lịch sử việt nam
Cầu-Nhật-Tân | Buổi sáng 17/2/1979 của một đứa trẻ may mắn thoát khỏi tay bọn bành trướng
Tôi đang ngủ thì chợt thức giấc bởi tiếng bánh xích xe nghiến ken két ngay trước cửa nhà, căn nhà gỗ nhỏ nằm sát đường chợt rung bần bật. Sự tĩnh lặng của con phố Vườn Cam, một góc thị xã Cao Bằng phút chốc bị phá vỡ. Trời se lạnh, còn mờ sương. Bố tôi kéo mành nhìn ra. Ông chợt hoảng hốt, ra hiệu cho tôi im lặng và chỉ kịp nói 1 câu khô khốc: “bọn Trung Quốc vào rồi. Chạy ngay về xuôi”. Mặc dù còn đang rất ngái ngủ nhưng trước phút giây sinh tử, bản năng sống trỗi dậy, tôi cùng bố mẹ nhanh chóng mở tủ vơ vội một ít quần áo, một cái xoong, một chút gạo, bao diêm rồi cắt lối vườn sau nhà. Tôi nán lại muốn tìm cuốn truyện mang theo nhưng đã bị bố tôi bịt mồm lôi xềnh xệch ra khỏi nhà.
Chúng tôi băng nhanh ra bờ sông Bằng, theo các vạt cây và những cánh rừng rậm rạp tìm đường về xuôi. Bố tôi bảo phải xa tất cả các đường lớn nhằm tránh đụng phải quân TQ cũng như tránh pháo kích của chúng. Trên đường chạy về xuôi, mặc cho bụng đói, miệng khát, chân thì tướp máu muốn khuỵu nhưng đầu tôi luôn nghĩ tới bọn thằng Coỏng, thằng Sam vẫn thường đánh quay, chơi bi với tôi, không biết chúng nó có kịp chạy? Tôi ước có thể quay lại để đánh thức chúng … Rồi tôi mơ mình bay lên, vượt lên trên những cỗ xe tăng chết chóc về đón bọn bạn cùng đi …
Tỉnh dậy, tôi thấy toàn thân đau nhức, không cất nổi đầu lên. Miệng đắng ngắt. Bố mẹ tôi kể lại, tôi đã kiệt sức và ngất đi, bố mẹ tôi phải thay nhau cõng tôi trên lưng chạy cắt rừng suốt 1 ngày 1 đêm, vượt qua đèo Tài Hồ Sìn, đèo Cao Bắc rồi cùng nhập với đoàn người may mắn thoát chết chạy từ các huyện, từ thị xã về tụ lại ở Nà Phặc (1 thung lũng thuộc huyện Ngân Sơn) cách thị xã chừng hơn 30km …
Những ngày sau, tôi cùng nhiều đứa trẻ khác phải xa bố mẹ, để tiếp tục sơ tán về Hà Nội, được ghép vào các gia đình tốt bụng cưu mang chúng tôi qua những ngày khốn khó. Bố mẹ tôi phải quay trở lại, biên chế vào các đội dân quân tự vệ chiến đấu chống quân bành trướng. Tôi theo học tiếp lớp 1 dưới xuôi cùng các bạn người Kinh. Dù các gia đình rất khó khăn, trường lớp sơ sài nhưng chúng tôi luôn nhận được tình thương yêu, đùm bọc và sự quan tâm của các thày cô giáo, các bạn cùng đồng bào Thủ đô. Dầu vậy, lòng tôi luôn nhớ bố mẹ, nhớ ngôi nhà nhỏ ở TX Cao Bằng, nhớ các bạn khôn nguôi …
Về sau, gặp lại bố mẹ, tôi được biết xe tăng TQ sơn cờ Việt Nam từ hướng Hà Quảng, Quảng Hòa cứ thoải mái xộc thẳng về thị xã. Trên đường đi, xe tăng của chúng vượt qua nhiều chốt gác do bộ đội canh giữ, nhiều người còn giơ tay chào vì nghĩ đó là xe tăng của quân ta. Những cỗ xe về đến Phố Thầu, đón thêm chỉ điểm (vốn là bọn người Hoa sang nằm vùng sẵn từ trước) sau đó chạy thẳng hướng tỉnh ủy, đài phát thanh hòng bắt sống các lãnh đạo cao cấp của tỉnh và chiếm đài. Chiếc đầu tiên đã kịp lên tận dốc Nà Toòng (ngay trước cổng đài phát thanh) thì bị khẩu đội gác của ta ở đây diệt tại chỗ.
Ngay sau khi chúng tôi kịp thoát ra khỏi nhà, cắt rừng chạy về xuôi, quân TQ đã tràn ngập thị xã, cướp, giết, hiếp người già, phụ nữ, trẻ em. 18 cô giáo trường phổ thông cơ sở nơi tôi học đã bị lính TQ hiếp, xẻo vú, phanh thây vứt xác xuống giếng trong sân trường. Nhiều trẻ em cùng gia đình không chạy kịp về xuôi đã bị thảm sát trong đó có cả bọn thằng Coỏng bạn tôi. Cả thị xã bình yên phút chốc ngập chìm trong máu, chết chóc, tiếng súng, tiếng la hét và khói lửa.
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc Lâm Yên Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử
...