ỦY BAN LUẬT GIA VIỆT NAM BẢO VỆ DÂN QUYỀN CÔNG BỐ CÁO TRẠNG KẾT ÁN ĐẢNG CỘNG SẢN VN VỀ 6 TỘI PHẢN BỘI TỔ QUỐC
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
...
IV. TỘI BÁN NƯỚC BIỂN ĐÔNG CHO TRUNG CỘNG
Kinh nghiệm cho biết các quốc gia láng giềng chỉ ký hiệp ước phân định lãnh thổ hay lãnh hải sau khi có chiến tranh võ trang, xung đột biên giới hay tranh chấp hải phận.
Trong cuốn “Biên Thùy Việt Nam“(Les Frontières du Vietnam), sử gia Pierre Bernard Lafont có viết bài “Biên Thùy Lãnh Hải của Việt Nam” (La Frontière Maritime du Vietnam). Theo tác giả, năm 1887, Việt Nam và Trung Hoa đã ký Hiệp Ước Bắc Kinh để phân ranh hải phận Vịnh Bắc Việt theo đường kinh tuyến 108 Greenwich Đông (105 Paris), chạy từ Trà Cổ Móng Cáy xuống vùng Cửa Vịnh (Quảng Bình, Quảng Trị). Đó là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa tại Vịnh Bắc Việt. Vì đã có sự phân ranh Vịnh Bắc Việt theo Hiệp Ước Bắc Kinh 1887, nên “từ đó hai bên không cần ký kết một hiệp ước nào khác.” Do những yếu tố địa lý đặc thù về mật độ dân số, số hải đảo, và chiều dài bờ biển, Việt Nam được 63% và Trung Hoa được 37% hải phận.
Năm 2000, mặc dầu không có chiến tranh võ trang, không có xung đột hải phận, bỗng dưng vô cớ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lén lút ký Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ để hủy bãi Hiệp Ước Bắc Kinh 1887.
Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ là một hiệp ước bất công, vi phạm pháp lý và vi phạm đạo lý.
Bất công và vi phạm pháp lý vì nó không tuân theo những tiêu chuẩn của Tòa Án Quốc Tế, theo đó sự phân ranh hải phận phải căn cứ vào các yếu tố địa lý, như số các hải đảo, mật độ dân số và chiều dài bờ biển. Ngày nay dân số Bắc Việt đông gấp 6 lần dân số đảo Hải Nam, và bờ biển Bắc Việt dài gấp 3 lần bờ đảo Hải Nam phía đối diện Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam có hàng ngàn hòn đảo trong khi Hải Nam chỉ có 5 hay 6 hòn. Tại miền bờ biển hễ có đất thì có nước; có nhiều đất hơn thì được nhiều nước hơn; có nhiều dân hơn thì cần nhiều nước hơn. Vì vậy hải phận Việt Nam phải lớn hơn hải phận Trung Hoa (63% và 37% theo Hiệp Ước Bắc Kinh). Và cũng vì vậy vùng biển này có tên là Vịnh Bắc Việt (không phải Vịnh Quảng Đông).
Ngày nay phe Cộng Sản viện dẫn đường trung tuyến để phân ranh hải phận với tỷ lệ lý thuyết 53% cho Việt Nam. Như vậy Việt Nam đã mất ít nhất 10% hải phận, khoảng 12.000 km2. Tuy nhiên trên thực tế phe Cộng Sản đã không áp dụng nghiêm chỉnh đường trung tuyến. Họ đưa ra 21 điểm tiêu chuẩn phân ranh Vịnh Bắc Việt theo đó Việt Nam chỉ còn 45% hải phận so với 55% của Trung Quốc. Và Việt Nam đã mất 21.000 km2 Biển Đông.
Bất công hơn nữa vì nó không căn cứ vào những điều kiện đặc thù để phân ranh Vịnh Bắc Việt. Tại vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa), biển rộng 170 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 85 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí (thay vì 200 hải lý theo Công Ước về Luật Biển). Trong khi đó, ngoài 85 hải lý về phía tây, đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý về phía đông thông sang Thái Bình Dương tổng cộng là 285 hải lý. Theo án lệ của Tòa Án Quốc Tế, hải đảo không thể đồng hóa hay được coi trọng như lục địa. Vậy mà với số dân chừng 7 triệu người, đảo Hải Nam, một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc, đã được hưởng 285 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí, trong khi 45 triệu dân Bắc Việt chỉ được 85 hải lý. Đây rõ rệt là bất công quá đáng. Bị án ngữ bởi một hải đảo (Hải Nam) người dân Bắc Việt bỗng dưng mất đi 115 hải lý vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và thềm lục địa để khai thác dầu khí (chỉ còn 85 hải lý thay vì tối thiểu 200 hải lý).
Hơn nữa, Hiệp Ước này còn vi phạm đạo lý vì nó đi trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền như Công Lý, Bình Đẳng, Hữu Nghị, không cưỡng ép, không thôn tính và không lấn chiếm.
V. TỘI DÂNG CÁC TÀI NGUYÊN VÀ NGUỒN LỢI THIÊN NHIÊN CHO TRUNG CỘNG
Cùng ngày với Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt năm 2000, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn ký Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá và thiết lập Vùng Đánh Cá Chung với Trung Cộng.
Năm 2004, Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt. Tuy nhiên, trái với Điều 84 Hiến Pháp, Hiệp Ước Đánh Cá không được Quồc Hội phê chuẩn, chỉ được Chính Phủ “phê duyệt”.
Theo Hiệp Ước sau này, hai bên sẽ thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 60 hải lý, mỗi bên 30 hải lý, từ đường trung tuyến biển sâu nhiều cá, khởi sự từ vĩ tuyến 20 (Ninh Bình, Thanh Hóa) đến vùng Cửa Vịnh tại vĩ tuyến 17 (Quảng Bình, Quảng Trị).
Tại Quảng Bình biển rộng 120 hải lý, theo đường trung tuyến Việt Nam được 60 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân chỉ còn 30 hải lý gần bờ ít cá. Trong khi đó Hải Nam được 290 hải lý để toàn quyền đánh cá.
Tại Ninh Bình, Thanh Hóa, biển rộng 170 hải lý, theo đường trung tuyến, Việt Nam được 85 hải lý. Trừ 30 hải lý cho vùng đánh cá chung, ngư dân Việt Nam chỉ còn 55 hải lý gần bờ. Trong khi đó Hải Nam được 315 hải lý.
Hơn nữa, theo nguyên tắc hùn hiệp, căn cứ vào số vốn, số tầu, số chuyên viên kỹ thuật gia và ngư dân chuyên nghiệp, Trung Cộng sẽ là chủ nhân ông được toàn quyền đánh cá ở cả hai vùng, vùng đánh cá chung và vùng hải phận Trung Hoa.
Ngày nay trên mặt đại dương, trong số 10 tầu đánh cá xuyên dương trọng tải trên 100 tấn, ít nhất có 4 tầu mang hiệu kỳ Trung Quốc.
Các tầu đánh cá lớn này có trang bị các lưới cá dài với tầm hoạt động 60 dặm hay 50 hải lý. Do đó đoàn ngư thuyền Trung Quốc không cần ra khỏi khu vực đánh cá chung cũng vẫn có thể chăng lưới về phía tây sát bờ biển Việt Nam để đánh bắt hết tôm cá, hải sản, từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị. Chăng lưới đánh cá tại khu vực Việt Nam là vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên các đội tuần cảnh duyên hải Việt Nam sẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Là cơ quan kinh tài của Đảng, họ sẽ triệt để thi hành chính sách thực dụng làm giàu với bất cứ giá nào như cấu kết chia phần với ngoại bang mặc dầu mọi vi phạm luật pháp và vi phạm hiệp ước.
Trong cuộc hùn hiệp hợp tác này không có bình đẳng và đồng đẳng. Việt Nam chỉ là kẻ đánh ké, môi giới mại bản, giúp Trung Cộng mặc sức vơ vét tôm cá hải sản Biển Đông, để xin hoa hồng (giỏi lắm là 5%, vì Trung Cộng có 100% tầu, 100% lưới và 95% công nhân viên).
Rồi đây Trung Cộng sẽ công nhiên vi phạm Hiệp Ước Hợp Tác Đánh Cá cũng như họ đã thường xuyên vi phạm Công Ước về Luật Biển trong chính sách “tận thâu, vét sạch và cạn tầu ráo máng” và chính sách thực dụng mèo đen mèo trắng của Đặng Tiểu Bình, làm giàu là vinh quang, làm giàu với bất cứ giá nào. Ngày nay tại vùng duyên hải Trung Hoa, các tài nguyên, hải sản và nguồn lợi thiên nhiên như tôm cá, dầu khí đã cạn kiệt. Do nhu cầu kỹ nghệ và nạn nhân mãn (của 1 tỷ 380 triệu người) Trung Quốc đòi mở rộng khu vực đánh cá và khai thác dầu khí xuống Trung và Nam Việt trong vùng hải phận và Thềm Lục Địa riêng của Việt Nam. Đó là những tai họa xâm lăng nhỡn tiền.