lịch sử việt nam

Trang Chính

Biển Cả Và Con Người:

Bưu-Hoa Việt-Nam:

Blog Anh Ba Sàm:

Blog Cầu-Nhật-Tân:

Blog Cu-Làng-Cát:

Blog Dân Làm Báo:

Blog Dân Oan Bùi-Hằng:

Blog Giang-Nam Lãng-Tử:

Blog Huỳnh-Ngọc-Chênh:

Blog Lê-Hiền-Đức:

Blog Lê-Nguyên-Hồng:

Blog Lê-Quốc-Quân:

Blog Mai-Xuân-Dũng:

Blog Người Buôn Gió:

Blog Phạm-Hoàng-Tùng:

Blog Phạm-Viết-Đào:

Chết Bởi Trung Cộng:

Diễn-Đàn Thảo-Luận Về Tình-Hình Việt-Nam:

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam:

Điện-Toán - Tin-Học:

Ebooks Hồi-Ký - Bút-Ký:

Hịch Tướng Sĩ:

Hình-Ảnh Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa

History Of Viet Nam

Hoàng-Sa Trường-Sa Là Của Việt- Nam:

Hồ-Sơ Chủ-Quyền Quốc-Gia Việt- Nam 

Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu

Human Rights Vietnam - Human Rights Activist

Lá Thư Úc-Châu

Lịch-Sử Việt-Nam Cận-Đại:  

Lịch-Sử Việt-Nam Ngàn Xưa:

Ngàn Năm Thăng Long (1010 - 2010)

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa

Nguyên-Tử Của Việt-Nam Và Quốc- Tế

Người Dân Khiếu-Kiện:

Phụ-Nữ, Gia-Đình, Và Cuộc Sống:

Quốc-Tế:

Sitemap:

Tiền-Tệ Việt-Nam:

Tin Nhắn, Tìm Thân-Nhân Mất-Tích, Mộ Tìm Thân-Nhân:

Tin-Tức Thời-Sự Việt-Nam:

Thư-Tín:

Tư-Tưởng Phật-Giáo:

Tưởng-Niệm 50 Năm Anh-Hùng Ngô-Đình-Diệm, Anh-Hùng Ngô-Đình-Nhu Vị-Quốc Vong-Thân 1963-2013:

Tưởng-Niệm 50 Năm Hòa-Thượng Thích-Quảng-Đức Tự-Thiêu 1963-2013:

Trang Thơ Văn Mai-Hoài-Thu:

Trang Thơ Văn Minh-Vân:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Chí-Thiện:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Khôi:

Trang Thơ Văn Nguyễn-Thị-Thanh:

Trang TL Nguyễn-Việt Phúc-Lộc:

Trang Nhật-Hồng Nguyễn-Thanh-Vân:

Trang Thơ Văn Phạm-Ngọc-Thái:

Trang Thơ Văn Phan-Văn-Phước:

Trang Thơ Văn Quê-Hương:

Trang Thơ Văn Thanh-Sơn:

Trang Thơ Văn ThụcQuyên:

Trang Thơ Văn Vĩnh-Nhất-Tâm:

Truyện Dài Thời Chiến-Tranh Việt-Nam (Ebooks):

Ủng Hộ Trúc-Lâm Yên-Tử - Donate:

Văn-Hóa Tộc Việt:

Weblinks:

 

 

Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam

Trúc-Lâm Yên-Tử (07-09-2009) - Chuyên-mục Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam được thành lập nhằm vinh-danh những anh-hùng, anh-thư đã dầy ân đức đối với đất nước và dân-tộc Việt-Nam qua nhiều thời đại. 

***

Người Lính Không Hề Chết

Phan Nhật Nam (tác phẩm Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại, 1995)

Chúng tôi bắt đầu cùng các chiến  hữu, những người còn sống hay đã chết. Quả thật chúng ta đã sống qua một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ và chết trong tận cùng lãng quên. Nhưng cuộc thất trận ngày 30 tháng Tư năm 1975 không ở lỗi chúng ta, những người lính chiến đấu trong QLVNCH. Bởi sự chuẩn bị cho cuộc thất trận ấy đã có từ trước. Trước bao xa và từ nơi nào? Mười chín năm sau ngày gãy súng, xé cờ đau đớn ấy chúng ta có thể nói không sợ sai lầm rằng, sự chuẩn bị hiểm độc ấy không do bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, không nằm trong Dinh Ðộc Lập, cũng không từ ngoài Hà Nội (dẫu rằng đây là một yếu tố quyết định nên thắng lợi của họ và sự tiêu vong của chúng ta). Nói như thế chắc sẽ không làm người cộng sản bằng lòng ở vào thời điểm mấy năm trước đây, nhưng vụ bỏ cấm vận năm 1994 vừa qua hẳn đã cho người cs hiểu rõ thế nào là giá trị của cái gọi là «thắng lợi vẻ vang». Nhưng đây là vấn đề của họ với sự phán xét tất yếu của quốc dân và lịch sử. Chỉ biết, chúng ta đã mất những chiến hữu với phẩm chất rất cao cả, những người chỉ huy đáng phần kiêu hãnh, những đơn vị không hề thua sút so với bất cứ quân đội nào trên thế giới. Nhưng quả thật chúng ta đã bị thua cuộc. Không chỉ một trận đánh mà nguyên cuộc chiến tranh. Dân tộc Việt đồng thời cũng bị đánh vỡ trong giòng sống cuồng nộ ác độc của buổi hạ ngươn điêu tàn của toàn trần thế.

Chúng ta, những người lính tiền phong của dân tộc bi tráng bị đánh gục trước hết. Mười Chín Năm Sau Vẫn Hằng Mới Vết Thương.

Những cấp chỉ huy tài ba, anh dũng của QLVNCH trong «Ngày Truyền Thống 22 tháng 12 » của Khóa 16 trường Võ Bị Ðà Lạt, 1972, sau 10 năm rời trường Mẹ. Từ trái, các cựu sinh viên Sĩ quan Nguyễn Ðằng Tống, Trần Ðăng Khôi, Nguyễn Xuân Phúc, Tôn Thất Chung. Người đứng là Sĩ quan Thủ Khoa khóa 16, Bùi Quyền. Trong trận chiến mất nước, 4 trong 5 cựu sinh viên Sĩ quan này đều là các Lữ đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù: 2 người đền nợ nước, 3 người từ 12 năm đến 13 năm tù (Ảnh Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 của Phạm Huấn)

Hai trăm Tân khóa sinh Khóa 18 đứng im như một khối gỗ không kẽ hở, đám sinh viên sĩ quan cán bộ y phục vàng, găng tay trắng bao quanh, những con mắt đứng tròng dưới vành mũ nhựa sơn bóng dò chừng nét mặt từng người, như muốn bóc dỡ mỗi ý nghĩ ngỗn ngang đang náo loạn trong những chiếc đầu bị tê liệt vì khiếp sợ. Họ đang chờ đợi một điều nguy biến chắc xẩy đến. Ðang xẩy đến. Ðiều khủng khiếp kia có hình khối tầm thước, hơi gầy, bước đi nhanh, nhưng mang nét cứng cỏi của thân cây tùng trên sườn núi đá. Anh bước lên bục gỗ. Nghiêm! Tiếng hô, không, phải gọi là tiếng hét của một bậc đại võ sư trước khi ra đòn tàn sát. Thanh âm dội lại từ bốn dãy nhà gạch đỏ, lướt trên bãi cỏ xanh, theo hơi gió tản ra cùng đồi núi…Trước khi thi hành lệnh phạt, các anh cần phải biết một điều để sau nầy khỏi oán hận. Tôi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tân khóa sinh có quyền phạt hành xác, phải thi hành lệnh phạt đến với khóa đàn em để tẩy rửa, gột cho sách tất cả những dấu vết còn lại của đời sống dân chính. Mà giờ nầy, nếu người nào trong các anh còn thấy luyến tiếc, muốn trở về…Hãy đưa tay lên!! Anh lướt nhìn một vòng chậm rãi…Nhãn quan con hổ đâm sâu từng khuôn mặt nhợt nhạt bối rối. Vẫn im lặng, khối người chìm ngập vào vũng lầy bất động.

Tiểu đoàn Tân khóa sinh theo lệnh tôi…Thao diễn…Nghỉ !…Nghiêm !…Rập…Rập… Bốn trăm đế giày, những nắm tay cùng cử động theo một nhịp ngắn gọn như thể chỉ là bộ phận thuần nhất của một cơ quan…Súng cầm tay…Bắt! Rốp! Hai trăm bàn tay đập lên miếng gỗ che nòng súng một lần – Tiếng khô vỡ dứt khoát. Hướng về đồi Bắc…trước chạy đều…Bước! Hai trăm con người, hai trăm chiếc nón sắt ùn ùn chuyển động. Hàng ba lô dồn dập, ầm ầm cuốn tới…Một…hai…ba…những hình người dần ngã. Xe cứu thương hú còi chạy tới tấp. Từ đầu đoàn quân, anh chạy ngược dọc theo đám người thọ nạn…Anh nào muốn xỉu chạy ra khỏi hàng !! Khi đến chân đồi Bắc, đám tân khóa sinh đã là những cọng miếng nhúng nước bị bẻ gập.

Hơn mười năm sau, một trong đám người «bất hạnh» của ngày trước đang trong cơn say, mắt y mờ đục và chiếc miệng bắt đầu chề ra, méo lại. Bỗng hắn ta đứng bật dậy, vội vã cho vạt áo vào quần…lắp bắp…Chào…chào…niên trưởng. Gã say rượu chào thật nghiêm chỉnh, đúng cơ bản thao diễn đã học từ một ngày mười ba năm trước. Nay hắn cũng là một tiểu đoàn trưởng nhảy dù lừng lẫy. Anh cười gằn…Chào gì…cho mầy nghĩ. Anh nhìn gã say chằm chặp…Gã chột dạ…Không biết «ông» ấy có phạt mình không?? Lẽ tất nhiên, nỗi sợ nầy có tác động của men rượu, nhưng quả tình ngày «tân khóa sinh» khủng khiếp kia chắc đã làm cho hơi rượu tan đi phần lớn.

Anh thuộc khóa 16 Võ Bị Ðà Lạt, khóa đầu tiên huấn luyện theo chương trình bốn năm của trường Võ Bị Westpoint, Hoa Kỳ. Lẽ tất nhiên chương trình có phần lớn thay đổi để phù hợp với tình hình, điều kiện chính trị, xã hội, quân sự một nước chậm tiến, vừa thoát khỏi ách ngoại thuộc, đang phải chuẩn bị chống trả cuộc chiến tranh lật đỗ tinh vi, ma độc. Ðây cũng là khóa sĩ quan được chuẩn bị kỹ, tốt nhất của 30 khóa sĩ quan hiện dịch kể từ ngày trường thành lập, 1951 đến ngày tàn cuộc 1975. Sự chuẩn bị tốt đã đưa lại kết quả đáng tự hào, những sĩ quan tốt nghiệp khóa 16 trong mười ba năm có mặt ở chiến trường đã dựng nên những kỳ tích lẫy lừng…Nguyễn Văn Huy ở Biệt Ðộng Quân, Ðại tá Nguyễn Hữu Thông Trung đoàn trưởng xuất sắc nhất của Sư đoàn 22 Bộ Binh, lực lượng chính trấn giữ Tây nguyên, Lê Minh Ngọc, Phạm Kim Bằng, Trần Ðăng Khôi…Những Tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng Nhảy Dù không hề thua sút khi phối hợp với những sĩ quan đồng cấp bậc, chức vụ của những đại đơn vị quân lực Mỹ. Khóa 16 đi đủ các quân, binh chủng, nên Hải Quân có Thu, Long; Không Quân Tâm, Khôi…Tất cả sĩ quan của khóa nầy hình như được thôi thúc từ một lực thi đua thầm kín, khắp các đơn vị, ở những nhiệm vụ khác nhau, bao giờ người ra cũng nghe được những điều ngợi khen nễ phục. Và binh chủng hàng đầu, đơn vị trụ cột của quân lực miền Nam, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, những sĩ quan khóa 16 Trần Văn Hiển, Nguyễn Kim Ðể, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Ðằng Tống, Trần Ngọc Toàn, Ðỗ Hữu Tùng…từ một thỏa thuận «ngầm» nào đó (kết ước bởi tình huynh đệ, bằng hữu) do anh điều động đã tạo nên một huyền thoại có thật. Những Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là những đơn vị không hề thua trận. Những tiểu đoàn nầy có một thời chỉ do «băng» khóa 16 chỉ huy. Thật ra đây là một cách nói quá độ để tuyên dương khóa 16 nầy, vì ở đấy còn có những «tay» cự phách khác – Sinh đi lính, sống nhậu không tỉnh!! cỡ như Phán, Hòa hoặc những người khóa sau như Hợp khóa 19, Nghiêm, Liễn khóa 20, Bổn khóa 21…Nhưng dù xuất thân Thủ Ðức hay Ðà Lạt, những sĩ quan trẻ ở các tiểu đoàn chiến đấu TQLC đều một lòng đồng ý tôn vinh – Ông ấy, ông Robert «Lửa» Nguyễn Xuân Phúc là một sĩ quan ngoại hạng. Người chỉ huy kiệt xuất. Ðau đớn thay, anh không hề thua trận chống giữ miền Nam. Lợi «râu», đại úy trẻ nhất của quân lực miền Nam, đại đội trưởng Tiểu đoàn 8 TQLC hằng đêm nằm ở trại giam Lam Sơn Thanh Hóa cứ mãi ngậm ngùi…Lính mình mà có độ vài ông như anh Phúc thì đâu đã mất nước dễ như thế…Chúa phạt mình thôi!!

Anh chết ở một nơi nào đó trên quê hương, em anh, Nguyễn Phúc Thọ, cũng cùng khóa 16 (trung đoàn trưởng lừng danh của Sư đoàn 1 Bộ Binh, đơn vị trấn giữ vùng địa đầu cực bắc đất nước, đơn vị tái chiếm Huế trong mùa Xuân Mậu Thân, đơn vị treo cờ vàng lên Bastogne, cứ điểm quân sự Tây-Nam Thừa Thiên mùa Hè 1972, nơi mà Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã một lần chiếm giữ và bỏ đi bởi áp lực địch quá nặng…) phải nát thân với mười năm tù nơi núi rừng đất Bắc, chỉ trở về được với đời sống, với gia đình sau lần vượt ngục tưởng như chỉ có trong chuyện trinh thám, võ hiệp. Và nỗi đau lớn của gia đình, mối tiếc thương của bằng hữu, đến hôm nay vẫn luôn mới, kết thực với tên anh – Người vắng mặt luôn hằng sống.

Anh trình diện đơn vị, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến hành quân tại Cà Mau vào một ngày cuối năm 1962, giữ ngay chức vụ đại đội phó cho trung úy Bảo (sau nầy là Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn). Với khả năng chỉ huy thiên phú, anh nhanh chóng chiếm được lòng tin của người chỉ huy, cùng toàn thể đại đội. Ðiều nầy không lạ, tiểu đoàn sinh viên sĩ quan (gồm bạn đồng khóa và người ngang số tuổi) dưới quyền chỉ huy của anh đã thành đơn vị mẫu mực với tính tổ chức, nguyên tắc cao. Cũng đúng ra anh đã có vinh dự trở nên thủ khoa đầu tiên của chương trình võ bị (với điểm văn hóa, quân sự ưu hạng), nhưng bởi thiếu ngoại hình cần thiết cho vai trò người thủ khoa (ở vị trí hành lễ), hoặc vì một lý do chính trị nào đó, anh nhường vinh dự kia cho bạn…Có hề gì, đi lính đánh giặc đâu cần phải mặc đại lễ, bắn cung tên…Ðược như thế cũng vui, không thì thôi… Thiếu úy trẻ tuổi tập họp đơn vị trình diện đại đội trưởng với những cung các cần thiết đủ để giữ quân phong quân kỹ…Nhằm nhò gì những điều lẻ tẻ, nay mai nhảy trực thăng mới biết đá biết vàng. Chưa hề một lần anh có chút «mặc cảm» do vóc dáng gầy, nhỏ của mình. Thật ra chính nó đẩy anh cao lên, anh xử dụng câu nói «đùa nhưng rất thật» của Napoléon một cách chính xác…Tiên sư, các anh chỉ «dài» hơn tôi thôi, sức mấy các anh cao hơn tôi được… Và anh dẫn chứng thêm luận cứ…Cứ xem Napoléon, Hitler, Stalin, và bên Tàu Án Anh, Ðặng Tiểu Bình, phe ta có Ngô Quang Trưởng...Ðâu cần đẹp trai cao lớn mới đáng mặt lên tướng, làm lãnh tụ. Ðẹp trai thì đi làm kép hát thôi, bự con, nếu còn bé thì đi thi trẻ em đẹp, lớn lên cởi trần, gồng bắp thịt cho người ta chụp hình… Anh thường nói thế với cái nhìn tóe lửa. Bạn bè nào đã cải lại cùng anh. Và quả tình khi những giòng chữ nầy được viết thì anh đã vượt đi rất cao rất xa. Không mấy ai đủ sức một lần theo kịp.

Trời cuối năm, đêm tỉnh lẻ mù mù sương lạnh. Từ chỗ đóng quân, nhà máy xay gạo bên cạnh cầu sắt, đường đi Năm Căn, anh rũ Phán, thiếu úy khóa 9 Thủ Ðức, tay xung kích lợi hại của đơn vị…Ði chơi mầy. Ði đâu ?… Thì nhắm chỗ nào có đèn mà đi, phía sáng sáng đó. Ðồng ý! Phán chịu ngay đề nghị. Hai anh thiếu úy lần bóng tối, bước thấp bước cao tiến về phố chợ, nơi đèn vàng hắt bóng lên nhờ tối. Muỗi bay lềnh như đám bụi theo gió thổi qua. Hai giờ khuya, hai bóng đen chập choạng nương nhau về…Thế nhưng cũng đến cầu Sắt bình yên.

Toán lính Ðịa Phương Quân gác cầu mở máy thu thanh giọng óng ả, đong đưa «…vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu…» Hai người trẻ tuổi đứng ở thành cầu nhìn xuống giòng sông đen bóng tối…Sao mầy?! Chẳng biết hỏi ai. Mình xuống tắm cho mát !! Và…ầm…ầ…m… Hai bóng người cùng rụng xuống cầu trong đêm đen. Hơn hẳn Lý Bạch, vì không cần ngại đến một vầng trăng.

Ðám lính gác cầu nỗ súng, đạn vạch đường đỏ bắn lên khoảng không vun vút, tiếng người la ầm ĩ…Có người tự tử!! Có người tự tử!! Hai anh thiếu úy ngữa mặt lên trời lội vào bờ cười vang.

Quận Ðầm Dơi mất đêm của ngày hôm sau. Tiểu đoàn 2 nhảy xuống tiếp viện. Bốn đại đội, gồm ba đại đội tác chiến, một đại đội chỉ huy vừa rời khỏi trực thăng bị đàn áp ngay bởi một giàn lưới đạn đan kín. Việt cộng tập trung hai tiểu đoàn chủ lực, U Minh và Cửu Long, dồn hết hỏa lực cơ hữu, tăng cường vũ khí nặng của Khu 9 (vùng đồng bằng sông Cửu Long) quyết diệt gọn TQLC. Ðối phương có đủ tất cả ưu thế, quân số đông, hỏa lực mạnh và chuẩn bị chiến trường theo yêu cầu của mình. Nói một cách khác – Chọn lựa chiến trường, nắm trọn ưu thế chiến thuật. Ðây là trận địa chiến đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu thắng lợi, phía cs hóa giải được chiến thuật đang được người Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm tại chiến trường – Chiến thuật trực thăng vận.

…Bốn giờ chiều, Phúc và Phán gom hết tất cả thành phần còn lại của tiểu đoàn, cũng chỉ khoảng một đại đội, nhảy đợt chót. Từ trên cao, anh thấy một vùng khói đen dày, vây bọc quận lỵ, chiếc B57 gãy cánh nằm tênh hênh. Nhưng không kịp nghĩ ngợi, người anh đã ngập xuống vũng sình, các bờ mương không đủ tầm cao, toán lính tiếp viện nằm tênh hênh trên bãi ruộng sũng nước hứng đạn từ bìa làng vãi ra…Ðạn ghim vào bờ đất, đạn cắm vào thịt da người sau khi xuyên qua lớp nước bùn bắt đầu sủi màu máu. Anh bò đến chỗ Phán «…ê, Phán nầy, không đại đội nào vào chiếm bìa làng, nằm ở đây chỉ chờ chết thôi, tối đến vẹm nó ủi ra là đi đong…» «…Hay xung phong bừa đi, may ra thì…khỏi chết, như mua xổ số…biết đâu…!!» Phán đề nghị ngang ngược. Ðừng liều mạng vô ích…Anh bình tĩnh chậm rãi… Mầy cố gắng nằm bẹp dưới nước, không phải TQLC mà làm tàu lặng, tao gom con cái chiếm đám dừa bên tay mặt, yểm trợ cho mầy vào chỗ bìa làng, mầy bám được tụi nó xong, tao chuyển xạ vào tiếp… Chẳng đợi Phán đồng ý, Phúc đứng lên. Anh lên đạn khẩu súng colt, nhìn thật sắc vào mắt mỗi người lính… Vào!…Và phóng mình lên trước.

Người hạ sĩ quan, Thượng sĩ Hò không thể lường trước được phản ứng của người chỉ huy trẻ tuổi của mình, lật bật xách ba–lô chạy vụt theo. Tràng đạn từ bìa làng bay đến, chiếc nón sắt như bị hất ngược, dây ba chạc mang đạn đồng bị xé rách, bứ tung…Người lính ngã xuống giật giật…Thiếu úy. !!. Phúc nghiến răng, mắt đứng sững. Anh kéo khẩu súng khỏi tay người lính…Xung phong…xung…phong…Thân hình gầy yếu của anh chạy loáng thoáng trên giãi ruộng sục sôi khói thuốc súng, đạn bắn ra sủi tăm mặt nước. Ðôi lúc Phúc ngã xuống, nhưng sau đó anh vụt dậy chạy đi. Phán và những người lính ngoài bờ ruộng đồng ngây hoặc trước một điều tưởng như không thật. Và không cần đợi xác nhận qua máy truyền tin, vừa thấy dấu hiệu từ tay Phúc, một đại đội TQLC phóng mình lên. Phán chụp cây trung liên BAR của người lính, bật cần tác xạ vào vị trí «auto» , choàng dây đeo qua thân, anh chạy lên…Ðạn giật giật, người anh như ngã ngữa theo.

Chiến thắng Ðầm Dơi bảo đảm an ninh chiến thuật cho vùng IV. Tiểu đoàn 2 TQLC trở thành đơn vị hàng đầu của quân lực. Và toàn thể tiểu đoàn đều đồng ý xác chứng, ông Thiếu úy Phúc, sĩ quan trẻ nhất đơn vị – Người đã nghiêng thế trận trong giây phút hiểm nghèo quyết định.

Anh thật sự già đi theo nỗi gian nguy của người lính. Không phải chỉ cơn rình rập thường hằng của súng đạn mà anh giáp mặt từ ngày mở lửa Cà Mâu. Anh còn phải tham dự vào những trận nghi hoặc của tháng 11, 1963…Ðể khắc khoải tự hỏi…Người lính chiến đấu cho ai?  Những binh sĩ lương tháng tương đương bửa ăn sáng của những tay chạy áp phe ngồi tính những số tiền lời gởi đâu bên Hồng Không, Ðài Loan, Thụy Sĩ. Những tay chạy áp phe mặc đồ lính không hề gợn bụi với những món hàng trao đổi – Mạng sống người lính, sinh mệnh quốc gia. Anh phải chịu những cơn đau xé thân nơi lưng đồi Bình Giả, trăm chiến hữu phơi thây do những ngu dốt hèn hạ vô lương tâm của những người gọi là chỉ huy, lãnh đạo, xem chiến trận như cách thế tìm đến những bổng lộc ti tiện tầm phào. Nhưng anh biết làm gì hơn với cấp bậc một sĩ quan cấp úy, tình cảnh như viên đạn đã trình trong nòng súng; giữa im lặng, trong chờ đợi quả đạn nỗ sau khi nghe rõ tiếng «bục» của quả pháo bắn đi. Tiến quân vào khu phi quân sự năm 1965; giải phóng Bồng Sơn, Tam Quan; lạnh mặt nghiến răng xung phong vào chùa Tỉnh hội Ðà Nẵng của lần miền Trung ly khai 1966; chịu trận phục kích oan uổng, uất hận nơi cầu Câu Nhi, Phong Ðiền Thừa Thiên 1967. Một đơn vị lừng danh chịu gẫy đỗ từ những kẻ nội thù!!! Mắt anh vốn sáng ánh giận dữ nay bừng bừng thêm nỗi bi phẫn không thể nói. Mậu Thân, anh trút mối căm hờn kia lên đầu giặc. Ðơn vị anh đóng ở Hàng Xanh, khóa chặt vùng đồng ông Cộ, đánh bật toàn thể lực lượng cộng sản bám giữ cầu Bình Lợi. Dẫu là tiểu đoàn phó, anh luôn luôn ở tuyến đầu cùng binh sĩ, theo người lính đánh thẳng, đánh thốc vào các chốt cố thủ của giặc. Hơn một trăm cán binh cộng sản không đường rút lui, cùng thế, cột cờ trắng lên nòng súng, xếp hàng một xin đầu hàng Tiểu đoàn 6 TQLC. Anh trả giá chiến thắng của đơn vị với một viên đạn xuyên qua cổ, viên thứ hai xé lồng ngực và mảnh pháo vạch một đường sâu dài theo sống mũi. Tất cả những viên đạn, mảnh đạn đều đi ngọt qua thân, chứng tỏ súng bắn gần, sát mặt. Anh rời khỏi chiến trường trong sáu tháng. Vinh quang chiến thắng Mậu Thân, chiến dịch Trần Hưng Ðạo bẻ gẫy công kích đợt một của vc, tiếp chiến dịch Toàn Thắng thanh toán tàn binh địch sau tổng công kích đợt hai thuộc về phần những người còn lại!! Anh không có, vì đã buộc phải rời chiến trường nơi giờ phút chót. Từ nhà thương ra anh về coi Tiểu đoàn yểm trợ thủy bộ, một đơn vị tiếp vận cho chiến trường. Không một lời từ nan, chiến trường đang nặng độ, sẽ khốc liệt, gay gắt gấp bội. Anh thản nhiên chờ đợi như đã bao lần tự tin. Hằng tự tin.

Robert Lửa

«Robert lửa» Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 TQLC (ngồi bên trái, bên tay phải là Thiếu tá Nguyễn Kim Ðể). Hình chụp năm 1969 cùng với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn (Ảnh Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 của Phạm Huấn).

Cuối cùng, cờ đến tay. Anh nhận quyền chỉ huy đơn vị đầu đời, cũng là tiểu đoàn lẫy lừng của lực lượng bộ chiến Sư đoàn. Tiểu đoàn 2 “Trâu điên” – Tiểu đoàn hàng đầu của quân lực miền Nam.

Hạ Lào, chiến trường lớn với quy mô, ảnh hưởng quyết định vận mạng quốc gia, cũng là dịp để miền Nam thử lửa mất còn với Hà Nội. “Trâu Ðiên” nhập trận cùng với Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 4, đặt dưới quyền chỉ huy của Lữ đoàn A do Ðại tá Hoàng Tích Thông làm Lữ đoàn trưởng. Ðại quân miền Nam gồm ba Sư đoàn chủ lực; Nhảy Dù trục cực Bắc, TQLC ở giữa, Sư đoàn 1 Bộ Binh chịu phần phía Nam. Ba đơn vị hợp thành ba mũi chính tiến theo hướng Ðông-Tây lấy quốc lộ 9 làm chuẩn. Mục tiêu là thị trấn Tchépone vùng Nam Lào, điểm tiếp vận quan yếu của bộ đội cộng sản trên đường dây tiếp vận Bắc-Nam. Lực lượng TQLC trong vùng trách nhiệm lại bố trí các tiểu đoàn theo hướng Bắc-Nam. Tiểu đoàn 4, 7 bộ chỉ huy Lữ đoàn có các vị trí pháo của Tiểu đoàn 2 pháo binh do “Trâu Ðiên” bảo vệ đồng thời làm lực lượng trừ bị; phía Nam Lữ đoàn A có hai Tiểu đoàn 3 và 8  thuộc Lữ đoàn B làm lực lượng trừ bị, đồng thời giữ mặt Nam đề phòng địch vòng quân đánh chia cắt. Nhưng tất cả chuẩn bị chiến thuật nầy đã trở nên vô nghĩa. Phía cộng sản đã chuẩn bị đủ chiến trường từ quốc tế đến quốc nội, với biểu ngữ của những đoàn biểu tình phản chiến, tại hội thảo đòi cải thiện chế độ an sinh xã hội cho người da đen ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ; trong dinh Ðộc Lập với ông tổng thống chỉ lo phe đối lập làm đảo chính; nơi bộ chỉ huy căn cứ Long Bình cứ một mực quả quyết quân lực miền Nam không có cố vấn Mỹ đi kèm thì không thể chiến đấu độc lập. Tuy nhiên tòa đại sứ ở Sài-Gòn phải báo cáo như thế nào để đêm 7 tháng 4, 1971, Tổng thống Nixon có thể nói cùng dân chúng Mỹ...”Ðêm nay tôi có thể báo cáo rằng...chính sách Việt Nam hóa đã thành công!!...” Nhưng tất cả lời tuyên bố, thái độ chính trị dù thế nào chăng nữa, chỉ biết có một điều thực tế. Nơi mặt trận Hạ Lào, quân cộng sản đã áp dụng một chiến thuật xử dụng pháo binh khác lạ...”phân tán pháo binh, tập trung hỏa lực...” và lần đầu tiên xe tăng đã đưa vào chiến trường. Không một viên đạn bị bắn phí, bắn trật ngoài mục tiêu. Căn cứ hỏa lực của Tiểu đoàn 37 Biệt Ðộng Quân, đơn vị đóng cực bắc của hệ thống bố trí quân bị nhổ đi trong một thời gian rất ngắn. Với chiến trường quy mô lớn, quân số tham chiến cấp quân đoàn, một tiểu đoàn không có là bao, hơn nữa đây là một tiểu đoàn  (mà đúng ra bị) bố trí vào trong một trận địa pháo mà địch quân đã chuẩn bị từ lâu. Không rõ từ bao lâu, chỉ biết những pháo thủ cộng sản đã gióng trước với những toán quân tiền phong qua máy truyền tin kiểm thính được... ”...Chúng mầy sẽ biết trận địa pháo của quân giải phóng...” Và lời đe dọa trở thành hiện thực với những đợt pháo kéo dài từ bình minh tiếp qua trưa vào chiều tối. Pháo không chỉ từ vài vị trí, từ một hướng tiến quân, phía kẻ nghịch. Công sự dần dần bị bóp vỡ, ụ súng lớn nát rời manh mún, nòng thép những khẩu pháo cong lại, bộ máy cò chảy mềm…Người lính đứng tròng mắt dưới giao thông hào, liếm cặp môi khô chờ tiếng xích vang âm âm từ đâu trong lòng đất, xuyên lường đất…Và từ khi nhướng mình lên thì tiếng xe đã đỗ chụp từ trên bờ hầm. Tại bộ chỉ huy hành quân ở Khe Sanh người ta vẫn không tin điều gọi là “xe tăng cs” đã vào trận địa, và viên tướng tư lệnh chiến trường hằng ngày sau giờ làm việc vẫn bay về Ðà Nẵng đánh tennis để hôm sau trở lại bộ tư lệnh tiền phương nghe những báo cáo “…Sau căn cứ hỏa lực Tiểu đoàn 37 Biệt động, đến đồi 30 Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù và cuối cùng…Lữ đoàn 3 Dù ở đồi 31, mũi nhọn tiến quân xa nhất của chiến dịch bị tràn ngập.  Trong tình cảnh nầy, Lữ đoàn A TQLC còn lại đơn độc giữa trùng vây của ba sư đoàn quân Bắc-Việt, sau khi Tiểu đoàn 1/4 Sư đoàn 1 Bộ Binh bị tan nát ở mục tiêu Tchépone, mà thật sự đã là chiếc bẫy khổng lồ gương sẵn từ lâu. Tiểu đoàn 2 ”Trâu điên” gánh khối nặng của trận chiến không cân sức và bi thảm nầy. Phúc, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc, trở nên tụ điểm tất cả nguồn lửa lớn toàn chiến trường. Và anh đã xác chứng cái tên tiền định kia quả xứng đáng với phẩm chất con người. Anh nói với Ðạt, chỉ huy trưởng pháo binh, đơn vị duy nhất còn lại của trận địa “Ông khỏi yểm trợ cho ai nữa, hạ nòng súng xuống…cua nó bò lên con nào, ông nướng ngay con ấy cho tôi!” Cua, anh dùng chữ với ý thức khinh miệt hơn là khôi hài để chỉ những chiến xa Bắc quân. Và đến lúc cuối cùng, anh hét lớn qua máy truyền tin…”ông khỏi cần hỏi lệnh tôi, còn bao nhiêu chơi hết bấy nhiêu…” Bỏ chiếc ống liên hợp máy truyền tin xuống anh mỉm cười…Hóa ra mình là người chỉ huy độc nhất còn lại của chiến trường. Hai tiểu đoàn 4 và 7 ở vùng ngoài căn cứ vùng vẫy tuyệt vọng giữa đám kẻ thù say máu như con hổ trọng thương bị loài kênh kênh rúc rỉa. Phúc hướng dẫn từng phi tuần từ hạm đội 7 bay vào cứu bạn. Những viên phi công Mỹ dần quen giọng nói của ”Foxtro“ (ám danh truyền tin không-lục của Phúc với phi công Hạm đội 7) để đến một đêm…Ðêm hỏa ngục lật ngược để bày ra trên trần gian nguồn lửa lênh láng hung tàn không hề cạn. Lửa rùng rùng lay động suốt dãy núi rừng ầm vang tiếng nổ. Tiếng nổ của đại pháo, hỏa tiển bắn từng đợt, từng tràn một lần mười, hai mươi trái, từ bốn, năm vị trí. Trong chuổi âm động quái dị ấy, tiếng súng tay đì đẹt nhỏ nhoi như một loại pháo lép và cuối cùng với trái bom. Bom ném một lượt từ ba phi tuần phản lực nối cánh nhau như cảnh tượng trong các phim chiến tranh. Phi cơ Mỹ bao vùng suốt từ sáng sớm…Ðà Nẵng, Thái Lan, Hạm đội 7, Guam…qua chiều, vào đêm bay đến.

…Và đêm đến, lính Bắc từ hang ổ, từ đường thông thủy, từ giao thông hào, từ địa đạo theo xe tăng tiến lên đồi tiêu diệt bộ chỉ huy Lữ đoàn A, Tiểu đoàn 2 pháo binh qua hàng rào phòng thủ của “Trâu điên”. Và Tiểu đoàn 2 TQLC đã thực sự là một con trâu điên trong cơn đương cự cuối cùng đơn độc. Phúc đã theo dõi và thấm hiểu nỗi đâu những lần thất thủ của Tiểu đoàn 37 Biệt-động, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 3 Dù…Nào có phải ai đâu người lạ, những Hoàng Phổ khóa 17, đàn em xa Trụ khóa 20 và nhất là phía Sư đoàn 1 Bộ Binh với Lê Huấn, Trần Ngọc Huế, những người đã bị anh phạt chạy dã chiến lên đồi Bắc, miếu Tiên Sư ở những ngày Ðà Lạt hằng hai mươi năm trước. Nay anh cũng đang có mặt cùng đàn em trong lần chạy khốn nạn vượt qua cái chết và vũng lửa. Anh luôn giữ lời hứa cùng bằng hữu, với đàn em. Anh lại càng không thể bỏ qua trách nhiệm với những người đã nhất mực tin cậy nơi anh, những người lính cùng đơn vị, những chiến hữu cùng chung mầu áo. Hai Tiểu đoàn 4 và 7 phía ngoại vi căn cứ chỉ còn một đường liên lạc qua tần số của Tiểu đoàn 2 “Trâu điên”, Phúc hướng dẫn phi cơ Mỹ thả trái sáng để hai đơn vị nầy lần đường về phía Nam, nơi các tiểu đoàn 3 và 8 TQLC đang đợi «bắt tay». Bộ chỉ huy Lữ đoàn A đã hoàn toàn tê liệt, pháo binh chỉ còn những viên đạn và khẩu đội cuối cùng, Thiếu tá Ðạt, chỉ huy trưởng pháo binh báo cáo… Tụi nó tràn ngập vị trí…tôi phá súng… Và cuộc hỗn chiến trong đêm bắt đầu. Tiếng súng lớn đồng im bặt, tiếng súng nhỏ cũng không còn, chỉ còn âm động của da thịt người bị xé rách, đâm nát và vỡ nhầy dưới dây xích xe tăng. Trong bóng tối chập chờn tàn lửa, nghi ngút khói, dấu vết của những trận pháo càn từ bao ngày qua, từ giờ trước…Những bóng người nhào vào nhau, tìm đường chạy và cách thức giết người có hiệu quả. Anh hằng tiên liệu rõ giây phút bi thảm ghê gớm nầy, nên đã ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền “tay áo phải xắn cao, tay áo trái thả dài xuống…” dấu hiệu nhận bạn giữa đêm tối, vượt nỗi chết. Và từ vũng sâu cảnh địa ngục trần gian kia người ta nghe rõ ràng tiếng hét lớn lập lại nhiều lần…”I‘m crazy buffalo bataillon commander…đ…m tao ground chief…go ahead, do it please…” Bầu trời và mặt đất cùng bị vỡ tung một lượt, những trái bom chạm nỗ ngay khi vừa rời khỏi cánh tàu bay. Phúc nương theo đợt dội bom, hứng đủ trận dội bom, bảo vệ bộ chỉ huy Lữ đoàn, tiểu đoàn 2 pháo cùng tất cả đơn vị rút đi. Trong bản ghi dữ kiện của máy bay, tọa độ dội bom cũng chính là tọa độ của Lữ đoàn A mà viên phi công đã yểm trợ từ bao ngày qua!! Anh ta lẩm bẩm trên đường trở về hạm đội…what’s he hell crazy guy…!! Khi nhớ đến lời yêu cầu của “Foxtro“. Bốn giờ sáng, Phán, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 TQLC từ trên ngọc núi Cô-rốc, đỉnh núi cao nhất của vùng, nhìn suốt đủ hai sườn đông, tây Trường Sơn, lắng tai nghe tiếng nói khẻ, đứt khúc của Phúc…”…mầy, …mầy làm ơn thắp…đèn cầy…(trái sáng), tao dẫn tụi thằng 4 và 7 và con cái tao về…” Chín giờ sáng hôm sau, Phán xuống núi. Phúc đang dìu Ðại tá Thông bước đi. Giữa đám quân tan tác, anh là người nhỏ, thấp, gầy nhất. Nhưng quả tình anh cũng là người “cao, bền” hơn hẳn. Anh luôn giữ lời và chứng tỏ đủ.

Anh Nguyễn Xuân Phúc thân kính!

Ðến hôm nay tôi vẫn không tin, không thể nghĩ ra được sáng mồng Hai Tết 1974 qua 1975 kia là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau. Anh đánh mạt chược với tiền của ai đấy chia ra…”Tao chưa hề có đến trăm ngàn đồng dù làm tiểu đoàn trưởng mấy năm… Ðôi giày nầy ông Giao vừa mới mua cho đấy“. Anh đưa đôi giày lên, hai mắt ửng đỏ như sắp “lột“ người ta, lăm nhìn tôi khi tôi tỏ ý thắc mắc về đôi giày.

Nhưng thật sự không phải như thế. Ðằng sau những lời nói gầm gừ, nhát gừng ấy, sau nhãn quan sáng lửa cuồng nộ ấy…Anh có một điều gì khác. Ðiều không hề nói ra. Như đêm rượu ưu uất ở nhà thờ Mỹ Chánh, đêm 1 tháng 5, 1972, khi anh đã cạn hết két bia không đá và làm vỡ chai Johnny Walker. Rượu đỏ lênh láng loáng ánh đèn cầy, anh soi mặt vào vũng lửa im lặng nói câu đứt khúc “…Chiến tranh gì như c…còn mấy cái xác Biệt-động-quân nằm bên kia bờ không ai chôn…” Bên kia là bờ sông Mỹ Chánh, Bắc quân dàn ba sư đoàn có xe tăng yểm trợ. Bên nầy là Tiểu đoàn 2 TQLC của anh. Toàn bộ thế trận miền Nam, vùng hỏa tuyến được quyết định trên bảy mươi thước bề ngang nầy – Tất cả nằm trên vai anh và một tiểu đoàn quân số năm trăm người. Và cũng như lần bửa đó, giữa tiếng rung của núi oằn mình, bởi thảm bom B52 đánh “full box”, dưới tầm đại pháo từ Hạm đội 7, lẫn trong tiếng nỗ bục của đạn 130 ly Bắc quân từ  La Vang xuống…Giữa âm thanh, sức nỗ và sự chết, vượt quá hơi men của rượu, anh bứt thoát đi xa hơn, cao hơn. Và rõ ràng hơn anh chìm xuống với cơn đau riêng. Nỗi ÐAU một mình anh đương cự.

Quả thật anh vẫn dấu kín một điều gì.

Như  trong lần rượu ở khách sạn Hương Giang, Huế? Anh tì tay lên lan can, nhìn xuống giòng sông đêm loáng ánh điện, phía Vĩ Dạ cuối sông, trời u uất, mờ đục không trăng sao. Vết sẹo trên mặt nâu bóng lại, thẫm mầu hơn, anh cạ mép đáy ly lên đó, ngồi im lặng, đơn độc. Ðêm quá khuya…Anh gục xuống. Người chủ quán đi báo quân cảnh “…Có anh lính ngồi ở quán ôi, anh ta ngồi một mình, say quá…Hình như anh đang khóc…” Vâng, có thể anh đã khóc một mình. Không ai biết được, kể đến hôm nay.

Sau đây là câu chuyện nhỏ, có thể anh không nhớ, có nhớ chăng anh cũng không nói cùng ai. Buổi chiều mưa tháng sáu năm xưa, của hai mươi ba năm trước, ở quán 222 Thủ Ðức. Trời mưa lớn, thứ mưa dầm giữa mùa miền Nam. Mưa cuốn hết đất trời ra thành nước và trút xuống như tuông chảy hết chất chứa oán hờn. Tôi ngày ấy cũng đang tang thương lang bạt, không gia đình, không đơn vị, một thân vô định theo trời mưa trôi qua Thủ Ðức. Anh ngồi ở góc quán, phía cực phải cạnh hàng rào cây lá. Quán vắng, anh là người khách độc nhất. Thường ngày, có lẽ anh cũng như tôi thế nào cũng nhâïp vào sinh hoạt ồn ào của quán rượu với đối tượng sống động, bà chủ M…Nhưng chiều ấu, trong vũng mưa sũng ướt phiền muộn, cách thế bề ngoài ồn ào sống động kia cũng đã trôi theo giòng lũ cuồng cuộn chảy qua mặt nhựa đường ngập sâu trước quán. Hai anh em ngồi im như mối quạnh hiu trần truồng không thể che dấu. Uống đến chai Martell thứ hai. Không một lời trao đổi. Này…uống đi!! Anh chỉ có những tiếng ngắn ghìm ghìm trong cổ. Mắt anh ráo hoảnh nhìn trừng trừng ra màn nước mù mù. …Sao ông ấy buồn ghê thế?! Tôi nghĩ thầm vì biết nói ra sẽ là điều ngu xuẩn vô duyên.

Cuối cuộc chiến, tháng Ba năm 1975, với chức vụ Lữ đoàn trưởng, anh đưa Lữ đoàn thay thế Lữ đoàn Dù ở đồi 1062, Dục Ðức, Quảng Nam, nơi binh chủng Dù đã chận đứng, bẻ gẫy mũi tiến công của cộng sản về Ðà Nẵng. Anh Tùng, cũng là bạn, là niên trưởng của tôi, cùng khóa với anh, Lữ đoàn phó, một Ðỗ Hữu Tùng đã làm sáng quân sử với chiến công bắn cháy hằng chục chiến xa, bắt sống năm chiếc khác khi chỉ huy Tiểu đoàn 6 TQLC trong trận chiến ngày Hè đỏ lửa 1972. Nhưng hôm nay thời thế đã xoay chiều, chiều ngang ngược, đau đớn, bi thảm, đơn vị của anh, Lữ đoàn 147 TQLC, đơn vị tổng trừ bị của quốc gia một mình giữ Ðà Nẵng đối diện với ba sư đoàn vc. Và Ðà Nẵng của 29 tháng 3, 1975 không người lãnh đạo, không lệnh chỉ huy, và không cả đến thuộc cấp nghe lệnh. Phúc và Tùng biết làm gì?? Hai anh có thể làm gì??

Ngày 29 tháng 3, 1975 tôi ở Nha Trang, từ cao độ của trực thăng nhìn đoàn tàu thuyền bươm chải vượt sóng xuôi Nam. Nghe trong máy truyền tin không-lục âm vang đau thương của những máy bay bị nạn. Ông ấy có việc gì không? Ðằng Giao hỏi câu đầu tiên khi tôi về tới Sài-Gòn …Không biết, không nghe thấy… Bên Thủy Quân Lục Chiến cũng không ai hay…Thế anh ở đâu, đã ra sao trong giòng bão lũ tan vỡ quê hương, nát rời Ðà-Nẵng, hỡ anh Phúc?!!

Sau 30 tháng Tư, tôi đến nhà, anh Thọ rót ly rượu nhỏ. Chưa bao giờ phải uống ly rượu gớm ghê đến thế. Muốn kêu một tiếng xé gan.

Nhưng đến bây giờ, năm thứ mười chín kể từ ngày gãy cờ, bẽ súng… Còn hy vọng nào nữa khi nghĩ về một người bạn, một người anh vắng mặt từ lâu. Nơi trại tù ngoài Bắc suốt mười năm, kết hợp chi tiết rời rạc từ nhiều người… Tôi đã thấy nên toàn cảnh. Vâng, cảnh cuối cùng ở Ðà Nẵng, của Quân đoàn I với Lữ đoàn 147 của anh…

Trên bãi biển Mỹ Khê, nơi căn cứ Hải Quân Tiên Sa từng đoàn người, từng đám người thất thần khiếp đảm xoay trở, quanh quất mé nước, cuống quýt giữa vũng sâu…Và trên đầu pháo chụp. Không nón sắt, không áo giáp, anh và Tùng thản nhiên đi bên cạnh những quả đạn nỗ bùng, bước lên những thây người. Anh bước xuống mé nước nhìn ra xa… Tàu Hải Quân Việt Nam, tàu Mỹ, tàu buôn đủ quốc tịch… Với ánh mắt buồn phiền của người già nhìn ngôi từ đường bốc cháy. Ðôi mắt đứng tròng của Prometheus treo người trên sườn núi nhìn máu tự thân khô kiệt giọt cuối cùng. Anh nghe tiếng khô nhỏ của súng colt bóp cò, bởi đầu đạn đã nằm im trong da thịt người bị xé bung. Anh nghe tiếng kíp lựu đạn bật nỗ… tui chết đây trung tá ơi… Lính Lữ đoàn 147 gởi lời chào vĩnh quyết người chỉ huy và da, thịt, xương, mảnh vụn áo quần, tia máu sẫm tươi bắn tung tóe rơi lấm chấm trên cát xám loang lỗ đã sẵn rải rác, lềnh kềnh những tay chân đứt khúc, thân người sâm sấp vào ra theo triền sóng. Và đau đớn hơn tất cả. Tan vỡ hơn tất cả… Gã mặc đồ lính (cũng quân phục tác chiến nhảy dù nhưng không thể là lính Dù vì lữ đoàn bạn đã bàn giao lại cùng Tiểu đoàn 7 TQLC từ ngày 25 trên đèo Hải Vân)… chỉa XM16 vào người đàn ông thất sắc… đ..m có gì lấy ra hết!! Người nầy cuống cuồng, thất sắc… xin anh thương tình… tôi cũng là đại úy!! …đ..m.. đại úy bắn theo đại úy!!! … Viên đạn nỗ toang trên đỉnh trán, những miếng xương sọ nỡ vụn bay bay. Gia đình người sĩ quan ngã chụp trên xác thân co giật. Quả đạn 130 ly nỗ bên cạnh ném tung khối người cùng một lúc!! Anh và Tùng nhìn nhau.

Bởi anh không thể chết. Anh ÐAU hơn cái chết. Anh phải vượt qua cái chết.

Anh và Tùng nhập vào đám đông, cố tìm đường về Nam, theo đường bộ… Và đã bị bắt một nơi nào ở Quảng Nam, Quảng Ngãi hay lần tới Phan Rang, Nha Trang…?? Hoặc có thể hai anh đã chung một lần, lần cuối cùng với những người lính TQLC trên bãi biển Tiên Sa, nơi căn cứ Hải quân Ðà Nẵng…Không ai biết. Chỉ biết, hai anh đã chết một nơi nào đó trên quê hương miền Nam, vùng đất các anh đã chọn từ ngày thanh xuân và riêng anh. Nguyễn Xuân Phúc đã sống hết đời vô cùng chung thủy. Chung thủy trong cả nghĩa đen, vì thật sự anh vẫn là người đàn ông độc thân, chỉ một lần “ở lính” và sống một mình.

Hai anh đã đi quá sự chết và hằng sống với chúng tôi. Cho dù bao xa và bao lâu. Anh Phúc ơi.

Phan Nhật Nam (Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại, 1995)

Theo Phạm Huấn, thuật lại trong quyển Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, thì những giờ phút sau cùng của Trung tá Nguyễn Xuân Phúc Lữ đoàn trưởng và Trung tá Ðỗ Hữu Tùng Lữ đoàn phó như sau:

13 năm sau, kể từ 1962, trong trận chiến mất nước tháng 4/1975, các cựu Sinh viên Sĩ quan khóa 16 trường Võ Bị Ðà Lạt, một số những người còn sống sót đã chứng minh, đã giải thích về tài ba và cuộc đời anh hùng của họ. Ðó là những Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng tài giỏi trong số những người xứng đáng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong cuộc rút quân ngoài vùng I, những tuần lễ cuối cùng, Lữ đoàn 369 TQLC trấn đóng tại vùng núi gần Ðại Lộc, cách Ðà Nẵng khoảng 40 cây số; Lữ đoàn nầy do Nguyễn Xuân Phúc làm Lữ đoàn trưởng, và Ðỗ Hữu Tùng, Lữ đoàn phó, đều là các cựu Sinh viên Sĩ quan khóa 16 Ðà Lạt.

11 giờ đêm ngày 28 tháng 3, 1975 được lệnh rút khỏi Ðại Lộc về Ðà Nẵng. Cũng từ giờ phút đó, trong 25 giờ liên tiếp, Nguyễn Xuân Phúc, Ðỗ Hữu Tùng và các cấp chỉ huy khác của Lữ đoàn 369 Cọp Biển đã làm việc liên miên, tổ chức, chỉ huy và kiểm soát cuộc rút quân. Những đơn vị trấn đóng quanh quận Ðại Lộc cùng với Bộ chỉ huy Lữ đoàn phòng thủ, bố trí tại chỗ, và sẵn sàng tiếp cứu các Tiểu đoàn đóng trên những cao điểm, những triền núi, ưu tiên sẽ được rút ra trước.

Ðoàn xe đầu tiên về đến bãi biển Sơn Trà, Ðà Nẵng lúc 9 giờ sáng ngày 29 tháng 3. Việt cộng pháo vào thành phố, vào những nơi tập trung quân của ta, nhưng tình hình chưa nguy ngập; do đó, vị Lữ đoàn trưởng trẻ tuổi anh hùng, Trung tá Nguyễn Xuân Phúc lái xe trở lại phòng tuyến Ðại Lộc đón những Tiểu đoàn còn lại trên đường rút quân.

12 giờ trưa, Trung tá Ðỗ Hữu Tùng, Lữ đoàn phó chỉ huy đưa những người lính sau cùng của Lữ đoàn 369 TQLC về tới vùng biển Ðà Nẵng. Nhưng lúc nầy nước xuống, những chiến hạm Hải Quân đậu cách bờ hơi xa. Hỗn loạn, vô tổ chức, không ai chỉ huy, không ai trách nhiệm tại bãi biển. Dân chúng và các đơn vị quân đội đổ về mỗi lúc một đông hơn. Ðỗ Hữu Tùng vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng. Anh đi ngược lên núi Non Nước, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Nhưng Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn không còn ai cả, trừ người Hạ sĩ quan Quân Cảnh đứng gác phía ngoài. Tùng chán ngán, sắp sửa bỏ đi thì một chiếc trực thăng võ trang đáp xuống. Người phi công cũng là bạn cùng khóa với Tùng, yêu cầu anh cùng bay, đi tìm kiếm một người bạn khác, một Phi công A-37 mới bị bắn rớt. Tùng vừa đau đớn, vừa căm hận các cấp chỉ huy của mình. Anh mệt mỏi theo bạn lên trực thăng. Nhưng đây cũng là chuyến đi cuối cùng của anh. Ngay khi trực thăng vừa bốc lên, một loạt đạn 12 ly 7 của Vc bắn trúng. Người xạ thủ đại liên sống sót trên chiếc trực thăng võ trang kể lại, khi trực thăng rớt, người Phi công và Tùng đều bị thương khá nặng. Lúc vc ập đến, cả 2 sĩ quan này cùng rút súng bắn vào đầu tự tử!

Mười ba năm sau nữa, tháng 3 năm 1988, đa số những cấp chỉ huy của QLVNCH trước đây, các Tư lệnh Sư đoàn, Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng nếu còn sống, đã được CSBV thả về. Nhưng tin chắc chắn của các sĩ quan cao cấp bị giam cầm tại khắp các trại tù miền Bắc, những người bị tù từ 10, 12 năm trở lên; họ đều nói không ai gặp Nguyễn Xuân Phúc và Ðỗ Hữu Tùng.

Ðỗ Hữu Tùng đã tự tử và Nguyễn Xuân Phúc bị mất tích ngay buổi trưa 29/3/1975 tại vùng biển Ðà Nẵng. Nhưng có một người đàn bà vẫn tin rằng Ðỗ Hữu Tùng còn sống. Người đàn bà với biệt hiệu Kim Liên, và cũng là một trong những người đàn bà Việt Nam nổi tiếng nhất trong gần ba thập niên liên tiếp, 1960-1988. Trong kỷ niệm, và một tình yêu lớn nhất, Kim Liên cả quyết với bạn hữu, khi nhắc đến người anh hùng Ðỗ Hữu Tùng:

-          Không! Tùng còn sống, không bao giờ chết cả!

Một người bạn thân hỏi Kim Liên:

-          Lần nói chuyện cuối cùng của Kim Liên với Tùng?

-          11 giờ 30 đêm 28/3/1975!

-          Tại đâu?

-          Tùng gọi từ Ðại Lộc về Sài Gòn trước khi rút quân.

-          Kim Liên hãy tiết lộ cuộc đối thoại này, như một kỷ niệm với người anh hùng mà chúng ta cùng kính phục, quý mến!

-          !!!

-          “ Tùng!

-          Em!

-          Tùng đang ở đâu?

-          Anh đang từ trên núi, sắp xuống biển, về gần em hơn.

-          Tùng vẫn giữ lời hứa với em chứ?

-          Chắc chắn!

-          Thế có nghĩa là em sẽ gặp Tùng ngay đêm nay sau khi nói chuyện?

-          Không! Trời ơi!

-          Tại sao?

-          Anh xin lỗi vì đã làm em hiểu lầm câu nói của anh? Anh chỉ gặp em ngay sau khi nói chuyện, những lúc hoàn cảnh cho phép. Như những lần anh về Sài Gòn, hay em bay ra Huế thăm anh.

-          Còn đêm nay?

-          Không! Không! Ðơn vị anh sắp di chuyển, không bao giờ anh bỏ lính của anh cả. Em hãy hiểu và tha thứ cho anh!”

Người bạn chăm chú nghe từng lời nói của Kim Liên, rồi hỏi lại nàng:

-          Hiện nay Kim Liên còn giữ được những gì ở Tùng?

-          Nhiều lắm, tất cả! À, không…chỉ có một bức hình!

-          Kim Liên cho mượn bức hình đó in vào sách, để những bạn hữu khác thấy lại Tùng?

-          Không! Bức hình nầy là của riêng Kim Liên, không ai có thể chia xẻ được.

-          Kim Liên ích kỷ!

-          Ðúng! Chồng của Kim Liên cũng biết điều đó, biết Kim Liên ích kỷ, nhưng không bao giờ thắc mắc. Anh là người hiểu biết, rộng lượng, rất tôn trọng dĩ vãng của Kim Liên.

-          !!!

Phạm Huấn (Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975).

...

Ðại tá Phạm Văn Chung (Chu Vũ), nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến (năm 1972) viết về Trung tá Ðỗ Hữu Tùng như sau trong chiến sử Thủy Quân Lục Chiến:

...nhân danh là vị Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 6 TQLC  “Thần Ưng“  có vài cảm nghĩ như sau:

-          Trung tá Ðỗ Hữu Tùng, vị Tiểu đoàn trưởng lâu nhất, cũng là người dìu dắt Tiểu đoàn 6 TQLC lập được nhiều chiến công hiển hách lẫy lừng.

-          Ðỗ Hữu Tùng sống anh dũng, khi về thì lặng lẽ biến đi, để lại biết bao thương tiếc cho bạn bè đồng đội và một mối tình sâu cho người nữ ca sĩ nổi danh.

-          Nhiệm vụ sau cùng là Lữ đoàn phó Lữ đoàn 258, anh cùng với Lữ đoàn trưởng Nguyễn Xuân Phúc mất tích vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, hơn hai mươi năm, chúng tôi vẫn không tìm kiếm được một dấu tích nào về các anh.

Khi ngồi ghi lại những dòng này, người viết không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ các anh, những chiến hữu đã cùng người viết chia sẻ mười mấy năm vinh nhục trong cuộc nội chiến phi lý nhất lịch sử Việt Nam.

...

Ðại Úy Cao Văn Lâm, cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến đã viết như sau về Trung tá Ðỗ Hữu Tùng trong Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến.

Viết về Trung Tá Ðỗ Hữu Tùng, quyền Lữ đoàn Trưởng

Thưa Ðại bàng, tôi đã liên lạc với Ðại úy Ðang cách đây nửa giờ, nghe trên máy rất là nhỏ. Ðại úy Ðang nói với tôi là  “Sao Biển đã nhổ cột cờ, anh tự lo liệu cho con cái anh đi“. Chắc là xa lắm rồi, Ðại bàng không liên lạc được nữa đâu, hay là Ðại bàng lội ra tàu đi“.

“- Ð.M. tao đi rồi thì con cái tao ai lo? “

Trên đây là lời đối đáp giữa tôi với Trung tá Ðỗ Hữu Tùng vào khoảng 8 giờ 10 ngày 28/3/1975, trên bờ biển căn cứ Non Nước tại Ðà Nẵng.

Ðứng trầm ngâm nhìn các quân nhân TQLC bị thương đang nằm trên những chiếc xe Jeep Ambulance đậu sát bờ biển một lúc rồi ông lên xe Jeep mở máy chạy. Tôi nghĩ mãi mà không hiểu ông đi đâu? Về tới Vũng tàu tôi vẫn không gặp ông. Mãi tới khi ra khỏi tù, gặp lại anh em trong Sư đoàn TQLC, tôi hỏi tin tức về ông, tôi mới biết Ðại Bàng đã vĩnh viễn ra đi. Ông đã chỉ huy anh em TQLC còn kẹt lại trên núi Sơn Chà, Ðà Nẵng kháng cự lại Cộng quân cho đến khi hết đạn.

Ðã hơn 21 năm rồi, hình ảnh của Ðại Bàng vẫn luôn đậm nét trong trí nhớ của tôi. Ông có dáng dấp dấp thư sinh, nhưng có ai biết được rằng, tiềm ẩn trong con người thư sinh ấy lại chứa đầy lòng can đảm, hy sinh và khôn khéo. Trong những giây phút nguy hiểm nhất của cuộc chiến, ông đã không còn nhớ tới mình mà chỉ lo anh em thuộc cấp.

Trung tá Ðỗ Hữu Tùng! Ông đã làm trọn sứ mạng của người trai đối với Tổ Quốc trong thời ly loạn.

Chúng tôi, những người còn lại, luôn nhớ tới ông và mãi mãi noi gương ông. Chúng tôi sẵn sàng dấn thân cho Tổ Quốc thân yêu của chúng ta để nối bước ông trên con đường hào hùng ông đã đi.

Ðại úy Cao Văn Lâm.
@ Trúc-Lâm Yên-Tử

pay per click advertising

Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử

free counters
un compteur pour votre site