lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

Khổng Giáo Ở Trung Hoa Và Việt Nam

Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục

Khổng-học ở Trung-Hoa và Việt-Nam là một hệ-thống tư-tưởng triết-học hầu như đối-lập với Lão-giáo. Người ta thường cho nó là đại-diện cho phái tư-tưởng nhập-thế hữu-vi, nghĩa là nó thừa-nhận xã-hội nhân-loại và người là một loài xã-hội chính-trị " Zoon politikon " chỉ sống được với xã-hội nhân-quần, cho nên phải ở trong dường-mối xã-hội cải-thiện nhân-loại. Vậy Khổng-giáo thừa-nhận những tương-quan xã-hội, về tinh-thần cũng như về thực-tế, là có thực, cần-thiết và hợp-lý. Còn Lão-giáo, tuy không phủ-nhận hẳn nhưng muốn trở về với tự-nhiên để tìm sự tự-do phóng-khoáng cho tinh-thần và hòa-bình cho nhân-loại .

Tuy nhiên cả hai phái đều tổ-thuật ở một nguồn mà ra, nguồn ấy là quan-niệm Dịch về vũ-trụ. Đứng trước vũ-trụ luôn luôn biến-chuyển, sự-vật đổi thay không ngừng " tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy ", thì thái-độ hợp-lý nhất là phủ-nhận " cảnh phù du " để khỏi " trông thấy mà đau ", để đi tìm cái gì không thay đổi, không biến-hòa, vĩnh-viễn trường-tồn ; ấy là thái-độ của Lão-Tử với cái bản-thể-luận của ông trong nguồn gốc của Đạo, ở ngoài thời-gian, không-gian và nhân-quả tương-đối .

Nhưng cũng còn một thái-độ nữa là nhẩy vào " guồng máy huyền-vi mở đóng không lường " để lăn lộn học-tập đường lối vần xoay từ chỗ thô-sơ đến chỗ tinh-tế, từ chỗ thấp đến chỗ cao, để lần theo từng vòng, từng lớp mà từ từ ngoi ra ánh-sáng bằng hành-động và kinh-nghiệm, ấy là thái-độ của Khổng-Tử với quan-niệm luân-lý chính-trị, xã-hội lý-tưởng của Ngài. Cái quan-niệm ấy đã có một ảnh-hưởng sâu xa vào xã-hội Trung-Hoa, Nhật-Bản, Cao-Ly và Việt-Nam trong bao nhiêu thế-kỷ ; cho tới ngày nay nó vẫn còn sinh-lực động-cơ trong các tầng lớp xã-hội. Cái sức-mạnh ấy tự đâu mà có, ấy là mục-tiêu của sự nghiên-cứu học-thuyết Khổng-Tử dưới đây .

Cái hệ-thống tư-tưởng ấy đã từng thắng được tư-tưởng siêu-hình thần-bí của Lão, Phật, cùng là tư-tưởng Cộng-sản nguyên-thủy và chủ-nghĩa kiêm-ái của Mặc-Địch, Hứa-Hành. Ngày nay nó đang bị mất ảnh-hưởng trước sự tấn-công dữ-dội của các tư-tưởng chính-trị, kinh-tế của Thái-Tây. Tuy nhiên nó có thể mất ảnh-hưởng vì không thích-hợp với một xã-hội kỹ-nghệ-hóa, về các chủ-trương chính-trị, kinh-tế của nó, nhưng dù sao về lý-tưởng nhân-bản của nó thì thế-lực vẫn còn tồn-tại lâu bền ở xã-hội Á-Đông và do đấy nó gián-tiếp ảnh-hưởng vào chính-trị quốc-gia làm thay đổi hay biến hóa cả tư-tưởng xã-hội khoa-học của K. Marx đang cố đột-nhập vào xã-hội Trung-Hoa và Việt-Nam .

Trước khi phân-tích rõ ràng triết-học và thân-thế nhà Socrate Á-Đông, ta hãy khái-quát cái hệ-thống tư-tưởng của Khổng-Tử như sau đây .

Khổng-Học bênh-vực một nền trật-tự xã-hội hợp-lý trong một xã-hội thiết-lập trên nền-tảng kinh-tế nông-nghiệp lấy gia-đình làm bản-vị cho đoàn-thể. Cái trật-tự xã-hội ấy nhìn ở quan-điểm luân-lý xã-hội và căn-cứ vào sự tu-sửa con người nội-tại. Nó nhằm mục-đích thực-hiện một chế-độ chính-trị, căn-cứ vào một hệ-thống luân-lý để đi đến một hòa-điệu chính-trị, bằng cách xây-dựng hòa-điệu tinh-thần ở chính tại con người. Đấy là tất cả cái cá-tính riêng-biệt của Khổng-Tử ở chỗ xóa-nhòa biên-giới giữa chính-trị và luân-lý không còn phân-biệt. Và đấy cũng là chỗ sở-trường và sở-đoản của Khổng-giáo. Vì chính đấy là cái mộng xã-hội đại-đồng Vương-đạo và cũng là cái động-cơ làm cho người ta sống có một ý-nghĩa cao-thượng không phải chỉ biết có cái đời thực-tế vật-dục để đưa đến chỗ nản. Khổng-giáo bắt đầu-mối từ quan-điểm luân-lý cho nên khác với quan-điểm của các Pháp-gia muốn xây-dựng một quốc-gia hùng mạnh bằng một hệ-thống luật-pháp chặt-chẽ như Quản-Trọng ( 708 - 643 ), Hàn-Phi-Tử đã chủ-trương ở Trung-Hoa .

Nhà văn-sĩ Trung-Hoa Lâm-Ngữ-Đường phê-bình Khổng-giáo có viết về chỗ này :

" Cái quan-niệm hoàn-toàn thực-tiễn ấy tự phân-biệt với chủ-nghĩa bất-nhân tiêu-cực của đạo Lão ở chỗ nó ý-thức sâu sắc, những nhiệm-vụ đối với đồng-loại và trật-tự xã-hội nói chung. Tại nền-tảng là một thái-độ
nhân-bản, coi nhẹ tất cả siêu-hình và thần-bí vô-dụng không chú ý đến một thế-giới tâm-linh hay vào cõi bất-tử, mà chỉ chú ý vào những giềng-mối tương-quan cốt-yếu giữa người với người. Cái điểm chính của chủ-nghĩa nhân-bản đặc-biệt ấy cho ta hiểu cái ảnh-hưởng lâu dài của nó. Điểm ấy là " Dĩ nhân trị nhân = lấy người làm mực-thước cho người ". Như thế bất cứ ai cũng có thể trở -- nên đệ-tử Nho-giáo, chỉ cần tuân theo lương-năng cao-thượng nhất của nhân-tính, không phải gọi đến một lý-tưởng thiêng-liêng mới đạt tới sự thành-tựu của con người . " ( Lin Yu Tang._ La Sagesse de Confucius ._ ed. Attinger. p. 13, 14. 1949 )

Nước Trung-Hoa sau khi nhà Chu ( Khoảng 1122 trước T.C. ) chịu ảnh-hưởng văn-hóa nhà Thương rồi cướp nhà Thương dựng Đế-nghiệp được một thời long-thịnh với Văn-Vương, Chu-Công cho đến Bình-Vương là bắt đầu suy vi. Các Chư-hầu bành-trướng thế-lực, không tôn-trọng nhà Chu nữa, bởi vậy mới có sự khuyến-khích công-nghiệp, thu-dụng nhân-tài, ấy là bước vào thời Xuân-Thu đến 403 thì chuyển sang giai-đoạn khác .

Sang giai-đoạn Chiến-quốc thì các Chư-hẩu tranh Bá đồ Vương, tự chinh-chiến lẫn nhau, kiêm-tính lẫn nhau, mạnh được yếu thua. Ấy là thời-đại nhiễu-nhương, can qua giặc-giã, dân quê bỏ đồng ruộng mà tập-trung nơi kẻ chợ, khuếch-trương cộng-nghệ và thương-nghiệp. Trong số hàng trăm các nước Chư-hầu của nhà Chu, thu lại chỉ còn mấy nước như Triệu, Hàn, Vệ, Sở, Yên và Tề. Nhà Chu tạm gọi như đã tắt, dòng-dõi nhà Tần trở nên làm chủ Trung-quốc, cho đến năm 221 Thành-Vương thống-nhất thiên-hạ lên ngôi là Tần-Thủy-Hoàng Đế. Tần-Thủy-Hoàng nổi tiếng nhất về hai việc có giá-trị lịch-sử là xây Vạn-lý-trường-thành và Phần-Thư Khanh-Nho thuộc phái Khổng-giáo. Vạn-lý-trường-thành tượng-trưng sự chống đỡ với Bắc-địch luôn luôn đột-nhập Trung-Quốc. Phần-Thư-Khanh-Nho có ý-nghĩa là khủng-bố tinh-thần Vương-đạo, có tính-cách cách-mệnh lý-tưởng cản-trở công việc Bá-đạo của nhà vua thống-trị .

Vậy Vương-đạo của Nho-gia và Bá-đạo của Pháp-gia là gì ? Ta cần phải biết sơ qua để định rõ lập-trường hành-động của các lý-thuyết chính-trị ở Trung-Hoa và ở Việt-Nam .

Theo Mạnh-Tử thì : " Đem sức ra mà giả làm nhân-nghĩa, gọi là đạo Bá ; Bá thì tất có nước lớn mới làm được. Đem đạo-đức ra mà thực-hành nhân-nghĩa, gọi là Vương-đạo, Vương thì không cần phải nước lớn. Xem như vua Thang mới khởi lên chỉ có 70 dặm, vua Văn khi mới khởi lên chỉ có 100 dặm " . _ ( Mạnh-Tử, thiên Công-Tôn-Sửu ) )

Vậy Vương-đạo là lấy đức để trị, Bá-đạo là lấy quyền-lực để trị. Khổng-học bênh-vực lập-trường Vương-đạo với một quan-niệm pháp-luật tự-nhiên tức là Thiên-Mệnh, căn-cứ vào sự điều-hòa giữa quan-hệ của xã-hội với quan-hệ của vũ-trụ tự-nhiên. Chỗ này, giáo-sư Escarra dịch Lương-Khải-Siêu có phê-bình :

" Quan-niệm những quan-hệ xã-hội phải khuôn theo nghi-lễ của định-luật tự-nhiên hơn là những mệnh-lệnh quyết-đoán của nhà vua và sự phục-tòng lễ-nghi là cách-thức duy-nhất có thể thực-hiện sự quân-bình giữa quyền-lợi mâu-thuẫn khác nhau, do đấy mà có sự ghê-tởm rõ-rệt đối với những giải-pháp dứt-khoát của luât-pháp thực-tiễn và một sự ưa-chuộng bản-nhiên đối với giải-pháp hòa-giải, điều-đình bằng nghĩa-lý " . _ ( Trích-dẫn " Tiên Tần chính-trị tư-tưởng sử " lời tựa trang XX )

Lời Khổng-Tử nói ở Luận-Ngữ :

" Thính tụng ngô do nhân dã, tất dã, sử vô tụng hồ ".

( Xử án thì tôi cũng như mọi người nhưng cần làm thế nào cho không có án-từ, kiện-cáo thì mới là phải ) .

Như thế thì ta đủ thấy cái lý-tưởng của Khổng-giáo là một xã-hội không cần có chính-phủ nữa, nhà vua lấy đức của mình mà làm gương-mẫu cho dân, người trên lấy đức để hóa người dưới. Sách Trung-Dung bắt đầu tuyên-bố cái luật-pháp tự-nhiên do Trời đã ngầm đặt vào tâm-khảm mọi người ; cái đạo ở Khổng-giáo tức là đường lối hành-động nên, phải, theo đúng với luật-pháp tự-nhiên ( Loi naturelle ) người ta do sự giáo-hóa mà cố giữ-gìn trong đường đạo-lý ấy. Bổn-phận của bậc vua hiền, Thánh Chúa là truyền-bá cái giáo-hóa cho dân ; ông Escarra nói tiếp :

" Làm thế nào đạt tới kết-quả ấy ? Bằng một sự nội-sát để khám-phá bản-tính nội-tại của sự-vật và những quan-hệ do đấy xuất ra giữa người với người. Kết-quả của sự nội-sát ấy, nhà vua phải trước hết qui-thức-hóa chặt-chẽ và giới-thuyết cho tất cả sự-vật một cách minh-xác. Đấy là thuyết Chính-danh vậy " . _ ( Tr. 22 sách đã trích-dẫn )

" Danh chẳng chính thì nói chẳng thuận với sự-thật ; nói chẳng xác-thực thì việc mưu làm chẳng nên ; việc đã không nên thì Lễ, Nhạc không chấn-hưng lên được. Lễ, Nhạc biểu-thị tiết-điệu đã không chấn-hưng thì hình- phạt chẳng trúng-lý. Hình-phạt đã chẳng trúng-lý thì dân còn biết đặt chân, tay vào đâu cho phải. Cho nên người quân-tử cho sự dùng danh-từ đúng phép là một sự cần-thiết. Nói được tất là phải làm được. Người quân-tử nói năng điều gì không thể cẩu-thả được " . _ ( Khổng-Tử .-- Luận-Ngữ )

Cái ý-chí luôn luôn muốn Chính-Danh là một phương-pháp có hiệu-quả nhất để tránh sự hỗn-loạn ở tinh-thần về phương-diện trí-thức và đạo-đức .

Nhờ có sự phù-hợp giữa sự Chính-Danh và các hòa-điệu trong giềng-mối cương-thường của xã-hội, nhà vua thấu đáo đến bản-tính của sự-vật và biết định-nghĩa rành mạch mới có thể tự tu-sửa cho đến trình-độ có thể phỏng theo đúng với luật-pháp tự-nhiên. Đến bấy giờ, nhà vua hay các bậc lãnh-đạo mới lấy mình làm gương-mẫu cho dân noi theo và trật-tự đại-đồng sẽ do đấy mà biểu-hiện .

Trong cái quan-niệm ấy, hòa-điệu của những tương-quan xã-hội phản ảnh cái trật-tự của tự-nhiên thì nhờ có Lễ, Nhạc nó duy-trì gây-dựng tự trong tiềm-thức con người mà ra, còn pháp-luật thì tức là hình-phạt, không còn mục-đích gì khác là bảo-vệ lễ-nghi và chấn-hưng trật-tự của tự-nhiên do di-dịch làm rối loạn. Xem đấy ta thấy rõ tính-cách hình phạt vi-cảnh trong quan-niệm về pháp-luật của Khổng-giáo .

Ông Escarra viết :

" Một mớ những bổn-phận ( Quân-Thần, Phu-Phụ, Huynh-Đệ, Bằng- Hữu ) mà không có quyền lợi, đấy là giới-thuyết Khổng-Nho về tương-quan xã-hội. Nó thật xa với quan-niệm La-Hy coi luật-pháp thực-tiễn như là mệnh-lệnh quyết-đoán mạnh hơn hết " . _ ( Sách trích-dẫn, tr. 24 )

Nếu Khổng-giáo không quan-niệm luật-pháp một cách thực-tiễn khách-quan, thì trái lại nó lại là chủ-trương của phái chính-trị-học Trung-Hoa thuộc về môn Pháp-gia kể từ Quản-Trọng với bộ sách Quản-Tử ( 708 - 643 ) Hàn-Phi-Tử ( Ce prince de légistes, 233 trước Thiên-Chúa ), và Thận-Dáo, Doãn-Văn, Công-Tôn-Dương cho đến Gia-Cát, Khổng-Minh.

Chính Hàn-Phi và Lý-Tư ( vốn học-trò của Tuân-Tử, một cự-tử trong Khổng-giáo đối-lập với Mạnh-Tử về chủ-trương tính ác ) đã phù Tần-Thủy-Hoàng thống-nhất thiên-hạ. Về quan-niệm " dĩ pháp trị " của Hàn-Phi ta thấy nói ở đoạn văn sau đây :

" Khi một nước đó được một ông vua hiền tại vì thì nhà vua không chờ đợi cho nhân-dân làm điều thiện để vừa lòng mình mà chính nhà vua phải làm thế nào cho nhân-dân không làm điều ác... Nếu nay phải chờ tìm được một cành gỗ thẳng tự-nhiên thì người ta không làm nổi một cái tên bắn sau 100 thế-kỷ. Nếu người ta chờ tìm được một miếng gỗ tròn tự-nhiên thì 1000 thế-kỷ nữa người ta chưa làm nổi một cái bánh xe bò... Tuy có thể có được cành cây thẳng tự-nhiên, khúc gỗ tròn tự-nhiên, nhưng người thợ không chú ý vào đấy mấy. Tại sao ? Bởi vì người đi xe không phải chỉ có một hai người. Và những kẻ bắn cung cũng không phải chỉ bắn có một phát. Chủ-trương không dùng thưởng phát mà căn-cứ vào cái tính thiện tự-nhiên của nhân-dân thì nhà vua biết chính-trị không chú ý. Tại sao ? Bởi vì luật-pháp của một nước không thể để mất và những dân để trị không phải là một người dân, nghĩa là pháp-luật phải có một thực-tại khách-quan và nhà trị dân không trị một người. Cho nên nhà vua có thuật chính-trị không trông vào điều thiện, nó chỉ có tính-cách bất thường, mà phải sửa trị với cái gì thông-thường " .

Xem như thế thì Khổng-giáo so với Đạo-giáo của Lão-Trang còn có vẻ thực-tế, ít siêu-hình hơn. Nhưng nếu so với Pháp-gia về phương-diện hành-động chính-trị thì Khổng-giáo lại kém phần thực-tiễn, có vẻ không tưởng là khác nữa. Bởi vì đã có một lý-thuyết để áp-dụng vào chính-trị mà chủ-trương về pháp-luật một cách lờ mờ, nửa tình nửa lý thì thực khó bề áp-dụng cho con nhà chính-trị. Cân nhắc làm sao cho công-bằng và trong khi còn cân nhắc đắn đo thì thời-cục đã đi qua mất rồi. Cho nên triết-lý chính-trị của Khổng-giáo hay làm cho người ta lưỡng-lự, không dám quyết-đoán .

Phải chăng vì lý do ấy mà Tần-Thủy-Hoàng đã khủng-bố nhà Nho và đốt sách Khổng-Mạnh .

Dù sao triết-học Khổng-Mạnh tuy so với triết-học của Lão-Trang có vẻ thực-tiễn hơn nhưng với quan-niệm chính-trị Vương-đạo như giải-thích trên đây thì tỏ ra vẫn có một bối-cảnh siêu-hình, trái với sự nhận xét của Lâm-Ngữ-Đường .

" Chính cái phương-diện siêu-hình ấy đã làm cơ-sở cho chủ-nghĩa nhân-bản của họ Khổng " .

Nay hãy tóm lược mấy điểm chính-yếu của triết-lý ấy như sau này :

A /_ Triết - Lý Chính - Trị Vương - Đạo ._

Theo Khổng-Tử, chính-trị chỉ là phương-tiện để thực-hiện trật-tự điều-lý xã-hội. Cái trật-tự điều-lý ấy là cứu-cánh mà Khổng-Tử biểu-thị bằng Lễ, Nhạc tức là hòa-điệu. Đệ-tử Tử-Trương hỏi Phu-Tử về chính-trị, Ngài trả lời :

" Ta chẳng đã bảo người rồi đấy ư ? Người quân-tử thì cần hiểu cho minh-bạch Lễ, Nhạc rồi thì đem ra mà thi-hành ở chính-trị có thế thôi " . _ ( Lễ-Ký )

Bởi vì theo Khổng-Tử chính-trị là : " Chính giả chính dã, nghĩa là chính-trị làm cho ngay thẳng nhân-quần xã-hội ". Khổng-thị chỉ nghĩ đến cơ-bản tinh-thần của hòa-bình xã-hội do đấy mà xuất ra hòa-bình chính-trị. Loạn trong xã-hội bắt đầu loạn tự trong lòng người, lòng người mà ngay thẳng thì xã-hội sẽ có trật-tự .

Có kẻ hỏi Ngài sao không ra làm chính-trị ? Ngài trả lời : " Chỉ phải hiếu thảo với cha me anh em làm chính sự ở một nhà thế cũng đã là làm chính-trị rồi. Hà tất phải ở địa-vị làm quan, làm vua mới là làm chính-trị ". Khổng-Tử cho lý-tưởng chính-trị tối cao là một xã-hội không có chính-quyền trong đó nhân-dân sống trong một hòa-điệu tinh-thần không cần đến pháp-chế hay võ-lực bắt-buộc, đấy chẳng phải là một xã-hội không tưởng đó ư ? Ngài nói ở Luận-Ngữ : " Xử kiện cho phân minh thì ta cũng như người khác mà thôi, nhưng làm cho nhân-dân không còn kiện-tụng nhau nữa mới là khó " .

" Trị dân lấy chính lệnh hướng-dẫn, lấy hình-pháp điểu-chỉnh thì dân chỉ cầu tạm khỏi hình-phạt nhưng không biết liêm-sỉ. Nhưng lấy đức-hạnh mà dẫn-dụ, lấy lễ-nghĩa mà chỉnh-tề thì dẫn đã biết làm ác là sỉ lại còn có nhân-cách nữa " .

Vậy đối Khổng-giáo thì chính-phủ, pháp-luật, Lễ, Nhạc cùng đi đến một mục-đích chung như nhau, ấy là gây ở trong nhân-dân một cộng-đồng về nguyện-vọng để đạt tới trật-tự xã-hội và chính-trị. Ngài không bao giờ mãn-nguyện với một chế-độ chính-trị do hình-pháp ấn-định một cách chặt chẽ. Khổng-Tử quan-niệm hai trình-độ chính-trị của một dân-tộc là trình-độ hình-pháp như ở nước Tề hồi bấy giờ, và trình-độ đạo-trị hay là hòa-điệu chính-trị ví như ở nước Lỗ. " Tề nhất biến chí ư Lỗ, Lỗ nhất biến chí ư đạo = Nước Tề biến-cải thì đến trình-độ nước Lỗ, nước Lỗ biến-cải một lần nữa thì đến trình-độ văn-minh " là ý-nghĩa ấy .

B/_ Lễ Nhạc ._

Triết-lý chính-trị của Khổng-giáo đã đồng-nhất luân-lý và chính-trị thì ở phương-diện thực-hành lấy Lễ, Nhạc làm phương-trâm quan-trọng hơn là hình-pháp. Vậy Lễ, Nhạc không những là phương-tiện chính-trị mà tinh-thần Lễ, Nhạc còn là cứu-cánh của chính-trị Vương-đạo nữa. Khổng-Tử quan-niệm : Lễ là lý, là trật-tự của trời đất. Nhạc là tiết là hòa-điệu của trời đất .

Người quân-tử tức là người hiền, nhà chính-trị Vương-đạo không để cho tâm-hồn xúc-cảm không hợp với lý tự-nhiên, và không hợp với thời, không hòa với trời đất vũ-trụ, thì không hành-động .

Vậy ý-nghĩa của Lễ là kính lấy hình-thức bên ngoài mà gây cho con người luôn luôn để ý đến cái gì tôn-kính thiêng-liêng ở tại mình. Còn ý-nghĩa của Nhạc là hòa, lấy sự điều-hòa bên trong tâm-hồn để ảnh-hưởng ra ngoài xã-hội .

Đối với Khổng-thị Lễ, Nhạc, Hình, Chính đều nhằm một mục-đích cả, ấy là để hòa-đồng lòng người mà thực-hành trật-tự chính-trị Vương-đạo. Bởi vì theo Khổng-Tử thì " Lễ có mục-đích hướng-dẫn ý-chí, Nhạc để điều-hòa tình-cảm của người ta, chính-trị để thống-nhất hành-động, hình-pháp để phòng-ngừa sự gian tà " .

Khổng-Tử sinh-trưởng ở thời-đại phong-kiến khi xã-hội Trung-Hoa đang sắp sửa bước vào giai-đoạn thống-nhất, tức là giai-đoạn chính-trị nửa thần-quyền, nửa pháp-quyền. Cho nên Lễ, Nhạc chiếm được một địa-vị tối quan-trọng trong chính-trị .

Vả chăng xã-hội-học của Khổng-Tử là một xã-hội-học tiêu-chuẩn, lấy tâm-lý con người làm cơ-bản. Ảnh-hưởng vào tâm-lý quần-chúng không gì bằng Lễ, Nhạc vì quần-chúng chất-phác, sống bằng tiềm-thức nhiều hơn là bằng lý-trí cho nên lấy Lễ, Nhạc để điều-khiển lòng người không phải không có hiệu-quả, lợi hại .

C/ _ Nhân - Bản Chủ - Nghĩa ._

Chủ-nghĩa nhân-bản hay là đạo-nhân, là trung-tâm của triết-học Khổng-thị. Phàm triết-lý chính-trị hay triết-lý Lễ, Nhạc đều lấy đạo-nhân ấy làm cơ-bản. Và chính cái đạo-nhân ấy đã làm cho triết-học của Khổng-Tử có được một ảnh-hưởng sâu-xa và lâu bền ở các tầng lớp xã-hội Trung-Hoa, Việt-Nam và Nhật-Bản .

Khổng-Tử đã từng tuyên-bố : " Đạo của ta chỉ lấy có một mối để quán-thông hết cả " .

Hay là :

" Ta không phải người học nhiều và nhớ nhiều, ta chỉ có một đầu mối để quán thông hết cả thôi " .

Cái đầu mối duy-nhất ấy là gì ? Tức là đạo-nhân vậy .

Chữ Nhân ( ) do chữ Người ( ) với chữ Nhị ( ) hợp lại, ngụ ý hai người đối đãi giao-thiệp với nhau, tức là cả giềng-mối tương-quan giữa người với người trong xã-hội .

Tăng-Tử cho chữ Nhân ( ) của Khổng-Tử là gồm hai chữ " Trung-Thứ ". Trung là hết lòng mình với người. Thứ là suy mình ra người. Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác phải chịu-đựng. Theo nghĩa này thì đạo-nhân là đạo yêu người cũng như mình và tình-yêu ấy bắt đầu từ trong nhà với lòng yêu cha mẹ của đứa trẻ, lòng yêu anh chị em, cho nên Khổng-Tử cho " Hiếu, Đễ " là gốc của đạo-nhân .

Khổng-Tử không tìm những nguyên-lý xa xôi huyền-bí như Lão-Tử để lập đạo cho đời theo. Khổng-Tử cho là phải tìm nguyên-lý cơ-bản của đạo ở ngay tại nơi người với người. Ngài nói : " Đạo không xa người, người đi tìm đạo ở chỗ quá cao xa với người thì không thể thực-hành được cái đạo ấy. Cho nên người quân-tử phải lấy người mà sửa người ( dĩ nhân trị nhân ) ( l'homme est la mesure de l'homme ) ."

Đấy là tất cả đạo-nhân của Khổng-Tử. Và chữ Nhân ( ) đấy là cả một con người lý-tưởng trong xã-hội, con người xã-hội đầy đủ mà bắt đầu thì từ trình-độ rất thấp thuận với khuynh-hướng tự-nhiên, bản-năng bảo-tồn và tập hợp, ấy là tình Hiếu, Đễ, để rồi tiến mãi lên đến trình-độ hòa-đồng với vũ-trụ như các bậc chí-thánh " dữ thiên địa tham " đã đạt tới tinh-thần của Lễ, Nhạc là biểu-thị cái hòa-điệu của tự-nhiên .

D/ _ Trật-Tự Xã-Hội Đại-Đồng Căn-Cứ Vào Sự Tu-Thân, Hay Là Nhân-Cách Tiêu-Chuẩn ._

Khổng-Tử đã lấy đạo-nhân làm cơ-bản để lập lại hòa-bình thế-giới. Và đạo-nhân ấy lấy người làm kiểu-mẫu để tu sửa cho người " dĩ nhân trị nhân ". Lẽ tất nhiên Ngài phải quan-niệm một con người kiểu-mẫu để làm gương giáo-hóa chung cho xã-hội. ( Ví như người thợ đẽo cán búa kiểu-mẫu không ở đâu xa, tay cầm búa để đẽo búa mắt liếc nhìn còn lấy làm xa, cho nên người quân-tử lấy người để trị người ) " Phạt kha, phạt kha kỳ tắc bất viễn, chấp kha dĩ phạt kha nghễ nhi thị chi do dĩ vi viễn, cố quân tử dĩ nhân trị nhân " .

Khổng-Tử đứng ở quan-điểm luân-lý để giải-quyết các vấn-đề chính-trị. Ngài tin rằng một dân-tộc gồm những người con hiếu, những người em đễ, đủ làm nên một nước có trật-tự và an-ninh. Vận-mệnh quốc-gia, xã-hội căn-cứ vào vận-mệnh gia-đình, vận-mệnh gia-đình lại căn-cứ vào sự phát-triển con người nhân-vị ở mỗi cá-nhân. Ngài không nhìn tiền-đồ của nước loạn, vận-mệnh của dân-tộc, cứu-cánh của con người do điều-kiện kinh-tế hay chính-trị, tuy Ngài cũng chủ-trương vào điều-kiện kinh-tế và chính-trị coi như những phương-tiện đưa đến cứu-cánh là nhân-bản toàn-diện. Thậm chí Tử-Cống hỏi Ngài về chính-trị của một nước, Ngài trả lời : " Phải lo cho dân đủ ăn, đủ binh-lực thì dân sẽ tin ".

Tử-Cống lại hỏi : Nếu bất đắc dĩ trong ba yếu-tố ấy phải bỏ đi, thì bỏ cái gì trước ?

Ngài trả lời : Nên bỏ binh-lực đi trước .

Tử-Cống lại hỏi : Nếu trong hai yếu-tố còn lại phải bỏ đi một thì bỏ gì trước ?

Ngài trả lời : Bỏ ăn đi : bỏ ăn đi thì chết, tự cổ lai vẫn có người chết, đến như tín-ngưỡng mà không có thì một dân-tộc không đứng được vậy . _ ( Luận-Ngữ )

Bởi vậy mà việc giáo-hóa trong triết-lý của Khổng-Tử đã giữ một địa-vị tối trọng-đại để đào-tạo lấy một lớp cá-nhân kiểu-mẫu có cái học kinh-luân và có cái đức cảm-hóa, một hạng người quân-tử đứng giữa hai thế-lực, một bên chống với thế-lực chính-phủ khi nào chính-phủ có khuynh-hướng lạm quyền chiếm công vi tư, một bên chống với nhân-dân quá u mê mà chính mình phải giác-ngộ. Do đấy mà ở xã-hội Á-Đông hiện ra cái thế quân-bình giữa phe thống-trị và phe bị-trị, nhờ có giai-cấp Nho-sĩ làm thế-lực thứ ba đứng lên trên quyền-lợi của phe thống-trị cũng như phe bị-trị để ý-thức quyền-lợi chung của toàn-thể. Ông Alfred Dueblin trong cuốn "Confucius"

Có viết :

" Đặc-tính của Trung-Hoa là giáo-lý Khổng-Phu-Tử, đã đẻ ra một loại giai-cấp không hoạt-động riêng cho khoa-học, cho giáo-điều như các triết-gia và nhiều văn-sĩ ở Tây-phương. Khổng-Tử đã có thể tạo nên một giai-cấp ưu-đãi ảnh-hưởng mạnh nhất vào chính-quyền tức là giai-cấp công-chức vừa bác-học vừa triết-nhân. Vậy nên Ngài đã đạt được cái mà một trăm năm sau Bá-Lạp-Đồ ( Platon ) đã công-nhận và tuyên-bố như một lý-tưởng và mô-tả như một mộng-tưởng trong sách " Cộng-Hòa " ( République ). Khổng-Tử và môn-đệ đã thực-hiện được cái mà sau này những nhà trí-thức hoài-bão kể từ các nhà Tiên-tri cho đến các Chính-khách, từ Ysaie cho đến Machiavel. Và Khổng-Tử đã thực-hiện những hoài-bão ấy ở một hình-thức tỏ ra bền-vững lâu dài một cách bất-ngờ, bền-vững hơn cả những tổ-chức chính-trị của các nhà tự xưng là thực-tiễn và chiến-sĩ cách-mệnh đã xuất-hiện về sau này " .

_ ( Trích dịch sách " Confucius " tr. 9.

_ Nhà Xuất-bản Corra, Paris -- A. Doeblin )

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site