CẦN XUA TAN MỘT NGỘ NHẬN
Nguyễn Minh Cần
Sau khi bài viết của tôi “”Không được đùa với cách mạng và nổi dậy” được đăng lên các báo mạng, tôi nhận được rất nhiều ý kiến biểu lộ sự đồng tình. Đồng thời, đúng như dự đoán, tôi cũng “được” một số ít người đọc cho “đội nón cối” đủ loại, nào là “hèn”, “nhụt chí”, “phá hoại phong trào”, v.v... Bị “chụp mũ” oan, không phải là điều đáng quan tâm lắm, nên câu chuyện tôi muốn đề cập đến hôm nay, thuộc về một đề tài khác.
Qua các ý kiến phản đối cũng như tán đồng, tôi thấy có một vài hiểu lầm về cuộc cách mạng ở Tunisia và Egypt cần giải tỏa. Một số không ít người, có thể là do thiếu thông tin, do cảm tính, tưởng rằng phong trào nổi dậy ở Tunisia và Egypt là hoàn toàn tự phát. “Họ cứ rủ nhau ào ạt nổi dậy thế là độc tài phải đổ”, “chẳng cần tổ chức tổ chiếc, chờ đợi gì, cứ nhất tâm đồng loạt vùng lên, hàng nghìn, hàng chục nghìn người là thắng”, “đứng lên đòi công bằng xã hội thì không bao giờ là muộn. Nếu người dân Tunisia có những tư tưởng chờ đợi, nhụt chí như thế thì còn lâu họ mới thoát khỏi gọng kềm độc tài”, v.v...
Ý nghĩ cho rằng cuộc cách mạng dân chủ là một phong trào tự phát của quần chúng, không cần tổ chức, không cần chuẩn bị mà cứ “ào ạt nổi dậy” “đồng loạt vùng lên” là có thể giành được thắng lợi, là một ngộ nhận ngây thơ. Ngộ nhận này tạo ra một ảo tưởng có thể dẫn đến những hành động nóng vội, xốc nổi, phiêu lưu, chắc chắn sẽ gây ra những nguy hại cho cuộc cách mạng dân chủ.
Thực tế hai cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisia và Egypt vừa qua, cũng như các cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu và Liên Xô hồi cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tuy rất bất ngờ ngay cả đối với những người hướng dẫn phong trào, nhưng đều có sự tổ chức và chuẩn bị rất chu đáo. Để không phải kể lại dài dòng, xin các bạn xem ba video clips trên YouTube tựa đề Sức Mạnh Nhân Dân (People Power) nói về phong trào giới trẻ “6 tháng 4” trong cuộc cách mạng dân chủ ở Egypt :
Ai Cập : Sức Mạnh Nhân Dân (phần 1, 2, 3)
Thực tế cho thấy rõ cả ở Tunisia cũng như ở Egypt đã có những tổ chức của giới trẻ có lý tưởng tự do, dân chủ, đồng thời có kiến thức vững vàng, họ đã xây dựng một mạng lưới liên kết những người cùng chung lý tưởng tự do, dân chủ, cùng chung mục đích đánh đổ bọn độc tài và chế độ toàn trị. Và những nhà cách mạng trẻ tuổi trong và ngoài hai nước này đã âm thầm làm việc chuẩn bị trong nhiều năm, khi thấy thời cơ đến bất ngờ (đời sống của đa số dân chúng bị sút kém đột ngột do giá cả leo thang, nạn thất nghiêp trầm trọng, nạn tham nhũng tràn lan cộng thêm vụ tự thiêu rất đau thương của anh Mohamed Bouazizi) thì họ đã dấy lên một cao trào quần chúng mãnh liệt lúc đầu đánh đổ được tên độc tài Ben Ali ở Tunisia, rồi lan sang Egypt đánh đổ tiếp tên độc tài Hosni Mubarak, và cứ theo vết dầu loang phong trào lan rộng đến Libya, Yemen, Jordan, Bahrain, Algeria, Iran, A Rập Saudi, Oman, v.v.... Cái giỏi của giới trẻ hai nước này là họ đã khéo léo tận dụng sức mạnh của các phương tiện thông tin hiện đại nhất, của Internet để hoạt động đầy mưu trí và hữu hiệu.
Muốn huy động đươc một khối lượng 200 ngàn, thậm chí có khi lến đến một - hai triệu người, già, trẻ, gái, trai, thậm chí cả trẻ nhỏ, thuộc các tầng lớp, các tôn giáo... xuống đường đấu tranh tay không chống lại cảnh sát vũ trang, quân đội (trừ Egypt quân đội án binh bất động) thì không thể không có tổ chức, không có chuẩn bị. Làm sao giúp cho quần chúng vượt qua được nỗi sợ hãi bọn độc tài và chế độ toàn trị để mạnh dạn vùng lên tranh đấu, nếu không có chuẩn bị và tổ chức? Làm sao cố kết được dân chúng thuộc đủ các thành phần giai cấp, các tôn giáo, các lứa tuổi... thành một khối rắn chắc để đối chọi được với sự đàn áp sắt máu mà kẻ cầm quyền hung bạo, tàn ác đã tung ra hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của dân chúng, nếu không có chuẩn bị và tổ chức? Ngay cả những việc cụ thể, như làm thế nào chống được hơi cay, làm thế nào giải quyết vấn đề vệ sinh cho quần chúng trên quảng trường, việc ăn uống, cứu thương, v.v... đều đòi hỏi một kế hoạch tổ chức chu đáo.
Bản thân người viết những dòng này đã ở Liên Xô trong nhiều năm. Khi Liên Xô còn trong thời kỳ cực kỳ tăm tối, qua những chuyện trò thầm kín của một vài bạn thân của nhà tôi, chính tôi cũng ngầm đoán biết là trong các giáo sư, sinh viên Nga ở các trường đại học hồi đó đã có những mối liên kết bí mật nào đấy với những dissidents (những người bất đồng chính kiến). Còn đến khi Liên Xô làm perestroika (cải tổ) thì bắt đầu có Phong trào Nước Nga Dân chủ - đó chính là tổ chức rộng lớn đã động viên, hướng dẫn, hoạch định sách lược cho những hoạt động tuyên truyền, tranh cử hồi đó. Chính các thành viên của Phong trào này đã tổ chức những cuộc vận động cho các ứng viên dân chủ ra tranh cử, tổ chức những cuộc biểu tình hàng chục ngàn, trăm ngàn, có một lần lên đến gần một triệu người... Những hoạt động như vậy mà không có chuẩn bị, không có tổ chức thì làm sao thực hiện nổi?!
Có một điều này rất hay của các chiến sĩ dân chủ Nga mà tôi coi đó là một bài học tốt là: trong thời kỳ ngặt nghèo, khi sự kiểm soát của KGB quá chặt chẽ và rộng khắp thì các chiến sĩ dân chủ thường dùng lối “tổ chức mà không có hình thức tổ chức rõ rệt”, tức là những liên kết quần chúng nhẹ nhàng, không chặt chẽ, không định hình, nhằm những mục tiêu tranh đấu chung. Còn khi tình hình bắt đầu hơi “thoáng”, nghĩa là sự kềm kẹp của KGB hơi lơ là (dưới thời perestroika) thì họ biết lấn dần để lập ra rất nhiều tổ chức văn hóa, xã hội, thể thao... có tính vô thưởng vô phạt nhưng hợp với sở thích của các tầng lớp quần chúng, rồi từ đó tiến lên lập các tổ chức ilegal, nghĩa là không hợp pháp (hồi đó về mặt chính thức chính phủ chưa cho phép lập ra các tổ chức). Thanh niên, trí thức Nga thành lập vô số tổ chức ilegal, chính quyền không thể nào theo dõi hết. Rồi từ các tổ chức ilegal, người ta lại tiếp tục lấn tới, ra những tờ báo ilegal, nghĩa là báo không cần xin giấy phép, tự do viết, tự do in, tự do phát hành, rồi tiến lên tự in ấn những sách trước đây bị cấm (gọi là những samoizdat, ấn phẩm tự xuất bản)... Cứ thế, tiến lên họp mit tinh, biểu tình chẳng cần xin phép. Cái chiến thuật “lấn dần từng bước” như vậy vừa đánh tan nỗi sợ hãi của quần chúng, vừa tập dượt cho quần chúng và cốt cán, vừa phát triển được ảnh hưởng của phong trào, vừa đào tạo được những cán bộ từ quần chúng làm chỗ dựa cho phong trào. Hồi đó, trong tay dân chúng chưa hề có các máy móc hiện đại như ngày nay, nhất là những phương tiện thông tin điện tử, Internet... cho nên phải dùng lối làm việc chậm rãi, từng bước như vậy.