lịch sử việt nam
Từ Trúc Lâm Yên Tử Đến Bình Ngô Đại Cáo
Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc biên khảo
I/ Dẫn Nhập:
Ngày 08/04/1288, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, Hoàng đế Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng quân dân Đại Việt oanh liệt đánh tan đoàn quân Mông cổ thiện chiến do Ô Mã Nhi đích thân chỉ huy tại sông Bạch Đằng.
Chiến thắng quân Mông Cổ tại sông Bạch Đằng là một chiến tích lẫy lừng thiên niên kỷ.
Ngày 29 tháng 4 năm 1428, cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vãi đất Lam Sơn đức vua Lê Thái Tổ thành công, đánh bật toàn bộ quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam. Nguyễn Trải tiên sinh đã thảo và công bố bài Bình Ngô Đại Cáo. Nội dung là báo tin mừng chiến thắng cho cả dân tộc, đồng thời nêu cao chính nghĩa, nhân nghĩa của mười năm kháng chiến chống quân Minh.
Kỷ niệm 643 năm chiến tích sông Bạch Đằng lẫy lừng thiên niên kỷ và 503 năm kỷ niệm 10 kháng chiến chống quân Minh thắng lợi đã làm mỗi người trong chúng ta không khỏi bồi hồi, tự hào lẫn chua xót trong bối cảnh đất nước ngày càng bị quân Tầu phương Bắc xâm lược bằng nhiều hình thức một cách rõ rệt.
Nhất là sự kiện gần đây, ngày 26/05/2011, Hải quân Trung quốc ngang nhiên xâm lược hải phận Việt Nam trong vùng biển 200 hải lý thuộc thềm lục địa của nước nhà để gây hấn.
Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hai dòng tư tưởng đã đưa đến những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, từ đó có thể rút ra được bài học nào để đối phó với thù trong giặc ngoài cho hữu hiệu.
II/ Dòng tư tưởng Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15 sau khi thành Thăng Long được hình thành:
Ý thức dân tộc nguyên thủy bao gồm: Trống đồng, đại diện cho nền văn minh Đông Sơn tối cổ, đã trở thành Thần Đồng Cổ, tượng trưng cho uy quyền, ý thức quốc gia dân tộc; Lạch trường, tức Mộ cổ thần tiên, tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.
Ý thức dân tộc nguyên thủy này, đã cùng với Ý thức Phật Giáo (Tín, Hạnh và Nguyện) từ thời Hai Bà Trưng trở về sau, là chiếc khiên kiên cố là cột sống bảo vệ nền văn hóa của tộc Việt chống lại sự đồng hóa dã man của Hán tộc. Sau khi tộc Việt gầy dựng nên những triều đại của Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục... Nhưng phải đợi đến thời Vua Đinh Tiên Hoàng lập nên triều đại Đại Cồ Việt, vào lúc ấy Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo mới có cơ hội gặp gỡ nhau trong không bầu không khí yên lành. Và từ đó Ý Thức Dân Tộc Nguyên Thủy đã thâu hóa cả ba giáo lý trên và biểu hiện ra bên ngoài dưới hình thức được gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên.
Sự tiếp nối và phát triển cực thịnh ý thức này được thấy rõ nhất vào thời Lý Trần mà thôi. Người dân các thời này lấy đó làm nền tảng bảo vệ đất nước cũng như xây dựng xã hội. Tam Giáo Đồng Nguyên là một thái độ sống, hành xử, thâu hóa ba nền văn hóa bên ngoài, và biến những nền văn hóa nầy trở thành của tộc Việt cũng như phụng vụ cho tộc Việt. Biết cách thâu hóa các nền văn hóa bên ngoài để phục vụ cho đất nước và dân tộc ngoại trừ những bậc minh quân lương tướng, không ai có thể làm được...
Chính do tam giáo đồng nguyên, tổ tiên chúng ta mới làm nên những chiến thắng lẫy lừng dưới thời Lý như Bắc phạt Tống, Nam bình Chiêm; thời nhà Trần, mở Hội nghị Diên Hồng, Bình Than với lời thề Quyết Chiến, Sát Thát vang dội non sông, ba lần đánh tan đạo quân Mông-cổ dữ dằn nhất thời Trung cổ. Đó là về mặt quân sự.
Về mặt văn hóa, tư tưởng, triết lý, thì khỏi phải nói. Biết bao nhiêu văn chương sáng tác của các bậc Tăng sĩ, nho sĩ, vua quan đã làm nổi bật nền tam giáo đồng nguyên một thủa xa xưa.
Như bài thơ của vua Lê Thánh Tông
Bài viếng Vũ Thị
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai giống miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chăng lọ mấy đàn tràng
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy
Khá trách chàng Trương khéo phủ phàng
Bài họa
Chuyện vô duyên
Đầu ghềnh nghi ngút tõa khói hương
Tương truyền nàng Vũ huyện Nam Xương
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Oan thiên vì một lỗi chàng Trương
Đèn tỏ đèn mờ nghe con trẻ
Ghen sau ghen trước luận chẳng nên
Hoàng giang đàn miếu còn nguyên đấy
Ngàn đời khéo nhắc chuyện vô duyên
Vua Trần Thái Tông với Khóa Hư Lục, ngài đã cho mọi người thấy hạnh phúc thật sự của một đời người ra sao, khi xả thân phụng sự nhân quần xã hội, với tâm trạng không chấp nhất rồi dần tới giải thoát sự ràng buộc sống chết ngay tại đời này. Điều quan trọng là sự quân bình tâm lý giữa tinh thần và vật chất trong sự phá chấp một cách triệt để.
Thanh sơn để xứ kiến thiên thoát
Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương
nghĩa
Núi xanh lối thấp trời trong sáng
Sen hồng nở hoa thơm ngạt ngào
Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291) vừa là thiền sư vừa là một vị danh tướng cầm quân đã đánh thắng quân Mông cổ trong trận tái chiếm kinh thành Thăng-Long (năm 1285). Ông được vua Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh Vương. Vua Trần Nhân Tông bái ông làm thầy học Phật pháp. Trần Khắc Chung quả quyết rằng, nếu không có Tuệ trung Thượng Sĩ thì không có Trần Nhân Tông. Sách Thiền tông bản hạnh đã tán dương Tuệ Trung Thượng Sĩ như sau:
Nước Nam dẹp được bốn bên
Vì có Phật bảo hoàng thiên hộ trì
Đời đời Phật đạo quang huy
Quốc Gia đỉnh thịnh cường thì tăng long
Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung
Làm đệ nhất tổ Nam cung nước này.
Vua Trần Nhân Tông (Đức Điều Ngự Giác Hoàng) đã biểu hiện sự thẩm thấu tâm linh của bản thân trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, quyển này có đoạn viết như sau:
Niệm lòng vằng vặc
Giác tính quang quang ;
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề
ngài khuyên mọi người chúng ta nên buông bỏ tức là không buông bỏ mà là buông bỏ. Buông bỏ là nên buông bỏ phiền não vọng tưởng; không buông bỏ là theo đuổi đến cùng để đạt tới mục tiêu giác tính quang quang; mà là buông bỏ tức buông bỏ chấp nhân chấp ngã.
Do quan niệm mở rộng như thế, ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã không còn là một vị thiền sư của Phật Giáo, cuộc đời và hành trạng của ngài là biểu tượng chung cho sự hài hòa tôn giáo và dân tộc của thời nhà Trần. Điều quan trọng hơn hết, cuộc đời của ngài từ khi làm vua đến lúc cầm gươm đánh giặc rồi bỏ hết tất cả xuất gia tu hành đã thể hiện một cách rõ rệt nhất lý tưởng bồ tát và lý tưởng quân tử của nền Tam giáo đồng nguyên. Đó là cách sống đời vui đạo (cư trần lạc đạo).
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã viết Hịch Tướng Sĩ kêu gọi toàn thể quân đội Đại Việt lúc quân Mông-cổ xâm lăng nước ta lần thứ hai, bài Hịch có đoạn như sau:
... ta cùng các ngươi, sinh nhằm thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, nhìn thấy lũ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ; ỷ thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng; mượn danh hiệu Vận Nam vương để thu vàng bạc, vơ vét hết của khó có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, tránh sao khỏi tai vạ về sau?
... Nay ta chọn lấy binh pháp của các danh gia, soạn làm một quyển, gọi là BINH THƯ YẾU LƯỢC. Các ngươi hãy chuyên chú luyện tập theo sách này, vâng lời ta dạy, thì mới phải đạo thần tử, bằng khi bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, suốt đời sẽ là kẻ nghịch thù.
Ý thức dân tộc thời Lý Trần lại một lần nữa kết tinh và sáng tạo một tôn giáo Việt Nam, và tôn xưng Đức Thánh Trần Hưng Đạo là vị Tổ Đạo Nội. Tức là một Đạo của dân tộc Việt. Tinh thần của Đạo Nội đã lừng lững xuất hiện cùng với tam giáo đồng nguyên trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lăng Mông-cổ. Và đã đưa cuộc chiến đấu này đến chiến thắng sau cùng.
Tam giáo đồng nguyên, cũng như tư tưởng cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông đã đưa đến một xã hội khai phóng và nhân bản mà ngày nay (năm 2011) nhân loại đang đòi hỏi một cách bức thiết.
III/ Dòng tư tưởng Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 17 sau khi thành Thăng Long được hình thành:
Nho giáo được đem vào đời sống dân tộc khi vua Lý Thánh Tông cho cất văn miếu thờ Khổng Phu Tử, cùng bảy mươi hai vị hiền năm 1070; đến đời nhà Trần, nho giáo càng phát triển, vua Trần Thánh Tông chọn nho sinh để làm quan thay vì chọn người trong hoàng tộc và Phật giáo, và từ đó Nho giáo đã tự xem mình là chính thống, còn những đạo khác là tà phái mà thôi. Cho dù với quan niệm cởi mở của tam giáo cũng không thể nào lướt qua được tinh thần khống chế, độc tôn và tự đại của nho sinh. Bởi thế mới có một Lê Văn Hưu, một nho gia có tên tuổi đời nhà Trần đã phê bình (trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) vua Lý Thái Tổ đã tôn sùng Phật giáo một cách quá mức khi chưa xây nhà thờ tổ tiên, đài xã tắc, lại đi cất chùa.
Hơn nữa việc xưng hô lại không biết, vua xưng là Trẫm, các quan viên gọi vua là bệ hạ, chỗ vua ở là triều đình, nơi phân phối mệnh lệnh là triều tỉnh...sau đến Lý Cao Tông bảo người ta gọi là "Phật", đặt tên nước là Đại Cồ Việt, Đại Việt. Rồi Lê Văn Hưu lại nói thêm, Khổng Tử bảo: tên đặt không đúng, khi nói ra không xuôi miệng. Khổng Tử sở vi "danh bất chính, tắc ngôn bất thuận", thử dã.
Sử gia Lê Văn Hưu muốn chứng tỏ là nước ta sao không bắt chước, học hỏi Tầu, tại sao có những sự xưng hô như thế mà không sửa đổi, đồng thời chỉ có Khổng Tử là chính thống. Khi Lê Văn Hưu muốn chứng tỏ như thế, có thể ông không biết rằng chính Khổng Tử là người đã đem văn hóa Việt dạy dỗ cho người Tầu trong Kinh xuân thu, cách đó trên dưới gần hai ngàn năm.
Trái lại sử gia Ngô Thời Sĩ (một nho gia) lại công nhận việc nhà Lý phạt Tống là một chiến công hiếm có, vào bậc thượng thừa thời đó.
Tư tưởng Tống nho (do ảnh hưởng nho giáo thời nhà Tống nên gọi là Tống nho) đó lại ảnh hưởng mạnh vào giới nho sĩ Việt Nam, khiến họ mang tự ti mặc cảm với nước Tầu, quên đi sự hùng cường độc lập của Đại Việt. Khiến sau này vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông cho họ đã quá nô lệ nhà Tống mất đi sự sáng tạo để thâu hoá của dân tộc, và đặt cho họ biệt danh là "bạch diện thư sinh". Quan niệm Nho học độc tôn của Lê Văn Hưu, Lê Quát cũng như Trương Hán Siêu đã đi ngược lại tư tưởng NHÂN TRỊ của dân tộc.
Thế rồi tư tưởng tam giáo đồng nguyên bắt đầu suy thoái từ cuối thời vua Trần Hiển Tông (1329-1341) rồi kéo dài cho tới thời vua Trần Thiếu Đế (1398-1400).
Sau đó bị Hồ Quý Ly lợi dụng quyền bính trong tay cướp ngôi nhà Trần và cai trị đất nước khoảng bảy năm (1400-1407). Khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đã áp dụng tư tưởng pháp trị để cai quản quốc gia. Thực tế có thể nói là tư tưởng tâm linh khai phóng của tam giáo đồng nguyên đã xung đột với tư tưởng thực tiễn bế quan. Hay nói một cách khác quan niệm Nhân Trị (tam giáo đồng nguyên) và Pháp Trị (nho gia) xung đột với nhau đã đưa đến việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần.
Ông cho tiến hành cải cách quân đội, với mục đích làm sao có được trăm vạn hùng binh để chống với giặc Tầu; về giáo dục, cố gắng cởi bỏ tâm lý tự ti mặc cảm của nho gia đối với Tầu, đồng thời ông đề cao chữ Quốc Âm và ông dịch Kinh Thư ra chữ Quốc Âm rồi hiệu đính cho các nữ quan học hỏi. Đại để là Hồ Quý Ly đã phát động một cuộc cách mạng tư tưởng, đề cao lối học khoa học thực dụng, bác bỏ lối học từ chương trích cú. Hơn nữa ông còn đề cao Chu Công lên trên Khổng Tử.
Thế nhưng sự cải cách của ông đã không được dân tộc ủng hộ, vì các giới cho rằng Hồ Quý Ly là kẻ phản nghịch cướp ngôi nhà Trần đưa đến việc quân nhà Minh sang tấn chiếm và nước ta bị đô hộ trong 20 năm (1408-1428).
Khi quân Minh đánh bại quân của Hồ Quý Ly năm 1407, họ đã tịch thu tất cả tài liệu, thư khố của Đại Việt và đem về Kim Lăng cũng như bắt đi những nhân tài nước ta đem về Tầu phục vụ cho chúng. Đây là lần diệt chủng văn hóa lần thứ hai trong lịch sử dân tộc.
Trong số những nhân vật thuộc triều đình nhà Hồ bị quân Minh bắt được, có Hàn Lâm Viện Học Sĩ Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Phi Khanh là cha của Nguyễn Trải. Cả hai đều là nhân tài của thời Trần Hồ đào tạo nên. Sau này, Nguyễn Trải đã phò Lê Lợi kháng quân Minh và trở thành người có công mở đầu triều đại nhà Lê.
Ngày 29 tháng 4 năm 1428, khởi nghĩa của Lê Lợi thành công, đánh đuổi toàn bộ quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam. Nguyễn Trải đã thảo và công bố bài Bình Ngô Đại Cáo. Nội dung là báo tin mừng chiến thắng cho cả dân tộc, đồng thời nêu cao chính nghĩa, nhân nghĩa của mười năm kháng chiến chống quân Minh.
Đầu bản văn khẳng định
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Ông đã tố cáo sự tàn bạo độc ác của quân xâm lược nhà Minh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
..
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Không thể nào chấp nhận cảnh nô lệ đen tối, và theo hiệu lịnh của Đồng Cổ Đông Sơn, tộc Việt đã vùng lên khởi nghĩa
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Trong cuộc khởi nghĩa tộc Việt đã đề cao nền văn hiến
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Và nhờ đó đã đoàn kết dân tộc chiến thắng quân xâm lược nhà Minh
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.
Tư tưởng căn bản của Nguyễn Trải cũng như vào thời này là đề cao NHÂN NGHĨA. Ở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trải đã hùng hồn công bố :"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Mặc dù ông là một nho gia, nhưng tư tưởng Nhân Nghĩa đã được ông chủ xướng trong việc tham gia nghĩa quân Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh. Nhân Nghĩa của Nguyễn Trải là tư tưởng Nhân Nghĩa đã tồn tại từ thời Hai Bà Trưng cho đến lúc đó, là một tư tưởng Nhân Nghĩa cứu dân cứu nước, chứ không phải của tống nho từ chương trích cú, chỉ lo công danh lợi lộc như những nho gia cuối thời Trần, vì thù ghét Hồ Quý Ly cướp ngôi nên đã chỉ đường vẽ lối cho quân Minh dễ dàng xâm chiếm Đại Việt.
Như khi ông đáp lại thư của tướng quân Minh là Phương Chính: "Phù đồ đại sự giả dĩ Nhân Nghĩa vi tiên. Duy Nhân Nghĩa chi kiêm toàn, cố sự công chi tất tể" nghĩa "Phàm người làm việc lớn cần phải lấy tình thương và tư cách làm đầu. Chỉ có tình thương và tư cách hoàn toàn mới hoàn thành mọi việc".
Tình thương (Nhân) ở đây theo ý ông là tình thương đến muôn loài, là tình thương bao hàm cả trời đất của Lục Độ Tập Kinh truyền lại; Còn tư cách (Nghĩa), danh từ khác là Hạnh, là giữ gìn tư cách, lý tưởng cho đến hơi thở cuối cùng.
Với Nhân và Nghĩa trên ông đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn đánh bại đoàn quân xâm lăng của nhà Minh. Điểm đặc biệt là ông đã áp dụng chiến thuật công tâm đi đầu rồi mới tới công thành đã khiến nhiều tướng giặc phải ra hàng. Đông Quan có Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính. Tại Tây Đô có Hà Trung. Tại Chí Linh có Cao Tường. Khi quân tướng giặc ra hàng, đa số dân chúng Đại Việt mong muốn chém đầu tất cả người này để trả mối thù đã giết chóc gia đình của họ và dày xéo đất nước Đại Việt trong hơn mười năm qua. Nhưng Nguyễn Trải và Lê Thái Tổ đã dĩ đức báo oán, cốt để tiêu diệt tận gốc mầm mống hận thù và giữ được tiếng thơm sau này. Những quân lính nhà Minh này đều được trao trả về xứ sở cũng như cấp phát lương thực quần áo đem theo trên đường.
Nguyễn Trải còn chủ trương Nhân Nghĩa trong đạo làm tướng khi ông viết thư trả lời Phương Chính : "Vi tướng chi đạo dĩ Nhân Nghĩa vi bản, Trí Dũng vi tư" nghĩa "Một vị tướng phải lấy Nhân Nghĩa làm đầu, còn Trí và Dũng chỉ là phương tiện tiếp theo". Đây là một định nghĩa cho bậc Thiên Tài Quân Sự.
Cũng cùng chữ Nhân nhưng người Tầu và người Việt có những suy tư và hành xử khác nhau.
Chữ Nhân của người Tầu được trình bày đầu tiên trong Ngũ Thường của Khổng Tử. Vốn để đào tạo một chính nhân quân tử Trung Hoa. Ngũ Thường gồm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thầy Mạnh Tử định nghĩa người đại trượng phu quân tử như sau: Phú quý bất năng dâm. Khi người quân tử được giàu sang thì không nên say mê danh vọng, địa vị, sắc đẹp, bài bạc, hút sách ở cuộc đời; Bần cùng bất năng di. Người quân tử cho dù gặp nhiều khó khăn trở ngại hay bần cùng trong lý tưởng hay trên cuộc đời cũng không nên nản chí mà bỏ đi lý tưởng mình đã và đang theo đuổi; Uy vũ bất năng khuất. Người quân tử không bao giờ bị khuất phục bởi sức mạnh, cường quyền.
Phải công nhận một điều chữ Nhân nói trên còn bị khá nhiều giới hạn. Giới hạn của nó ở chổ chỉ nhằm tu chỉnh con người bên ngoài nhưng thiếu chú trọng về mặt tâm hồn. Nghĩa là tu dưỡng nội tâm để trở nên một con người có thể tự thắng mình. Con người tự thắng mình tức là con người đã vượt qua được những sự phiền não, tựu chung ở tham lam, giận dữ và mê muội. Hơn nữa chữ Nhân của người Tầu không mở rộng thành tình thương giống nòi đồng loại.
Chữ Nhân của người Việt là trường hợp khá đặc biệt, chính Nguyễn Trải đã cụ thể hóa chữ Nhân này trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn trác tuyệt của thế kỷ thứ 15, có thể nói đây là văn bản tượng trưng cho sự chuyển tiếp từ tam giáo đồng nguyên khai phóng, hài hòa sang nền Nho giáo độc tôn thống trị.
Tư tưởng Nhân Nghĩa của Nguyễn Trải là một tổng hợp giữa hai nền văn hóa lớn ở Á Châu vào lúc đó và cho đến bây giờ. Đó là nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Cung cách hành xử nơi ông cho thấy tổng hợp cả hai lý tưởng bồ tát và quân tử đều được thực hiện cùng một lúc trong việc cứu nước giúp dân.
IV/ Thay Lời Kết:
Bên trên đã trình bày hai dòng tư tưởng sáng chói nhất của dân tộc đã tạo nên hai chiến công lẫy lừng vào thế kỷ 13 và thế kỷ 15.
Mong rằng sự góp ý này sẽ hữu ích một khía cạnh nào đó trên lãnh vực tinh thần cho công cuộc vận động dân quyền và nhân quyền Việt Nam trải dài từ quốc nội ra đến hải ngoại. Cũng như hội tụ nội lực dân tộc để đối phó với sự xâm lược dưới nhiều hình thức của kẻ thù phương Bắc đang ngày càng rõ nét.
Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc biên khảo ngày 30/05/2011 (Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu, danh xưng cũ là Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam và Tinh Thần Trúc Lâm Yên Tử tại Âu Châu)
Vua Trần Nhân Tông @ Trúc-Lâm Yên-Tử Thư-viện bồ-đề online
Thông Báo: Trang nhà Trúc-Lâm Yên-Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks
Đang xem báo Trúc-Lâm Yên-Tử
Việt-Nam Sử-Lược Tân-Biên_Lịch-Sử Việt-Nam
Bài Viết Tin-Tức Thời-Sự Mới Nhất có liên quan đến Lịch-sử Việt- Nam và Lich su viet nam
***
Điện-Ảnh - Thơ Văn - Sáng-Tác - Hồi-Ký - Triết-Học - Truyện
________
- Giới-Thiệu Các Web, Blog Mới - Trúc-Lâm Yên-Tử