Quân Đội Nhân Dân Trong Cao Trào Dân Chủ
1, 2
Nguyễn Quang Duy
...
Diễn Biến Từ Bên Trên Quân Đội.
Cũng trên báo Quân Đội Nhân Dân, Tiến sỹ Lê văn Bảo còn cho biết: “... đặt trọng tâm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Bởi đó là nơi hoạch định ra đường hướng, chủ trương, chính sách của đất nước.” Điều ông Bảo nói tới có thể xem là những diễn biến từ bên trên như Trương Tấn Sang đã đề cập.
Đại Tá tiến sỹ Dương văn Lượng lại cho biết :”Phạm vi can dự, can thiệp và chuyển hóa của chủ nghĩa đế quốc trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thông qua hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu tư, viện trợ, chuyển giao công nghệ; các hoạt động du lịch; thông qua các tổ chức phi chính phủ, các đoàn ngoại giao, các diễn đàn quốc tế và khu vực, thông qua đối ngoại cấp cao …” Như vậy việc phân tích những quan điểm gần nhất của lãnh đạo đảng Cộng sản và lãnh đạo Quân Đội sẽ thấy được phần nào sự khác biệt giữa các quan điểm chiến lược quân sự và hiểu thêm được phần nào diễn biến từ bên trên Quân Đội.
Trong cuộc gặp gỡ ngày 27-11-2010, Trương Tấn Sang đã xác nhận với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc rằng quan hệ chiến lược với Trung Quốc là "một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Trong cuộc tiếp xúc báo chí tại Washington DC ngày 28-09-2010 khi được hỏi về Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết diễn đàn sẽ bàn về hợp tác vì hòa bình và ổn định của khu vực, chứ không phải để tranh cãi đối đầu, sẽ đề cập “các vấn đề chung”, như an ninh biển, trong đó có hàm chứa vấn đề Biển Đông, nhưng không bàn riêng chuyện Biển Đông… Trả lời của Nguyễn chí Vịnh phản ảnh rõ ràng quan điểm chiến lược của Trung Quốc về biển Đông là chỉ chấp nhận đối thọai song phương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tại Hội nghị Tư lệnh lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 7 tổ chức ngày 25-3-2010 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng đề cao chiến lược hợp tác quân sự trong Khối ASEAN.
Lấy một trích đoạn trong bài phát biểu của Tướng Nghiên để thấy được quan điểm chiến lược quân sự này:
“…Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đang ngày càng tích cực, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm vào hợp tác trong khu vực. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tham gia tuần tra chung trên biển với Hải quân Thái Lan, Cam-pu-chia và đang thúc đẩy để tiến tới hợp tác tuần tra chung với Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a…; Bộ đội Biên phòng Việt Nam tham gia tuần tra chung và trao đổi thông tin với các đối tác láng giềng để đảm bảo an ninh khu vực biên gới, cũng như chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia. Lục quân, Hải quân và Không quân Việt Nam cũng đã tham gia và chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng vũ trang các nước qua các hội nghị và tương tác của quân binh chủng các nước ASEAN…. Trong bối cảnh hợp tác giữa các nước ASEAN tiếp tục được mở rộng và tăng cường, việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN sẽ là sự đảm bảo cho hợp tác vững chắc và thực chất đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới.” Lẽ đương nhiên quan điểm chiến lược này đi ngược với quan điểm chiến lược Trung Quốc, của Nguyễn Chí Vịnh, của Trương Tấn Sang và của những lãnh đạo cộng sản thuần phục Trung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đề cao chiến lựơc hợp tác quân sự trong Khối ASEAN. Xem ra quan điểm chiến lược quân sự của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đã nghiêng hẳn vào chiến lược của Hoa Kỳ về Biển Đông.
Cũng có nguồn tin cho rằng Tướng Nghiên ủng hộ tướng Võ Nguyên Giáp trong nỗ lực giảm đi quyền lực của Tổng cục 2. Cơ quan tình báo quân đội này có nhiều gắn bó với Trung cộng và cơ quan này chấp nhận duy trì quyền lực đảng Cộng sản bằng mọi giá. Cơ quan tình báo này trước và hiện nay được Tướng Nguyễn chí Vịnh nắm giữ với nhiệm vụ tối hậu là kiểm soát hành vi và tư tưởng Quân Đội, đặc biệt là những người lãnh đạo Quân Đội.
Ngày 15-10-2010, báo chí loan tin Tứơng Nguyễn Khắc Nghiên đột ngột qua đời. Cho đến nay dư luận vẫn tin rằng ông đã bị thanh trừng. Tranh giành quyền lực nội bộ hay chính Trung cộng đã ra lệnh giết Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân Dân Việt Nam ? Việc gì sẽ xảy ra cho các lãnh đạo quân đội ủng hộ quan điểm của Tướng Nghiên ? Họ sẽ tiếp tục con đường ông Nghiên đã đi hay không ? Quân Đội Việt Nam sắp tới sẽ làm gì ? …
Nếu nói về diễn biến hòa bình từ bên trên cũng cần nhắc đến nhiều cựu tướng lãnh quân đội như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã không ngừng lên tiếng về hiểm họa Bắc Thuộc, Việt Nam lại chính thức trở thành một chư hầu của Trung Quốc. Những người này vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong Quân Đội Việt Nam. Con cháu họ hiện là những lãnh đạo của đảng Cộng sản và Quân Đội Việt Nam. Tháng 6 vừa qua chính Trương Tấn Sang đã phải thân chinh đến thăm tướng Nguyễn Trọng Vĩnh để kiếm sự ủng hộ.
Tình Hình Chung
Chỉ còn vài tuần Đại Hội đảng Cộng sản lại khai mạc, ngày nay người việt cũng đã nhận ra do thiếu khả năng điều hành kinh tế và vẫn còn lệ thuộc vào khu vực quốc doanh như vụ Vinashin, đảng cộng sản đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã. Hậu quả đang ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hằng ngày của mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam. Các quân nhân thường phải gánh chịu nhiều khó khăn về vật chất, có khi còn mắc khó khăn hơn các tầng lớp xã hội khác. Đa số các quân nhân thi hành nghĩa vụ thường lệ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Bên cạnh khủng hoảng kinh tế là những khủng hoảng về văn hóa, giáo dục, luật pháp, tư tưởng… Và nạn tham nhũng đang ngày một xoáy mòn đảng và nhà nước cộng sản.
Về tình hình thế giới, căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bắc Hàn pháo kích vào một hòn đảo của Nam Hàn cuối tháng trước. Nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra, Quân Đội Việt Nam khó có thể đứng ngoài vòng chiến. Nếu Quân Đội theo đảng Cộng sản, theo Trung Quốc và Bắc Hàn là Quân Đội đi ngược lại với nguyện vọng của dân tộc.
Chưa kể mang bản chất bá quyền Trung Quốc luôn đe dọa chủ quyền lãnh thổ Việt Nam: chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Lịch sử chỉ thấy nếu quân đội thực sự phục vụ tổ quốc dân tộc khi chiến tranh toàn dân sẽ một lòng phục vụ quân đội chống ngoại xâm.
Cũng trên Tuần Việt Nam ngày 8-12-2010 Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phản bác lập luận về diễn biến hòa bình xẩy ra tại Liên Sô và Đông Âu đã được Trương tấn Sang nêu lên bên trên. Ông An nhận xét: “Quan sát sự tan rã của một số đảng cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, thì thấy rằng, những người cộng sản phá Đảng không phải chỉ là những người cộng sản phản bội Đảng, những người cộng sản bị kẻ thù mua chuộc, bị diễn biến hòa bình,... Mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi.”
Tại các quốc gia Đông Âu và Liên Sô, Quân Đội đã chủ động đứng về phía người dân, có nơi còn lãnh đạo dân chúng vùng lên giành lại các quyền tự do cho toàn dân tộc, từ tay một thiểu số cầm quyền cộng sản. Việc đảng Cộng sản càng ngày càng công khai đấu tranh chống lại diễn biến hòa bình, tự diễn biến và tự chuyển hóa trong Quân đội, tạo cho chúng ta một niềm tin Quân Đội Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi chế độ cộng sản bằng thể chế dân chủ tự do.
Cách Mạng ? Đảo Chánh ? Vùng Lên ? Đại Hội XI sẽ là Đại Hội cuối của đảng Cộng sản Việt Nam ?
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
9/12/2010
1, 2