lịch sử việt nam

Trang Chính

...

Bưu Hoa Việt Nam

...

Dòng Thơ

...

Địa Linh Nhân Kiệt Của Việt Nam

...

Điện Toán - Tin Học

...

Hịch Tướng Sĩ

...

Hình Ảnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

...

History Of Viet Nam

...

Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam

...

Tư Tưởng Phật Giáo

...

Sitemap

...

Trang Thơ Văn nguyễn duy ân

...

Trang Thơ Văn Ông Bút

...

Trang Thơ Văn Đặng Quang Chính

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Quang Duy

...

Trang Thơ Văn Trần Văn Giang

...

Trang Thơ Văn Lu Hà

...

Trang Thơ Văn Đông Hải Nguyễn Đức Hiền

...

Trang Thơ Văn Dạ Lệ Huỳnh

...

Trang Thơ Kita Kha

...

Trang Thơ Văn Mặc Khách

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Nhơn

...

Trang Thơ Văn Thanh Sơn

...

Trang Thơ Văn Vĩnh Nhất Tâm

...

Trang Thơ Văn Phạm Ngọc Thái

...

Trang Thơ Văn Nguyễn Thị Thanh

...

Văn Hóa Tộc Việt

...

Ủng Hộ Trúc Lâm Yên Tử - Donate

...

 

Văn Hóa Triết Học Việt Nam - Tam Giáo Đồng Nguyên

- Phong Thủy Ngàn Năm Thăng Long -

Thiên Đức

Bản thống kê các triều đại.

I/ Hai bản dịch chiếu dời đô sai lầm nghiêm trọng:

Hiện nay nhà nước Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị làm lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, căn cứ vào bản chiếu dời đô của ông Lý Công Uẩn (năm 1010). Vấn đề đặt ra là hậu thế đã hiểu và học được gì từ sự kiện lịch sử này? Để không tủi nhục với tiền nhân.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT) (1) ghi chép sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi gần một năm đã tự tay viết chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La đổi tên là thành Thăng Long có nội dung theo bản gốc như sau:

Phiên âm:

THIÊN ĐÔ CHIẾU

Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân trí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nải tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà? (2)

Hiện nay có hai bản dịch chính thức Thiên đô chiếu này được công nhận đăng ký và phổ biến công khai trên báo chí và sử liệu Việt Nam, đó là:

* Bản dịch thứ nhất của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993. (3)

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

* Bản dịch thứ hai của Nguyễn Đức Vân, in trong Tóm tắt lịch sử Triều Lý - Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô - Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh; Giấy phép xuất bản số 35/VHTT ngày 22/10/2001 của Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh (4)

CHIẾU DỜI ĐÔ

Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời.

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

Sự khác biệt lớn nhất và gây nhiều tranh cãi của hai bản dịch này là cụm từ phong thủy “long bàn, hổ cứ” được dịch thành “rồng chầu, hổ phục” và “rồng cuộn hổ ngồi”. Rất tiếc là cả hai bản dịch theo lối phóng tác, tượng thanh, tượng hình đã hoàn toàn sai lạc về học thuật cũng như về phong thủy đem lại nhiều nghịch lý, gây hậu quả nghiêm trọng. (Ngoài ra còn một bản dịch khác của Ngô Tất Tố, đã dịch cụm từ trên là thế rồng bò, hổ ngồi) (5)

A /- Về học thuật:

Điều lưu ý đầu tiên là hai cụm từ “Thăng Long” và “long bàn, hổ cứ” xuất phát từ một người viết ra đó là ông Lý Công Uẩn, tại một thời điểm nhất định (1010), để chỉ cùng một vùng đất định cư, như vậy nếu dịch thuật ra tiếng Việt thì phải sử dụng cùng một phương pháp giống nhau. Ý nghĩa của hai cụm từ này nếu không tương tự nhau thì chí ít cũng phải bổ sung cho nhau chứ không thể đối nghịch nhau trong sự việc đặt tên cho một vùng đất.

Điều lưu ý kế tiếp là những cụm từ này có thể có nhiều lối dịch khác nhau, thế nhưng lối dịch chuẩn xác nhất vẫn phải hội đủ hai điều kiện nói trên.

Từ “Thăng Long” được dịch là “rồng bay lên” rất chuẩn và chính xác không ai tranh cãi. Chữ long là một danh từ, chữ thăng đứng trước chữ long là một động từ đóng vai tỉnh từ bổ nghĩa cho chữ long.

Áp dụng phương cách thứ tự dịch thuật này vào cụm từ “long bàn”, chữ bàn là danh từ, chữ long là danh từ đóng vai tĩnh từ bổ nghĩa cho chữ bàn, như vậy phải dịch là địa bàn của rồng hay là chỗ ở của rồng mới là chính xác.

Tương tự như vậy cụm từ “hổ cứ” phải dịch là căn cứ của hổ, hay nơi ở của cọp.

Nếu từ Thăng Long dịch là rồng bay lên, trong khi cụm từ “long bàn, hổ cứ” dịch là rồng cuộn hổ ngồi, hay rồng chầu hổ phục, thể hiện hai lối dịch khác nhau về ngữ pháp không thể chấp nhận được.

Nếu cho rằng dịch rồng cuộn hổ ngồi, hay rồng chầu hổ phục là đúng, điều này gián tiếp nói rằng cụm từ “long bàn hổ cứ” đã viết sai ngữ pháp, thay vì phải viết là “bàn long, cứ hổ”. Sự kiện này hoàn toàn không thể xảy ra với một người học chữ hán từ nhỏ làm quan đại thần, lên làm vua, sử dụng chữ hán mỗi ngày vào thời điểm Việt Nam chưa có chữ Việt.

B /- Về phong thủy:

Ngoài ra lối dịch trên hoàn toàn sai lạc, đem lại nhiều nghịch lý theo ý nghĩa phong thủy của nó.

1)- Chữ rồng cuộn hay rồng chầu mô tả một trạng thái, hay động tác của con rồng an phận, định vị một nơi, trong khung trời hẹp. Điều này hoàn toàn tương phản với ý nghĩa của tên gọi Thăng Long là rồng bay lên trời, ở khung trời mở rộng mang trạng thái hoàn toàn tự do và phóng khoáng.

2)- Rồng cuộn, rồng chầu là loại rồng mang trách nhiệm tận trung phục vụ nhà vua hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh rồng bay lên trời, chỉ sự chia ly, rời bỏ nhà vua ra đi, không hẹn ngày trở lại. Có thể nào đặt hai tình thế đối nghịch trong cùng một thế đất hay không?

3)- Rồng cuộn, rồng chầu ở thể TỊNH, trong khi rồng bay lên trời ở thể ĐỘNG, trong một vùng đất lại đặt tên vừa tịnh lại vừa động rất mâu thuần hoàn toàn trái với nguyên tắc dịch lý mà người xưa rất coi trọng.

4)- Theo truyền thuyết rồng luôn luôn ở trong mây, mới có thể vùng vẫy phát huy uy lực của mình, thế nhưng theo hai bản dịch rồng cuộn hay rồng chầu là hai loại rồng thoát ra ngoài môi trường thuận lợi vốn cần thiết của rồng. Như vậy đây là loại rồng thất thế, hết thời.

Hổ ngồi hay hổ phục cũng là loại hổ rời xa núi rừng, “dựa núi nhìn sông” chẳng khác gì loại hổ trong sở thú nuối tiếc một thời quá khứ như bài thơ “nhớ rừng’ của Thế Lữ tâm tình:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
......
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Rồng và hổ trong hoàn cảnh như đã diễn tả không thể là loại sinh vật phát huy được sở trường và sở đoản của mình được, khó có sự trung thành bền bỉ khi chính những sinh vật này luôn luôn hồi tưởng quá khứ.

5)- Rồng là sinh vật theo truyền thuyết ở trên trời mây, vậy tại sao Lý Công Uẩn lại đặt tên cho vùng đất Đại La là rồng bay lên trời. Câu hỏi đặt ra rồng xuất phát từ đâu đến để có thể bay lên trời? Phải chăng từ trong lòng đất thiên đô. Nếu đúng như vậy thì chữ long bàn phải có nghĩa là vùng đất sinh sản ra rồng để bay về trời. Cũng theo truyền thuyết rồng là sinh vật có linh tánh, bay lên khung trời mở rộng, có khả năng chọn lựa một nơi tốt đẹp và thiêng liêng để sản sinh bảo tồn nòi giống. Như vậy vùng đất Thăng Long phải là nơi “linh thiêng”. Nói một cách tổng quát hơn đây là vùng đất “địa linh để sản sinh nhân kiệt”

6)- Hổ cứ được dịch là nơi trú ngụ của con hổ. Cũng còn ý nghĩa là nơi sản sinh ra mãnh hổ để bảo vệ vùng đất của mình. Như vậy đây là vùng đất nguy hiểm bất khả xâm phạm.

7)- Cụm từ “long bàn hổ cứ” tự thân cũng có ý nghĩa bổ sung cho nhau. Nếu cho rằng vùng đất này sản sinh ra rồng tượng trưng cho nhà vua, thì chính vùng đất này cũng phải sản sinh ra mãnh hổ tượng trưng cho binh tướng giỏi để hỗ trợ cho nhà vua. Vì rằng vua mà không có binh tướng giỏi thì chẳng làm được việc gì cả.

8)- Theo hai bản dịch thế đất rồng cuộn hổ ngồi hay rồng chầu hổ phục mang tính huyền bí, phức tạp, mơ hồ khó hình dung ra được vị trí thế đất như thế nào. Trái lại theo nội dung văn bản chiếu dời đô rất trong sáng và rõ ràng đây là thế đất bằng phẳng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” lại nằm tại vị trí “chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”.

9)- Như vậy, dưới nhãn quan phong thủy Thăng Long có giá trị như là vùng đất “nội ngoại lưỡng toàn”.

Thứ nhất về phía đối nội đây là thế đất địa linh sản xuất ra nhân kiệt mọi người dân đều có cơ hội phát huy mọi tài năng của để vươn lên trong khung trời mở rộng không giới hạn.

Thứ hai về đối ngoại đây là thế đất bất khả xâm phạm. Tất cả mọi thế lực ngoại bang xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam như đi vào hang cọp đều phải trả giá bằng mạng sống không có đường về.

Đúc kết từ những ý nghĩa trên, cụm từ “long bàn, hổ cứ” nên dịch là “ ổ rồng, hang cọp” (là nơi rồng và cọp ở và sinh sản, cũng là nơi bất khả xâm phạm) lối dịch này có ưu điểm ngắn gọn thay vì giải thích dài dòng, nhưng lại bao quát được hai ý nghĩa là nơi cư trú (về mặt ngôn ngữ) cũng là nơi sản sinh rồng, cọp (về mặt phong thủy). Lại phù hợp với nội dung của bản chiếu dời đô đã mô tả thế đất Thăng Long.

Người xưa thường hay sử dụng ngôn ngữ đầy sáng tạo hoặc hư cấu nhằm che dấu một nội dung phong thủy nào đó, với điều kiện ngôn ngữ này lại không quá xa rời mục đích và hình tượng của nó. Và cụm từ “long bàn, hổ cứ” cũng không thoát ra ngoài thông lệ cố hữu đó.

Điểm quan trọng cần nói thế đất “ổ rồng, hang cọp” là thế đất “vượng phát cho dân tộc và đất nước” chứ không phải là thế đất vượng phát riêng cho một cá nhân ông vua, hay một triều đại nào cả. Ý niệm này đã được thể hiện trong phần đầu của chiếu dời đô: Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng:

“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”

Do vậy khi tìm hiểu giá trị phong thủy của đất Thăng Long là phải xét đến hiệu quả của thế đất này trong suốt quá trình sử dụng, chứ không thể chỉ chú trọng đến thời điểm nhà Lý dời đô.

II/- Kiểm chứng qua lịch sử:

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nước Việt Nam được hình thành từ năm 2879 trước Tây Lịch cho đến nay 2010 sau Tây Lịch tổng cộng là 4889 năm, đã trải qua nhiều thời kỳ hay triều đại như sau:

Bảng thống kê các triều đại (thời kỳ) Việt Nam

Qua bản thống kê, có thể rút ra những tổng kết như sau:

• Thời tiền sử từ năm 2879 đến 258 trước Tây Lịch tổng cộng 2672 là thời gian dài, rất tiếc là không có sử liệu ghi chép đầy đủ, do đó vẫn còn nhiều tranh cãi.

• Trải qua ba thời kỳ Bắc thuộc 111 tr.TL - 39s.Tl, 43 - 544 s TL, 603 - 939 tổng cộng 987 năm, nước Việt Nam đặt dưới sự đô hộ của người Tàu đây là những trang sử đen tối và ô nhục nhất của đất nước, mà không người Việt Nam nào có thể quên được.

• Kể từ khi ông Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long (1010) đến khi nhà Hồ bỏ thành Thăng Long dời về Tây Đô (1397). Tổng cộng thời gian sử dụng thành Thăng Long là 387 năm cũng là thời gian ngự trị của thời Lý và thời Trần. Đây là khoảng thời gian dài nhất trong những trang sử độc lập (có sử liệu) của Việt Nam cũng là những trang sử vinh quang và oai hùng, phát huy được hiệu quả giá trị phong thủy nhất của đất Thăng Long mang ý nghĩa “nội ngoại lưỡng toàn” là “phát huy dân trí, và đánh đuổi ngoại xâm, mở mang bờ cõi”.

• Ngoài ra những thời đại khác không sử dụng kinh đô Thăng Long, một số yểu tử, hoặc rơi vào sự lệ thuộc ngoại bang, hay nội chiến tương tàn. Chỉ ngoại trừ nhà Lê được tồn tại 105 năm.

Tất cả những điều trên đã khẳng định được giá trị phong thủy của Thăng Long, không ai có thể tranh cãi.

Để minh chứng một lần nữa chúng tôi đi vào chi tiết phân tách thành quả của thế đất trên như sau:

1)- Đối nội, dân trí:

Thời nhà Lý và nhà Trần rất hiểu rõ giá trị phong thủy của Thăng Long, nên đã ra sức tạo nên những điều kiện thuận lợi để phát triển dân trí bằng những biện pháp: Mở Quốc Tử Giám, Hàn Lâm Viện, tạo cơ hợi đồng đều cho mọi người dân ra sức cống hiến cho đất nước bằng các cuộc thi tuyển hàng năm.

- Năm 1075, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.

- Năm 1076 mùa hạ, tháng 4, đại xá, Xuống chiếu cầu lời nói thẳng.

Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân.

Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám.

- Năm 1077 tháng 2, thi lại viện bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật.

- Năm 1086 tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ. (1)

2) Đối ngoại: Bất khả xâm phạm, Chống ngoại xâm

Triều đại Nhà Lý và Nhà Trần đã lập nên những trang sử sáng chói về thành tích chống ngoại bang. lịch sử đã ghi công:

- Lý Thường Kiệt với thành tích “Bắc phạt Tống, Nam bình Chiêm” và ngạo nghễ đứng trên đất Tàu phổ biến tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam:

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư!

Dịch:
Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!

Mở rộng thêm đất nước với ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính.

- Ỷ Lan Thái phi xuất thân chỉ là một cô gái hái dâu, đã góp công ổn định quan trường hậu cung để cho vua Lý Nhân Tông yên tâm đánh thắng quân Chiêm Thành.

- Ngoài ra thời nhà Trần có Hưng Đạo Vương đại thắng quân Nguyên, Mông với trận Bạch Đằng Giang oai hùng, vang danh kim cổ.

- Tổ chức Hội nghị Diên Hồng (1283) đế lấy ý dân quyết chiến thắng là một biến cố lịch sử trọng đại cho hậu thế noi theo.

Tóm lại với những thành tựu được lưu danh trên những trang sử nhà Lý và nhà Trần trong thời gian sử dụng đất

Thăng Long đã minh chứng giá trị phong thủy vốn có của vùng đất này. (còn tiếp)

Ghi chú:
1) - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

2) - Bản gốc Thiên đô chiếu

3) - Bản dịch Thiên Đô chiếu chính thức của viện khoa học xã hội Việt Nam

4) - Bản dịch Thiên Đô chiếu của Nguyễn Đức Vân

5) - Lý Công Uẩn Chiếu dời đô Thăng Long - Vịnh Hạ Long

Tòa nhà quốc hội hay công cụ trấn yểm thành Thăng Long? (3) để không còn sản sinh ra nhân kiệt.

1000 năm thăng long hà nội

III/- Hậu thế học được gì từ những sự kiện lịch sử của thời nhà Lý:

Để trả lời chính xác vấn đề này không gì tốt hơn, là làm một cuộc so sánh những sự kiện đã xảy ra trong hai thời đại nhà Lý và chế độ csvn, tất yếu sẽ có lời đáp thỏa đáng.

A/- Thời đại nhà Lý:

Khởi đầu từ cuối năm 1009 đến năm 1225, tồn tại được 215 năm trải qua 9 đời vua, đã lập nên những trang sử oai hùng vẻ vang cho đất nước nhờ vào các yếu tố:

Thịnh Thiên thời:

Triều đại nhà Lý được thành lập do một tình cờ may mắn của lịch sử xảy ra vào tháng 10 năm 1009, vua Lê Ngọa Triều băng hà, không còn con cháu nhà Lê nào xứng đáng để kế vị, ông Lý Công Uẩn được triều thần tôn vinh lên ngai vàng, mở đầu cho một triều đại mới. Đây là một dấu ấn vàng son đầu tiên của lịch sử Việt Nam về sự chuyển giao triều đại trong ôn hòa, không đổ máu, không hận thù, rất được thịnh thiên thời.

Tạo Nhân Hòa:

Sau khi lên ngôi, ông Lý Công Uẩn rất coi trọng sự việc tạo dựng nhân hòa là một trong ba yếu tố cần có của người mưu sự việc lớn “trị quốc, bình thiên hạ”. Sự việc tạo nhân hòa đã thực hiện trong suốt triều đại nhà Lý chứ không riêng gì thời ông Lý Công Uẩn. Đặc biệt đáng chú ý nhất là việc đại xá nhằm đoàn kết toàn dân.

Triều đại nhà Lý trải qua hơn hai thế kỷ, việc đại xá xảy ra rất nhiều khó thống kê đầy đủ, thế nhưng chỉ cần tính trong 30 năm đầu tiên của nhà Lý ( từ 1009 đến 1040) việc đại xá được ghi nhận như sau:

1)- Năm 1009 mùa Đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua Ngọa Triều băng hà, ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua.

Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu. Đốt giềng lưới, bãi ngục tụng, xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết. (tr.79)

2)- Năm 1010 Vua tự tay viết chiếu dời đô, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành (thành Thăng Long), đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả.

3)- Năm 1017 Mùa xuân, tháng 3, xuống chiếu xá tô ruộng cho thiên hạ.

4)- Năm 1028 Đại xá thiên hạ. Vua xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ .

5)- Năm 1031 Mùa thu, tháng 8, mở hội chay để khánh thành chùa Đại xá thiên hạ.

6)- Năm 1036 tháng giêng, mở hội ở Long Trì khánh thành pho tượng phật Đại Nguyện. Đại xá thiên hạ.

7)- Năm 1040 Mùa đông, tháng 10, mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu, tội đồ và một nửa tiền thuế cho thiên hạ. (1)

Ngoài ra còn nhiều sự kiện lịch sử khác mang tính nhân hòa xảy ra trong triều đại nhà Lý như sau:

- Năm 1055 Mùa đông, tháng 10, [1b] đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa".

- Năm 1064 Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.

- Năm 1076 mùa hạ, tháng 4, đại xá, Xuống chiếu cầu lời nói thẳng

- Năm 1103 Mùa xuân, Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gã cho những người góa vợ. (1)

Từ những dòng sử liệu trên,  có thể đưa đến những kết luận như sau:

1)- Trong 30 năm, nhà Lý đã thực hiện bảy lần đại xá để tạo sự đoàn kết của toàn dân, tính trung bình trên dưới năm năm một lần. Như vậy ở vào triều đại này, một tù nhân vì bất cứ lý do gì, cũng được xét cho đại xá trong vòng năm năm.

2)- Vào thời điểm nhà Lý còn chịu ảnh hưởng của Khổng học Đông Phương, lý thuyết dân chủ, nhân quyền của Tây phương (nếu có) cũng chưa du nhập vào Việt nam, thế mà các vị vua thời Lý đã có ý so sánh sự đói lạnh của người tù và người dân bình thường. Đây là một ý tưởng đầy nhân bản tiếc rằng vào thời này chưa trở thành một quyền thực thụ có tên gọi như ngày nay đó là quyền sống, và được sống bình đẳng.

3)- Những con gái nhà nghèo được Thái hậu bỏ tiền ra chuộc để khỏi gả bán cho người góa vợ, cũng là một ý tưởng nhân bản tôn trọng giá trị nhân phẩm người phụ nữ, bản thân cái nghèo không phải là một cái tội.

4)- Ngoài sự việc đại xá để đoàn kết, nhà vua thời Lý đã dũng cảm tiên phong ra chiếu chỉ vào năm 1076 cầu mong được lời nói thẳng. Chiếu chỉ này ban ra sau khi đã đại xá thiên hạ. Hành vi này chẳng những thực hiện được chính sách đoàn kết dân tộc mà còn là một chính sách biết tôn trọng ý nguyện của người dân “Ý dân là ý trời”. Đây chính là bản tuyên ngôn đầu tiên của nước Việt Nam về tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Rất tiếc, những dòng sử liệu về bản chiếu này hiện nay vẫn chưa được các nhà sử học tìm thấy và khai thác.

Xây Địa lợi

Sau khi ổn định ngôi vua, ông Lý Công Uẩn đã có tầm nhìn xa, hiểu rất rõ giá trị phong thủy của vùng đất Đại La, nên đã cho dời đô và đổi tên là Thăng Long. Đây là vùng đất “địa linh sản xuất ra nhân kiệt” hoàn toàn không phải là vùng đất có long mạch dùng để địa táng như một số người lầm tưởng (3). Thời nhà Lý rất trân quý vùng đất này.

Bằng chứng là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) và Lý Nhân Tông mất đều được an táng tại phủ Thiên Đức, cách xa Thăng Long, nằm kế cận thành Hoa Lư, bên cạnh sông Thiên Đức tức là sông Đuống ngày nay.

Ở đây có hai điểm lưu ý quan trọng:

a)- Thuật ướp xác: đã xuất hiện từ thời nhà Lý, tiếc thay không thấy sử liệu ghi chép lại, bằng chứng rõ nét nhất là:

• Vua Lý Thái Tổ mất vào tháng 3 năm 1028 đến tháng 10 mới an táng, tức là 7 tháng sau khi chết mới chôn vào huyệt mộ.

• Vua Lý Nhân Tông mất vào tháng 12 năm 1127 đến tháng 6 năm 1128 mới an táng.

Cả hai đều an táng tại phủ Thiên Đức, vấn đề đặt ra là trong suốt bảy tháng chưa an táng, thời nhà Lý đã gìn giữ như thế nào để xác không bị phân hủy, ở trong điều kiện chưa có kỹ nghệ đông lạnh, hay hóa chất tồn trữ? Đó chính là thuật ướp xác đầy bí ẩn của người xưa vậy.

b)- Giá trị phong thủy thành Thăng Long rất được xem trọng không những trong thời Lý mà cả thời nhà Trần:

Theo sử liệu cho thấy ông Trần Thủ Độ, với thủ đoạn không trong sáng, thông qua chiếc váy của Lý Chiêu Hoàng để sáng lập nên nhà Trần, thế mà vẫn còn tàn độc tiêu diệt toàn bộ con cháu nhà Lý, xóa bỏ họ Lý trong dân gian. Ngoài ra để trừ mầm mống hậu hoạn, Trần Thủ Độ cho phá phong thủy nhà Lý như sau:

Mậu Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 17 [1248], Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ (tr. 169) (1)

Thế nhưng có một điều duy nhất của nhà Lý lập ra mà Trần Thủ Độ không dám đụng vào mà vẫn sử dụng, đó vùng đất Thăng Long. Nhờ vậy mà nhà Trần mới có những trang sử vàng sáng chói.

B/- Thời đại Cộng Sản Việt Nam:

Nếu tính từ năm 1945 khi ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập đến nay là 65 năm. Chỉ tính từ ngày chấm dứt chiến tranh cả hai miền Nam Bắc 1975 là 35 năm, thời đại này đã làm được điều gì để có thể so sánh với thời đại nhà Lý?

Suy Thiên thời:

Xé tan hiệp định Paris, phản bội lại chính chữ ký chưa ráo mực của chính mình, chế độ cọng sản được hình thành trên toàn cõi Việt Nam bằng gọng súng là một sự việc không chính danh, bị cả thế giới lên án, nữa nước miền Nam không khuất phục là một sự kiện thiên thời không thịnh.

Rất tiếc rằng từ năm 1975 đến nay, chế độ Cộng sản chưa làm được gì để thịnh thiên thời trái lại đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, chính trong nội bộ đảng csvn chia rẽ, đấu đá quyền lực tranh ăn, hèn nhát trước Trung Quốc, làm cho chế độ suy yếu, đánh mất niềm tin trong quần chúng là dấu hiệu  suy thiên thời

Mất nhân hòa:

Lịch sử đã ghi nhận câu nói của ông Võ Văn Kiệt, chế độ csvn được thiết lập với “một triệu người vui, một triệu người buồn” chứng tỏ lòng dân ly tán.

Nếu csvn làm công việc đại xá như Lý Công Uẩn thì hạnh phúc thay cho dân tộc Việt Nam sau những chuỗi ngày chiến tranh góp công xây dựng lại đất nước, sẽ tạo được chính danh và nhân hòa.

Đằng này đảng csvn làm ngược lại, chia dân tộc ra làm hai thành phần “ Vô sản, và không vô sản”. Thành phần vô sản toàn trị, thành phần “không vô sản” phải bị tiêu diệt, “đuổi tận giết tuyệt” “ Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rể”. Vì thế mà trang lịch sử csvn ghi nhận những hình ảnh thương tâm như sau:

- Hàng trăm ngàn người bị cải tạo

- Cướp tài sản của công thương nghiệp, thành phần tư sản, đổi tiền

- Hàng triệu người bỏ xác trên biển đông

- Nếu tính luôn cả miền Bắc, thời đấu tố cải cách ruộng đất

- Thời nhà Lý một người tù trong vòng 5 năm được xét đại xá, thì dưới chế độ csvn cửa nhà tù luôn luôn rộng mở, chưa một lần đại xá, thậm chí có những người tù song hành với chiều dài chế độ như Trần Văn Sương 33 năm, Nguyễn Hữu Cầu 34 năm 4 tháng.

- Thời Lý, nhà vua ra chiếu chỉ cho nhân dân nói thẳng, được khuyến khích, thời csvn phải chăng dân trí thấp hơn nhà Lý? nhà báo nói thẳng nói sự thật, người tỏ lòng yêu nước phải đi tù như Điếu Cày, Vũ Hùng, Phạm Thanh Nghiên... vv. Trí thức phải câm miệng.

- Năm 1052 tháng 3, vua nhà Lý đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên. Trái lại dưới chế độ csvn dân oan ba miền đất nước bị nhà nước cướp đất, áp bức bất công, đi khiếu kiện hằng chục năm, quan chức nhà nước kín cổng cao tường, chạy trốn ngõ sau.

- Thời nhà Lý phụ nữ nghèo được trợ cấp giúp đỡ khỏi phải lấy người góa vợ. Dưới thời cộng sản, phụ nữ nghèo phải “khoe của” công khai để kiếm tấm chồng sứt tay gãy gọng của Tàu, Hàn. Còn nhục nào hơn?

Những thành tích của chế độ csvn kể trên đã hoàn toàn mất nhân hòa.

Phá địa lợi :

Nghiêm trọng hơn nữa, nhà nước Việt Nam đã hưởng được di sản Thăng Long của tiền nhân mà không biết trân quý phát huy thế mạnh của nó, trái lại tàn phá nó nặng nề không thương tiếc qua những hành vi sau:

1)- Từ năm 1975 cho xây lăng Hồ Chí Minh (2) trên vùng đất Thăng Long đem lại âm khí ô uế cả vùng đất này. Người viết đã từng phân tích sự tác hại của sự kiện này trong bài viết “Phong thủy lăng Hồ Chí Minh” (2) phổ biến rộng rãi trên các trang mạng.

Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây, vua Lý Nhân Tông là một minh quân, một anh hùng nhất thời nhà Lý, trước khi chết để lại bức chiếu như sau:

Năm Đinh Mùi (1127) Tháng 12 Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu rằng:

“Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào!
....
để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng; từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thật lòng kính nghe lời trẫm, báo rõ cho các vương công, bày tỏ trong ngoài”. (1) (tr.123)

Ông Hồ Chí Minh có công hay tội còn nhiều tranh luận, thế nhưng tàn ác với nhân dân Việt Nam (thông qua đảng csvn) là một sự thật, vậy mà đảng ướp xác, xây lăng bắt nhân dân đóng góp bảo dưỡng duy trì xác ướp hơn ba mươi lăm năm nay, có xứng đáng so với vua thời Lý hay không?

2)- Nghiêm trọng hơn nữa, là nhà nước Việt Nam cho xây tòa nhà quốc hội như là một pháo đài trên đất hoàng thành Thăng Long để trấn yểm vùng đất này không còn sản xuất nhân kiệt mà người viết đã từng cảnh báo nghiêm trọng trong bài viết “trấn yểm lăng Hồ Chí Minh” (3)

Ngoài ra trong lãnh vực bảo vệ tổ quốc thời nhà Lý làm vẻ vang lịch sử “Bắc phạt Tống, Nam bình Chiêm” đất nước mở rộng thêm ba châu Địa Lý,Ma Linh và Bố Chính.

Trái lại thời csvn cắt đất, bán biển cho Tàu cọng, lại còn cúi đầu tủi nhục tụng ca “

“Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Đêm sông nối cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, chúng ta sống chung nghe tiếng gà gáy cùng. Chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. Nhân dân ta ca muôn năm Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông” (4)

Hoàn toàn đi ngược với tinh thần quật cường của bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư” .

Qua so sánh trên có thể kết luận rằng:

• Nhà Lý có ba điều thuận lợi là thịnh thiên thời, tạo nhân hòa, xây địa lợi, được tồn tại 215 năm.

• Chế độ csvn đạt ba yếu tố suy thiên thời, mất nhân hòa, phá địa lợi. Chỉ mới trị vì 35 năm, đã phải đối diện với cái chết đã được báo trước (5) trong ô nhục. Đó chính là cái giá phải trả vậy.

Điểm tranh luận sau cùng, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rõ ràng:

Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 [1010] , (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2 xa giá, về châu Cổ Pháp, Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu dời đô.

Mùa thu, tháng 7, vua [3a] từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long.

Mùa đông, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm. (1)

Như vậy ngày lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long có thể chọn lựa tổ chức trong tháng 7 hoặc tháng 12 tức là thời gian khánh thành Thăng Long sau khi làm xong hạng mục cuối cùng là cung Thúy Hoa. Đàng này đảng csvn cố ý tổ chức vào thời gian từ 01/10/2010 đến ngày 10/10/2010 trùng khớp với thời gian lễ quốc khánh Trung Quốc với ý đồ chính trị đen tối.

Sự kiện đảng cộng sản Việt nam tự hào tổ chức lễ hội kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long cho thật hoành tráng trong 10 ngày, với kinh phí là 94 ngàn tỷ Đồng Việt Nam (VNExpress) tương đương với 4,5 tỷ Mỹ kim (1tỷ Đồng # US$50.000). Với một kinh phí tương đương gần 10% ngân sách quốc gia thật là lảng phí hoàn toàn tương phản với những hình ảnh xã hội, mẹ chiến sĩ, dân oan một thời theo đảng bị cướp đất đói lạnh khắp ba miền đất đi khiếu kiện không giải quyết đền bù, học sinh đi học bằng cáp treo sang sông hay đi thi với 9 quả trứng, phải tự sinh tồn trong 30 ngày. (6)

Những câu hỏi không thể không đặt ra:

1)- Phải chăng đảng csvn đã bán rẻ đất đai của tổ tiên, giờ đây lại bán cả những trang sử vẻ vang thời Lý cho Trung Quốc để mong có sự tồn tại?

2)- Đảng CSViệt Nam đã hiểu và học được gì ở bài học lịch sử thời Lý? để khỏi phải tủi nhục với tiền nhân.

IV/- Những chứng cứ tác hại nghiêm trọng do bản dịch sai lầm gây nên:

Phần này đã được phổ biến trước đây thành một đề tài riêng biệt, rất tiếc do kẽ xấu phá hoại, nhiều trang web không còn lưu trữ, do vậy Thiên Đức phổ biến lại, được xem như là một chứng tích hậu quả tai hại nghiêm trọng của việc dịch thuật sai lầm gây nên.

Phong thủy Hà Nội: rồng cuộn hổ ngồi là thế tán gia bại sản

Thiên Đức

Để bảo vệ kế hoạch mở rộng Hà Nội, ngày 29/5/2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra giải trình trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII bằng một thủ pháp đặc biệt gây ngạc nhiên và tranh cãi của nhiều giới bạn đọc trong và ngoài nước.

Bản báo cáo giải trình mở rộng địa giới hành chánh thủ đô Hà Nội hoàn toàn không dựa trên luận chứng kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, lại càng bỏ qua ý kiến của giới chuyên môn về kiến trúc và phát triển đô thị. Bản giải trình chỉ căn cứ trên luận chứng phong thủy duy nhất như sau:

Theo phương án mở rộng này, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. (6)

Điều ngạc nhiên đầu tiên là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa là ủy viên thứ 3 trong bộ chính trị đã công khai ca tụng lợi ích về phong thủy như là một động lực chính trong xây dựng đề án mở rộng thủ đô Hà Nội. Phong thủy là một loại khoa học xã hội đông phương dựa trên tâm linh, dịch lý mang ít nhiều màu sắc huyền bí khó lý giải và chưa hề được công nhận chính thức tại Việt Nam. Khoa phong thủy hoàn toàn tương phản lại học thuyết Mac Lenin mang tính vô thần. Luận chứng phong thủy của Nguyễn Tấn Dũng không hề mang ” tính đảng, tính chiến đấu và tính giai cấp” đi ngược lại tinh thần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một con người suốt cuộc đời theo chủ thuyết vô thần và đấu tranh giai cấp.

Điều ngạc nhiên thứ hai là trong phiên họp quốc hội hầu hết đại biểu đảng csvn bao gồm ủy viên trung ương bộ chính trị đều là những đỉnh cao trí tuệ trang bị đầy mình chủ thuyết Mac Lenin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thế mà tất cả họ đều không hề có một lời phản bác luận chứng phong thủy nói trên. Kết quả là 92% đại biểu quốc hội trên tổng số 493 đại biểu đảng csvn bỏ phiếu thuận. Phải chăng đây là hồi chuông báo tử của lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa? Câu trả lời nên dành cho những người có thẩm quyền trong đảng csvn vậy.

Điều quan tâm của bài viết này là sự tranh cãi giữa những nhà phong thủy trong và ngoài nước về luận chứng nói trên của Nguyễn Tấn Dũng, có hai khuynh hướng:

1)- Khuynh hướng chống đối: cho rằng luận chứng phong thủy do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra sai bét hoàn toàn trên cơ bản. Thật vậy, phân tích thuật phong thủy là căn cứ vào thực địa thiên nhiên, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi địa giới hành chánh hay chính trị, xã hội do con người đặt để nên. Thực tế, dãy núi Ba Vì, hướng ra dòng sông Hồng, đã hiện diện mấy ngàn năm nay, như vậy thế rồng cuộn hổ ngồi về mặt phong thủy (nếu có?) cũng đã hiện diện từ lâu, thế thì tại sao từ 1945 cho đến nay, đất nước đặt dưới sự cai trị của đảng csvn lại không được phát triển?

2)- Khuynh hướng ủng hộ, phản bác lập luận trên cho rằng Việt Nam sở dĩ chưa phát triển được là vì từ lâu nay thế rồng cuộn hổ ngồi bị nằm ngoài ranh giới thủ đô Hà Nội, giờ đây nhờ có sáng kiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở rộng ranh giới để đưa thế rồng cuộn hổ ngồi nhập chung với Hà Nội mới có thể phát triển đất nước.

Quý hóa thay một sáng kiến vĩ đại (?), thiết tưởng cũng nên tìm hiểu rõ ràng về luận chứng phong thủy này vậy.

Đến đây người viết nhớ lại một giai thoại làng y như sau: có một anh học trò dốt, muốn làm thầy thuốc, thế nhưng học hoài cũng không thuộc được các đặc tính của dược liệu, vì thế để bảo đảm cho sự hành nghề của mình, anh học trò này luôn luôn cặp bên mình cuốn sách chỉ nam chữa bịnh, trước là để khoe với thiên hạ, ta đây là người có học đàng hoàng, sau nữa là để đảm bảo khi chữa bịnh sẽ áp dụng đúng sách vở.

Một hôm có một bà già bị tiêu chảy cấp tính, đến gặp anh học trò để xin chữa bịnh. Đúng bài bản, anh ta cũng bắt mạch và giở sách ra có câu cuối trang ghi rằng “Trị bịnh tiêu chảy cấp tính dùng hạt bã đậu” (hết trang). Dựa vào đó, anh học trò hốt cho bà già một nắm hạt bã đậu và dặn dò đem về nấu trong 3 chén nước còn lại 10 phân để uống sẽ khỏi bịnh.

Ngày hôm sau, thân nhân của bà già đến kêu cứu khiếu nại là uống thuốc của thầy chẳng những không cầm, mà còn ỉa chảy hơn nữa, kiệt sức đến chết. Anh học trò ngạc nhiên bào chữa là tôi cho thuốc đúng sách vở mà. Anh đưa cuốn sách y học cho mọi người xem để chứng minh sự học thông thái của mình. Không ngờ lật thêm trang kế tiếp chỉ thấy để vỏn vẹn hai chữ “chắc chết” ( 7 ).

Theo sách vở khoa phong thủy, hiếm khi nói tới thế rồng cuộn, hổ ngồi mà chỉ có đề cập đến thế rồng chầu hổ phục.

Nếu đúng như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về phong thủy thế rồng cuộn hổ ngồi thì đây là thế tán gia bại sản đưa đến hậu quả phải đi ăn mày. Thật vậy, rồng cuộn là rồng ngủ hay rồng bệnh. Hổ ngồi là hổ bị què hay bị liệt. Thử hỏi cai quản một đất nước mà dựa vào thế rồng bịnh hổ liệt thì chắc chắn phải đi ăn mày. Phải chăng ý nghĩa phong thủy này đã được thể hiện qua hình ảnh khủng hoảng kinh tế Việt Nam hiện nay do lạm phát và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ trong cuối tháng 6 vừa qua với cái mũ trong tay. “Hat-in-hand trip to the United States” Chuyến đi ăn xin (8)

Trái lại thế rồng chầu hổ phục là thế hùng bá thiên hạ, với con rồng bay lượn trên không luôn luôn chầu chực tuân lệnh, biểu thị cho chữ thiên (thời). Con hổ với uy phong của mình ở dáng đứng hay nằm dưới đất trong trạng thái phục tùng biểu thị chữ địa (lợi). Ông vua ở giữa cai trị biểu thị chữ Nhân (hòa). Chính vì ý nghĩa này mà các cung điện ngai vàng nhà vua thường xây dựng, thiết kết theo thế long chầu hổ phục để nói lên quyền uy tối thượng của nhà vua. Nhưng cái thế này lại rất hung hiểm, bởi vì ông vua muốn đạt được uy quyền của thế rồng chầu hổ phục, điều kiện đòi hỏi phải là minh quân, vương đạo mới có thể nhất hô bá ứng (một lời nói ra, trăm họ đều hưởng ứng). Lịch sử thời Lý, Trần đã từng có những minh quân nhất hô bá ứng qua “hịch tướng sĩ cần vương” hay “hội nghị Diên Hồng” đại phá quân Nguyên Mông. Trái lại nếu ông vua là một phường phản dân hại nước như là Lê Chiêu Thống, ngồi ở thế rồng chầu hổ phục ắt không chịu nổi tai kiếp một đời.

Trở về với tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, lãnh đạo đảng, nhà nước, thường rơi vào tình trạng trên bảo dưới không nghe, luôn luôn trốn chạy trước dân oan, người dân bị bịt miệng không cho nói, khi ra hải ngoại đều chui lòn cửa sau không hề dám giáp mặt khúc ruột ngàn dặm. Đối với ngoại bang thì âm thầm bán đất dâng biển, thì lấy đâu ra oai phong để nhất hô bá ứng theo thế rồng chầu hổ phục? chắc chắn số phận chẳng khác gì Lê Chiêu Thống.

Trước đây núi Ba Vì và sông Hồng ở thế rồng cuộn hổ ngồi bị ngăn ranh giới Hà Nội nên không phát huy được tác dụng. Lăng Hồ Chí Minh là điểm đặc trưng phong thủy tại Hà Nội. Giờ đây nhờ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhốt rồng cuộn hổ ngồi chung với đống thịt khô tại lăng Ba Đình trong cái gọi là kế hoạch mở rộng Hà Nội. Điều tất yếu phải xảy ra Hồ Chí Minh là linh hồn của đảng csvn phải bị cọp nhai, rồng xực. Phải chăng đây là điềm báo hiệu khí số đảng csvn đã hết.

Một chính trị gia sử dụng phong thủy thì kết quả cũng chẳng khác gì hơn một thằng học trò dốt làm thầy thuốc chữa bịnh ỉa chảy bằng hạt bã đậu vậy.

Ghi chú:

1)- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

2)- Phong thủy lăng Hồ Chí Minh

3)- Phong thủy Trấn Yểm Hồ Chí Minh

4)- Radio chân trời mới

5)- Phong thủy tính sổ ngày tàn chế độ CS Việt Nam

6)- Dự án mở rộng Hà Nội

7)- Cây Bã đậu. Gs. Đỗ Tất Lợi

8)- Chuyến đi ăn xin

THIÊN ĐỨC

pay per click advertising

Weblinks :

 

Thông Báo: Trang nhà Trúc Lâm Yên Tử nhận đăng quảng cáo cho các cơ sở thương mại. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của quý độc giả ở khắp mọi nơi. Đa tạ. Xin vui lòng liên lạc qua email truclamyentu@truclamyentu.info để biết thêm chi tiết. We add your banner or small texted-based on our website, please contact us at truclamyentu@truclamyentu.info. Thanks

 

 

free counters

Search: The Web    http://www.truclamyentu.info
un compteur pour votre site