ỦY BAN LUẬT GIA VIỆT NAM BẢO VỆ DÂN QUYỀN CÔNG BỐ CÁO TRẠNG KẾT ÁN ĐẢNG CỘNG SẢN VN VỀ 6 TỘI PHẢN BỘI TỔ QUỐC
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Trước Tòa Án Quốc Dân và Tòa Án Lịch Sử, các Luật Gia Việt Nam công bố Cáo Trạng kết án Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) về 6 tội phản bội tổ quốc theo trình tự như sau:
I. NĂM 2009, ĐCSVN TỪ BỎ 60% KHU VỰC THỀM LỤC ĐỊA MỞ RỘNG TẠI VÙNG BIỂN HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA.
Về mặt pháp lý, Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tại Biển Đông Nam Á hay Biển Đông, các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế thềm lục địa pháp lý 200 hải lý chạy từ biển lãnh thổ ra khơi. Như vậy tối thiểu thềm lục địa của quốc gia duyên hải kéo dài từ đường cơ sở ven bờ (baselines) tới vùng hải phận 212 hải lý (trong đó có biển lãnh thổ 12 hải lý territorial sea).
Chiếu Điều 77 Luật Biển, Thềm Lục Địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải. Mọi sự xâm chiếm của ngoại bang, dầu có võ trang hay không, đều vô giá trị và vô hiệu lực. Do đó dầu Trung Hoa đã chiếm đóng 13 đảo Hoàng Sa, và một số các đảo, cồn , đá, bãi tại Trường Sa, nhưng Việt Nam vẫn không mất chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo này.
Ngoài thềm lục địa pháp lý 200 hải lý các quốc gia duyên hải còn được hưởng quy chế thềm lục địa mở rộng (từ 200 đến 350 hải lý) nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển. Đó là trường hợp của Việt Nam tại Biển Đông. Bản Phúc Trình của Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt năm 1925 và bản Phúc Trình năm 1995 của các Luật Sư Covington và Burling cùng xác nhận điều đó.
Theo Họa Đồ Mercator lập hồi tháng 12-1995 thềm lục địa mở rộng của Việt Nam từ Bắc chí Nam trải dài trên 11 vĩ tuyến từ Quảng Trị (vĩ tuyến 17) xuống Nam Cà Mau (vĩ tuyến 7), hai điểm cực nam có tọa độ 6.48 Bắc và 5.18 Bắc.
Ngày 7-5-2009 Nhà Cầm Quyền Hà Nội đệ nạp Ủy Ban Định Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc bản Phúc Trình kèm theo họa đồ và tọa độ ấn định giới tuyến Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng (TLĐMR) của Việt Nam (Extended Continental Shelf). Trong Phúc Trình này, bỗng dưng vô cớ, ĐCSVN tự ý thu hẹp thềm lục địa mở rộng chỉ còn 4 vĩ tuyến (từ Quảng Ngãi tại Vĩ Tuyến 15 xuống Bình Thuận tại Vĩ Tuyến 11). Và như vậy ĐCSVN đã từ bỏ 7 vĩ tuyến thềm lục địa mở rộng cả về phía Bắc và phía Nam:
1. Về phía bắc, ĐCSVN đã từ bỏ 3 vĩ tuyến TLĐMR (tại các vĩ tuyến từ 17, 16, 15, từ Quảng Trị xuống Quảng Ngãi). Đây là vùng biển tọa lạc 13 đảo Hoàng Sa: Đảo Trí Tôn tại vĩ độ 15.50, Đảo Hoàng Sa tại vĩ độ16.30, Đảo Phú Lâm tại vĩ độ 16.50, các Đảo Bắc và Đảo Cây tại vĩ độ 16.60. Kết quả là toàn thể quần đảo Hoàng Sa không còn nằm trên TLĐMR của Việt Nam về phía Bắc Quảng Ngãi. (Điểm 1 Họa Đồ có tọa độ 15.02 Bắc và 115 Đông).
Sự kiện này đi trái với Bản Phúc Trình năm 1925 của Tiến Sĩ Khoa Học Armand Krempt Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương.
Theo Phúc Trình Krempt quần đảo Hoàng Sa nằm trên Thềm Lục Địa Địa Chất hay Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam. Vì quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển Việt Nam. Về mặt địa chất, với đất đai, sinh thực vật, khí hậu v…v. .., các đảo Hoàng Sa thuộc cùng một loại địa chất như lục địa Việt Nam. Sau 2 năm nghiên cứu, đo đạc, vẽ các bản đồ về hải đảo và đáy biển, Tiến Sĩ Krempt lập phúc trình xác nhận rằng: “Về mặt địa chất, những đảo Hoàng Sa thuộc thành phần lãnh thổ của Việt Nam”. (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam).
Hơn nữa, về mặt địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo dài ra ngoài biển. Nếu nước biển rút xuống khoảng 900m thì Quần Đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một hành lang chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn qua Cù Lao Ré đến các đảo Trí Tôn, Hoàng Sa, Phú Lâm, Đảo Bắc và Đảo Cây..
2. Về phía Nam Chính Phủ Việt Nam cũng chỉ vẽ Thềm Lục Địa Mở Rộng từ Quảng Ngãi xuống Bình Thuận (Điểm 45 Họa Đồ có tọa độ 10.79 Bắc và 112 Đông). Và như vậy Việt Nam đã mất 4 vĩ tuyến Thềm Lục Địa Mở Rộng từ vĩ tuyến 11 xuống vĩ tuyến 7 (từ Bình Thuận xuống Nam Cà Mau).
Hậu quả là tất cả các đảo lớn, các cồn và Bãi Tứ Chính tại vùng Biển Trường Sa, vì tọa lạc về phía nam vĩ tuyến 11, nên không còn nằm trên TLĐMR của Việt Nam: Như các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Bình Nguyên (Flat Island), Thái Bình (Itu Aba), Loại Tá, Vĩnh Viễn (Nansha), Bến Lộc (West York), Thị Tứ, (cùng với Bãi Tứ Chính, và các cồn An Bang, Sơn Ca, và Song Tử Tây do Việt Nam chiếm cứ).
Như vậy theo Phúc Trình của Nhà Cầm Quyền Hà Nội, toàn thể các đảo, cồn, đá, bãi tại quần đảo Trường Sa đều tọa lạc ngoài khu vực Thềm Lục Địa Mở Rộng của Việt Nam, từ Điểm 1 tại Quảng Ngãi đến Điểm 45 tại Bình Thuận.
Sự kiện này đi trái với Bản Phúc Trình năm 1995 của các Luật Sư Covington và Burling theo đó Việt Nam có quyền được hưởng quy chế Thềm Lục Địa Mở Rộng (từ 200 đến 350 hải lý) tại vùng biển Trường Sa. Vì đáy biển Trường Sa là sự “tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền kéo rất xa ra ngoài biển khơi”. (Vietnam is entitled to claim (more than 200 nautical miles) because the natural prolongation of the Vietnamese mainland extends considerably farther seaward than 200 nautical miles).
Trong mọi trường hợp, với Phúc Trình năm 2009, ĐCSVN đã phản bội tổ quốc bằng cách vô cớ và vô lý từ bỏ 7 vĩ tuyến (3 vĩ tuyến về phía Bắc và 4 vĩ tuyến về phía Nam). Đây là những vùng hải phận và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
II. TỘI CHUYỂN NHƯỢNG CÁC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA TRƯỜNG SA CHO TRUNG CỘNG
Hơn 50 năm trước, năm 1958, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh là Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước, Phạm Văn Đồng gửi văn thư cho Chu Ân Lai để dâng cho Trung Cộng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dầu các quần đảo này thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa chiếu Điều 4 Hiệp Định Geneva ngày 20-7-1954:
1) Ngày 15-6-1956, Ung Văn Khiêm (ngoại trưởng) minh thị tuyên bố: “Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa”.
2) Ngày 14-9-1958 qua lời Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, đã hiến dâng cho Trung Cộng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3) Để biện minh cho lập trường bán nước Biển Đông của Hồ Chí Minh, sau khi Trung Cộng xâm chiếm Trường Sa hồi tháng 3-1988, báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản trong số ra ngày 26-4-1988 đã viết: “Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng 2 quần đảo nói trên”.
4) Và hồi tháng 5-1976, báo Saigon Giải Phóng trong bài bình luận việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa bằng võ lực hồi tháng giêng 1974, đã viết: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi”.
Từ 1956, mục tiêu chiến lược của Đảng Cộng Sản Việt Nam là “giải phóng Miền Nam” bằng võ lực. Để chống lại Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Đồng Minh, Hà Nội hoàn toàn trông cậy vào sự cưu mang nhiệt tình của người thầy phương Bắc. Vì sau cái chết của Stalin năm 1953, Liên Xô chủ trương chung sống hòa bình với Tây Phương, trong khi Mao Trạch Đông vẫn mạnh miệng tuyên bố “sẽ giải phóng một ngàn triệu con người Á Châu khỏi ách Đế Quốc Tư Bản”.
Mà muốn được cưu mang phải cam kết đền ơn trả nghĩa. Ngày 14-9-1958, qua Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước cam kết chuyển nhượng cho Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có 3 lý do được viện dẫn:
a) Vì Hoàng Sa, Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-7 (Quảng Trị-
Cà Mâu) nên thuộc hải phận Việt Nam Cộng Hòa. Đối với Hà Nội nhượng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc trong thời điểm này chỉ là bán da gấu! (không phải tài sản của mình).
b) Sau này do những tình cờ lịch sử, nếu Bắc Việt thôn tính được Miền Nam thì mấy quần đảo tại Biển Đông đâu có ăn nhằm gì so với toàn thể lãnh thổ Việt Nam?
c) Giả sử cuộc “giải phóng Miền Nam” không thành, thì việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa sẽ có tác dụng làm suy yếu phe Quốc Gia về kinh tế, chính trị, chiến lược và an ninh quốc phòng.
III. TỘI NHƯỢNG ĐẤT BIÊN GIỚI CHO TRUNG CỘNG
Năm 1949, sau khi thôn tính lục địa Trung Hoa, mục tiêu chiến lược của Quốc Tế Cộng Sản là nhuộm đỏ hai bán đảo Đông Dương và Triều Tiên.
Qua năm sau, 1950, với sự yểm trợ của các chiến xa Liên Xô và đại pháo Trung Cộng, Bắc Hàn kéo quân xâm lăng Nam Hàn. Tuy nhiên âm mưu thôn tính không thành do sự phản kích của quân lực Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.
Từ 1951 cuộc chiến bất phân thắng bại đưa đến hòa đàm (vừa đánh vừa đàm). Hai năm sau Chiến Tranh Triều Tiên kết thúc bởi Hiệp Định Đình Chiến Bàn Môn Điếm tháng 7, 1953.
Thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Cộng tập trung hỏa lực và kéo các đại pháo từ mặt trận Bắc Hàn xuống mặt trận Bắc Việt.
Để tiếp tế võ khí, quân trang, quân dụng, cung cấp cố vấn và cán bộ huấn luyện cho Bắc Việt, các xe vận tải và xe lửa Trung Cộng đã chạy sâu vào nội địa Việt Nam để lập các căn cứ chỉ huy, trung tâm huấn luyện, tiếp viện và chôn giấu võ khí. Thừa dịp này một số dân công và sắc dân thiểu số Trung Cộng kéo sang Việt Nam định cư lập bản bất hợp pháp để lấn chiếm đất đai.
Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai khởi sự từ 1956, với các chiến dịch Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân (1968) và Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Bắc Việt huy động toàn bộ các sư đoàn chính quy vào chiến trường Miền Nam. Thời gian này để bảo vệ an ninh quốc ngoại chống sự phản kích của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (như trong Chiến Tranh Triều Tiên), Bắc Việt nhờ 300 ngàn binh sĩ Trung Cộng mặc quân phục Việt Nam đến trú đóng tại 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Trong dịp này các binh sĩ, dân công và sắc dân thiểu số Trung Hoa đã di chuyển những cột ranh mốc về phía nam dọc theo lằn biên giới để lấn chiếm đất đai.
Trong Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba khởi sự từ 1979, để giành giật ngôi vị bá quyền, Trung Cộng đem quân tàn phá 6 tỉnh biên giới Bắc Việt. Và khi rút lui đã gài mìn tại nhiều khu vực rộng tới vài chục cây số vuông để lấn chiếm đất đai.
Ngày nay, do đề nghị của Bắc Kinh, Hà Nội xin hợp thức hóa tình trạng đã rồi, nói là thể theo lời yêu cầu của các sắc dân thiểu số Trung Hoa đã định cư lập bản tại Việt Nam.
Năm 1999 họ ký Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung để nhượng cho Trung Cộng hơn 800 km2 đất biên giới, trong đó có các quặng mỏ và các địa danh như Ải Nam Quan, Suối Phi Khanh tại Lạng Sơn và Thác Bản Giốc tại Cao Bằng...