lịch sử việt nam
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
...
Thái-Độ "Kẻ-Sĩ" Triều Quang Trung
Nguyễn Đăng Thục
Triều-đại Quang-Trung trong lịch-sử Việt-Nam rất ngắn-ngủi, vỏn-vẹn có hơn mười năm .
" Đầu cha lấy làm chân con
Mười bốn năm tròn hết kiếp thì thôi ! "
_ ( Sấm Trạng-Trình )
Nhưng trong thời-gian ngắn-ngủi ấy mà chính-sử đã coi như giao-thời giữa hai chính-thống Lê, Nguyễn, biết bao sự-nghiệp hiển-hách đã diễn ra cho dân-tộc. Nguyễn-Huệ bên góc trời Đông như Nã-Phá-Luân bên góc trời Tây, đã đảo lộn tất cả tiêu-chuẩn giá-trị quốc-gia xã-hội : dẹp Nguyễn, dẹp Trịnh, dẹp Lê, đánh đuổi quân Tầu, quân Tiêm, san bằng ranh-giới phân-chia Nam-Bắc ngót hai trăm năm, thống-nhất dân-tộc, đem người áo vải lên địa-vị tối-cao quốc-gia, mà Trung-Hoa phải công-nhận là Vua Việt-Nam " Annam Quốc-Vương " .
" Áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công-trình ".
_ ( Ngọc-Hân Công-Chúa )
Trong cái đại cuộc tình-thế đảo lộn ấy, thử hỏi giới Nho-sĩ Việt-Nam bấy giờ đã có thái-độ như thế nào để gọi được là " Kẻ-Sĩ " với giá-trị chính-nghĩa của nó ?
Trong bài trước đây nhan-đề " Trận Đống-Đa với chính-nghĩa quốc-gia ", chúng tôi đã nói đến thái-độ khẳng-khái của Nho-sĩ Trần-Công-Xán. Nay thử tìm hiểu thái-độ chung của giới trí-thức Việt-Nam bấy giờ, khác với trí-thức ngày nay đã đành, nhưng xem nó có đánh dấu trong lịch-sử tư-tưởng Việt-Nam từ Lê đến Nguyễn bằng một tiến-bộ nào không ?
Như chúng ta đều biết nhà Lê ( 1428 ) sau khi quân Minh đào-thải triệt-để sản-phẩm văn-hóa Lý, Trần để thay-thế bằng Nho-học " Tính lý đại toàn " của Chu-Hy đời Tống, thì Nho-học được đề-cao lên địa-vị độc-tôn của cái học chính-thống với tinh-thần " tịch ngoại đạo " của Tống Nho, nghĩa là trở nên ý-thức-hệ bế-quan của giới trí-thức lãnh-đạo quốc-gia. Kết-quả của cái lò hun-đúc nhân-tài, đào-tạo sĩ-khí ấy như thế nào, thì nhà bác-học túc Nho Lê-Quý-Đôn cho ta thấy đại-khái như sau :
" Hồi quốc-sơ, sau thời nhiễu-nhương, bọn nhà Nho thưa-thớt. Những người làm đến chức Thị, Tụng như các ông Thiên-Tích, Bùi-Cảm-Hổ đã rực-rỡ khí-phách anh-hào, lại sẵn nếp can-đảm dám nói. Những người mến thú lâm-tuyền như Lý-Tử-Cấu, Nguyễn-thì-Trung, đều một niềm giữ tiết-tháo trong sạch, không chút mơ tưởng giầu sang. Đấy là một thời .
" Trong khoảng đời Hồng-Đức ( 1470 - 1497 ) mở rộng đường khoa-mục thành long-trọng để kén nhân-tài. Học-trò bèn đua nhau thiên về mặt văn hay, chỉ cốt thêu chạm lời phú, câu thơ cho đẹp, hầu mong lấy bảng cao chức trọng cho sang, còn phần khí-tiết khẳng-khái thì đã cảm thấy tan-tác hủ-suy. Nhưng vì đường sủng vinh rộng mở thì cách khoa lệ cũng nghiêm, ai điểm-tĩnh thì tự nhiên được cất nhắc, kẻ chạy-chọt cầu-cạnh thì bị cách phạt. Bởi vậy người làm quan bấy giờ ít thói bon-chen, mà thiên-hạ còn biết quý danh-nghĩa. Đấy lại là một thời nữa.
" Từ đời Đoan-Khánh ( 1505 ) trở về sau, lối thanh-nghị suy kém quá, thói luồn cúi ngày thịnh dần. Kẻ quyền vị ít có người giữ được lề liêm-khiết nhún-nhường, nơi triều-đình it thấy lời dám can-ngăn kích-thiết. Gặp chuyện khó thì chịu hèn để khỏi bận-bịu, thấy cơ nguy thì bán nước để cầu an. Cả đến bậc gọi là danh Nho cũng yên lòng nhận lấy cái vinh sủng bất nghĩa, mà vẫn còn thi ca đi lại, khoe hay khoe đẹp với nhau. Phong-thái sĩ-phu thật hỏng nát không bao giờ bằng thời này. Sự tệ hại của cuộc biến-chuyển này không thể nói xiết được. Tìm trong khoảng trên dưới một trăm năm quốc-sử này, lấy những bậc đáng gọi là cao-sĩ thì chỉ có được vài người như các ông Lý-Tử-Cấu, thật đáng ngán cho những bậc phong tiết này ít thấy quá vậy . "_ ( Kiến Văn Tiểu Lục )
Lời thẩm-định trên đây có vẻ khắt-khe nhưng đúng sự thật, bởi vì một khi Nho-học tính-lý của Tống Nho có khuynh-hướng bế-quan đã trở nên chính-thống độc-tôn của nhà nước thì nó tự giới-hạn vào xã-hội thực-tiễn mà đoạn-tuyệt với căn-bản tâm-linh thực-nghiệm của Thiền-học thời Lý, Trần, cho nên càng đi xa với truyền-thống Tam-giáo thời Lý, Trần thì Nho-học cũng mất hết sinh-lực sáng-tạo giá-trị đạo-đức bắt nguồn và lấy cứu-cánh ở Thiên-tước, tức là ở thực-tại siêu-nhiên vũ-trụ, chứ không phải chỉ hạn-chế vào công-lợi, vào nhân-tước mà thôi. Giới-hạn vào nhân-tước, lấy công-lợi làm tiêu-chuẩn giá-trị cho hành-vi nhân-sinh, tự nhiên người ta hết tín-ngưỡng vào tâm-linh siêu-nhiên, vào giá-trị thiêng-liêng của con người. Bởi thế mà Nho-học căn-bản là một hệ-thống luân-lý chính-trị được độc-tôn ở thời Lê, đáng lẽ phải làm cho sĩ-khí một ngày một tiến, lại đưa đến tình-cảnh suy-nhược, hèn-nhất, mất cả nhân-cách cao-sĩ, như Lê-Quý-Đôn đã phải ngán cho khí-tiết của kẻ-sĩ thời ông. Và Hà-Sách-Hiển cũng chua-chát với câu thơ Vịnh Liệt-Phụ-Đoàn :
" Khả lân nhị bách dư niên quốc
Thiên lý dân di nhất phụ nhân " .
( Đáng thương cho một nước đã hơn hai trăm năm, tức triều nhà Lê.
Mà đến lúc sắp đổ chỉ còn có một người đàn-bà giữ được lẽ Trời và đạo Người mà thôi ).
( Thương thay nước cũ hai trăm lẻ
Giữ vững cương thường một phu-nhân ).
Và Cống-Chỉnh luận về sĩ-khí của thời-đại cũng có bốn câu thơ cực-tả như sau :
" Lửa hồng từ dậy mái thành đô
Đòi chốn lầm than thủa được thua !
Xanh biếc cảnh xen người ẩn-dật
Bạc đen đường vẩn khách bôn xu ! "
_ ( trong " Quốc-văn đời Tây-Sơn "nguyễn- của Hoàng-Thúc-Trâm )
Vậy thời bấy giờ khi Nguyễn-Huệ, Nguyễn-Nhạc lãnh-đạo quần-chúng Tây-Sơn nổi dậy ở Nam-Hà, thì ngoài Bắc-Hà dưới chế-độ Vua Lê, Chúa Trịnh đã có hai khuynh-hướng tư-trào chi-phối giới trí-thức là khuynh-hướng Tàng và Hành, Ẩn-dật hay Theo thời-thế. Trong khuynh-hướng Theo thời mà hành-động thì cũng chia ra có phe phù Lê diệt Trịnh, hay là 3 phe a-dua thế mạnh để cầu lợi, cầu vinh. Cho đến khi Lê-Chiêu-Thống cầu-viện quân Tầu vào chiếm-đóng đất nước như quân Tôn-Sĩ-Nghị, thì nhà Lê vẫn còn dư-hưởng của " Bình Ngô Đại Cáo " cho nên Vua Lê vẫn tượng-trưng cho chính-nghĩa, khiến anh em Nguyễn-Huệ kéo quân ra Bắc-Hà vẫn còn phải mượn danh-nghĩa phù Lê. Đến khi Nguyễn-Huệ với trận Đống-Đa cả phá quân Thanh, bấy giờ mưu-đồ lấy thiên-hạ của ông mới đặt cho giới Kẻ-Sĩ vấn-đề thắc-mắc về thái-độ phải lựa-chọn .
" Ai Công-Hầu, ai Khanh-Tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai ? "
_ (Đặng-Trần-Thường )
" Thế Chiến-quốc, thế Xuân-thu, gặp thời-thế, thế thời phải thế ".
_ ( Ngô-Thị-Nhậm )
Rồi cả hai đều chết bất-đắc kỳ-tử, người theo Tây-Sơn, người theo Nguyễn Chúa .
Người " Tụng Tây-Hồ " hết lời ca-tụng Nguyễn-Huệ coi như cứu chúa, trận mưa xuống đồng khô, nhất là sau trận Đống-Đa, đây là phú của Nguyễn-Huy-Lượng phát-biểu :
" Tới Mậu-Thân ( 1788 ) từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch .
Qua Canh-Tuất ( 1700 ) lại tươi cơn thời vũ, cỏ cây đều gột đức triêm nhu " .
Người " Chiến tụng Tây-Hồ ", cố-chấp vào chính-nghĩa trung-quân thiển-cận, đẽo câu văn cho sướng miệng, thỏa chí điên-cuồng bất-đắc-chí, như Phạm-Thái thóa-mạ hành-vi của Tây-Sơn :
" Quỷ dạ-xoa quấy Bụt xuống chi đdây, người bách nghệ đến đâu đều khổ não .
Thần hạn-bạt nát ai ra đấy tá, kẻ tam nông mong chẳng được tô nhu ! "
Rồi chê bọn ra phù-tá Quang-Trung chỉ là bọn lợi-dụng thời-cơ nhất-thời chớp-nhoáng :
" Lớp tang-thương rơi-rụng tựa hoa tàn, ngẫm thiên tạo cũng vui thay cảnh thú .
Cuộc Nam Bắc được chăng dường chớp giật, nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi khuông phù ! "
Nhưng cái thái-độ Kẻ-Sĩ của Phạm-Thái chống chủ-nghĩa thời-cơ bấy giờ để mong ủng-hộ cho một chính-nghĩa phù Lê mộng-tưởng cũng chỉ đưa tác-giả " Chiến tụng Tây-Hồ " đến chủ-nghĩa cá-nhân tuyệt-vọng chán đời với câu văn đẹp, chén rượu li bì :
" Một tập thơ dầy ngâm sang sảng
Vài chén rượu kếch ních tì-tì .
Chết về Tiên bụt cho xong kiếp
Đủ cả trần-gian sống mãi chi ? "
_ ( Tự trào )
Trong Nam-Hà bấy giờ, tình-thế có lẽ rõ-ràng giản-dị hơn, giới Nho-sĩ chỉ biết công-ơn Chúa Nguyễn, suốt tám đời từ Gia-Dụ đến Hiếu-Võ đã khai-thác nên cơ-đồ Nam-Tiến vững-vàng, nhất thời triều-chính bị lũng-đoạn để cho Tây-Sơn nổi lên, Chúa Hiếu-Định phải bỏ chạy vào Nam, mà Cao-Hoàng phải bôn ba mưu-toan phục-quốc. Vậy Nho-sĩ đất Thuận-Hóa chỉ có thái-độ " loạn bang bất cư ", " nguy bang bất nhập " như Khổng-Tử đã dạy, mà kéo nhau đi ở ẩn. Đấy là Xử-sĩ Hoàng-Quang với Võ-Trường-Toản đã đại-biểu cho thái-độ Kẻ-Sĩ, lạc-quan chờ thời .
( Tớ nay, sĩ ở Đông-Tân, ngụ miền Nam-bạn
Than rằng đã lánh gian-truân, rủi lại gặp kỳ phản hoán .
Số là thấy " thiên-hạ hoại loạn dĩ cực ", lửa hừng thảm lại thêm sâu .
Chửa gặp kỳ " Thánh nhân cơ hội khả vi ", mưa rượu đạm mầu cứu hạn .
Nói khôn cùng muôn việc thủa xưa, thương phải tạm vài lời tự thán .
Song le truyện cũ đã tra, chép lại sách xưa để án .
Lời rằng : “ Đại hàn chi hậu tất hữu dương xuân .
Đại loạn chi hậu tất hữu trí trị ! ”
Vậy có đoán rằng :
“ Khỉ bồng con ngồi khóc .
Gà vỡ tổ liền bay .
Chó vẫy đuôi mừng chủ .
Lợn ăn no ngủ ngày . ” ) .
_ ( Hoài Nam Ca khúc )
Ở đây thấy rõ Kẻ-Sĩ Nam-Hà vẫn lạc-quan, không những tin-tưởng vào cái định-luật Dịch-biến Tuần-hoàn, đi rồi tất lại, mà còn vì tin-tưởng vào Tiên-Tổ Miếu-Đường như lời Văn-tế sau đây của ông :
" Kính mặt đức Tiên-Vương
Non Lam trổ ngọc, nước Việt tuôn vàng .
Thân cùng Trịnh trong điều mạch nước,
Tôn họ Lê trên chánh ngôi Vương .
Thệ đều dạ ái ưu, Hồ Việt tưởng một nhà lạc tiệc .
Tự vì ai hân khích, Lưu Hạng nên trăm trận chiến-trường .
Hai chốn Bắc Nam mới cứ, Sáu năm Thanh Nghệ lại sang .
Thương sinh dân gối tuyết nằm sương, ngoài mới triệu về chư tướng .
Thủ Bố-chánh ngăn thành đắp lũy, trong bèn an trị bốn phương.
Tám đời Thánh dõi truyền đức giáo .
Hai trăm năm sửa trị triều cương .
Nại từ ấn tự lên ngôi, giường Thang rồi đã đành Vua Giáp .
Thêm lại quyền thần phụ-chánh, tộ Nguyễn suy căm giận họ Trương .
Ngoài dã một sâu lê thứ, trong thêm cá thịt họ hàng .
Ong bèn dạy Tây-Sơn, thế đã khiến ba phân chân vạc .
Hùm lại gầm ải Bắc, lò bỗng tàn sắc miếu khói hương .
Thế cheo leo Nguyễn tự nửa tơ, linh biết chăng ôi liệt Thánh ?
Rầy sui khiến hạ đồ một mối, kẻo còn hổ với Thiếu-Khang .
Ngõ một thủa lại vầy cơ-hội, đặng muôn năm cho sáng Miếu-Đường !
Nay cáo . "
_ ( Hoài Nam Ca Khúc )
Cái tín-ngưỡng Tổ-Tiên ấy đã dẫn đến Nho-học Tâm-linh Khai-phóng đất Gia-Định mà Võ-Trường-Toản là đại-biểu. " Học sách Đại-Học đến quên hết sạch không còn một chữ nào nữa hết " thì mới đạt được cái Đạo Đại-Học, như ông đã tuyên-bố và dạy cho đệ-tử :
" Sách Đại-Học một ngàn bẩy trăm chữ, tan ra vô số việc, thu lại chỉ hai trăm chữ, lại thu nữa chỉ một chữ; lại thu hẳn lại, một chữ cũng không ."
_ ( Văn bia Võ-Trường-Toản của Phan-Thanh-Giản )
Bởi thế nên họ Võ đã đạt cái lý : " Trong biến-đổi tìm đến chỗ không biến-đổi " như tiên-sinh đã tuyên-bố:
" Cho hay dời đổi ấy là thường, mới biết thảo ngay là nghĩa cả ! "
_ ( Hoài Cổ Phú )
Xem thế có thể biết đại-khái thái-độ nhân-sĩ Nam-Hà thời ấy rất rõ rệt, không khó-khăn phức-tạp với chính-nghĩa như nhân-sĩ Bắc-Hà, nào Vua Lê mời quân Tầu vào, nào Nguyễn-Huệ đánh đuổi quân Thanh, nào Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thật là rối-ren khó xử. Trong cái " thế Chiến-quốc, thế Xuân-thu " ấy, chúng ta đã thấy Nho-sĩ Trần-Công-Xán tuẫn-tiết để phù Lê, Lý-Trần-Quán tự chôn sống vì hối-hận vô-tình phản Chúa (Trịnh-Tông).
Nay thử ôn lại thái-độ của một bậc Nho-sĩ danh-tiếng như La-Sơn Phu-Tử Nguyễn-Thiếp, để thấy cái triết-lý sống chết, tồn vong, nên và không nên (être ou ne pas être ) của tiền-nhân Việt-Nam khó thực-hiện là nhường nào.
La-Sơn, tên húy là Nguyễn-Thiếp, người làng Nguyệt-Tảo huyện La-Sơn, lúc trẻ thi Hương đỗ Thủ-khoa, làm Tri-huyện Thanh-Giang. Khoảng giữa đời Cảnh-Hưng, từ quan về ở ẩn tại thành Lục-Niên, núi Thiên-Nhẫn, chuyên nghiên-cứu Lý-Học, người đương thời gọi là La-Sơn tiên-sinh " Thơ của ông tao-nhã, thanh-thoát, lý-thú thung-dung, thực là lời nói của người có đức, các tao-nhân ngâm khách không thể sánh được " . _ ( Theo " Vạn-Tịch-Chí ", Phan-Huy-Chú )
Nho-học của La-Sơn tiên-sinh căn-cứ vào Tính-Lý của Chu-Hy, nhưng lại ngả về tâm-linh thực-hiện mà bài-bác phản-đối khuynh-hướng bè-phái đảng-tranh đương thời, bởi thế mà ông sớm cáo bệnh về ở ẩn, như ta thấy biểu-lộ ở bài thơ " Độc Tính Lý Tứ Thư Đại Toàn " sau đây :
" Thử lý tòng lai cụ thử thân,
Ngô Nho ưu học bất ưu bần ;
Nghĩa tồn, đỉnh hoạch như vô vật,
Đạo khuất, lâm tuyền dã khả nhân ;
Toản lý, cơ quan thiên cổ bệnh,
Dục nghi, phong vị tứ thời xuân ;
Khu khu trở đạt hà tu kế,
Quân tử thành danh chỉ tại nhân ."
_ ( Thi Cảo )
( Lý ấy đủ trong mỗi cá nhân,
Nhà Nho lo học chẳng lo bần ;
Nghĩa còn, hình phạt là đồ bỏ,
Đạo mất, tìm vui với núi non ;
Biển lận xưa nay đời tranh chấp,
Riêng ta tắm suối bốn mùa xuân ;
Loay hoay cùng đạt lo chi nữa,
Quân-tử nên người một đạo Nhân ).
Đấy là thái-độ của nhà Nho quân-tử, nhưng muốn làm một nhà Nho quân-tử với đạo Nhân, đâu phải là dễ-dàng, gặp thời loạn mà đi ẩn là được. Nho-sĩ Nguyễn-Thiếp đang sống dưới chế-độ phong-kiến quân-chủ chuyên-chế, mặc dầu là thời loạn, được làm vua thua làm giặc, nhưng đeo vai thân-sĩ lại muốn làm quân-tử Nho, không phải tiểu-nhân Nho, lại càng phải trung-thành với tôn-chỉ " Chính danh định phận. Ngôn thuận danh chính ". Đấy là cả một vấn-đề khó xử cho Nguyễn-Thiếp lúc bấy giờ. Lấy thành Lục-Niên, nơi Lê-Thái-Tổ khởi-nghĩa làm nơi ẩn-dật, chắc hẳn tiên-sinh đã có ngụ ý lấy nhà Lê làm tiêu-biểu cho chính-nghĩa dân-tộc, như Lê-Thúc-Thông đã viết :
" Sách Địa-dư có câu :
Lục-Niên cung kiếm anh hùng sự
Bán chẩm yên hà dật khách tình ".
( Sáu năm, tục thành này gọi là Lục-Niên, việc cung kiếm là việc của người Anh-hùng Lê-Lợi .
Nửa gối khói mây là tình-cảnh của nhà ẩn-dật ) .
" Lấy thành Lục-Niên với Nguyễn-Xử-Sĩ mà đối nhau, thời biết thành Lục-Niên, Nguyễn-Xử-Sĩ, hai sự-tích ấy đều là tiêu-biểu cho cõi Hồng-Lam, xin người thượng-lưu xã-hội, người hạ-lưu xã-hội trông lên thành Lục-Niên nên có lòng tư-tưởng giang-sơn, trông lên miếu Xử-Sĩ nên có lòng phù-trì danh-giáo " .
_ ( " Nam Sử Liệt-truyện Khảo-cứu ", Nam-Phong số 102 )
Như thế thì Nho-sĩ Nguyễn-Thiếp đã phải đối-phó với các thế-lực đương thời như thế nào để giữ cái gọi là Chính-nghĩa Dân-tộc thời bấy giờ, nào là Vua Lê, Chúa Trịnh, nào là Quang-Trung Nguyễn-Huệ, nào là Vua Gia-Long .
Vào năm 1780 Chúa Tĩnh-Vương Trịnh-Sâm, có ý thay-thế Vua Lê, mời Tiên-sinh Nguyễn-Thiếp ra kinh để dùng. Rồi thấy Tiên-sinh lại về núi, tỏ rằng không muốn hợp-tác với thế-lực bất-chính. Về thái-độ này, Hoàng-Xuân-Hãn, trong tác-phẩm " La-Sơn Phu-Tử -- Minh-Tân xuất-bản " có cho biết :
" Đọc thơ các người ở Thăng-Long tặng Cụ thì biết rằng Chúa muốn trọng-dụng Cụ, nhưng Cụ từ .
" Thơ của Bùi-Bất-Trực :
" Bốn bể ngẩng trông Thiên-Nhận đỉnh
Chín trùng trọng vọng Lục-Niên quan " .
Nhưng đối với Nguyễn-Huệ, từ lúc Nguyên-Súy đến lúc làm Vua Quang-Trung, ba phen cho thư đưa lễ-vật đến mời, cử-chỉ thực nhún-nhường, kính hiền mộ sĩ, mà Nguyễn-Thiếp cũng không ra, can-đảm từ-chối. Cho đến khi Nguyễn-Huệ đến tận Nghệ-An, mời ra hội-kiến, Tiên-sinh mới chịu ra, nhưng trong lời đối đáp vẫn giữ được chính-nghĩa. Sách gia-phả chép rằng :
" Huệ tới châu ta, dừng ở núi Nghĩa-Liệt, dương uy-vũ ra oai ép Cụ phải ra mắt .
" Cụ tới Huệ trách rằng :
" _ Đã lâu nghe đại-danh. Ba lần cho tới mời, Tiên-sinh không thèm ra. Ý Tiên-sinh cho quả-nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh-hùng trong thiên-hạ chăng ?
" Cụ trả lời :
" _ Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được lập lại nhà Lê. Với danh-nghĩa chính thì anh-hùng ai lại chẳng theo ? Nếu giả tiếng nhân-nghĩa, nói dối tôn Vua để lấy tiếng thì lại hóa ra một kẻ gian-hùng .
" Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng .
" Cụ ngồi nói chuyện hồi lâu mới về ".
_ ( Theo sách của Hoàng-Xuân-Hãn đã dẫn trên )
Đấy là thái-độ của Nho-sĩ dám nói vậy .
Khi đem quân ra đánh quân Thanh, Nguyễn-Huệ lại gặp Nguyễn-Thiếp ở Nghệ-An hỏi về sách lược, Tiên-sinh nói :
" Người Thanh ở xa tới mệt-nhọc, không biết tình-hình khó dễ thế nào, thế nên chiến-thủ ra sao. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì-hoãn một phút thì khó lòng mà được nó .
" Huệ mừng lắm trả lời :
" Ông nói chính hợp ý tôi ".
_ ( Theo Hoàng-Lê Nhất-Thống-chí )
Đến đây theo con mắt của Nguyễn-Thiếp, Vua Lê đã mất chính-nghĩa vì cầu-viện quân nhà Thanh dầy xéo lên đất nước đặng bảo-vệ ngôi-vị của mình. Bởi thế mà Nho-sĩ quân-tử Nguyễn-Thiếp không ngần-ngại ra giúp chính-nghĩa của Nguyễn-Huệ để đánh đuổi kẻ xâm-lăng ngoại lai vậy. Và để chứng-minh cái chính-nghĩa vì dân-tộc của Tiên-sinh, nên trả tước lộc của Quang-Trung bấy giờ đã lên ngôi Hoàng-Đế. Tuy trả lại tước lộc của Vua, nhưng vẫn thẳng-thắn giúp Vua bằng những lời khuyên vương-đạo : " Nào Vua nên một lòng tu đức, ấy là gốc của vạn sự, nào là dân thường không nhớ chỉ mến kẻ có đức Nhân, lòng người quy về là bởi mệnh Trời ; nào là phép học " ngọc không chuốt không thành đồ, người không học không biết đạo ……
Người ta tranh đua học-tập từ-chương, cầu công lợi mà quên mất đạo-đức chính-trị tam-cương, ngũ-thường. Chúa tầm-thường, tôi nịnh-hót, quốc phá gia vong ".
Như thế đủ tỏ Nguyễn-Thiếp chưa hẳn nhận Quang-Trung là chính-nghĩa, vì mặc dầu Phương-ngôn Việt có câu " Được làm vua thua làm giặc " cũng như chủ-nghĩa Duy-vật ngày nay tin rằng võ-lực là mẹ lịch-sử, nhưng đối với nhà Nho Việt xưa nay cũng như đối với tinh-thần văn-hóa Đông-phương, một võ-công không đủ lập nên chính-nghĩa. Cũng may Nguyễn-Huệ, Vua Quang-Trung, là người biết phục-thiện, cho nên Nguyễn-thiếp đã nhận chức Viện-Trưởng Sùng-Chính-Viện để thực-hiện chương-trình cải-cách giáo-dục đương thời .
Nhưng Nguyễn-Huệ sớm băng-hà, Nguyễn-thiếp lại một phen đem tính-mạng để thử-thách với chính-nghĩa trong một thời-cục rối ren, đại-thần giết nhau, quân dân nghi-hoặc. Nhiều tướng giỏi bỏ Lê-Chất hàng Chúa Nguyễn, Lê-Văn-Thành, tướng Tây-Sơn ở Qui-Nhơn, cũng hàng. Kẻ-Sĩ Nguyễn-Thiếp trả lại chức Viện-Trưởng Súng-Chính để về núi. Nhưng Vua nối ngôi Quang-Trung là Quang-Toản ép vào Phú-Xuân để vấn kế. Lúc này nhà Vua nhỏ tuổi, triều-thần đối với Tiên-sinh, ngoài mặt dùng lễ, mà bề trong thì uy-hiếp bằng võ-lực, cho nên mới thấy có sách chép :
" Con Huệ là Trát lại sai Trần-Quán đưa lễ và một ngàn lính lên núi ép đón ."
_ ( Dã Sử nhật-ký -- theo sách " La-Sơn Phu-Tử " của Hoáng-Xuân-Hãn )
" Nhưng trước mặt nhà Vua Quang-Toản, được hỏi về quốc-sự, Tiên-sinh cũng thẳng-thắn dám nói sự thật :
" _ Không thể làm được .
" Lại hỏi : _ Cụ có dạy gì không ?
" Đáp : _ Dạy ai theo .
" Quang-Toản nói : _ Tôi giao ấn kiếm, ai dám không theo ?
" Cụ hỏi : _ Nếu Quân-Vương không nghe thì sao ? "
Thế rồi Chúa Nguyễn-Ánh đánh vào Phú-Xuân năm 1801, Quang-Toản và tướng-tá bỏ chạy ra Bắc. Nguyễn-Thiếp đang bị giữ ở Phú-Xuân, vẫn giữ một thái-độ điểm-nhiên của Kẻ-Sĩ " Phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất " ( nghĩa là giầu sang không làm cho siêu lòng thèm muốn, sức mạnh, võ-lực không có thể làm khuất-phục ) . _ ( Mạnh-Tử )
Chúa Nguyễn-Ánh vào Phú-Xuân rồi, Tiên-sinh ngồi đứng như thường, cư-xử thản nhiên. Lính vệ-sĩ của Chúa Nguyễn về báo có người hình-trạng như thế. Vua Thế-Tổ bèn triệu Cụ tới, tiếp đãi rất có lễ, hỏi :
" _ Ngụy Tây-Sơn mời Tiên-sinh làm thày, vậy Tiên-sinh dạy nó ra sao ?
" _ Cụ trả lời : Có tám điều trong sách Đại-Học, có chín đường trong sách Trung-Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được .
Vua cho câu nói ấy hay, trọng đãi Cụ như khách. Cụ ở lại mười ngày, bèn xin về ".
_ ( Theo sách La-Sơn Phu-Tử đã dẫn )
Những sự-kliện trên đây có thật hay không, khó mà biết. Duy còn tờ Chỉ mà ông Hoàng-Xuân-Hãn đã dịch như sau :
" Chỉ cho La-Sơn dật-sĩ Nguyễn-Thiếp :
" Nghe nói khanh tuổi cao đức thịnh, xứng với lòng người ta trông mong. Trước bị ngụy-triều ép gọi đến, giữ ở lại kinh lâu ngày. Nay sau lúc đại binh tiến tới Phú-Xuân, khanh tới cửa quân giãi bày thành thật và xin trở về nhà .
" Ta nghĩ rằng kẻ hiền nên kính-trọng, kẻ già nên để yên. Sai … hầu đưa quân-lính tiễn về đến đầu giới-hạn Hoành-Sơn .
" Sau lúc về núi, khanh nên chăm việc rèn đúc kẻ hậu tiến để giúp đời thịnh, để không phụ ý Trẫm rất tôn hiền " .
Theo đấy thì Nguyễn-Thiếp trải qua mấy triều trái-nghịch tương-tranh, nào thế Chiến-quốc, nào thế Xuân-thu, vẫn giữ được trọn-vẹn thái-độ của bậc Hiền-sĩ, quả là một nhà Nho có thật đức vậy. Sống vào thời hỗn-loạn, thế-lực lên xuống bất thường chớp-nhoáng, kẻ phù Lê cũng bị Quang-Trung giết như Ngô-Thời-Nhậm, thậm chí kẻ phù nhà Nguyễn lại bị nhà Nguyễn giết như Đặng-Trần-Thường, thế mà chỉ có Nguyễn-thiếp giữ được toàn-vẹn cả tính-mạng lẫn thanh-danh. Đấy thật là một tấm gương Chính-nghĩa Việt-Nam cận-đại. Chẳng biết ngày nay người ta hiểu thế nào là Chính-nghĩa, và người ta đã sống theo Chính-nghĩa như thế nào ?
Weblinks :
Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks