Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khác nhau chỗ nào ?
Thích Viên Định
Trong các cuộc thẩm vấn những thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công an thường hỏi một cách căng thẳng và thách thức rằng : “Tại sao đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) mà không chọn Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ?”. Đây là cuộc áp đảo chính trị lớn. Bài này chúng tôi phân tích cho rõ trắng đen.
Chủ thuyết Vô thần Mác-Lê Nin chủ trương tiêu diệt tôn giáo vì xem tôn giáo là thuốc phiện. Nếu không tiêu diệt được thì tìm cách kiểm soát để lợi dụng làm công cụ cho Đảng Cộng sản theo phương châm của Lê-Nin : “Đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng”.
Năm 1980, Ông Nguyễn Văn Linh, Thành Uỷ Sài Gòn đã nói tại cuộc họp đủ mặt các vị Giáo Phẩm các Giáo Hội và Hội Đoàn Phật Giáo rằng : “Phải thống nhất Phật giáo để làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng CSVN”
Năm 1981, sau 6 năm đàn áp, tù tội, khủng bố, đe doạ… Cộng sản đã mua chuộc, dụ dỗ, khuất phục được một số chư Tăng trong hàng lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tham gia vào việc thành lập Giáo hội mới của nhà nước gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Ngoài một số vị đã vượt biển ra nước ngoài và cố Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong tù, chỉ còn hai Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ là chống đối đến cùng, không chịu đem GHPGVNTN, một Giáo hội dân lập truyền thống, sáp nhập vào Giáo Hội tân lập của nhà nước, nên hai Ngài bị Nhà cầm quyền CS bắt đưa đi lưu đày về nguyên quán, một vị ở miền Trung hẻo lánh, một vị ở miền Bắc xa xôi.
Tại sao nhị vị Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ lại chống đối quyết liệt việc sáp nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất truyền thống vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam của nhà nước đến như vậy ?
Trong Tuyên Cáo Giải Trừ Quốc nạn và Pháp Nạn ngày 20.11.1993, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã viết : “Với mục tiêu đàn áp tôn giáo nói chung, giải thể GHPGVNTN nói riêng, khởi phát sau ngày 30.4.1975 không thành. Năm 1981, Nhà cầm quyền Cộng sản đã thay đổi chiến lược bằng cách tạo dựng một Giáo hội công cụ tay sai để dùng người Phật giáo đánh phá Phật giáo theo chính sách chia để trị”.
Và trong bức thư gửi Nhà cầm quyền Hà Nội, nói về “Sáu điều sai trái của Nhà cầm quyền Cộng sản và 5 điều xác định của GHPGVNTN”, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang cũng khẳng định rằng :
“Giáo Hội chúng tôi không muốn cho Giáo Hội của mình biến thành chiếc ghế để Đảng Cộng Sản Việt Nam ngồi lên cho vững. Như lời ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố tại cuộc họp với chúng tôi hai ngày 12 và 13.2.1980. Chúng tôi xem lời tuyên bố đó là sự xúc phạm tôn giáo thiêng liêng của chúng tôi. Khinh rẽ Giáo Hội chúng tôi, vì xem Giáo Hội như chiếc ghế sử dụng tạm thời cho Đảng”.
Khái quát về GHPGVN, trong “Chín điểm yêu sách” của Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, gửi Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội, lúc còn bị lưu đày ở Quảng Ngãi, Ngài nhận định rằng :
“Cuối năm 1981, một tổ chức mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được Nhà nước dựng lên tại Hà nội. Chính quyền đã dùng Giáo hội Nhà nước chụp lên đầu Giáo hội chúng tôi. Tuy Giáo hội Nhà nước này được thông qua một Đại hội, nhưng đại hội đó đã do Nhà nước chỉ đạo, sắp đặt tất cả, chứ không phải một Đại hội do chư vị Cao Tăng, Tăng Ni, Phật tử bầu lên theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Cho nên chúng tôi khằng định Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội chính trị, thời đại, công cụ của chế độ hiện tại và đã bỏ rơi quần chúng Phật tử. Một Giáo hội như vậy không đủ tư cách để hưởng sự truyền thừa chính thống của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ấy chỉ là hậu thân của (các tổ chức tuyên truyền trước kia từng được gọi là) “Phật giáo Liên Lạc” và “Phật giáo Yêu nước”.
Lược qua những trích dẫn và ghi nhận trên, đã thấy có sự khác biệt giữa hai Giáo Hội, khác biệt từ mục đích đến hình thành, từ nội dung đến hình thức.
I - Mục đích và hình thành GHPGVNTN :
1 - Sự hình thành GHPGVNTN :
Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã nêu tổng quát sự hình thành GHPGVNTN trong Bản Tuyên Cáo của Quyền Viện Trưởng Viện Hoá Đạo ngày 20.11.1993 :
“GHPGVNTN trong thực tế Việt Nam, kế thừa nền Phật giáo dân tộc từ 20 thế kỷ qua, đại diện cho 80% quần chúng Việt Nam. Trên pháp lý, GHPGVNTN đã thống hợp sáu tập đoàn Tăng, Ni và Cư sĩ đại diện khắp ba miền Bắc, Trung, Nam tại đại hội toàn quốc ở chùa Từ Đàm Huế ngày 6.5.1951, thành lập “Tổng hội Phật giáo Việt nam”, tiền thân của GHPGVNTN. Gọi là Tổng hội vì dưới thời Pháp thuộc, Dụ số 10 cấm nền Phật giáo dân tộc không được dùng danh xưng Giáo Hội, trên pháp lý chỉ được hiện hữu như một hiệp hội. Tuy nhiên cuộc tranh đấu bảo vệ Chánh pháp và yêu sách tự do tôn giáo của Phật giáo đồ khởi phát từ tháng 5 năm 1963 đã thành công huỷ bỏ Dụ số 10, phục hồi danh xưng và hoạt động cổ truyền của Giáo hội, tức GHPGVNTN, tại đại hội Phật giáo đầu năm 1964...”
2 - Mục đích và lập trường của GHPGVNTN :
- Lời Mở đầu bản Hiến Chương GHPGVNTN xác định rằng :
“Công bố lý-tưởng hòa-bình của giáo-lý Ðức Phật, các tông phái Phật-giáo, Bắc Tông và Nam Tông tại Việt-Nam, thực-hiện nguyện-vọng thống-nhất thực-sự đã hoài-bão từ lâu để phục-vụ nhân-loại và dân-tộc : đó là lập-trường thuần nhất của Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất.
Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt, mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.
Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới tăng sĩ và cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp có chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật Giáo Thống Nhất tại Việt Nam.”
- Điều thứ 4 Hiến Chương cũng ghi rõ : “Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất được thành lập với mục đích phục vụ Nhân Loại và Dân Tộc bằng cách Hoằng Dương Chánh Pháp”. Đó chính là lý tưởng, “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”, đem giáo lý giác ngộ, giải thoát truyền bá đến với mọi người trong tận hang cùng ngỏ hẻm.
II - Mục đích và hình thành GHPGVN :
1 - Sự hình thành GHPGVN được ông Đỗ Trung Hiéu nêu rõ trong tập tài liệu “Thống nhất Phật Giáo” (do Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế tại Paris ấn hành) :
“Thực sự đại biểu là giữa Phật giáo của ta và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đều là đại biểu dự Ðại hội, trong đó đại biểu của ta đa số (tức Ðảng Cộng sản). Chín tổ chức và hệ phái Phật giáo, GHPGVNTN là một, còn lại tám với những danh nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều hoặc là ta hoặc là chịu sự lãnh đạo của Ðảng (...). Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Ðảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Ðảng”.
Ông Hiếu còn cho biết Ban Dân vận Trung ương chỉ thị khống chế Phật Giáo như sau :
“Nội dung đề án (thống nhất) là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (...) Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (...) Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội”.
2 - Mục đích của GHPGVN là kiểm soát và hướng dẫn chư Tăng theo sự lãnh đạo của Đảng, như lời xác nhận của ông Đổ Trung Hiếu :
“Dưới chế độ chuyên chính vô sản tất cả các tổ chức và cá nhân nhất nhất đều phải tuân thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của đảng một cách cụ thể chi ly. Trong tôn giáo lại càng chặt chẽ kỷ lưỡng hơn nhiều”.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lấy khẩu hiệu : “Đạo Pháp - Dân tộc - Xã Hội Chủ Nghĩa” làm phương châm, dùng chư Tăng làm bình phong để trang hoàng và làm công cụ tuyên truyền cho chế độ. Nhà cầm quyền Cộng sản còn sử dụng Cơ chế Giáo Hội, Pháp lệnh tôn giáo để kiểm soát và cô lập làm cho chư Tăng xa lìa và bỏ rơi quần chúng.
Để quản lý chặt chẽ, GHPGVN nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi, công cụ của Đảng Cộng sản. Vì là thành viên, nên tiếng nói của GHPGVN phải thông qua cơ quan chủ quản là Mặt Trận Tổ Quốc, nhưng Mặt Trận Tổ Quốc lại do Đảng lãnh đạo. Do đó, GHPGVN không có tiếng nói riêng của mình. Tờ báo Giác Ngộ cũng là tờ báo của Đảng CS, mặc dù mang hình thức Phật giáo, nhưng thực chất chỉ là công cụ tuyên truyền cho Đảng.
Trong khi cả thế giới đều lên án Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chà đạp nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, thì GHPGVN lại im lặng, không ngó ngàng gì đến niềm ước mơ được tự do, dân chủ, nhân quyền của dân tộc mà còn làm ngược lại.
Theo sự chỉ đạo của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, ngày 03.12.2003 tại chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, nhân khai mở Đại Giới Đàn, một đại lễ thiêng liêng trong Phật giáo, GHPGVN (Nhà nước) đã lợi dụng, lấy chữ ký của Giới tử, biến Giới Đàn thành cuộc mít tin phản đối Nghị Quyết 427 của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19.11.2003 và Nghị Quyết của Nghị viện Âu châu ngày 20.11.2003, cả hai Nghị quyết đều lên án Nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp nhân quyền và GHPGVNTN.
III - Các tên thường gọi theo mục đích và nguyên nhân hình thành :
1 - Giáo hội chính thống và Giáo hội chính thức :
- Theo Lời Ngỏ của bản Hiến Chương, GHPGVNTN được thành lập “Trên cơ sở tự nguyện, tổng hợp các hệ phái Nam Bắc Tông, Việt Miên, Hoa Tông để hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964 để đoàn kết, để bảo vệ lẫn nhau trước những âm mưu chia rẽ, áp bức của các thế lực chính trị phi dân tộc chứ không do các chế độ cầm quyền dựng lên để sai sử”. GHPGVNTN đã kế thừa lịch sử truyền thống 2000 năm của Phật giáo Việt Nam, do chư vị Trưởng Lão Đại Tăng, cao Tăng, danh Tăng và Phật tử lập thành, chứ không do một thế lực chính trị thế tục nào lập ra. Nên GHPGVNTN là “Giáo hội chính thống”.
- GHPGVN do Nhà cầm quyền Cộng sản áp đặt dựng lên năm 1981, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản. Nên, trên mặt pháp lý, GHPGVN được gọi là “Giáo hội chính thức”.