lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Truyền Thống Dân Tộc
Nguyễn Đăng Thục
Truyền-thống tín-ngưỡng dân-tộc Việt-Nam bắt-nguồn từ cái tín-ngưỡng cố-hữu Lạc-Việt, mà ngày nay Khảo-cổ-học đã chứng-minh ở sự phát-hiện Cổ-tích văn-hóa Trống-Đồng Đông-Sơn ( Thanh-Hóa ) với Cổ-tích văn-hóa Cổ-Mộ Nghi-Vệ ( Bắc-Ninh ). Cả hai đều là di-tích của nền văn-minh có trước thời-kỳ du-nhập văn-hóa ngoại-lai, như Nho-giáo ở Trung-Hoa xuống và Phật-giáo ở Ấn-Độ sang vậy. Trống-Đồng Lạc-Việt với Cổ-Mộ biểu-thị cái tín-ngưỡng cổ-truyền của dân-tộc, một đàng là mệnh-lệnh Quốc-gia, một đàng là linh-hồn Tổ-tiên. Cả hai tín-ngưỡng Quốc-gia và linh-hồn Tổ-tiên đều phối hưởng vào thiên-nhiên như tục dựng nhà-mồ trong hang núi để bảo-vệ thi-hài Tổ-tiên, hay tục minh-thệ của triều-đình trước Đồng-Cổ Sơn-Thần ở thời Lý, thời Trần vậy :
" Thề rằng : Làm con mà bất-hiếu, làm bầy-tôi mà bất-trung, Thần-minh tru-diệt ". " Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh kích chi " .
Tín-ngưỡng linh-hồn Tổ-tiên đáp-ứng cho khát-vọng cá-nhân :
" Vẫn biết tinh-thần di tạo-hóa
Sống là còn mà thác cũng như còn ".
_ ( Phan-Bội-Châu )
Tín-ngưỡng Tổ-quốc lấy sông núi làm tượng-trưng để đáp-ứng cho khát-vọng tôn-giáo, tập-thể Quốc-gia Dân-tộc tin-tưởng vào sức-mạnh của cái ý-chí " sinh tử cộng tồn " của đoàn-thể giống nòi Lạc-Việt :
" Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng ! "
Cả hai tín-ngưỡng cá-nhân vào Tổ-tiên và tín-ngưỡng đoàn-thể vào sông núi đều hướng lên siêu-nhiên qua hình-ảnh tượng-trưng của Sơn-động. Như lời Linh-mục Thiên-Chúa Léopold Cardière đã kết-luận về tín- ngưỡng Việt-Nam : " Ngưòi dân Việt có thể nói là sống trong không-khí siêu-nhiên …. Bất cứ một người Việt nào, thuộc bất cứ giai-cấp nào trong xã-hội đều không ra khỏi sự ám-ảnh của siêu-nhiên…. Người Việt tin họ cử-động trong bầu không-khí siêu-nhiên. Siêu-nhiên ám-ảnh họ ban ngày cũng như ban đêm, giấc mộng cũng không giải-thoát được họ khỏi ám-ảnh siêu-nhiên, vì mộng cũng là chứng triệu biểu-hiệu của Thần-linh vậy " .
_ ( Léopold Cardière E.F.E.O. ) --" Croyances et Pratiques Religieuses des Vietnamiens " ).
Đấy là Thần-đạo cổ-truyền nguyên-thủy của dân-tộc Việt-Nam, tín-ngưỡng vào Thần-linh bàng-bạc khắp cả không-gian và thời-gian và làm môi-giới cho thế-giới hữu-hình và thế-giới vô-hình, thế-giới vật-chất và thế-giới tâm-linh. Vậy trong tâm-hồn người dân Việt chúng ta, tinh-thần và vật-chất, thần-hồn và thần-xác chưa phải phân-chia làm hai thế-giới cách-biệt, mà trái lại hai cõi ấy còn luôn luôn qua lại giao-lưu một cách liên-tục, mở rộng hướng lên. Bởi vậy mà tín-ngưỡng chỉ cốt ở lòng thành-tín vào Thần-linh tối-cao ở hành-động ngôn-ngữ ý-nghĩa, thì có thể nói được " Đời " : trần-gian tục-lụy, với " Đạo " : siêu-nhiên giải-thoát để thấy hạnh-phúc bình-an cho tâm-hồn, không phải nhờ cậy vào một giới thay mặt Tối-cao, đứng làm trung-gian giữa Đời và Đạo, giữa Người và Trời. Tín-ngưỡng Thần-linh hay Thần-đạo thực là nhựa sống của dân-tộc, đã là cơ-sở nền-tảng trong cơ-cấu tồ-chức xã-hội Việt-Nam, từ hạ-tầng cơ-sở cho đến thượng-tầng chính-trị, như đồ-biểu sau đây cho ta thấy rõ :
______________________________________________
ĐỒ-BIỂU CƠ-CẤU TỔ-CHỨC XÃ-HỘI VIỆT-NAM ._
A/ _ Hệ-Thống Tồ-Chức Tập-Quyền Quân-Chủ._
Cơ-Cấu Chính-Trị Cơ-Cấu Tôn-Giáo
Triếu-đình : Văn, Võ Bàn thờ Vũ-trụ, Sơn-xuyên, Xã-tắc
Tỉnh Miếu thờ Bách Thần
Phủ Chư Hiền
Huyện Vong-linh
B/ _ Hệ-Thống Tổ-Chức Phân-Quyền Dân-Chủ ._
Tổng : Công-cử Đình -- thờ Thành-Hoàng
Xã : Hội-đồng Kỳ-mục Chùa -- thờ Phật
Thôn : Am -- thờ Chúng-sinh
C/ _ Hệ-Thống Thân-Tộc ._
Gia-đình : Tộc-trưởng ; Tộc-chi Từ-đường : thờ Tổ-tiên
________________________________________________
Nhìn qua đồ-biểu tổ-chức trên đây, chúng ta nhận thấy những nét đặc-biệt như sau :
1) . Trước hết là giáo-quyền hay Tục-quyền, hay bên Đời và bên Đạo kết-họp với nhau không gián-đoạn từ dưới lên trên .
2) . Bản-vị xã-hội chính-trị không phải là cá-nhân, một nam hay một nữ như ở các xã-hội công-quyền kỹ-nghệ Âu-Tây hiện-đại, mà bản-vị công-quyền căn-cứ vào đơn-vị gia-tộc lấy làm bản-vị xã-hội. Điều này có một ý-nghĩa chính-trị xã-hội rất trọng-đại ở chỗ nó bảo-vệ quan-hệ xã-hội về cả tình lẫn lý chứ không phải lấy cá-nhân làm bản-vị xã-hội thì chỉ hợp lý mà bỏ mất tình. Một khi đề-cao cá-nhân, thì trái với nguyên-lý đoàn-thể xã-hội, vì nhân-loại là một loại xã-hội không thể sinh-tồn ngoài đoàn-thể xã-hội. Nếu đề-cao cá-nhân là bản-vị xây-dựng xã-hội, thì một số cá-nhân thuần nam-tính hay thuần nữa-tính có bảo-tồn được xã-hội còn mãi không? Vả lại, cá-nhân vốn xung-đột với đoàn-thể, luôn luôn yêu mình, không muốn mất cái gì cho đoàn-thể. Như thế là trái với định-luật tự-nhiên sinh-tồn của xã-hội nhân-loại. Theo cơ-cấu tổ-chức xã-hội Việt-Nam xưa, người ta muốn cho con người được sinh sống " ngoài thì là lý, nhưng trong là tình " cho nên trong cơ-cấu tổ-chức ta thấy bắt đầu từ một đôi nam, nữ trở lên, tức là từ gia-đình làm bản-vị cho xã-hội công-quyền .
3) . Bản-vị xã-hội chính-trị đã là một gia-đình, thì liên-hệ tập-thể không phải thuần-lý là quyền-lợi kinh-tế mà thôi, nó còn là liên-hệ thân-thích máu mủ nữa. Do đấy mà để bảo-vệ cho cái mối liên-hệ ấy được sinh-tồn lâu dài thì yếu-tố kinh-tế vật-chất tuy cần-thiết nhưng không đủ, còn cần phải yếu-tố tinh-thần, yêu-tố tín-ngưỡng nữa, cho nên gia-đình còn là cả một liên-hệ tôn-giáo, là tôn-giáo Tổ-tiên, như thế một gia-đình là một đơn-vị xã-hội vừa về tục-quyền (Đời ), vừa về giáo-quyền (Đạo ) .
Tóm lại, tất cả tổ-chức quốc-gia xã-hội đều xây-dựng trên nền-tảng thống-nhất giá-trị vật-chất tinh-thần, tâm vật hòa nhất, thế-tục và thiêng-liêng bất phân, khiến cho cuộc sinh-hoạt kinh-tế, chính-trị, văn-hóa, được toàn-diện mà giai-cấp xã-hội không mất hẳn ý-nghĩa bản-lai, phân-công hợp-tác, để trở nên giai-cấp tranh-đấu gay-go một mất một còn, làm mất trật-tự trong nước vậy .
4) . Nhìn tổng-quát từ dưới lên trên chúng ta thấy cơ-cấu tổ-chức xã-hội, chính-trị, kinh-tế, văn-hóa, Việt-Nam có một cơ-sở thống-nhất, vững-vàng, dung-hòa được hai phương-diện mâu-thuẫn căn-bản của tất cả sinh-hoạt tập-thể của nhân-loại, là dân-chủ phân-quyền ở tầng-lớp nông-thôn và quân-chủ tập-quyền ở tầng-lớp quốc-gia. Cả hai hệ-thống tổ-chức chính-trị ấy đều đặt cơ-sở trên tinh-thần gia-tộc lấy làm cơ-bản. Mỗi hệ-thống ấy, ngoài đặc-tính chung, vẫn giữa đặc-tính riêng theo cái nguyên-lý phổ-thông là " công tư vẹn cả đôi đàng " .
Như ở hệ-thống gia-đình thì có tục " nhập gia tùy tục " lấy làm nguyên-tắc. Ở hệ-thống xã-thôn thì có lệ-làng, tuy có phen xung-đột vì tính-chất khác nhau, mâu-thuẫn " Luật vua thua lệ-làng ", nhưng chính tại đây mà nhiệm-vụ cũng như sứ-mệnh lịch-sử của giới trí-thức gọi là kẻ-sĩ phải làm sao điều-giải, ngõ hầu cho dân-tộc được sinh-tồn, quốc-gia được thịnh-vượng, vừa phải bênh-vực quyền-lợi đại-chúng, nhân-dân, vừa phải giáo-hóa, có khi phải đứng lên chống-đối luật vua, phản-đối triều-đình bất-chính. Vì giới sĩ-phu càng phải tôn-trọng cái nguyên-lý bình-đẳng về giá-trị con người ở trên muôn vật là " tối linh " cho nên " từ vua đến dân đều phải lấy tu thân làm gốc ". Bởi vì :
" So lao tâm lao lực cũng một đoàn " .
_ ( Nguyễn-Công-Trứ )
Vậy giai-cấp " Sĩ " ngày nay gọi là trí-thức ( intellectuel ) chính là hạng người lấy lý-tưởng đứng lên trên giai-cấp xã-hội, không thuộc vào giai-cấp nào để sẵn-sàng làm môi-giới trung-gian giữa hai hệ-thống tổ-chức chính- trị, một đàng tập-quyền, một đàng phân-quyền, một bên quân-chủ, một bên dân-chủ .
Thần-Đạo Là Trung-Tâm Tín-Ngưỡng Của Nông-Thôn ._
Tất cả sinh-hoạt của nông-dân Việt-Nam từ xưa đến nay đều châu tuần chung-quanh cái Đình-làng, nơi thờ Thành-Hoàng, là vị Thần chung của tất cả dân làng. Hình-ảnh cái Đình đã in sâu trong tâm-hồn nông-dân, đến nỗi nó đã là đề-tài cảm-hứng cho những câu hát Ca-dao, phát-xuất trong khi làm việc :
" Đêm qua tát nước đầu Đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin ! ….
Hay là :
" Trúc xinh trúc mọc đầu Đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh ".
Đủ thấy cái Đình thật là linh-hồn của làng, thịnh-vượng cũng ở hướng Đình, lụn-bại cũng ở hướng Đình. Muốn biết vận-mệnh của nhân-dân một làng, kẻ hay người dở, tính-tình nhân-sự của họ thì hãy xem hướng Đình. Vai-trò của Đình-làng trọng-đại là dường nào ! Cái Đình phản-chiếu được đầy đủ tất cả sự sinh-hoạt xã-hội nông-dân Việt về tinh-thần cũng như vật-chất, về kinh-tế, chính-trị, văn-hóa và nhất là về tín-ngưỡng tôn-giáo. Tôn-giáo ở Đình-làng là Thần-đạo cổ-truyền như đã nói ở trên, vốn tín-ngưỡng vào nguồn sống Nguyên-linh thấm-nhuần khắp thế-giới hữu-hình. Qua thế-giới hữu-hình có thế-giới siêu-hình, như nàng Kiều của Nguyễn-Du đã tin-tưởng :
" Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền bù trúc mai ".
_ ( Truyện Kiều )
Hay như Bùi-Hữu-Nghĩa tin-tưởng linh-hồn của vợ mất vẫn còn phảng-phất quanh mình :
" Có linh chín suối đừng sao lãng
Thỉnh-thoảng về thăm líc tối tăm ".
Hai tín-ngưỡng ấy bắt nguồn từ cây đa, suối, sông, núi, để kết-tinh vào cái Nguyên-lý : " Địa-linh Nhân-kiệt " vậy. Đấy là tín-ngưỡng Thần-đạo mà trung-tâm thờ-phụng là cái Đình-làng. Chung-quanh cái Đình có Chùa thờ Phật, có Văn-chỉ thờ Hiền-Nho, có Miếu-Điện thờ Chư-vị Đạo-giáo. Vậy Đình trước hết là nơi thờ Thành-Hoàng, vị Thần chung của dân làng, ngoài tín-ngưỡng cá-nhân riêng, hoặc Phật-giáo của Phật-tử, Đạo-giáo của tín-đồ Vật-linh, Nho-giáo của tín-đồ Văn-học. Thần-đạo mới là công-giáo của nông-dân một làng dung-hòa, cởi mở với tất cả giáo-phái khác .
Điều đặc-biệt của xã-hội nông-dân Việt-Nam là hợp-nhất Đời và Đạo vào một chỗ, cho nên Đình vừa là Nhà-Thờ chung của dân làng, cũng là nơi bàn-soạn việc làng, hội-đồng kỳ-mục chức-sắc, ăn uống, hội hè, biểu-diễn văn-nghệ, hay họp chợ-búa, nơi học-tập ….. Đấy là đặc-tính thực-tế xã-hội của nông-dân Việt-Nam, không tách rời đời-sống linh-thiêng với đời sống thực-hiện, trong đời sống thực-tế không quên đời sống tâm-linh vậy .
Thần-Đạo Dung-Hợp Các Tôn-Giáo ._
Đặc-tính tín-ngưỡng Thần-đạo Việt-Nam vốn là một tín-ngưỡng cổ-truyền của nông-dân, đặt cơ-sở trên chữ Thiêng, hay là Linh-htiêng, không tin thế-giới siêu-nhiên (Đời ) với thế-giới siêu-nhiên (Đạo ) là hai thê-giới cách-biệt nhau. Trái lại đối với tín-đồ Thần-đạo, sống trong bầu không-khí siêu-nhiên, thì tất cả vũ-trụ sự-vật hữu-hình và vô-hình chỉ là một vũ-trụ tiến-hóa vô cùng vô tận, bởi vì bên trong hữu-hình có cái siêu-hình, hữu-hình chỉ là biểu-hiệu của siêu-hình, ví như trong biển nước vô-biên nổi lên các đợt sóng khác nhau nhưng tất cả đều vẫn là nước biển đồng-nhất. Nước biển ấy là Nguồn sống, là Nguyên-linh, là Thực-tại linh-thiêng, làm bản-thể duy-nhất cho cả siêu-hình lẫn hữu-hình vậy. Chính cái thực-tại ấy, mà Phan-Thanh-Giản, một đại Nho Việt thế-kỷ XIX đã viết :
" Thần linh bàng bạc chi hương, khả trưng phương trượng Bồng lai dữ nhân gian bất viễn dã "
( Cõi Thần-linh phảng-phất khắp nơi, có thể tỏ thấy cảnh Bồng-lai phương-trượng siêu-nhiên với cảnh nhân-gian thiên-nhiên không xa cách vậy ).
Đấy là tín-ngưỡng Địa-linh Nhân-kiệt ngụ ở ý-nghĩa một chữ " Thiêng " do Hán-tự " Thành " mà ra, như phổ-thông người ta nói : " Thiềng tâm " hay do Hán-tự " Tâm thành " mà ra, hay là " vi thiềng, vi thành thiêng-liêng, là thành linh " vậy. Một chữ Thành theo giới trí-thức Hoa - Việt vừa chỉ vào cái thực-tại có hai phương-diện, vừa tĩnh vừa động, vừa hữu-hình vừa siêu-hình, vừa Đời vừa Đạo, như sách Trung-Dung viết :
" Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả nhân chi đạo dã ".
( Thành là đạo Trời vậy, làm cho thành là đạo của người vậy ).
Phân-tích tác-dụng tâm-lý của chữ " Thành " là trạng-thái tín-ngưỡng của người Việt, chúng ta thấy có chữ Ngôn để chỉ cho hoạt-động của lý-trí, và chữ Thành để chỉ vào ý-chí, sự cố-gắng tập-trung tình-cảm vào một đích. Vậy lòng Thành hay Thiềng chính là ở tại lòng người đem tất cả tinh-thần hướng vào một Tối-cao thiêng-liêng để nối liền hai phương-diện của sự sống là Thiên-nhiên với Siêu-nhiên, Đời với Đạo, Người với Trời .
Nhờ có sẵn cái tín-ngưỡng ấy còn linh-động mà dân Việt đã thâu-hóa sáng-tạo các tôn-giáo ngoại-lai vào truyền-thống hợp-nhất " Tam giáo đồng nguyên " vào một chữ " Thành " như Nguyễn-Cư-Trinh, đất Thuận-Hóa trên đường Nam-tiến của dân-tộc đã tuyên-bố :
" Thành ư trung vị đắc hòa bình
Hình tại ngoại bất năng trung tiết ".
_ ( Truyện Sãi-Vãi )
( Chữ Thành ở trong lòng chưa được quân-bình thì sự biểu-hiện ra ngoại-vật không có thể có hòa-điệu ).
Đấy là tín-ngưỡng tâm-linh hợp-nhất tinh-thần với vật-chất, siêu-nhiên và thiên-nhiên. Đạo với Đời quy về nguồn-gốc vốn không phải là hai vật, hai thế-giới cách-biệt xung-đột, cho nên gọi là cái " Giáo-lý không hai "
( Bất nhị pháp môn ) là tinh-thần Thiền-tông mà vua Trần-Thái-Tông đã thực-hiện dung-hòa Tam-giáo : Đạo, Nho, Thích đời nhà Trần ở Việt-Nam, như Ngài viết :
" Vị minh nhân vọng phân tam giáo
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm " .
_ ( Khoá-Hư )
( Người chưa sáng tỏ chân-lý mới hiểu lầm phân-biệt ra ba tôn-giáo khác-biệt, kẻ đã hiểu tới cùng thì đồng giác-ngộ có một tâm ) .
" Một tâm " này là cái tâm-linh vũ-trụ, ý-thức siêu-nhiên mà Nguyễn-Du gọi là Tâm-thiền thường-định :
" Vạn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly thiền ".
( Muôn cảnh-vật chung quanh đều biến mất còn đâu hình-ảnh
Tâm này luôn luôn tập-trung không dời trạng-thái siêu-nhiên thiền-định ) .
Trong lúc thi-sĩ đứng trước cảnh đẹp ở động Tam-Thanh ở Lạng-Sơn, tâm-hồn say mê với cảnh mà thốt ra vậy. Cũng như Ngài Ngộ-Minh-Chiêu ( Saint Mathieu ) sau này ở đảo Phú-Quốc, nhìn cảnh hoàng-hôn trên mặt biển, đã say mê thấy cảnh Bồng-lai phương-trượng. Rồi con mắt tâm-linh siêu-nhiên ấy hiện ra cho Ngài như Thiên-nhãn để hợp-nhất các tôn-giáo du-nhập vào Thần-đạo cổ-truyền của dân-tộc mà mở ra thời-kỳ mới của tín-ngưỡng Việt-Nam, kết-tinh của sự dung-hòa Âu-Á :
" Si ton oeil est unique tout ton corps sera éclairé "
( Nếu con mắt con được duy-nhất, thì tất cả thân-thể con sẽ sáng chiếu ) .
Đấy là lịch-trình tiến-triển từ Thần-đạo cố-hữu dân-tộc, trải qua hơn hai ngàn năm đã kết-thúc vào Truyền-Thống Tam-Giáo Việt-Nam hiện-đại, thích-ứng cho xã-hội khai-phóng " Năm châu một chợ bốn biển một nhà ".
Nguyễn Đăng Thục
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks