lịch sử việt nam
Mai-Quốc-Liên | Trần-Nhân-Tông_Vĩ Đại Và Bí Ẩn
Vĩ đại và vĩ đại quá tầm, vĩ đại vượt xa những con người mà ta vẫn gọi là vĩ đại! Nhưng dường như ông còn chiếm một chỗ khá khiêm nhường trong sử học, văn học, trong tâm trí của nhiều người trong chúng ta. Dường như, nhiều người còn chưa biết nhiều về ông, chưa đọc thơ ông, chưa tìm hiểu ông với những vĩ đại và bí ẩn, thống nhất và mâu thuẫn…
Vào thế kỷ XIII (1279), quân Mông Cổ đánh tan nhà Tống, thống trị Trung Hoa; tiến quân vào Châu Âu và vó ngựa của họ tiến đến tận bờ Địa Trung Hải: các vương triều châu Âu bị đánh tan tác; bị thống trị và làm nô lệ. Khi đánh tan 8 vạn liên quân Nga (1223), quân Mông bắc ván lên đầu các vương công Nga, ngồi nhắm rượu! Đội kỵ binh Mông Cổ là vô địch - Thành Cát Tư Hãn là vô địch.
Cả thế giới khuất phục dưới vó ngựa của họ. Thế nhưng, ba lần tiến quân xâm lược Đại Việt, quân Mông – Nguyên (vì bấy giờ họ đã chiếm hoàn toàn Trung Hoa và lập triều Nguyên), cả ba lần đều thất bại (1258, 1285, 1288).
Vì sao vậy? nước Đại Việt lúc bấy giờ, cương vực chỉ từ Đèo Ngang - Nghệ Tĩnh trở ra, là một nước nhỏ bé. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, Đại Việt đã chiến thắng. Nếu thắng một lần, có thể cho là may, là tình cờ. Nhưng thắng cả ba lần, thì không còn gì để biện minh cho quân Mông – Nguyên. Vì lúc ấy, họ đang rất mạnh và dã tâm đè bẹp nước ta của họ là rất lớn. Họ đã cử cả Thái tử Thoát Hoan làm Tổng chỉ huy (chỉ còn thiếu điều Hoàng đế đích thân xuất chinh!), xuất quân hàng trăm ngàn, thế mà vẫn thua.
Vua tôi nhà Trần đồng lòng, anh hùng ra sức, chiến lược, sách lược, quân sự tài giỏi hơn người, với một lòng yêu nước tuyệt vời, kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc… tổ tiên ta đã thắng.
Người chỉ huy tối cao, nhà hoạch định chiến lược… hai trong ba trận thắng đó là Trần Nhân Tông. Khi nói đến chiến thắng Mông - Nguyên … ta sẽ nghĩ ngay đến anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo (1232 (?) - 1300). Đúng là Trần Hưng Đạo có công rất lớn đối với dân tộc, xứng đáng cho chúng ta ghi nhớ công đức và chúng ta đã làm điều đó. Nhưng cần phải có sự công bằng lịch sử. Trên Trần Hưng Đạo một cấp, người chỉ huy tối cao, là Trần Nhân Tông.
Trong chiến tranh, người đứng đầu nhiều khi giấu hình ẩn tiếng. Ngoài Trần Hưng Đạo, còn có Trần Quang Khải, Thượng tướng Thái Sư - người trực tiếp chỉ huy giải phóng Thăng Long, còn có Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng… họ đều là vương hầu tôn thất, mà Trần Hưng Đạo dù là “Tiết chế quốc công” nhưng chắc cũng có mặc cảm là con Trần Liễu, phải tị hiềm, nên phải vị nể. Chỉ có Trần Nhân Tông, hoàng đế, nhà đại văn hóa, bậc đàn anh… là có đủ tư cách uy tín để “điều phối”, chỉ huy. Và thực tế, Trần Nhân Tông đã chỉ huy. Ông đưa ra tư tưởng chiến lược: “Lấy nhàn, đợi mệt”, anh nên nhớ câu chuyện cũ Cối Kê (chuyện Câu Tiễn nhẫn nhục chờ thời cơ diệt địch… ), vì đất Hoan Diễn (Nghệ Tĩnh) còn 10 vạn quân (Cối Kê cựu sự quân tu ký - Hoan Diễn do tồn thập vạn quân)…
Trần Nhân Tông trực tiếp cùng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông xông trận. Sự có mặt của nhà vua ở trận Bạch Đằng (tiêu diệt toàn bộ thủy quân Ô Mã Nhi), hay trận giải phóng Trường Yên - Thiên Tường yểm trợ cho trận giải phóng Thăng Long của Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo… không những thể hiện quyết tâm của nhà vua, mà cũng đồng thời tỏ rõ tài thao lược, trực tiếp chỉ huy chiến trận.
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng).
Sau chiến thắng, nhìn con ngựa đá lấm bùn ở Chiêu Lăng (lăng Trần Thái Tông) Trần Nhân Tông xúc cảm. Câu thơ vừa là thực, vừa là hư; vừa hiện thực vừa tượng trưng: chỉ hai câu mà đã thành danh cú, vạn thuở còn truyền. Và dĩ nhiên để có thái bình, Trần Nhân Tông và triều đình đã làm biết bao công việc để xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Khi địch chiếm Thăng Long, ông và Thượng Hoàng đi thuyền nhẹ lánh về Hải Đông, cả ngày đói ăn, có viên quan nhỏ là Trần Lai nấu cơm gạo xấu dâng vua. Rồi phải lui về Thiên Tường - Tức Mặc để chỉ huy chiến trận. Trong lúc đó, Trần Kiện là tôn thất đem hàng vạn quân hàng giặc; Trần Ích Tắc là chú vua cũng đầu hàng. Thế giặc rất mạnh. Thế nhưng, dưới sự chỉ huy cương quyết, kiên trì, mưu lược của hai vua, với sự ra sức của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Cuối cùng, chúng ta giải phóng Thăng Long, giải phóng đất nước. Thoát Hoan phải rút khỏi Đại Việt. Và sau này, khi qua sứ Đại Việt, sứ thần nhà Nguyên vẫn còn kinh hãi về sự thất bại đó:
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
(Giáo đồng gươm sắt lòng cay đắng
Tóc bạc sầu nghe tiếng trống đồng)
Các vua nhà Trần, tuy có nguồn gốc dân chài, nhưng đều học rất giỏi: “thông cả tam giáo cửu lưu”: tam giáo là Phật – Lão – Nho và cửu lưu: chín dòng, là chỉ chung nhiều trường phái văn hóa thời xưa. Thông được một giáo đã nhọc, học thông cả tam giáo là uyên bác. Các vua đều là nhà thơ. Thơ Thiền của họ thành một trường phái riêng, độc đáo, thanh tĩnh, u nhàn, hướng đến cái cao khiết, hướng đến sự hòa quyện giữa tâm tình và cảnh vật. Mỹ học Thiền là mỹ học của sự hướng đến Niết bàn trong lặng, không tịch không hư, hướng đến cái đẹp tuyệt vời và lý tưởng. Trần Nhân Tông cũng là một nhà thơ đặc sắc như thế.
Ông để lại chỉ hơn 20 bài thơ thôi, bài nào cũng hay, cũng ý vị, cũng xứng đáng với tâm hồn của một bậc vĩ nhân.
Đây là cảnh vật làng quê Việt Nam:
Thôn trước thôn sau tựa khói lồng
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết
Cò trắng từng đôi hạ xuống đồng.
(Ngô Tất Tố dịch)
Đây là một bức tranh được vẽ bằng thơ và là bài thơ lồng trong một bức vẽ. “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” là một trong những qui tắc mỹ học thời xưa.
Điều lạ lùng là với một tâm hồn u tịch nhàn nhã như vậy, đứng đầu một triều đại chiến thắng ngoại xâm và được dân yêu mến, nhà vua vẫn trăn trở không yên trước cuộc đời. Còn thiếu cái gì nữa? Vẫn biết là nhà vua, như sách sử ghi, có cốt cách Phật từ khi sinh ra – ông “nhiễm” chất Phật từ trong lòng mẹ. Và hết lòng lo cho dân, ông vẫn “bỏ” triều đình, lánh mình về Yên Tử.
Xưa kia Trần Thái Tông, ông nội ông, cũng bỏ triều đình lánh về Yên Tử sau vụ Trần Thủ Độ bắt Thuận Thiên vợ Trần Liễu phải lấy ông để có người kế nghiệp. Bi kịch trong gia đình, trong hôn nhân… dẫn đến Trần Liễu khởi loạn, rồi anh em hòa nhau. Cái vết thương sâu nội tâm đã làm Trần Cảnh thêm quyết tâm tầm đạo. Chân lý cuộc sống là ở đâu, hạnh phúc là ở đâu? Đọc Khóa hư lục của ông, ta có thể có lời giải đáp.
Lần này Trần Nhân Tông, theo lời Ngô Thì Nhậm (1746-1803) vứt ngôi vua như vứt đôi dép rách… để vào Yên Tử. Ông cùng một vài đệ tử như Bảo Sái tu thiền ở đó, quay mặt vào vách đá núi mà tu thiền.
Thiền của ông, tất nhiên là có cái giống với Thiền Trung Hoa. Xem các bài giảng, các “công án” của ông về Thiền, ta sẽ thấy ông cũng quan niệm chân lý là ở trong cái tâm “đốn ngộ” của mỗi người. Chân lý phải tự đi tìm, mỗi cá nhân phải nỗ lực tìm. Bụt là lòng, tịnh độ là trong lòng trong sạch. Và rốt cuộc, là “không hư”, tất cả pháp không sinh cũng không diệt.
Núi rừng Yên Tử
Như vậy, đâu là khía cạnh tích cực của Thiền Tông? Có rất nhiều cái tích cực – Như là sự xa lánh “bụi trần”, xa lánh “tham – sân - si”, hướng về tĩnh lặng vĩnh hằng của Niết bàn… Cái đó là đạo đức, là từ bi, hỉ xả, là vô úy, là trí tuệ. Nó dễ đưa đến sự thương yêu, nhân ái, đoàn kết, bình đẳng và chắc đã góp không ít vào chiến thắng ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Nhưng Thiền Trúc Lâm Việt Nam của Trần Nhân Tông không chỉ có vậy. Nó có đặc sắc Việt Nam. Đặc sắc Việt Nam của nó là gì?
Đó là sự phối hợp giữa Thiền và Nho - tức là giữa Thiền là hư không tịch tĩnh nhưng từ bi, hỉ xả với một bên là trách nhiệm làm người, là nghĩa vụ đối với đất nước. Tam giáo đồng nguyên. Cho nên, trong phú Cư Trần lạc đạo, Trần Nhân Tông viết: “Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đó mới trượng phu trung hiếu”. Bồ Tát và Trượng Phu là một.
Và Ngô Thì Nhậm, người được xem là Tổ thứ tư của Trúc Lâm, có một nhận xét lạ lùng về chuyện lên Yên Tử của Trần Nhân Tông (dưới tên người nói là Hải Hòa), trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ (Trần Nhân Tông) đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là ngài xuất gia. Ta biết rằng, Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói rõ, sợ người ta dao động. Cho nên, nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời bình dạo chơi, để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ Tát…”
Đó là cái nhìn của nhà Nho về một vị Phật chăng?
Chùa Hoa Yên
Ta sẽ không lạ là với cương vị một giáo chủ như vậy, Trần Nhân Tông đã vào đất Chiêm, từ một người theo Thiền Đại Thừa ông đã cải trang thành Tiểu Thừa (như trong bức tượng đá thờ ở Yên Tử, ông mặc áo hở vai phải, phái Tiểu Thừa). Và từ đó, ông hứa gả Huyền Trân để lấy đất dẫn cưới là châu Ô và châu Lý…
Châu Ô – châu Lý sẽ là một địa bàn mới của Đại Việt và đó sẽ là bàn đạp hùng mạnh cho việc mở đất về phương Nam liên tục từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV, một cách hòa bình (và có khi không hòa bình như dưới thời Lê Thánh Tông, đó là vì những nguyên do lịch sử cả ở 2 phía: ta thấy Chế Bồng Nga có lần đánh ra tận Thăng Long, và như vậy việc chinh chiến với Chiêm Thành là không tránh khỏi).
Một cống hiến lớn lao khác nữa cho văn hóa dân tộc của Trần Nhân Tông chính là một trong những tác giả sáng tác chữ Nôm đầu tiên của văn hóa Việt. Điều này có tầm quan trọng quyết định, có ý nghĩa chiến lược đối với việc xây dựng văn hóa Việt. Vì chữ Nôm là hình thức ghi âm tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ. Sáng tác, sử dụng chữ Nôm là cái gốc của việc bảo trì, phát huy văn hóa Việt. Cư trần lạc đạo phú; Đắc thú lâm truyền thành đạo ca…. của Trần Nhân Tông là những bài phú Nôm nổi tiếng còn lại đến ngày nay, cho chúng ta biết về tiếng Việt thời Trần, cách diễn đạt và cái đẹp giản dị, chân xác của nó khi đi vào thơ văn.
Hơn một thế kỷ sau, thế kỷ XV, Nguyễn Trãi là người kế tục và nâng cao việc dùng tiếng Nôm trong văn chương với hơn hai trăm bài thơ trong Quốc âm thi tập. Nguyễn Trãi là người của văn hóa Thăng Long thời Trần (ông đậu tiến sĩ năm 1400, làm quan dưới thời Hồ, nhưng học tập, rèn luyện… trong “học phong” thời Trần, và ông ngoại ông, Trần Nguyên Đán là Đại tư đồ thời Trần).
Không có thời Trần với Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nguyên Đán; chúng ta sẽ không có được Nguyễn Trãi, người mà như đánh giá của nhà văn Đức I. Faber: “Vào thời Nguyễn Trãi sống và hoạt động, Châu Âu chưa có được một tác gia nào lớn” .
***
Một thiên tài ư? - Một thiên tài mẹ (génie-mère), như cách người ta gọi các thiên tài Phục Hưng.
Một anh hùng dân tộc ư? Hẳn rồi, và đó là người thầy, người thống lĩnh của các anh hùng dân tộc.
Một nhà văn hóa ư? Một nhà văn hóa đầu nguồn, khai sáng, đa dạng, đứng ở đỉnh cao nhất của văn hóa thời đại mình.
Một nhà thơ và cuối cùng: một con người bình thường trong nhân loại với bao trăn trở, lo toan, với những dằn vặt, hoài nghi về lẽ đời, lẽ đạo, một người đã sống hết mình cho tổ quốc và cho nhân loại, để rồi bùi ngùi nói lời vĩnh biệt:
“Đây là giờ ta đi.”.
14/11/2008
Mai-Quốc-Liên @ Trúc-Lâm Yên-Tử
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử