lịch sử việt nam
Trúc-Lâm Yên-Tử (07-09-2009) - Chuyên-mục Địa-Linh Nhân-Kiệt Của Việt-Nam được thành lập nhằm vinh-danh những anh-hùng, anh-thư đã dầy ân đức đối với đất nước và dân-tộc Việt-Nam qua nhiều thời đại.
***
Giới-Thiệu Dự-Án Tượng Đài Tử-Sĩ Việt-Nam Cộng-Hòa
Chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 tháng Tư năm 1975 đưa đến làn sóng người Việt tránh hiểm họa cộng sản để tìm tự do lớn nhất trong lịch sử. Cộng sản Bắc Việt là kẻ chiến thắng không những đày đọa người lính miền Nam đã buông súng trong tức tưởi; họ còn nhẫn tâm tìm cách xóa bỏ nơi an nghỉ của các chiến sĩ QLVNCH đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ quê hương miền Nam. Nghĩa trang quốc gia của VNCH tại Biên Hòa bị lãng quên trong khi hàng ngàn nghĩa trang bộ đội cộng sản khắp nơi được tôn nghiêm gìn giữ. Bức tượng THƯƠNG TIẾC, một hình ảnh biểu tượng thân quen của quân dân miền Nam đã bị cộng sản kéo sập cũng giống như số phận của hàng triệu người dân lương thiện.
Chiến tranh kết thúc, những cuộc giao tranh đọ súng ngang ngửa giữa hai đạo quân không còn; có còn chăng là những đòn thù tàn nhẫn của phe cộng sản thắng trận giáng lên thân phận tủi nhục của người lính miền Nam. Nơi đâu có trại giam tù binh miền Nam là nơi đó mọc lên những nấm mồ chôn vội không bia mộ của người tù khốn khổ đã gục ngã trước sự đối xử tàn nhẫn vô nhân của cộng sản. Đó cũng là những nghĩa trang vô danh, thi hài người lính tù mãi bị vùi lấp ở xó rừng trong quên lãng và hồn oan vất vưởng chốn thâm u.
Sống xa quê hương, cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại lớn mạnh không ngừng và thành công trong mọi lãnh vực, kiên trì và cương quyết đấu tranh để bảo vệ cho lý tưởng quốc gia qua lá cờ Việt Nam Tự Do nền vàng ba sọc đỏ đối nghịch với cờ máu cộng sản. Hơn ba mươi năm qua, người Việt hải ngoại không bao giờ quên công ơn của người chiến sĩ VNCH. Với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhiều tượng đài chiến sĩ đã được xây dựng tại các nơi có đông cư dân gốc Việt trên thế giới như tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ Wesminster California, tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ Houston Texas, tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ St. Cloud Minnesota, tượng đài chiến sĩ Úc Việt Sydney Úc châu. Tuy nhiên, trong bao năm qua, cộng đồng người Việt hải ngoại luôn ước nguyện có một đài tưởng niệm dành riêng cho tử sĩ VNCH. Ước nguyện này đã hằng được ấp ủ trong tim của hàng trăm ngàn cựu quân nhân thuộc QLVNCH và ngay cả của người dân miền Nam chưa hề khoác áo lính. Một trong những người có tâm nguyện thiết tha đó là điêu khắc gia Phạm Thế Trung.
Sơ lược tiểu sử và các công trình của Phạm Thế Trung
Phạm Thế Trung sinh năm 1955 tại Long An, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Định năm 1979 về ngành điêu khắc. Anh vượt biển tìm tự do và định cư tại Toronto Canada kể từ năm 1980. Anh đã mang tác phẩm đi tham dự các cuộc triển lãm như Art Gallery of Ontario 1990, Roy Thomsons Hall Ontario 1990, được bảo trợ bởi Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc Canada 1990, Multicultural History Society of Ontario Gallery 1990, Royal Ontario Museum 1993, University of Toronto 1994, Sculptor Society of Canada, Toronto1997. Với những đóng góp và những thành đạt tại quê hương mới, ngày 6 tháng 3 năm 1997, ĐKG Phạm Thế Trung đã được bà Thị Trưởng Toronto Barbara Hall mời tham dự một buổi lễ long trọng nhằm vinh danh những cư dân tạo được những thành tích sáng chói. Trong dịp này, ĐKG đã được trao tặng giải thưởng Award of Merit, đó là một vinh dự cho cộng đồng người Việt cư ngụ tại Toronto.
Các tượng đã dựng nơi công cộng của ĐKG Phạm Thế Trung gồm có tượng đài “Mẹ Bồng Con Vượt Biên” bằng đồng, kích thước như người thật, dựng tại thủ đô Ottawa Canada năm 1995 (nhân kỷ niệm 20 năm người Việt tỵ nạn tại Canada), tượng bán thân cố Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, Washington DC. USA 1999, tượng bán thân nhà ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký nhân kỷ niệm ngày giỗ 100 năm. Anh thiết kế và thực hiện đồ án điêu khắc trên tường của chánh diện phòng khánh tiết của chiếc tàu lịch sử “Titanic” qua cuốn film nổi tiếng do Hollywood thực hiện theo kỹ thuật tiền chế và sau đó đã được triển lãm tại The Rio Museum, Las Vegas và CNE Toronto 1999- 2000. Hiện nay anh Phạm Thế Trung đang thực hiện những mô hình những nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn đình Chiểu, Mother Theresa, Đức Giáo Hoàng …
Nhưng phải nói, hoài bão tâm huyết của điêu khắc gia Phạm Thế Trung chính là việc thực hiện cho bằng được đài tưởng niệm tử sĩ QLVNCH. Từ lâu, anh đã ấp ủ âm thầm ước nguyện. Ngày 30 tháng Tư hàng năm gợi lại cho anh bao nhiêu là kỷ niệm mất mát đau buồn. Thế rồi anh đã một mình làm việc suốt mấy năm cho dự án đài tưởng niệm này. Anh suy tư cân nhắc một số ý tưởng để rồi quyết định chọn lựa năm vị tướng tuẫn tiết để tạc tượng. Qua các lần chuyện vãn cùng người viết, Phạm Thế Trung tâm sự:
“Ở trong nước thì nhà cầm quyền cộng sản đối xử bất nhân phi đạo lý với cả những người lính VNCH tử trận đã vùi thây dưới lòng đất. Vong linh tử sĩ miền Nam không còn một nơi nào trang nghiêm xứng đáng để tưởng niệm. Thật là tủi hổ.
Mô hình ĐÀI TƯỞNG NIỆM NĂM VỊ TƯỚNG VNCH TUẪN TIẾT NGÀY 30/4/1975 & CÁC CHIẾN SĨ ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN
Nghĩa trang bị phá bỏ, hàng ngàn mộ phần và hài cốt an vị ở đó bây giờ cũng bị chôn vùi hoặc tan theo cát bụi, hương hồn vất vưởng không nơi nương tựa đang lãng đãng dật dờ trên khắp quê hương. Trong khi đó, hài cốt cán binh cộng sản được chôn cất trong những Nghĩa Trang Liệt Sĩ khang trang trên khắp mọi miền đất nước.”
Tuy chưa hề nhập ngũ vì lý do học vấn, anh Phạm Thế Trung luôn ý thức về sự hi sinh cao cả của người lính QLVNCH. Anh quan niệm rằng chúng ta, những người may mắn sống sót trong cuộc chiến và đang sống an bình tại hải ngoại có bổn phận tri ân chiến sĩ. Một mặt chúng ta giúp đỡ những chiến hữu Thương Phế Binh bất hạnh đang sống thiếu thốn tại quê nhà, mặt khác chúng ta cùng cần phải nghĩ đến sự tái yên vị linh hồn tử sĩ đang uất hận dật dờ không nơi nương tựa. Anh nói:
“Sau biến cố 30/4/75, ngày tang thương của đất nước, những di tích lịch sử của miền Nam VN đã bị chính quyền Cộng Sản VN phá huỷ, đồng thời những ngôi mộ và vong linh của những Chiến Sĩ quân đội VNCH bị chế độ Cộng Sản VN muốn xoá bỏ hoặc san bằng. Đây là môt sự cố tình để làm chìm quên đi quá khứ của lịch sử.”
“Suốt những năm dài sống nơi xứ lạ quê người không một ai trong chúng ta có thể quên được những công ơn của tất cả các Chiến Sĩ VNCH hoặc đã hy sinh nơi chiến trường, hoặc chết trong những trại tù của CSBV hay còn sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Đó là những Anh Hùng đã xả thân chiến đấu để bảo vệ quê hương. Với khả năng cá nhân, tôi muốn làm một cái gì đó để nêu lên tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ QLVNCH như một lời tạ ơn mãi mãi. Các thế hệ cha anh lần lượt qua đi, năm tháng của thế hệ tôi cũng gần sắp hết, tôi nghĩ phải làm thế nào để con cháu chúng ta sau nầy vẫn thấy được những vết tích hào hùng của một quân lực oanh liệt đã qua.”
“Hơn 36 năm tha hương, mỗi năm một vài lần tôi và bè bạn có tham dự những buổi lễ Vinh Danh và Tưởng Niệm các Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân được tổ chức rất cảm động với đông đảo người Việt hải ngoại tới để thắp một nén nhang, tưởng nhớ đến anh linh bất tử của tiền nhân. Vì mỗi năm nghi lễ được tổ chức ở một địa điểm tạm thời nên sau đó, di ảnh của những vị đã tuẫn tiết trong ngày 30-4-1975 lại được cất đi cho đến năm sau. Tôi thiển nghĩ rất cần thiết phải xây dựng một Monument cố định để thường trực tưởng nhớ đến năm vị tướng này và những vị Anh Hùng VNCH trong cuộc chiến VN thời cận đại. Đó sẽ như là một dấu tích lưu lại của một giai đoạn lịch sử mà người cộng sản muốn xóa bỏ. Đó sẽ là nơi để cho toàn thể người Việt tỵ nạn tại hải ngoại có thể đến thăm viếng và chiêm bái bất cứ ngày nào trong năm. Và đó là biểu tượng của tiếng nói bất khuất hào hùng và đầy khí tiết của QLVNCH vẫn còn vang vọng mãi mãi đến ngàn sau để thế hệ con cháu của chúng ta sẽ không quên tấm gương hy sinh ngời sáng của tiền nhân.”
Điêu khắc gia Phạm Thế Trung cho biết tượng thạch cao của năm vị tướng đã hoàn tất cùng với mô hình đài tưởng niệm gồm các bản vẽ và đồ án kiến trúc đầy đủ chi tiết kích thước. Anh nói:
“Phần chính của Đài Tưởng Niệm là 5 bức tượng chân dung đúc bằng đồng cao 4.5 feet, rộng 3.5 feet của năm vị tướng lãnh VNCH tuẫn tiết. Năm bức tượng chân dung này đặt trên bục cao 6 feet và được xếp theo hình cánh cung từ trái sang phải gồm các vị: Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ. Ở chính giữa ngay phía sau năm bức tượng là một tháp đài dưới hình thức một tấm bia lớn bắng đá cao 25 feet, trên đỉnh là huy hiệu của Quân lực VNCH cao 4 feet được chạm bằng đồng, dưới đó có dòng chữ khắc nổi TỔ QUỐC GHI ƠN. Nổi bật hơn hết là Quốc Kỳ nền vàng 3 sọc đỏ được cẩn bằng gạch Mosaic (để màu sắc được bền bỉ theo thời gian) theo hình thẳng đứng, hai bên là 2 trụ đá hình chóp nhọn 4 góc (obelisk) cao 12.5 feet tượng trưng cho lòng tưởng niệm và sự tôn kính. Ngoài ra còn có 3 bức tường đen (black walls) cao 8 feet, thân cột ở giữa có gắn đầy đủ phù hiệu của ba quân chủng Hải, Lục, Không Quân, đặt trên mỗi cột là lư hương. Những bức tường này bố cục theo hình vòng cung với đường kính 90 feet ôm lấy tượng đài chánh, dùng để khắc tên toàn thể Anh Hùng và Chiến Sĩ VNCH vị quốc vong thân. Sân gạch rộng phía trước Đài Tưởng Niệm có sức chứa được khoảng 5 ngàn người cho những dịp lễ lạc hoặc truy điệu.”
Sau khi đã hoàn tất 5 bức tượng bằng thạch cao và bản vẽ mô hình dự án Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH vào năm 2010, ĐKG Phạm Thế Trung đã mời một số thân hữu đến nơi làm việc của anh để giới thiệu và trình bày công trình khá đồ sộ này. Lần lượt những tin tức và hình ảnh 5 bức tượng được loan truyền rộng rãi trên các trang mạng và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các hội đoàn và cộng đồng khắp các châu lục.
Đôi lời nhận xét về 5 bức tượng
Những ai có dịp ngắm qua năm bức tượng điêu khắc bằng thạch cao nămvị tướng VNCH tuẩn tiết của ĐKG Phạm Thế Trung đều không khỏi cảm nhận tính chất sống động của năm khuôn mặt anh hùng đó. Thay vì những tiểu tiết chạm khắc tinh xảo tột cùng cân đối, người xem nhìn thấy ở đó nét xuất thần như đang đối diện với con người xương thịt tiềm tàng sức sống biểu lộ cả trạng thái nội tâm sinh động như thật. Người xem rờn rợn bắt gặp ánh mắt u uẩn nhưng hiên ngang đầy khí phách của dũng tướng thà chết vinh hơn sống nhục.
Phạm Thế Trung không tái tạo sao chép hình tượng theo lối phản ảnh đường nét cơ thể đơn thuần thông thường; anh chú trọng nhiều hơn đến việc lột tả thần thái và cảm xúc cô đọng, sự dằn vặt ray rức trong tâm trí, sự cương nghị kiêu hùng qua điệu bộ, dáng vẻ nét mặt, qua tia nhìn cau mày đăm chiêu ngẫng mặt thách thức hay cúi nhìn trầm tư. Nội tâm và trạng thái tinh thần giằng co quyết liệt cấp bách của 5 vị tướng anh hùng hiển lộ bằng đường nét dứt khoát mạnh bạo chắc khoẻ đầy rung cảm. Tác giả Phạm Thế Trung đã nắm bắt và diễn đạt được toàn vẹn trạng thái cảm xúc của tâm tưởng trong khoảnh khắc theo trường phái ấn tượng mà điêu khắc gia Rodin đã khai phóng và tiêu biểu qua bức tượng Le Penseur.
Một người thưởng ngoạn 5 bức tượng nhận xét: “Rung cảm nghệ thuật của tác giả thể hiện khá sâu sắc qua tượng qua cách bố cục tạo khối. Diễn tả của anh toát lên một vẽ đẹp nghiêm minh tôn kính của tướng lãnh một thời uy dũng. Tôi thấy cả 5 tượng này đều thật hùng tráng, linh diệu và có hồn. Chừng nào 5 tượng này được đúc đồng và an vị nơi Đài Tưởng Niệm chắc sẽ còn đẹp nhiều hơn nữa.”
Diễn tiến thực hiện đài tưởng niệm
Theo tin tức của Ban Vận Động tại Bắc Cali cho biết, hiện tại Hội Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQGVN) Úc Châu và VBQGVN Bắc Cali đồng ý đưa đề nghị khởi xướng cho dự án. Khi đề nghị được chấp thuận, Tổng Hội VBQGVN Hải Ngoại chính thức nhận lãnh trách nhiệm thực hiện việc xây dựng công trình Đài Tưởng Niệm. Tổng Hội sẽ thắp lên ngọn đuốc thiêng cho rực sáng mở màn cuộc vận động sự tham gia và hỗ trợ của các hội đoàn quốc gia và những vị mạnh thường quân và gây quỹ. Qua nhiều buổi họp, một ủy ban vận động đã được thành lập để xúc tiến dự án này. Ủy ban đi đến quyết định chọn địa điểm Bắc Cali vì những ưu thế như sau:
1. Đông đảo người Việt tỵ nạn cư ngụ. Tính đến năm 2010, số cư dân người Mỹ gốc Việt ở San Jose lên đến hàng trăm ngàn với số lượng đông hơn ở vùng Nam Cali gồm các thành phố Garden Grove, Westminster, Sata Ana, Anaheim, Los Angeles.
2. Vùng Bắc Cali gồm San Jose (có Little Saigon), San Francisco và Sacramento (thủ phủ California) hiện nay chưa có một Monument nào để làm biểu tượng cho nhu cầu văn hoá, chính trị và lịch sử cho miền nam Việt Nam tại đây. Địa điểm lựa chọn ưu tiên sẽ nằm về phía Nam ngoại ô San Jose cho tiện việc đi lại từ các thành phố miền Nam Cali và các thành phố phụ cận.
3. Trên khắp các tiểu bang Hoa kỳ chưa có nơi nào xây dựng Đài Tưởng Niệm cho những chiến sĩ anh hùng VNCH đã nằm xuống và ghi khắc công ơn cùng những chiến tích hào hùng của họ. Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ với tượng ngũ tướng tuẫn tiết sẽ là nơi tụ hội linh thiêng của những người cựu chiến sĩ VNCH. Người còn sống đến đây để tưởng nhớ đến đồng đội đã gởi thân xác lại trên những chiến trường xưa hay cùng ôn lại kỷ niệm ngày cũ.
4. Sẽ là nơi thu hút du lịch đông đảo và du khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng và lễ bái. Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ VNCH sẽ trở thành như một đền thiêng vĩnh cữu để những thế hệ kế tiếp đến thăm viếng và thấy tận mắt tượng của năm vị anh hùng oai linh của một trang sử Việt. Năm vị tướng xứng đáng đại diện cho toàn thể quân dân miền Nam đã góp phần vào công cuộc bảo vệ nền Tự Do cho một đất nước mang tên Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm chiến đấu với một kẻ thù xâm lăng hung hãn.
5. Nói lên sự phát triển và đoàn kết trong nhiều lĩnh vực tại miền Bắc California nói riêng và toàn cõi Hoa Kỳ nói chung. Trước công trình mang ý nghĩa chính đáng cao cả này, các hội đoàn đồng lòng họp sức bắt tay nhau thực hiện vì đó là niềm hãnh diện chung của cộng đồng.
ĐKG Phạm Thế Trung tin tưởng dự án Đài Tưởng Niệm đang diễn tiến tốt đẹp.
Trong một tương lai rất gần, Ủy Ban Vận Động Dự Án Đài Tưởng Niệm sẽ công bố địa điểm chính thức, sau đó sẽ mở chiến dịch gây quỹ cũng như tiến hành việc xây dựng. Đây là một công trình lớn lao nhưng chắc chắn sẽ thành hiện thực và sẽ là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Sơ lược về kỷ thuật đúc tượng điêu khắc đồng
Qua sự giải thích của ĐKG Phạm Thế Trung và sự tra cứu tài liệu từ bách khoa tự điển mở, người viết xin trình bày sơ về kỷ thuật đúc tượng đồng như sau.
Đồng là kim loại phổ biến nhất cho các tác phẩm điêu khắc kim loại đúc. Tác phẩm điêu khắc đúc đồng thường được gọi đơn giản là một tượng đồng. Hợp kim đồng thường thường có tính năng thuận lợi là nó giản nở một chút ngay trước khi nó ngưng đọng và cứng lại, do đó các chi tiết hốc kẹt nhỏ nhất của khuôn cũng được nó len lỏi phủ lấp trọn vẹn. Sau đó, khi đồng nguội đi, nó co lại một chút, làm cho cả pho tượng tách ra khỏi khuôn một cách dễ dàng. Độ bền bĩ và độ dẻo của họ (không giòn) là một lợi thế khi nhà điêu khắc tạo các hình tượng có động tác tỉ mỉ, đặc biệt khi so sánh với các loại gốm hoặc các vật liệu đá (chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch). Hợp kim bằng đồng dùng tạc tượng hiện đại gồm 90% đồng và 10% thiếc. Tỷ lệ này thay đổi chút ít đối với các tượng đồng đã được thực hiện trong quá khứ.
Tượng đồng được ưa chuộng và phổ thông ở Bắc Mỹ vì những lợi điểm là:
a) Không bị mưa acid làm hư hại hao mòn như tượng đá
b) Bền bỉ trường cửu theo thời gian trừ trường hợp hỏa hoạn hoặc sự cố tình phá hủy
c) Việc thực hiện không bị giới hạn nhờ kỷ thuật khoa học tân tiến áp dụng cho ngành kiến trúc.
Công việc thực hiện tượng đồng đòi hỏi tài khéo léo và tay nghề kỷ thuật cao. Phương thức xử dụng được ưa chuộng hiện nay là dùng sáp để đổ khuôn. Ngoài ra còn cách dùng cát, đúc ly tâm và điện giải.
Với phương pháp dùng sáp, từ tượng mẫu đất sét ban đầu, nhà điêu khắc làm một khuôn bản gốc bằng thạch cao như là một phương cách bảo đảm cho tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của mình khỏi mất hoặc hư hại cho đến khi tìm được nguồn tài trợ cho việc đúc đồng. Khuôn thạch cao được gởi đến cơ sở đúc tượng đồng. Với tượng rỗng ruột, cơ sở đúc tượng đồng sẽ làm một cái lõi ở giữa, sáp sẽ được đổ vào khuôn để làm thành một tượng sáp. Từ tượng sáp, người ta lại làm một vỏ bọc, xong sẽ bỏ vào lò nung cho sáp chảy ra hết và sẽ đổ chất đồng lỏng thay vào khoảng trống đó.
Đối với tượng có kích thước lớn, điêu khắc gia có thể tạo mẫu theo tỉ lệ nhỏ trước cho đến khi hài lòng với từng chi tiết của bức tượng, từ đó có thể dùng nhu liệu điện toán tạo mẫu theo kích thước thật và chia ra nhiều phần cho tiện việc đúc đồng, sau đó sẽ dùng kỷ thuật hàn tân tiến ghép các mảnh lại với nhau.
Phan Hạnh
Ý kiến độc giả:
16/02/2012
- ĐVN: tôi là 1 người trong nước chỉ mới 23t. Dù còn nhỏ nhưng tôi luôn cố gắng tìm về sự thật. Đọc được bài viết dưới đây tôi cảm thấy rất tự hào gioithieuduantuongdaitusivnch.htm
Tôi chỉ muốn gửi bức mail này cho các anh để cám ơn. Nếu có điều kiện tài chính tôi sẵn sàng giúp sức nhỏ nhoi của mình. Xin cám ơn các vị 1 lần nữa!
@ Trúc-Lâm Yên-Tử
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử