lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
THÔNG TRI GỬI ÂN XÁ QUỐC TẾ
VỀ VỤ LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ VÀ CÁC LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI, LÊ THỊ CÔNG NHÂN VÀ CÙ HUY HÀ VŨ BỊ KẾT ÁN VỀ TỘI TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC
1, 2
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Ngày 4-4-2011 vừa qua, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ bị Tòa Án Hà Nội kết án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước chiếu Điều 88 Hình Luật.
Bốn năm trước đây, vào những ngày 30-03-2007 và 11-05-2007, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Luật Sư Lê Thị Công Nhân đã bị lần lượt kết án 8 năm, 5 năm và 4 năm tù cũng về tội này.
Đây là những tội đại hình nghiêm trọng về xâm phạm an ninh quốc gia mà hình phạt có thể đến 12 hay 20 năm tù.
A. Về tội danh tuyên truyền chống nhà nước
Tuyên truyền chống chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước không cấu thành tội hình sự. Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu và quyền thông tin. Cùng với quyền tự do hội họp, tự do lập hội và lập đảng, những quyền này được bảo vệ bởi các Điều 19, 21 và 22 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Theo Điều 19 Công Ước “Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị (nhà cầm quyền) can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến những tin tức, ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới quốc gia”.
Điều 69 Hiến Pháp Việt Nam cũng quy định như vậy: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền thông tin, kể cả quyền hội họp, lập hội, biểu tình…”
Do đó các bản án tuyên phạt Linh Mục Nguyễn Văn Lý và 3 Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Cù Huy Hà Vũ do những hành vi tuyên truyền chống nhà nước và thành lập chính đảng, đã hiển nhiên vi phạm hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế.
Về tội tuyên truyền chống chế độ, giữa thế kỷ 19, Các-Mác công bố bản “Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản” kêu gọi vô sản toàn thế giới đứng lên đấu tranh võ trang lật đổ chế độ tư bản. Vậy mà Mác cũng không bị Tòa Án Luân Đôn truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản.
Sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ Đông Âu năm 1989, nhân loại văn minh vứt vào thùng rác lịch sử chế độ ngụy xã hội chủ nghĩa. Cũng vì vậy Đảng CS Việt Nam đã giảo hoạt thay đổi tội danh, từ tuyên truyền chống chế độ (Điều 82 cũ) thành tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88 mới).
Tuyên tuyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước là những tội danh giả tạo không thấy trong các bộ hình luật của các quốc gia văn minh trên thế giới.
Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị “không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều đã làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế”. [Luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia, như những nguyên tắc và mục tiêu trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc 1945, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và Công Ước Quốc Tế vể Những Quyền Dân Sự và Chính Trị 1966]
Về tội tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hỏa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Điều 88 Khoản 1 Điểm (a) và (c) Hình Luật quy định các yếu tố cấu thành tội trạng như “những hành vi phỉ báng chính quyền; chống Nhà Nước bằng tuyên truyền xuyên tạc; và làm ra, tàng trữ hay lưu hành các tài liệu có nội dung chống Nhà Nước”.
Ngoài ra Điều 88 Khoản 1 Điểm (b) còn kết án tội “dùng chiến tranh tâm lý phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.
Đây là một tội lỗi thời, tàn tích của thời Chiến Tranh Lạnh. Cộng Sản thường lầm lẫn luật pháp với chính trị. Họ đã sáng chế ra những tội trạng giả tạo phi- pháp- lý như phản động, phản cách mạng, địa chủ gian ác, cường hào ác bá, xét lại chống đảng, biệt kích văn nghệ v...v... Đối với họ, chính trị là thống soái và luật pháp là công cụ. Bộ Hình Luật năm 1985 cũng xác nhận điều đó: “Trong hệ thống pháp luật của Nước Cộng Hòa XHCNVN, luật hình sự là một công cụ sắc bén của Nhà Nước chuyên chính vô sản để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Trong chiều hướng đó Quốc Hội Cộng Sản đã ban hành những đạo luật hình sự quy định những tội trạng bịa đặt giả tạo và cưỡng ép lố bịch, với những yếu tố cấu thành tội trạng hết sức bao quát và mơ hồ, như những tội tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết, gián điệp, phản nghịch (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền) v...v....
Việt Nam đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị từ năm 1982, nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và thực thi những điều khoản ghi trong Công Ước.
Chiếu Điều 2 Công Ước “các quốc gia hội viên tham gia Công Ước cam kết sẽ tôn trọng và bảo đảm sự thực thi những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp những quyền tự do ghi trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp và hiến pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết hay tham gia Công Ước có nghĩa vụ phải ban hành các đạo luật bổ túc theo tinh thần và bản văn các điều khoản trong Công Ước để các quyền này được thực sự thi hành”.
Điều 27 Công Ước Vienna về Luật Hiệp Ước Quốc Tế (1969) xác nhận sự Thượng Tôn của Luật Quốc Tế đối với Luật Quốc Nội. Trong trường hợp các quốc gia hội viên kết ước không quy định thành văn những quyền này trong hiến pháp và luật pháp quốc gia, thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người dân ghi trong Công Ước Quốc Tế vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng trước các tòa án quốc gia và quốc tế.
Cũng vì vậy, mới đây, Việt Nam đã ban hành đạo luật năm 2008 để tái xác nhận sự tham gia vào Công Ước Quốc Tế, và để thừa nhận giá trị thượng tôn của Công Ước Quốc Tế đối với Luật Pháp Việt Nam.
Hơn nữa, chiếu Điều 5 Công Ước Dân Sự Chính Trị, các quốc gia hội viên kết ước hay gia nhập Công Ước Quốc Tế không được giải thích xuyên tạc các điều khoản trong Công Ước để phủ nhận và tước đoạt của người dân những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trên toàn cầu.
Trong hiện vụ, theo Công Ước Quốc Tế, tuyên truyền không phải là một tội hình sự, dù là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước. Đây chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin, quyền tham gia chính quyền, quyền đối kháng và quyền thay thế chính quyền bằng tự do tuyển cử chiếu Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết đã được tuyên dương trong Điều Thứ Nhất Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Điều Thứ Nhất Công Ước Dân Sự Chính Trị.
Phần Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng minh thị thừa nhận quyền đối kháng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền”.
Như vậy Điều 88 Hình Luật Việt Nam quy định tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” phải bị hủy bỏ. Vì nó đi trái với các Điều 19, 21 và 22 Công Ước Dân Sự Chính Trị chiếu nguyên tắc thượng tôn của luật quốc tế đối với luật quốc nội.
Vì con người không phải là á thánh nên, để điều hành guống máy nhà nước, quốc gia cần phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, phê phán, chỉ trích, đối kháng và thay thế chính quyền. Nếu không có tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền thông tin, quyền đối kháng bằng phê bình chỉ trích thì không thể có dân chủ. Và nếu người dân không có quyền tự do tuyển cử để tham gia chính quyền và thay thế chính quyền thì đảng cầm quyền sẽ hủ hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực.
Như vậy, tuyên truyền lên án nhà nước độc tài, tham nhũng, bất công hay bất lực là những hành vi chính trị hợp pháp trong một chế độ dân chủ pháp trị. Nó không cấu thành tội hình sự. Đặc biệt là, tại các quốc gia dân chủ văn minh, tòa án không truy tố và kết án những hành vi tuyên truyền cho chủ thuyết cộng sản. Tòa cho đó chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu để cổ võ một lý thuyết chủ nghĩa trừu tượng (abstract doctrine). Chỉ khi nào có sự tổ chức lật đổ chính quyền bằng tập hợp võ trang, và khởi sự hành động võ trang gây nguy hiểm rõ rệt cho an ninh quốc gia, thì đương sự mới bị truy tố, không phải về tội giả tạo tuyên truyền chống nhà nước, mà về tội phản nghịch.
1, 2
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks