót mất một (01) chữ ở câu thứ 7 (chỉ còn lại 6 chữ?) Thật là lạ! Tôi cũng không hiểu tại sao? Và tìm hoài không ra! Đành có sao xài vậy!
“Con Mèo” (4 chân) là một con vật từ tốn, thong thả, hiền lành, được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh hàm ẩn nhiều ý xấu. Những cá tính riêng của Mèo được dùng để ví von, ám chỉ, trêu chọc, khiêu khích, đôi khi để sỉ nhục con người qua các tương phản dựa theo những con vật quen thuộc khác như “chuột,” “chó,” “cọp…”
Chẳng hạn:
Trong liên hệ tình cảm nam nữ
Tuy chúng ta đã biết đại khái Mèo là một động vật có vú, đẻ con và nuôi con cho bú…. Nhưng tôi thấy hình như chưa có ai (?) “nghiên cứu” để hiểu cho rõ ràng xem Mèo đực “giao hợp” (“cụm từ” này là chữ viết tắt của 4 chữ “giao lưu hợp tác” chứ không có ý gì khác!) với Mèo cái ra thế nào trên nóc nhà mỗi buổi tối (chỉ nghe những tiếng kêu thất thanh, oai oán, khá rùng rợn!!!) Ậy! Thế mà con người đã vội vàng đem con Mèo ra để ví von, gán ép các chuyện yêu đương, bồ bịch lăng nhăng thiếu đứng đắn!
“Mèo chuột:” Ám chỉ chuyện trai gái lén lút.
“Mèo mỡ:” Chuyện yêu đương lăng nhăng.
“Mèo mả gà đồng:” Chuyện trai gái lăng loàn, hạ cấp.
“Mèo lành chẳng ở mả:” Đàn bà hư đốn không lo liệu chuyện gia đình.
“Mèo không ăn vụng thì đi đêm làm gì?” Ám chỉ, ngờ vực chuyện đi ngang về tắt của người không chính chuyên, đàng hoàng.
Cách làm việc
Suốt cuộc đời, Mèo chỉ đơn giản làm có 4 công việc: Ăn, ngủ, bắt chuột, và đi “ị “(dấu kít)… Con người vừa phức tạp vừa “chấp” đã vẽ ra nhiều cách làm việc rất nghe rất “nản;” Đồng thời lại vu vạ cho là “làm” giống y hệt như cách làm việc của Mèo (?!)
“Làm như mèo mửa:” Làm qua loa, đại khái không đi đến đâu cả! Chắc chắn phải làm lại từ đầu mới xong!
“Mèo cào không xẻ vách vôi:” Khuyên trước khi làm việc gì thì phải lượng sức mình; nếu không thì dù cố gắng lắm cũng vô ích.
“Mèo vật đụn rơm:” Kẻ tài trí thô thiển mà muốn làm chuyện đại sự ngoài khả năng của mình.
“Mèo dấu ‘kít:’ ” Cách làm việc thiếu lương thiện.
Cá tính
Mèo có nhiều cá tính rất gần gũi với người. Con người đã dùng những cá tính đặc trưng của “Mèo” để dè bỉu đầy ác ý, đố kỵ, ghen tị với những người khác sống ở chung quanh mình.
“Giấu như mèo dấu ‘kít:’ ” Chê những người dấu diếm một cái gì đó quá kỹ.
“Lấp lấp ló ló như mèo dấu ‘kít:’ ” Dáng dấp lấp ló thiếu vẻ lương thiện.
“Mèo khen mèo dài đuôi:” Tự sướng, tự đề cao, tự khen ngợi, tự công kênh mình lên.
“Ăn như mèo:” Ăn từ tốn, chậm rãi. Phụ nữ ăn như Mèo thì được khen là có nết; nhưng đàn ông ăn như Mèo thì bị xem như có tật xấu.
“Lèo nhèo như mèo vật đống rơm:” Nói dai, nói dài (để xin xỏ điều gì!)
“Mèo ngồi xó bếp:” Tính lười biếng; thiếu bươn chải.
“Im ỉm như mèo ăn vụng:” Che giấu lỗi lầm bằng cách im lặng; hoặc thấy điều gì có lợi thì cố giữ kín chỉ mình biết để mong hưởng một mình.
Hoàn cảnh
Mèo mà cũng có hoàn cảnh nữa hả giời??? Không phải vậy đâu! Đây là hoàn cảnh của chính con người; nhưng con người lại “vờ vĩn” đem Mèo ra làm vật so sánh để khỏa lấp cái tâm địa không được lương thiện của mình? Ai mà biết được?!
“Mèo mù vớ cá rán:” Vận may đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẩn, ngặt nghèo.
“Mỡ để miệng mèo:” Đặt trước mặt người thứ gì mà họ đang mong muốn thèm khát.
“Mèo già hóa cáo:” Ngụ ý người già (sống lâu) tích tụ được nhiều kinh nghiệm tốt. Cũng có nghĩa là lúc mới bắt đầu làm việc thì rụt rè nhút nhát; nhưng ở lâu thì tinh ma như qủy.
“Như mèo thấy mỡ:” Nhìn thấy một món lợi trước mắt và thèm muốn chiếm đoạt cho được.
“Run như mèo ướt:” Bị quá lạnh; hoặc quá sợ hãi.
“Tiu ngỉu như mèo cắt tai:” Vì thất bại nên buồn rầu; Vì thất vọng nên nản.
“Kêu như mèo con mất mẹ:” Than vãn, kêu van hơi quá đáng.
1, 2
@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử
...