lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Quan-Niệm Nhân-Sinh Việt Nam 

Nguyễn Đăng Thục

Renan, nhà triết-học Pháp có tiếng, từng tuyên-bố :
" Vivre sans un système sur les choses, ce n'est pas vivre une vie d'homme " .
( Sống không có một hệ-thống về các sự-vật thì không phải là sống một cuộc đời nhân-loại ).

Câu nói thật chí-lý ! Không lúc nào như lúc này, giới trí-thức thanh-niên chúng ta, đứng trước cảnh-tượng biến-đổi mau chóng của xã-hội, đứng trước thời-cục vần-xoay, cuộc đời thực-tế phũ-phàng, không lúc nào như lúc này chúng ta cảm thấy sống ở đời phải cần có một tín-tưởng làm trụ-cột, sự sống cần phải có một ý-nghĩa gì nữa ngoài cơm no, áo ấm. Phú quý, danh vọng, quyền-thế chớp mắt cũng bằng không ; sắc nước hương trời, tài ba son trẻ, ngoảnh đi nhìn lại đã hóa ra cát bụi. Không lúc nào hơn lúc này chúng ta cảm thấy bài-học thấm-thiá về cái :

" Tuồng ảo-hóa đã bày ra đấy
Cảnh phù du trông thấy mà đau
!
_ (Ôn Như )

Nhưng trông thấy mà đau là khi nào chưa tìm thấy ý-nghĩa của sự sống để tin-tưởng, mà sở dĩ chưa thấy ý-nghĩa của sự sống là vì chưa có một hệ-thống ý-thức về sự-vật, chưa có một quan-niệm chắc-chắn về nhân-sinh, cho nên mất tin-tưởng vào sự sống. Trái lại, cũng đứng trước cảnh phù-thế ấy mà nếu ta lại quyết " Ra tay buồm lái trận cuồng phong " để có danh gì với núi sông, thì ta sẽ thấy không những không thấy đau-đớn, mà còn thấy kích-thích và hứng-khởi trước cuộc đời biến-đổi, là vì đã tìm thấy ý-nghĩa cho sự sống, tìm thấy cái hệ-thống ý-thức về sự-vật, hệ-thống bền-vững không biến-đổi .

Cái hệ-thống ý-thức ấy ở kẻ-sĩ nhập-thế của Việt-Nam ngày xưa, là cái trí-thức kinh-luân " Đấng trượng-phu một túi kinh-luân ", hay là " Kinh luân khởi tâm thượng " .

Sự-vật có thứ-tự mạch-lạc, cái nọ quan-hệ với cái kia thành một hệ-thống tương-quan, không rời-rạc lẻ-tẻ, tiến thoái có đường lối trước sau, chứ không hỗn-độn ngẫu-nhiên. Hiểu được định-luật tiến-hóa của sự-vật trong thiên-hạ, trong nhân-quần, ở ngoại-giới cũng như ở nội-giới, ấy là hiểu-biết đạo xử-thế tiếp-vật, ấy là tất cả cái học về " Đạo " của Đông-phương, Đạo Trời và Đạo Người, Đạo Tâm lẫn Nhân-tâm. Hiểu rồi để sẵn-sàng hành-động, đấy là cái học kinh-luân của kẻ-sĩ thủa xưa vậy .

Kinh-luân ở xã-hội Việt-Nam xưa kia chính là cái quan-niệm Nhân-sinh Xử-thế Tiếp-vật, cái Hệ-thống Y-thức về tương-quan giữa người với người và giữa người với vũ-trụ, có giường-mối chặt-chẽ để làm cơ-sở cho tin-tưởng trong hành-động. Đấy là cái hệ-thống về sự-vật như Renan đòi hỏi vậy. Tư-tưởng Đông - Tây đều xác-nhận người ta sống cho ra sống, sống một cuộc đời nhân-loại, thì điều tối thiết-yếu, tối quan-trọng là một ý-thức-hệ chính-xác, một quan-niệm vũ-trụ nhân-sinh vững-chắc, có thể đem lại cho chúng ta một lòng tin-tưởng nhiệt-liệt, thành-thực, một sự quân-bình vững-chãi cho tâm-giới .

Nhưng chúng ta tìm ở đâu để thấy được cái can-bản chính-xác ấy ? Phải chăng tìm ở trong trầm-tư mặc-tưởng, lặn vào thâm sơn cùng cốc để cố siêu-xuất khỏi đời sống thực-tế đau-thương ? Khó lòng mà chốn được sự-thực, tránh được việc đời. Đã mang lấy nghiệp vào thân, thì còn trốn tránh sao được thân-nghiệp. Lão-Tử nói : " Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất " ( Lưới Trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt ) .

Guồng máy thế-gian ghê gớm, quay hoài không ngừng, nghiến nát bao tâm-hồn vô-tình đã vướng phải bánh xe. Chỉ có một cách là nhìn kỹ cơ-cấu của bộ máy, trông thẳng vào sự thật phũ-phàng, rút kinh-nghiệm ở cách-thức chuyển-vần của bộ máy huyền-vi là xã-hội thực-tế, và học những bài-học kinh-nghiệm lịch-sử truyền-thống của đoàn-thể để cố ý-thức lấy một đường-lối mới cho xác-đáng .

Kể từ khi có lịch-sử nhân-loại trên mặt địa-cầu đến nay, thì loài người hiện ra là ở trong xã-hội, mang ở bản-thân nó tính tập-hợp, tinh-thần đoàn-thể. Không có đoàn-thể thì không làm gì có kỹ-thuật, vì kỹ-thuật công-cụ là một sản-phẩm của sự hợp-tác phân-công. Và loài người chỉ hơn được cầm-thú ở chỗ luôn luôn tiến-bộ về kỹ-thuật, cho nên nhà kinh-tế xã-hội-học đã gọi con người là một giống tạo-tác kỹ-thuật ( Homofaber ). Không có đoàn-thể xã-hội thì còn làm gì có chế-độ với pháp-lý. Không có xã-hội thì còn lấy đâu ra văn-hóa với văn-minh. Vì văn-hóa là tất cả những hoạt-động của nhân-loại để điều-hòa thích-ứng với thiên-thời, với địa-lợi, đổi những trở-ngại thành những điều-kiện thuận-tiện cho cuộc sinh-tồn tiến-triển. Bởi vậy mà cổ-lai, phần đông tư-tưởng Đông - Tây đều chủ-trương rằng địa-vị nhân-loại là địa-vị xã-hội. Tuân-Tử tuyên-bố : " Nhân sinh bất năng vô quần " cũng như Aristote tuyên-bố : " Người là một giống vật xã-hội ( Animal social ) " .

Tuy nhiên dù xã-hội-tính của nhân-loại có hiển-nhiên xác-thực mấy đi nữa, thì cổ-lai cũng vẫn còn khuynh-hướng cá-nhân tự-do độc-lập, chủ-trương " con người hoang đảo " cô-lập một mình như truyện Robinson bên Âu-Tây với truyện An-Tiêm bên Việt-Nam. Khuynh-hướng cá-nhân này không ngừng chống lại với khuynh-hướng xã-hội. Rousseau thì tuyên-bố " Người ta bẩm sinh tự-do mà bất cứ ở đâu nó cũng thấy bị trói buộc " và Dương-Chu " Vị ngã " thì nói : " Nhổ một sợi lông mà lợi cho cả thiên-hạ cũng không làm " .

Như thế chúng ta đứng trước hai khuynh-hướng : một khuynh-hướng cá-nhân và một khuynh-hướng xã-hội, vẫn thường xung-đột trong lịch-sử tư-tưởng Đông - Tây. Đối với khuynh-hướng cá-nhân thì quan-niệm xã-hội là một mớ tổng-cộng những phần-tử cá-nhân. Và như thế thì trong mớ tổng-cộng ấy cũng có thể đẻ ra những hiện-tượng tập-thể. Nhưng những hiện-tượng xã-hội này thì hoàn-toàn lệ-thuộc vào tâm-lý cá-nhân. Ngoài tâm-lý cá-nhân phần-tử ra, không làm gì còn có tâm-lý xã-hội đứng biệt-lập bao-trùm. Trái lại, khuynh-hướng xã-hội lại đòi có một xã-hội đứng biệt-lập với tâm-lý cá-nhân, một xã-hội-học lấy đối-tượng khách-quan và tất cả những khu-vực của những biểu-tượng tập-thể ( représentations collectives) không quan-hệ gì đến tâm-lý-học cả. Xã-hội như vậy thì có trước cá-nhân, cá-nhân hoàn-toàn do xã-hội uốn-nắn, hun-đúc và chi-phối như do một thế-lực thần-bí khắc-nghiệt vậy. Tất cả những thái-độ cá-nhân, những tính-tình của con người đều trực-tiếp lệ-thuộc vào những cơ-cấu, những tác- dụng, những qui-chế, những mẫu-mực của xã-hội, của đoán-thể. Cả đến sự liên-lạc giữa cá-nhân với cá-nhân cũng bị lệ-thuộc vào những yếu-tố trên. Nhất-cử, nhất-động của người ta đều bị quy-định như trong một bộ máy .

Hai khuynh-hướng cá-nhân và xã-hội trên đây, từ cổ-lai không ngừng xung-đột, cho nên người ta đã chủ-trương cho lịch-sử là lịch-sử tranh-đấu giữa cá-nhân với đoàn-thể, đoàn-thể đòi cá-nhân phải hy-sinh hết quyền-lợi cho xã-hội, và cá-nhân thì đòi xã-hội trả lại cho cá-nhân quyền tự-do muốn làm chi cũng được, tuyệt-đối độc-tôn .

Vấn-đề sinh-đôi, đặt cá-nhân và xã-hội đối-lập như vậy có vẻ quá giản-tiện và nguy-hiểm, cũng tựa như vấn-đề tâm với vật đối-lập với nhua thì quá trừu-tượng vậy. Cho nên gần đây có nhiều nhà xã-hội-học đã đứng lên chống lại khuynh-hướng muốn cho xã-hội thu-hút tất cả cá-nhân, không cho cá-nhân có một địa-vị bột-nhiên tự-động, một thái-độ riêng-biệt thuộc về tâm-lý-học. Ví dụ Ch. Blondel đã nhận-định : "Ở trong các ý-thức cá-nhân có cái gì thuộc về tập-thể. Xã-hội không phải đứng hoàn-toàn ở ngoài cái mà chúng ta gọi là cá-nhân. Vả lại, những hiện-tượng xã-hội khác với các hiện-tượng vật-lý tự-nhiên ở chỗ những hiện-tượng đó là những hành-vi của những chủ-động và đã được những chủ-động ấy sống qua. Vậy thì hiện-tượng xã-hội ngụ ý một thái-độ, một biểu-hiệu tâm-lý cá-nhân của những chủ-động trong xã-hội ". Đấy là khuynh-hướng của khoa tâm-lý xã-hội-học, hiện nay đã dung-hòa mâu-thuẫn giữa cá-nhân xã-hội đối-lập tương-phản. Khoa tâm-lý xã-hộị-học xác-nhận có một nhịp cầu nối ảnh-hưởng của hoàn-cảnh xã-hội với sự tự-động bồng-bột của tâm-lý cá-nhân. Cá-nhân với xã-hội không phải là hai thế-lực đối-lập tương-tranh, mà còn có một thế-lực thứ ba là ý-thức xã-hội ( conscience sociale ) ý-thức tập-thể ( conscience collective ) làm cho cá-nhân với xã-hội tương-sinh, tương-hóa. Không có thể có xã-hội được, nếu giữa người với người không có một sự hấp-dẫn cảm-thông bản-nhiên với nhau. Sự cảm-thông đồng-loại ấy phải là điều-kiện chứ không có thể là kết-quả của đời sống chung- đụng nhân-quần, bởi vì một sự câu-thúc của đời sống xã-hội không bao giờ có thể đẻ ra được tình-yêu, là sức hấp-dẫn giữa người với người. Xong lấy ý-thức cá-nhân để giải-thích con người đầy đủ cùng những mối quan-hệ xã-hội cũng không được, vì trước khi con người tiến tới trình-độ có ý-thức thì nó đã chịu ảnh-hưởng của xã-hội ở nơi tiềm-thức của nó từ lâu rồi vậy .

Tóm lại, giữa cá-nhân và xã-hội có một quan-hệ hỗ-động tương-sinh mật-thiết như thế cho nên các nhà " tâm-lý xã-hội-học " cũng như các triết-lý nhân-sinh hiện nay đã kết-luận rằng :

" Sự quân-bình trong tinh-thần cá-nhân khó lòng giữa được nếu nó không thích-ứng điều-hòa với đoàn-thể, với xã-hội .

" Nhưng không phải sự quân-bình của tinh-thần cá-nhân chỉ là một chủ-nghĩa xu-thời thụ-động, một sự quân-bình tĩnh. Nó luôn luôn thay-đổi triển-khai mà đồng thời thích-ứng với xã-hội. Quân-bình ở cá-nhân cũng như ở xã-hội là quân-bình động, ví như sự quân-bình của kẻ đi trên dây. Sự quân-bình nội-tại của cá-nhân càng được củng-cố bởi sự phát-triển của tình đoàn-thể. Trái lại, đoàn-thể tan-lìa, xã-hội loạn-lý thường xẩy ra với sự khủng-hoảng của tinh-thần cá-nhân, sự suy-đồi của văn-hóa truyền-thống. Xã-hội với cá-nhân bổ-túc tương-sinh, cho nên ý-nghĩ của đời sống cá-nhân phải tìm ở trong xã-hội, hay nói cho đúng ở trong tâm-lý xã-hội, cũng như quân-bình ở xã-hội kinh-tế, chính-trị, văn-hóa, bắt nguồn ở tiềm-thức cá-nhân, nơi có sự thông-cảm giữa cá-nhân với xã-hội " .

" Hệ-thống ý-thức về sự vật " hay là quan-niệm nhân-sinh làm căn-bản cho tổ-chức đời sống tập-thể của Việt-Nam vốn dựa vào cơ-sở xã-hội-học cố-hữu Á-Đông, không lấy cá-nhân làm bản-vị cho xã-hội, mà lấy một đôi vợ chồng làm bản-vị xã-hội " Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ" ( Đường thực-hiện con người đầy đủ ( homme total ) người lý-tưởng của xã-hội nông-nghiệp là quân-tử, thì bắt đầu từ tình vợ chồng ) .

Bởi vì con người trước hết yêu mình và chỉ biết có yêu mình. Nhưng vì yêu mình nên muốn tìm cái hình-ảnh của mình phản-chiếu ra người không phải mình, ở cái người thứ hai là đối-tượng-hóa của chính mình để làm đối-tượng cho tình-yêu, để phụng-sự, để hy-sinh chính cái mình nhỏ hẹp, vị-kỷ cho cái mình thứ hai rộng lớn vô-biên là đoán-thể xã-hội. Và bắt đầu từ đấy trở đi là tất cả giường mối quan-hệ của nhân-quần xã-hội. Xã-hội-tính bắt đầu thực-hiện tức là sự cảm-thông giữa người này với người khác .

Mở đầu Bình Ngô Đại-Cáo của Nguyễn-Trãi, chúng ta thấy hai chữ Nhân, Nghĩa. Hai chữ Nhân Nghĩa ấy chính là căn-bản của chủ-nghĩa Nhân-bản ở Khổng-Phu-Tử, đã phổ-cập, thấm-nhuần vào các tầng lớp xã-hội Việt-Nam. Chữ Nhân, gốc ở chữ Nhân là Người và chữ Nhị là Hai, trước hết có ý-nghĩa là cái ý-thức mà người ta đã có về sự không phải sống cô-lập một mình trên thế-gian, mà là sống chung-đụng với một người khác nữa, nó công-nhận là đồng-loại với nó. Đối với người khác ấy, kẻ đồng-loại ấy, không những nó không lãnh-đạm mà còn thấy cảm-tình, có lòng yêu. " Nhân giả ái nhân " ( đức nhân là yêu người ), cũng như thân-dân là thân-yêu dân vậy .

Đã nhận thấy người khác là đồng-loại với mình, người ta sẵn-sàng coi nó như bạn và như anh em. Cái cảm-tình ấy có tính hỗ-tương, do đó mà giữa hai người nẩy-nở một tình huynh-đệ, là đặc-điểm của loài người. Như thế thì đức " Nhân " ấy chính là tình nhân-loại đặc-biệt của người ta, làm cho người ta có khuynh-hướng vồ-vập người đồng-loại và yêu thương lẫn nhau. Cái bản-tính tự-nhiên đã khiến cho người ta có được cái tình nhân-loại ấy, nhưng cái tình nhân-loại mà nó có ấy, ngoài cái định-luật tự-nhiên, còn chịu ở cái định-luật của vũ-trụ, của cái gì thần-bí, vô-lượng, vô-biên gọi là " Trời " hay là " Thiên-mệnh ", khiến cho nó có được cái trí thông-minh để nó tìm hợp-quần với đồng-loại của nó, cùng nhau xây-dựng một cuộc đời đầy hòa-điệu .

Triết-gia thực-tiễn của Á-Đông không quan-niệm con người tuyệt-đối có tính Thiện như Mạnh-Tử đã chủ-trương, hay có tính Ác như Tuân-Tử đã biện-thuyết. Khổng-Tử không từng tuyên-bố :"Nhân chi sơ tính bản thiên" bao giờ hết, mà Ngài chỉ quan-niệm con người tương-đối vừa Thiên, vừa Ác. Tính có thể " kiều " nghĩa là có thể uốn cong thành thẳng, nhờ ở giáo-hóa và hoàn-cảnh .

Với khái-niệm " Nhân " ngụ xã-hội-tính căn-bản của nhân-loại còn kèm theo khái-niệm " Nghĩa " là công-bằng, thích-nghi. Gốc chữ Nghĩa là Ngã, mà các sách chú-thích là : Nghĩa giả nghi dã = nghĩa là cái đáng, nên. Và phạm-vi của Nhân với Nghĩa là : Nhân giả tòng nhân, Nghĩa giả tòng ngã = Nhân, đức ái, là cái gì liên-quan về người khác ; Nghĩa, đáng, nên, là cái gì thuộc về mình. Người và Mình đấy là hai đầu triển-khai tiến-hóa của nhân-tính. Nhìn quanh mình, người ta thấy kẻ đồng-loại và cảm thấy có sự hấp-dẫn với nó. Quay vào mình, người ta ý-thức vào cái mình riêng-biệt và suy-nghĩ về những cái gì liên-can với mình. Nếu lòng vị-tha đẩy nó ra với kẻ khác, và hết lòng với những người đồng-loại với mình, thì lòng vị-ngã lại lôi kéo nó về với nó, và làm cho nó có ý-tưởng về những cái đáng, nên của nó. Hòa-điệu của con người là kết-quả của một sự quân-bình giữa hai khuynh-hướng trái nghịch ấy. Nhân, Nghĩa là tất cả con người. Bề ngoài chúng có vẻ mâu-thuẫn, mà sự thực không phải là hai ý-niệm khác nhau, mà chỉ là một vật có hai phương-diện khác nhau. Bởi vì cái gì làm cho người là người, ấy là Đức Nhân. Nhưng Đức-Nhân là một triển-vọng để thực-hiện, và nó chỉ thực-hiện được bằng cách tự hạn-chế lấy mà thôi. Sự thực-hiện ấy tùy nghi với từng người, ấy là Nghĩa vậy .

Đây là nguyên-lý căn-bản của nền luân-lý truyền-thống ở Á-Đông. Nền luân-lý xã-hội ấy lập-cước trên nền-tảng xã-hội-học vững-vàng, mà Khổng Nho đã hệ-thống-hóa vào tám điều-mục cương-lĩnh như sau :
" Cách, Trí, Thành, Chính, Tu, Tề, Trị, Bình "

Tám cương-lĩnh ấy là tám bậc của một cầu-thang lên xuống liên-tiếp tuần-hoàn, bậc trước làm điều-kiện cho bậc sau và bậc sau tức là kết-quả cho bậc trước .

Cách Trí là trả lời cho trí-thức đòi hiểu-biết đến nơi. Sự hiểu-biết của trí-thức cần phải có lương-tâm của trí-thức. Khoa-học đi đôi với lương-tâm. Khoa-học vô lương-tâm tức là tiêu-diệt mất linh-hồn nhân-loại. Cho nên Thành ý và Chính tâm phải làm điều-kiện cho Cách vật. Trí tri và Cách trí lại cũng lấy Thành ý và Chính tâm làm mục-tiêu " Cách, Trí, Thành, Chính " là phần lý-thuyết, sau phần lý-thuyết đến phần thực-hành .

Đến phần hành-động thì không những người biết phải thực-hành cho mình để tu sửa mà thôi, nó còn phải phụng-sự cho đoàn-thể, trước còn nhỏ hẹp là gia-đình, quốc-gia, sau đến rộng lớn là nhân-loại và thế-giới .
Cụ Phan-Văn-Trường đã bình-luận thiên Đại-Học trên đây bằng mấy lời xác-đáng, Cụ viết ; " Đấy là một chương-trình xã-hội-học toát-yếu vào một số mệnh-đề liên-hệ chặt-chẽ quá-trình tiến-triển của xã-hội bằng cách chứng-minh cá-nhân phải nối-tiếp với nhân-loại qua gia-tộc và quốc-gia như thế nào. Những mệnh-đề ấy bao-hàm những nguyên-lý căn-bản làm nền-móng cho những tổ-chức chính-trị và xã-hội ở Trung-Quốc ( và Việt-Nam ) lấy Khoa-học với Đạo-học làm tiêu-chuẩn vậy ".

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site