Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khác nhau chỗ nào ?
Thích Viên Định
2 - Giáo Hội Truyền thống và Giáo Hội Tân lập :
- GHPGVNTN được truyền thừa từ ngàn xưa của chư Tổ mà vị Tăng Thống đầu tiên là Ngài Khuông Việt tức Thiền sư Ngô Chân Lưu thời Tiền Lê, nên gọi là Giáo Hội Truyền Thống.
- GHPGVN mới được Nhà cầm quyền Cộng sản thành lập năm 1981, nên gọi là Giáo Hội Tân lập.
3 - Giáo Hội Dân tộc và Giáo Hội Nhà nước :
- GHPGVNTN do chư Tăng và Phật tử cùng nhau tự nguyện dựng lên, vì vậy, GHPGVNTN là “Giáo hội Dân tộc”.
- GHPGVN do Nhà cầm quyền cộng sản dựng lên, là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức chính trị ngoại vi của Đảng CS, nên GHPGVN là “Giáo Hội Nhà nước” (quần chúng thường gọi nôm na là Giáo Hội Quốc Doanh).
4 - Giáo Hội thuần tuý và Giáo hội chính trị :
- GHPGVNTN chỉ hoạt động thuần túy tôn giáo, đem giáo lý giải thoát, giác ngộ đến cho chúng sanh. Chư Tăng không baơ giờ đảm nhận chức vị gì của thế gian. Nên GHPGVNTN là Giáo hội Thuần tuý.
- GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức chính trị. GHPGVN đưa người ra tranh cử các chức vị thế gian như Hội Đồng Nhân Dân, Dân biểu quốc hội…Nên GHPGVN là Giáo Hội chính trị.
5 - Giáo Hội và Hiệp hội :
GHPGVNTN được thành lập sau cuộc tranh đấu thành công năm 1963, hủy bỏ được Dụ số 10 thời Pháp thuộc. Dụ số 10 của Thực dân Pháp chỉ công nhận Thiên Chúa giáo là Giáo Hội, các tôn giáo khác chỉ là Hiệp hội. GHPGVNTN đã là Giáo Hội, độc lập hoàn toàn với các tổ chức khác.
GHPGVN thuộc qui chế Hiệp Hội, không độc lập, vì là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, chịu mọi sự chi phối, điều khiển của tổ chức chính trị này. Trong tiếng Việt, viết là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho dễ coi, chứ trong bản tiếng Anh thì viết là “Vietnam Association for Buddhism” tức là Hội Phật Giáo Việt Nam. Chữ Association chỉ là Hội. Đúng với mục đích ban đầu của Ban Dân Vận : “Nội dung đề án là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn vì chỉ có tăng ni không có Phật tử, chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (HPGVN).
Sau khi một số thành viên lãnh đạo GHPGVNTN rời bỏ con thuyền Giáo Hội để bước sang thuyền khác, đau đớn về việc này, Hoà Thượng Thích Đức Nhuận, Cố Vấn Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, than rằng : “Ðau xót biết bao, khi Phật giáo Việt nam từ con lạch nhỏ vùng thoát ra được biển khơi, thì nay quí Hòa-thượng lại tự bước vào nước vũng ao tù” (trích thư của cố Hòa thượng Thích Ðức-Nhuận).
IV - Pháp lý, Địa vị, Cơ sở :
1 - GHPGVNTN :
“Pháp lý là gì ? Ở đây và hiện nay, pháp lý chỉ là mảnh giấy được viết và cấp phát cho một tổ chức tân lập để hỗ trợ những mục tiêu riêng tư, cục bộ phi Phật giáo. Trái lại, Giáo hội ta có mặt trên dải đất này đã 2000 năm rồi. Đinh, Lê, Lý, Trần đã chấp nhận Phật giáo. Do đó, mà những khẩu hiệu như thế này đã vang lên ở Đại Hội bất thường của GHPGVNTN sau năm 1975 tại Hội trường Ấn Quang ở Sài gòn… :
- “Pháp lý của Giáo Hội là 2000 năm dựng Văn mở Đạo trên đất nước Việt Nam này !
- “Địa vị của Giáo Hội là 80% dân chúng già, trẻ, lớn, bé !
- “Cơ sở của Giáo Hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo !”
2 - GHPGVN :
- Pháp lý của GHPGVN là giấy công nhận của Nhà nước Cộng sản Việt Nam do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký, kèm với bản “lý lịch”, viết về quá trình thành lập GHPGVN của ông Đỗ Trung Hiếu bí danh Mười Anh.
- Địa vị của GHPGVN là thành viên đứng trong tổ chức chính trị Mặt Trận Tổ Quốc.
- Cơ sở của GHPGVN là các Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường, đã chiếm đoạt của GHPGVNTN chứ GHPGVN không có gì cả.
V - Hệ thống tổ chức :
- Theo Hiến Chương GHPGVNTN, Điều 6, Chương Thứ Tư, “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một trong những Quốc Gia Phật Giáo sáng lập và là trung tâm điểm địa phương của Phật Giáo Thế Giới”. Hệ thống tổ chức gồm có : Trung Ương và các Tỉnh, Thành, Thị Xã, Quận, Huyện, Xã, Phường, Thôn, Khóm, Khuôn hội, Vức hội ở các địa phương. GHPGVNTN lấy quần chúng Phật tử làm cơ sở. Mỗi đơn vị đều có Ban Đại Diện hành chánh hợp pháp.
- Hệ thống GHPGVN của Nhà nước chỉ có 2 cấp Trung Ương và Tỉnh, không có Quận, Huyện, Xã, Thôn, Khuôn, Vức. Sau này có thành lập thêm Quận hội, nhưng chỉ như Ban liên lạc giữa các chùa với Tỉnh hội mà thôi. Toàn bộ hệ thống tổ chức như “HÌNH THÁP – LỘN NGƯỢC, chỉ có tổ chức bên trên, không có tổ chức bên dưới.” (trích Đỗ Trung Hiếu). GHPGVN lấy Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường làm cơ sở. Tại địa phương chỉ có Ban Hộ Tự tức là Ban giữ chùa mà thôi.
VI - Nhân sự và phạm vi hoạt động :
1 -Về Nhân Sự :
- GHPGVNTN được thành lập từ những tổ chức địa phương tiến đến cả nước, từ những Hội đoàn riêng biệt tiến đến thống nhất cả nước. Nơi nào có tín đồ Phật giáo, nơi đó có tổ chức Giáo hội. Tất cả nhân sự, chức vụ đều do chư Tăng, Ni và Phật tử hội ý thỉnh cử mà không bị bất cứ áp lực nào từ bên ngoài.
Hiện nay, GHPGVNTN vừa mới phục hoạt, vẫn đang bị Cộng sản tìm đủ cách đánh phá. Trong nước thì không hội họp được. Ngay cả các chi nhánh Giáo hội ở hải ngoại cũng bị đánh phá dữ dội như “Tài Liệu Mật” của Bộ Công An ghi rõ :
- “Đề nghị Ban Việt kiều liên lạc với các cộng đồng Phật giáo ở nước ngoài, để tổ chức tập hợp lực lượng phân hoá cô lập bọn phản động”.
- “Đề nghị Ban Bí thư tổ chức họp các ngành : dân vận, tôn giáo, nội vụ, ngoại giao, Việt kiều để thống nhất tình hình và chương trình hành động chung đối với Phật giáo”. (trích tập Hồi ký “Sự thật về việc thống nhất Phật giáo của Đỗ Trung Hiếu”)
Với tình hình và hoàn cảnh hiện nay, GHPGVNTN phải uyển chuyển trong nguyên tắc điều hành nhân sự cốt làm sao để bảo toàn sự tồn tại của Giáo Hội.
- GHPGVN là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, nên vấn đề nhân sự phải chịu sự chi phối, điều hành của tổ chức chính trị này. Ngoài ra còn phải qua sự thanh lọc của Công an, Ban Tôn giáo và cuối cùng là Uỷ Ban Nhân Dân. Nhân sự GHPGVN từ cấp trung ương cho đến địa phương đều do Nhà cầm quyền lựa chọn.
Trả lời thắc mắc của một vị Tăng : “Tại sao có vị mới xuất gia, có thê tử, đạo hạnh chưa cao, lại được giữ chức vị cao cấp trong Ban Trị sự Giáo Hội Tỉnh như vậy ?” Một vị chức sự trong một Ban Trị Sự Giáo Hội Tỉnh nói rằng : “Ban Tôn giáo sắp xếp tất cả chứ mình (chư Tăng) đâu có quyền gì !” Thật vậy, Tài Liệu Mật của Bộ Công An, có chỉ thị rằng : “Công an các địa phương cần chủ động tính toán đưa một số đặc tình tham gia vào các thành phần lãnh đạo Giáo hội các cấp”. Nhà cầm quyền Cộng sản kiểm soát tất cả các thành phần nhân sự, từ vị Trụ Trì các Tự viện, cho đến Chức sự trong Giáo hội các cấp, từ Tăng sinh đến Giáo Thọ, Ban Giám Hiệu các Trường Phật học, từ Giới tử đến Thập Sư các Giới Đàn đều phải qua sự kiểm soát, chọn lọc bắt đầu từ Công an qua Mặt Trận Tổ Quốc đến Ban Tôn giáo và cuối cùng là Uỷ Ban Nhân Dân.
Ngay cả việc tấn phong Thượng toạ, Hoà thượng là việc cao quí trong Giáo Hội, cũng phải qua sự duyệt xét của Nhà cầm quyền các cấp, biến việc thiêng liêng này thành việc mua danh, bán tước, đút lót, xin xỏ, gây ra nhiều chuyện buồn cười. Tại Sài gòn, chư Tăng đã kể chuyện về một vị Thượng toạ tuổi gần 80, theo thể lệ của GHPGVN, muốn được tấn phong lên Hoà thượng, phải làm đơn xin từ cấp Địa phương lên đến Trung ương mới được (riêng tấn phong Thượng toạ thì Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, hoặc Thành Phố chấp thuận là được). Ngài đem đủ giấy tờ, nào là Khai sanh, Lý lịch, Căn cước ra phường xin xác nhận. Anh cán bộ Công an Phường, tuổi chừng 25-27, chỉ đáng cháu nội vị Thượng toạ, đã đặt bút phê một câu thấm thía khó quên : “Thầy này còn mê tín dị đoan, nhưng địa phương đồng ý cho lên Hoà thượng, hứa sẽ giáo dục sau !”
Ở miền Trung, lại xảy ra một trường hợp khác. Có một vị Thượng toạ đem giấy tờ hồ sơ xin tấn phong Hoà thượng ra Xã, Huyện xác nhận xong, rồi đem thẳng vào Văn Phòng II tại Sài gòn, nhờ người quen thông qua, để chuyển lên Trung ương mà không qua sự phê duyệt của Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, vì sợ Tỉnh không chấp thuận. Khi Trung Ương đã ký duyệt xong, chuyển về, thì Tỉnh lại không chịu công nhận, vì cho rằng vị Thượng toạ này đã qua mặt Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh, gây ra chuyện dở khóc dở cười, Hoà thượng cũng được mà Thượng tọa cũng xong.
Ở miền Nam, chư Tăng lại kể chuyện công an xét lý lịch tấn phong dễ hay khó tùy theo “thành tích”. Có một vị, tu hành không suông sẻ, có thời gian ra đời, nhưng vì được xét có “thành tích tốt”, nên khi làm đơn xin tấn phong Thượng toạ thì Công an bỏ qua chuyện ấy. Nhưng về sau, vị này đã có những lời phát biểu trái ý Nhà cầm quyền, nên khi làm đơn xin tấn phong lên Hoà thượng, bị moi lại chuyện cũ, Công an phê là : “Có thời gian gián đoạn”, nên không được xét cho tấn phong lên Hoà thượng.